Lời Đức Giê-hô-va là lời sống
Những điểm nổi bật trong thư gửi cho Tít, cho Phi-lê-môn và cho các tín đồ người Hê-bơ-rơ
Sau khi được thả ra khỏi tù lần đầu tiên tại Rô-ma vào năm 61 CN, sứ đồ Phao-lô đến thăm đảo Cơ-rết. Khi thấy tình trạng thiêng liêng của những hội thánh ở đó, ông bảo Tít ở lại để làm họ vững mạnh. Sau đó, rất có thể tại Ma-xê-đoan, Phao-lô viết thư cho Tít để chỉ dẫn cách thức thi hành nhiệm vụ và cho thấy công việc của Tít có sự hậu thuẫn của ông.
Trước đó, một thời gian ngắn trước khi được trả tự do vào năm 61 CN, Phao-lô viết thư cho Phi-lê-môn, một tín đồ Đấng Christ sống ở thành Cô-lô-se. Lá thư này là lời thỉnh cầu riêng của ông với một người bạn.
Vào khoảng năm 61 CN, Phao-lô cũng viết một lá thư cho các tín đồ người Hê-bơ-rơ ở xứ Giu-đê, cho thấy tính ưu việt của đạo Đấng Christ so với Do Thái giáo. Cả ba lá thư này đều chứa đựng những lời khuyên hữu ích cho chúng ta.—Hê 4:12.
GIỮ ĐỨC TIN VẸN LÀNH
Sau khi hướng dẫn về việc “lập những trưởng-lão trong mỗi thành”, Phao-lô chỉ bảo Tít phải tiếp tục “quở nặng [những người chẳng chịu vâng phục], hầu cho họ có đức-tin vẹn-lành”. Ông khuyên tất cả anh em trong các hội thánh ở Cơ-rết hãy “chừa-bỏ sự không tin-kính. . . phải sống ở đời nầy theo tiết-độ”.—Tít 1:5, 10-13; 2:12.
Phao-lô đưa ra những lời khuyên khác để giúp anh em ở Cơ-rết giữ đức tin vẹn lành. Ông căn dặn Tít “hãy lánh những điều cãi lẽ dại-dột. . . , những sự cạnh-tranh nghị-luận về luật-pháp”.—Tít 3:9.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
1:15—Làm thế nào “mọi sự” có thể là “tinh-sạch cho những người tinh-sạch”, nhưng không tinh sạch “cho những kẻ dơ-dáy và chẳng tin”? Để biết câu trả lời, chúng ta phải hiểu Phao-lô có ý nói gì qua cụm từ “mọi sự”. Ông không nói về những điều Lời Đức Chúa Trời trực tiếp lên án, nhưng về những vấn đề mà Kinh Thánh cho phép người tin đạo tự quyết định theo lương tâm. Đối với người có quan điểm phù hợp với tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va thì những điều đó là tinh sạch. Còn đối với người có suy nghĩ lệch lạc và lương tâm ô uế thì những điều đó là không tinh sạcha.
3:5—Làm thế nào các tín đồ xức dầu được ‘cứu bởi sự rửa’ và ‘đổi mới bởi thánh linh’? Họ được ‘cứu bởi sự rửa’ theo nghĩa là Đức Chúa Trời đã rửa, tức làm sạch họ bằng huyết của Chúa Giê-su dựa trên căn bản giá chuộc. Họ được ‘đổi mới bởi thánh linh’ vì họ đã trở thành “người dựng nên mới” với tư cách là những người con được thọ sinh bởi thánh linh Đức Chúa Trời.—2 Cô 5:17.
Bài học cho chúng ta:
1:10-13; 2:15. Các giám thị đạo Đấng Christ phải can đảm sửa chữa điều sai trái trong hội thánh.
2:3-5. Như trong thế kỷ thứ nhất, những nữ tín đồ thành thục ngày nay “phải có thái-độ hiệp với sự thánh; đừng nói xấu, đừng uống rượu quá độ; phải lấy điều khôn-ngoan dạy-bảo”. Nhờ thế, họ có thể hữu hiệu trong việc khuyên dạy riêng những “đàn-bà trẻ tuổi” trong hội thánh.
3:8, 14. “Lo chăm-chỉ làm việc lành” là “điều tốt-lành và có ích” vì nó giúp chúng ta đạt hiệu quả trong việc phụng sự Đức Chúa Trời và giữ mình tách biệt khỏi thế gian ác này.
KHUYÊN BẢO “VÌ LÒNG YÊU-THƯƠNG”
Phi-lê-môn được khen ngợi là một gương về “lòng yêu-thương và đức-tin”. Ông là nguồn yên ủi cho anh em đồng đạo, nên Phao-lô “được vui-mừng yên-ủi lắm”.—Phi-lê 4, 5, 7.
