Hãy lấy các đấng tiên tri của Đức Chúa Trời làm mẫu mực
“Hỡi anh em, hãy lấy các đấng tiên-tri đã nhơn danh Chúa mà nói, làm mẫu-mực về sự chịu khổ và nhịn-nhục cho mình” (GIA-CƠ 5:10).
1. Điều gì giúp tôi tớ Đức Giê-hô-va vui mừng ngay cả khi họ bị bắt bớ?
TÔI TỚ của Đức Giê-hô-va có sự vui mừng hớn hở bất chấp sự ảm đạm bao trùm khắp thế gian trong những ngày sau rốt này. Họ vui mừng bởi vì họ biết mình đang làm vừa lòng Đức Chúa Trời. Nhân-chứng của Đức Giê-hô-va cũng có nghị lực chịu đựng sự bắt bớ và chống đối trong công việc rao giảng của họ bởi vì họ nhận biết rằng mình chịu khổ vì sự công bình. Giê-su Christ nói với môn đồ ngài: “Khi nào vì cớ ta mà người ta mắng-nhiếc, bắt-bớ, và lấy mọi đều dữ nói vu cho các ngươi, thì các ngươi sẽ được phước. Hãy vui-vẻ, và nức lòng mừng-rỡ, vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm; bởi vì người ta cũng từng bắt-bớ các đấng tiên-tri trước các ngươi như vậy” (Ma-thi-ơ 5:10-12). Thật vậy, khi tôi tớ của Đức Chúa Trời gặp sự thử thách đức tin, họ xem đó là điều vui mừng (Gia-cơ 1:2, 3).
2. Theo Gia-cơ 5:10, điều gì có thể giúp chúng ta tỏ lòng kiên nhẫn?
2 Môn đồ Gia-cơ viết: “Hỡi anh em, hãy lấy các đấng tiên-tri đã nhơn danh Chúa mà nói, làm mẫu-mực về sự chịu khổ và nhịn-nhục cho mình” (Gia-cơ 5:10). Hai ông W. F. Arndt và F. W. Gingrich định nghĩa từ Hy Lạp được dịch ra “mẫu-mực” (hy·poʹdeig·ma) là “gương mẫu, kiểu mẫu, mẫu mực, như một điều tốt để khuyến khích người ta bắt chước theo”. Như chúng ta thấy nơi Giăng 13:15, “đây không phải chỉ là một gương mẫu, nhưng rõ ràng là một mẫu đầu tiên” (Theological Dictionary of the New Testament). Thế thì các tôi tớ ngày nay của Đức Giê-hô-va có thể lấy các đấng tiên tri trung thành của Ngài để làm mẫu mực về sự ‘chịu khổ’ và ‘nhịn nhục’. Và chúng ta có thể biết được gì nữa khi học hỏi về đời sống của họ? Và làm sao điều này có thể giúp chúng ta trong hoạt động rao giảng?
Họ phải chịu khổ
3, 4. Nhà tiên tri A-mốt phản ứng ra sao trước sự chống đối của A-ma-xia?
3 Các tiên tri của Đức Giê-hô-va thường phải chịu khổ hoặc bị đối xử tệ bạc. Chẳng hạn vào thế kỷ thứ chín trước công nguyên, thầy tế lễ thờ bò là A-ma-xia chống đối nhà tiên tri A-mốt một cách độc ác. A-ma-xia nói gian dối là A-mốt âm mưu chống lại Giê-rô-bô-am II bằng cách nói tiên tri là vị vua này sẽ chết vì gươm và Y-sơ-ra-ên sẽ bị đày đi làm phu tù. A-ma-xia nói với A-mốt với giọng khinh bỉ: “Hỡi kẻ tiên-kiến, khá đi khỏi đây. Hãy trốn trong đất Giu-đa, tại đó ăn bánh và nói tiên-tri. Nhưng chớ cứ nói tiên tri tại Bê-tên nữa; vì ấy là một nơi thánh của vua, và ấy là nhà vua”. Không nao núng trước lời công kích này, A-mốt trả lời: “Ta không phải là đấng tiên-tri, cũng không phải con đấng tiên-tri; nhưng ta là một kẻ chăn, sửa-soạn những cây vả rừng. Đức Giê-hô-va đã bắt lấy ta từ sau bầy, và Đức Giê-hô-va phán cùng ta rằng: Hãy đi nói tiên-tri cho dân Y-sơ-ra-ên ta” (A-mốt 7:10-15).
