Hãy vâng lời những người dẫn dắt
“Hãy vâng lời kẻ dắt-dẫn anh em và chịu phục các người ấy,—bởi các người ấy tỉnh-thức về linh-hồn anh em, dường như phải khai-trình” (HÊ-BƠ-RƠ 13:17).
1. Công việc của các giám thị tín đồ đấng Christ đem lại lợi ích cho chúng ta như thế nào?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA cung cấp các giám thị cho tổ chức của Ngài trong “kỳ cuối-cùng” nầy (Đa-ni-ên 12:4). Họ dẫn đầu trong việc chăm nom những người giống như chiên và sự trông nom của họ làm cho dễ chịu (Ê-sai 32:1, 2). Hơn nữa, sự chăm nom đầy yêu thương bởi các trưởng lão mà đối xử dịu dàng với bầy của Đức Chúa Trời giúp che chở để khỏi bị Sa-tan và hệ thống gian ác nầy làm hại (Công-vụ các Sứ-đồ 20:28-30; I Phi-e-rơ 5:8; I Giăng 5:19).
2. Một số người nghĩ thế nào về sứ đồ Phao-lô, nhưng thái độ nào đối với trưởng lão mới là đúng?
2 Nhưng bạn xem các trưởng lão thế nào? Trong lòng bạn, bạn có nói: “Tôi không bao giờ đến một trưởng lão nào trong hội-thánh nầy nếu gặp vấn đề khó khăn, vì tôi không tin tưởng nơi ai trong họ cả” hay không? Nếu bạn nghĩ như thế, có thể bạn quá nhấn mạnh đến sự bất toàn của họ chăng? Trong thành Cô-rinh-tô xưa, có một số người nói về sứ đồ Phao-lô: “Các thơ của người nặng lời và bạo-mạnh; nhưng đến khi có mặt thì người yếu-đuối và lời nói chẳng có giá gì”. Tuy vậy, Đức Chúa Trời giao phó cho Phao-lô một thánh chức và dùng ông để làm “sứ-đồ cho dân ngoại” (II Cô-rinh-tô 10:10; Rô-ma 11:13; I Ti-mô-thê 1:12). Vậy thì hãy hy vọng là bạn cảm thấy giống như một chị đã nói: “Chúng tôi có một hội đồng trưởng lão tốt nhất trên đời. Họ sẵn sàng giúp đỡ khi cần đến”.
Tại sao vâng lời họ
3. Nếu Chúa ở cùng tâm thần chúng ta, chúng ta nên xem những người chăn dắt phụ như thế nào?
3 Vì Đấng Chăn giữ Lớn là Đức Giê-hô-va cung cấp các người chăn phụ trong vòng tín đồ đấng Christ, bạn nghĩ thế nào về cách mà Ngài muốn chúng ta xem họ? Chắc chắn, Đức Chúa Trời mong rằng chúng ta đi theo sự hướng dẫn dựa trên Kinh-thánh nhận được qua các giám thị đầy yêu thương dưới sự trông nom của Hội đồng Lãnh đạo Trung ương của Nhân-chứng Giê-hô-va. Rồi “Chúa ở cùng tâm-thần chúng ta”, chúng ta sẽ hưởng được sự bình an, và sẽ được xây dựng về phương diện thiêng liêng. (II Ti-mô-thê 4:22; so sánh Công-vụ các Sứ-đồ 9:31; 15:23-32).
4. Chúng ta có thể áp dụng Hê-bơ-rơ 13:7 thế nào cho chính mình?
4 Phao-lô khuyên: “Hãy nhớ những người dắt-dẫn mình đã truyền đạo Đức Chúa Trời cho mình; hãy nghĩ xem sự cuối-cùng đời họ là thể nào, và học-đòi đức-tin họ” (Hê-bơ-rơ 13:7). Giữa các tín đồ đấng Christ thời ban đầu, các sứ đồ có phận sự dẫn dắt chính. Ngày nay, chúng ta có thể quan sát những anh hợp thành Hội đồng Lãnh đạo Trung ương của Nhân-chứng Giê-hô-va, các giám thị khác được xức dầu và những người thuộc “đám đông vô-số người” đang dẫn dắt chúng ta (Khải-huyền 7:9). Mặc dù chúng ta không được khuyên bắt chước giọng nói, dáng điệu hay các nét khác của họ, chúng ta có thể làm cho hạnh kiểm của chúng ta tốt hơn bằng cách bắt chước đức tin của họ.