Nêu gương cho tất cả các giám thị, Phao-lô xử lý vấn đề nhạy cảm về Ô-nê-sim bằng cách khuyên bảo “vì lòng yêu-thương”, chứ không ra lệnh. Ông nói với Phi-lê-môn: “Tôi viết cho anh, đã tin chắc anh hay vâng lời, biết anh sẽ làm quá sự tôi nói đây”.—Phi-lê 8, 9, 21.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
10, 11, 18—Làm thế nào Ô-nê-sim, người trước đây “không ích gì”, đã trở nên “ích lắm”? Vì trước đây không muốn làm nô lệ, Ô-nê-sim đã trốn khỏi nhà của Phi-lê-môn ở thành Cô-lô-se để đi đến Rô-ma. Rất có thể Ô-nê-sim cũng đánh cắp tiền của chủ để trang trải chi phí cho chuyến hành trình dài 1.400km. Quả thật, ông là người vô ích đối với Phi-lê-môn. Tuy nhiên, tại Rô-ma, Phao-lô đã giúp Ô-nê-sim trở thành tín đồ Đấng Christ. Giờ đây là một anh em thiêng liêng, người nô lệ “không ích gì” lúc trước đã trở nên “ích lắm”.
15, 16—Tại sao Phao-lô không bảo Phi-lê-môn trả tự do cho Ô-nê-sim? Phao-lô chỉ muốn chú tâm thực hiện sứ mạng “giảng về nước Đức Chúa Trời, và dạy-dỗ về Đức Chúa Jêsus-Christ”. Vì thế, ông quyết định không dính líu đến những vấn đề xã hội, chẳng hạn như vấn đề nô lệ.—Công 28:31.
Bài học cho chúng ta:
2. Phi-lê-môn tình nguyện dùng nhà ông để làm nơi nhóm họp của đạo Đấng Christ. Thật là một đặc ân để được dùng nhà chúng ta làm nơi nhóm họp rao giảng.—Rô 16:5; Cô 4:15.
4-7. Chúng ta nên chủ động khen những anh em đồng đạo nêu gương tốt về đức tin và tình yêu thương.
15, 16. Chúng ta không nên quá lo lắng khi gặp nghịch cảnh. Kết quả có thể là tốt, như trong trường hợp của Ô-nê-sim.
21. Phao-lô muốn Phi-lê-môn tha thứ Ô-nê-sim. Tương tự, chúng ta cũng cần tha thứ người anh em phạm lỗi với mình.—Mat 6:14.
HÃY “TẤN-TỚI SỰ TRỌN-LÀNH”
Để chứng minh đức tin nơi sự hy sinh của Chúa Giê-su có giá trị cao hơn việc làm theo Luật Pháp, Phao-lô nhấn mạnh sự cao trọng của đấng thành lập đạo Đấng Christ, chức tế lễ và sự hy sinh của ngài cũng như giao ước mới (Hê 3:1-3; 7:1-3, 22; 8:6; 9:11-14, 25, 26). Sự hiểu biết này chắc hẳn đã giúp tín đồ Đấng Christ người Hê-bơ-rơ đương đầu với sự bắt bớ của dân Do Thái. Phao-lô khuyên giục các anh em đồng đạo người Hê-bơ-rơ hãy “tấn-tới sự trọn-lành”.—Hê 6:1.
Đức tin quan trọng thế nào đối với tín đồ Đấng Christ? Phao-lô viết: “Không có đức-tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý [Đức Chúa Trời]”. Ông khuyến khích các tín đồ người Hê-bơ-rơ hãy “lấy lòng nhịn-nhục theo-đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta”, và làm thế bằng đức tin.—Hê 11:6; 12:1.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
2:14, 15—Việc Sa-tan “cầm quyền sự chết” có chứng tỏ rằng hắn có thể giết bất cứ ai nếu muốn không? Không phải thế. Tuy nhiên, từ lúc Sa-tan bắt đầu đường lối gian ác trong vườn Ê-đen, lời nói dối của hắn đã gây ra sự chết vì A-đam phạm tội và truyền tội lỗi cùng sự chết cho gia đình nhân loại (Rô 5:12). Ngoài ra, tay sai của Sa-tan trên đất cũng bắt bớ tôi tớ Đức Chúa Trời cho đến chết, như trong trường hợp Chúa Giê-su. Nhưng điều này không có nghĩa là Sa-tan có quyền muốn giết ai thì giết. Vì nếu thế thì hắn chắc đã tiêu diệt hết những người thờ phượng Đức Giê-hô-va từ lâu rồi. Đức Giê-hô-va bảo vệ dân Ngài với tư cách là một tổ chức và không cho phép Sa-tan tiêu diệt họ. Ngay dù Đức Chúa Trời để cho một số người trong chúng ta chết vì sự tấn công của Sa-tan, chúng ta có thể tin chắc rằng Ngài sẽ xóa bỏ bất cứ tổn hại nào hắn gây ra cho chúng ta.
