Hãy bám chặt đức tin dù gặp thử thách!
“Hỡi anh em, hãy coi sự thử-thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là đều vui-mừng trọn-vẹn” (GIA-CƠ 1:2).
1. Dân Đức Giê-hô-va phụng sự ngài với đức tin và “vui lòng” dù gặp phải điều gì?
DÂN Đức Giê-hô-va “vui lòng” phụng sự với tư cách là Nhân-chứng có đức tin nơi ngài (Phục-truyền Luật-lệ Ký 28:47; Ê-sai 43:10). Họ làm vậy bất chấp thử thách. Dù gặp khó khăn, họ được an ủi qua những lời này: “Hỡi anh em, hãy coi sự thử-thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là đều vui-mừng trọn-vẹn, vì biết rằng sự thử-thách đức-tin anh em sanh ra sự nhịn-nhục” (Gia-cơ 1:2, 3).
2. Chúng ta biết gì về người viết lá thư Gia-cơ?
2 Đây là câu môn đồ Gia-cơ, em cùng mẹ khác cha với Chúa Giê-su Christ, viết vào khoảng năm 62 CN (Mác 6:3). Gia-cơ là một trưởng lão trong hội thánh ở thành Giê-ru-sa-lem. Thật vậy, ông, Sê-pha (Phi-e-rơ), và Giăng “là những người được tôn như cột-trụ”—những thành viên vững mạnh của hội thánh (Ga-la-ti 2:9). Vào khoảng năm 49 CN, khi vấn đề cắt bì được đem ra thảo luận trước “các sứ-đồ và các trưởng-lão”, Gia-cơ đã đưa ra một đề nghị dựa trên Kinh-thánh được Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương vào thế kỷ thứ nhất chấp nhận (Công-vụ các Sứ-đồ 15:6-29).
3. Các tín đồ đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất đã gặp một vài vấn đề nào, và làm sao chúng ta có thể nhận được lợi ích tối đa từ lá thư của Gia-cơ?
3 Là một người chăn đầy quan tâm, Gia-cơ đã ‘biết cảnh-trạng của bầy chiên’ (Châm-ngôn 27:23). Ông ý thức rằng các tín đồ vào lúc ấy đang gặp những thử thách cam go. Một số tín đồ có lối suy nghĩ cần được điều chỉnh, vì họ tỏ ra thiên vị những người giàu có. Đối với một số tín đồ thì sự thờ phượng chỉ là một hình thức. Một số khác gây tổn thương vì không biết kiểm soát cái lưỡi của mình. Tinh thần thế gian đang gây ảnh hưởng tai hại, và nhiều người thiếu tính kiên nhẫn và cũng chẳng cầu nguyện. Trên thực tế, một số tín đồ đấng Christ đã mắc bệnh về thiêng liêng. Gia-cơ đã bàn về những vấn đề này một cách xây dựng trong lá thư của ông, và lời khuyên của ông vẫn còn thích hợp vào thời nay giống như vào thế kỷ thứ nhất CN. Chúng ta sẽ được nhiều lợi ích nếu xem lá thư này như được viết cho chính chúng ta.a
Khi chúng ta gặp thử thách
4. Chúng ta nên có quan điểm nào về các thử thách?
4 Gia-cơ cho ta thấy nên có quan điểm như thế nào về thử thách (Gia-cơ 1:1-4). Ông khiêm nhường tự xưng là “tôi-tớ Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jêsus-Christ” và không đề cập là có quan hệ gia đình với Con của Đức Chúa Trời. Ông viết cho “mười hai chi-phái” của dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng, lúc đầu vì sự bắt bớ mà phải “tan-lạc” (Công-vụ các Sứ-đồ 8:1; 11:19; Ga-la-ti 6:16; I Phi-e-rơ 1:1). Là tín đồ đấng Christ, chúng ta cũng bị bắt bớ, và gặp “thử-thách trăm bề”. Nhưng nếu nhớ rằng việc chịu đựng thử thách sẽ củng cố đức tin của mình, thì khi thử thách xảy ra, chúng ta sẽ xem nó “như là đều vui-mừng trọn-vẹn”. Nếu chúng ta giữ sự trung kiên đối với Đức Chúa Trời khi bị thử thách, thì điều này sẽ mang lại cho chúng ta hạnh phúc lâu dài.
