Những người vui mừng “làm theo lời”
“Đem lòng nhu-mì nhận lấy lời đã trồng trong anh em, là lời cứu được linh-hồn của anh em. Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ” (GIA-CƠ 1:21, 22).
1. Chúng ta nên xem câu Kinh-thánh cho năm 1996 như thế nào?
“HÃY LÀM THEO LỜI”. Câu nói giản dị này mang một thông điệp vô cùng mạnh mẽ. Câu này được trích từ Kinh-thánh trong “Lá thư của Gia-cơ”, và là câu Kinh-thánh cho năm 1996 của Nhân-chứng Giê-hô-va mà chúng ta sẽ thấy ở Phòng Nước Trời.
2, 3. Tại sao Gia-cơ viết lá thư mang tên ông là điều thích hợp?
2 Gia-cơ, em cùng mẹ khác cha với Chúa Giê-su, là người có địa vị quan trọng trong hội thánh tín đồ đấng Christ thời ban đầu. Vào một dịp sau khi Giê-su sống lại, Chúa hiện ra riêng với Gia-cơ và rồi với tất cả các sứ đồ (I Cô-rinh-tô 15:7). Sau này, khi sứ đồ Phi-e-rơ được thoát khỏi ngục nhờ phép lạ, ông nói với một nhóm tín đồ tụ họp lại: “Hãy cho Gia-cơ và anh em biết điều nầy” (Công-vụ các Sứ-đồ 12:17). Dường như Gia-cơ, dù không phải là một sứ đồ, chủ tọa tại buổi họp của hội đồng lãnh đạo trung ương ở Giê-ru-sa-lem khi các sứ đồ và trưởng lão quyết định rằng những người ngoại cải đạo không cần phải cắt bì. Gia-cơ tóm tắt lại vấn đề, và quyết định do thánh linh khẳng định được gửi đi cho tất cả các hội thánh (Công-vụ các Sứ-đồ 15:1-29).
3 Rõ ràng là lời lập luận chín chắn của Gia-cơ có nhiều thẩm quyền. Tuy nhiên, ông khiêm nhường thừa nhận rằng ông chỉ là “tôi-tớ Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jêsus-Christ” (Gia-cơ 1:1). Lá thư được soi dẫn của ông có nhiều điều khích lệ và lời khuyên khôn ngoan cho các tín đồ đấng Christ ngày nay. Lá thư đó được viết xong khoảng bốn năm trước khi quân La Mã dưới quyền tướng Cestius Gallus tấn công thành Giê-ru-sa-lem lần đầu tiên, sau khi tin mừng đã được giảng ra trong phạm vi rộng lớn “giữa mọi vật dựng nên ở dưới trời” (Cô-lô-se 1:23). Đó là thời kỳ quan trọng, và các tôi tớ của Đức Giê-hô-va hoàn toàn ý thức rằng ngài sắp thi hành sự phán xét trên nước Do Thái.
4. Điều gì cho thấy là các tín đồ đấng Christ thời ban đầu tin tưởng hoàn toàn nơi Lời Đức Chúa Trời?
4 Những tín đồ đấng Christ đó đã có trọn bản Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ và phần nhiều bản Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp. Sự kiện họ trích dẫn nhiều lần từ những bản viết xưa cho thấy rõ ràng là những người viết Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp tin tưởng hoàn toàn nơi Lời Đức Chúa Trời. Ngày nay cũng vậy, chúng ta cần phải chăm chỉ học hỏi và áp dụng Lời Đức Chúa Trời trong đời sống của mình. Hầu có thể chịu đựng, chúng ta cần có sự can đảm và sức mạnh thiêng liêng mà Kinh-thánh cung cấp (Thi-thiên 119:97; I Ti-mô-thê 4:13).
5. Tại sao ngày nay chúng ta cần sự chỉ dẫn đặc biệt, và chúng ta tìm đâu ra sự chỉ dẫn đó?
5 Ngày nay loài người sắp sửa gặp “hoạn-nạn lớn, đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy, mà sau nầy cũng không hề có nữa” (Ma-thi-ơ 24:21). Sự sống sót của chúng ta tùy thuộc vào việc được Đức Chúa Trời chỉ dẫn. Làm sao chúng ta có thể tìm ra được sự chỉ dẫn này? Bằng cách mở rộng lòng của chúng ta để chấp nhận sự dạy dỗ của Lời Đức Chúa Trời do thánh linh soi dẫn. Điều này sẽ thúc đẩy chúng ta trở thành những người “làm theo lời”, giống như các tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va trong thời xưa. Chúng ta phải siêng năng đọc và học hỏi Lời Đức Giê-hô-va và dùng Lời ấy để ngợi khen ngài (II Ti-mô-thê 2:15; 3:16, 17).