4 Thánh linh của Đức Giê-hô-va đã thêm sức cho A-mốt để nói tiên tri một cách can đảm. Hãy tưởng tượng phản ứng của A-ma-xia khi A-mốt nói: “Hãy nghe lời của Đức Giê-hô-va: Ngươi nói rằng: Chớ nói tiên-tri nghịch cùng Y-sơ-ra-ên, và đừng nhỏ lời xuống nghịch cùng nhà Y-sác. Cho nên Đức Giê-hô-va phán như vầy: Vợ ngươi sẽ buông dâm trong thành; con trai và con gái ngươi sẽ ngã bởi gươm; đất ngươi sẽ bị chia bởi dây, còn ngươi, ngươi sẽ chết trong một đất ô-uế, và Y-sơ-ra-ên chắc sẽ bị đày đi làm phu-tù khỏi đất mình”. Lời tiên tri này đã ứng nghiệm (A-mốt 7:16, 17). A-ma-xia bội đạo chắc phải kinh ngạc biết bao!
5. Chúng ta thấy có sự tương đương nào giữa tình trạng của tôi tớ thời nay của Đức Giê-hô-va và tình trạng của nhà tiên tri A-mốt?
5 Điều này cũng tương tự với trường hợp của dân tộc Đức Giê-hô-va ngày nay. Chúng ta phải chịu khổ với tính cách những người nói thông điệp của Đức Chúa Trời, và nhiều người nói một cách khinh bỉ về hoạt động rao giảng của chúng ta. Đành rằng thẩm quyền rao giảng của chúng ta không đến từ trường thần học. Nhưng thánh linh của Đức Giê-hô-va thúc đẩy chúng ta để rao báo tin mừng về Nước Trời. Chúng ta không thay đổi hay làm loãng thông điệp của Đức Chúa Trời. Thay vì thế, giống như A-mốt, chúng ta vâng phục rao báo thông điệp bất chấp phản ứng của những người nghe chúng ta (II Cô-rinh-tô 2:15-17).
Họ bày tỏ lòng kiên nhẫn
6, 7. a) Việc tiên tri của Ê-sai có đặc điểm nào? b) Các tôi tớ thời nay của Đức Giê-hô-va hành động giống như Ê-sai như thế nào?
6 Các tiên tri của Đức Chúa Trời đã có lòng kiên nhẫn. Thí dụ, Ê-sai bày tỏ lòng kiên nhẫn khi làm tiên tri cho Đức Giê-hô-va vào thế kỷ thứ tám trước công nguyên. Đức Chúa Trời nói với ông: “Đi đi! nói với dân nầy rằng: Các ngươi hãy nghe, nhưng chẳng hiểu chi; hãy xem, nhưng chẳng thấy chi. Hãy làm cho dân ấy béo lòng, nặng tai, nhắm mắt, e rằng mắt nó thấy được, tai nó nghe được, lòng nó hiểu được, nó trở lại và được chữa-lành chăng!” (Ê-sai 6:9, 10). Dân chúng quả thật đã phản ứng như vậy. Nhưng điều này có làm Ê-sai ngưng nói không? Không. Ngược lại, ông kiên nhẫn và sốt sắng rao truyền thông điệp cảnh cáo của Đức Giê-hô-va. Theo cách viết trong tiếng Hê-bơ-rơ, những lời của Đức Chúa Trời được trích dẫn trên đây nêu lên ý tưởng là sự loan báo của nhà tiên tri cứ “tiếp tục lâu lài”, dân chúng phải nghe nhiều lần (Gesenius’ Hebrew Grammar).
