Hãy đề phòng sự thiếu đức tin
“Hỡi anh em, hãy giữ lấy, kẻo ai trong anh em có lòng dữ và chẳng tin mà trái-bỏ Đức Chúa Trời hằng sống chăng” (HÊ-BƠ-RƠ 3:12).
1. Phao-lô nói với tín đồ đấng Christ người Hê-bơ-rơ về một thực tại đáng ngạc nhiên nào khiến cho chúng ta chú ý?
THẬT là một ý nghĩ đáng sợ—những người trước kia có mối quan hệ cá nhân với Đức Giê-hô-va mà lại có thể nảy sinh “lòng dữ” và “trái-bỏ Đức Chúa Trời hằng sống”! Lời cảnh giác này thật đáng sợ! Sứ đồ Phao-lô nói những lời này, không phải với những người không tin, nhưng với những người đã dâng đời sống mình cho Đức Giê-hô-va vì có đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su Christ.
2. Chúng ta cần phải xem xét những câu hỏi nào?
2 Làm thế nào một người ở trong tình trạng được ban phước về thiêng liêng có thể nảy sinh một “lòng dữ và chẳng tin”? Thật vậy, làm thế nào một người đã nếm thử tình thương và lòng nhân từ của Đức Chúa Trời lại có thể cố tình từ bỏ Ngài? Và điều này có thể xảy ra cho bất cứ người nào trong chúng ta không? Những câu này đáng cho chúng ta suy nghĩ nghiêm túc, và nó khiến chúng ta phải tìm hiểu lý do ở đằng sau lời cảnh giác này (1 Cô-rinh-tô 10:11).
Tại sao có lời khuyên mạnh mẽ như thế?
3. Hãy miêu tả hoàn cảnh ảnh hưởng đến những tín đồ đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất ở trong và chung quanh Giê-ru-sa-lem.
3 Dường như Phao-lô viết thư này cho các tín đồ đấng Christ người Hê-bơ-rơ ở Giu-đê vào năm 61 CN. Một sử gia nhận xét rằng đó là thời kỳ “không có hòa bình hay là an ninh cho bất cứ người nào thành tâm, ngay thẳng, dù ở trong thành Giê-ru-sa-lem hay ở bất cứ nơi nào trong khắp miền đó”. Đó là thời kỳ hỗn loạn và bạo động, gây ra bởi những yếu tố hỗn hợp sau đây: sự hiện diện của quân La Mã đàn áp, những người Do Thái cuồng tín làm ra vẻ can đảm chống lại La Mã, và những hoạt động phạm pháp của các tên trộm cướp đã lợi dụng tình thế hỗn loạn thời đó. Tất cả những điều này gây khó khăn cho tín đồ đấng Christ, họ cố gắng rất nhiều để tránh vướng vào những vấn đề đó (1 Ti-mô-thê 2:1, 2). Thật vậy, vì lập trường trung lập, họ bị một số người xem là không thích nghi với xã hội, ngay cả xúi giục sự nổi loạn. Tín đồ đấng Christ thường bị đối xử tồi tệ, và bị mất của cải (Hê-bơ-rơ 10:32-34).
4. Tín đồ đấng Christ người Hê-bơ-rơ phải chịu áp lực nào về mặt tôn giáo?
4 Tín đồ đấng Christ người Hê-bơ-rơ cũng bị áp lực nặng nề về mặt tôn giáo. Lòng sốt sắng của các môn đồ trung thành của Chúa Giê-su và sự gia tăng nhanh chóng của hội thánh tín đồ đấng Christ đã khiến cho những người Do Thái ghen ghét và nổi giận—nhất là các nhà lãnh đạo tôn giáo của họ. Họ dùng đủ mọi cách để quấy rối và bắt bớ môn đồ của Chúa Giê-su Christa (Công-vụ các Sứ-đồ 6:8-14; 21:27-30; 23:12, 13; 24:1-9). Dù cho một số tín đồ đấng Christ không bị bắt bớ trực diện, nhưng họ cũng bị những người Do Thái khinh miệt và chế giễu. Đạo đấng Christ đã bị khinh bỉ vì là một đạo mới lập, thiếu sự nguy nga tráng lệ của đạo Do Thái, không có đền thờ, không có chức tế lễ, không có lễ lạc, không có việc dâng của-lễ hy sinh trang trọng, v.v... Ngay cả người lãnh đạo họ là Chúa Giê-su cũng bị xử tử như một tội phạm đáng rủa. Muốn thực hành tôn giáo của họ, tín đồ đấng Christ phải có đức tin, lòng can đảm và sự chịu đựng.
