Tính nhịn nhục—Thiết yếu cho tín đồ Đấng Christ
“Thêm cho đức tin mình... sự nhịn nhục” (II PHI-E-RƠ 1:5, 6).
1, 2. Tại sao tất cả chúng ta phải nhịn nhục đến cùng?
ANH giám thị lưu động và vợ anh đến thăm một người bạn tín đồ đấng Christ hơn 90 tuổi và đã phụng sự mấy chục năm trong thánh chức trọn thời gian. Đang lúc họ nói chuyện, anh lớn tuổi hồi tưởng lại một số đặc ân mà anh đã có trong nhiều năm qua. Rồi những dòng lệ bắt đầu tuôn trào trên má, anh than thở: “Nhưng bây giờ tôi không thể làm gì được nữa”. Anh giám thị lưu động mở Kinh-thánh và đọc Ma-thi-ơ 24:13, nơi đó trích lời Giê-su nói rằng: “Nhưng kẻ nào bền-chí cho đến cuối-cùng, thì sẽ được cứu”. Rồi anh giám thị nhìn người anh thân yêu và nói: “Sứ mạng cuối cùng mà tất cả chúng ta đều có, dù làm được nhiều hay ít, là phải nhịn nhục cho đến cùng”.
2 Đúng vậy, là tín đồ đấng Christ tất cả chúng ta phải nhịn nhục cho đến lúc kết liễu hệ thống mọi sự này hoặc cho đến chết. Không có cách nào khác để được Đức Giê-hô-va chấp nhận và được cứu rỗi. Chúng ta đang ở trong một cuộc đua cho sự sống, và chúng ta phải “lấy lòng nhịn-nhục theo đòi cuộc chạy đua” cho đến mức chót (Hê-bơ-rơ 12:1). Sứ đồ Phi-e-rơ nhấn mạnh tầm quan trọng của đức tính này khi ông khuyến khích các anh em tín đồ đấng Christ: “Thêm cho đức-tin mình... sự nhịn-nhục” (II Phi-e-rơ 1:5, 6). Nhưng sự nhịn nhục đích thực là gì?
Nhịn nhục—Nghĩa là gì?
3, 4. Nhịn nhục có nghĩa là gì?
3 Nhịn nhục nghĩa là gì? Động từ Hy Lạp cho chữ “nhịn nhục” (hy·po·meʹno) có nghĩa đen là “ở lại hoặc bền bỉ”. Chữ này xuất hiện 17 lần trong Kinh-thánh. Theo các nhà tự điển học W. Bauer, F. W. Gingrich và F. Danker, chữ này có nghĩa “ở lại thay vì chạy trốn..., giữ vững lập trường, kiên trì”. Danh từ Hy Lạp cho chữ “sự nhịn nhục” (hy·po·mo·neʹ) xuất hiện hơn 30 lần. Nói về chữ này, cuốn “Một tự điển Tân Ước” (A New Testament Wordbook) của William Barclay nói: “Sự nhịn nhục là tính có thể chịu đựng mọi sự, không phải chỉ với sự cam chịu nhưng với hy vọng sáng ngời... Đó là một đức tính giúp người ta đứng vững trước bão táp. Đó là một tính tốt có thể biến đổi một thử thách khó khăn nhất thành ra vẻ vang bởi vì thấy được mục tiêu ở đằng sau sự đau đớn”.
4 Vậy thì sự nhịn nhục giúp cho chúng ta không lùi bước và không mất đi niềm hy vọng khi đối diện với trở ngại hay khó khăn (Rô-ma 5:3-5). Đức tính này giúp chúng ta nhìn xa hơn sự đau đớn hiện tại để hướng về mục tiêu—giải thưởng, hay sự ban cho, được sống đời đời ở trên trời hoặc ở trên đất (Gia-cơ 1:12).
Nhịn nhục—Tại sao?
5. a) Tại sao tất cả các tín đồ đấng Christ “cần phải nhịn nhục”? b) Chúng ta có thể chia các thử thách ra thành hai loại nào?