5. Trên đất ngày nay, ai có trách nhiệm chính trong việc chăm sóc cho hội-thánh tín đồ đấng Christ và họ đáng được gì?
5 Trên đất ngày nay, trách nhiệm chính liên quan đến việc chăm sóc nhu cầu thiêng liêng của chúng ta được giao cho lớp người “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”. Hội đồng Lãnh đạo Trung ương đại diện cho họ để dẫn dắt và điều hợp công việc rao giảng trên khắp đất về Nước Trời (Ma-thi-ơ 24:14, 45-47). Nhất là các trưởng lão được xức dầu bằng thánh linh có thể được đặc biệt xem như người lãnh đạo phần thiêng liêng, vì Hê-bơ-rơ 13:7 có thể đọc là: “Anh em hãy nhớ đến những người lĩnh đạo anh em” (Bản dịch linh mục Nguyễn thế Thuấn, [Hipri 13 7]). Với hơn 60.190 hội-thánh và hơn 3.700.000 người tuyên bố về Nước Trời, 12 trưởng lão hợp thành Hội đồng Lãnh đạo Trung ương “làm công-việc Chúa cách dư-dật luôn” (I Cô-rinh-tô 15:58). Vì cớ chức vụ mà Đức Chúa Trời ban cho họ, họ đáng được chúng ta hết lòng hợp tác, cũng như hội đồng Lãnh đạo Trung ương trong thế kỷ thứ nhất đã có được sự hợp tác của các tín đồ đấng Christ thời ban đầu (Công-vụ các Sứ-đồ 15:1, 2).
6. Các trưởng lão làm một số việc gì có lợi cho dân sự của Đức Giê-hô-va?
6 Các giám thị đã được thánh linh bổ nhiệm để chăm nom nhu cầu thiêng liêng của hội-thánh (Công-vụ các Sứ-đồ 20:28). Họ chăm lo làm sao cho thông điệp Nước Trời được rao giảng trong khu vực của hội-thánh đại phương. Những người hội đủ điều kiện thiêng liêng nầy cũng cung cấp sự hướng dẫn đầy yêu thương. Họ khuyên nhủ, an ủi và làm chứng cho các anh chị em thiêng liêng của họ, để những người nầy có thể tiếp tục bước đi xứng đáng với Đức Chúa Trời (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:7, 8, 11, 12). Ngay khi có một người nào đó lỡ lầm lạc trước khi biết mình sai, các anh nầy tìm cách chỉnh lại người đó với “lòng mềm-mại” (Ga-la-ti 6:1).
7. Phao-lô khuyên gì nơi Hê-bơ-rơ 13:17?
7 Lòng chúng ta được thúc đẩy để hợp tác với các giám thị đầy yêu thương đó. Điều nầy thích hợp với điều Phao-lô viết: “Hãy vâng lời kẻ dắt-dẫn anh em và chịu phục các người ấy,—bởi các người ấy tỉnh-thức về linh-hồn anh em, dường như phải khai-trình,—hầu cho các người ấy lấy lòng vui-mừng mà làm xong chức-vụ mình, không phàn-nàn chi, vì ấy chẳng ích-lợi gì cho anh em” (Hê-bơ-rơ 13:17). Chúng ta nên hiểu lời khuyên nầy thế nào?
8, 9. a) Theo Hê-bơ-rơ 13:17, tại sao chúng ta nên vâng lời những người dẫn dắt đó? b) Sự vâng lời và phục tùng của chúng ta có thể có ảnh hưởng tốt nào?
