Hỡi các trưởng lão, hãy xét xử công bình
“[Khi] nghe anh em các ngươi, [hãy] lấy công-bình mà xét-đoán” (PHỤC-TRUYỀN LUẬT-LỆ KÝ 1:16).
1. Về vấn đề xét xử, đã có một sự cắt cử uy quyền thế nào, và điều này có nghĩa gì đối với các người xét xử trên đất?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA, với tư cách là Đấng Xét đoán Tối cao đã cắt cử uy quyền tư pháp cho Con Ngài (Giăng 5:27). Rồi Chúa Giê-su, với tư cách là Đầu của hội-thánh đấng Christ, dùng người “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” và Hội đồng Lãnh đạo Trung ương của lớp người này để bổ nhiệm các trưởng lão, và những người này có lúc cần phải làm việc xét xử (Ma-thi-ơ 24:45-47; I Cô-rinh-tô 5:12, 13; Tít 1:5, 9). Các trưởng lão vì là những người làm đại diện để xét xử nên có bổn phận phải theo sát gương mẫu của các Quan xét trên trời, Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su.
Đấng Christ—Quan xét gương mẫu
2, 3. a) Có lời tiên tri nào về đấng Mê-si cho thấy đấng Christ có những đức tính để làm Quan xét? b) Chúng ta nên chú ý đặc biệt những điểm nào?
2 Nói về đấng Christ làm Quan xét, Kinh-thánh đã viết trước: “Thần của Đức Giê-hô-va sẽ ngự trên Ngài, tức là thần khôn-ngoan và thông-sáng, thần mưu-toan và mạnh-sức, thần hiểu-biết và kính-sợ Đức Giê-hô-va. Ngài lấy sự kính-sợ Đức Giê-hô-va làm vui; chẳng phán-xét theo mắt mình thấy, và chẳng cứ sự tai nghe mà đoán-định. Nhưng Ngài sẽ dùng sự công-bình xét-đoán kẻ nghèo, và xử lẽ ngay-thẳng cho kẻ nhu-mì trên đất” (Ê-sai 11:2-4).
3 Hãy chú ý trong lời tiên tri này nói đến các đức tính khiến đấng Christ có thể “lấy sự công-bình đoán-xét thế-gian” (Công-vụ các Sứ-đồ 17:31). Ngài xét đoán phù hợp với thần của Đức Giê-hô-va, với sự khôn ngoan, thông sáng, mưu toan và hiểu biết của Đức Chúa Trời. Và cũng chú ý đấng Christ xét đoán với sự kính sợ Đức Chúa Trời. Bởi vậy cho nên “tòa-án Đấng Christ” là đại diện cho “tòa-án Đức Chúa Trời” (II Cô-rinh-tô 5:10; Rô-ma 14:10). Đấng Christ cẩn thận xét xử mọi sự theo cách Đức Chúa Trời phán xét (Giăng 8:16). Ngài không xét xử chỉ theo bề ngoài mắt thấy tai nghe. Ngài xét xử cách công bình và ngay thẳng cho kẻ nghèo cùng người nhu mì. Thật là một Quan xét tuyệt diệu! Và là một gương mẫu tuyệt diệu cho những người bất toàn ngày nay được phái làm việc xét xử về tư pháp!
Các quan xét trên đất
4. a) Một trong những chức vụ của 144.000 người trong thời kỳ cai trị Một Ngàn Năm của đấng Christ là gì? b) Có lời tiên tri nào cho thấy một số các tín đồ xức dầu sẽ được bổ nhiệm làm quan xét trong khi còn ở trên đất?
4 Kinh-thánh cho biết một số tín đồ đấng Christ tương đối nhỏ, khởi đầu với 12 sứ đồ, sẽ cai trị cùng với Chúa Giê-su trên trời trong thời kỳ Một Ngàn Năm (Lu-ca 22:28-30; I Cô-rinh-tô 6:2; Khải-huyền 20:4). Chính số còn lại trên đất trong những người được xức dầu làm thành viên của Y-sơ-ra-ên thiêng liêng ấy đã bị xét đoán và được phục hồi vào năm 1918-1919 (Ma-la-chi 3:2-4). Kinh-thánh nói tiên tri về việc phục hồi Y-sơ-ra-ên thiêng liêng như sau: “Ta sẽ lập lại các quan-xét của ngươi như ngày trước, các mưu-sĩ của ngươi như lúc đầu” (Ê-sai 1:26). Vậy, như Ngài đã làm “lúc đầu” với Y-sơ-ra-ên xác thịt, Đức Giê-hô-va đã lập cho số người sót lại những “quan-xét và mưu-sĩ” công bình.