7 Nhiều người ngày nay khi nghe tin mừng phản ứng giống như cách mà dân chúng đã phản ứng khi nghe lời của Đức Giê-hô-va truyền qua nhà tiên tri Ê-sai. Tuy nhiên, giống như nhà tiên tri trung thành đó, chúng ta cứ lặp lại thông điệp Nước Trời nhiều lần. Chúng ta làm như thế với lòng sốt sắng và kiên nhẫn bền bỉ bởi vì đây là ý muốn của Đức Giê-hô-va.
Họ “làm y như lời”
8, 9. Nhà tiên tri Môi-se là gương mẫu tốt qua những cách nào?
8 Nhà tiên tri Môi-se là gương mẫu về lòng kiên nhẫn và vâng phục. Ông chọn đứng về phía dân nô lệ người Y-sơ-ra-ên, nhưng ông phải kiên nhẫn chờ đợi ngày họ được giải cứu. Trong 40 năm ông sống tại xứ Ma-đi-an cho đến khi Đức Chúa Trời dùng ông để dẫn dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi ách nô lệ. Khi Môi-se và anh của ông là A-rôn đứng trước vua Ê-díp-tô, họ vâng lệnh Đức Chúa Trời nói và làm những gì Ngài phán dặn. Thật vậy, họ “làm y như lời” (Xuất Ê-díp-tô Ký 7:1-6; Hê-bơ-rơ 11:24-29).
9 Môi-se kiên nhẫn nhịn nhục 40 năm ròng rã với dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng. Ông cũng tuân theo sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời trong việc dựng lều tạm của Y-sơ-ra-ên và làm những vật khác để dùng trong sự thờ phượng Đức Giê-hô-va. Nhà tiên tri này theo sát lời của Đức Chúa Trời đến độ Kinh-thánh nói: “Môi-se làm y như mọi đều Đức Giê-hô-va đã phán dặn mình” (Xuất Ê-díp-tô Ký 40:16). Trong khi thi hành công việc rao giảng của chúng ta cùng với tổ chức của Đức Giê-hô-va, chúng ta hãy nhớ lại sự vâng phục của Môi-se và áp dụng lời khuyên của sứ đồ Phao-lô “hãy vâng lời kẻ dắt-dẫn anh em” (Hê-bơ-rơ 13:17).
Họ có thái độ lạc quan
10, 11. a) Điều gì cho thấy nhà tiên tri Ô-sê có cái nhìn lạc quan? b) Làm sao chúng ta có thể giữ thái độ lạc quan khi gặp những người trong khu vực của chúng ta?
10 Các nhà tiên tri cần có thái độ lạc quan khi họ rao báo thông điệp phán xét cũng như những lời tiên tri phản ảnh lòng quan tâm đầy yêu thương của Đức Chúa Trời đối với những người trung thành tản mác trong khắp Y-sơ-ra-ên. Đây đúng là trường hợp của Ô-sê, ông làm tiên tri ít nhất 59 năm. Ông tiếp tục rao báo một cách lạc quan thông điệp của Đức Giê-hô-va và kết thúc sách tiên tri của ông bằng những lời này: “Ai là khôn-ngoan mà hiểu những sự nầy? Ai là giỏi-giang mà biết những sự đó? Vì các đường-lối của Đức Giê-hô-va là ngay-thẳng; những kẻ công-bình sẽ bước đi trong đó, còn những kẻ phạm phép thì vấp-ngã trong đó” (Ô-sê 14:9). Hễ Đức Giê-hô-va còn cho phép chúng ta làm chứng thì chúng ta hãy có một thái độ lạc quan và tiếp tục tìm kiếm những người khôn ngoan chấp nhận sự thương xót của Đức Chúa Trời.
11 Để ‘tìm kiếm người xứng đáng’, chúng ta cần phải bền lòng và nhìn sự kiện một cách lạc quan (Ma-thi-ơ 10:11, NW). Thí dụ, nếu chúng ta đánh mất chìa khóa, chúng ta phải trở bước và tìm kiếm những chỗ mà mình đã đi qua. Chúng ta có thể tìm được chìa khóa chỉ khi nào tìm đi tìm lại nhiều lần. Chúng ta cũng hãy bền lòng tương tự như thế khi tìm kiếm người giống như chiên. Chúng ta được vui mừng biết bao khi họ hưởng ứng tin mừng trong khu vực mà chúng ta đã rao giảng nhiều lần! Và chúng ta mừng rỡ biết bao khi Đức Chúa Trời ban phước cho công việc của chúng ta trong những xứ mà trước đây hạn chế công việc rao giảng công khai của chúng ta! (Ga-la-ti 6:10).
