“Trong anh em có người nào khôn-ngoan thông-sáng chăng?”
“Trong anh em có người nào khôn-ngoan thông-sáng chăng? Hãy lấy cách ăn-ở tốt của mình mà bày-tỏ việc mình làm bởi khôn-ngoan nhu-mì mà ra”.—GIA 3:13.
1, 2. Chúng ta có thể nói gì về những người cho mình là khôn ngoan?
Bạn nghĩ ai là người thật sự khôn ngoan? Có lẽ bạn cho rằng đó là cha mẹ, người cao tuổi hoặc giáo sư đại học? Quan điểm của bạn về người như thế nào là khôn ngoan có thể bị ảnh hưởng bởi gốc gác và hoàn cảnh của bạn. Tuy nhiên, tôi tớ của Đức Chúa Trời chủ yếu chú trọng đến quan điểm của Ngài.
2 Không phải tất cả những ai được người ta xem là khôn ngoan đều thật sự khôn ngoan trước mắt Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, khi nói chuyện với những người cho mình là người có những lời khôn ngoan, ông Gióp kết luận: “Ta không thấy trong các ngươi có ai khôn-ngoan” (Gióp 17:10). Còn những người không chấp nhận sự hiểu biết về Đức Chúa Trời, sứ đồ Phao-lô viết: “Họ tự xưng mình là khôn-ngoan, mà trở nên điên-dại” (Rô 1:22). Qua nhà tiên tri Ê-sai, chính Đức Giê-hô-va nói rõ: “Khốn thay cho kẻ chính mắt mình coi mình là khôn-ngoan”.—Ê-sai 5:21.
3, 4. Như thế nào là một người thật sự khôn ngoan?
3 Rõ ràng, chúng ta cần phải biết điều gì khiến một người trở nên khôn ngoan và nhờ thế nhận được ân điển của Đức Chúa Trời. Châm-ngôn 9:10 giúp chúng ta hiểu rõ điều này: “Kính-sợ Đức Giê-hô-va, ấy là khởi đầu sự khôn-ngoan; sự nhìn-biết Đấng Thánh, đó là sự thông-sáng”. Người khôn ngoan phải có lòng kính sợ Đức Chúa Trời và tôn trọng các tiêu chuẩn của Ngài. Tuy nhiên, chỉ nhìn nhận sự hiện hữu của Đức Chúa Trời và biết đường lối Ngài thì chưa đủ. Môn đồ Gia-cơ gợi cho chúng ta suy nghĩ về điều này. (Đọc Gia-cơ 3:13). Hãy để ý đến lời ông nói: “Hãy lấy cách ăn-ở tốt của mình mà bày-tỏ việc mình làm”. Sự khôn ngoan thật phải được thể hiện qua lời nói lẫn việc làm hằng ngày.
4 Sự khôn ngoan thật liên quan đến việc phán đoán đúng, biết áp dụng kiến thức và sự hiểu biết một cách hữu hiệu. Những hành động nào cho thấy chúng ta có sự khôn ngoan thể ấy? Ông Gia-cơ liệt kê một số hành động của người khôn ngoan.a Những lời nào của ông có thể giúp chúng ta có được mối quan hệ tốt với anh em đồng đạo cũng như với những người ngoài hội thánh?
Hành động cho thấy một người thật sự khôn ngoan
5. Người thật sự khôn ngoan hành động như thế nào?
5 Thật hữu ích khi chúng ta nhắc lại lời ông Gia-cơ liên kết sự khôn ngoan với cách ăn ở tốt lành. Vì sự kính sợ Đức Giê-hô-va là khởi đầu sự khôn ngoan nên một người khôn ngoan cố gắng sống phù hợp với đường lối và các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Bẩm sinh chúng ta không có sự khôn ngoan theo ý Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, chúng ta có thể có được sự khôn ngoan ấy bằng cách đều đặn học hỏi và suy ngẫm Kinh Thánh. Hai điều này giúp chúng ta làm theo lời khuyến khích nơi Ê-phê-sô 5:1: “Hãy trở nên kẻ bắt chước Đức Chúa Trời”. Càng sống phù hợp với những đức tính của Đức Giê-hô-va, chúng ta càng thể hiện sự khôn ngoan qua hành động. Đường lối của Đức Giê-hô-va siêu việt hơn đường lối của loài người (Ê-sai 55:8, 9). Vì thế, khi chúng ta noi theo cách Đức Giê-hô-va hành động thì người ngoài hội thánh sẽ thấy chúng ta khác với những người xung quanh.