8 Phao-lô khuyên chúng ta vâng lời những người lãnh đạo chúng ta về thiêng liêng. Chúng ta phải “chịu phục” hay tuân theo những người chăn phụ nầy. Tại sao? Bởi vì “các người ấy tỉnh-thức về linh-hồn” chúng ta hay sự sống của chúng ta đã dâng cho Đức Chúa Trời rồi. Và họ “tỉnh-thức” thế nào? Ở đây động từ Hy-lạp a.gru.pne’o trong thì hiện tại chủ động có nghĩa đen là các trưởng lão “kiêng ngủ”. Điều nầy làm chúng ta nhớ về một người chăn đơn độc bỏ ngủ để che chở cho bầy súc vật mình khỏi bị nguy hiểm lúc đêm hôm. Đôi khi, các trưởng lão thức thâu đêm chuyên lo việc cầu nguyện cho bầy của Đức Chúa Trời hay ban sự giúp đỡ thiêng liêng cho những anh em cùng đức tin. Chúng ta nên biết ơn về việc phụng sự trung thành của họ là dường nào! Chắc chắn, chúng ta không muốn giống như “kẻ chẳng tin-kính” thời Giu-đe, dám “khinh-dể quyền-phép rất cao và nói hỗn các đấng tôn-trọng”, những trưởng lão tín đồ đấng Christ được xức dầu được Đức Chúa Trời ban cho sự vinh hiển hay danh dự (Giu-đe 3, 4, 8).
9 Đức Giê-hô-va sẽ buồn lòng nếu chúng ta không vâng lời và tuân theo các giám thị tín đồ đấng Christ. Điều nầy cũng là gánh nặng cho họ và sẽ làm chúng ta bị thiệt hại trên bình diện thiêng liêng. Nếu chúng ta không hợp tác, các trưởng lão có thể thở dài trong khi thi hành bổn phận, có lẽ với tinh thần chán nản mà có thể làm cho chúng ta mất vui trong các hoạt động thuộc tín đồ đấng Christ. Nhưng sự vâng lời và phục tùng của chúng ta khuyến khích hành vi tin kính và làm vững mạnh đức tin chúng ta. “Chúa ở cùng tâm thần chúng ta” và niềm vui được tăng thêm trong bầu không khí hợp tác, bình an và hợp nhất thể ấy (II Ti-mô-thê 4:22; Thi-thiên 133:1).
10. Theo I Ti-mô-thê 5:17, tại sao những người khéo cai trị hội-thánh đáng được kính trọng?
10 Sự vâng lời và phục tùng của chúng ta đối với các trưởng lão trong hội-thánh không có nghĩa là chúng ta làm đẹp lòng loài người. Điều đó là trái với Kinh-thánh, vì các tín đồ làm đầy tớ trong thế kỷ thứ nhất được dặn là phải vâng lời chủ của họ “không những hầu việc trước mắt họ, như mình tìm cách cho đẹp lòng người ta, nhưng vì kính-sợ Chúa [Đức Giê-hô-va], hãy lấy lòng thật-thà mà hầu việc” (Cô-lô-se 3:22; Ê-phê-sô 6:5, 6). Các giám thị “khéo cai-trị hội-thánh, và chịu chức rao-giảng và dạy-dỗ” đáng được kính trọng chính là vì sự dạy dỗ của họ dựa trên Lời Đức Chúa Trời. Như Phao-lô viết, “các trưởng-lão khéo cai-trị Hội-thánh thì mình phải kính-trọng bội-phần, nhứt là những người chịu chức rao-giảng và dạy-dỗ. Vì Kinh-thánh rằng: Ngươi chớ khớp miệng con bò đương đạp lúa; và người làm công thì đáng được tiền công mình” (I Ti-mô-thê 5:17, 18).
