CHƯƠNG 12
Hãy nói “những lời tốt lành giúp vững mạnh”
“Chớ để lời dữ nào ra khỏi miệng anh em, nhưng chỉ nói những lời tốt lành giúp vững mạnh”.—Ê-PHÊ-SÔ 4:29.
1-3. (a) Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta món quà tốt lành nào? Món quà này có thể bị lạm dụng ra sao? (b) Chúng ta nên dùng món quà lời nói như thế nào?
Một người cha tặng cho con trai ở tuổi thanh thiếu niên chiếc xe đạp. Ông rất vui khi tặng cho con món quà đặc biệt ấy. Nhưng nói sao nếu người con lái xe cách cẩu thả, đâm vào người khác và khiến họ bị thương? Người cha sẽ cảm thấy thế nào?
2 Đức Giê-hô-va là đấng ban “mọi món quà tốt lành và hoàn hảo” (Gia-cơ 1:17). Một trong những món quà tốt lành mà ngài ban cho chúng ta là khả năng giao tiếp bằng lời nói. Món quà này giúp chúng ta bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc. Chúng ta có thể nói những điều giúp ích cho người khác và làm họ cảm thấy vui. Nhưng những gì chúng ta nói cũng có thể gây hại cho người khác và khiến họ bị tổn thương.
3 Lời nói có quyền lực mạnh mẽ. Đức Giê-hô-va dạy chúng ta biết làm thế nào để dùng món quà này cách khôn ngoan. Lời ngài phán với chúng ta: “Chớ để lời dữ nào ra khỏi miệng anh em, nhưng chỉ nói những lời tốt lành giúp vững mạnh theo nhu cầu, hầu mang lại lợi ích cho người nghe” (Ê-phê-sô 4:29). Hãy xem làm sao chúng ta có thể dùng món quà mà Đức Chúa Trời ban theo cách làm ngài vui lòng và khích lệ người khác.
HÃY THẬN TRỌNG TRONG LỜI NÓI
4, 5. Chúng ta học được gì về sức mạnh của lời nói qua những câu châm ngôn trong Kinh Thánh?
4 Lời nói có sức mạnh, thế nên chúng ta cần thận trọng trong lời nói cũng như cách nói. Châm ngôn 15:4 cho biết: “Lưỡi điềm đạm là một cây sự sống, nhưng lời lươn lẹo gây nên nỗi tuyệt vọng”. Giống như một cây xanh tươi đem lại sự sống và khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu, lời nói tử tế sẽ làm cho người nghe được tươi tỉnh. Trái lại, những lời gay gắt sẽ khiến người khác bị tổn thương và buồn lòng.—Châm ngôn 18:21.
5 Châm ngôn 12:18 viết: “Lời nói thiếu suy nghĩ như bao nhát gươm đâm”. Những lời thiếu tử tế có thể gây đau lòng và phá hủy các mối quan hệ. Có lẽ bạn vẫn còn nhớ lần mà một người nói những lời thiếu tử tế và khiến bạn bị tổn thương nặng nề. Tuy nhiên, câu Châm ngôn trên nói tiếp: “Lưỡi người khôn ngoan là phương thuốc chữa lành”. Những lời tử tế có thể xoa dịu tấm lòng đau thương và phục hồi các mối quan hệ bị tổn hại do sự hiểu lầm. (Đọc Châm ngôn 16:24). Nếu ý thức rằng lời nói của mình có thể ảnh hưởng đến người khác, chúng ta sẽ thận trọng trong cách nói năng.
6. Tại sao việc kiểm soát lời nói đòi hỏi nhiều nỗ lực?
6 Một lý do khác chúng ta cần thận trọng trong lời nói là vì tất cả chúng ta đều bất toàn. Kinh Thánh cho biết ‘lòng con người hướng về điều xấu xa’ và lời nói của chúng ta thường tiết lộ điều ở trong lòng mình (Sáng thế 8:21; Lu-ca 6:45). Việc kiểm soát lời nói có thể đòi hỏi nhiều nỗ lực. (Đọc Gia-cơ 3:2-4). Dù vậy, chúng ta cần tiếp tục nỗ lực để cải thiện cách nói năng của mình.
7, 8. Lời nói của chúng ta có thể ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ với Đức Giê-hô-va?