6. Tại sao người ta thấy rõ tính nhu mì nơi người có lòng kính sợ Đức Chúa Trời, và đức tính này bao hàm điều gì?
6 Ông Gia-cơ cho thấy một cách để giống Đức Giê-hô-va là chúng ta phải có sự “khôn-ngoan nhu-mì”. Tuy tính nhu mì bao hàm sự mềm mại nhưng tín đồ Đấng Christ cũng phải có nghị lực để hành động một cách thăng bằng. Dù có sức mạnh vô song, nhưng Đức Giê-hô-va là Đấng nhu mì nên chúng ta không ngại đến gần Ngài. Con của Đức Chúa Trời đã phản ánh trọn vẹn đức tính này đến mức ngài có thể nói: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên-nghỉ. Ta có lòng nhu-mì, khiêm-nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh-hồn các ngươi sẽ được yên-nghỉ”.—Mat 11:28, 29; Phi-líp 2:5-8.
7. Tại sao chúng ta có thể xem Môi-se là một gương tốt về tính nhu mì?
7 Kinh Thánh nói đến những người nổi bật về tính nhu mì hoặc khiêm hòa. Ông Môi-se là một trong những người như thế. Tuy gánh vác trọng trách nhưng ông được miêu tả là “người rất khiêm-hòa hơn mọi người trên thế-gian” (Dân 11:29; 12:3). Hãy nhớ lại là Đức Giê-hô-va đã ban cho Môi-se nghị lực để thực thi ý muốn Ngài. Đức Giê-hô-va vui lòng dùng những người nhu mì để thi hành ý định Ngài.
8. Làm thế nào người bất toàn có thể biểu lộ sự “khôn-ngoan nhu-mì”?
8 Rõ ràng, loài người bất toàn vẫn có thể biểu lộ sự “khôn-ngoan nhu-mì”. Còn chúng ta thì sao? Làm thế nào có thể trau giồi đức tính này? Nhu mì hoặc mềm mại là một phần bông trái của thánh linh (Ga 5:22). Chúng ta có thể cầu xin Đức Giê-hô-va ban thánh linh và gắng sức thể hiện bông trái ấy, tin rằng Ngài sẽ giúp chúng ta nhu mì hơn. Chúng ta càng được thúc đẩy để làm thế qua lời cam kết của người viết Thi-thiên: “[Đức Chúa Trời] chỉ-dạy con đường Ngài cho người nhu-mì”.—Thi 25:9.
9, 10. Chúng ta cần nỗ lực như thế nào để biểu lộ tính nhu mì làm đẹp lòng Đức Chúa Trời, và tại sao?
9 Dù được Đức Chúa Trời chỉ dạy, việc trau giồi đức tính này đòi hỏi chúng ta phải thật sự nỗ lực. Vì gốc gác nên một số người trong chúng ta có lẽ khó thể hiện tính nhu mì. Hơn nữa, những người xung quanh có thể khuyến khích chúng ta làm ngược lại. Họ khuyến khích phải “ăn miếng trả miếng”. Tuy nhiên, làm thế có thật sự là khôn ngoan không? Giả dụ, nếu có một ngọn lửa vừa bốc cháy trong nhà, liệu bạn sẽ dùng dầu hay nước để dập lửa? Đổ dầu vào sẽ làm cho ngọn lửa bùng lên, nhưng nước rất có thể dập tắt được ngọn lửa. Tương tự thế, Kinh Thánh cũng khuyên: “Lời đáp êm-nhẹ làm nguôi cơn-giận; còn lời xẳng-xớm trêu thạnh-nộ thêm” (Châm 15:1, 18). Vậy, khi người khác làm chúng ta khó chịu, dù là người ở trong hay ngoài hội thánh, liệu chúng ta có thể cho thấy mình thật sự khôn ngoan qua cách phản ứng mềm mại hay không?—2 Ti 2:24.