5. Những thử thách của chúng ta có thể bao gồm những gì, và điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta thành công chịu đựng các thử thách?
5 Những thử thách của chúng ta bao gồm những nghịch cảnh thông thường của nhân loại. Thí dụ, sức khỏe yếu kém có thể làm chúng ta khổ sở. Ngày nay Đức Chúa Trời không làm phép lạ để chữa lành chúng ta, nhưng ngài nhậm lời mình cầu xin để được khôn ngoan và can đảm cần thiết để đối phó với các bệnh tật (Thi-thiên 41:1-3). Là Nhân-chứng Giê-hô-va, chúng ta cũng phải chịu sự bắt bớ vì sự công bình (II Ti-mô-thê 3:12; I Phi-e-rơ 3:14). Khi vượt qua được những thử thách như thế, đức tin của chúng ta trở thành một đức tính được “thử-thách”. Và khi đức tin của chúng ta chiến thắng, thì điều này “sanh ra sự nhịn-nhục”. Đức tin mạnh hơn nhờ qua thử thách sẽ giúp chúng ta chịu đựng những thử thách trong tương lai.
6. “Sự nhịn-nhục phải làm trọn việc nó” như thế nào, và chúng ta nên làm những bước thực tế nào khi gặp thử thách?
6 Gia-cơ nói: “Nhưng sự nhịn-nhục phải làm trọn việc nó”. Nếu chúng ta để cho thử thách xảy ra mà không tìm cách dùng biện pháp trái với Kinh-thánh để mau chóng thoát khỏi nó, thì sự nhịn nhục sẽ “làm” cho chúng ta là những tín đồ đấng Christ trọn vẹn, không thiếu đức tin. Tất nhiên, nếu sự thử thách phơi bày sự yếu đuối nào đó, chúng ta phải tìm kiếm sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va để vượt qua sự yếu đuối ấy. Còn nếu gặp thử thách khi bị cám dỗ về tình dục vô luân thì sao? Chúng ta hãy cầu nguyện về vấn đề ấy và rồi hành động phù hợp với lời cầu nguyện. Chúng ta có thể cần phải thay đổi chỗ làm hoặc áp dụng những biện pháp khác để giữ lòng trung kiên với Đức Chúa Trời (Sáng-thế Ký 39:7-9; I Cô-rinh-tô 10:13).
Việc tìm kiếm sự khôn ngoan
7. Chúng ta có thể được giúp đỡ ra sao để đối phó với các thử thách?
7 Gia-cơ cho chúng ta thấy nên làm gì nếu chúng ta không biết cách đối phó với sự thử thách nào đó (Gia-cơ 1:5-8). Đức Giê-hô-va sẽ không trách chúng ta khi chúng ta vì thiếu sự khôn ngoan nên lấy đức tin cầu xin ngài ban cho sự khôn ngoan. Ngài sẽ giúp chúng ta có cái nhìn đúng đắn về sự thử thách và giúp chúng ta chịu đựng. Qua các anh em cùng đạo hoặc trong lúc học hỏi Kinh-thánh, chúng ta có thể được lưu ý về những câu Kinh-thánh nào đó. Đức Chúa Trời có thể lèo lái sự việc để giúp chúng ta thấy cần phải làm gì. Thánh linh Đức Chúa Trời có thể hướng dẫn chúng ta (Lu-ca 11:13). Hiển nhiên, muốn hưởng những lợi ích như thế, chúng ta phải bám sát Đức Chúa Trời và dân ngài (Châm-ngôn 18:1).