Chịu đựng với lòng vui mừng
6. Tại sao chúng ta nên vui mừng khi đương đầu với thử thách?
6 Trong lời mở đầu của lá thư, Gia-cơ nói đến sự vui mừng, bông trái thứ hai của thánh linh Đức Chúa Trời. Ông viết: “Hỡi anh em, hãy coi sự thử-thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui-mừng trọn-vẹn, vì biết rằng sự thử-thách đức-tin anh em sanh ra sự nhịn-nhục. Nhưng sự nhịn-nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn-lành toàn-vẹn, không thiếu-thốn chút nào” (Gia-cơ 1:2-4; Ga-la-ti 5:22, 23). Khi đương đầu với nhiều thử thách, làm sao chúng ta có thể “vui-mừng trọn-vẹn”? Ngay cả Giê-su cũng nói trong Bài Giảng trên Núi: “Khi nào vì cớ ta mà người ta mắng-nhiếc, bắt-bớ, và lấy mọi điều dữ nói vu cho các ngươi, thì các ngươi sẽ được phước. Hãy vui-vẻ, và nức lòng mừng-rỡ, vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm” (Ma-thi-ơ 5:11, 12). Chúng ta có niềm vui mừng thỏa nguyện khi thấy Đức Giê-hô-va ban phước cho các nỗ lực của mình trong khi cố nhắm đến mục tiêu là được sống đời đời (Giăng 17:3; II Ti-mô-thê 4:7, 8; Hê-bơ-rơ 11:8-10, 26, 35).
7. a) Chúng ta có thể được giúp đỡ thế nào để chịu đựng? b) Giống như Gióp, làm sao chúng ta có thể được tưởng thưởng?
7 Chính Giê-su đã chịu đựng “vì sự vui-mừng đã đặt trước mặt mình” (Hê-bơ-rơ 12:1, 2). Nếu chăm chú nhìn xem gương can đảm của Giê-su thì chúng ta cũng có thể chịu đựng! Như Gia-cơ nói ở phần cuối của lá thư, Đức Giê-hô-va tưởng thưởng xứng đáng cho những người giữ sự trung kiên. Gia-cơ nói: “Anh em biết rằng những kẻ nhịn-nhục chịu khổ thì chúng ta xưng là có phước. Anh em đã nghe nói về sự nhịn-nhục của Gióp, và thấy cái kết-cuộc mà Chúa ban cho người; vì Chúa đầy lòng thương-xót và nhơn-từ” (Gia-cơ 5:11). Hãy nhớ là nhờ lòng trung kiên, Gióp được tưởng thưởng khi ông được phục hồi sức khỏe như xưa và vui hưởng một đời sống hạnh phúc và trọn vẹn cùng với những người thân yêu. Nếu trung kiên chịu đựng thì bạn cũng có thể được vui mừng như thế nơi Địa đàng được Đức Chúa Trời hứa trong thế giới mới, đó là niềm vui tột đỉnh của việc phụng sự Đức Giê-hô-va ngay bây giờ.
Tìm kiếm sự khôn ngoan
8. Làm sao chúng ta có thể tìm được sự khôn ngoan thật và thực tiễn, và sự cầu nguyện đóng vai trò nào trong việc này?
8 Nếu siêng năng học hỏi và đồng thời áp dụng một cách thực tiễn Lời Đức Chúa Trời, thì chúng ta sẽ được sự khôn ngoan mà Đức Chúa Trời ban cho, và nhờ đó chúng ta có thể chịu đựng những thử thách trong hệ thống bại hoại sắp tàn của Sa-tan. Làm sao chúng ta có thể chắc chắn tìm được sự khôn ngoan như thế? Gia-cơ nói với chúng ta: “Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn-ngoan, hãy cầu-xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng-rãi, không trách-móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho. Nhưng phải lấy đức-tin mà cầu-xin, chớ nghi-ngờ; vì kẻ hay nghi-ngờ giống như sóng biển, bị gió động và đưa đi đây đi đó” (Gia-cơ 1:5, 6). Chúng ta phải khẩn thiết cầu xin với lòng tin tưởng không lay chuyển là Đức Giê-hô-va sẽ nghe lời nài xin của chúng ta và ngài sẽ đáp lại theo thời giờ ấn định và cách riêng của ngài.