7 Chúng ta cũng cần thận trọng trong lời nói vì chúng ta phải chịu trách nhiệm trước mắt Đức Giê-hô-va về lời nói và cách nói năng của mình. Gia-cơ 1:26 nói: “Nếu ai nghĩ mình là người thờ phượng Đức Chúa Trời mà không biết kìm giữ lưỡi mình thì người ấy đang lừa dối lòng mình, và sự thờ phượng của người ấy là vô ích”. Vậy nếu không thận trọng trong lời nói, chúng ta có thể làm tổn hại, thậm chí là hủy hoại mối quan hệ của mình với Đức Giê-hô-va.—Gia-cơ 3:8-10.
8 Rõ ràng, chúng ta có những lý do chính đáng để thận trọng trong lời nói cũng như cách nói. Để dùng món quà lời nói theo ý muốn của Đức Giê-hô-va, chúng ta cần biết những cách nói năng nào mình phải tránh.
NHỮNG LỜI GÂY PHÁ ĐỔ
9, 10. (a) Cách nói năng nào rất phổ biến trong thế gian ngày nay? (b) Tại sao chúng ta phải tránh dùng ngôn từ tục tĩu?
9 Ngôn từ tục tĩu rất phổ biến trong thế gian ngày nay. Nhiều người nghĩ rằng phải chửi thề hoặc dùng những từ khiếm nhã thì mới có thể nhấn mạnh được điều muốn nói. Các diễn viên hài thường đùa giỡn bậy bạ và dùng ngôn từ tục tĩu để gây cười. Tuy nhiên, sứ đồ Phao-lô nói: “Anh em phải lột bỏ hết những điều như thịnh nộ, giận dữ, xấu xa, lăng mạ và lời tục tĩu ra từ miệng mình” (Cô-lô-se 3:8). Ông cũng nói rằng những lời “bông đùa tục tĩu” không nên được nhắc đến trong vòng tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính.—Ê-phê-sô 5:3, 4.
10 Ngôn từ tục tĩu là điều ô uế và đáng gớm ghiếc đối với Đức Giê-hô-va và những người yêu mến ngài. Theo Kinh Thánh, “ô uế” là một trong “các việc làm của xác thịt” (Ga-la-ti 5:19-21). “Ô uế” bao gồm nhiều loại tội khác nhau, và một thói quen ô uế này có thể dẫn đến thói quen ô uế khác. Nếu một người có thói quen ô uế là nói năng tục tĩu và không chịu thay đổi thì có thể sẽ không được ở trong hội thánh.—2 Cô-rinh-tô 12:21; Ê-phê-sô 4:19; xin xem Phụ lục 23.
11, 12. (a) Khi nào việc nói về người khác trở nên tai hại? (b) Tại sao chúng ta phải tránh vu khống người khác?
11 Chúng ta cũng cần tránh thày lay. Việc quan tâm đến người khác và chia sẻ thông tin về bạn bè cũng như gia đình là điều tự nhiên. Ngay cả vào thế kỷ thứ nhất, những tín đồ thời ban đầu cũng muốn biết về tình trạng của anh em đồng đạo và xem mình có thể giúp được gì (Ê-phê-sô 6:21, 22; Cô-lô-se 4:8, 9). Nhưng nói chuyện về người khác có thể rất dễ trở thành thày lay. Nếu lan truyền chuyện thày lay, có thể chúng ta sẽ nói điều sai sự thật hoặc tiết lộ chuyện lẽ ra phải giữ kín. Nếu không cẩn thận, những lời nói tiêu cực này có thể trở thành những lời cáo buộc dối trá, hay vu khống. Người Pha-ri-si đã vu khống Chúa Giê-su khi buộc tội ngài về những điều ngài không làm (Ma-thi-ơ 9:32-34; 12:22-24). Sự vu khống làm tổn hại danh tiếng của người khác, dẫn đến tranh cãi và nhiều nỗi đau, cũng như hủy hoại tình bạn.—Châm ngôn 26:20.
12 Đức Giê-hô-va muốn chúng ta dùng lời nói để giúp đỡ và khích lệ người khác, chứ không phải biến bạn thành thù. Đức Giê-hô-va ghét những người “gieo bất hòa giữa anh em” (Châm ngôn 6:16-19). Kẻ vu khống đầu tiên là Sa-tan Ác Quỷ, hắn đã vu khống chính Đức Chúa Trời (Khải huyền 12:9, 10). Trong thế gian ngày nay, người ta thường nói dối về người khác. Nhưng điều này không nên có trong hội thánh đạo Đấng Ki-tô (Ga-la-ti 5:19-21). Vì thế, chúng ta cần thận trọng về những gì mình nói và luôn suy nghĩ trước khi nói. Trước khi truyền đi thông tin về một ai đó, hãy tự hỏi: “Tin này có thật không? Lan truyền tin này có phải là tử tế không? Có giúp ích gì không? Mình có muốn người mà mình đang nói đến nghe thấy điều mình nói không? Mình sẽ cảm thấy thế nào nếu người khác nói như thế về mình?”.—Đọc 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:11.
