Dâng của-lễ làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va
“Hãy cậy Chúa Giê-su mà hằng dâng tế-lễ bằng lời ngợi-khen cho Đức Chúa Trời, nghĩa là bông-trái của môi-miếng xưng danh Ngài ra” (HÊ-BƠ-RƠ 13:15).
1. Đức Giê-hô-va khuyến giục những người Y-sơ-ra-ên phạm tội làm gì?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA là Đấng giúp đỡ những người dâng của-lễ đáng được Ngài chấp nhận. Vì vậy, ân sủng của Ngài một lần trước đây đã giáng trên dân Y-sơ-ra-ên là những người đã dâng của-lễ hy sinh bằng thú vật. Nhưng điều gì đã xảy ra sau khi họ cứ tái phạm tội lỗi? Qua nhà tiên tri Ô-sê, họ được khuyến giục: “Hỡi Y-sơ-ra-ên, hãy trở lại cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, vì ấy là tại tội-lỗi ngươi làm cho ngươi sa-ngã. Các ngươi khá lấy lời nói trở lại cùng Đức Giê-hô-va. Khá thưa cùng Ngài rằng: Xin cất mọi sự gian-ác đi và nhậm sự tốt-lành, vậy chúng tôi sẽ dâng lời ngợi-khen ở môi chúng tôi thay vì con bò đực” (Ô-sê 14:1,2).
2. “Lời ngợi-khen ở môi thay vì con bò đực” là gì và sứ đồ Phao-lô đã ngụ ý nói đến lời tiên tri của Ô-sê như thế nào?
2 Vậy chính dân Y-sơ-ra-ên xưa được khuyến khích để dâng cho Đức Giê-hô-va “lời ngợi-khen ở môi họ thay vì con bò đực”. Đó là gì? Đó là của-lễ bằng lời ngợi khen chân thật. Ngụ ý nói đến lời tiên tri nầy, sứ đồ Phao-lô khuyên giục các tín đồ đấng Christ người Hê-bơ-rơ để họ “dâng tế-lễ bằng lời ngợi-khen cho Đức Chúa Trời, nghĩa là bông-trái của môi-miếng xưng danh Ngài ra” (Hê-bơ-rơ 13:15). Điều gì có thể giúp các Nhân-chứng Giê-hô-va ngày nay để họ dâng của-lễ như vậy?
“Học-đòi đức-tin họ”
3. Đại khái sứ đồ Phao-lô nói gì nơi Hê-bơ-rơ 13:7, đưa đến câu hỏi nào?
3 Áp dụng lời khuyên của Phao-lô cho người Hê-bơ-rơ có thể giúp chúng ta dâng của-lễ làm đẹp lòng Giê-hô-va Đức Chúa Trời là Đấng giúp đỡ chúng ta rất nhiều. Thí dụ, sứ đồ đã viết: “Hãy nhớ những người dắt-dẫn mình, đã truyền đạo Đức Chúa Trời cho mình; hãy nghĩ xem sự cuối-cùng đời họ là thể nào, và học-đòi đức-tin họ” (Hê-bơ-rơ 13:7). Phao-lô chỉ về ai khi ông nói: “Hãy nhớ những người đắt-dẫn mình”, hay “những người lãnh đạo mình”? (“Bản dịch Kinh-thánh Thế giới Mới có qui chiếu” [New World Translation Reference Bible], phụ chú bên dưới).
4. a) Thể theo đoạn văn bằng tiếng Hy-lạp, những người “dắt-dẫn” làm gì? b) Ai là những người “dắt-dẫn” trong vòng Nhân-chứng Giê-hô-va?