5. Tại sao tín đồ đấng Christ ở Giu-đê giữ mình tỉnh táo về thiêng liêng là điều cần yếu?
5 Đặc biệt là những tín đồ đấng Christ người Hê-bơ-rơ ở Giu-đê đã sống trong một thời kỳ rất quan trọng của lịch sử nước này. Nhiều điều mà Chúa Giê-su Christ nói đánh dấu sự cuối cùng của hệ thống mọi sự của Do Thái đã xảy ra. Sự cuối cùng không còn xa nữa. Để được sống sót, tín đồ đấng Christ phải giữ mình tỉnh táo về thiêng liêng và sẵn sàng “trốn lên núi” (Ma-thi-ơ 24:6, 15, 16). Liệu họ có đức tin và nghị lực về thiêng liêng cần thiết để hành động ngay lập tức, như Chúa Giê-su đã chỉ bảo không? Dường như điều đó không chắc lắm.
6. Các tín đồ đấng Christ ở Giu-đê khẩn cấp cần điều gì?
6 Trong thập niên cuối cùng trước khi toàn thể hệ thống Do Thái sụp đổ, tín đồ đấng Christ người Hê-bơ-rơ rõ ràng ở dưới áp lực nặng nề cả trong lẫn ngoài hội thánh. Họ cần được khích lệ. Nhưng họ cũng cần được khuyên bảo và hướng dẫn để giúp họ nhìn thấy đường lối mà họ đã chọn là đúng và họ đã không khổ sở và chịu đựng một cách vô ích. Vui mừng thay, Phao-lô đã đến đúng lúc để giúp đỡ họ.
7. Tại sao chúng ta nên chú ý đến những điều Phao-lô viết cho tín đồ đấng Christ người Hê-bơ-rơ?
7 Chúng ta nên chú ý kỹ những điều Phao-lô viết cho hội thánh tín đồ đấng Christ người Hê-bơ-rơ. Tại sao vậy? Bởi vì chúng ta đang sống trong một thời kỳ cũng giống thời kỳ của họ. Hàng ngày chúng ta chịu áp lực của thế gian dưới quyền kiểm soát của Sa-tan (1 Giăng 5:19). Những lời tiên tri của Chúa Giê-su và của các sứ đồ nói về thời kỳ sau rốt và “sự cuối cùng của hệ thống mọi sự” đang được ứng nghiệm trước mắt chúng ta (Ma-thi-ơ 24:3-14, NW; 2 Ti-mô-thê 3:1-5; 2 Phi-e-rơ 3:3, 4; Khải-huyền 6:1-8). Quan trọng hơn hết, chúng ta cần phải tỉnh táo về thiêng liêng để “được tránh khỏi các tai-nạn sẽ xảy ra” (Lu-ca 21:36).
Đấng lớn hơn Môi-se
8. Khi nói những điều được ghi nơi Hê-bơ-rơ 3:1, Phao-lô đã thúc giục các anh em tín đồ đấng Christ làm gì?
8 Nói về một điểm quan trọng, Phao-lô viết: “Hãy suy kỹ đến sứ-giả và thầy tế-lễ thượng-phẩm mà chúng ta tin theo, tức là Đức Chúa Jêsus” (Hê-bơ-rơ 3:1). Để “suy kỹ” có nghĩa là “nhận biết rõ ràng..., hiểu đầy đủ, xem xét kỹ lưỡng” (Vine’s Expository Dictionary of Old and New Testament Words). Vì vậy, Phao-lô khích lệ các anh em đồng đức tin phải siêng năng cố gắng để thật sự biết ơn vai trò của Chúa Giê-su trong đức tin và sự cứu rỗi của họ. Làm như thế sẽ củng cố lòng cương quyết của họ để đứng vững trong đức tin. Thế thì vai trò của Chúa Giê-su là gì, và tại sao chúng ta nên “suy kỹ” về ngài?