Nguồn của sự khích lệ
12. Lời tiên tri nào của Giô-ên có sự ứng nghiệm trong thế kỷ 20 này, và như thế nào?
12 Lời của các nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va có thể khích lệ chúng ta rất nhiều trong công việc rao giảng. Thí dụ, hãy xem xét lời tiên tri của Giô-ên. Lời của ông có thông điệp phán xét dành cho những người Y-sơ-ra-ên bội đạo và các người khác trong thế kỷ thứ chín trước công nguyên. Nhưng Giô-ên cũng được soi dẫn để tiên tri: “Sau đó, ta sẽ đổ Thần ta trên cả loài xác-thịt; con trai và con gái các ngươi sẽ nói tiên-tri; những người già-cả các ngươi sẽ thấy chiêm-bao, những kẻ trai-trẻ các ngươi sẽ xem sự hiện-thấy. Trong những ngày đó, dầu những đầy-tớ trai và đầy-tớ gái, ta cũng đổ Thần ta lên” (Giô-ên 2:28, 29). Điều này đã tỏ ra đúng đối với môn đồ của Giê-su kể từ Lễ Ngũ tuần năm 33 công nguyên trở về sau. Chúng ta thấy lời tiên tri này có sự ứng nghiệm vĩ đại thay trong thế kỷ 20 này! Ngày nay chúng ta có hàng triệu người “nói tiên tri”, hoặc tuyên bố thông điệp của Đức Giê-hô-va, trong số đó có hơn 600.000 người làm công việc tiên phong trọn thời gian.
13, 14. Điều gì có thể giúp tín đồ trẻ của đấng Christ cảm thấy vui trong công việc rao giảng?
13 Nhiều người rao giảng về Nước Trời là những người trẻ. Đối với họ, nói với những người lớn tuổi về Kinh-thánh không phải lúc nào cũng dễ. Đôi khi những tôi tớ trẻ của Đức Giê-hô-va nghe người ta nói: ‘Em lãng phí thì giờ vào công việc này làm gì’, và ‘em nên làm chuyện khác tốt hơn’. Nhân-chứng trẻ của Đức Giê-hô-va có thể trả lời khéo rằng họ rất tiếc là người ta nghĩ như vậy. Một người rao giảng trẻ tuổi thấy tốt hơn nếu nói thêm: “Tôi rất thích nói chuyện với những người lớn tuổi như ông⁄bà vì tôi học hỏi được nhiều điều”. Dĩ nhiên, rao giảng tin mừng chắc chắn không phải là lãng phí thì giờ. Tính mạng người ta đang bị nguy hiểm. Qua nhà tiên tri Giô-ên, Đức Chúa Trời tuyên bố thêm: “Bấy giờ ai cầu-khẩn danh Đức Giê-hô-va thì sẽ được cứu” (Giô-ên 2:32).
14 Con cái theo cha mẹ đi rao giảng về Nước Trời đón nhận sự giúp đỡ của cha mẹ để đặt mục tiêu cá nhân. Những người trẻ này tiến từng bước từ việc đọc một câu Kinh-thánh đến việc giải thích hy vọng dựa trên Kinh-thánh và mời những người chú ý đọc sách báo thích hợp. Khi chúng thấy sự tiến bộ của mình và được ân phước của Đức Giê-hô-va, những người công bố trẻ sẽ thấy vui vẻ trong công việc rao giảng tin mừng (Thi-thiên 110:3; 148:12, 13).
Lòng sốt sắng và thái độ chờ đợi
15. Gương của Ê-xê-chi-ên có thể giúp chúng ta thế nào để khơi dậy lòng sốt sắng của chúng ta đối với công việc rao giảng Nước Trời?