9. Gia-cơ miêu tả sự khôn ngoan theo ý Đức Chúa Trời và sự ứng dụng của nó như thế nào?
9 Sự khôn ngoan theo ý Đức Chúa Trời là một sự ban cho của Đức Giê-hô-va. Gia-cơ miêu tả về những sự ban cho ấy như sau: “Mọi ân-điển tốt-lành cùng sự ban-cho trọn-vẹn đều đến từ nơi cao và bởi Cha sáng-láng mà xuống, trong Ngài chẳng có một sự thay-đổi, cũng chẳng có bóng của sự biến-cải nào”. Kế đó trong lá thư, Gia-cơ giải thích kết quả của việc thu thập sự khôn ngoan thật khi ông nói: “Trong anh em có người nào khôn-ngoan thông-sáng chăng? Hãy lấy cách ăn-ở tốt của mình mà bày-tỏ việc mình làm bởi khôn-ngoan nhu-mì mà ra... Sự khôn-ngoan từ trên mà xuống thì trước hết là thanh-sạch, sau lại hòa-thuận, tiết-độ, nhu-mì, đầy-dẫy lòng thương-xót và bông-trái lành, không có sự hai lòng và giả-hình” (Gia-cơ 1:17; 3:13-17).
10. Tôn giáo giả khác với tôn giáo thật ở những điểm nào?
10 Trong đế quốc tôn giáo giả thế giới, dù ở trong những xứ tự xưng theo đạo đấng Christ hoặc trong những xứ khác, thường thì những người đi lễ có thói quen hát thánh ca, lắng nghe những lời cầu nguyện lặp đi lặp lại, và có lẽ nghe một bài giảng. Họ không được khuyến khích nào để công bố thông điệp mang hy vọng, vì hầu hết các tôn giáo không thấy triển vọng tươi sáng nào cho tương lai. Hy vọng huy hoàng về Nước Đức Chúa Trời của đấng Mê-si thì không bao giờ được đề cập đến hoặc bị hiểu sai hoàn toàn. Đức Giê-hô-va nói tiên tri về những người ủng hộ các đạo tự xưng theo đấng Christ: “Dân ta đã làm hai điều ác: chúng nó đã lìa-bỏ ta, là nguồn nước sống mà tự đào lấy hồ, thật, hồ nứt ra, không chứa nước được” (Giê-rê-mi 2:13). Họ không có nước lẽ thật. Họ thiếu sự khôn ngoan từ trên trời.
11, 12. a) Sự khôn ngoan mà Đức Chúa Trời ban cho phải khuyến khích chúng ta làm gì? b) Sự khôn ngoan mà Đức Chúa Trời ban cho cảnh giác chúng ta về việc gì?
11 Thật là khác biết bao với Nhân-chứng Giê-hô-va ngày nay! Với sức mạnh mà Đức Chúa Trời ban cho, họ làm trái đất đầy dẫy tin mừng về Nước Trời sắp đến. Sự khôn ngoan mà họ nói ra căn cứ vững chắc nơi Lời Đức Chúa Trời. (So sánh Châm-ngôn 1:20; Ê-sai 40:29-31). Thật vậy, họ áp dụng sự hiểu biết thật một cách thực tiễn trong việc công bố ý định vĩ đại của Đức Chúa Trời, Đấng Tạo hóa của chúng ta. Chúng ta ước mong mọi người trong hội thánh “được đầy-dẫy sự hiểu-biết về ý-muốn của [Đức Chúa Trời], với mọi thứ khôn-ngoan và hiểu-biết thiêng-liêng nữa” (Cô-lô-se 1:9). Có được nền tảng này, cả già lẫn trẻ sẽ luôn luôn được khuyến khích để là những người “làm theo lời”.
