Được an toàn trong tổ chức Đức Chúa Trời
“Danh Đức Giê-hô-va vốn một ngọn tháp kiên-cố; kẻ công-bình chạy đến đó, gặp được nơi ẩn-trú cao” (CHÂM-NGÔN 18:10).
1. Theo lời cầu nguyện của Chúa Giê-su, tín đồ đấng Christ ở trong tình trạng khó khăn nào?
CHẲNG bao lâu trước khi chết, Chúa Giê-su cầu nguyện Cha trên trời cho các môn đồ ngài. Với lòng quan tâm đầy yêu thương, ngài nói: “Con đã truyền lời Cha cho họ, và thế-gian ghen-ghét họ, vì họ không thuộc về thế-gian, cũng như Con không thuộc về thế-gian vậy. Con chẳng cầu Cha cất họ khỏi thế-gian, nhưng xin Cha gìn-giữ họ cho khỏi điều ác” (Giăng 17:14, 15). Chúa Giê-su biết rằng thế gian sẽ là nơi nguy hiểm cho tín đồ đấng Christ. Thế gian tỏ lòng ghen ghét bằng cách xuyên tạc và bắt bớ họ (Ma-thi-ơ 5:11, 12; 10:16, 17). Thế gian cũng là một nguồn phát sinh sự bại hoại (2 Ti-mô-thê 4:10; 1 Giăng 2:15, 16).
2. Tín đồ đấng Christ có thể tìm nơi an toàn về thiêng liêng ở đâu?
2 Thế gian ghen ghét tín đồ đấng Christ là thế gian gồm những người xa cách Đức Chúa Trời và ở dưới quyền kiểm soát của Sa-tan (1 Giăng 5:19). Thế gian này to lớn hơn hội thánh tín đồ đấng Christ rất nhiều, và chính Sa-tan cũng mạnh hơn nhiều so với bất cứ người nào. Vì vậy, sự ghen ghét của thế gian là mối đe dọa thật. Môn đồ Chúa Giê-su có thể tìm sự an toàn về thiêng liêng ở đâu? Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 1-12-1922 cho câu trả lời như sau: “Hiện nay chúng ta đang sống trong thời kỳ gian ác. Sự tranh chấp đang diễn ra giữa tổ chức của Sa-tan và tổ chức của Đức Chúa Trời. Đây là sự tranh chấp quyết liệt”. Trong sự tranh chấp này, tổ chức Đức Chúa Trời là nơi an toàn về thiêng liêng. Chữ “tổ chức” không xuất hiện trong Kinh-thánh, và vào thập niên 1920, “tổ chức Đức Chúa Trời” là một từ ngữ mới. Thế thì tổ chức này là gì? Và chúng ta có thể tìm được sự che chở trong đó như thế nào?
Tổ chức Đức Giê-hô-va
3, 4. a) Theo một tự điển và Tháp Canh, một tổ chức là gì? b) Đoàn thể quốc tế của Nhân-chứng Giê-hô-va có thể được gọi là một tổ chức theo ý nghĩa nào?
3 Theo cuốn Concise Oxford Dictionary, một tổ chức là “một tập thể có tổ chức”. Ghi nhớ điểm này, chúng ta hiểu rằng vì các sứ đồ tổ chức các tín đồ đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất thành những hội thánh địa phương dưới sự trông coi của hội đồng lãnh đạo trung ương tại Giê-ru-sa-lem. Vậy, nói về “hiệp hội anh em” đó như là một tổ chức là đúng (1 Phi-e-rơ 2:17, NW). Nhân-chứng Giê-hô-va ngày nay có một cơ cấu tổ chức tương tự như thế. Sự hợp nhất của đoàn thể trong thế kỷ thứ nhất được củng cố bởi “món quà dưới hình thức người”, chẳng hạn như “người chăn và người dạy”. Một số trong vòng những người này đi thăm hội thánh này sang hội thánh khác, trong khi những người khác thì làm trưởng lão tại hội thánh địa phương (Ê-phê-sô 4:8, 11, 12, NW; Công-vụ các Sứ-đồ 20:28). “Món quà” tương tự như thế củng cố sự hợp nhất của Nhân-chứng Giê-hô-va ngày nay.