13, 14. (a) Những lời xúc phạm có thể tác động thế nào đến người khác? (b) Lăng mạ là gì? Tại sao tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải tránh nói những lời lăng mạ?
13 Ai trong chúng ta cũng từng nói những lời mà sau này mình phải hối tiếc. Nhưng chúng ta không muốn có thói quen chỉ trích hoặc nói những lời cay nghiệt hay thiếu tử tế. Những lời xúc phạm không có chỗ trong đời sống của chúng ta. Những lời xúc phạm có thể làm người khác mất phẩm giá và khiến họ cảm thấy vô dụng. Trẻ em rất dễ bị tổn thương, vì thế chúng ta cần đặc biệt thận trọng để không nói những lời khiến các em ngã lòng.—Cô-lô-se 3:21.
14 Kinh Thánh cảnh báo chúng ta về một loại lời nói xúc phạm rất tai hại, đó là lăng mạ. Phao-lô nói: “Hãy từ bỏ mọi sự cay đắng hiểm độc, tức giận, thịnh nộ, quát tháo, lăng mạ” (Ê-phê-sô 4:31). Lăng mạ là thường xuyên sỉ nhục người khác với mục đích làm họ tổn thương. Thật đáng buồn nếu ai trong chúng ta đối xử với người hôn phối hoặc con cái của mình như thế! Nếu một người không chịu từ bỏ cách nói năng này thì sẽ không còn hội đủ điều kiện ở trong hội thánh (1 Cô-rinh-tô 5:11-13; 6:9, 10). Như vừa xem xét, việc dùng những lời tục tĩu, dối trá hoặc thiếu tử tế sẽ gây hại cho mối quan hệ của chúng ta với Đức Giê-hô-va và với người khác.
NHỮNG LỜI GIÚP VỮNG MẠNH
15. Những lời nói như thế nào sẽ giúp củng cố các mối quan hệ?
15 Làm thế nào chúng ta có thể dùng món quà lời nói theo ý muốn Đức Giê-hô-va? Dù Kinh Thánh không cho biết chính xác chúng ta nên hoặc không nên nói gì, nhưng Kinh Thánh khuyến khích chúng ta “chỉ nói những lời tốt lành giúp vững mạnh” (Ê-phê-sô 4:29). Những lời giúp vững mạnh là những lời nói tử tế, đứng đắn và đúng sự thật. Đức Giê-hô-va muốn chúng ta dùng lời nói để giúp đỡ và khích lệ người khác. Điều này có thể không dễ, vì thường thì nói những lời tích cực đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn là nói những lời thiếu suy nghĩ hay cay nghiệt (Tít 2:8). Hãy xem một số cách mà chúng ta có thể dùng lời nói để giúp người khác vững mạnh.
16, 17. (a) Tại sao chúng ta nên khen người khác? (b) Chúng ta có thể khen những ai?
16 Cả Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su đều rộng rãi đưa ra lời khen. Chúng ta muốn noi gương hai đấng ấy (Ma-thi-ơ 3:17; 25:19-23; Giăng 1:47). Để lời khen thật sự khích lệ người khác, chúng ta cần tinh ý và chân thành quan tâm đến họ. Châm ngôn 15:23 nói: “Lời nói đúng lúc thật tốt biết bao!”. Thật vậy, chúng ta được khích lệ khi ai đó chân thành khen mình vì đã làm việc siêng năng hoặc bày tỏ lòng quý trọng về điều mình đã làm.—Đọc Ma-thi-ơ 7:12; xin xem Phụ lục 27.