12 “Sự khôn-ngoan từ trên mà xuống” cảnh giác chúng ta về những tội lỗi mà có thể đưa đến hậu quả là không được sự chấp nhận của Đức Chúa Trời. Gia-cơ nói: “Hỡi anh em yêu-dấu, anh em biết điều đó: người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận; vì cơn giận của người ta không làm nên sự công-bình của Đức Chúa Trời”. Đúng vậy, chúng ta phải mau mắn, sốt sắng nghe và áp dụng lời khuyên của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, chúng ta phải đề phòng chớ nên lạm dụng “quan-thể nhỏ” đó, tức cái lưỡi. Qua việc khoe khoang, nói thày lay một cách thiếu khôn ngoan hoặc nói theo quan điểm riêng của mình, thì cái lưỡi có thể đốt cháy một “cái rừng lớn” nói theo nghĩa bóng. Do đó, chúng ta cần phải vun trồng sự vui vẻ và tính tự chủ trong mọi cách cư xử của chúng ta (Gia-cơ 1:19, 20; 3:5).
13. Tại sao điều quan trọng là chúng ta nên chấp nhận “lời đã trồng”?
13 Gia-cơ viết: “Vậy, hãy bỏ đi mọi điều ô-uế và mọi điều gian-ác còn lại, đem lòng nhu-mì nhận lấy lời đã trồng trong anh em, là lời cứu được linh-hồn của anh em” (Gia-cơ 1:21). Thế giới tham lam này, cùng với lối sống khoe khoang, duy vật, đặt mình trên hết cũng như đạo đức suy đồi của nó, sắp qua đi. “Song ai làm theo ý-muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời” (I Giăng 2:15-17). Thế thì việc chúng ta chấp nhận “lời đã trồng” là quan trọng biết bao! Sự khôn ngoan đến từ Lời Đức Chúa Trời thật khác hẳn với sự xấu xa của thế gian sắp tàn này. Chúng ta không muốn có phần nào trong sự xấu xa đó (I Phi-e-rơ 2:1, 2). Chúng ta cần phải gieo vào lòng sự quí mến lẽ thật và đức tin mạnh mẽ, hầu cho chúng ta cương quyết không bao giờ đi sai lệch đường lối công bình của Đức Giê-hô-va. Nhưng chỉ nghe Lời Đức Chúa Trời thì đủ chưa?
Trở nên những người “làm theo lời”
14. Làm thế nào chúng ta có thể trở nên người ‘‘nghe” và người “làm theo” Lời?
14 Chúng ta đọc nơi Gia-cơ 1:22: “Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa-dối mình”. “Hãy làm theo lời”! Đề tài này chắc chắn được nhấn mạnh trong lá thư của Gia-cơ. Chúng ta phải lắng nghe, rồi làm “y như vậy”! (Khởi Nguyên 6 22, Bản dịch Nguyễn thế Thuấn). Ngày nay nhiều người cho là nghe bài giảng hoặc đôi khi tham gia vào một vài hình thức thờ phượng là đủ rồi, và họ không làm gì hơn nữa. Có lẽ họ nghĩ rằng miễn là ‘ăn hiền ở lành’ theo tiêu chuẩn của họ, thì đủ rồi. Tuy nhiên, Giê-su Christ nói: “Nếu ai muốn theo ta, thì phải liều mình, vác thập-tự-giá mình mà theo ta” (Ma-thi-ơ 16:24). Rõ ràng là tín đồ thật của đấng Christ phải chịu đựng và hy sinh khi noi theo gương của Giê-su để làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Đối với họ, ý muốn của Đức Chúa Trời ngày nay cũng giống như vào thế kỷ thứ nhất được Giê-su phán dặn sau khi sống lại: “Vậy, hãy đi dạy-dỗ muôn-dân, hãy nhơn danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh-Linh mà làm phép báp-têm cho họ” (Ma-thi-ơ 28:19). Bạn làm ra sao trong phương diện này?
15. a) Gia-cơ dùng lời minh họa nào để cho thấy làm thế nào chúng ta có thể trở thành người vui mừng “làm theo lời”? b) Tại sao sự thờ phượng chỉ có cái vẻ bề ngoài thì không đủ?