5. a) Ai là những người được đặt làm “người xét-đoán” sau khi Y-sơ-ra-ên thiêng liêng được phục hồi, và sách Khải-huyền mô tả họ như thế nào? b) Trong công việc xét xử, các giám thị được xức dầu ngày nay có sự trợ giúp của ai, và những người này hiện đang được huấn luyện thế nào để trở thành những quan xét tốt hơn nữa?
5 Mới đầu tất cả những người “khôn-ngoan” được đặt làm “người xét-đoán” đều là những trưởng lão được xức dầu (I Cô-rinh-tô 6:4, 5). Sách Khải-huyền mô tả số giám thị được xức dầu, trung thành, được kính nể, như được Chúa Giê-su nắm trong tay hữu, có nghĩa dưới quyền kiểm soát và điều khiển của ngài (Khải-huyền 1:16, 20; 2:1). Kể từ năm 1935 lớp người xức dầu nhận được sự trợ giúp trung thành của một “đám đông vô số người”; những người của đám đông này càng ngày càng gia tăng và họ có hy vọng được sống sót qua khỏi “cơn đại-nạn” và sống đời đời trong địa đàng trên đất (Khải-huyền 7:9, 10, 14-17). Ngày nay khi “lễ cưới Chiên Con” sắp đến, càng ngày càng nhiều người thuộc “đám đông” được Hội đồng Lãnh đạo Trung ương của lớp người xức dầu bổ nhiệm làm trưởng lão và quan xét để phục vụ trong hơn 69.000 hội thánh của Nhân-chứng Giê-hô-va trên khắp đất.a (Khải-huyền 19:7-9). Họ đang được huấn luyện trong những trường học đặc biệt để làm phận sự trong xã hội trên “đất mới” (II Phi-e-rơ 3:13). Trường học Thánh chức Nước Trời (Kingdom Ministry School) hồi cuối năm 1991 tại nhiều xứ đã nhấn mạnh đến việc điều hành các vụ về tư pháp. Các trưởng lão được phái làm việc xét xử có bổn phận phải bắt chước Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su là hai Quan xét luôn luôn trung thành và công bình (Giăng 5:30; 8:16; Khải-huyền 19:1, 2).
Các quan xét “lấy lòng kính-sợ”
6. Tại sao những trưởng lão trong ủy ban tư pháp phải “lấy lòng kính-sợ mà ăn-ở”?
6 Nếu đấng Christ xét đoán với sự kính sợ Đức Chúa Trời và với sự trợ giúp của thánh linh Ngài thì các trưởng lão bất toàn còn phải làm hơn thế biết bao nhiêu! Khi họ được cắt cử phục vụ trong một ủy ban tư pháp, họ cần phải “lấy lòng kính-sợ mà ăn-ở”, cầu xin “Cha, Đấng Xét-đoán không tây-vị” giúp họ xét xử cách công bình (I Phi-e-rơ 1:17). Họ nên nhớ rằng việc xét xử có liên quan đến mạng sống hay “linh-hồn” của những người và họ sẽ phải khai trình (Hê-bơ-rơ 13:17). Và chắc chắn họ cũng phải chịu trách nhiệm trước mặt Đức Giê-hô-va về các lỗi lầm xét xử mà đáng lý họ có thể tránh được. Bình luận về câu Hê-bơ-rơ 13:17, J. H. A. Ebrard viết: “Người chăn chiên có phận sự phải canh chừng những linh hồn giao cho họ coi sóc, và... người phải khai trình về tất cả, kể cả những linh hồn bị mất đi vì lỗi của người. Đây là một câu nghiêm trọng. Mỗi người làm thánh chức cần xem xét và nhớ rằng mình đã tình nguyện gánh vác công việc với trách nhiệm kinh khủng (dễ sợ) này”. (So sánh Giăng 17:12; Gia-cơ 3:1).