4 Phao-lô nói về những người “dắt-dẫn” hay lãnh đạo (Các câu 7, 17, 24). Chữ “lãnh đạo” trong tiếng Anh (govern) đến từ chữ La-tinh qua gốc Hy-lạp là ky.ber.na’o, nghĩa là “lái tàu, điều khiển, lãnh đạo”. Các trưởng lão tín đồ đấng Christ lãnh đạo bằng cách dùng “khả năng điều khiển” của họ (chữ Hy-lạp là ky.ber.ne’seis) trong việc cung cấp sự lãnh đạo và hướng dẫn trong hội-thánh địa phương (I Cô-rinh-tô 12:28). Nhưng các sứ đồ và những trưởng lão khác ở Giê-ru-sa-lem phụng sự với tư cách một hội đồng để ban sự hướng dẫn và khuyên bảo cho tất cả các hội-thánh (Công-vụ các Sứ-đồ 15:1, 2, 27-29). Vì thế, ngày nay có một hội đồng lãnh đạo trung ương gồm các trưởng lão chăm sóc về phương diện thiêng liêng cho các Nhân-chứng Giê-hô-va trên toàn thế giới.
5. Tại sao và thế nào chúng ta nên cầu nguyện cho các trưởng lão trong hội-thánh và cho các thành viên của Hội đồng Lãnh đạo Trung ương?
5 Các trưởng lão địa phương và thành viên của Hội đồng Lãnh đạo Trung ương dẫn dắt chúng ta; vì thế, chúng ta nên tôn trọng họ và cầu xin Đức Chúa Trời ban cho họ sự khôn ngoan cần thiết để lãnh đạo hội-thánh. (So sánh Ê-phê-sô 1:15-17). Quả là điều thích hợp để chúng ta nhớ đến những ai “đã truyền đạo Đức Chúa Trời cho mình”! Ti-mô-thê không những được dạy bởi mẹ và bà ngoại mà sau nầy cũng được dạy bởi Phao-lô và những người khác nữa (II Ti-mô-thê 1:5, 6; 3:14). Vậy, Ti-mô-thê có thể ngẫm nghĩ về hạnh kiểm của những người dẫn dắt ông ra thể nào và có thể học đòi đức tin của họ.
6. Chúng ta nên bắt chước đức tin của ai, nhưng chúng ta đi theo ai?
6 Những người như A-bên, Nô-ê, Áp-ra-ham, Sa-ra, Ra-háp và Môi-se đã thực hành đức tin (Hê-bơ-rơ 11:1-40). Vì thế, chúng ta có thể không ngần ngại mà học đòi đức tin của họ bởi vì họ đã trung thành với Đức Chúa Trời cho đến chết. Nhưng chúng ta cũng có thể “học-đòi đức-tin” của những người trung thành hiện đang dẫn dắt chúng ta. Dĩ nhiên, chúng ta không đi theo những người bất toàn vì chúng ta chăm chú nhìn vào đấng Christ. Như dịch giả Kinh-thánh Edgar J. Goodspeed có nói, “các vị anh hùng ngày xưa không phải là gương mẫu cho những người tin đạo, vì trong đấng Christ có mẫu mực tốt hơn... Người tín đồ đấng Christ trong cuộc chạy đua phải chăm chú nhìn vào Giê-su”. Đúng, “đấng Christ cũng đã chịu khổ cho chúng ta, để lại cho chúng ta một gương, hầu cho chúng ta noi dấu chơn ngài” (I Phi-e-rơ 2:21; Hê-bơ-rơ 12:1-3).
7. Hê-bơ-rơ 13:8 nên ảnh hưởng thế nào đến thái độ của chúng ta đối với việc chịu khổ vì Giê-su Christ?
7 Chú tâm vào Con của Đức Chúa Trời, Phao-lô nói thêm: “Chúa Giê-su Christ hôm qua, ngày nay và cho đến đời đời không hề thay-đổi” (Hê-bơ-rơ 13:8). Các Nhân-chứng trung thành như Ê-tiên và Gia-cơ bắt chước theo gương mẫu vững vàng của Giê-su, đã bày tỏ lòng trung kiên không hề lay chuyển (Công-vụ các Sứ-đồ 7:1-60; 12:1, 2). Vì họ sẵn lòng chịu chết với tư cách là môn đồ của đấng Christ, đức tin của họ đáng cho chúng ta noi theo. Trong quá khứ, hiện tại và ngay cả trong tương lai, những người có lòng tin kính, không lẩn tránh việc chịu khổ vì đạo với tư cách môn đồ của Giê-su.