11. Bằng cách nào một trưởng lão có thể được “kính-trọng bội-phần”, nhưng anh phải tránh điều gì?
11 Lời vừa được trích dẫn của Phao-lô chỉ rõ rằng có thể dành sự giúp đỡ vật chất chính đáng cho những người chăm nom lợi ích thiêng liêng của người khác. Tuy nhiên, điều nầy không có nghĩa là các trưởng lão nên lãnh lương, và một trưởng lão chắc hẳn không nên đòi được “kính-trọng bội-phần”. Anh em trong hội-thánh có thể tự ý giúp một trưởng lão, nhưng anh không bao giờ dùng sự bổ nhiệm của mình để cậy quyền thế hoặc trục lợi vật chất. Anh không nên tìm sự vinh hiển riêng cho mình hay là chỉ chuyên giao thiệp với những người khá giả hơn vì lợi vật chất và bỏ bê những người khác (Châm-ngôn 25:27; 29:23; Giu-đe 16). Thay vì thế, một giám thị phải chăn bầy của Đức Chúa Trời “bởi vui lòng, chẳng phải vì lợi dơ-bẩn, bèn là hết lòng mà làm” (I Phi-e-rơ 5:2).
12. Nhớ điều gì trong trí có thể giúp chúng ta vâng lời những người dẫn dắt giữa chúng ta?
12 Chúng ta được giúp đỡ để vâng lời và kính trọng những người dẫn dắt đó nếu chúng ta nhớ rằng chính Đức Chúa Trời đã cung cấp các trưởng lão (Ê-phê-sô 4:7-13). Vì những người nầy được thánh linh bổ nhiệm và tổ chức Đức Chúa Trời chiếm phần quan trọng trong đời sống của các Nhân-chứng Giê-hô-va, chắc chắn chúng ta muốn bày tỏ lòng biết ơn và kính trọng đối với sự sắp đặt thần quyền. Hơn nữa, chúng ta có thể giúp đỡ những người mới phát triển thái độ nầy nếu chúng ta làm gương tốt về sự vâng lời và phục tùng những người có trách nhiệm dẫn dắt chúng ta.
Tại sao biết ơn chức vụ của họ?
13. a) Có quan điểm trái ngược nào về việc lãnh đạo của thế gian và trong tổ chức của Đức Chúa Trời? b) Chúng ta có lý do chính đáng nào để tin cậy nơi những người dẫn dắt chúng ta? c) Thay vì phóng đại sự bất toàn của các trưởng lão làm việc hết lòng, chúng ta nên làm gì?
13 Trên thế giới có khuynh hướng bác bỏ sự lãnh đạo. Như một diễn giả đã nói, “trình độ giáo dục cao đã cải tiến tài năng chung để rồi những người đi theo đã trở thành hay chỉ trích đến độ hầu như không ai có thể hướng dẫn họ được nữa”. Nhưng lối suy nghĩ tự lập không thể chiếm ưu thế trong tổ chức Đức Chúa Trời và chúng ta có lý do chính đáng để tin cậy nơi những người dẫn dắt chúng ta. Thí dụ, chỉ những người hội đủ điều kiện theo Kinh-thánh mới được bổ nhiệm làm trưởng lão (I Ti-mô-thê 3:1-7). Họ được huấn luyện để có lòng tử tế, yêu thương và hay giúp đỡ nhưng cương quyết giữ đúng các tiêu chuẩn công bình của Đức Giê-hô-va. Các trưởng lão tôn trọng triệt để lẽ thật của Kinh-thánh “hằng giữ đạo thật y như đã nghe dạy, hầu cho có thể theo đạo lành mà khuyên-dỗ người ta” (Tít 1:5-9). Dĩ nhiên, chúng ta không nên phóng đại sự bất toàn của họ vì tất cả chúng ta đều bất toàn (I Các Vua 8:46; Rô-ma 5:12). Thay vì cảm thấy bực bội vì khả năng của họ có hạn và coi nhẹ lời khuyên bảo của họ, chúng ta hãy biết ơn và chấp nhận sự hướng dẫn dựa vào Kinh-thánh của các trưởng lão coi như là đến từ Đức Chúa Trời.