17 Nếu bạn tập thói quen tìm điểm tốt nơi người khác thì sẽ dễ để đưa ra lời khen chân thành. Chẳng hạn, có lẽ bạn để ý thấy một anh chị trong hội thánh chuẩn bị bài giảng kỹ hoặc nỗ lực bình luận trong các buổi nhóm họp. Hoặc một bạn trẻ giữ vững lập trường tại trường học, hay một anh chị lớn tuổi đều đặn tham gia thánh chức. Có lẽ những lời bày tỏ lòng quý trọng chính là điều họ đang cần. Người chồng cũng cần nói với vợ rằng anh yêu thương và quý trọng vợ (Châm ngôn 31:10, 28). Như cây cần ánh sáng và nước thì con người cũng cần cảm thấy được quý trọng, đặc biệt là trẻ em. Hãy tìm cơ hội để khen về những đức tính tốt và nỗ lực của các em. Lời khen có thể giúp các em can đảm, tự tin và thôi thúc các em cố gắng nhiều hơn để làm điều đúng.
18, 19. Tại sao chúng ta nên nỗ lực hết sức để khích lệ và an ủi người khác? Chúng ta có thể làm điều này bằng cách nào?
18 Khi khích lệ và an ủi người khác, chúng ta đang noi gương Đức Giê-hô-va. Ngài quan tâm sâu sắc đến “người thấp hèn” và “người bị giày vò” (Ê-sai 57:15, các chú thích). Đức Giê-hô-va muốn chúng ta “tiếp tục khích lệ nhau” và “an ủi người buồn nản” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:11, 14). Ngài nhìn thấy và quý trọng nỗ lực của chúng ta khi cố gắng làm thế.
19 Có lẽ bạn thấy một anh chị trong hội thánh bị nản lòng hoặc đau buồn. Bạn có thể nói gì để giúp người ấy? Có lẽ bạn không thể giải quyết vấn đề, nhưng hãy cho người ấy biết bạn quan tâm đến họ. Chẳng hạn, bạn có thể dành thời gian cho người ấy. Bạn có thể đọc một câu Kinh Thánh khích lệ hoặc đề nghị cùng người ấy cầu nguyện (Thi thiên 34:18; Ma-thi-ơ 10:29-31). Hãy cho người ấy biết các anh chị trong hội thánh rất yêu thương họ (1 Cô-rinh-tô 12:12-26; Gia-cơ 5:14, 15). Hãy nói theo cách cho thấy những gì bạn nói là chân thật và bạn thật sự tin điều mình nói.—Đọc Châm ngôn 12:25.
20, 21. Điều gì khiến cho lời khuyên dễ chấp nhận hơn?
20 Chúng ta cũng có thể giúp người khác vững mạnh qua việc cho lời khuyên hữu ích. Là người bất toàn, tất cả chúng ta đôi khi cần được khuyên. Châm ngôn 19:20 nói: “Hãy nghe lời khuyên và nhận sự sửa dạy, hầu mai sau trở nên khôn ngoan”. Không chỉ các trưởng lão mới có thể khuyên người khác. Cha mẹ cần khuyên dạy con cái (Ê-phê-sô 6:4). Các chị cũng có thể đưa ra lời khuyên hữu ích cho những chị khác (Tít 2:3-5). Vì yêu thương anh em, chúng ta muốn đưa ra lời khuyên sao cho người nghe không cảm thấy nản lòng. Điều gì có thể giúp chúng ta làm thế?
21 Có lẽ bạn vẫn còn nhớ lần được một người cho lời khuyên theo cách bạn cảm thấy dễ chấp nhận. Tại sao lời khuyên ấy hữu hiệu? Có lẽ bạn cảm thấy người ấy thật sự quan tâm đến bạn, hoặc người ấy đưa ra lời khuyên cách tử tế và yêu thương (Cô-lô-se 4:6). Rất có thể lời khuyên đó dựa trên Kinh Thánh (2 Ti-mô-thê 3:16). Dù chúng ta có trích trực tiếp từ Kinh Thánh hay không thì những lời khuyên của chúng ta nên dựa vào Kinh Thánh. Chúng ta không nên áp đặt quan điểm của mình lên người khác hoặc áp dụng sai câu Kinh Thánh để ủng hộ ý kiến cá nhân. Nhớ lại cách bạn được khuyên có thể giúp bạn khi khuyên người khác.
22. Bạn muốn dùng món quà lời nói như thế nào?
22 Khả năng giao tiếp bằng lời nói là món quà từ Đức Chúa Trời. Tình yêu thương dành cho ngài thôi thúc chúng ta dùng món quà này một cách đúng đắn. Hãy nhớ rằng lời nói có sức mạnh để phá đổ hoặc giúp vững mạnh. Vậy hãy nỗ lực hết sức để dùng lời nói hầu khích lệ và làm người khác vững mạnh.