9. Tại sao Phao-lô nói Chúa Giê-su là “sứ-giả” và “thầy tế-lễ thượng-phẩm”?
9 Phao-lô áp dụng từ “sứ-giả” và “thầy tế-lễ thượng-phẩm” cho Chúa Giê-su. Một “sứ-giả” là người được sai đi và ở đây muốn nói đến phương cách Đức Chúa Trời dùng để liên lạc với loài người. “Thầy tế-lễ thượng-phẩm” là người làm trung gian để loài người có thể đến gần Đức Chúa Trời. Hai sự cung cấp này rất thiết yếu cho sự thờ phượng thật và Chúa Giê-su là hiện thân của cả hai điều này. Ngài là đấng từ trời xuống để dạy dỗ nhân loại lẽ thật về Đức Chúa Trời (Giăng 1:18; 3:16; 14:6). Chúa Giê-su cũng là người đã được chỉ định để làm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm được tượng trưng trước trong sự sắp đặt về đền thờ thiêng liêng của Đức Giê-hô-va để tha thứ tội lỗi (Hê-bơ-rơ 4:14, 15; 1 Giăng 2:1, 2). Nếu chúng ta thật lòng biết ơn những ân phước mà chúng ta nhận được qua Chúa Giê-su, chúng ta sẽ có lòng can đảm và cương quyết để đứng vững trong đức tin.
10. a) Phao-lô giúp tín đồ đấng Christ người Hê-bơ-rơ hiểu đạo đấng Christ cao trọng hơn đạo Do Thái như thế nào? b) Phao-lô đã nêu ra sự thật phổ thông nào để củng cố điểm ông muốn nói?
10 Để nhấn mạnh giá trị của đức tin tín đồ đấng Christ, Phao-lô so sánh Chúa Giê-su với Môi-se, người mà dân Do Thái xem là tiên tri lớn nhất trong vòng tổ tiên họ. Nếu các tín đồ đấng Christ người Hê-bơ-rơ có thể hiểu rõ được sự kiện Chúa Giê-su lớn hơn Môi-se, họ không có lý do gì để nghi ngờ về sự cao trọng của đạo đấng Christ so với đạo Do Thái. Phao-lô nêu ra rằng mặc dù Môi-se được kể là xứng đáng để được giao cho “nhà” của Đức Chúa Trời—nước, hoặc hội thánh Y-sơ-ra-ên—ông chỉ là một tôi tớ trung tín (Dân-số Ký 12:7). Mặt khác, Chúa Giê-su là Con, người chủ của cả nhà (1 Cô-rinh-tô 11:3; Hê-bơ-rơ 3:2, 3, 5). Để củng cố điều ông nói, Phao-lô nêu ra sự thật phổ thông này: “Chẳng có một cái nhà nào không phải bởi có người dựng nên; mà Đấng đã dựng nên muôn vật, ấy là Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 3:4). Không ai có thể chối cãi sự kiện Đức Chúa Trời lớn hơn bất cứ người nào khác, vì Ngài là Đấng Dựng Nên hoặc Đấng Tạo Hóa của muôn vật. Thế thì, vì Chúa Giê-su là người cùng làm việc với Đức Chúa Trời, điều hợp lý là ngài phải lớn hơn mọi tạo vật khác, kể cả Môi-se (Châm-ngôn 8:30; Cô-lô-se 1:15-17).
11, 12. Phao-lô đã khuyến giục tín đồ đấng Christ người Hê-bơ-rơ nắm lấy điều gì một cách “vững-vàng cho đến cuối-cùng” và chúng ta có thể áp dụng lời khuyên của ông như thế nào?
11 Thật vậy, tín đồ đấng Christ người Hê-bơ-rơ ở trong một vị thế đầy ân huệ, Phao-lô nhắc nhở rằng họ là “kẻ dự phần ơn trên trời gọi”, một đặc ân đáng được quí trọng hơn bất cứ điều gì mà hệ thống Do Thái có thể cung hiến cho họ (Hê-bơ-rơ 3:1). Lời của Phao-lô chắc hẳn đã làm các tín đồ đấng Christ được xức dầu cảm thấy biết ơn vì họ được phần thừa kế một di sản mới thay vì cảm thấy nuối tiếc vì đã từ bỏ những gì có liên hệ đến di sản Do Thái của họ (Phi-líp 3:8). Thúc giục họ nắm vững đặc ân của họ và không xem thường nó, Phao-lô nói: “Đấng Christ thì trung-tín như con trai quản-trị nhà Chúa; mà nhà Chúa tức là chúng ta, miễn là chúng ta giữ vững-vàng cho đến cuối-cùng lòng tin chắc và trông-cậy, là sự chúng ta lấy làm vinh-hiển” (Hê-bơ-rơ 3:6).
