CHƯƠNG 35
Làm sao để trở thành bạn Đức Chúa Trời?
Sau khi trải qua kinh nghiệm đau buồn, Jeremy hiểu được giá trị của việc có mối quan hệ gắn bó với Đức Chúa Trời. Bạn ấy kể: “Ba đã bỏ rơi gia đình khi mình 12 tuổi. Có một đêm, mình đã cầu nguyện xin Đức Giê-hô-va làm cho ba quay về”.
Trong lúc buồn khổ, Jeremy lấy Kinh Thánh ra đọc và Thi thiên 10:14 đã tác động sâu sắc đến bạn ấy. Câu này nói: “Nạn nhân bất hạnh trông cả vào ngài. Ngài là đấng giúp trẻ mồ côi cha”. Jeremy chia sẻ: “Mình cảm nhận Đức Giê-hô-va đang nói chuyện với mình và cho mình biết ngài là đấng giúp đỡ, cũng là Cha mình. Không có người cha nào tốt hơn ngài”.
Dù bạn có gặp hoàn cảnh như Jeremy hay không, Kinh Thánh cho biết Đức Giê-hô-va muốn bạn trở thành bạn của ngài. Kinh Thánh nói: “Hãy đến gần Đức Chúa Trời thì ngài sẽ đến gần anh em” (Gia-cơ 4:8). Câu này có nghĩa là: Dù không thể thấy Đức Chúa Trời và ngài cũng không giống như các bạn đồng lứa của bạn, nhưng Đức Giê-hô-va mời bạn làm bạn với ngài.
Nhưng kết bạn với Đức Chúa Trời đòi hỏi nỗ lực. Để minh họa: Khi trồng cây, bạn biết nó sẽ không tự lớn lên. Bạn phải tưới nước thường xuyên và đặt nó trong môi trường thích hợp để phát triển. Tương tự, tình bạn với Đức Chúa Trời cũng cần được vun trồng. Nhưng bạn có thể làm thế bằng cách nào?
Tầm quan trọng của việc học hỏi
Trong tình bạn, nói chuyện và lắng nghe rất quan trọng. Và tình bạn với Đức Chúa Trời cũng đòi hỏi hai điều ấy. Đọc và học Kinh Thánh là cách để lắng nghe những điều ngài nói với mình.—Thi thiên 1:2, 3.
Có thể việc học hỏi không mấy thích thú đối với bạn. Nhiều người trẻ thích xem ti-vi, chơi game hoặc đi chơi với bạn bè hơn. Nhưng không có lối tắt để vun trồng tình bạn với Đức Chúa Trời. Bạn cần lắng nghe Đức Giê-hô-va qua việc học Lời ngài.
Đừng lo, việc học Kinh Thánh không nhất thiết phải là gánh nặng! Bạn có thể tập yêu thích điều ấy dù đó không phải là sở trường của bạn. Điều đầu tiên bạn cần làm là dành thời gian cho việc học Kinh Thánh. Một bạn nữ tên Tiên nói: “Mình lập thời gian biểu là bắt đầu mỗi buổi sáng với việc đọc một chương trong Kinh Thánh”. Maria, 15 tuổi, thì có thói quen khác, bạn ấy nói: “Mình đọc Kinh Thánh một chút vào mỗi tối trước khi đi ngủ”.
Để bắt đầu chương trình học hỏi cá nhân, hãy xem khung nơi trang 292. Sau đó, viết ra thời điểm mà bạn có thể dành khoảng 30 phút để học Lời Đức Chúa Trời.
․․․․․
Sắp xếp thời gian chỉ là bước khởi đầu. Một khi bắt tay vào việc học, có lẽ bạn thấy Kinh Thánh không phải lúc nào cũng dễ để đọc. Có thể bạn đồng ý với Jezreel, 11 tuổi, bạn ấy nói: “Một số phần trong Kinh Thánh không thú vị cho lắm và đòi hỏi bạn phải vắt óc để hiểu”. Nếu bạn cũng cảm thấy thế thì đừng bỏ cuộc. Hãy học Kinh Thánh với quan điểm là bạn đang dành thời gian để lắng nghe người bạn của mình, Đức Giê-hô-va. Suy cho cùng, buổi học hỏi Kinh Thánh có thú vị và mang lại lợi ích hay không là tùy thuộc vào bạn!