5 Là tín đồ đấng Christ, tất cả chúng ta “cần phải nhịn nhục” (Hê-bơ-rơ 10:36). Tại sao vậy? Thường là vì chúng ta gặp “sự thử-thách trăm bề”. Đoạn văn Hy Lạp ở đây nơi Gia-cơ 1:2 có ý nói về sự gặp gỡ bất ngờ hoặc không mong đợi như khi một người gặp phải một tên cướp. (So sánh Lu-ca 10:30). Chúng ta gặp những thử thách mà có thể chia ra thành hai loại: một loại thông thường xảy ra cho người ta vì tội lỗi di truyền, và loại kia đến với chúng ta vì sự tin kính của chúng ta (I Cô-rinh-tô 10:13; II Ti-mô-thê 3:12). Một số thử thách này là gì?
6. Một Nhân-chứng đã chịu đựng ra sao khi bị bệnh đau đớn?
6 Mắc bệnh trầm trọng. Như Ti-mô-thê, một số tín đồ đấng Christ phải cam chịu sự “hay đau yếu” (I Ti-mô-thê 5:23, Bản dịch Nguyễn thế Thuấn). Nhất là khi phải chịu đựng chứng bệnh kinh niên, có thể rất đau đớn, chúng ta cần phải nhịn nhục, không lùi bước, với sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời và không quên đi niềm hy vọng của tín đồ đấng Christ. Hãy xem qua gương của một anh Nhân-chứng ngoài 50 tuổi phải chống chỏi lâu dài và khó khăn vì bị bướu ác tính phát triển rất nhanh chóng. Qua hai cuộc giải phẫu anh vẫn quyết tâm giữ vững lập trường không tiếp máu (Công-vụ các Sứ-đồ 15:28, 29). Nhưng cục bướu tái phát ở trong bụng và tiếp tục to dần gần xương sống của anh. Khi cục bướu phát triển như thế, anh đau đớn không thể tưởng tượng và không thuốc nào có thể làm dịu cơn đau. Tuy thế, anh nhìn xa hơn cơn đau đớn hiện tại và nghĩ đến giải thưởng được sống trong thế giới mới. Anh tiếp tục chia xẻ niềm hy vọng sáng ngời trong lòng anh với các bác sĩ, y tá và những người đến thăm. Anh nhịn nhục cho đến cuối cùng—cuối cùng của đời anh. Bệnh của bạn có thể không đe dọa đến mạng sống hay không đau đớn như anh nói trên, nhưng có lẽ nó vẫn là một sự thử thách lớn cho lòng nhịn nhục của bạn.
7. Một số anh chị thiêng liêng của chúng ta phải chịu đựng loại đau đớn nào?
7 Đau đớn về mặt tình cảm. Đôi khi một số người thuộc dân tộc của Đức Giê-hô-va bị “lòng buồn bã” mà sinh ra “trí nao sờn” (Châm-ngôn 15:13). Sự buồn nản trầm trọng không phải là chuyện hiếm có trong “những thời-kỳ khó-khăn” này (II Ti-mô-thê 3:1). Tờ “Tin tức khoa học” (Science News) ngày 5-12-1992 báo cáo: “Tỷ lệ của những người bị buồn nản trầm trọng, thứ bịnh thường làm người ta mất năng lực, đã gia tăng với mỗi thế hệ sinh sau năm 1915”. Có nhiều nguyên nhân sinh ra sự buồn nản như thế, từ những yếu tố thể chất đến những kinh nghiệm đau đớn không vui. Đối với một số tín đồ đấng Christ, sự nhịn nhục có liên hệ đến việc tranh đấu hàng ngày để không lùi bước trước sự đau đớn về mặt tình cảm. Tuy nhiên, họ không bỏ cuộc. Họ giữ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va dù có đau lòng rơi lệ. (So sánh Thi-thiên 126:5, 6).
8. Chúng ta có thể gặp sự thử thách nào về mặt tài chánh?
8 Những thử thách trăm bề mà chúng ta gặp phải có thể bao gồm sự khó khăn trầm trọng về kinh tế. Khi một anh ở New Jersey, Hoa Kỳ, bất ngờ bị mất việc, dĩ nhiên là anh lo lắng không biết làm sao nuôi gia đình và sợ bị mất chỗ ở. Tuy nhiên, anh không quên đi hy vọng về Nước Trời. Trong lúc anh đi tìm một việc khác, anh lợi dụng cơ hội để làm người tiên phong phụ trợ. Cuối cùng, anh tìm được việc mới (Ma-thi-ơ 6:25-34).
