Tài liệu tham khảo cho Chương trình nhóm họp Lối sống và thánh chức
NGÀY 2-8 THÁNG 10
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | ĐA-NI-ÊN 7-9
“Lời tiên tri của Đa-ni-ên báo trước về sự xuất hiện của Đấng Mê-si”
it-2-E trg 902 đ. 2
Bảy mươi tuần lễ
Sự phạm pháp và tội lỗi kết thúc. Việc Chúa Giê-su chết, sống lại và trình diện trên trời đã “kết thúc sự phạm pháp, chấm dứt tội lỗi và chuộc lỗi lầm” (Đa 9:24). Giao ước Luật Pháp cho thấy người Do Thái là người có tội, bị kết án và rủa sả vì đã vi phạm giao ước. Nhưng khi Luật pháp Môi-se cho thấy rõ ở đâu tội lỗi “nhiều lên” thì ở đó lòng thương xót và ân huệ của Đức Chúa Trời càng nhiều hơn nữa qua Đấng Mê-si (Rô 5:20). Qua sự hy sinh của Đấng Mê-si, sự phạm pháp và tội lỗi của những người phạm tội biết ăn năn có thể được xóa bỏ, nhờ thế không còn hình phạt.
it-2-E trg 900 đ. 7
Bảy mươi tuần lễ
Đấng Mê-si xuất hiện sau ‘69 tuần lễ’. “62 tuần lễ” (Đa 9:25), thuộc về 70 tuần lễ, sẽ theo sau “7 tuần lễ”. Vì thế, khoảng thời gian “kể từ khi lệnh” xây lại thành Giê-ru-sa-lem được ban ra cho đến “Đấng Mê-si, tức Đấng Lãnh Đạo” sẽ là 7 cộng 62 “tuần lễ”, tức 69 “tuần lễ”. Thời gian này bằng với 483 năm, từ năm 455 TCN đến 29 CN. Như đã đề cập, vào mùa thu năm 29 CN, Chúa Giê-su báp-têm, được xức dầu bằng thần khí thánh và bắt đầu thánh chức với tư cách là “Đấng Mê-si, tức Đấng Lãnh Đạo”.—Lu 3:1, 2, 21, 22.
it-2-E trg 901 đ. 2
Bảy mươi tuần lễ
“Bị loại trừ” vào giữa tuần lễ. Gáp-ri-ên nói thêm với Đa-ni-ên: “Sau 62 tuần lễ, Đấng Mê-si sẽ bị loại trừ và ngài sẽ chẳng có gì” (Đa 9:26). Khoảng ba năm rưỡi, sau khi “7 tuần lễ và 62 tuần lễ” kết thúc, Đấng Ki-tô bị loại trừ khi chết trên cây khổ hình, hiến mạng sống làm giá chuộc cho nhân loại (Ês 53:8). Các bằng chứng cho thấy Chúa Giê-su đã dành nửa đầu của “tuần lễ” cho thánh chức. Vào một dịp, rất có thể là vào mùa thu năm 32 CN, ngài đã nói một minh họa dường như để ví nước Do Thái với cây vả (so sánh Mat 17:15-20; 21:18, 19, 43) không có trái trong “ba năm”. Người làm vườn nho nói với chủ: “Thưa ông chủ, xin để thêm một năm nữa, tôi sẽ đào xung quanh và bón phân cho nó. Nếu sau đó nó ra trái thì tốt, bằng không thì hãy đốn đi” (Lu 13:6-9). Có lẽ ngài muốn nói đến giai đoạn ngài làm chứng cho dân cứng cổ ấy. Giai đoạn đó đã kéo dài khoảng ba năm và sắp sang năm thứ tư.
it-2-E trg 901 đ. 5
Bảy mươi tuần lễ
“Giữa tuần” là giữa bảy năm, tức là sau ba năm rưỡi trong “tuần lễ” năm. Vì “tuần lễ” thứ 70 bắt đầu vào mùa thu năm 29 CN khi Chúa Giê-su báp-têm và được xức dầu để trở thành Đấng Mê-si, giữa tuần lễ (ba năm rưỡi) sẽ kéo dài đến mùa xuân năm 33 CN, tức đến Lễ Vượt Qua (ngày 14 tháng Ni-san) của năm đó. Dường như ngày này là ngày 1 tháng 4 năm 33 CN, theo Tây lịch. Sứ đồ Phao-lô cho biết Chúa Giê-su ‘đến để làm theo ý muốn Đức Chúa Trời’, tức là “hủy bỏ những điều thứ nhất [các vật tế lễ và lễ vật theo Luật pháp] để lập điều thứ hai”. Ngài làm thế bằng cách dâng chính thân thể mình làm vật tế lễ.—Hê 10:1-10.