4:9-11—Làm thế nào để “vào sự yên-nghỉ của Đức Chúa Trời”? Sau sáu ngày sáng tạo, Đức Chúa Trời nghỉ các công việc Ngài đã làm, tin rằng ý định của Ngài đối với trái đất và con người sẽ được hoàn thành (Sáng 1:28; 2:2, 3). Chúng ta “vào sự yên-nghỉ” đó bằng cách ngưng làm những việc mình tự cho là công bình và chấp nhận sắp đặt của Đức Chúa Trời về sự cứu rỗi. Khi thể hiện đức tin nơi Đức Giê-hô-va và phục tùng Con Ngài thay vì theo đuổi mục tiêu ích kỷ, chúng ta sẽ hưởng được những ân phước mang lại sự khoan khoái và yên nghỉ mỗi ngày.—Mat 11:28-30.
11:10, 13-16—Áp-ra-ham chờ đợi “thành” nào? Đây không phải là một thành theo nghĩa đen mà theo nghĩa tượng trưng. Áp-ra-ham chờ đợi “Giê-ru-sa-lem trên trời”, gồm có Chúa Giê-su và 144.000 người đồng cai trị với ngài. Trong sự vinh hiển trên trời, những vị vua đồng trị vì này cũng được gọi là “thành thánh, là Giê-ru-sa-lem mới” (Hê 12:22; Khải 14:1; 21:2). Áp-ra-ham đã trông chờ được sống dưới sự cai trị của Nước Đức Chúa Trời.
12:2—“Sự vui-mừng đã đặt trước mặt [Chúa Giê-su]” để ngài chịu chết trên cây khổ hình là gì? Đó là niềm vui nhìn thấy những gì thánh chức của ngài sẽ thực hiện được—bao gồm việc làm thánh danh Đức Giê-hô-va, biện minh cho quyền cai trị của Ngài và chuộc nhân loại khỏi sự chết. Chúa Giê-su cũng trông chờ phần thưởng được làm Vua và thầy tế lễ thượng phẩm để mang lại lợi ích cho nhân loại.
13:20—Tại sao giao ước mới được xem là giao ước “đời đời”? Vì ba lý do: (1) Nó không bao giờ bị thay thế, (2) Những gì nó thực hiện sẽ tồn tại vĩnh viễn, và (3) “Chiên khác” sẽ tiếp tục hưởng lợi ích từ giao ước mới sau Ha-ma-ghê-đôn.—Giăng 10:16.
Bài học cho chúng ta:
5:14. Chúng ta nên siêng năng học hỏi Lời Đức Chúa Trời là Kinh Thánh và áp dụng những điều học được. Không cách nào khác giúp chúng ta có “tâm-tư luyện-tập mà phân-biệt điều lành và dữ”.—1 Cô 2:10.
6:17-19. Đặt hy vọng vững chắc nơi lời hứa và lời thề của Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta không đi trệch con đường lẽ thật.
12:3, 4. Thay vì “mỏi-mệt sờn lòng” bởi những thử thách hoặc chống đối không đáng kể, chúng ta nên tấn tới sự thành thục và tập chịu đựng thử thách. Chúng ta nên quyết tâm chống trả cho “đến nỗi đổ huyết”, tức là cho đến chết.—Hê 10:36-39.
12:13-15. Chúng ta không nên để cho “rễ đắng”, tức bất cứ ai trong hội thánh chỉ trích cách sắp xếp và điều hành của hội thánh, ngăn cản chúng ta ‘làm đường thẳng cho chân mình’.
12:26-28. “Những vật đã chịu dựng nên” bởi tay người ta chứ không phải bởi Đức Chúa Trời—toàn thể hệ thống mọi sự hiện nay, kể cả “trời” hay “tầng trời” (Bản Dịch Mới) gian ác—sẽ bị rúng động và tiêu tan. Khi ấy, chỉ “những vật không hề rúng-động”, tức Nước Trời và những ai ủng hộ nước ấy, sẽ tồn tại. Việc sốt sắng công bố về Nước Trời và sống phù hợp với những nguyên tắc của nước ấy thật thiết yếu biết bao!
13:7, 17. Luôn nhớ rõ lời khuyên hãy vâng lời và chịu phục các giám thị trong hội thánh sẽ giúp chúng ta thể hiện tinh thần hợp tác.
[Chú thích]