4 Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 1-11-1922 nói về chữ “tổ chức” như sau: “Một tổ chức là một nhóm người gắn bó với nhau để thực hiện ý định đã lập”. Kế tiếp Tháp Canh giải thích rằng gọi Nhân-chứng Giê-hô-va là một tổ chức không khiến họ trở thành “một phái theo ý nghĩa mà từ này được dùng, nhưng chỉ có nghĩa là Học Viên Kinh-thánh [Nhân-chứng Giê-hô-va] đang cố gắng thực hiện ý định của Đức Chúa Trời và làm y như Chúa đã làm, theo cách có thứ tự” (1 Cô-rinh-tô 14:33). Sứ đồ Phao-lô cho thấy rằng tín đồ đấng Christ vào thời ông cũng đã hành động theo cách thứ tự như vậy. Ông so sánh đoàn thể tín đồ được xức dầu của đấng Christ với cơ thể con người, gồm có nhiều bộ phận, mỗi bộ phận làm vai trò đã định để cơ thể có thể hoạt động tốt (1 Cô-rinh-tô 12:12-26). Quả là một minh họa tuyệt hảo về một tổ chức! Tại sao tín đồ đấng Christ có tổ chức? Để phục vụ “ý định Đức Chúa Trời” và làm ý muốn Đức Giê-hô-va.
5. Tổ chức hữu hình của Đức Chúa Trời là gì?
5 Kinh-thánh báo trước rằng tín đồ thật của đấng Christ ngày nay sẽ hợp nhất, được gộp lại thành một “nước” như một “dân-tộc”, nơi mà họ sẽ “chiếu sáng như đuốc trong thế-gian” (Ê-sai 66:8; Phi-líp 2:15). Ngày nay, “dân-tộc” được tổ chức này lên đến hơn năm triệu rưởi người (Ê-sai 60:8-10, 22). Tuy nhiên, đó không phải là toàn bộ tổ chức của Đức Chúa Trời. Các thiên sứ cũng có liên hệ nữa.
6. Theo nghĩa rộng nhất, những ai hợp thành tổ chức Đức Chúa Trời?
6 Có nhiều trường hợp thiên sứ cùng làm việc với tôi tớ trên đất của Đức Chúa Trời (Sáng-thế Ký 28:12; Đa-ni-ên 10:12-14; 12:1; Hê-bơ-rơ 1:13, 14; Khải-huyền 14:14-16). Vậy, thật là thích hợp khi Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 15-5-1925 nói: “Mọi thiên sứ thánh thuộc về tổ chức Đức Chúa Trời”. Ngoài ra, báo này nói thêm: “Đứng đầu tổ chức Đức Chúa Trời, nắm mọi quyền hành và thế lực, [là] Chúa Giê-su Christ” (Ma-thi-ơ 28:18). Vì vậy, theo nghĩa rộng nhất, tổ chức Đức Chúa Trời gồm có mọi tạo vật trên trời và dưới đất cùng nhau làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. (Xem khung). Được thuộc về tổ chức này thật là một đặc ân tuyệt vời! Nghĩ đến thời kỳ mà mọi tạo vật trên trời dưới đất đều sẽ được tổ chức để ca ngợi Giê-hô-va Đức Chúa Trời trong sự hợp nhất quả là điều vui mừng biết bao! (Khải-huyền 5:13, 14). Nhưng ngày nay, tổ chức Đức Chúa Trời cho chúng ta sự che chở nào?
Được che chở trong tổ chức Đức Chúa Trời—Như thế nào?
7. Tổ chức Đức Chúa Trời che chở chúng ta qua cách nào?
7 Tổ chức Đức Chúa Trời có thể giúp chúng ta đề phòng Sa-tan và những mưu chước của hắn (Ê-phê-sô 6:11). Sa-tan chèn ép, bắt bớ và cám dỗ những người thờ phượng Đức Giê-hô-va để đạt một mục tiêu duy nhất: kéo họ ra khỏi ‘con đường họ phải đi’ (Ê-sai 48:17; so sánh Ma-thi-ơ 4:1-11). Chúng ta không bao giờ có thể tránh hết những tấn công ấy trong hệ thống mọi sự này. Tuy nhiên, mối quan hệ gần gũi của chúng ta với Đức Chúa Trời và tổ chức Ngài củng cố và che chở chúng ta và như thế giúp chúng ta tiếp tục đi trên “con đường”. Nhờ đó chúng ta không mất đi hy vọng.