Tìm kiếm những viên ngọc thiêng liêng
Độc giả thắc mắc
Khi nào “Nơi Rất Thánh” được xức dầu, như được tiên tri nơi Đa-ni-ên 9:24?
Đa-ni-ên 9:24-27 tiên tri về sự xuất hiện của “Đấng chịu xức dầu, tức là vua”—Đấng Christ. Vậy lời báo trước “Nơi Rất Thánh” sẽ được xức dầu không nói đến Nơi Chí Thánh của đền thờ tại Giê-ru-sa-lem. Đúng hơn, cụm từ “Nơi Rất Thánh” ám chỉ chính điện của đền thờ thiêng liêng vĩ đại của Đức Giê-hô-va—Nơi Chí Thánh ở trên trời.
Đền thờ thiêng liêng của Đức Chúa Trời bắt đầu hoạt động khi nào? Hãy xem xét điều gì xảy ra khi Chúa Giê-su trình diện để làm báp têm vào năm 29 CN. Từ đó về sau, ngài làm ứng nghiệm những lời ghi nơi Thi-thiên 40:6-8. Sau này sứ đồ Phao-lô nói rằng Chúa Giê-su có cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời: “Chúa chẳng muốn hi-sinh, cũng chẳng muốn lễ-vật, nhưng Chúa đã sắm-sửa một thân-thể cho tôi”. (Hê-bơ-rơ 10:5) Chúa Giê-su biết rằng Đức Chúa Trời “chẳng muốn” người ta cứ tiếp tục dâng cho Ngài của-lễ hy sinh bằng thú vật tại đền thờ ở Giê-ru-sa-lem. Thay vì thế, Đức Giê-hô-va đã chuẩn bị cho Chúa Giê-su một thân thể của người hoàn toàn để dâng làm của-lễ. Chúa Giê-su nói tiếp, biểu lộ ước muốn chân thành: “Hỡi Đức Chúa Trời, nầy tôi đến—trong sách có chép về tôi—tôi đến để làm theo ý-muốn Chúa”. (Hê-bơ-rơ 10:7) Đức Giê-hô-va phản ứng ra sao? Phúc Âm theo Ma-thi-ơ ghi lại: “Vừa khi chịu phép báp-têm rồi, Đức Chúa Jêsus ra khỏi nước; bỗng-chúc các từng trời mở ra, Ngài thấy Thánh-Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim bồ-câu, đậu trên Ngài. Tức thì có tiếng từ trên trời phán rằng: Nầy là Con yêu-dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng”.—Ma-thi-ơ 3:16, 17.
Sự kiện Giê-hô-va Đức Chúa Trời chấp nhận việc Chúa Giê-su trình diện thân thể mình làm của-lễ có nghĩa là bây giờ một bàn thờ lớn hơn bàn thờ theo nghĩa đen trong đền thờ tại Giê-ru-sa-lem đã xuất hiện. Bàn thờ này tượng trưng cho “ý-muốn” Đức Chúa Trời hoặc những sắp đặt để chấp nhận mạng sống con người của Chúa Giê-su làm của-lễ. (Hê-bơ-rơ 10:10) Việc xức dầu Chúa Giê-su bằng thánh linh có nghĩa là giờ đây Đức Chúa Trời đã thiết lập toàn bộ đền thờ thiêng liêng. Bởi vậy, khi Chúa Giê-su làm báp têm, nơi ngự của Đức Chúa Trời trên các từng trời đã được xức dầu, hoặc biệt riêng ra làm “Nơi Rất Thánh” của đền thờ thiêng liêng vĩ đại.