7. a) Các quan xét thời nay nên nhớ điều gì, và họ phải cố gắng làm gì? b) Các trưởng lão nên rút tỉa những bài học nào nơi Ma-thi-ơ 18:18-20?
7 Các trưởng lão làm việc xét xử tư pháp nên nhớ rằng chính Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su là các Quan xét thật sự trong mỗi vụ. Chúng ta nhớ có lời dặn các quan xét trong xứ Y-sơ-ra-ên xưa: “Chẳng phải vì loài người mà các ngươi xét-đoán đâu, bèn là vì Đức Giê-hô-va Đức Chúa Trời; Ngài sẽ ở cùng các ngươi trong việc xét-đoán. Vậy bây giờ, phải kính-sợ Đức Giê-hô-va... Các ngươi làm như vậy, ắt không gây cho mình mắc tội” (II Sử-ký 19:6-10). Với lòng run rẩy kính sợ, các trưởng lão xét xử một vụ nào phải làm hết sức sao cho chắc chắn Đức Giê-hô-va thật sự “ở cùng họ trong việc xét-đoán”. Quyết định của họ phải phản ảnh chính xác cách mà Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su xem sự việc. Cái gì mà, nói cách tượng trưng, họ “buộc” (kết án) hoặc “mở” (trắng án) ở dưới đất thì phải là đã “buộc” hay “mở” ở trên trời rồi—thể theo lời viết trong Kinh-thánh, Lời được soi dẫn của Đức Chúa Trời. Nếu họ nhân danh Giê-su mà cầu nguyện Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su sẽ “ở giữa họ” để giúp đỡ họ. (Ma-thi-ơ 18:18-20; xem Tháp Canh, Anh-ngữ, số ra ngày 15-2-1988, trg 9). Không khí trong phiên họp thẩm vấn phải tỏ ra đấng Christ thật sự có mặt giữa họ.
Chăn chiên trọn thời gian
8. Trách nhiệm chính yếu của các trưởng lão đối với bầy chiên là gì, theo gương mẫu của Đức Giê-hô-va và đấng Christ? (Ê-sai 40:10, 11; Giăng 10:11, 27-29).
8 Các trưởng lão không làm việc xét xử trọn thời gian. Họ là những người chăn chiên trọn thời gian. Họ là những người chữa bệnh, chứ không phải là những người để phạt (Gia-cơ 5:13-16). Ý niệm căn bản trong chữ Hy-lạp dịch là giám thị (e-pi’skopos) nói đến một sự chăm sóc che chở. Cuốn “Tự điển Thần học Tân Ước” (Theological Dictionary of the New Testament) viết: “Phụ nghĩa thêm cho chữ “chăn chiên”, chữ “giám thị” [e-pi’sko-pos] nói đến một công việc để canh chừng hay coi sóc”. Đúng vậy, trách nhiệm đầu tiên của họ canh chừng và che chở các chiên, giữ cho chiên ở trong bầy.
9, 10. a) Phao-lô nhấn mạnh thế nào về trách nhiệm chính yếu của các trưởng lão, vậy thì nên đặt câu hỏi nào? b) Lời của Phao-lô nơi Công-vụ các Sứ-đồ 20:29 hẳn cũng gián tiếp nói gì, vậy thì các trưởng lão có thể làm gì để những vụ tư pháp có bớt đi?
9 Khi nói với các trưởng lão của hội thánh Ê-phê-sô, sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh đúng chỗ: “Anh em hãy giữ lấy mình, và luôn cả bầy mà Đức Thánh-Linh đã lập anh em làm kẻ coi-sóc để chăn Hội-thánh của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã mua bằng chính huyết [Con] mình” (Công-vụ các Sứ-đồ 20:28). Phao-lô nhấn mạnh việc chăn chiên, chứ không phải việc trừng phạt. Có lẽ một số trưởng lão nên suy nghĩ về câu hỏi: “Chúng ta có thể nào tiết kiệm rất nhiều thì giờ cần thiết để điều tra và xét xử các vụ tư pháp, nếu chúng ta bỏ nhiều thì giờ và cố gắng hơn cho việc chăn chiên không?”