Tránh sự dạy dỗ sai lầm
8. Bạn giải thích thế nào về lời của Phao-lô nơi Hê-bơ-rơ 13:9?
8 Nhân cách và sự dạy dỗ không thay đổi của Giê-su nên làm cho chúng ta giữ mãi theo những điều mà ngài và các sứ đồ ngài đã dạy. Các tín đồ người Hê-bơ-rơ đã được dặn rằng: “Anh em chớ để cho mọi thứ đạo lạ dỗ-dành mình; vì lòng nhờ ân-điển được vững-bền, ấy là tốt, chớ không phải nhờ đồ-ăn, là sự chẳng ích chi cho kẻ làm như vậy” (Hê-bơ-rơ 13:9).
9. Phao-lô đã chỉ về những điều cao trọng nào trong thư gởi cho các tín đồ đấng Christ người Hê-bơ-rơ?
9 Người Do-thái đã cậy vào những điều như là cảnh tượng phi thường trong lúc ban cho luật pháp ở núi Si-na-i và sự nối dòng của ngôi Đa-vít. Nhưng Phao-lô chỉ cho các tín đồ đấng Christ người Hê-bơ-rơ thấy rằng mặc dù sự thành lập giao ước luật pháp là đáng khiếp sộ, Đức Giê-hô-va đã làm chứng mạnh mẽ hơn bằng dấu kỳ, sự lạ và đủ thứ phép mầu và sự ban cho của thánh linh khi giao ước mới được thành lập (Công-vụ các Sứ-đồ 2:1-4; Hê-bơ-rơ 2:2-4). Nước trên trời của đấng Christ không thể bị rúng động như nước trên đất của các vua thuộc dòng Đa-vít vào năm 607 trước tây lịch (Hê-bơ-rơ 1:8, 9; 12:28). Hơn nữa, Đức Giê-hô-va thâu nhóm những người được xức dầu lại trước một cái gì đáng khiếp hơn là phép lạ được bày tỏ tại núi Si-na-i, vì họ đến gần núi Si-ôn trên trời (Hê-bơ-rơ 12:18-27).
10. Theo Hê-bơ-rơ 13:9, nhờ gì mà lòng được vững bền?
10 Vì thế, người Hê-bơ-rơ cần tránh “để cho mọi thứ đạo lạ dỗ-dành mình” như đạo người Giu-đa (Ga-la-ti 5:1-6). Không phải vì sự dạy dỗ như vậy, nhưng “lòng nhờ ân-điển của Đức Chúa Trời mà được vững-bền” nhờ thế giữ được sự vững-vàng trong lẽ thật. Một số người dường như tranh luận về đồ ăn và sự dâng của-lễ, vì Phao-lô nói rằng lòng không thể được vững bền “nhờ đồ-ăn, là sự chẳng ích chi cho kẻ làm như vậy”. Lợi ích thiêng liêng đến từ sự tin kính và lòng biết ơn đối với giá chuộc, chứ không phải từ những lo lắng không đáng về việc ăn món ăn nào và giữ ngày lễ nào (Rô-ma 14:5-9). Hơn nữa, sự hy sinh của đấng Christ đã vô hiệu hóa những của-lễ mà thầy tế lễ dòng Lê-vi đã dâng (Hê-bơ-rơ 9:9-14; 10:5-10).
Những của-lễ làm đẹp lòng Đức Chúa Trời
11. a) Ý chính của những lời Phao-lô nói nơi Hê-bơ-rơ 13:10, 11 là gì? b) Các tín đồ đấng Christ có bàn thờ tượng trưng nào?