Những điểm nổi bật trong sách Đa-ni-ên
9:27—Giao ước nào vẫn “vững-bền với nhiều người” đến cuối 70 tuần lễ năm, tức năm 36 CN? Khi Chúa Giê-su bị đóng đinh vào năm 33 CN, giao ước Luật Pháp đã bị bãi bỏ. Như vậy, giao ước vẫn “vững-bền” là giao ước với Áp-ra-ham. Giao ước này có hiệu lực đối với dân Y-sơ-ra-ên đến năm 36 CN. Đức Giê-hô-va tiếp tục ưu đãi dân này thêm một thời gian vì họ là con cháu Áp-ra-ham. Sau đó, giao ước Áp-ra-ham tiếp tục có hiệu lực đối với “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”, là những người được xức dầu.—Ga-la-ti 3:7-9, 14-18, 29; 6:16.
NGÀY 9-15 THÁNG 10
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | ĐA-NI-ÊN 10-12
“Đức Giê-hô-va thấy trước tương lai của các vua”
Hai vua kình địch nhau
5 Ba vua đầu là Si-ru Đại Đế, Cambyses II, và Đa-ri-út I. Vì Bardiya (hay có lẽ một kẻ giả mạo tên là Gaumata) cai trị có bảy tháng, nên lời tiên tri không nói đến triều đại ngắn ngủi này. Vào năm 490 TCN, vua thứ ba là Đa-ri-út I mưu tính xâm lăng Hy Lạp lần thứ hai. Tuy nhiên, quân Phe-rơ-sơ bị thảm bại tại Marathon và rút về Tiểu Á. Dù Đa-ri-út đã chuẩn bị cẩn thận một chiến dịch để xâm lăng Hy Lạp một lần nữa, nhưng ông không thực hiện được vì ông chết bốn năm sau đó. Con ông là Xerxes I, vua “thứ tư”, kế vị ông và tiếp tục kế hoạch mà ông bỏ dở. Vua này chính là A-suê-ru, người đã kết hôn với nàng Ê-xơ-tê.—Ê-xơ-tê 1:1; 2:15-17.
6 Xerxes I đã thực sự “xui-giục mọi người nghịch cùng nước Gờ-réc”, nghĩa là toàn thể các tiểu bang độc lập của Gờ-réc. Sách The Medes and Persians—Conquerors and Diplomats (Người Mê-đi và Phe-rơ-sơ—Chinh phục và ngoại giao) nói: “Bị các cận thần đầy tham vọng của vua thôi thúc, Xerxes mở một cuộc tấn công bằng đường bộ và đường biển”. Sử gia Hy Lạp vào thế kỷ thứ năm TCN là Herodotus viết rằng: “Không cuộc viễn chinh nào có thể sánh với cuộc viễn chinh này”. Sử gia này cho biết lực lượng hải quân “tổng cộng lên tới 517.610 người. Bộ binh là 1.700.000 người; thêm 80.000 kỵ binh, không kể những người Ả-rập cưỡi lạc đà và người Li-by ngồi trên song mã mà tôi phỏng tính là 20.000 quân. Do đó, tổng số lực lượng lục quân và hải quân cộng lại lên đến 2.317.610 người”.
Hai vua kình địch nhau
8 Thiên sứ nói: “Song sẽ có một vua mạnh dấy lên, lấy quyền lớn cai-trị và làm theo ý mình”. (Đa-ni-ên 11:3) A-léc-xan-đơ trong tuổi thanh xuân 20 đã ‘dấy lên’ làm vua Macedonia vào năm 336 TCN. Ông thật sự trở thành “một vua mạnh”—A-léc-xan-đơ Đại Đế. Được thúc đẩy bởi kế hoạch của cha ông là Phi-líp II, ông đánh chiếm các tỉnh của Phe-rơ-sơ trong vùng Trung Đông. Băng qua sông Ơ-phơ-rát và sông Tigris, đạo quân của ông gồm 47.000 người đã phá tan lực lượng 250.000 người của Đa-ri-út III tại Gaugamela. Sau đó, Đa-ri-út tháo chạy và bị sát hại. Triều đại Phe-rơ-sơ chấm dứt. Bây giờ Hy Lạp trở thành cường quốc thế giới, và A-léc-xan-đơ “lấy quyền lớn cai-trị và làm theo ý mình”.
