Tại sao phải báo cáo điều xấu?
TỤC NGỮ Tây Phi có câu: “Ai tiết lộ chuyện gì thì trở thành kẻ thù của dân chúng”. Điều này xảy ra cho Olu khi anh tố cáo người anh ruột phạm tội loạn luân với em gái mình. Người anh hét lên: “Mày là thằng nói dối!” Rồi anh ta đánh đập Olu tàn nhẫn, đuổi ra khỏi nhà và đốt hết quần áo của Olu. Những người trong làng đều bênh người anh. Vì bị dân làng hất hủi, Olu phải bỏ đi nơi khác. Chỉ sau khi mọi người thấy cô em gái có bầu thì họ mới ý thức rằng Olu đã nói sự thật. Người anh nhận tội, và Olu được tiếp đón trở lại. Tình thế này có thể hoàn toàn khác hẳn. Olu có thể đã bị giết.
Rõ ràng là những kẻ không yêu mến Đức Giê-hô-va thường không thích ai tiết lộ lỗi lầm của họ. Khuynh hướng bất toàn của loài người là chống lại sự khiển trách và bực tức với bất cứ ai khiển trách mình. (So sánh Giăng 7:7). Vì vậy mà nhiều người im lặng như tượng đá, không dám tiết lộ những sai lầm của người khác cho những người có thẩm quyền để sửa trị.
Nhận biết giá trị của việc khiển trách
Tuy nhiên, dân Đức Giê-hô-va có một thái độ khác đối với việc khiển trách. Những người tin kính đều biết ơn sâu đậm đối với sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va để giúp những người phạm tội trong hội thánh tín đồ đấng Christ. Họ nhận biết việc sửa trị như thế là một cách để biểu lộ lòng yêu thương nhân từ của ngài (Hê-bơ-rơ 12:6-11).
Một việc xảy ra trong cuộc đời của Vua Đa-vít có thể minh họa điều này. Mặc dầu ông là một người công bình từ hồi còn trẻ, nhưng có lúc ông đã phạm tội rất nặng. Trước tiên, ông đã phạm tội ngoại tình. Sau đó, để cố che giấu tội của mình, ông đã sắp xếp để giết người chồng của người đàn bà đó. Nhưng Đức Giê-hô-va tiết lộ tội lỗi của Đa-vít cho nhà tiên tri Na-than, người đã can đảm chất vấn Đa-vít về vấn đề này. Dùng một câu chuyện ví dụ có tác động mạnh, Nathan đã hỏi Đa-vít phải xử sao với một người giàu kia có rất nhiều chiên nhưng lại bắt và làm thịt con chiên con duy nhất, một con vật yêu quý của người nghèo, để tiếp đãi bạn mình. Đa-vít, từng là một người chăn chiên, trở nên phẫn nộ và tức giận. Ông nói: “Người đã phạm đều ấy thật đáng chết!” Rồi Na-than áp dụng câu chuyện ví dụ này cho Đa-vít, nói rằng: “Vua là người đó!” (II Sa-mu-ên 12:1-7).
Đa-vít không tức giận Na-than; ông cũng không cố tự bào chữa và cũng chẳng tìm cách trả đũa. Trái lại, lời quở trách của Na-than đã tác động sâu đậm đến lương tâm của ông. Lòng đau như cắt, Đa-vít thú nhận: “Ta đã phạm tội cùng Đức Giê-hô-va” (II Sa-mu-ên 12:13).
Việc Na-than vạch trần tội lỗi của Đa-vít, sau đó khiển trách bằng Lời Đức Chúa Trời, đã mang lại kết quả tốt. Mặc dù Đa-vít đã không thoát khỏi hậu quả của việc làm quấy, nhưng ông đã ăn năn và hòa thuận lại với Đức Giê-hô-va. Đa-vít cảm thấy thế nào về sự khiển trách như thế? Ông viết: “Nguyện người công-bình đánh tôi, ấy là ơn; nguyện người sửa-dạy tôi, ấy khác nào dầu trên đầu, đầu tôi sẽ không từ-chối” (Thi-thiên 141:5).
Ngày nay cũng vậy, các tôi tớ của Đức Giê-hô-va có thể dính líu vào những tội nặng, ngay cả những người đã trung thành trong nhiều năm. Biết rằng các trưởng lão có thể giúp họ, đa số tự động đi đến các trưởng lão để được giúp đỡ (Gia-cơ 5:13-16). Nhưng đôi khi một người phạm tội có thể tìm cách giấu giếm tội lỗi mình, như Vua Đa-vít đã làm. Chúng ta phải làm gì nếu biết được về hành động sai quấy nghiêm trọng nào đó trong hội thánh?
Trách nhiệm của ai?