15 Nếu chúng ta tiếp tục chăm chú xem kỹ Lời Đức Chúa Trời, thì nó có thể như là cái gương phản chiếu cho chúng ta thấy mình là người như thế nào. Gia-cơ nói: “Kẻ nào xét kĩ luật-pháp trọn-vẹn, là luật-pháp về sự tự-do, lại bền lòng suy-gẫm lấy, chẳng phải nghe rồi quên đi, nhưng hết lòng giữ theo phép-tắc nó, thì kẻ đó sẽ tìm được phước trong sự mình vâng lời” (Gia-cơ 1:23-25). Thật vậy, người đó sẽ vui vẻ “làm theo lời”. Hơn nữa, điều quan trọng là chúng ta phải “làm theo” trong mọi chi tiết của đời sống tín đồ đấng Christ. Chúng ta đừng bao giờ tự lừa dối mình mà nghĩ rằng chỉ có cái hình thức thờ phượng thôi là đủ. Gia-cơ khuyên chúng ta nên vâng giữ một vài khía cạnh của sự thờ phượng thật mà ngay cả đến tín đồ sốt sắng cũng có thể sao lãng. Ông viết: “Sự tin đạo thanh-sạch không vết, trước mặt Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, là: thăm-viếng kẻ mồ-côi, người góa-bụa trong cơn khốn-khó của họ, và giữ lấy mình cho khỏi sự ô-uế của thế-gian” (Gia-cơ 1:27).
16. Qua những cách nào Áp-ra-ham được trở thành “bạn Đức Chúa Trời”, và làm thế nào chúng ta có thể làm bạn với ngài?
16 Nếu chỉ nói: ‘Tôi tin nơi Đức Chúa Trời’, và rồi không làm gì hơn nữa là chưa đủ. Như ghi nơi Gia-cơ 2:19: “Ngươi tin rằng chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi, ngươi tin phải; ma-quỉ cũng tin như vậy và run-sợ”. Gia-cơ nhấn mạnh là “nếu đức-tin không sanh ra việc làm, thì tự mình nó chết”, và ông đề cập đến Áp-ra-ham: “Đức-tin đồng công với việc làm, và nhờ việc làm mà đức-tin được trọn-vẹn” (Gia-cơ 2:17, 20-22). Việc làm của Áp-ra-ham bao gồm việc giải cứu những người quyến thuộc, bày tỏ lòng hiếu khách, chuẩn bị dâng Y-sác làm của-lễ và ‘xưng’ đức tin không lay chuyển nơi lời hứa của Đức Chúa Trời về “một thành có nền vững-chắc”, tức Nước Trời của đấng Mê-si trong tương lai (Sáng-thế Ký 14:16; 18:1-5; 22:1-18; Hê-bơ-rơ 11:8-10, 13, 14; 13:2). Thích hợp thay, Áp-ra-ham “được gọi là bạn Đức Chúa Trời” (Gia-cơ 2:23). Chúng ta cũng có thể được xem là ‘bạn Đức Giê-hô-va’ trong khi chúng ta tích cực tuyên bố đức tin và hy vọng của mình nơi Nước Trời công bình sắp đến.
17. a) Tại sao Ra-háp “được xưng công-bình”, và bà được tưởng thưởng như thế nào? b) Kinh-thánh liệt kê tên của nhiều người nào đã “làm theo lời”? c) Ông Gióp được tưởng thưởng như thế nào, và tại sao?
17 Những người nào “làm theo lời” thì thật sự “cậy việc làm được xưng công-bình, chớ chẳng những là cậy đức-tin mà thôi” (Gia-cơ 2:24). Ra-háp là người có việc làm cùng với đức tin nơi “lời” mà bà nghe về những phép lạ của Đức Giê-hô-va. Bà che giấu hai thám tử Y-sơ-ra-ên và giúp họ tẩu thoát, và rồi bà nhóm gia đình lại để được cứu. Khi sống lại, bà sẽ vui mừng xiết bao khi biết rằng nhờ đức tin cùng với việc làm mà bà được làm tổ mẫu của đấng Mê-si! (Giô-suê 2:11; 6:25; Ma-thi-ơ 1:5). Hê-bơ-rơ đoạn 11 liệt kê tên của hàng bao nhiêu người khác trở nên những người “làm theo” trong khi biểu lộ đức tin của họ, và họ sẽ được tưởng thưởng xứng đáng. Và chúng ta cũng không nên quên ông Gióp, là người khi bị thử thách nặng nề đã nói: “Đáng ngợi-khen danh Đức Giê-hô-va”. Như chúng ta đã thấy, đức tin và việc làm của ông đã đem lại phần thưởng to lớn (Gióp 1:21; 31:6; 42:10; Gia-cơ 5:11). Ngày nay cũng vậy, khi chúng ta chịu đựng với tư cách là những người “làm theo lời” thì chúng ta sẽ được Đức Giê-hô-va vui lòng chấp nhận.