Hai vua kình địch nhau
11 Sau khi A-léc-xan-đơ chết, vương quốc của ông bị “chia ra theo bốn gió”. Các tướng của ông tranh chấp lẫn nhau và giành giật lãnh thổ. Tướng độc nhãn Antigonus I cố tìm cách thống trị toàn thể đế quốc của A-léc-xan-đơ. Nhưng ông bị tử trận tại Ipsus ở Phrygia. Tới năm 301 TCN, bốn tướng của A-léc-xan-đơ nắm quyền cai trị lãnh thổ rộng lớn mà vị chỉ huy họ đã để lại. Cassander cai trị Macedonia và Hy Lạp. Lysimachus kiểm soát Tiểu Á và Thrace. Seleucus I Nicator chiếm được Mê-sô-bô-ta-mi và Sy-ri. Còn Ptolemy Lagus làm chủ Ê-díp-tô và Pha-lê-tin. Đúng như lời tiên tri, đế quốc vĩ đại của A-léc-xan-đơ bị chia ra làm bốn vương quốc Hy Lạp.
Tìm kiếm những viên ngọc thiêng liêng
w13 15/7 trg 13 đ. 16, chú thích
“Này! Tôi sẽ luôn ở cùng anh em”
Đa-ni-ên 12:3 cho biết: “Những kẻ khôn-sáng [tín đồ được xức dầu] sẽ được rực-rỡ như sự sáng trên vòng khung”. Khi còn sống trên đất, họ chiếu sáng qua việc rao giảng. Tuy nhiên, Ma-thi-ơ 13:43 nói đến thời điểm họ chiếu sáng trong Nước Trời. Trước kia, chúng ta nghĩ rằng cả hai câu Kinh Thánh này đều nói đến công việc rao giảng.
Đức Giê-hô-va hứa ban cho Đa-ni-ên một phần thưởng tuyệt diệu
18 Sách Đa-ni-ên kết thúc với một trong các lời hứa tuyệt diệu nhất mà Đức Chúa Trời chưa từng hứa với bất cứ người nào. Thiên sứ của Đức Giê-hô-va nói với Đa-ni-ên: “Đến cuối-cùng những ngày, ngươi sẽ đứng trong sản nghiệp mình”. Thiên sứ muốn nói gì? Vì thiên sứ mới ám chỉ “sự nghỉ-ngơi” là cái chết, nên lời hứa, theo đó, Đa-ni-ên sẽ “đứng” vào một thời điểm trong tương lai, chỉ có một ý nghĩa: đó là sự sống lại! Thật ra, một số học giả đã quả quyết chương 12 sách Đa-ni-ên là lần đầu tiên phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ nói đến sự sống lại một cách rõ rệt. (Đa-ni-ên 12:2) Dù vậy, điều này không đúng. Đa-ni-ên rất quen thuộc với hy vọng về sự sống lại.
NGÀY 16-22 THÁNG 10
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | Ô-SÊ 1-7
“Đức Giê-hô-va vui thích tình yêu thương thành tín—Anh chị thì sao?”
18 Lòng yêu thương trung thành phải được thể hiện trong cách cư xử với anh em cùng thờ phượng Đức Giê-hô-va. Ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn, chúng ta cũng phải giữ phép tắc yêu thương nhân từ nơi lưỡi. Khi lòng yêu thương nhân từ của dân Y-sơ-ra-ên giống như “móc tan ra vừa lúc sớm mai”, Đức Giê-hô-va không hài lòng (Ô-sê 6:4, 6). Ngược lại, Ngài hài lòng với những người luôn thể hiện tính yêu thương nhân từ. Hãy xem Ngài ban phước như thế nào cho người tìm cầu đức tính này.
Những điểm nổi bật trong sách Ô-sê
6:6. Tiếp tục cố ý phạm tội là dấu hiệu cho thấy một người thiếu tình yêu thương và lòng trung thành với Đức Chúa Trời. Dù người ấy dâng nhiều của-lễ đến đâu cũng không thể bù đắp việc thiếu tình yêu thương và lòng trung thành như thế.
Đức Giê-hô-va quý sự vâng lời
7 Về điều này, hãy nhớ lại thời xưa, Đức Giê-hô-va đã cho dân Ngài biết rằng sự vâng lời còn quan trọng hơn của-lễ bằng thú vật. (Châm-ngôn 21:3, 27; Ô-sê 6:6; Ma-thi-ơ 12:7) Tại sao? Chẳng phải chính Đức Giê-hô-va đã ra lệnh cho dân Ngài dâng những của-lễ ấy hay sao? Thế thì, động lực của người dâng tế lễ là gì? Có phải để làm đẹp lòng Đức Chúa Trời không? Hay người đó chỉ làm theo nghi thức? Nếu một người thật sự muốn làm hài lòng Đức Chúa Trời, thì sẽ cố gắng vâng theo mọi mạng lịnh của Ngài. Đức Chúa Trời không cần của-lễ bằng thú vật, nhưng tinh thần vâng phục là một điều quý giá mà chúng ta có thể dâng cho Ngài.