8. Tại sao người hay nghi ngờ sẽ không nhận được điều gì cả từ Đức Giê-hô-va?
8 Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta sự khôn ngoan để đương đầu với các thử thách nếu chúng ta “lấy đức-tin mà cầu-xin, chớ nghi-ngờ”. Người hay nghi ngờ “giống như sóng biển, bị gió động và đưa đi đây đi đó”, không biết về đâu. Nếu chúng ta không vững chắc về mặt thiêng liêng, ‘chúng ta chớ nên tưởng mình lãnh được vật chi từ nơi Chúa’. Chúng ta đừng nên “phân-tâm” và “không định” trong việc cầu nguyện hoặc trong những việc khác. Trái lại, chúng ta hãy đặt đức tin nơi Đức Giê-hô-va, Nguồn của sự khôn ngoan (Châm-ngôn 3:5, 6).
Tín đồ giàu và nghèo đều có thể vui mừng
9. Tại sao chúng ta có lý do để vui mừng với tư cách là những người thờ phượng Đức Giê-hô-va?
9 Cho dù sự nghèo khổ là một trong những thử thách của mình, chúng ta hãy nhớ rằng cả tín đồ giàu lẫn nghèo đều có thể vui mừng (Gia-cơ 1:9-11). Trước khi trở thành môn đồ của Chúa Giê-su, phần đông những tín đồ đấng Christ được xức dầu có ít của cải và bị thế gian khinh thường (I Cô-rinh-tô 1:26). Nhưng họ vẫn có thể vui mừng về “phần cao-trọng” là được thừa kế Nước Trời (Rô-ma 8:16, 17). Ngược lại, những người giàu từng được tôn trọng thì nay nếm sự “đê-hèn” với tư cách là môn đồ của đấng Christ vì bị thế gian khinh dể (Giăng 7:47-52; 12:42, 43). Tuy nhiên, là tôi tớ của Đức Giê-hô-va, tất cả chúng ta đều có thể vui mừng vì sự giàu có và địa vị cao trong thế gian không có nghĩa lý gì khi so với sự giàu có về mặt thiêng liêng mà chúng ta đang hưởng. Và chúng ta thật biết ơn làm sao là ở giữa chúng ta không có chỗ để khoe khoang về địa vị xã hội! (Châm-ngôn 10:22; Công-vụ các Sứ-đồ 10:34, 35).
10. Tín đồ đấng Christ nên có quan điểm nào về sự giàu có?
10 Gia-cơ giúp chúng ta thấy rằng sự sống của chúng ta không tùy thuộc vào sự giàu có hay sự thành đạt trong thế gian. Giống như vẻ đẹp của bông hoa không thể ngăn ngừa cho nó khỏi chết dưới “sức nóng như đốt [NW]” của mặt trời, thì của cải của người giàu không thể kéo dài sự sống của mình (Thi-thiên 49:6-9; Ma-thi-ơ 6:27). Người đó có thể chết trong lúc đang theo đuổi “những việc mình làm”, có lẽ đang lo làm ăn. Cho nên, điều quan trọng là phải “giàu-có nơi Đức Chúa Trời” và làm hết sức mình để đẩy mạnh quyền lợi Nước Trời (Lu-ca 12:13-21; Ma-thi-ơ 6:33; I Ti-mô-thê 6:17-19).
Phước cho người chịu đựng thử thách
11. Những ai bám giữ đức tin của mình khi gặp thử thách sẽ có triển vọng gì?
11 Giàu hay nghèo, chúng ta chỉ có thể hạnh phúc khi nào chúng ta chịu đựng thử thách (Gia-cơ 1:12-15). Nếu chúng ta chịu đựng thử thách mà đức tin mình vẫn nguyên vẹn, thì chúng ta có thể được xưng là có phước, vì làm những gì là đúng trước mắt Đức Giê-hô-va mang lại niềm vui. Vì bám chặt đức tin cho đến chết, những tín đồ xức dầu được nhận “mũ triều-thiên của sự sống”, sự bất tử trên trời (Khải-huyền 2:10; I Cô-rinh-tô 15:50). Nếu chúng ta có hy vọng sống trên đất và giữ được đức tin nơi Đức Chúa Trời, chúng ta có thể trông đợi sự sống đời đời trong địa đàng trên đất (Lu-ca 23:43; Rô-ma 6:23). Đức Giê-hô-va thật tốt biết bao đối với tất cả những ai thực hành đức tin nơi ngài!