8. Tổ chức vô hình của Đức Giê-hô-va hỗ trợ tôi tớ Ngài trên đất như thế nào?
8 Tổ chức Đức Chúa Trời cung cấp sự che chở này như thế nào? Thứ nhất, chúng ta có sự hỗ trợ liên tục của những tôi tớ thần linh của Đức Giê-hô-va. Khi Chúa Giê-su bị áp lực nặng nề, ngài được một thiên sứ giúp sức cho ngài (Lu-ca 22:43). Khi bị sự chết đe dọa, Phi-e-rơ được một thiên sứ giải cứu một cách mầu nhiệm (Công-vụ các Sứ-đồ 12:6-11). Ngày nay dù không có phép lạ như thế, Đức Giê-hô-va hứa với dân Ngài là họ sẽ được thiên sứ hỗ trợ trong hoạt động rao giảng của họ (Khải-huyền 14:6, 7). Họ thường có được sức mạnh phi thường khi phải đương đầu với tình thế khó khăn (2 Cô-rinh-tô 4:7). Hơn nữa, họ biết rằng “thiên-sứ Đức Giê-hô-va đóng lại chung-quanh những kẻ kính-sợ Ngài, và giải-cứu họ” (Thi-thiên 34:7).
9, 10. Tại sao có thể nói “danh Đức Giê-hô-va vốn một ngọn tháp kiên-cố”, và nguyên tắc này áp dụng cho tổ chức Đức Chúa Trời nói chung như thế nào?
9 Tổ chức hữu hình của Đức Giê-hô-va cũng là một sự che chở. Như thế nào? Chúng ta đọc nơi Châm-ngôn 18:10: “Danh Đức Giê-hô-va vốn một ngọn tháp kiên-cố; kẻ công-bình chạy đến đó, gặp được nơi ẩn-trú cao”. Điều này không ngụ ý nói rằng chỉ cần lặp lại danh Đức Chúa Trời nhiều lần là được che chở. Thay vì thế, chúng ta tìm sự che chở dưới danh Đức Chúa Trời có nghĩa là chúng ta tin cậy nơi chính Đức Giê-hô-va (Thi-thiên 20:1; 122:4). Điều đó có nghĩa là ủng hộ quyền thống trị của Ngài, tuân giữ luật pháp và nguyên tắc Ngài và có đức tin nơi lời hứa Ngài (Thi-thiên 8:1-9; Ê-sai 50:10; Hê-bơ-rơ 11:6). Điều này bao hàm việc thờ phượng chỉ một mình Đức Giê-hô-va. Chỉ những người thờ phượng Đức Giê-hô-va cách đó mới có thể cùng nói với người viết Thi-thiên: “Lòng chúng tôi sẽ vui-vẻ nơi [Đức Giê-hô-va], vì chúng tôi đã để lòng tin-cậy nơi danh thánh của Ngài” (Thi-thiên 33:21; 124:8).
10 Ngày nay mọi người trong tổ chức hữu hình của Đức Chúa Trời cùng nói với Mi-chê: “Chúng ta sẽ bước theo danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta đời đời vô-cùng!” (Mi-chê 4:5). Tổ chức thời nay được nhóm lại chung quanh “Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”, mà Kinh-thánh gọi là “dân mang danh Ngài” (Ga-la-ti 6:16; Công-vụ các Sứ-đồ 15:14, NW; Ê-sai 43:6, 7; 1 Phi-e-rơ 2:17). Vì vậy, thuộc về tổ chức Đức Giê-hô-va có nghĩa là thuộc về một dân tìm kiếm và nhận được sự che chở qua danh Đức Chúa Trời.