Khi các trưởng lão biết được có người làm điều sai lầm nghiêm trọng, họ đến với cá nhân đó để cho sự giúp đỡ và sửa trị cần thiết. Trưởng lão có trách nhiệm phán xét những người như thế ở trong hội thánh. Luôn cảnh giác về tình trạng thiêng liêng của hội thánh, họ giúp đỡ và khuyên nhủ bất cứ những ai đang bước đi một cách thiếu khôn ngoan hoặc sai lầm (I Cô-rinh-tô 5:12, 13; II Ti-mô-thê 4:2; I Phi-e-rơ 5:1, 2).
Nếu bạn không phải là trưởng lão nhưng biết được về tội nghiêm trọng nào đó của một tín đồ đấng Christ thì sao? Chúng ta tìm được những nguyên tắc chỉ dẫn trong Luật Pháp mà Đức Giê-hô-va ban cho dân Y-sơ-ra-ên. Luật Pháp nói rằng nếu một người chứng kiến những hành vi bội đạo, xúi dân nổi loạn, giết người, hoặc những tội ác nghiêm trọng nào đó, thì người ấy có trách nhiệm báo cáo và làm chứng về những gì người đó biết. Lê-vi Ký 5:1 (Trịnh Văn Căn) có nói: “Khi một người biết người khác chửi rủa, bởi đã chứng kiến hoặc nghe kể lại, mà không tố giác thì phạm tội”. (So sánh Phục-truyền Luật-lệ Ký 13:6-8; Ê-xơ-tê 6:2; Châm-ngôn 29:24).
Mặc dầu không còn ở dưới Luật Pháp Môi-se nữa, tín đồ đấng Christ ngày nay có thể được hướng dẫn bởi những nguyên tắc nằm trong Luật Pháp (Thi-thiên 19:7, 8). Vậy thì nếu bạn được biết về tội nghiêm trọng của một anh em tín đồ, bạn phải làm gì?
Xử lý vấn đề
Trước hết, điều quan trọng là phải có lý do vững chắc để tin rằng hành động sai lầm nghiêm trọng đã thật sự xảy ra. Một người khôn ngoan đã nói: “Chớ làm chứng vô-cớ nghịch kẻ lân-cận mình; con há muốn lấy môi-miệng mình mà phỉnh-gạt sao” (Châm-ngôn 24:28).
Bạn có thể quyết định đi thẳng đến các trưởng lão. Điều này không có gì là sai cả. Tuy nhiên, thường thường hành động yêu thương nhất là đi đến người làm quấy. Có lẽ sự kiện không giống như mình tưởng. Hoặc có lẽ tình trạng đó đang được các trưởng lão xử lý. Hãy bình tĩnh bàn luận vấn đề với người ấy. Nếu vẫn còn lý do để tin rằng một việc phạm tội trầm trọng đã xảy ra, hãy khuyến khích anh hay chị đó đến gặp trưởng lão để được giúp đỡ, và giải thích tại sao làm thế là khôn ngoan. Đừng nói cho người khác biết về vấn đề, vì làm thế tức là hớt lẻo.
Nếu người đó không đi gặp các trưởng lão trong khoảng một thời gian vừa phải, thì chính bạn phải làm. Rồi một hay hai trưởng lão sẽ bàn luận vấn đề với bị cáo. Các trưởng lão cần phải “tìm-kiếm, hỏi-thăm, và tra-xét cho kỹ-càng” để xem việc sai lầm đã xảy ra không. Nếu có, họ sẽ xử lý trường hợp đó theo nguyên tắc chỉ dẫn trong Kinh-thánh (Phục-truyền Luật-lệ Ký 13:12-14).
Phải có ít nhất hai nhân chứng để xác minh lời buộc tội về hành động sai lầm (Giăng 8:17; Hê-bơ-rơ 10:28). Nếu người đó phủ nhận lời buộc tội và bạn là người duy nhất làm chứng, thì vấn đề đó sẽ để Đức Giê-hô-va quyết định (I Ti-mô-thê 5:19, 24, 25). Chúng ta làm thế vì biết rằng mọi điều đều “lộ ra” trước mắt Đức Giê-hô-va và nếu người đó có tội, thì cuối cùng tội lỗi sẽ “đổ lại” trên người đó (Hê-bơ-rơ 4:13; Dân-số Ký 32:23).
Nhưng giả sử người đó phủ nhận lời buộc tội và bạn là người nhân chứng duy nhất buộc tội người. Rồi có thể nào chính bạn bị buộc tội lại là người vu khống không? Không, trừ khi bạn đã hớt lẻo cho những người không dính líu tới việc này. Không phải là vu khống khi báo cáo một tình trạng có ảnh hưởng đến hội thánh cho những người có quyền hành và trách nhiệm để giám sát và sửa chữa vấn đề. Trên thực tế, điều này phù hợp với điều chúng ta mong muốn, đó là luôn luôn làm điều đúng và trung tín (So sánh Lu-ca 1:74, 75).