10 Như được đề cập ở trên, nhiều người bị ảnh hưởng bởi tinh thần thế gian nên không thể biểu lộ tính mềm mại, hiền hòa và trầm tĩnh. Trái lại, chúng ta thấy nhiều người có tính hà khắc và ngạo mạn. Môn đồ Gia-cơ ý thức được điều này và đưa ra lời cảnh báo để mỗi người trong hội thánh có thể tránh tinh thần ấy. Chúng ta còn học được điều gì qua lời khuyên của ông?
Đặc điểm của người thiếu khôn ngoan
11. Những đặc điểm nào trái ngược với sự khôn ngoan theo ý Đức Chúa Trời?
11 Môn đồ Gia-cơ thẳng thắn viết về những đặc điểm hoàn toàn trái ngược với sự khôn ngoan theo ý Đức Chúa Trời. (Đọc Gia-cơ 3:14). Ghen tị và tranh cạnh là những đặc điểm thuộc về xác thịt chứ không thuộc về thiêng liêng. Hãy xem điều gì xảy ra khi người ta để lối suy nghĩ thuộc về xác thịt chi phối. Chẳng hạn, có sáu nhóm xưng theo Đấng Christ được quyền kiểm soát một phần trong nhà thờ Holy Sepulchre ở Giê-ru-sa-lem, nơi người ta cho là địa điểm Chúa Giê-su bị đóng đinh và chôn ở đó. Từ lâu, các nhóm này luôn tranh cạnh nhau. Năm 2006, tạp chí Time viết về một chuyện đã xảy ra trước đó. Các tu sĩ “cãi nhau hàng giờ. . . đánh nhau bằng những chân đèn cầy lớn”. Họ không tin nhau đến độ giao chìa khóa nhà thờ cho một người Hồi giáo giữ.
12. Khi thiếu khôn ngoan, điều gì có thể xảy ra?
12 Sự tranh cạnh gay gắt đến thế chắc chắn không thể xảy ra trong hội thánh thật của tín đồ Đấng Christ. Tuy nhiên, vì bất toàn nên đôi khi một số người tỏ ra ương ngạnh, khăng khăng giữ quan điểm của mình. Điều đó có thể dẫn đến cãi vã và tranh chấp. Sứ đồ Phao-lô nhận thấy điều này trong hội thánh ở thành Cô-rinh-tô nên ông viết: “Trong anh em có sự ghen-ghét và tranh-cạnh, anh em há chẳng phải là tánh xác-thịt ăn ở như người thế-gian sao?” (1 Cô 3:3). Vào thế kỷ thứ nhất, tình trạng đáng buồn này đã xảy ra trong hội thánh ấy. Vì vậy, chúng ta cần đề phòng, đừng để tinh thần hướng về xác thịt như thế len lỏi vào hội thánh ngày nay.
13, 14. Hãy nêu ví dụ cho thấy tinh thần hướng về xác thịt có thể biểu lộ như thế nào.
13 Làm sao tinh thần ấy có thể len lỏi vào hội thánh? Điều đó có thể bắt đầu từ những vấn đề nhỏ. Chẳng hạn, trong lúc xây dựng Phòng Nước Trời, có thể có nhiều ý kiến về cách tiến hành công việc. Một anh có thể tranh cãi nếu ý kiến của mình không được chấp nhận, và có lẽ anh lên tiếng chỉ trích quyết định của người khác. Thậm chí anh còn bỏ dở công việc! Khi hành động như thế, người đó quên rằng việc hoàn tất một công việc liên quan đến hội thánh thường tùy thuộc vào tinh thần bình an hơn là phương pháp nào đó. Mềm mại là tinh thần được Đức Giê-hô-va chấp nhận, chứ không phải tinh thần tranh cạnh.—1 Ti 6:4, 5.