9. a) Tại sao mình cần nhịn nhục khi mất một người thân? b) Những câu Kinh-thánh nào cho thấy sự buồn khóc không phải là sai?
9 Nếu bạn trải qua kinh nghiệm mất đi một người thân, bạn cần nhịn nhục một thời gian dài sau khi những người xung quanh bạn trở về với đời sống bình thường của họ. Mỗi năm cứ đến gần ngày người thân bạn qua đời, chắc bạn cảm thấy rất đau khổ. Buồn khóc trong những lúc ấy không có gì là sai hay là không nhịn nhục. Than khóc về sự chết của người mà chúng ta yêu mến là điều tự nhiên và không có nghĩa là chúng ta thiếu đức tin về sự sống lại. (Sáng-thế Ký 23:2; so sánh Hê-bơ-rơ 11:19). Giê-su “đã khóc” khi La-xa-rơ chết, dù rằng ngài đã nói với Ma-thê một cách đầy tin tưởng: “Anh ngươi sẽ sống lại”. Và La-xa-rơ đã sống lại thật! (Giăng 11:23, 32-35, 41-44).
10. Tại sao dân tộc Đức Giê-hô-va cần có sự nhịn nhục một cách đặc biệt?
10 Ngoài việc chịu đựng những thử thách thông thường xảy ra cho mọi người, dân tộc của Đức Giê-hô-va cần nhịn nhục một cách đặc biệt. Giê-su báo trước: “Các ngươi sẽ bị mọi dân ghen-ghét vì danh ta” (Ma-thi-ơ 24:9). Ngài cũng nói: “Nếu họ đã bắt-bớ ta, ắt cũng bắt-bớ các ngươi” (Giăng 15:20). Tại sao có mọi sự ghen ghét và bắt bớ này? Bởi vì mặc dầu chúng ta sống ở đâu trên trái đất này với tư cách là tôi tớ của Đức Chúa Trời, Sa-tan vẫn cố gắng phá đổ lòng trung kiên của chúng ta đối với Đức Giê-hô-va. (I Phi-e-rơ 5:8; so sánh Khải-huyền 12:17). Để làm điều này, Sa-tan thường gây ra sự bắt bớ dữ dội, thử thách lòng nhịn nhục của chúng ta đến cùng.
11, 12. a) Các Nhân-chứng Giê-hô-va và con cái họ gặp thử thách nào trong thập niên 1930 và đầu thập niên 1940? b) Tại sao Nhân-chứng Giê-hô-va không chào cờ?
11 Thí dụ, trong thập niên 1930 và đầu thập niên 1940, Nhân-chứng Giê-hô-va và các con cái họ ở Hoa Kỳ và Gia Nã Đại là mục tiêu của sự bắt bớ bởi vì họ không chào biểu tượng quốc gia vì lý do lương tâm. Các Nhân-chứng tôn trọng biểu tượng quốc gia ở nơi họ sống, nhưng họ tuân theo nguyên tắc ghi nơi Xuất Ê-díp-tô Ký 20:4, 5: “Ngươi chớ làm tượng-chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp này, hoặc trong nước dưới đất. Ngươi chớ quì lại trước các hình-tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó; vì ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, tức là Đức Chúa Trời kỵ-tà”. Khi một số con cái của Nhân-chứng bị đuổi ra khỏi trường vì chỉ muốn thờ phượng một mình Đức Giê-hô-va, các Nhân-chứng lập ra Trường học Nước Trời để dạy con cái họ. Các học sinh này trở lại trường công lập khi Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ công nhận lập trường tôn giáo của họ, như nhiều nước ngày nay cũng công nhận. Tuy nhiên, sự nhịn nhục đầy can đảm của những người trẻ này là tấm gương sáng đặc biệt cho những tín đồ trẻ tuổi có lẽ đang bị chế nhạo vì họ cố gắng sống theo tiêu chuẩn của Kinh-thánh (I Giăng 5:21).