Giữ sự thánh khiết trong hội thánh
Một lý do để báo cáo việc phạm tội là để bảo toàn sự thanh sạch của hội thánh. Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời thánh và trong sạch. Ngài đòi hỏi tất cả những người thờ phượng ngài phải trong sạch về mặt thiêng liêng lẫn đạo đức. Lời được soi dẫn của ngài khuyên nhủ: “Anh em đã nên như con-cái hay vâng lời, thì chớ có làm theo sự dâm-dục, là sự cai-trị trong anh em ngày trước, về lúc anh em còn mê-muội. Nhưng, như Đấng gọi anh em là thánh, thì anh em cũng phải thánh trong mọi cách ăn-ở mình, bởi có chép rằng: Hãy nên thánh, vì ta là thánh” (I Phi-e-rơ 1:14-16). Những cá nhân thực hành sự ô uế hoặc tội lỗi có thể làm nhơ bẩn hội thánh và làm cho toàn thể hội thánh mất ân huệ của Đức Giê-hô-va trừ phi những người đó bị sửa trị hoặc trục xuất. (So sánh Giô-suê, đoạn 7).
Lá thư của sứ đồ Phao-lô cho hội thánh tín đồ đấng Christ ở thành Cô-rinh-tô cho thấy làm thế nào việc báo cáo hành động sai lầm giúp tẩy sạch dân Đức Chúa Trời ở đó. Trong lá thư thứ nhất, Phao-lô viết: “Có tin đồn ra khắp nơi rằng trong anh em có sự dâm-loạn, dâm-loạn đến thế, dẫu người ngoại-đạo cũng chẳng có giống như vậy: là đến nỗi trong anh em có kẻ lấy vợ của cha mình” (I Cô-rinh-tô 5:1).
Kinh-thánh không nói cho chúng ta biết ai đã báo cáo điều này với sứ đồ Phao-lô. Rất có thể Phao-lô biết được về tình trạng này qua Sê-pha-na, Phốt-tu-na và A-chai-cơ, những người đã đi từ Cô-rinh-tô đến Ê-phê-sô, nơi Phao-lô đang trú ngụ. Phao-lô cũng nhận được một lá thư của hội thánh ở thành Cô-rinh-tô hỏi ông về một số vấn đề. Bất kể ai đã cho ông biết, một khi tình trạng đó đã được báo cáo cho Phao-lô qua những nhân chứng đáng tin cậy, thì ông có thể cho lời hướng dẫn về việc đó. Ông viết: “Hãy trừ-bỏ kẻ gian-ác khỏi anh em”. Người ấy đã bị khai trừ khỏi hội thánh (I Cô-rinh-tô 5:13; 16:17, 18).
Lời chỉ dẫn của Phao-lô có mang lại kết quả tốt không? Quả thật là có! Rõ ràng là người phạm tội đã ý thức hành động sai lầm của mình. Trong lá thư thứ hai cho những tín đồ ở Cô-rinh-tô, Phao-lô đã khuyên giục hội thánh “tha-thứ yên-ủi” người đã ăn năn (II Cô-rinh-tô 2:6-8). Như vậy, việc báo cáo tội lỗi đã đưa đến hành động mà kết quả là hội thánh đã được tẩy sạch, và người đã làm hư hại mối quan hệ của mình với Đức Chúa Trời được ban lại ân huệ.
Chúng ta tìm thấy một thí dụ khác trong lá thư thứ nhất của Phao-lô cho hội thánh tín đồ đấng Christ ở thành Cô-rinh-tô. Lần này sứ đồ nêu tên của những nhân chứng đã báo cáo sự việc. Ông viết: “Hỡi anh em, bởi người nhà Cơ-lô-ê, tôi có được tin rằng trong anh em có sự tranh-cạnh” (I Cô-rinh-tô 1:11). Phao-lô biết rằng tinh thần chia rẽ này, cùng với việc tôn vinh loài người quá mức, tạo ra một thái độ bè phái đe dọa phá hủy sự hợp nhất của hội thánh. Do đó, vì quan tâm nhiều đến tình trạng thiêng liêng của các tín đồ ở đó, Phao-lô đã hành động nhanh chóng và viết lời khuyên để chỉnh đốn hội thánh.
Ngày nay, đại đa số các anh chị trong những hội thánh trên khắp đất cố sức bảo toàn sự tinh sạch về thiêng liêng của hội thánh bằng cách là mỗi người cố giữ một địa vị được Đức Chúa Trời chấp nhận. Một số người chịu khổ vì làm thế; những người khác thậm chí đã phải chết để giữ lòng trung kiên. Chắc chắn nếu mình dung dưỡng hay che giấu hành động sai lầm thì sẽ cho thấy mình thiếu quí trọng đối với những cố gắng đó.