12 Đúng vậy, nếu các tín đồ đấng Christ người Hê-bơ-rơ muốn sống sót qua sự kết liễu hệ thống mọi sự Do Thái, họ cần phải nắm lấy hy vọng mà Đức Chúa Trời ban cho một cách “vững-vàng cho đến cuối-cùng”. Ngày nay chúng ta cũng phải làm giống như vậy nếu muốn sống sót qua sự cuối cùng của hệ thống này (Ma-thi-ơ 24:13). Chúng ta đừng để những sự lo lắng đời này, sự thờ ơ của người ta hay là những khuynh hướng bất toàn của chúng ta làm lung lay đức tin nơi những lời Đức Chúa Trời đã hứa (Lu-ca 21:16-19). Để hiểu rõ làm thế nào chúng ta có thể giữ vững lấy mình, chúng ta hãy chú ý đến lời của Phao-lô sau đó.
“Chớ cứng lòng”
13. Phao-lô đã cho lời cảnh giác nào và ông áp dụng Thi-thiên 95 như thế nào?
13 Sau khi nói về địa vị ân huệ của tín đồ đấng Christ người Hê-bơ-rơ, Phao-lô cho lời cảnh giác này: “Như Đức Thánh-Linh phán rằng: Ngày nay nếu các ngươi nghe tiếng Ngài, thì chớ cứng lòng, như lúc nổi loạn, là ngày thử Chúa trong đồng vắng” (Hê-bơ-rơ 3:7, 8). Phao-lô trích lời này trong Thi-thiên 95, và do đó có thể nói “Đức Thánh-Linh phán”b (Thi-thiên 95:7, 8; Xuất Ê-díp-tô Ký 17:1-7). Kinh-thánh được Đức Chúa Trời soi dẫn bằng thánh linh của Ngài (2 Ti-mô-thê 3:16).
14. Dân Y-sơ-ra-ên đáp ứng như thế nào trước những điều Đức Giê-hô-va đã làm cho họ và tại sao?
14 Sau khi được thoát khỏi ách nô lệ ở Ai Cập, dân Y-sơ-ra-ên đã có vinh dự lớn để vào một mối liên lạc giao ước với Đức Giê-hô-va (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:4, 5; 24:7, 8). Tuy nhiên, thay vì tỏ lòng biết ơn những gì Đức Chúa Trời đã làm cho họ, không bao lâu sau đó họ đã dấy loạn (Dân-số Ký 13:25–14:10). Tại sao chuyện đó có thể xảy ra? Phao-lô nêu ra lý do: sự cứng lòng. Nhưng làm thế nào lòng nhạy cảm và đáp ứng theo Lời Đức Chúa Trời lại trở nên cứng được? Và chúng ta phải làm gì để tránh điều đó?
15. a) ‘Tiếng của Đức Chúa Trời’ được nghe như thế nào, trong quá khứ và hiện tại? b) Nói về ‘tiếng của Đức Chúa Trời’, chúng ta cần phải hỏi chính mình những câu hỏi nào?
15 Phao-lô bắt đầu lời cảnh giác với mệnh đề điều kiện “nếu các ngươi nghe tiếng Ngài”. Đức Chúa Trời nói với dân Ngài qua trung gian Môi-se và những nhà tiên tri khác. Rồi Đức Giê-hô-va nói với họ qua trung gian Con Ngài, Chúa Giê-su Christ (Hê-bơ-rơ 1:1, 2). Ngày nay, chúng ta có đầy đủ Lời được soi dẫn của Đức Chúa Trời, tức là Kinh-thánh. Chúng ta cũng có “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” được Chúa Giê-su bổ nhiệm để cung cấp “đồ-ăn” thiêng liêng “đúng giờ” (Ma-thi-ơ 24:45-47). Vì vậy Đức Chúa Trời vẫn còn nói, nhưng chúng ta có nghe không? Thí dụ, chúng ta phản ứng như thế nào trước lời khuyên về cách ăn mặc chải chuốt hay là sự chọn lựa cách giải trí và âm nhạc? Chúng ta có “nghe”, nghĩa là chú tâm và vâng theo những gì đã nghe không? Nếu chúng ta có thói quen viện cớ hay là chống lại những lời khuyên tức là chúng ta đưa mình vào sự nguy hiểm ngấm ngầm là bị cứng lòng.