14. Theo I Ti-mô-thê 1:12, một trưởng lão nên xem thế nào thánh chức được giao cho anh?
14 Phao-lô là người có lòng biết ơn đã nói: “Ta cảm-tạ đấng ban thêm sức cho ta, là Chúa Giê-su Christ, Chúa chúng ta, về sự ngài đã xét ta là trung-thành, lập ta làm kẻ giúp việc” (I Ti-mô-thê 1:12). Thánh chức hay chức vụ đó gồm công việc rao giảng và phục vụ những người cùng đức tin. Mặc dù một giám thị được bổ nhiệm bởi thánh linh để làm người chăn dắt, điều nầy không nên làm anh cảm thấy quan trọng hơn người khác vì chính anh cũng là một phần trong bầy chiên của Đức Chúa Trời (I Phi-e-rơ 5:4). Thay vì thế, anh nên biết ơn Đầu của hội-thánh là Giê-su Christ, ngài đã xem anh là người xứng đáng hầu việc những người ở trong bầy và Đức Chúa Trời cho anh hội đủ điều kiện bằng cách ban cho anh một mức độ hiểu biết, khôn ngoan và thông hiểu (II Cô-rinh-tô 3:5). Vì một trưởng lão có lý do để mang ơn đặc ân mà Đức Chúa Trời đã ban cho anh, những người khác trong hội-thánh nên biết ơn thánh chức hay chức vụ nầy.
15. Lời khuyên của Phao-lô nơi I Tê-sa-lô-ni-ca 5:12, 13 có thực chất nào?
15 Các Nhân-chứng Giê-hô-va biết ơn tổ chức mà Đức Chúa Trời đã xây dựng trong những ngày cuối cùng nầy, và sự biết ơn đó thúc đẩy chúng ta kính trọng các trưởng lão. Chúng ta nên vui vẻ hợp tác hết lòng với sự sắp đặt mà họ làm vì lợi ích của chúng ta. Phao-lô nói: “Hỡi anh em, xin anh em kính-trọng kẻ có công-khó trong vòng anh em, là kẻ tuân-theo Chúa mà chỉ-dẫn và dạy-bảo anh em. Hãy lấy lòng rất yêu-thương đối với họ vì cớ công-việc họ làm” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:12, 13). Áp dụng lời khuyên nầy đem lại sự vui mừng và ân phước của Đức Giê-hô-va.
Hãy mau mắn áp dụng lời khuyên bảo
16, 17. Các trưởng lão có thể ban lời khuyên nào về hôn nhân, và làm theo lời khuyên đó đưa đến kết quả nào?
16 Phao-lô khuyên Tít “lấy quyền đầy-đủ mà khuyên-bảo quở-trách” (Tít 2:15). Tương tợ như thế, những đại diện của Đức Chúa Trời ngày nay hướng chúng ta đến những nguyên tắc và luật pháp của Kinh-thánh. Có lý do chính đáng để chấp nhận lời khuyên nhủ được lặp đi lặp lại là hãy áp dụng lời khuyên bảo và sự hướng dẫn của tổ chức Đức Giê-hô-va và các trưởng lão được bổ nhiệm.
17 Để thí dụ: Các trưởng lão có thể khuyên một tín đồ đấng Christ nên theo lời khuyên của Kinh-thánh là chỉ lấy vợ hay chồng “theo ý Chúa” (I Cô-rinh-tô 7:39; Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:3, 4). Họ có thể chỉ cho thấy lấy một người không báp têm có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng, ngay cả Vua Sa-lô-môn còn phạm tội nặng vì lấy vợ ngoại quốc, các bà nầy đã xui khiến cho lòng ông thiên về các thần giả và lìa bỏ Đức Chúa Trời (I Các Vua 11:1-6). Các trưởng lão cũng có thể giải thích là E-xơ-ra đã buộc những người đàn ông Do-thái bỏ các bà vợ ngoại giáo của họ, và Nê-hê-mi đã nói những ai lấy người không tin là “làm những điều ác lớn nầy, vi-phạm cùng Đức Chúa Trời”. (Nê-hê-mi 13:23-27; E-xơ-ra 10:10-14; cũng xem Tháp Canh [Anh-ngữ], số ra ngày 15-3-1982, trang 31; ngày 15-11-1986, trang 26-30). Ân phước và sự thỏa lòng vì làm vui lòng Đức Giê-hô-va là kết quả của việc áp dụng lời khuyên trong Kinh-thánh mà các trưởng lão đầy yêu thương ban cho.