14 Trường hợp khác có thể là một anh không còn hội đủ điều kiện theo Kinh Thánh để làm trưởng lão nữa dù đã phụng sự nhiều năm. Khi đến thăm hội thánh, giám thị vòng quanh nhận thấy anh đó đã được khuyên nhưng không khắc phục khuyết điểm. Vì vậy, anh giám thị và các trưởng lão khác đề nghị anh ấy ngưng làm trưởng lão. Anh đó nghĩ thế nào? Liệu anh có chấp nhận quyết định chung của các trưởng lão cũng như lời khuyên trong Kinh Thánh với tinh thần nhu mì, mềm mại và quyết tâm làm theo các điều kiện trong Kinh Thánh để có thể phụng sự trở lại không? Hay anh sẽ nuôi lòng oán giận và ganh tị vì không còn đặc ân phụng sự nữa? Sao một anh lại hành động như thể mình hội đủ điều kiện làm trưởng lão nhưng trên thực tế thì không? Thật khôn ngoan biết bao khi biểu lộ tinh thần khiêm nhường và hiểu biết!
15. Tại sao bạn nghĩ rằng lời khuyên được soi dẫn ghi nơi Gia-cơ 3:15, 16 rất quan trọng?
15 Đúng vậy, thái độ tương tự có thể biểu lộ qua những cách khác. Tuy nhiên, dù trường hợp nào đi nữa, chúng ta phải cố gắng tránh những tính ấy. (Đọc Gia-cơ 3:15, 16). Môn đồ Gia-cơ gọi những thái độ như thế là thuộc về “đất” vì không có thiêng liêng tính. Những thái độ ấy thuộc về “xác-thịt” theo nghĩa chúng giống như những đặc tính của tạo vật không có lý trí. Những thái độ ấy cũng thuộc về “ma-quỉ” vì chúng phản ánh cá tính của kẻ thù của Đức Chúa Trời. Một tín đồ Đấng Christ biểu lộ những cá tính như thế thật không thích hợp!
16. Chúng ta cần điều chỉnh những gì, và có thể làm được điều ấy như thế nào?
16 Mỗi người trong hội thánh được lợi ích khi tự xét mình và cố gắng loại bỏ những tính xấu đó. Là người dạy dỗ trong hội thánh, các anh giám thị nên ý thức cần loại bỏ những thái độ tiêu cực. Làm được điều này không phải dễ vì chúng ta bất toàn và chịu ảnh hưởng của thế gian này. Việc loại bỏ những thái độ như thế chẳng khác nào trèo lên con dốc bùn lầy và trơn trượt. Không có chỗ để bám víu, chúng ta có thể bị tuột trở xuống. Tuy nhiên, lời khuyên trong Kinh Thánh cũng như sự giúp đỡ của hội thánh Đức Chúa Trời trên khắp đất là chỗ để chúng ta bám víu, và nhờ thế chúng ta có thể tiến lên.—Thi 73:23, 24.
Những đức tính người khôn ngoan tìm kiếm
17. Người khôn ngoan thường phản ứng thế nào khi đương đầu với điều ác?
17 Đọc Gia-cơ 3:17. Chúng ta có thể nhận được lợi ích khi xem xét những đức tính thể hiện “sự khôn-ngoan từ trên mà xuống”. Trở nên thanh sạch nghĩa là chúng ta phải có hành động và động cơ trong sạch, không ô uế. Chúng ta cần bác bỏ điều ác ngay lập tức. Đó phải là một phản xạ tự nhiên. Có lẽ bạn từng được một bác sĩ dùng búa nhỏ gõ vào gân phía dưới đầu gối để thử phản xạ. Chân của bạn giật lên. Đó là phản xạ tự nhiên mà bạn không cần phải suy nghĩ. Bạn cũng nên phản ứng giống như vậy khi bị cám dỗ làm điều ác. Chúng ta nên để lương tâm thanh sạch và được Kinh Thánh rèn luyện thúc đẩy chúng ta bác bỏ điều ác (Rô 12:9). Kinh Thánh tường thuật về gương của những người phản ứng như thế, chẳng hạn như Giô-sép và Chúa Giê-su.—Sáng 39:7-9; Mat 4:8-10.