11 Các thầy tế lễ thuộc dòng Lê-vi đã ăn thịt con vật hy sinh, nhưng Phao-lô viết: “Chúng ta có một cái bàn-thờ, phàm kẻ hầu việc trong đền-tạm không có phép lấy gì tại đó mà ăn. Vả, huyết của con sinh bị thầy tế lễ thượng-phẩm đem vào nơi thánh để làm lễ chuộc tội, còn thân-thể nó thì đốt đi bên ngoài trại quân” trong Ngày đại lễ Chuộc tội (Hê-bơ-rơ 13:10, 11; Lê-vi Ký 16:27; I Cô-rinh-tô 9:13). Các tín đồ đấng Christ có bàn thờ tượng trưng biểu hiệu việc đến gần Đức Chúa Trời trên căn bản sự hy sinh của Giê-su để chuộc tội và được Đức Giê-hô-va tha thứ để được cứu rỗi cho sự sống đời đời.
12. Nơi Hê-bơ-rơ 13:12-14, các tín đồ xức dầu được khuyến khích làm gì?
12 Phao-lô không nhấn mạnh đến sự tương đồng của Ngày đại lễ Chuộc tội thời xưa, nhưng ông nói thêm: “Ấy vì đó mà chính mình Chúa Giê-su đã chịu khổ tại ngoài cửa thành [Giê-ru-sa-lem] để lấy huyết mình làm cho dân nên thánh”. Đấng Christ đã chết ở đó và cung cấp một của-lễ hy sinh có hiệu lực trọn vẹn (Hê-bơ-rơ 13:12; Giăng 19:17; I Giăng 2:1, 2). Sứ đồ Phao-lô khuyến giục anh em tín đồ cùng được xức dầu: “Vậy nên chúng ta hãy ra ngoài trại-quân, đặng đi tới cùng ngài, đồng chịu điều sỉ-nhục. Vì dưới đời nầy, chúng ta không có thành còn luôn mãi, nhưng chúng ta tìm thành hầu đến” (Hê-bơ-rơ 13:13, 14; Lê-vi Ký 16:10). Mặc dù chúng ta chịu sỉ nhục giống như Giê-su, chúng ta vẫn nhịn nhục với tư cách Nhân-chứng Giê-hô-va. Chúng ta “chừa-bỏ sự không tin-kính và tình-dục thế-gian, phải sống ở đời nầy theo tiết-độ, công-bình, nhơn-đức” trong khi chờ đợi thế giới mới (Tít 2:11-14; II Phi-e-rơ 3:13; I Giăng 2:15-17). Và những người được xức dầu trong vòng chúng ta sốt sắng tìm kiếm “thành” tức là Nước trên Trời (Hê-bơ-rơ 12:22).
13. Các của-lễ làm đẹp lòng Đức Chúa Trời không chỉ gồm có điều gì?
13 Phao-lô kế tiếp nói về của-lễ làm đẹp lòng Đức Chúa Trời, ông viết: “Vậy, hãy cậy Chúa Giê-su mà hằng dâng tế-lễ bằng lời ngợi-khen cho Đức Chúa Trời, nghĩa là bông-trái của môi-miếng xưng danh Ngài ra. Chớ quên việc lành và lòng bố-thí, vì sự tế-lễ dường ấy đẹp lòng Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 13:15, 16). Của-lễ của tín đồ đấng Christ không chỉ gồm có việc từ thiện mà thôi. Thiên hạ nói chung thường làm công việc đó. Thí dụ, trong cuộc động đất xảy ra tại Sô-viết Á-mỹ-ni (Soviet Armenia) vào cuối năm 1988, nhiều người đến từ các nước khác đã trợ giúp những nạn nhân.