Tìm kiếm những viên ngọc thiêng liêng
Những điểm nổi bật trong sách Ô-sê
1:7—Đức Giê-hô-va đã thương xót và giải cứu nhà Giu-đa khi nào? Đó là vào năm 732 TCN, dưới triều Vua Ê-xê-chia. Ngài đã loại bỏ mối đe dọa từ nước A-si-ri bằng cách sai một thiên sứ hủy diệt 185.000 quân thù trong vòng một đêm. (2 Các Vua 19:34, 35) Như vậy, Ngài đã giải cứu Giu-đa không phải “bởi cung, hoặc bởi gươm, hoặc bởi chiến-trận, hoặc bởi ngựa, hoặc bởi người cưỡi ngựa”, nhưng qua một thiên sứ.
Sách tiên tri Ô-sê giúp chúng ta bước đi với Đức Chúa Trời
16 Đức Chúa Trời cũng làm ứng nghiệm lời hứa này: “Trong ngày đó, ta sẽ... lập ước cùng những thú đồng, những chim trời, và côn-trùng trên đất. Ta sẽ bẻ gãy và làm cho biến mất khỏi đất nầy những cung, những gươm, và giặc-giã; và sẽ khiến dân-sự được nằm yên-ổn”. (Ô-sê 2:18) Số người Y-sơ-ra-ên còn sót lại trở về quê hương sống yên ổn, không một loài thú nào làm cho họ lo sợ. Lời tiên tri trên cũng được ứng nghiệm vào năm 1919 CN, khi những người Y-sơ-ra-ên thiêng liêng còn sót lại được giải thoát khỏi “Ba-by-lôn lớn”, tức đế quốc tôn giáo giả thế giới. Hiện nay họ sống yên ổn và vui vẻ trong một địa đàng thiêng liêng với các bạn đồng đạo, những người có hy vọng sống mãi mãi trên đất. Tính khí hung dữ không còn trong vòng những tín đồ Đấng Christ chân chính này.—Khải-huyền 14:8; Ê-sai 11:6-9; Ga-la-ti 6:16.
g05-E 8/9 12 đ. 2
Khi thế giới hòa bình
Trên đất sẽ có một dạng hòa bình mới, vì Đức Chúa Trời sẽ dạy các thần dân biết vâng lời cách chăm sóc hành tinh của họ. Thậm chí ngài sẽ “lập một giao ước” với thú hoang, làm cho chúng vâng phục con người và sống hòa thuận với họ.—Ôsê 2:18; Sa 1:26-28; Ês 11:6-8.
NGÀY 23-29 THÁNG 10
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | Ô-SÊ 8-14
“Dâng cho Đức Giê-hô-va điều tốt nhất”
Dâng những tế lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời
Ngoài ra, Kinh Thánh cho thấy rằng lời ngợi khen của chúng ta có thể được xem là của-lễ hay tế lễ dâng cho Đức Giê-hô-va. Tiên tri Ô-sê dùng nhóm từ “lời ngợi-khen ở môi chúng tôi thay vì con bò đực”, cho thấy Đức Chúa Trời xem lời ngợi khen của chúng ta là một trong những của-lễ tốt nhất. (Ô-sê 14:2) Sứ đồ Phao-lô khuyên giục các tín đồ Hê-bơ-rơ: “Hãy cậy Đức Chúa Jêsus mà hằng dâng tế-lễ bằng lời ngợi-khen cho Đức Chúa Trời, nghĩa là bông-trái của môi-miếng xưng danh Ngài ra”. (Hê-bơ-rơ 13:15) Ngày nay, Nhân Chứng Giê-hô-va luôn bận rộn rao giảng tin mừng và đào tạo môn đồ trong muôn dân. (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20) Trên khắp đất, ngày đêm họ dâng cho Đức Chúa Trời những tế lễ bằng lời ngợi khen.—Khải-huyền 7:15.