11. Tổ chức Đức Giê-hô-va cung cấp sự che chở cho những người thuộc về tổ chức qua những cách đặc biệt nào?
11 Ngoài ra, tổ chức hữu hình của Đức Chúa Trời là một cộng đồng có đức tin, một hiệp hội gồm những anh em đồng đức tin xây dựng và khuyến khích lẫn nhau (Châm-ngôn 13:20; Rô-ma 1:12). Đó là nơi các người chăn tín đồ đấng Christ chăm sóc chiên, khuyến khích người bệnh và người buồn nản, và tìm cách phục hồi người bị vấp ngã (Ê-sai 32:1, 2; 1 Phi-e-rơ 5:2-4). “Đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” cung cấp “đồ-ăn đúng giờ” qua tổ chức (Ma-thi-ơ 24:45). “Đầy-tớ” đó, gồm có những tín đồ đấng Christ được xức dầu, cung cấp những điều thiêng liêng tốt lành nhất—sự hiểu biết chính xác, căn cứ vào Kinh-thánh và dẫn đến sự sống đời đời (Giăng 17:3). Nhờ sự hướng dẫn của “đầy-tớ” này, tín đồ đấng Christ được giúp để gìn giữ tiêu chuẩn luân lý cao và “khôn-khéo như rắn, đơn-sơ như chim bò-câu” trong môi trường nguy hiểm vây quanh họ (Ma-thi-ơ 10:16). Và họ luôn luôn được giúp để “làm công-việc Chúa cách dư-dật luôn”, chính điều này là sự che chở mạnh mẽ (1 Cô-rinh-tô 15:58).
Ai thuộc về tổ chức Đức Chúa Trời?
12. Ai được nhận diện là thuộc về tổ chức trên trời của Đức Chúa Trời?
12 Vì sự che chở này sẵn có cho những người thuộc về tổ chức Đức Chúa Trời, ai được bao gồm trong số đó? Nói về tổ chức trên trời, câu trả lời rất rõ ràng. Sa-tan và các quỉ của hắn không còn ở trên trời nữa. Mặt khác, những thiên sứ trung thành vẫn còn ở trên trời, trong “Hội-thánh”. Sứ đồ Giăng thấy rằng trong ngày cuối cùng “Chiên Con”, các chê-ru-bim (“bốn con sinh-vật”) và “vô-số thiên-sứ” ở gần ngai Đức Chúa Trời. Có 24 trưởng lão với họ—tượng trưng cho các tín đồ đấng Christ được xức dầu đã được thừa kế ngôi vinh hiển trên trời (Hê-bơ-rơ 12:22, 23; Khải-huyền 5:6, 11; 12:7-12). Rõ ràng là tất cả đều thuộc về tổ chức Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, trong vòng nhân loại, sự việc không đơn giản như vậy.
13. Chúa Giê-su chỉ rõ ai thuộc về và ai không thuộc về tổ chức của Đức Chúa Trời?
13 Chúa Giê-su nói về một số người tự cho là theo ngài: “Ngày đó, sẽ có nhiều người thưa cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên-tri sao? nhân danh Chúa mà trừ quỉ sao? và lại nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao? Khi ấy, ta sẽ phán rõ-ràng cùng họ rằng: Hỡi kẻ làm gian-ác, ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi ta!” (Ma-thi-ơ 7:22, 23). Nếu một người là kẻ làm gian ác, thì chắc chắn không thuộc về tổ chức Đức Chúa Trời, dù người đó có tuyên bố gì và dù đi đâu để thờ phượng. Chúa Giê-su cũng cho biết làm thế nào để nhận diện một người thuộc tổ chức Đức Chúa Trời. Ngài nói: “Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên-đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý-muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi” (Ma-thi-ơ 7:21).
14. Khía cạnh nào của ý muốn Đức Chúa Trời được xem là điều bắt buộc đối với những người thuộc tổ chức Đức Chúa Trời?
14 Vậy, để thuộc về tổ chức Đức Chúa Trời—phần chủ yếu là “nước thiên-đàng”—một người phải làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. Ý muốn Ngài là gì? Phao-lô cho biết khía cạnh quan trọng của ý muốn đó khi nói: “[Đức Chúa Trời] muốn cho mọi người được cứu-rỗi và hiểu-biết lẽ thật” (1 Ti-mô-thê 2:4). Nếu một người thật sự tìm kiếm để có được sự hiểu biết chính xác trong Kinh-thánh, để áp dụng trong đời sống và phổ biến cho “mọi người”, tức là người ấy đang làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 28:19, 20; Rô-ma 10:13-15). Đức Chúa Trời cũng muốn chiên Ngài được chăn và chăm sóc (Giăng 21:15-17). Buổi họp đạo đấng Christ đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này. Một người được tự do đi dự những buổi họp như thế nhưng không đi, tức là không quí trọng chỗ đứng của mình trong tổ chức Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 10:23-25).