12. Khi gặp nghịch cảnh, tại sao chúng ta chớ nên nói rằng: “Ấy là Đức Chúa Trời cám-dỗ tôi”?
12 Có thể nào chính Đức Giê-hô-va dùng nghịch cảnh để thử chúng ta không? Không, chúng ta chớ nên nói: “Ấy là Đức Chúa Trời cám-dỗ tôi”. Đức Giê-hô-va không tìm cách xúi giục chúng ta phạm tội nhưng ngài chắc chắn giúp và ban cho chúng ta sức mạnh cần thiết để chịu đựng những thử thách nếu chúng ta tiếp tục đứng vững trong đức tin (Phi-líp 4:13). Đức Chúa Trời là thánh, vì thế ngài không đặt chúng ta vào những hoàn cảnh mà chúng ta không đủ sức kháng cự lại tội lỗi. Nếu chúng ta tự để mình rơi vào hoàn cảnh thiếu khôn ngoan và phạm tội nào đó, thì chúng ta chớ nên đổ lỗi cho ngài, “vì Đức Chúa Trời chẳng bị sự ác nào cám-dỗ được, và chính Ngài cũng không cám-dỗ ai”. Mặc dù Đức Giê-hô-va có thể cho phép một thử thách xảy ra để sửa trị chúng ta vì lợi ích của chúng ta, nhưng ngài không thử chúng ta với ác ý (Hê-bơ-rơ 12:7-11). Sa-tan có thể cám dỗ chúng ta làm điều sai, nhưng Đức Chúa Trời có thể cứu chúng ta khỏi kẻ ác đó (Ma-thi-ơ 6:13).
13. Điều gì có thể xảy ra nếu chúng ta không từ bỏ sự ham muốn sai lầm?
13 Chúng ta cần phải cầu nguyện bởi lẽ một hoàn cảnh nào đó có thể khơi dậy sự ham muốn sai lầm mà có thể xui chúng ta phạm tội. Gia-cơ nói: “Mỗi người bị cám-dỗ khi mắc tư-dục xui-giục mình”. Chúng ta không thể đổ thừa Đức Chúa Trời về tội lỗi của mình nếu chúng ta cứ để tâm tới những dục vọng tội lỗi. Nếu chúng ta không xua đuổi những ham muốn sai lầm, thì “lòng tư-dục cưu-mang” và sẽ “sanh ra tội-ác”. Khi đã phạm tội, thì tội lỗi sẽ “sanh ra sự chết”. Hiển nhiên, chúng ta cần phải bảo vệ lòng của chúng ta và chống lại những khuynh hướng tội lỗi (Châm-ngôn 4:23). Ca-in đã được cảnh cáo là tội lỗi sắp sửa chế ngự ông, nhưng ông đã không chịu chống lại (Sáng-thế Ký 4:4-8). Vậy thì nếu chúng ta bắt đầu theo đuổi một đường lối trái với Kinh-thánh thì sao? Chắc hẳn chúng ta nên biết ơn nếu các trưởng lão đạo đấng Christ tìm cách chỉnh hướng chúng ta để chúng ta không phạm tội nghịch cùng Đức Chúa Trời (Ga-la-ti 6:1).
