Xưng tội—Theo cách thức của loài người hay của Thượng đế?
TRONG VÒNG những người Công giáo, việc xưng tội đã có lắm đổi thay qua nhiều thế kỷ. Trong những năm đầu của Giáo hội Công giáo, chỉ có những tội trọng mới phải xưng và chịu khổ hạnh sám hối. Bàn về vấn đề này sách “Tôn giáo Tây phương thời Trung cổ” (Religion in the Medieval West) viết: “Thể thức ăn năn sám hối vẫn rất gay gắt đến tận cuối thế kỷ thứ sáu: phép bí tích chỉ có thể được thực hiện một lần trong một đời người thôi, việc xưng tội thực thi công khai, còn thời kỳ khổ hạnh sám hối thì kéo dài và nghiêm khắc”.
Sự khổ hạnh thể ấy nghiêm khắc đến mức nào? Vào năm 1052, một người sám hối buộc phải đi chân không suốt quãng đường từ Bruges ở nước Bỉ tới tận Giê-ru-sa-lem! Theo sách “Ky-tô giáo ở Tây phương từ 1400 đến 1700” (Christianity in the West 1400-1700) thì “đến năm 1700, người ta vẫn còn thấy những người Công giáo quỳ gối trong nước lạnh như băng ngập đến cổ tại các giếng hay suối để đọc kinh sám hối”. Vì thời đó bí tích giải tội không được thực hiện cho kẻ nào chưa làm trọn việc khổ hạnh ăn năn của mình nên nhiều người đã trì hoãn việc xưng tội của họ cho đến ngày chết.
Vậy thì cách thực hành xưng tội như hiện nay đã bắt đầu có từ khi nào? Sách “Tôn giáo Tây phương thời Trung cổ” cho biết: “Thể thức ăn năn mới đã do các thầy tu người Xen-tơ (Celtic) du nhập vào nước Pháp vào cuối thế kỷ thứ sáu... Thể thức này gọi là xưng tội kín. Người ăn năn xưng tội mình riêng với một linh mục và đó là một sự điều chỉnh trong thể thức thực hành của tu viện về sự răn bảo thiêng liêng”. Theo cách thực hành xưa hơn của tu viện thì các thầy tu dòng xưng tội với nhau để nhận sự giúp đỡ thiêng liêng hầu khắc phục những yếu kém của họ. Tuy nhiên, trong thể thức xưng tội kín mới hơn, giáo hội đã tuyên bố là giới linh mục có nhiều “quyền lực hay thẩm quyền” hơn nhiều “để tha tội” (theo “Tân Bách khoa Tự điển Công giáo” [New Catholic Encyclopedia]).
Liệu Giê-su có thật sự ban quyền lực thể ấy cho vài môn đồ của ngài không? Một số người đã dựa trên lời nói nào của ngài mà đi đến kết luận này?
“Chìa khóa Nước Trời”
Một dịp nọ, Giê-su Christ (Ky-tô) bảo sứ đồ Phi-e-rơ: “Ta sẽ trao cho ngươi chìa khóa Nước Trời, và điều gì dưới đất ngươi cầm buộc, thì cũng sẽ bị cầm buộc trên trời, và điều gì dưới đất ngươi tháo cởi thì cũng sẽ được tháo cởi trên trời” (Matthêô 16 19 [Ma-thi-ơ 16:19], bản dịch linh mục Nguyễn thế Thuấn). Ý Giê-su muốn nói gì qua từ ngữ “chìa khóa Nước Trời”? Nếu xem xét cách Giê-su sử dụng chữ “chìa khóa” trong một dịp khác nữa thì chúng ta có thể hiểu điều này rõ hơn.