18, 19. Những anh em đã từng bị áp bức lâu ngày “làm theo lời” như thế nào, và hoạt động của họ mang lại ân phước nào?
18 Trong số những người phải bền bỉ chịu đựng nhiều trong suốt bao nhiêu năm là anh em của chúng ta ở Đông Âu. Hiện nay không còn nhiều hạn chế nữa, những người này thật sự “làm theo lời” trong môi trường mới của họ. Những giáo sĩ và người tiên phong từ những xứ lân cận dọn đến để giúp một tay trong công việc dạy dỗ và tổ chức. Chi nhánh ở Phần Lan và những chi nhánh khác gần đó của Hội Tháp Canh gửi những chuyên gia xây cất đến đó, và đoàn thể anh em trên khắp thế giới rộng lượng tài trợ xây cất những cơ sở chi nhánh và Phòng Nước Trời mới. (So sánh II Cô-rinh-tô 8:14, 15).
19 Những anh em đã từng bị áp bức lâu ngày hưởng ứng thánh chức rao giảng một cách hăng hái biết bao! Họ “khó-nhọc và đánh trận” để bù lại “lúc không thuận tiện” (I Ti-mô-thê 4:10; 2 Ti-mô-thê 4,2, Bản dịch Tòa tổng Giám Mục [II Ti-mô-thê 4:2]). Thí dụ, tháng tư vừa qua ở Albania, nơi mà anh em đã bị đàn áp hết sức khắc nghiệt, tất cả các tờ Tin tức Nước Trời mang tựa đề “Tại sao đời sống lại đầy vấn đề khó khăn” được phân phát chỉ trong ba ngày. Đó là công việc rất đáng chú ý sau ngày Lễ Kỷ niệm sự chết của Giê-su, với 3.491 người đến dự—nhiều gấp bội số 538 người công bố đang hoạt động.
20. Số người dự Lễ Kỷ niệm vừa qua cho thấy điều gì, và nhiều người có thể được giúp đỡ như thế nào?
20 Những xứ khác cũng có phần đáng kể trong số người dự Lễ Kỷ niệm, con số đó đã lên đến hơn 10.000.000 người trong những năm vừa qua. Trong nhiều xứ, nhờ đi dự và quan sát Lễ Kỷ niệm, đức tin những người mới này được vững mạnh và họ trở thành những người “làm theo lời”. Chúng ta có thể nào khuyến khích nhiều người mới kết hợp để hội đủ điều kiện cho đặc ân này không?
21. Phù hợp với câu Kinh-thánh cho năm nay, chúng ta nên theo đuổi đường lối nào, và với mục tiêu gì?
21 Giống như các tín đồ sốt sắng trong thế kỷ thứ nhất, và vô số người kể từ thời đó, chúng ta hãy cương quyết gắng sức trong việc “nhắm mục đích mà chạy” để được sự sống đời đời, dù ở trên trời hay trong lãnh vực trên đất của Nước Trời (Phi-líp 3:12-14). Mục đích đó đáng cho chúng ta dồn hết mọi nỗ lực để đạt đến. Đây không phải là lúc trở lại làm người nghe mà thôi, nhưng đây là lúc quan trọng nhất để ‘can-đảm và làm việc’ (A-ghê 2:4; Hê-bơ-rơ 6:11, 12). Vì đã ‘nhận lấy lời trồng’, mong sao chúng ta trở thành ‘những người vui mừng làm theo lời’ ngay bây giờ và cho đến mãi mãi về sau.
Bạn trả lời thế nào?
◻ Làm thế nào chúng ta có thể chịu đựng với lòng vui mừng?
◻ “Sự khôn-ngoan từ trên mà xuống” là gì, và làm thế nào chúng ta có thể theo đuổi sự khôn ngoan ấy?
◻ Tại sao chúng ta phải là những người “làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ”?
◻ Có những báo cáo nào khuyến khích chúng ta “làm theo lời”?
[Hình nơi trang 17]
Mong sao chúng ta cũng mở rộng lòng để đón nhận sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời
[Hình nơi trang 18]
Đức Chúa Trời tưởng thưởng cho lòng trung kiên của Gióp bằng cách cho ông có được một đời sống hạnh phúc và trọn vẹn như xưa cùng với những người thân yêu