Làm bạn với thế gian
15. Gia-cơ cảnh giác các hội thánh thời ông về điều gì?
15 Khoảng 30 năm sau khi Chúa Giê-su chết, em cùng mẹ khác cha của ngài là Gia-cơ cho biết một số yếu tố có thể làm một người mất chỗ đứng trong tổ chức Đức Chúa Trời. Ông viết: “Hỡi bọn tà-dâm kia, anh em há chẳng biết làm bạn với thế-gian tức là thù-nghịch với Đức Chúa Trời sao? Cho nên, ai muốn làm bạn với thế-gian, thì người ấy trở nên kẻ nghịch-thù cùng Đức Chúa Trời vậy” (Gia-cơ 4:4). Một kẻ thù của Đức Chúa Trời chắc chắn không thuộc về tổ chức của Ngài. Thế thì, làm bạn với thế gian có nghĩa gì? Như đã được giải thích, điều này có nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn như kết bạn hoặc giao du với người xấu. Ngoài ra, Gia-cơ nhắm đến một điều rất rõ ràng—thái độ tinh thần sai lầm dẫn đến hạnh kiểm xấu.
16. Trong văn cảnh nào, Gia-cơ đã cảnh cáo rằng làm bạn với thế gian là thù nghịch với Đức Chúa Trời?
16 Chúng ta đọc nơi Gia-cơ 4:1-3: “Những điều chiến-đấu tranh-cạnh trong anh em bởi đâu mà đến? Há chẳng phải từ tình-dục anh em vẫn hay tranh-chiến trong quan-thể mình sao? Anh em tham-muốn mà chẳng được chi; anh em giết người và ghen-ghét mà chẳng được việc gì hết; anh em có sự tranh-cạnh và chiến-đấu; anh em chẳng được chi, vì không cầu-xin. Anh em cầu-xin mà không nhận-lãnh được, vì cầu-xin trái lẽ, để dùng trong tư-dục mình”. Sau khi viết những lời này, Gia-cơ cảnh cáo về việc làm bạn với thế gian.
17. Hội thánh tín đồ đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất có sự “chiến-đấu” và “tranh-cạnh” về phương diện nào?
17 Nhiều thế kỷ sau khi Gia-cơ chết, tín đồ đấng Christ giả mạo đã tranh chiến và giết nhau. Tuy nhiên, Gia-cơ đã viết cho những người thuộc “Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” trong thế kỷ thứ nhất có triển vọng làm ‘vua và thầy tế-lễ’ (Khải-huyền 20:6). Họ không giết nhau trong chiến tranh. Thế thì tại sao Gia-cơ lại nói về những điều đó trong vòng tín đồ đấng Christ? Sứ đồ Giăng gọi người ghét anh em mình là kẻ giết người. Và Phao-lô nói về sự xung đột cá tính và mối thù hận trong hội thánh là “cãi-lẫy” và “cạnh-tranh” (Tít 3:9; 2 Ti-mô-thê 2:14; 1 Giăng 3:15-17). Cùng một ý này, dường như Gia-cơ đã nghĩ đến vấn đề không yêu thương anh em trong đạo. Các tín đồ đối đãi với nhau giống như cách người thế gian thường đối đãi với nhau.
18. Điều gì có thể dẫn đến hành động và cảm giác không yêu thương trong vòng tín đồ đấng Christ?
18 Tại sao những điều đó lại xảy ra trong hội thánh tín đồ đấng Christ? Bởi vì thái độ sai lầm, chẳng hạn như tham lam và “tư-dục”. Sự kiêu ngạo, ghen ghét và tham vọng cũng có thể làm hư hại tình bạn trìu mến của tín đồ đấng Christ trong hội thánh (Gia-cơ 3:6, 14). Thái độ này làm một người trở thành bạn với thế gian và vì thế trở thành kẻ thù của Đức Chúa Trời. Những ai có thái độ giống như thế không thể mong mình tiếp tục thuộc về tổ chức Đức Chúa Trời.
19. a) Một tín đồ đấng Christ trách ai nếu thấy mình có sự suy nghĩ sai lầm nảy sinh trong lòng? b) Một tín đồ đấng Christ có thể chế ngự sự suy nghĩ sai lầm như thế nào?