16. Một cách nào có thể khiến lòng chúng ta trở nên cứng?
16 Chúng ta có thể trở nên cứng lòng nếu thoái thác làm những điều chúng ta có thể làm và nên làm (Gia-cơ 4:17). Bất chấp những điều mà Đức Chúa Trời đã làm cho họ, dân Y-sơ-ra-ên đã không thực hành đức tin, phản loạn chống lại Môi-se, chọn tin theo báo cáo xấu về đất Ca-na-an và từ chối vào Đất Hứa (Dân-số Ký 14:1-4). Vì vậy Đức Giê-hô-va đã ra lệnh là họ phải lưu lạc 40 năm trong đồng vắng—thời gian đủ dài để những người thuộc thế hệ không tin đó chết đi. Vì phẫn nộ với họ, Đức Chúa Trời nói: “Lòng chúng nó lầm-lạc luôn, chẳng từng biết đường-lối ta. Nầy là lời thề mà ta lập trong cơn thạnh-nộ, rằng: Chúng nó sẽ chẳng hề vào sự yên-nghỉ của ta!” (Hê-bơ-rơ 3:9-11). Chúng ta có thấy bài học cho chính mình trong vấn đề này không?
Một bài học cho chúng ta
17. Mặc dù thấy được việc làm phi thường của Đức Giê-hô-va và nghe lời phán Ngài, tại sao dân Y-sơ-ra-ên vẫn thiếu đức tin?
17 Thế hệ của dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập đã thấy tận mắt những việc phi thường của Đức Giê-hô-va và nghe tận tai lời phán hùng hồn của Ngài. Tuy nhiên, họ vẫn không tin là Đức Chúa Trời có thể đưa họ vào Đất Hứa một cách an toàn. Tại sao? Đức Giê-hô-va nói: “Chúng chẳng từng biết đường-lối ta”. Họ biết những gì Đức Giê-hô-va đã nói và làm, nhưng họ không phát triển lòng tin tưởng và tin cậy là Ngài có khả năng chăm sóc cho họ. Họ chỉ nghĩ đến nhu cầu và sự ham muốn riêng mà không nghĩ gì đến đường lối và ý định của Đức Chúa Trời. Đúng vậy, họ đã thiếu đức tin nơi lời hứa của Ngài.
18. Theo Phao-lô, đường lối hành động nào sinh ra từ “lòng dữ và chẳng tin”?
18 Những lời sau đây cho người Hê-bơ-rơ cũng có áp dụng cho chúng ta ngày nay: “Hỡi anh em, hãy giữ lấy, kẻo ai trong anh em có lòng dữ và chẳng tin mà trái-bỏ Đức Chúa Trời hằng sống chăng” (Hê-bơ-rơ 3:12). Phao-lô đi thẳng vào gốc rễ của vấn đề bằng cách nêu ra rằng “lòng dữ và chẳng tin” là hậu quả của việc “trái-bỏ Đức Chúa Trời hằng sống”. Trước đó trong thư này, ông nói về “bị trôi lạc” bởi vì sự không chú ý (Hê-bơ-rơ 2:1). Tuy nhiên, từ Hy Lạp được dịch ra “trôi lạc” có nghĩa là “tránh xa” và có liên hệ với chữ “bội đạo”. Chữ này ám chỉ sự cố tình chống trả, rút ra và bỏ đi với vẻ khinh bỉ.
19. Việc không nghe lời khuyên có thể đưa đến những hậu quả tai hại như thế nào? Hãy minh họa.
19 Do đó, chúng ta rút tỉa ra bài học là nếu chúng ta có thói quen không “nghe tiếng Ngài”, lờ đi những lời khuyên của Đức Giê-hô-va qua Lời Ngài và lớp người đầy tớ trung tín, thì chẳng bao lâu lòng của chúng ta sẽ bị chai cứng. Thí dụ, hai người chưa cưới hỏi có thể quá thân mật với nhau. Sau đó nếu họ lờ đi vấn đề thì sao? Liệu điều đó có che chở họ để tránh lặp lại những điều họ đã làm hay là chỉ khiến họ dễ làm lại lần nữa? Tương tự như vậy, khi lớp người đầy tớ khuyên chúng ta cần phải chọn lọc về vấn đề âm nhạc và giải trí, v.v..., chúng ta có chấp nhận với lòng biết ơn và thay đổi khi cần thiết không? Phao-lô khuyên giục chúng ta “chớ bỏ sự nhóm lại” (Hê-bơ-rơ 10:24, 25). Bất chấp lời khuyên này, một số người có thái độ thờ ơ đối với các buổi họp của đạo đấng Christ. Họ có thể cảm thấy lỡ vài buổi họp hay là bỏ hẳn buổi họp nào đó thì không sao cả.