Được Đức Chúa Trời chấp nhận dẫn đến sự sống vĩnh cửu
15 Con bò đực là con vật đắt tiền nhất mà một người Y-sơ-ra-ên có thể dâng cho Đức Giê-hô-va. Vì thế, ‘lời ngợi-khen ở môi thay vì con bò đực’ ám chỉ những lời chân thành, suy nghĩ sâu sắc để ngợi khen Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va đáp lại những người dâng các của lễ đó như thế nào? Ngài nói: “Ta sẽ lấy lòng tốt yêu chúng nó” (Ô-sê 14:4). Đối với những người dâng các của lễ ngợi khen như thế, Đức Giê-hô-va sẵn sàng tha thứ, chấp nhận và vun trồng tình bạn với họ.
jd-E trg 87 đ. 11
Phụng sự Đức Giê-hô-va theo tiêu chuẩn cao của ngài
11 Ô-sê 14:9 nhấn mạnh những điểm tích cực của việc giữ đường lối ngay thẳng. Chúng ta nhận được ân phước và lợi ích nhờ sống theo các đòi hỏi của Đức Chúa Trời. Là Đấng Tạo Hóa, ngài biết bản chất chúng ta. Điều ngài muốn chúng ta làm là vì lợi ích của chúng ta. Để minh họa về mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời, hãy hình dung một chiếc xe và nhà sản xuất. Nhà sản xuất hiểu thiết kế và cấu tạo của xe. Ông biết xe thỉnh thoảng cần thay nhớt. Điều gì xảy ra nếu chúng ta lờ đi đòi hỏi đó, có lẽ nghĩ rằng xe vẫn chạy tốt nên không sao? Không sớm thì muộn, động cơ sẽ hỏng. Tương tự, Đấng Tạo Hóa cho chúng ta các điều răn. Làm theo các điều răn đó sẽ mang lại lợi ích (Ês 48:17, 18). Khi biết những lợi ích mình nhận được, chúng ta càng được thôi thúc muốn sống theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời và vâng giữ điều răn ngài.—Thi thiên 112:1.
Tìm kiếm những viên ngọc thiêng liêng
7 Nếu thờ phượng Đức Giê-hô-va cách ngay thẳng và không giả hình, chúng ta sẽ được Ngài cư xử với lòng tín nghĩa, hay tình yêu thương trung tín. Ngài nói với dân Y-sơ-ra-ên ương ngạnh: “Hãy gieo cho mình trong sự công-bình, hãy gặt theo sự nhân-từ [“tín nghĩa”, Nguyễn Thế Thuấn]; hãy vỡ đất mới! Vì là kỳ tìm-kiếm Đức Giê-hô-va, cho đến chừng nào Ngài đến và sa mưa công-bình trên các ngươi”.—Ô-sê 10:12.
Họ trông đợi Đấng Mê-si
10 Như dân Y-sơ-ra-ên, Đấng Mê-si sẽ được gọi ra khỏi Ê-díp-tô (Ô-sê 11:1). Trước khi vua Hê-rốt ban lệnh giết các bé trai, một thiên sứ đã bảo Giô-sép và Ma-ri đem Chúa Giê-su đến Ê-díp-tô. Họ ở đó “cho tới khi vua Hê-rốt băng, hầu cho ứng-nghiệm lời Chúa đã dùng đấng tiên-tri [Ô-sê] mà phán rằng: Ta đã gọi Con ta ra khỏi nước Ê-díp-tô” (Mat 2:13-15). Tất nhiên, Chúa Giê-su không thể dàn xếp các biến cố liên quan đến sự ra đời và thời thơ ấu của mình cho phù hợp với lời tiên tri.
NGÀY 30 THÁNG 10–NGÀY 5 THÁNG 11
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | GIÔ-ÊN 1-3
“Con trai con gái các con sẽ nói tiên tri”
Được tác động bởi “những sự cao-trọng của Đức Chúa Trời”
4 Nhận được thánh linh, các môn đồ ở Giê-ru-sa-lem bắt tay ngay vào việc rao giảng tin mừng về sự cứu rỗi cho những người khác, bắt đầu với đám đông nhóm lại vào buổi sáng đó. Việc họ rao giảng đã làm ứng nghiệm một lời tiên tri đáng lưu ý được Giô-ên, con của Phê-thu-ên, ghi lại trước đó tám thế kỷ: “Ta sẽ đổ Thần ta trên cả loài xác-thịt; con trai và con gái các ngươi sẽ nói tiên-tri; những người già-cả các ngươi sẽ thấy chiêm-bao, những kẻ trai-trẻ các ngươi sẽ xem sự hiện-thấy. Trong những ngày đó, dầu những đầy-tớ trai và đầy-tớ gái, ta cũng đổ Thần ta lên... trước khi ngày lớn và kinh-khiếp của Đức Giê-hô-va chưa đến”.—Giô-ên 1:1; 2:28, 29, 31; Công-vụ 2:17, 18, 20.