18. Xem xét những gì Phao-lô viết nơi I Cô-rinh-tô 5:9-13, chúng ta nên phản ứng ra sao nếu có một người trong gia đình bị khai trừ?
18 Cũng là đúng để tôn trọng những quyết định tư pháp của các trưởng lão. Phao-lô đã nói với các tín đồ đấng Christ thành Cô-rinh-tô “đừng làm bạn với kẻ nào tự xưng là anh em, mà là gian-dâm, hoặc tham-lam, hoặc thờ hình-tượng, hoặc chưởi-rủa, hoặc say-sưa, hoặc [tống tiền], cũng không nên ăn chung với người thể ấy”. Họ phải “trừ-bỏ kẻ gian-ác khỏi họ” (I Cô-rinh-tô 5:9-13). Nhưng bạn sẽ hành động thế nào nếu một trong những người thân của bạn bị khai trừ? Trong khi có thể cần giữ sự liên lạc trong mức giới hạn để lo chuyện gia đình, mọi sự kết hợp về mặt thiêng liêng với người thân bị khai trừ sẽ phải bị gián đoạn. (Xem Tháp Canh 1-1-1989, trang 8-12). Chắc chắn, sự trung thành với Đức Chúa Trời và tổ chức của Ngài nên thúc đẩy chúng ta tôn trọng những quyết định tư pháp của các giám thị.
19. Chúng ta nên làm gì nếu các trưởng lão chỉ cho chúng ta thấy là chúng ta đi lầm đường trên bình diện thiêng liêng?
19 Không phải là dễ tiếp tục đi trong con đường hẹp dẫn đến sự sống. Muốn làm thế, chúng ta phải noi theo sự hướng dẫn được ban cho trong Lời Đức Chúa Trời và bởi những người nhận được trách nhiệm chăn chiên trong tổ chức của Ngài (Ma-thi-ơ 7:13, 14). Nếu đi từ thành phố nầy đến thành phố khác bằng xe hơi và quẹo sai đường, chúng ta cần phải hành động để chuyển hướng. Nếu không, chúng ta sẽ không bao giờ đến nơi dự định. Tương tợ như thế, nếu các trưởng lão chỉ cho chúng ta thấy là chúng ta đi lầm đường trên bình diện thiêng liêng, có lẽ bằng cách ve vãn một người không tin đạo, chúng ta nên mau mắn áp dụng những lời khuyên của họ dựa trên Kinh-thánh. Điều nầy là một cách để chứng tỏ rằng chúng ta “tin-cậy Đức Giê-hô-va” (Châm-ngôn 3:5, 6).
Tôn trọng ngay trong việc nhỏ
20. Bằng cách tự đặt cho mình các câu hỏi nào, chúng ta có thể được giúp tỏ sự kính trọng đối với sự hướng dẫn của các trưởng lão ngay trong những vấn đề nhỏ?
20 Chúng ta cần bày tỏ sự kính trọng đối với sự hướng dẫn của các trưởng lão ngay cả trong những vấn đề nhỏ. Vậy chúng ta có thể tự hỏi: “Tôi có tinh thần hợp tác nếu trưởng lão nhờ chúng ta đi viếng thăm những người bị bịnh hay huấn luyện những người mới trong thánh chức rao giảng không? Tôi có sẵn sàng chấp nhận những bài giảng trong các buổi nhóm họp và chuẩn bị kỹ lưỡng không? Tôi có hưởng ứng lời nhắn nhủ của trưởng lão về việc giữ chỗ ngồi tại hội nghị, cách ăn mặc, v.v..., hay không? Tôi có hợp tác khi họ nhờ chúng ta phụ giúp trong việc quét dọn Phòng Nước Trời, mau mắn góp báo cáo rao giảng và đến buổi họp đúng giờ không?”