20. Tại sao chúng ta cần phải đáp ứng một cách tích cực trước những lời khuyên trong Kinh-thánh?
20 Nếu chúng ta không đáp ứng một cách tích cực khi nghe “tiếng” của Đức Giê-hô-va nói rõ ràng qua Kinh-thánh và những ấn phẩm dựa trên Kinh-thánh, chẳng bao lâu sau chúng ta sẽ thấy rằng mình “trái-bỏ Đức Chúa Trời hằng sống”. Tiêu cực lờ đi lời khuyên có thể dễ khiến mình trở nên tích cực xem thường, chỉ trích và chống đối lời khuyên đó. Nếu không sửa đổi lại, thì hậu quả là chúng ta có “lòng dữ và chẳng tin”, và thường khó được phục hồi lắm. (So sánh Ê-phê-sô 4:19). Giê-rê-mi viết một cách thích hợp: “Lòng người ta là dối-trá hơn mọi vật, và rất là xấu-xa: ai có thể biết được?” (Giê-rê-mi 17:9). Vì lý do này, Phao-lô khuyến khích anh em tín đồ người Hê-bơ-rơ: “Hằng ngày anh em hãy khuyên-bảo lẫn nhau, đang khi còn gọi là ‘Ngày nay,’ hầu cho trong anh em không ai bị tội-lỗi dỗ-dành mà cứng lòng” (Hê-bơ-rơ 3:13).
21. Tất cả chúng ta được khuyên làm gì và chúng ta có triển vọng nào?
21 Chúng ta vui mừng biết bao về việc Đức Giê-hô-va vẫn còn nói với chúng ta ngày nay, qua Lời Ngài và tổ chức của Ngài! Chúng ta rất biết ơn “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” tiếp tục giúp chúng ta “giữ lòng tin ban đầu của chúng ta cho vững-bền đến cuối-cùng” (Hê-bơ-rơ 3:14). Bây giờ là lúc chúng ta đáp lại tình yêu thương và sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Khi làm như thế, chúng ta có thể hưởng được những lời hứa tuyệt diệu khác của Đức Giê-hô-va—được “vào” sự yên nghỉ của Ngài (Hê-bơ-rơ 4:3, 10). Đây là đề tài mà Phao-lô nói kế tiếp với những tín đồ đấng Christ người Hê-bơ-rơ và cũng là đề tài mà chúng ta sẽ xem xét trong bài tới.
[Chú thích]
a Sử gia Josephus tường thuật rằng sau khi Phê-tu chết, A-na-nia thuộc phái Sa-đu-sê trở thành thầy cả thượng phẩm. Ông đã bắt Gia-cơ, em cùng mẹ khác cha với Chúa Giê-su, và những môn đồ khác ra trước Tòa Công Luận và họ đã bị kết án tử hình và bị ném đá.
b Phao-lô hẳn là đã trích từ bản Septuagint bằng tiếng Hy Lạp, bản này dịch chữ Hê-bơ-rơ “Mê-ri-ba” và “Ma-sa” là “cãi-lộn” và “ướm-thử”. Hãy xem trang 350 và 379 trong Quyển 2 cuốn Insight on the Scriptures, do Watchtower Bible and Tract Society of New York, Inc. xuất bản.
Bạn có thể giải thích không?
◻ Tại sao Phao-lô viết những lời khuyên bảo mạnh mẽ cho tín đồ đấng Christ người Hê-bơ-rơ?
◻ Làm thế nào Phao-lô giúp tín đồ đấng Christ người Hê-bơ-rơ quí trọng những gì họ có hơn là đời sống theo Do Thái Giáo?
◻ Lòng một người trở nên cứng như thế nào?
◻ Chúng ta phải làm gì để tránh nảy sinh “lòng dữ và chẳng tin”?
[Hình nơi trang 10]
Bạn có thực hành đức tin nơi Chúa Giê-su, tức Môi-se Lớn không?