14. Công việc nào liên quan nhiều đến việc dâng của-lễ đáng được Đức Chúa Trời chấp nhận?
14 Thánh chức mà chúng ta làm “với lòng kính-sợ” đối với Đức Giê-hô-va được đặt trên tình yêu thương bất vụ lợi mà Giê-su đã bày tỏ (Hê-bơ-rơ 12:28; Giăng 13:34; 15:13). Thánh chức nầy nhấn mạnh đến công việc rao giảng của chúng ta, vì qua đấng Christ với tư cách là thầy tế lễ thượng phẩm chúng ta “hằng dâng tế-lễ bằng lời ngợi-khen cho Đức Chúa Trời, nghĩa là bông-trái của môi-miếng xưng danh Ngài ra” (Ô-sê 14:2; Rô-ma 10:10-15; Hê-bơ-rơ 7:26). Dĩ nhiên, chúng ta “chớ quên việc lành và lòng bố-thí” đối với mọi người gồm cả đến những người không phải là “anh em chúng ta trong đức-tin” (Ga-la-ti 6:10). Nhất là khi các anh em tín đồ đấng Christ trải qua hoạn nạn hay là khốn khó, hay buồn khổ, chúng ta ân cần giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần. Tại sao? Bới vì chúng ta yêu thương lẫn nhau. Chúng ta cũng muốn họ có thể bền lòng trong công việc tuyên bố công khai về niềm hy vọng chẳng lay chuyển “vì sự tế-lễ dường ấy đẹp lòng Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 10:23-25; Gia-cơ 1:27).
Hãy vâng phục
15. a) Bạn giải thích thế nào về lời khuyên nơi Hê-bơ-rơ 13:17? b) Tại sao nên tỏ sự kính trọng đối với những người dắt dẫn?
15 Để cho của-lễ được chấp nhận, chúng ta phải hợp tác trọn vẹn với tổ chức của Đức Chúa Trời. Không nói đi nói lại quá nhiều về vấn đề uy quyền, Phao-lô viết: “Hãy vâng lời kẻ dắt-dẫn anh em và chịu phục các người ấy,—bởi các người ấy tỉnh-thức về linh-hồn anh em, dường như phải khai-trình,—hầu cho các người ấy lấy lòng vui-mừng mà làm xong chức-vụ mình, không phàn-nàn chi, vì ấy chẳng ích-lợi gì cho anh em” (Hê-bơ-rơ 13:17). Chúng ta nên kính trọng các trưởng lão đang hướng dẫn hội-thánh, để cho họ không nản lòng vì sự thiếu hợp tác của chúng ta. Sự không vâng phục của chúng ta sẽ là gánh nặng cho các giám thị và đưa đến hậu quả là chúng ta bị tai hại về thiêng liêng. Một tinh thần hợp tác dễ cho các trưởng lão làm chức vụ và góp phần vào sự hợp nhất và đẩy mạnh công việc rao giảng về Nước Trời (Thi-thiên 133:1-3).
16. Tại sao việc vâng phục những người dắt dẫn trong vòng chúng ta là thích hợp?
16 Thật thích hợp biết bao để chúng ta vâng phục những người dắt dẫn đó! Họ dạy dỗ trong buổi họp và giúp chúng ta trong thánh chức. Với tư cách là người chăn chiên, họ chăm nom cho chúng ta (I Phi-e-rơ 5:2, 3). Họ giúp chúng ta giữ sự liên lạc tốt với Đức Chúa Trời và hội-thánh (Công-vụ các Sứ-đồ 20:28-30). Bằng cách vâng phục đối với sự chăm sóc khôn ngoan và đầy yêu thương, chúng ta chứng tỏ có sự kính trọng đối với Đấng Giám thị Tối cao là Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Giám thị Phó là Giê-su Christ (I Phi-e-rơ 2:24; Khải-huyền 1:1; 2:1 đến 3:22).