15 Các tiên tri của Đức Chúa Trời cũng làm gương trong việc bày tỏ lòng sốt sắng lẫn thái độ chờ đợi, hai đức tính mà chúng ta cần trong công việc rao giảng ngày nay. Khi chúng ta mới học lẽ thật từ Lời Đức Chúa Trời, có lẽ lòng sốt sắng thúc giục chúng ta nói với người khác một cách dạn dĩ. Nhưng rồi nhiều năm trôi qua, và có lẽ chúng ta thường rao giảng trong khu vực của mình nhiều lần, giờ đây có lẽ ít người chấp nhận thông điệp Nước Trời. Điều này có làm giảm lòng sốt sắng của chúng ta không? Nếu có, bạn hãy nghĩ đến nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên, tên ông có nghĩa là “Đức Chúa Trời làm vững mạnh”. Dù Ê-xê-chi-ên gặp những người cứng lòng trong thời Y-sơ-ra-ên xưa, Đức Chúa Trời làm ông vững mạnh và làm cho trán ông cứng hơn đá lửa theo nghĩa bóng. Vì thế, Ê-xê-chi-ên có thể làm công việc rao giảng trong nhiều năm dù người ta nghe hay không. Gương của ông cho thấy rằng chúng ta cũng có thể làm như vậy, và có thể giúp chúng ta khơi dậy lòng sốt sắng đối với công việc rao giảng (Ê-xê-chi-ên 3:8, 9; II Ti-mô-thê 4:5).
16. Chúng ta nên vun trồng thái độ nào giống như Mi-chê?
16 Lòng kiên nhẫn của Mi-chê cũng đáng chú ý. Ông nói tiên tri vào thế kỷ thứ tám trước công nguyên. Ông nói: “Nhưng ta, ta sẽ nhìn-xem Đức Giê-hô-va, chờ-đợi Đức Chúa Trời của sự cứu-rỗi ta; Đức Chúa Trời ta sẽ nghe ta” (Mi-chê 7:7). Lòng tin cậy của Mi-chê xuất phát từ đức tin mạnh mẽ của ông. Giống như nhà tiên tri Ê-sai, Mi-chê biết rằng những gì Đức Giê-hô-va đã định thì Ngài chắc chắn sẽ làm thành. Chúng ta cũng biết điều này (Ê-sai 55:11). Vậy, chúng ta hãy vun trồng thái độ chờ đợi cho đến khi lời hứa của Đức Chúa Trời được thành tựu. Và chúng ta hãy rao giảng tin mừng với lòng sốt sắng, ngay cả trong những nơi mà người ta ít chú ý đến thông điệp Nước Trời (Tít 2:14; Gia-cơ 5:7-10).
Bày tỏ lòng kiên nhẫn ngày nay
17, 18. Gương mẫu nào trong thời xưa và nay có thể giúp chúng ta tỏ lòng kiên nhẫn?
17 Một số nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va kiên nhẫn bền lòng với nhiệm vụ của họ trong nhiều năm nhưng chưa thấy lời tiên tri của họ được ứng nghiệm. Tuy nhiên, sự kiện họ tiếp tục bền bỉ ngay trong lúc chịu khổ vì bị bạc đãi, giúp chúng ta nhận biết rằng chúng ta cũng có thể làm tròn công việc rao giảng của mình. Chúng ta cũng có thể được lợi ích khi theo gương những người xức dầu trung thành vào đầu thế kỷ 20 này. Dù hy vọng lên trời của họ không được thực hiện nhanh chóng như ý họ mong muốn, họ đã không để cho sự thất vọng làm giảm lòng sốt sắng của họ trong việc làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời như Ngài đã tỏ cho họ biết.
18 Trong nhiều năm, nhiều người trong số các tín đồ đấng Christ này thường xuyên phân phát tạp chí Tháp Canh và Tỉnh Thức! (Anh ngữ, trước kia được gọi là The Golden Age và sau đó gọi là Consolation). Họ sốt sắng đưa những tạp chí quí giá này cho người ngoài đường và tại nhà riêng của những người ấy, ngày nay chúng ta gọi đó là lộ trình tạp chí. Một chị lớn tuổi có hy vọng lên trời thường đi làm chứng ngoài đường phố và khi chị qua đời thì chẳng bao lâu những người qua đường quen thấy chị đã nhớ chị. Chị đã làm chứng tốt biết bao trong nhiều năm trung thành phụng sự, như được thấy qua lời nhận xét có tính cách quí trọng của những người đã quan sát chị trong công việc rao giảng! Là người công bố Nước Trời, bạn có đều đặn phân phát tạp chí Tháp Canh cho những người mà bạn gặp trong công việc rao giảng không?