21. Sự kiện chúng ta tôn trọng các trưởng lão có thể gợi lại trong trí những lời nói nào của Giê-su?
21 Các giám thị hội-thánh quí trọng sự hợp tác của chúng ta và điều đó đem lại nhiều kết quả tốt. Thật vậy, việc chúng ta tôn trọng và hợp tác ngay trong việc nhỏ có thể gợi lại trong trí chúng ta lời của Giê-su: “Ai trung-tín trong việc rất nhỏ, cũng trung-tín trong việc lớn” (Lu-ca 16:10). Chắc chắn chúng ta muốn được xem là trung tín.
Tiếp tục đáp ứng sự chăm sóc đầy yêu thương
22. Việc chăm sóc đầy yêu thương của đầy tớ trung tín và các trưởng lão trong hội-thánh đem lại những lợi ích nào?
22 Các lợi ích đến từ sự chăm sóc đầy yêu thương của lớp người đầy tớ trung tín và các trưởng lão trong hội-thánh chứng tỏ Đức Giê-hô-va ban phước dồi dào cho tổ chức của Ngài trên đất. Hơn nữa, sự hướng dẫn khéo léo bởi các trưởng lão phối hợp khả năng của họ lại với nhau và khuyến khích sự hợp nhất giữa chúng ta. Điều đó cũng đưa đến kết quả là sự cố gắng để gia tăng quyền lợi Nước Trời được phối hợp và đi đến thành công. Thật vậy, một kết quả chắc chắn đến từ sự thành tâm đáp ứng đối với công việc giám thị của những người dẫn dắt là sự kiện Đức Chúa Trời ban phước cho công việc rao giảng và đào tạo môn đồ mà chúng ta thực hiện (Ma-thi-ơ 28:19, 20). Sự hợp tác của chúng ta với các trưởng lão cũng góp phần vào việc chuẩn bị cho chúng ta sống đời đời trong hệ thống mọi sự mới.
23. Theo lời ghi nơi I Giăng 5:3, chúng ta nên được thúc đẩy làm gì?
23 Vì chúng ta yêu mến Đức Giê-hô-va, việc vâng lời Ngài không phải là một bổn phận khó chịu. Sứ đồ Giăng đã viết: “Vì nầy là sự yêu-mến Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng-giữ điều-răn Ngài. Điều-răn của Ngài chẳng phải là nặng-nề” (I Giăng 5:3). Tín đồ đấng Christ trung tín sẵn lòng vâng theo lời răn của Đức Giê-hô-va và tự động hợp tác với những người được Ngài giao phó trách nhiệm giám thị trong hội-thánh. Chúng ta cảm tạ biết bao vì ở trong tổ chức Đức Chúa Trời và nhận được “ơn [qua] loài người”! (Ê-phê-sô 4:8). Vậy thì với sự tin cậy hoàn toàn là Đức Chúa Trời hướng dẫn dân Ngài, chúng ta hãy luôn luôn vâng theo những người có đặc ân dẫn dắt giữa các Nhân-chứng Giê-hô-va.
Bạn bình luận thế nào?
◻ Tại sao nên vâng lời những người dẫn dắt giữa chúng ta?
◻ Chúng ta nên có thái độ nào về chức vụ của các trưởng lão làm việc hết lòng?
◻ Tại sao nên mau mắn áp dụng lời khuyên của các trưởng lão?
◻ Việc chúng ta thành tâm đáp ứng sự chăm nom đầy yêu thương đưa đến các lợi ích nào?
[Câu nổi bật nơi trang 20]
Bạn có hợp tác với các trưởng lão bằng cách nhận làm bài giảng tại các buổi nhóm họp, phụ giúp trong việc quét dọn Phòng Nước Trời, mau mắn góp báo cáo rao giảng và bằng những cách khác không?
[Hình nơi trang 19]
Phao-lô ưa thích rao giảng tin mừng và phục vụ anh em cùng đạo. Là một trưởng lão, bạn có biết ơn về đặc ân phụng sự đến từ Đức Chúa Trời không?