Hãy cầu nguyện luôn
17. Sứ đồ Phao-lô xin lời cầu nguyện nào và tại sao ông có thể chính đáng yêu cầu họ cầu nguyện?
17 Bởi lẽ Phao-lô và người Hê-bơ-rơ bị xa cách có lẽ vì ở xa nhau, có lẽ vì cớ sự bắt bớ, ông nói: “Hãy cầu-nguyện cho chúng tôi, vì chúng tôi biết mình chắc có lương-tâm tốt, muốn ăn-ở trọn-lành [lương thiện] trong mọi sự. Tôi nài-xin anh em cầu-nguyện đi, để tôi đến cùng anh em sớm hơn” (Hê-bơ-rơ 13:18, 19). Nếu Phao-lô là một người không ngay thẳng, với một lương tâm chai lì, thì ông lấy quyền gì để yêu cầu các tín đồ người Hê-bơ-rơ cầu nguyện cho ông được sum hợp với họ? (Châm-ngôn 3:32; I Ti-mô-thê 4:1, 2). Dĩ nhiên, ông là một người làm thánh chức lương thiện, với lương tâm tốt mà chịu đựng những người đạo Giu-đa (Công-vụ các Sứ-đồ 20:17-27). Phao-lô cũng tin rằng ông sẽ được sum hợp với các tín đồ người Hê-bơ-rơ sớm hơn nếu họ cầu nguyện cho chuyện đó được thành.
18. Nếu chúng ta mong được người khác cầu nguyện cho chúng ta, chúng ta có thể tự đặt các câu hỏi nào?
18 Lời nài xin của Phao-lô để các tín đồ người Hê-bơ-rơ cầu nguyện cho ông cho thấy rằng các tín đồ đấng Christ cầu nguyện cho nhau là đúng, ngay đến việc nêu đích danh. (So sánh Ê-phê-sô 6:17-20). Nhưng nếu chúng ta mong muốn người khác cầu nguyện cho chúng ta, chúng ta nên giống như sứ đồ và chắc chắn rằng chúng ta “có lương-tâm tốt, muốn ăn-ở trọn-lành [lương thiện] trong mọi sự”, phải không? Bạn có lương thiện trong mọi cách cư xử của bạn không? Và bạn có cùng một sự tin cậy trong lời cầu nguyện giống như Phao-lô đã có không? (I Giăng 5:14, 15).
Lời kết luận và khuyên nhủ
19. a) Sứ đồ Phao-lô có ước muốn thành khẩn nào cho người Hê-bơ-rơ? b) Tại sao giao ước mới là giao ước đời đời?
19 Sau khi xin lời cầu nguyện của người Hê-bơ-rơ, Phao-lô đã bày tỏ một ước muốn thành khẩn, ông nói: “Đức Chúa Trời bình-an, là Đấng bởi huyết giao-ước đời đời mà đem đấng chăn chiên lớn là Chúa Giê-su chúng ta ra khỏi từ trong kẻ chết, nguyền xin Ngài bởi Chúa Giê-su Christ khiến anh em nên trọn-vẹn trong mọi sự lành, đặng làm thành ý-muốn Ngài, và làm ra sự đẹp ý Ngài trong chúng ta; sự vinh-hiển đáng về Ngài đời đời vô-cùng! A-men” (Hê-bơ-rơ 13:20, 21). Với ý tưởng về một trái đất bình yên, “Đức Chúa Trời bình-an” làm sống lại Giê-su để được sự bất tử trên trời, nơi mà Giê-su đệ trình giá trị của huyết mà ngài đã đổ ra để hiện lực hóa giao ước mới (Ê-sai 9:5, 6; Lu-ca 22:20). Đó là một giao ước đời đời bởi vì những người trên đất nhận được lợi ích vĩnh viễn từ chức vụ của 144.000 người con thiêng liêng của Đức Chúa Trời và họ cai trị với Giê-su trên trời và là những người ở trong giao ước mới (Khải-huyền 14:1-4; 20:4-6). Qua đấng Christ mà Đức Chúa Trời, là Đấng mà chúng ta quy cho mọi sự vinh hiển, “khiến chúng ta nên trọn-vẹn trong mọi sự lành, đặng làm thành ý-muốn Ngài, và làm ra sự đẹp ý Ngài”.