19. Hê-bơ-rơ 6:10-12 có lời khích lệ nào cho chúng ta?
19 Cũng hãy nghĩ đến lòng kiên nhẫn và việc trung thành phụng sự của những anh trong Hội đồng Lãnh đạo Trung ương của Nhân-chứng Giê-hô-va. Nhiều anh giờ đây ở trong khoảng từ 90 đến 100 tuổi, nhưng họ vẫn là những người công bố Nước Trời, sốt sắng làm bổn phận mà họ được giao phó (Hê-bơ-rơ 13:7). Còn về những người có hy vọng lên trời hoặc những người thuộc số “chiên khác” đã nhiều tuổi rồi thì sao? (Giăng 10:16). Họ có thể chắc chắn rằng Đức Chúa Trời không phải là không công bình mà bỏ quên công việc và lòng yêu thương mà họ đã bày tỏ vì danh Ngài. Mong rằng những Nhân-chứng lớn tuổi của Đức Giê-hô-va, cùng với những người đồng đức tin trẻ tuổi khác, bền bỉ làm những gì họ có thể làm được, thực hành đức tin và tỏ lòng kiên nhẫn trong việc phụng sự Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 6:10-12). Rồi họ sẽ nhận được phần thưởng là sự sống đời đời, cho dù bằng sự sống lại như các tiên tri thời xưa, hoặc được sống sót qua khỏi “hoạn-nạn lớn” (Ma-thi-ơ 24:21).
20. a) Bạn đã học được gì qua “mẫu mực” của các đấng tiên tri? b) Lòng kiên nhẫn giống như nhà tiên tri có thể giúp chúng ta thế nào?
20 Thật là một gương mẫu tốt lành mà các tiên tri của Đức Chúa Trời đã để lại cho chúng ta! Vì họ nhịn nhục chịu khổ, tỏ lòng kiên nhẫn, và tỏ nhiều đức tính khác giống như Đức Chúa Trời, họ được đặc ân để nói nhân danh Đức Giê-hô-va. Với tư cách là Nhân-chứng hiện nay của Ngài, chúng ta hãy giống như họ và cương quyết nói như nhà tiên tri Ha-ba-cúc: “Ta sẽ đứng nơi vọng-canh, chôn chơn nơi đồn-lũy, rình xem Ngài bảo ta đều gì” (Ha-ba-cúc 2:1). Chúng ta hãy cương quyết giống như vậy khi chúng ta tỏ lòng kiên nhẫn và vui mừng tiếp tục rao báo danh rạng rỡ của Đức Giê-hô-va, Đấng Tạo hóa Vĩ đại của chúng ta (Nê-hê-mi 8:10; Rô-ma 10:10).
Bạn có hiểu các điểm này không?
◻ Nhà tiên tri A-mốt nêu gương mẫu nào về sự can đảm?
◻ Nhà tiên tri Môi-se là gương mẫu tốt qua những cách nào?
◻ Làm sao Nhân-chứng thời nay của Đức Giê-hô-va có thể hành động giống như A-mốt và Ê-sai?
◻ Người rao giảng tín đồ đấng Christ có thể học được gì qua hạnh kiểm của Ô-sê và Giô-ên?
◻ Làm sao chúng ta có thể được lợi ích nhờ gương của Ê-xê-chi-ên và Mi-chê?
[Hình nơi trang 14]
Thánh linh của Đức Giê-hô-va đã thêm sức cho A-mốt để nói tiên tri một cách can đảm bất chấp sự chống đối dữ dội của A-ma-xia
[Hình nơi trang 16]
Các người xức dầu trung thành làm gương về việc tỏ lòng kiên nhẫn trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va