Đức Chúa Trời—Nguồn của những điều tốt lành
14. Các món quà của Đức Chúa Trời có thể được gọi là “trọn-vẹn” theo nghĩa nào?
14 Chúng ta nên nhớ rằng Đức Giê-hô-va không phải là Nguồn của các thử thách nhưng của các điều tốt lành (Gia-cơ 1:16-18). Gia-cơ gọi các tín hữu là “anh em yêu-dấu” và ông cho thấy rằng Đức Chúa Trời là Đấng ban cho ‘mọi ân-điển tốt-lành và trọn-vẹn’. Những món quà về thiêng liêng và vật chất của Đức Giê-hô-va là “trọn-vẹn”, hay toàn vẹn, không thiếu sót gì cả. Những món quà này đến “từ nơi cao”, từ nơi Đức Chúa Trời ngự ở trên trời (I Các Vua 8:39). Đức Giê-hô-va là “Cha các tinh sao sáng-láng”—mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao. Ngài cũng ban chúng ta ánh sáng thiêng liêng và lẽ thật (Thi-thiên 43:3 [Nguyễn thế Thuấn]; Giê-rê-mi 31:35; II Cô-rinh-tô 4:6). Khác với mặt trời thay đổi bóng nắng khi nó di chuyển và chỉ có điểm thiên đỉnh vào giữa trưa, Đức Chúa Trời luôn luôn ở mức độ cao nhất để cung cấp những điều tốt lành. Ngài chắc chắn sẽ trang bị chúng ta để đương đầu với các thử thách nếu chúng ta tận dụng những điều thiêng liêng mà ngài cung cấp qua Lời ngài và “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” (Ma-thi-ơ 24:45).
15. Một trong những món quà tốt nhất của Đức Giê-hô-va là gì?
15 Một trong những món quà tốt nhất của Đức Chúa Trời là gì? Đó là việc sinh ra các con cái thiêng liêng bằng thánh linh, phù hợp với tin mừng, hoặc “lời chơn-thật”. Những ai được sinh về thiêng liêng hợp thành những “trái đầu mùa [nào đó, NW]”. Họ được chọn trong nhân loại để trở thành “nước và thầy tế-lễ” trên trời (Khải-huyền 5:10; Ê-phê-sô 1:13, 14). Có lẽ Gia-cơ đã nghĩ tới lúa mạch đầu mùa được dâng hiến vào ngày 16 Ni-san, tức là ngày mà Chúa Giê-su được sống lại, và tới việc dâng hai ổ bánh mì vào ngày Lễ Ngũ Tuần, khi thánh linh được đổ xuống (Lê-vi Ký 23:4-11, 15-17). Trong trường hợp ấy, Chúa Giê-su là trái đầu mùa và những người đồng kế tự là những “trái đầu mùa nào đó”. Nhưng nếu chúng ta có hy vọng sống trên đất thì sao? Việc nhớ đến hy vọng sống trên đất sẽ giúp chúng ta giữ chặt đức tin của mình nơi Đấng Ban Cho “mọi ân-điển tốt-lành”, tức là Đấng đã mở đường dẫn đến sự sống đời đời dưới sự cai trị của Nước Trời.
“Hãy làm theo lời”
16. Tại sao chúng ta phải “mau nghe mà chậm nói, chậm giận”?
16 Dù đức tin của chúng ta có đang bị thử thách ngay bây giờ hay không, chúng ta vẫn phải “làm theo lời” (Gia-cơ 1:19-25). Chúng ta cần “mau nghe” lời Đức Chúa Trời, sẵn sàng vâng theo lời ấy (Giăng 8:47). Mặt khác, chúng ta hãy nên “chậm nói”, cẩn thận cân nhắc lời nói của mình (Châm-ngôn 15:28; 16:23). Gia-cơ có lẽ khuyên nhủ chúng ta chớ nên vội nói rằng những thử thách của mình là do Đức Chúa Trời tạo ra. Chúng ta cũng được khuyên là nên “chậm giận; vì cơn giận của người ta không làm nên sự công-bình của Đức Chúa Trời”. Nếu những gì người khác nói làm chúng ta tức giận, chúng ta hãy nên bình tĩnh để tránh đáp lại với giọng đầy thù hận (Ê-phê-sô 4:26, 27). Một thái độ nóng giận có thể gây ra vấn đề cho chúng ta và gây khó chịu cho người khác, vì thế nó không thể sanh ra hạnh kiểm xứng với người có niềm tin nơi Đức Chúa Trời công bình. Hơn nữa, nếu “có thông-sáng lớn”, chúng ta sẽ “chậm nóng-giận”, và các anh chị sẽ muốn đến gần chúng ta (Châm-ngôn 14:29).