19 Chúng ta có thể trách ai nếu mình có ý tưởng sai lầm nảy sinh trong lòng? Sa-tan chăng? Đúng, trong mức độ nào đó. Hắn là “vua cầm quyền chốn không-trung” của thế gian này, nơi mà thái độ xấu ngày càng lan rộng (Ê-phê-sô 2:1, 2; Tít 2:12). Tuy vậy, thường thì gốc rễ của sự suy nghĩ sai lầm xuất phát từ xác thịt bất toàn của chúng ta. Sau khi cảnh cáo về việc làm bạn với thế gian, Gia-cơ viết: “Anh em tưởng Kinh-thánh nói vô-ích sao? Đức Thánh-Linh mà Đức Chúa Trời khiến ở trong lòng chúng ta, ham-mến chúng ta đến nỗi ghen-tương” (Gia-cơ 4:5). Tất cả chúng ta đều có khuynh hướng bẩm sinh để làm điều sai (Sáng-thế Ký 8:21; Rô-ma 7:18-20). Nhưng chúng ta có thể chống lại khuynh hướng xấu đó nếu nhìn nhận những yếu đuối của mình và trông cậy Đức Giê-hô-va giúp chúng ta vượt qua. Gia-cơ nói: “[Đức Chúa Trời] lại ban cho ta ơn lớn hơn [khuynh hướng ghen tị bẩm sinh]” (Gia-cơ 4:6). Nhờ sự giúp đỡ của thánh linh Đức Chúa Trời và sự nâng đỡ của anh em tín đồ trung thành, và qua sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su, các tín đồ trung thành của đấng Christ không bị những yếu đuối của thể xác bắt phục (Rô-ma 7:24, 25). Họ được an toàn trong tổ chức của Đức Chúa Trời, làm bạn của Đức Chúa Trời chứ không phải của thế gian.
20. Những người thuộc tổ chức Đức Chúa Trời được hưởng ân phước dồi dào nào?
20 Kinh-thánh hứa: “Đức Giê-hô-va sẽ ban sức-mạnh cho dân-sự Ngài; Đức Giê-hô-va sẽ chúc phước bình-an cho dân-sự Ngài” (Thi-thiên 29:11). Nếu chúng ta thật sự thuộc về “dân-tộc” thời nay của Đức Giê-hô-va, tức là tổ chức hữu hình của Ngài, chúng ta sẽ cùng được sức mạnh và hưởng hòa bình Ngài ban cho dân Ngài. Thế gian Sa-tan quả là lớn hơn tổ chức hữu hình của Đức Giê-hô-va rất nhiều, và Sa-tan mạnh hơn chúng ta nhiều, nhưng Đức Giê-hô-va là toàn năng, sinh hoạt lực của Ngài vô địch, thiên sứ mạnh mẽ của Ngài cũng hợp nhất với chúng ta để cùng phụng sự Đức Chúa Trời. Do đó, dù phải đương đầu với sự ghen ghét, chúng ta có thể đứng vững. Như Chúa Giê-su, chúng ta có thể thắng thế gian (Giăng 16:33; 1 Giăng 4:4).
Bạn có thể giải thích không?
◻ Tổ chức hữu hình của Đức Chúa Trời là gì?
◻ Tổ chức Đức Chúa Trời cung cấp sự che chở qua những cách nào?
◻ Ai thuộc tổ chức Đức Chúa Trời?
◻ Làm sao chúng ta có thể tránh làm bạn với thế gian?
[Khung nơi trang 9]
Tổ chức Đức Chúa Trời là gì?
Trong ấn phẩm của Nhân-chứng Giê-hô-va, từ ngữ “tổ chức Đức Chúa Trời” được dùng theo ba cách.
1 Tổ chức vô hình trên trời của Đức Giê-hô-va gồm các tạo vật thần linh trung thành, và được gọi là “Giê-ru-sa-lem ở trên cao” trong Kinh-thánh (Ga-la-ti 4:26).
2 Tổ chức hữu hình của Đức Giê-hô-va trên đất. Ngày nay, tổ chức này bao gồm những người được xức dầu còn sót lại và đám đông.
3 Tổ chức hoàn vũ của Đức Giê-hô-va. Ngày nay, bao gồm tổ chức trên trời của Đức Giê-hô-va cùng với các con nuôi, được xức dầu trên đất, những người có hy vọng về thiêng liêng. Với thời gian, tổ chức này cũng sẽ bao gồm nhân loại hoàn toàn trên đất.
[Hình nơi trang 10]
Thức ăn thiêng liêng tốt nhất được cung cấp qua tổ chức Đức Giê-hô-va