Một lần nọ, Giê-su bảo giới lãnh đạo tôn giáo sành luật Môi-se rằng: “Khốn cho các ngươi, luật sĩ, các ngươi cất đi chìa khóa mở đàng hiểu biết! Chính các ngươi đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các ngươi lại ngăn cản” (Luca 11 52 [Lu-ca 11:52], Bản dịch linh mục Nguyễn thế Thuấn). “Ngăn cản” những kẻ muốn vào, mà vào đâu? Giê-su trả lời chúng ta điều này trong Ma-thi-ơ 23:13: “Khốn cho các ngươi, Ký lục và Biệt phái giả hình, vì các ngươi khóa Nước Trời chận người ta lại! Các ngươi sẽ chẳng vào đã rồi, mà những kẻ muốn vào, các ngươi cũng chẳng để cho vào!” (Matthêô 23 13, Bản dịch linh mục Nguyễn thế Thuấn). Hàng giáo phẩm Do-thái giáo, theo một nghĩa nào đó, đã đóng cửa chận nhiều người lại, tức là tước đoạt khỏi họ cơ hội được lên trời với Giê-su Christ (Ky-tô). “Chìa khóa” mà các nhà lãnh đạo tôn giáo đó “cất đi” chẳng có liên hệ chút nào đến việc tha tội. Đó là chìa khóa dẫn đến sự hiểu biết mà Đức Chúa Trời cung cấp.
Tương tợ, “chìa khóa Nước Trời” giao cho Phi-e-rơ không tượng trưng cho quyền lực nhằm báo cho trên trời biết về tội lỗi người nào là đáng tha hay đáng buộc. Đúng hơn, các chìa khóa Nước Trời tượng trưng đặc ân lớn lao ban cho Phi-e-rơ để mở đường lên trời qua thánh chức của ông bằng cách phổ biến sự hiểu biết do Đức Chúa Trời cung cấp. Ông đã làm điều này trước tiên cho người Do-thái (Giu-đa) và những người ngoại gia nhập Do-thái giáo, đoạn cho người Sa-ma-ri và cuối cùng cho dân ngoại (Công-vụ các Sứ-đồ 2:1-41; 8:14-17; 10:1-48).
“Điều gì dưới đất các ngươi cầm buộc”
Về sau, điều Giê-su bảo Phi-e-rơ đã được lặp lại cho các môn đồ khác: “Ta bảo các ngươi: mọi điều dưới đất các ngươi cầm buộc, thì cũng sẽ bị cầm buộc trên trời, và mọi điều dưới đất các ngươi tháo cởi, thì cũng sẽ được tháo cởi trên trời” (Matthêô 18 18 [Ma-thi-ơ 18:18], bản dịch linh mục Nguyễn thế Thuấn). Đấng Christ (Ky-tô) đã ủy thác quyền hành gì cho các môn đồ? Mạch văn cho thấy ngài đang nói về việc giữ hội-thánh cho được thánh sạch khỏi những kẻ làm ác chẳng ăn năn (Ma-thi-ơ 18:15-17).
Trong các vấn đề liên quan đến sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp Đức Chúa Trời, những người có trách nhiệm trong hội-thánh hẳn phải xét xử sự việc và quyết định xem người lầm lỗi có đáng bị “cầm buộc” (bị xem là phạm tội) hay “tháo cởi” (tha thứ). Phải chăng điều này có nghĩa là trên trời phải làm theo quyết định của loài người? Không đâu, theo sự xác nhận của học giả Kinh-thánh là Robert Young, thì bất kỳ quyết định nào do các môn đồ lập ra đều phải theo sau quyết định ở trên trời, chứ không đi trước. Ông bảo rằng câu 18 đúng ra nên đọc thế này: Điều chi các ngươi cầm buộc dưới đất thì “sẽ phải là điều trên trời đã cầm buộc sẵn rồi”.
Thật vô lý thay khi nghĩ rằng con người bất toàn nào đó có thể làm những quyết định rồi buộc tòa án trên trời phải làm theo. Thay vì vậy, có phải hợp lý hơn nhiều không khi nói rằng các đại biểu được đấng Christ (Ky-tô) bổ nhiệm sẽ làm theo huấn thị của ngài để giữ hội-thánh trong sạch? Họ sẽ thực hiện điều này bằng cách quyết định dựa trên các nguyên tắc mà ở trên trời đã xác định rồi. Đích thân Giê-su sẽ hướng dẫn họ làm việc này (Ma-thi-ơ 18:20).