12 Những thử thách trăm bề mà chúng ta gặp phải, loại thông thường xảy ra cho mọi người và loại vì đức tin của tín đồ đấng Christ, cũng cho thấy tại sao chúng ta cần sự nhịn nhục. Nhưng chúng ta có thể nhịn nhục như thế nào?
Nhịn nhục đến cuối cùng—Thế nào?
13. Đức Giê-hô-va ban cho sự nhịn nhục như thế nào?
13 Dân sự của Đức Chúa Trời chắc chắn có lợi thế hơn những người không thờ phượng Đức Giê-hô-va. Để được giúp đỡ, chúng ta có thể kêu cầu “Đức Chúa Trời Đấng ban cho sự nhịn nhục” (Rô-ma 15:5, NW). Vậy thì, Đức Giê-hô-va ban cho sự nhịn nhục như thế nào? Một cách là qua gương mẫu nhịn nhục ghi lại trong Lời của Ngài, Kinh-thánh (Rô-ma 15:4). Khi chúng ta ngẫm nghĩ về những gương này, không những chúng ta được khuyến khích để nhịn nhục mà còn học biết cách để nhịn nhục. Hãy xem xét hai gương mẫu xuất sắc—sự nhịn nhục đầy can đảm của Gióp và sự nhịn nhục toàn hảo của Giê-su Christ (Hê-bơ-rơ 12:1-3; Gia-cơ 5:11).
14, 15. a) Gióp chịu đựng những thử thách nào? b) Làm sao Gióp có thể chịu đựng được những thử thách?
14 Sự nhịn nhục của Gióp bị thử thách trong trường hợp nào? Ông gặp khó khăn về kinh tế khi ông mất gần hết của cải. (Gióp 1:14-17; so sánh Gióp 1:3). Ông rất đau khổ khi mười đứa con bị chết trong cơn gió lớn (Gióp 1:18-21). Ông bị một chứng bệnh trầm trọng, rất đau đớn (Gióp 2:7, 8; 7:4, 5). Chính vợ ông xúi giục ông bỏ Đức Chúa Trời (Gióp 2:9). Những người bạn thân nói những điều ác độc, không tử tế và trái sự thật. (So sánh Gióp 16:1-3 và Gióp 42:7). Tuy nhiên, dù gặp mọi tình trạng này, Gióp vẫn không lùi bước, vẫn giữ sự trung kiên (Gióp 27:5). Những điều ông đã chịu đựng tương tợ với những thử thách mà dân sự của Đức Chúa Trời gặp phải ngày nay.
15 Làm sao Gióp có thể nhịn nhục trước mọi sự thử thách? Một điều đặc biệt đã nâng đỡ ông là niềm hy vọng. Ông nói: “Vì cây-cối dẫu bị đốn còn trông-cậy, sẽ còn mọc lên nữa, không thôi nức chồi” (Gióp 14:7). Gióp có hy vọng nào? Vài câu sau đó, ông nói: “Nếu loài người chết có được sống lại chăng!... Chúa sẽ gọi, tôi sẽ thưa lại; Chúa sẽ đoái đến công-việc của tay Chúa” (Gióp 14:14, 15). Đúng vậy, Gióp đã nhìn xa hơn sự đau khổ hiện tại. Ông biết là sự thử thách của ông sẽ không kéo dài mãi. Cùng lắm là ông phải nhịn nhục cho đến chết. Ông hy vọng trông mong là Đức Giê-hô-va, Đấng yêu thương muốn làm người chết sống lại, và Ngài sẽ làm cho ông sống lại (Công-vụ các Sứ-đồ 24:15).
16. a) Qua gương của Gióp, chúng ta học được gì về sự nhịn nhục? b) Niềm hy vọng về Nước Trời phải có thực đối với chúng ta đến độ nào, và tại sao?