Cầu nguyện là điều thiết yếu
Cầu nguyện là cách chúng ta nói chuyện với Đức Chúa Trời. Đó quả là món quà tuyệt vời! Bạn có thể nói với Đức Giê-hô-va bất cứ lúc nào. Không những ngài luôn sẵn sàng lắng nghe, mà ngài còn muốn nghe những gì bạn nói. Vì thế, Kinh Thánh khuyến khích: “Trong mọi việc, hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin và tạ ơn mà trình lời thỉnh cầu của anh em cho Đức Chúa Trời”.—Phi-líp 4:6.
Câu Kinh Thánh trên cho thấy bạn có thể nói với Đức Giê-hô-va về nhiều điều, bao gồm các vấn đề, mối lo âu và những gì bạn biết ơn. Suy cho cùng, chẳng phải bạn luôn cám ơn bạn bè khi họ làm điều tốt cho mình sao? Hãy cảm tạ Đức Giê-hô-va, là đấng ban cho bạn nhiều hơn bất kỳ người bạn nào khác.—Thi thiên 106:1.
Hãy liệt kê một số điều mà bạn biết ơn Đức Giê-hô-va.
․․․․․
Đôi lúc, nỗi sợ hãi và lo âu sẽ đè nặng tâm trí bạn. Thi thiên 55:22 nói: “Hãy trút gánh nặng cho Đức Giê-hô-va, ngài sẽ nâng đỡ anh em. Ngài chẳng bao giờ để người công chính vấp ngã”.
Hãy liệt kê những mối lo lắng mà bạn muốn nói trong lời cầu nguyện.
․․․․․
Kinh nghiệm cá nhân
Có một khía cạnh khác trong tình bạn với Đức Chúa Trời mà bạn không nên bỏ qua. Người viết Thi thiên là Đa-vít nói: “Hãy nếm thử và nghiệm thấy Đức Giê-hô-va tốt thay!” (Thi thiên 34:8). Khi sáng tác bài Thi thiên 34, Đa-vít vừa trải qua một kinh nghiệm khủng khiếp. Ông phải chạy trốn vì bị Sau-lơ truy sát. Rồi sau đó, ông phải trú ngụ giữa những quân thù là người Phi-li-tin. Khi cận kề cái chết, Đa-vít đã giả điên và thoát thân.—1 Sa-mu-ên 21:10-15.
Đa-vít không cho rằng ông thoát nạn là nhờ tài trí của mình. Thay vì thế, ông quy công trạng cho Đức Giê-hô-va. Ở phần đầu của bài Thi thiên, ông viết: “Tôi đã cầu hỏi Đức Giê-hô-va và ngài đáp lại. Ngài giải thoát tôi khỏi mọi nỗi sợ” (Thi thiên 34:4). Do đó, nhờ kinh nghiệm cá nhân, Đa-vít có thể khuyến khích người khác “nếm thử và nghiệm thấy Đức Giê-hô-va tốt thay!”.a
Bạn có kinh nghiệm nào cho thấy Đức Giê-hô-va chăm sóc mình không? Nếu có, hãy viết ra. Gợi ý: Kinh nghiệm ấy không cần quá đặc biệt. Hãy nghĩ tới những ân phước mà bạn nhận được mỗi ngày, dù chúng có vẻ bình thường.
․․․․․
Nếu được cha mẹ dạy về Kinh Thánh thì đó là ân phước của bạn. Tuy nhiên, bạn cần xây đắp mối quan hệ cá nhân với Đức Chúa Trời. Nếu chưa làm thế, bạn có thể dùng tài liệu trong chương này để bắt đầu. Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho nỗ lực của bạn. Kinh Thánh nói: “Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy”.—Ma-thi-ơ 7:7.
XEM THÊM VỀ ĐỀ TÀI NÀY TRONG TẬP 1, CHƯƠNG 38 VÀ 39
Bạn có thấy khó nói chuyện với người khác về Đức Chúa Trời không? Hãy xem làm thế nào bạn có thể bênh vực niềm tin của mình.
[Chú thích]
a Một số bản Kinh Thánh dịch cụm từ “nếm thử và nghiệm thấy” là “khám phá để biết”, “tự mình nhận thấy” và “qua kinh nghiệm con sẽ thấy”.—Contemporary English Version, Today’s English Version và The Bible in Basic English.
CÂU KINH THÁNH THEN CHỐT
“Hạnh phúc cho những người ý thức về nhu cầu tâm linh của mình”.—Ma-thi-ơ 5:3.