20. Bạn nói lại và giải thích thế nào về lời khuyên nhủ ở cuối thư gởi cho các tín đồ đấng Christ người Hê-bơ-rơ?
20 Không biết rõ người Hê-bơ-rơ sẽ phản ứng thế nào đối với lá thư của ông, Phao-lô nói: “Hỡi anh em, xin hãy vui lòng nhận lấy những lời khuyên-bảo nầy; ấy tôi đã viết vắn-tắt cho anh em vậy. Hãy biết rằng anh em chúng ta là Ti-mô-thê đã được thả ra [khỏi tù]; nếu người sớm đến, tôi sẽ cùng người đi thăm anh em”. Có lẽ Phao-lô đã viết từ thành Rô-ma, hy vọng rằng ông sẽ cùng với Ti-mô-thê viếng thăm những người Hê-bơ-rơ ở Giê-ru-sa-lem. Rồi Phao-lô nói: “Hãy chào-thăm mọi người dắt-dẫn [các trưởng lão làm lụng khó nhọc giữa] anh em và hết thảy các thánh-đồ. Các thánh-đồ ở Y-ta-li gởi lời thăm anh em. Nguyền xin ân-điển ở với anh em hết thảy!” (Hê-bơ-rơ 13:22-25).
Một lá thư có giá trị lâu dài
21. Lá thư cho người Hê-bơ-rơ giúp chúng ta hiểu những điểm chính nào?
21 Có lẽ hơn bất cứ quyển sách nào trong Kinh-thánh, lá thư gởi cho người Hê-bơ-rơ giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của những của-lễ hy sinh dâng dưới Luật pháp. Thư của sứ đồ cho thấy rõ ràng rằng sự hy sinh của Giê-su Christ là của-lễ duy nhất để cung cấp giá chuộc cần thiết cho nhân loại tội lỗi. Và thông điệp đáng chú ý trong lá thư là chúng ta nên nghe theo Con của Đức Chúa Trời.
22. Vài lý do nào khiến chúng ta biết ơn về lá thư gởi cho người Hê-bơ-rơ?
22 Ngoài ra, như chúng ta đã thấy trong hai bài trước, chúng ta có những lý do khác để biết ơn về lá thư được soi dẫn bởi Đức Chúa Trời cho người Hê-bơ-rơ. Thư nầy giúp chúng ta không mệt mỏi trong thánh chức và làm cho chúng ta đầy can đảm vì biết rằng Đức Giê-hô-va giúp đỡ chúng ta. Hơn nữa, thư nầy khuyến khích chúng ta dùng miệng lưỡi và mọi khả năng của chúng ta một cách bất vụ lợi để hầu việc ngày đêm và dâng của-lễ từ trong lòng để làm đẹp ý Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời đầy yêu thương đáng được chúng ta ca tụng.
Bạn sẽ trả lời thế nào?
◻ Lá thư gởi cho người Hê-bơ-rơ giúp thế nào cho họ tránh sự dạy dỗ sai lầm?
◻ Của-lễ làm đẹp lòng Đức Chúa Trời tập trung vào công việc quan trọng nào?
◻ Ai là “người dắt-dẫn” và tại sao phải tuân phục họ?
◻ Lá thư gởi cho người Hê-bơ-rơ nhấn mạnh thế nào đến sự cầu nguyện?
◻ Tại sao chúng ta có thể nói lá thư gởi cho tín đồ đấng Christ người Hê-bơ-rơ có giá trị lâu dài?
[Các hình nơi trang 15]
Của-lễ làm đẹp lòng Đức Chúa Trời bao gồm công việc viếng thăm chiên và xây dựng đức tin của anh em tín đồ bằng lời khuyên bảo đầy yêu thương