16 Chúng ta học được gì qua sự nhịn nhục của Gióp? Để nhịn nhục cho đến cùng, chúng ta không bao giờ quên đi niềm hy vọng. Cũng hãy nhớ rằng có niềm hy vọng vững chắc về Nước Trời có nghĩa là những sự đau khổ mà chúng ta gặp phải chỉ là “tạm thời” mà thôi (II Cô-rinh-tô 4:16-18). Niềm hy vọng quí báu của chúng ta căn cứ vững chắc vào lời hứa của Đức Giê-hô-va về một thời kỳ gần đến trong tương lai khi “Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng [ta], sẽ không có sự chết, không có than-khóc, kêu-ca hay là đau-đớn nữa” (Khải-huyền 21:3, 4). Hy vọng đó không “đưa đến sự thất-vọng”, sẽ gìn giữ tư tưởng của chúng ta (Rô-ma 5:4, 5, NW; I Tê-sa-lô-ni-ca 5:8). Hy vọng đó phải là thật đối với chúng ta, thật đến nỗi mà qua cặp mắt của đức tin chúng ta có thể hình dung được chính mình ở trong thế giới mới—không còn chống chọi với bệnh tật và sự buồn nản nữa, nhưng mỗi ngày có được sức khỏe tốt và trí tuệ minh mẫn; không còn lo lắng về tình trạng kinh tế khó khăn nhưng sống trong sự an ninh; không còn than khóc về người thân đã chết nhưng vui mừng thấy họ sống lại (Hê-bơ-rơ 11:1). Nếu không có hy vọng như thế, chúng ta có thể bị những sự thử thách hiện tại áp đảo làm cho mình bỏ cuộc. Với niềm hy vọng, chúng ta có một động cơ mạnh mẽ biết bao giúp chúng ta tiếp tục chiến đấu và bền chí cho đến cùng!
17. a) Giê-su đã chịu đựng những thử thách nào? b) Chúng ta có thể thấy sự đau khổ cực độ mà Giê-su phải chịu qua sự kiện nào? (Xem phụ chú)
17 Kinh-thánh khuyến khích chúng ta “nhìn xem” Giê-su và ‘nghĩ đến ngài’. Ngài phải chịu đựng những thử thách nào? Một số các thử thách này là do tội lỗi và sự bất toàn của người khác gây ra. Giê-su chịu đựng không riêng “sự đối-nghịch của kẻ tội-lỗi”, mà còn những vấn đề xảy ra trong vòng các môn đồ ngài, gồm có sự tranh cãi xem ai là lớn nhất. Hơn nữa, ngài gặp phải sự thử thách vô song về đức tin. Ngài “chịu lấy thập tự giá” (Hê-bơ-rơ 12:1-3; Lu-ca 9:46; 22:24). Khó mà tưởng tượng được nỗi đau khổ về tinh thần lẫn thể xác của Giê-su khi ngài bị đóng đinh và sự nhục nhã lúc ngài bị xử tử như là một kẻ phạm thượng.a
18. Theo sứ đồ Phao-lô, hai điều nào đã giúp Giê-su?
18 Điều gì đã giúp Giê-su nhịn nhục cho đến cùng? Sứ đồ Phao-lô đề cập đến hai điều đã giúp Giê-su: ‘cầu nguyện nài xin’ cùng với “sự vui mừng đã đặt trước mặt” ngài. Giê-su, Con hoàn toàn của Đức Chúa Trời, đã không hổ thẹn để xin sự giúp đỡ. Ngài cầu nguyện “kêu lớn tiếng khóc lóc” (Hê-bơ-rơ 5:7; 12:2). Nhất là khi sắp đến lúc thử thách cùng cực, ngài thấy cần phải cầu nguyện nhiều lần và nhiệt thành để xin thêm sức mạnh (Lu-ca 22:39-44). Để đáp lại sự nài xin của Giê-su, Đức Giê-hô-va đã không cất đi sự thử thách, nhưng Ngài làm Giê-su vững mạnh để chịu đựng được. Giê-su nhịn nhục được bởi vì ngài nhìn đến phần thưởng đằng sau cây khổ hình—sự vui mừng mà ngài có trong việc góp phần làm thánh danh Đức Giê-hô-va và làm giá chuộc cho gia đình nhân loại khỏi sự chết (Ma-thi-ơ 6:9; 20:28).
19, 20. Gương của Giê-su giúp chúng ta thế nào để có quan điểm thực tế về sự nhịn nhục bao hàm điều gì?