MẸO
Chỉ cần đọc năm trang Kinh Thánh mỗi ngày, bạn có thể đọc xong Kinh Thánh trong một năm.
BẠN CÓ BIẾT...?
Việc bạn đang đọc sách này và áp dụng những lời khuyên trong Kinh Thánh cho thấy Đức Giê-hô-va quan tâm đến bạn.—Giăng 6:44.
KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG!
Để nhận lợi ích tối đa từ việc học Kinh Thánh, mình sẽ ․․․․․
Để cầu nguyện thường xuyên hơn, mình sẽ ․․․․․
Về đề tài này, điều mình muốn hỏi cha mẹ là: ․․․․․
BẠN NGHĨ SAO?
● Làm thế nào để buổi học Kinh Thánh cá nhân của bạn thú vị hơn?
● Tại sao Đức Giê-hô-va muốn lắng nghe lời cầu nguyện của con người bất toàn?
● Bạn có thể cải thiện chất lượng của lời cầu nguyện bằng cách nào?
[Câu nổi bật nơi trang 291]
“Lúc nhỏ, mình hay cầu nguyện một cách máy móc. Giờ đây, mình nói với Đức Giê-hô-va về mọi điều xảy ra trong ngày, cả tốt lẫn xấu. Vì không phải ngày nào cũng như ngày nào, nên điều đó giúp mình tránh cầu nguyện lặp đi lặp lại”.—Diệu
[Khung/Hình nơi trang 292]
Khám phá Kinh Thánh
1. Chọn một lời tường thuật trong Kinh Thánh mà bạn muốn đọc. Hãy cầu xin Đức Giê-hô-va ban sự khôn ngoan để hiểu lời tường thuật đó.
2. Đọc kỹ lời tường thuật. Đừng hấp tấp. Hãy dùng trí tưởng tượng khi đọc. Cố gắng dùng các giác quan của bạn để thấy hành động, nghe giọng nói của các nhân vật, ngửi mùi hương, nếm thức ăn, v.v. Hãy làm cho lời tường thuật trở nên sống động!
3. Nghĩ về những gì bạn đọc. Hãy tự hỏi:
● Tại sao Đức Giê-hô-va cho ghi lại lời tường thuật này?
● Nhân vật nào đáng để noi theo và nhân vật nào là gương cảnh báo?
● Mình rút ra bài học thực tế nào từ lời tường thuật này?
● Lời tường thuật này dạy mình điều gì về Đức Giê-hô-va và cách ngài làm việc?
4. Dâng lời cầu nguyện ngắn gọn với Đức Giê-hô-va. Hãy cho ngài biết bạn đã học được gì và bạn định áp dụng điều đó thế nào trong đời sống. Luôn tạ ơn Đức Giê-hô-va về món quà mà ngài ban cho bạn, đó là Kinh Thánh.
[Hình]
“Lời ngài là ngọn đèn cho chân con, ánh sáng cho đường lối con”.—Thi thiên 119:105.
[Khung/Hình nơi trang 294]
Đặt điều quan trọng lên trước
Bạn có bận đến nỗi không thể cầu nguyện hoặc học Kinh Thánh không? Thường thì điều này tùy thuộc vào cách bạn đặt thứ tự ưu tiên.
Làm thí nghiệm này: Hãy đặt vài cục đá vào một cái xô. Sau đó, đổ cát vào cho đến khi đầy xô. Giờ thì bạn có một xô đầy cát và đá.
Rồi cũng với lượng cát và đá đó, nhưng bây giờ bạn làm ngược lại: Đổ cát vào xô trước, sau đó đặt những hòn đá vào. Không đủ chỗ phải không? Đó là vì lần này bạn đã đổ cát vào trước.
Bài học là gì? Kinh Thánh nói: ‘Hãy nhận biết những điều quan trọng hơn’ (Phi-líp 1:10). Nếu bạn đặt điều nhỏ lên trước, như giải trí, thì bạn sẽ không bao giờ có đủ thời gian cho điều lớn hơn, là hoạt động thiêng liêng. Nếu làm theo lời khuyên từ Kinh Thánh, bạn sẽ có thời gian cho những hoạt động thiêng liêng và giải trí. Tất cả tùy thuộc vào việc bạn đặt điều gì lên trước!
[Hình nơi trang 290]
Giống như cây, tình bạn với Đức Chúa Trời cần được nuôi dưỡng để phát triển