Liệu có một người nào có đủ tư cách “đại diện đấng Ky-tô (Christ) để làm một vị cha phán xét” đến mức độ có thể phán quyết về tương lai vĩnh cửu của một người đồng đạo với mình không? (“Tân Bách khoa Tự điển Công giáo” [New Catholic Encyclopedia]). Các linh mục nghe lời xưng tội hầu như bao giờ cũng ban sự xá tội, mặc dầu “hình như có một niềm tin ngầm không nói ra trong vòng các nhà thần học Công giáo rằng hiếm có người nào thật sự ăn năn tội lỗi của mình” (“Tân Bách khoa Tự điển Anh-quốc” [The New Encyclopœdia Britannica]). Thật ra, bạn có nhớ khi nào là lần cuối cùng mà bạn được nghe một linh mục từ chối tha tội hay xá tội cho một người lầm lỗi không? Điều này hẳn là vì cá nhân vị linh mục đã không nghĩ rằng ông có khả năng phán định xem người phạm tội có ăn năn hay không. Nhưng nếu đã thế thì làm sao ông lại tự xưng là có quyền tha tội?
Bạn hãy thử tưởng tượng một tòa án luật hình mà trong đó quan tòa đầy lòng trắc ẩn nên lúc nào cũng tha bổng các tội nhân, ngay cả các tội phạm ngoan cố, chỉ vì họ đã theo một nghi thức thú nhận tội lỗi của họ và nói họ đã hối tiếc. Tuy điều này có thể thỏa nguyện người phạm tội, nhưng một quan điểm sai lạc như thế về lòng thương xót có thể ngầm phá sự kính trọng công lý. Có thể nào do cách thực hành việc xưng tội trong Giáo hội Công giáo mà khiến người ta thật sự lại trở nên cứng lòng trong con đường tội lỗi thêm không? (Truyền-đạo 8:11).
Ramona, với tư cách là một người Công giáo đã trải qua kinh nghiệm xưng tội từ năm lên bảy tuổi, nói rằng: “Sự xưng tội chẳng khiến người ta phát triển khuynh hướng cố tránh tội lỗi trong tương lai”. Cô còn nói thêm rằng: “Sự xưng tội phát triển tư tưởng cho rằng Đức Chúa Trời luôn luôn tha thứ và bất kỳ điều chi bạn làm do thể xác bất toàn xui giục thì đều được Ngài tha thứ. Nó không phát triển một ước muốn sâu xa làm điều lành”.a
Thế còn như lời Giê-su ghi trong Giăng 20:22, 23 thì sao? Tại đó ngài bảo các môn đồ: “Hãy nhận-lãnh thánh linh. Kẻ nào mà các ngươi tha tội cho, thì tội sẽ được tha; còn kẻ nào các ngươi cầm tội lại, thì sẽ bị cầm cho kẻ đó”. Thế thì tại đây, há không phải Giê-su rõ ràng ban cho các môn đồ ngài thẩm quyền để tha tội hay sao?
Nếu tách riêng đoạn Kinh-thánh này ra, chúng ta có thể có cảm tưởng đoạn văn có nghĩa đó. Nhưng khi xem xét các lời này cùng với sự tường thuật ở Ma-thi-ơ 18:15-18 và mọi điều khác mà Kinh-thánh dạy về việc xưng tội và tha thứ, chúng ta phải đi đến kết luận nào? Đó là: ở câu Giăng 20:22, 23, Giê-su ban cho các môn đồ ngài thẩm quyền để khai trừ khỏi hội-thánh những kẻ phạm tội nghiêm trọng chẳng ăn năn. Đồng thời đấng Christ (Ky-tô) ban cho các môn đồ quyền được mở rộng lòng thương xót và tha thứ cho những người có tội biết ăn năn. Chắc chắn Giê-su không có ý nói rằng các môn đồ ngài nên xưng mọi tội với một linh mục nào.
Như thế, những người có trách nhiệm trong hội-thánh được thẩm quyền quyết định xem sẽ xử sự thế nào với một người phạm tội nặng. Những quyết định thể ấy nên được thực thi dưới sự hướng dẫn của thánh linh Đức Chúa Trời và phù hợp với các chỉ thị của Ngài ban cho qua Giê-su Christ (Ky-tô) và Kinh-thánh. (So sánh Công-vụ các Sứ-đồ 5:1-5; I Cô-rinh-tô 5:1-5, 11-13). Do đó, những người có trách nhiệm này sẽ đáp ứng theo huấn thị từ trời, chứ không ép buộc trên trời làm theo quyết định của họ.