19 Qua gương mẫu của Giê-su, chúng ta học được một số điều có thể giúp cho chúng ta có một quan điểm thực tế về việc nhịn nhục bao hàm những gì. Đường lối nhịn nhục không phải là dễ. Nếu chúng ta thấy khó nhịn nhục trong một cuộc thử thách nào đó, chúng ta sẽ được an ủi khi biết rằng chính Giê-su cũng cảm thấy như vậy. Để nhịn nhục cho đến cùng, chúng ta phải cầu nguyện nhiều lần để xin sức mạnh. Khi bị thử thách, đôi khi chúng ta có thể cảm thấy không xứng đáng cầu nguyện. Nhưng Đức Giê-hô-va mong muốn chúng ta hết lòng tâm sự với Ngài ‘bởi vì Ngài hay săn-sóc chúng ta’ (I Phi-e-rơ 5:7). Và vì những điều Đức Giê-hô-va đã hứa trong Lời của Ngài, Ngài nhận lấy trách nhiệm ban “quyền lực siêu vời” cho những người kêu cầu Ngài với đức tin (II Cô-rinh-tô 4:7-9, Bản dịch Nguyển thế Thuấn).
20 Đôi khi chúng ta phải đổ lệ mà nhịn nhục. Đối với Giê-su, sự đau đớn trên cây khổ hình không phải là lý do để vui mừng. Đúng hơn, niềm vui ở trong sự ban thưởng được đặt trước mặt ngài. Trong trường hợp của chúng ta, điều phản thực tế là nghĩ rằng chúng ta sẽ luôn cảm thấy vui vẻ và hoan hỉ khi gặp thử thách (So sánh Hê-bơ-rơ 12:11). Tuy nhiên, bằng cách hướng về giải thưởng, chúng ta có thể “coi [đó] là điều vui mừng trọn vẹn” mặc dù chúng ta phải ở trong tình trạng thử thách cam go nhất (Gia-cơ 1:2-4; Công-vụ các Sứ-đồ 5:41). Điều quan trọng là chúng ta phải tiếp tục đứng vững—mặc dù phải đổ lệ. Dù sao đi nữa, Giê-su không nói: ‘Người nào khóc ít nhất sẽ được cứu’, nhưng nói: “Ai bền chí cho đến cuối cùng thì sẽ được cứu” (Ma-thi-ơ 24:13).
21. a) II Phi-e-rơ 1:5, 6 khuyến khích chúng ta thêm đức tính nào cho sự nhịn nhục? b) Chúng ta sẽ xem xét các câu hỏi nào trong bài tới?
21 Sự nhịn nhục là thiết yếu cho sự cứu rỗi. Tuy nhiên, II Phi-e-rơ 1:5, 6 khuyến khích chúng ta thêm cho nhịn nhục sự tin kính. Sự tin kính là gì? Đức tính này có liên hệ đến sự nhịn nhục thế nào và làm sao bạn có thể có được sự tin kính? Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi này trong bài tới.
[Chú thích]
a Chúng ta có thể thấy Giê-su phải chịu đựng sự đau khổ cực độ qua sự kiện là cơ thể hoàn toàn của ngài đã tắt thở chỉ sau vài giờ trên cây khổ hình, trong khi đó hai kẻ ác treo cạnh ngài phải bị đánh gãy ống chân để chết mau hơn (Giăng 19:31-33). Chúng không bị khổ về tinh thần lẫn thể xác như Giê-su vì ngài không ngủ suốt đêm trước khi bị hành hình, có lẽ ngài bị khổ sở đến độ không vác nổi cây khổ hình của chính mình (Mác 15:15, 21).
Bạn trả lời thế nào?
◻ Nhịn nhục có nghĩa là gì?
◻ Tại sao dân sự Đức Giê-hô-va cần phải nhịn nhục một cách đặc biệt?
◻ Điều gì giúp Gióp nhịn nhục?
◻ Gương của Giê-su giúp chúng ta như thế nào để có quan điểm thực tế về sự nhịn nhục?
[Hình nơi trang 10]
Trường học Nước Trời được thành lập để dạy con cái tín đồ đấng Christ bị đuổi khỏi trường vì họ muốn thờ phượng chỉ một mình Đức Giê-hô-va
[Hình nơi trang 12]
Nhất quyết tôn vinh Cha, Giê-su cầu nguyện xin sức mạnh để nhịn nhục