5 Có phải điều này nghĩa là Đức Chúa Trời sắp dấy lên cả một thế hệ tiên tri, nam lẫn nữ, tương tự như Đa-vít, Giô-ên và Đê-bô-ra, rồi dùng họ để báo trước các biến cố trong tương lai không? Không. Các ‘con trai và con gái, đầy-tớ trai và đầy-tớ gái’ tín đồ Đấng Christ sẽ nói tiên tri theo nghĩa họ sẽ được thánh linh của Đức Giê-hô-va thúc đẩy để công bố “những sự cao-trọng” Đức Giê-hô-va đã làm và còn làm. Do đó, họ sẽ phụng sự với tư cách phát ngôn viên cho Đấng Tối Cao. Tuy nhiên, đám đông đã phản ứng ra sao?—Hê-bơ-rơ 1:1, 2.
jd-E trg 167 đ. 4
“Hãy loan báo điều này giữa các nước”
4 Hãy nhìn sự việc theo một khía cạnh khác. Giê-hô-va Đức Chúa Trời cho nhà tiên tri Giô-ên biết sẽ có thời kỳ mà mọi loại người nói tiên tri theo một nghĩa nào đó: “Rồi ta sẽ đổ thần khí trên mọi loại người, con trai con gái các con sẽ nói tiên tri, bậc cao niên sẽ thấy chiêm bao, các trai trẻ sẽ thấy khải tượng” (Giô-ên 2:28-32). Vào ngày Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, sứ đồ Phi-e-rơ áp dụng đoạn này cho việc thần khí thánh đổ xuống những người nhóm lại trong căn phòng trên lầu ở Giê-ru-sa-lem và việc họ rao giảng “những điều vĩ đại của Đức Chúa Trời” sau đó (Công vụ 1:12-14; 2:1-4, 11, 14-21). Còn thời kỳ chúng ta thì sao? Sự ứng nghiệm chính của lời tiên tri Giô-ên là từ đầu thế kỷ 20. Những tín đồ được xức dầu, nam lẫn nữ, già lẫn trẻ, bắt đầu “nói tiên tri”, tức loan báo “những điều vĩ đại của Đức Chúa Trời”, gồm tin mừng về Nước Trời, là nước hiện nay đã được thành lập trên trời.
Những điểm nổi bật trong sách Giô-ên và A-mốt
2:32—“Cầu-khẩn danh Đức Giê-hô-va” có nghĩa gì? Cầu khẩn danh Đức Chúa Trời có nghĩa là biết đến danh Ngài, tôn kính danh ấy, nương cậy và tin nơi Đấng mang danh đó.—Rô-ma 10:13, 14.
Tìm kiếm những viên ngọc thiêng liêng
Những điểm nổi bật trong sách Giô-ên và A-mốt
2:12, 13. Sự ăn năn thành thật phải xuất phát từ đáy lòng. Điều này liên quan đến việc ‘xé lòng chúng ta’, chứ không phải ‘xé áo chúng ta’.
Những điểm nổi bật trong sách Giô-ên và A-mốt
3:14—“Trũng đoán-định” là gì? Đó là nơi tượng trưng để Đức Chúa Trời thi hành sự phán xét. Trong thời Vua Giô-sa-phát của nước Giu-đa (tên vua có nghĩa “Đức Giê-hô-va là Đấng Đoán Xét”), Đức Chúa Trời đã giải cứu dân này khỏi các dân xung quanh bằng cách làm rối loạn đạo binh của họ. Vì vậy, nơi đó được gọi là “trũng Giô-sa-phát”. (Giô-ên 3:2, 12) Vào thời chúng ta, địa danh ấy tượng trưng nơi các dân tộc sẽ bị hủy diệt, giống như trái nho bị ép trong “bồn đạp nho”.—Khải-huyền 19:15, Tòa Tổng Giám Mục.