17. Bằng cách loại bỏ điều gian ác khỏi tâm trí, chúng ta sẽ thực hiện được điều gì?
17 Chắc chắn chúng ta cần phải tránh khỏi “mọi đều ô-uế”—tất cả những điều mà Đức Chúa Trời ghê tởm và gây ra bực bội. Hơn nữa, chúng ta phải ‘bỏ đi mọi đều gian ác còn lại’. Tất cả chúng ta phải loại hẳn khỏi đời sống của mình những hành động và thái độ ô uế (II Cô-rinh-tô 7:1; I Phi-e-rơ 1:14-16; I Giăng 1:9). Loại bỏ những điều gian ác khỏi tâm trí giúp chúng ta “đem lòng nhu-mì nhận lấy lời đã trồng [in sâu, NW]” tức là lẽ thật (Công-vụ các Sứ-đồ 17:11, 12). Dù là tín đồ đấng Christ bao nhiêu năm chăng nữa, chúng ta phải tiếp tục để lẽ thật Kinh-thánh in sâu trong chúng ta. Tại sao vậy? Bởi vì qua thánh linh của Đức Chúa Trời, lời đã được in sâu sẽ sanh ra “nhân cách mới” giúp đạt tới sự cứu rỗi (Ê-phê-sô 4:20-24, NW).
18. Người chỉ nghe lời thôi khác với người không những nghe mà còn làm theo như thế nào?
18 Làm sao chúng ta cho thấy lời ấy đang hướng dẫn chúng ta? Bằng cách sẵn lòng “làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ” (Lu-ca 11:28). Người “làm theo” thì có đức tin thúc đẩy họ làm những công việc như sốt sắng thi hành thánh chức rao giảng của tín đồ đấng Christ và đều đặn tham gia các buổi họp của dân Đức Giê-hô-va (Rô-ma 10:14, 15; Hê-bơ-rơ 10:24, 25). Một người chỉ nghe suông lời Đức Chúa Trời “thì khác nào người kia soi mặt mình trong gương”. Người ấy soi gương xong, rồi đi và quên việc mình phải làm gì để sửa ngoại diện của mình. Là những người “làm theo lời”, chúng ta cẩn thận học hỏi và vâng theo “luật-pháp trọn-vẹn” của Đức Chúa Trời, tức là gồm tất cả những điều ngài đòi hỏi nơi chúng ta. Khi làm vậy, kết quả là sự tự do của chúng ta hoàn toàn trái ngược với sự nô lệ cho tội lỗi và sự chết, vì sự tự do ấy dẫn đến sự sống. Cho nên chúng ta hãy nên ‘bền lòng suy-gẫm luật-pháp trọn-vẹn’, luôn luôn xem xét kỹ lưỡng và vâng theo luật pháp ấy. Và hãy thử nghĩ! Là những người ‘chẳng phải nghe rồi quên đi, nhưng hết lòng giữ theo phép-tắc’, chúng ta có được sự vui mừng vì được ân huệ từ Đức Chúa Trời (Thi-thiên 19:7-11).
Sự thờ phượng thật không chỉ là hình thức
19, 20. a) Theo Gia-cơ 1:26, 27, sự thờ phượng trong sạch đòi hỏi gì nơi chúng ta? b) Có một số thí dụ nào về sự thờ phượng không bị ô uế?