18. Như thế nào là (a) người có tính hiếu hòa? (b) người làm hòa?
18 Sự khôn ngoan theo ý Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta phải là người có tính hiếu hòa. Điều này bao hàm việc chúng ta phải tránh thái độ hung hăng, hiếu chiến hoặc có những hành động có thể phá vỡ không khí bình an. Gia-cơ cho biết thêm về điểm này khi ông nói: “Bông-trái của điều công-bình thì gieo trong sự hòa-bình, cho những kẻ nào làm sự hòa-bình vậy” (Gia 3:18). Hãy để ý cụm từ “làm sự hòa-bình”. Trong hội thánh, chúng ta được biết là người làm hòa hay là người gây bất hòa? Chúng ta có thường bất đồng ý kiến với người khác, dễ giận hay thường làm cho người khác giận không? Phải chăng chúng ta cứ khăng khăng cho rằng “tính tôi là vậy”? Hay là chúng ta khiêm nhường, cố gắng loại bỏ những tính xấu làm cho người khác cảm thấy khó chịu? Chúng ta có được tiếng là người luôn tìm mọi cách để làm hòa, nhanh chóng tha thứ và bỏ qua lỗi lầm của người khác không? Về vấn đề này, việc thành thật tự xét có thể giúp chúng ta thấy mình có cần cải tiến trong việc biểu lộ sự khôn ngoan theo ý Đức Chúa Trời hay không.
19. Làm thế nào một người có tiếng là người phải lẽ?
19 Môn đồ Gia-cơ kể thêm tính tiết độ hay phải lẽ trong lời miêu tả về điều phản ánh sự khôn ngoan từ trên mà xuống. Chúng ta có được biết là người thường chiều theo ý người khác khi sự việc không liên quan đến nguyên tắc Kinh Thánh, và không là người hấp tấp đòi người khác làm theo ý riêng của mình hay không? Bạn có tiếng là người mềm mại và dễ đến gần không? Những đức tính ấy cho thấy chúng ta học được tính phải lẽ.
20. Biểu lộ những đức tính làm đẹp lòng Đức Chúa Trời mà chúng ta vừa thảo luận sẽ mang lại kết quả nào?
20 Khi anh chị em ngày càng cố gắng biểu lộ những đức tính làm đẹp lòng Đức Chúa Trời như lời môn đồ Gia-cơ đã viết thì không khí trong hội thánh thật vui biết bao! (Thi 133:1-3). Việc cư xử mềm mại, hòa thuận và phải lẽ với nhau chắc chắn sẽ cải thiện các mối quan hệ và cho thấy rõ là chúng ta có “sự khôn-ngoan từ trên mà xuống”. Trong bài kế tiếp, chúng ta sẽ xem làm thế nào việc có quan điểm giống như Đức Giê-hô-va về người khác có thể giúp chúng ta về phương diện này.
[Chú thích]
a Văn cảnh cho thấy ông Gia-cơ trước tiên nghĩ đến người lớn tuổi hoặc các “thầy” trong hội thánh (Gia 3:1). Tuy những người này hẳn phải nêu gương trong việc thể hiện sự khôn ngoan theo ý Đức Chúa Trời nhưng tất cả chúng ta cũng có thể học từ lời khuyên này.
Bạn trả lời thế nào?
• Điều gì giúp tín đồ Đấng Christ trở nên thật sự khôn ngoan?
• Làm thế nào chúng ta có thể biểu lộ sự khôn ngoan theo ý Đức Chúa Trời ngày càng tốt hơn?
• Người ta biểu lộ những tính nào khi không có “sự khôn-ngoan từ trên mà xuống”?
• Bạn quyết tâm trau giồi những đức tính nào nhiều hơn nữa?
[Hình nơi trang 23]
Ngày nay, làm thế nào tinh thần tranh cạnh có thể xảy ra?
[Hình nơi trang 24]
Bác bỏ điều ác có phải là phản xạ tự nhiên của bạn không?