Bạn nên biết gì về sự ghen tị
GHEN là gì? Đó là mối xúc cảm mạnh mẽ có thể làm cho một người cảm thấy lo lắng, buồn bã hoặc tức giận. Chúng ta có thể cảm thấy ghen tị khi thấy người nào đó có vẻ thành công hơn mình về một việc gì. Hoặc chúng ta có thể cảm thấy ghen tị khi một người bạn được khen nhiều hơn mình. Nhưng có phải ghen lúc nào cũng sai không?
Những người có tính ghen tị hay đa nghi, bất cứ ai cũng có thể là đối thủ của mình. Một thí dụ điển hình là trường hợp Vua Sau-lơ của dân Y-sơ-ra-ên xưa. Mới đầu ông thương mến Đa-vít, người vác binh khí, thậm chí còn thăng chức cho Đa-vít lãnh đạo quân binh (I Sa-mu-ên 16:21; 18:5). Rồi một ngày kia, Vua Sau-lơ nghe những người đàn bà ca ngợi Đa-vít với những lời này: “Sau-lơ giết hàng ngàn, còn Đa-vít giết hàng vạn!” (I Sa-mu-ên 18:7). Sau-lơ đáng lẽ không nên để cho điều này ảnh hưởng mối liên lạc tốt của ông với Đa-vít. Tuy nhiên, ông bị phiền lòng. “Kể từ ngày ấy, Sau-lơ thường ngó Đa-vít cách giận” (I Sa-mu-ên 18:9).
Một người có tính ghen tị có lẽ không mong người khác bị tai họa. Người đó có lẽ chỉ bực tức vì sự thành công của người bạn và thèm muốn có cùng những đức tính hoặc hoàn cảnh giống như vậy. Ngược lại, sự ghen ghét là một loại ghen đặc biệt tệ hại. Người có tính ghen ghét có thể âm thầm từ chối không làm điều tốt cho người gợi lòng ghen tị của mình hoặc có thể mong tai họa sẽ xảy đến cho người kia. Đôi khi một người có lòng ghen ghét không thể che giấu cảm nghĩ của mình. Lòng ghen ghét có thể đưa người đó đến chỗ công khai làm hại người khác, như Vua Sau-lơ đã cố tìm cách giết Đa-vít. Nhiều lần, Sau-lơ phóng giáo để cố “đâm Đa-vít dính vào vách” (I Sa-mu-ên 18:11; 19:10).
Có lẽ bạn nói: ‘Nhưng tôi không phải là người có tính ghen tị’. Đành rằng tính ghen tị có lẽ không điều khiển đời sống của bạn. Tuy nhiên, ở một mức độ nào đó, tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi sự ghen tị—cảm giác ghen tị của chính mình và của những người khác. Dù chúng ta dễ nhận thấy sự ghen tị ở người khác, nhưng chúng ta có thể khó thấy nó ở chính mình.
“Khuynh hướng ghen ghét”
Lời Đức Chúa Trời là Kinh-thánh ghi lại nhiều hành vi bắt nguồn từ bản tính con người tội lỗi. Nhiều khi Kinh-thánh cho thấy tội lỗi do sự ghen ghét gây ra. Bạn có nhớ câu chuyện về Ca-in và A-bên không? Cả hai con trai này của A-đam và Ê-va đều dâng của-lễ cho Đức Chúa Trời. A-bên làm điều đó vì ông là người có đức tin (Hê-bơ-rơ 11:4). Ông tin rằng Đức Chúa Trời có khả năng thực thi ý định vĩ đại của ngài đối với trái đất (Sáng-thế Ký 1:28; 3:15; Hê-bơ-rơ 11:1). A-bên cũng tin rằng Đức Chúa Trời sẽ ban thưởng cho những người trung thành một đời sống trong Địa đàng trên đất sắp đến (Hê-bơ-rơ 11:6). Do đó, Đức Chúa Trời hài lòng với của-lễ của A-bên. Nếu Ca-in thật sự thương em mình, thì ông sẽ vui mừng là Đức Chúa Trời ban phước cho A-bên. Thay vì vậy, Ca-in “giận lắm mà gằm nét mặt” (Sáng-thế Ký 4:5).