19 Nếu muốn hưởng được ân huệ từ Đức Chúa Trời, chúng ta phải nhớ rằng sự thờ phượng thật không chỉ là hình thức (Gia-cơ 1:26, 27). Chúng ta có thể nghĩ rằng Đức Giê-hô-va chấp nhận chúng ta là những người “tin đạo”, nhưng thật ra việc ngài coi mỗi người chúng ta có giá trị gì mới thật sự là điều đáng kể (I Cô-rinh-tô 4:4). Một trong những khiếm khuyết trầm trọng mà chúng ta có thể có là không thể “cầm-giữ cái lưỡi”. Chúng ta sẽ tự lừa dối mình nếu nghĩ rằng Đức Chúa Trời hài lòng với sự thờ phượng của chúng ta nếu chúng ta vu khống người khác, nói dối hoặc lạm dụng cái lưỡi trong những cách khác (Lê-vi Ký 19:16; Ê-phê-sô 4:25). Chắc chắn, chúng ta không muốn “sự tin đạo” hay sự thờ phượng của mình bị xem là “vô-ích” và không được Đức Chúa Trời chấp nhận vì bất cứ lý do nào.
20 Mặc dù Gia-cơ không nêu ra tất cả các khía cạnh của sự thờ phượng trong sạch, nhưng ông nói rằng sự thờ phượng ấy gồm có việc “thăm-viếng kẻ mồ-côi, người góa-bụa trong cơn khốn-khó của họ” (Ga-la-ti 2:10; 6:10; I Giăng 3:18). Hội thánh tín đồ đấng Christ đặc biệt quan tâm đến việc giúp đỡ những người góa bụa (Công-vụ các Sứ-đồ 6:1-6; I Ti-mô-thê 5:8-10). Vì Đức Chúa Trời là Đấng Bảo Vệ người góa bụa và con trẻ mồ côi cha nên chúng ta hãy hợp tác với ngài bằng cách giúp họ những gì có thể được về mặt thiêng liêng và vật chất (Phục-truyền Luật-lệ Ký 10:17, 18). Sự thờ phượng trong sạch cũng có nghĩa “giữ lấy mình cho khỏi sự ô-uế của thế-gian”, xã hội loài người gian ác dưới quyền của Sa-tan (Giăng 17:16; I Giăng 5:19). Vì vậy, chúng ta hãy tiếp tục tránh hạnh kiểm không tin kính của thế gian hầu tôn vinh Đức Giê-hô-va và trở nên hữu dụng trong công việc phụng sự ngài (II Ti-mô-thê 2:20-22).
21. Liên quan đến lá thư của Gia-cơ, có thêm những câu hỏi nào đáng được chúng ta xem xét?
21 Lời khuyên của Gia-cơ mà chúng ta vừa xem xét trên nên giúp chúng ta chịu đựng thử thách và bám chặt đức tin của mình. Lời khuyên đó phải làm tăng thêm lòng biết ơn của chúng ta đối với Đấng Ban Cho chúng ta những món quà tốt lành một cách đầy yêu thương. Và những lời của Gia-cơ giúp chúng ta thực hành sự thờ phượng trong sạch. Ông còn có những điều gì khác muốn lưu ý chúng ta không? Chúng ta có thể làm thêm những gì để chứng minh rằng chúng ta có đức tin thật sự nơi Đức Giê-hô-va?
[Chú thích]
a Khi học hỏi bài này và hai bài kế tiếp trong buổi học Kinh-thánh cá nhân hay gia đình, bạn sẽ thấy được đặc biệt lợi ích khi đọc những câu được trích ra từ lá thư của Gia-cơ, một lá thư làm vững mạnh đức tin của chúng ta.
Bạn sẽ trả lời thế nào?
◻ Những điều gì sẽ giúp chúng ta chịu đựng các thử thách?
◻ Mặc dù bị thử thách, tại sao tín đồ đấng Christ có lý do để vui mừng?
◻ Làm sao chúng ta có thể trở thành những người làm theo lời?
◻ Sự thờ phượng trong sạch bao gồm điều gì?
[Hình nơi trang 9]
Khi bị thử thách, hãy thực hành đức tin nơi Đức Giê-hô-va, Đấng có quyền nhậm lời cầu nguyện
[Các hình nơi trang 10]
Những người “làm theo lời” đang rao giảng Nước Đức Chúa Trời khắp thế giới