“Anh em hãy xưng thú tội lỗi với nhau”
Thế thì khi nào là thích đáng để người tín đồ đấng Christ (Ky-tô) xưng tội với nhau? Một khi phạm tội nặng, (chứ không phải mỗi một lỗi nhỏ nhặt), người ta nên thú tội với các giám thị có trách nhiệm của hội-thánh. Dẫu cho trường hợp tội không nặng lắm, nhưng lương tâm người phạm tội ấy bị cắn rứt không thôi, thì việc thú tội và tìm sự giúp đỡ thiêng liêng thật có nhiều giá trị.
Về việc này, người viết Kinh-thánh là Gia-cơ nói rằng: “Ai trong anh em phải yếu liệt [về thiêng liêng], hãy mời các vì niên trưởng [trưởng lão] của Hội thánh; họ hãy cầu nguyện trên người ấy, sau khi đã xức dầu cho nhân Danh Chúa. Và lời khẩn cầu do tự lòng tin sẽ cứu người liệt, và Chúa sẽ cho hồi phục, và nếu người ấy đã phạm tội, thì cũng sẽ được tha. Vậy anh em hãy xưng thú tội lỗi với nhau, và hãy cầu nguyện cho nhau, ngõ hầu anh em được chữa lành” (Yacôbê 5 14-16 [Gia-cơ 5:14-16], bản dịch linh mục Nguyễn thế Thuấn).
Trong những lời này, chúng ta không thấy có sự gợi ý nào về một kiểu xưng tội kín theo lễ nghi. Đúng hơn, khi một tín đồ đấng Christ (Ky-tô) bị tội lỗi đè nặng đến nỗi người ấy cảm thấy không thể cầu nguyện được thì người ấy nên gọi các trưởng lão, hay giám thị, được bổ nhiệm của hội-thánh, và họ sẽ cầu nguyện với người. Để giúp người hồi phục về thiêng liêng, họ cũng sẽ xức dầu bằng Lời của Đức Chúa Trời cho người. (Thi-thiên 141:5; so sánh Lu-ca 5:31, 32; Khải-huyền 3:18).
Điều đáng chú ý là theo lời Giăng Báp-tít khuyên thì họ phải “kết-quả xứng-đáng với sự ăn-năn”. (Ma-thi-ơ 3:8; so sánh Công-vụ các Sứ-đồ 26:20). Người phạm tội có ăn năn thật sự sẽ từ bỏ con đường tội lỗi của mình. Giống như vua Đa-vít của nước Y-sơ-ra-ên thời xưa, người nào phạm tội biết ăn năn, thú lỗi với Đức Chúa Trời, sẽ được tha thứ. Đa-vít đã viết: “Tôi đã thú tội cùng Chúa, không giấu gian-ác tôi; tôi nói: Tôi sẽ xưng các sự vi-phạm tôi cùng Đức Giê-hô-va; còn Chúa tha tội-ác của tôi” (Thi-thiên 32:5).
Các việc khổ hạnh để sám hối không thể nào đạt được sự tha thứ dường ấy. Chỉ Đức Chúa Trời mới có thể ban cho. Ngài luôn luôn xét đến các đòi hỏi của công lý toàn hảo, nhưng sự tha thứ của Ngài bày tỏ tình yêu thương Ngài dành cho nhân loại. Sự tha thứ của Ngài cũng biểu lộ lòng nhân từ vô biên đặt căn bản trên giá chuộc hy sinh của Giê-su Christ (Ky-tô) và chỉ dành cho những người phạm tội biết ăn năn, đã xây bỏ khỏi điều mà Đức Chúa Trời xem là gian ác (Thi-thiên 51:7; Ê-sai 1:18; Giăng 3:16; Rô-ma 3:23-26). Chỉ những người được Đức Giê-hô-va tha thứ mới mong hưởng sự sống đời đời. Và muốn nhận được sự tha thứ thể ấy, chúng ta phải xưng tội mình, không phải theo cách loài người, mà theo cách của Đức Chúa Trời.
[Chú thích]
a Tương phản với điều này, xin đọc Mác 3:29; Hê-bơ-rơ 6:4-6; 10:26. Trong các đoạn này, những người viết Kinh-thánh cho thấy Đức Chúa Trời không tha thứ tất cả mọi tội lỗi.
[Hình nơi trang 7]
David confessed to Jehovah, who granted forgiveness