Đức Chúa Trời khuyên Ca-in nên làm điều tốt để ông cũng có thể nhận được ân phước. Rồi Đức Chúa Trời cảnh cáo: “Còn như chẳng làm lành, thì tội-lỗi rình đợi trước cửa, thèm ngươi lắm; nhưng ngươi phải quản-trị nó” (Sáng-thế Ký 4:7). Điều đáng buồn là Ca-in đã không khắc phục được lòng ghen tức. Nó đã khiến ông giết người em công bình của mình (I Giăng 3:12). Kể từ thời đó, sự tranh đấu và chiến tranh đã giết hại hàng trăm triệu người. Cuốn The World Book Encyclopedia (Bách Khoa Tự điển Thế giới) giải thích: “Một số nguyên do căn bản gây ra chiến tranh có thể là vì tham vọng có nhiều đất đai, nhiều của cải, nhiều quyền thế hoặc sự an ninh”.
Tín đồ thật của đấng Christ không tham gia vào chiến tranh của thế gian này (Giăng 17:16). Tuy nhiên, điều đáng buồn là cá nhân tín đồ đấng Christ đôi khi bị lôi kéo vào những cuộc cãi vã. Nếu những người khác trong hội thánh hùa theo bên này hoặc bên kia, những cuộc cãi vã có thể trở thành một sự gây gổ có hại. Người viết Kinh-thánh là Gia-cơ hỏi anh em cùng đạo: “Những điều chiến-đấu tranh-cạnh trong anh em bởi đâu mà đến?” (Gia-cơ 4:1). Ông trả lời câu hỏi đó bằng cách vạch trần lòng tham vật chất của họ. Ông nói thêm: “Anh em... ghen-ghét” (Gia-cơ 4:2). Đúng vậy, tinh thần duy vật có thể khiến một người thèm muốn và ghen ghét những người có vẻ có hoàn cảnh tốt hơn mình. Vì lý do này, Gia-cơ cảnh cáo chúng ta phải tránh khỏi “khuynh hướng ghen ghét” của con người (Gia-cơ 4:5, NW).
Chúng ta được lợi ích gì qua việc phân tích những nguyên do gây ra sự ghen tị? Điều này có thể giúp chúng ta có được tính chân thật và mối liên lạc tốt với người khác. Điều đó cũng có thể giúp cho ta có lòng thấu cảm, khoan dung và tha thứ. Trên hết mọi sự, nó cho thấy loài người rất cần sự sắp đặt đầy yêu thương của Đức Chúa Trời để cứu rỗi và giải cứu loài người khỏi khuynh hướng tội lỗi (Rô-ma 7:24, 25).
Một thế giới không còn sự ghen tị
Theo quan điểm của con người, một thế giới không còn sự ghen tị có lẽ là điều không bao giờ có được. Tác giả Rom Landau công nhận: “Những kiến thức tích lũy qua nhiều thời đại, với tất cả những gì các triết gia... và các nhà tâm lý học nói về đề tài này, không giúp được gì cho một người bị khổ sở vì lòng ghen tị... Có bao giờ bác sĩ nào chữa được một người khỏi tính ghen tị không?”
Nhưng Lời Đức Chúa Trời cho chúng ta niềm hy vọng là sẽ đạt được sự sống hoàn toàn trong thế giới mới, nơi đó không một ai lại phải bị khổ sở vì sự ghen tị và ghen ghét nữa. Hơn nữa, cảnh thanh bình trong thế giới mới sẽ không bị những người có đặc tính gian ác đó phá hoại (Ga-la-ti 5:19-21; II Phi-e-rơ 3:13).
Tuy vậy, chẳng phải mọi cái ghen đều là không đúng. Thật ra, Kinh-thánh nói Đức Giê-hô-va “là Thiên Chúa cả ghen” (Xuất Hành 34 14, bản dịch Nguyễn thế Thuấn [Xuất Ê-díp-tô Ký 34:14]). Điều đó có nghĩa gì? Và Kinh-thánh nói gì về tính ghen chính đáng? Đồng thời, làm thế nào một người có thể khắc phục được tính ghen không chính đáng? Hãy xem những bài kế tiếp.