Giúp đỡ những người lầm lỗi
Tại sao một số người phạm tội nặng lại nấn ná không chịu đến gặp các trưởng lão trong hội thánh? Thường thì họ không ý thức những lợi ích của việc đi đến các trưởng lão. Một số người lầm tưởng rằng nếu họ thú nhận, thì tội của họ sẽ bị tiết lộ cho cả hội thánh. Một số khác tự lừa dối mình cho rằng đường lối họ không mấy nghiêm trọng. Còn một số khác nghĩ rằng họ có thể tự sửa đổi mà không cần các trưởng lão giúp đỡ.
Nhưng, những người phạm tội như thế cần sự giúp đỡ đầy yêu thương của các trưởng lão trong hội thánh. Gia-cơ viết: “Trong anh em có ai đau-ốm chăng? hãy mời các trưởng-lão Hội-thánh đến, sau khi nhơn danh Chúa xức dầu cho người bịnh đoạn, thì các trưởng-lão hãy cầu-nguyện cho người. Sự cầu-nguyện bởi đức-tin sẽ cứu kẻ bịnh, Chúa sẽ đỡ kẻ ấy dậy; nếu kẻ bịnh có phạm tội, cũng sẽ được tha” (Gia-cơ 5:14, 15).
Quả là một sự sắp đặt tuyệt diệu để giúp những người lầm lỗi hồi phục tình trạng thiêng liêng của họ! Bằng cách áp dụng lời khuyên êm dịu từ Lời Đức Chúa Trời và thay mặt họ mà cầu nguyện, các trưởng lão có thể giúp những người bệnh hoạn về thiêng liêng từ bỏ những đường lối sai lầm của mình. Vì vậy, thay vì cảm thấy bị lên án, những người ăn năn thường cảm thấy tươi mát và nhẹ nhõm khi họ đi gặp các trưởng lão đầy yêu thương. Một thanh niên người Tây Phi đã phạm tội tà dâm và che giấu tội mình trong vài tháng. Sau khi tội lỗi bị lộ ra, anh nói với các trưởng lão: “Tôi ước ao được có người nào đó chất vấn tôi về việc tôi dan díu với cô gái đó! Thật là nhẹ nhõm khi điều này được phơi bày ra ánh sáng”. (So sánh Thi-thiên 32:3-5).
Một hành động yêu thương dựa trên nguyên tắc
Những tôi tớ đã làm báp têm của Đức Chúa Trời “vượt khỏi sự chết qua sự sống” (I Giăng 3:14). Nhưng nếu họ phạm tội nghiêm trọng, họ đã quay trở về đường lối đưa vào chỗ chết. Nếu không được giúp đỡ, họ có thể trở nên chai lì trong việc phạm tội, không còn muốn ăn năn và trở lại thờ phượng Đức Chúa Trời thật (Hê-bơ-rơ 10:26-29).
Báo cáo việc làm sai lầm là một hành động thành thật quan tâm đến người phạm tội. Gia-cơ viết: “Hỡi anh em, trong vòng anh em nếu có ai lầm-lạc cách xa lẽ thật, mà có người khác làm cho nó trở lại, thì phải biết rằng kẻ làm cho người có tội trở lại, bỏ đường lầm-lạc, ấy là cứu linh-hồn người khỏi sự chết và che-đậy vô-số tội-lỗi” (Gia-cơ 5:19, 20).
Vậy thì tại sao phải báo cáo điều xấu? Bởi vì điều ấy mang lại kết quả tốt. Thật vậy, khi báo cáo các hành vi sai trái, chúng ta biểu lộ tình yêu thương dựa trên nguyên tắc Kinh-thánh đối với Đức Chúa Trời, đối với hội thánh, và đối với người phạm tội. Khi mỗi người trong hội thánh trung thành giữ gìn các tiêu chuẩn công bình của Đức Chúa Trời, Đức Giê-hô-va sẽ ban ân phước dồi dào cho cả hội thánh. Sứ đồ Phao-lô viết: “Ngài [Đức Giê-hô-va] sẽ khiến anh em được vững-bền đến cuối-cùng, để khỏi bị quở-trách trong ngày của Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta” (I Cô-rinh-tô 1:8).
[Hình nơi trang 26]
Khi khuyến khích một Nhân-chứng phạm tội đến nói chuyện với các trưởng lão tức là mình bày tỏ tình yêu thương
[Hình nơi trang 28]
Các trưởng lão giúp người lầm lỗi được lại ân huệ của Đức Chúa Trời