10 Thật vậy, Phao-lô có cảnh cáo về những “muông-sói dữ-tợn” và nói họ sẽ “chẳng tiếc bầy đâu” (Công-vụ các Sứ-đồ 20:29). Và khi Phao-lô ngụ ý nói các giám thị trung thành phải đuổi các “muông-sói” đó ra khỏi hội-thánh, hẳn cũng gián tiếp nói các trưởng lão phải “tiếc bầy” và đối xử thương xót với các chiên chứ, phải không? Khi một chiên trở nên yếu về thiêng liêng và té xuống cạnh đường, chiên đó cần gì—cần bị đánh đập hay được chữa lành, cần bị trừng phạt hay cần được săn sóc? (Gia-cơ 5:14, 15). Bởi vậy các trưởng lão nên đều đặn sắp đặt thì giờ để làm công việc chăn chiên. Điều này có thể đem lại kết quả mỹ mãn là sẽ phải bỏ ít thì giờ hơn cho các vụ tư pháp thường đòi hỏi rất nhiều thì giờ và do các tín đồ đã sa ngã và phạm tội. Chắc chắn, các trưởng lão cố gắng trước hết là làm sao có thể an ủi và làm êm dịu, như vậy sẽ khuyến khích sự an hòa, bình tịnh và an ninh giữa dân sự của Đức Giê-hô-va.
Làm việc chăn chiên và quan xét cách nhân từ
11. Tại sao các trưởng lão phục vụ trong các ủy ban tư pháp cần có “sự khôn-ngoan từ trên cao” và phải không thiên vị?
11 Nếu làm việc chăn chiên nhiều hơn trước khi một tín đồ sa ngã và phạm tội thì những vụ tư pháp giữa dân sự Đức Giê-hô-va có lẽ sẽ bớt đi nhiều. (So sánh Ga-la-ti 6:1). Tuy nhiên, bởi vì tội lỗi loài người và sự bất toàn, các giám thị trong hội-thánh đấng Christ thỉnh thoảng phải xét xử các vụ phạm tội. Khi ấy họ nên theo các nguyên tắc nào? Ngày nay các nguyên tắc vẫn không thay đổi kể từ thời Môi-se hay thời ban đầu đạo đấng Christ. Lời của Môi-se nói với các quan xét trong xứ Y-sơ-ra-ên vẫn còn có hiệu lực: “Hãy nghe các anh em ngươi, và lấy công-bình mà xét-đoán... Trong việc xét-đoán các ngươi chớ tư-vị ai” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 1:16, 17). Sự không thiên vị là một đặc tính của “sự khôn-ngoan từ trên cao”, điều rất cần thiết cho các trưởng lão phục vụ trong các ủy ban tư pháp (Gia-cơ 3:17; Châm-ngôn 24:23). Một sự khôn ngoan như thế sẽ giúp họ thấy được sự khác biệt giữa yếu kém và gian ác.
12. Các trưởng lão làm việc xét xử cần phải không những công bình mà còn phải có lòng tốt nữa theo nghĩa nào?
12 Các trưởng lão phải “lấy công-bình mà xét-đoán” theo các tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va về thiện và ác (Thi-thiên 19:9). Nhưng trong khi cố gắng làm người công bình, các trưởng lão cũng phải cố gắng tỏ ra có lòng tốt, theo sự phân biệt mà Phao-lô giải thích nơi Rô-ma 5:7, 8. Bàn về các câu này, cuốn Insight on the Scriptures (tạm dịch “Thông hiểu Kinh-thánh”) nơi bàn về sự “Công bình” nói: “Cách dùng của chữ Hy-lạp này nói lên đặc điểm của một người hay nét phân biệt người đó là “muốn điều lành” (benevolent, sẵn lòng làm điều tốt lành hay lợi ích cho người khác) và “làm điều lành” (beneficent, tích cực tỏ lòng tốt như thế). Người đó không chỉ chú ý đến các đòi hỏi về công lý, nhưng hơn thế nữa, người được thúc đẩy chú ý đến người khác và giúp đỡ họ” (Quyển 2, trg 809). Các trưởng lão không những chỉ công bình mà còn có lòng tốt nữa thì sẽ đối xử cách nhân từ lễ độ với người phạm tội (Rô-ma 2:4). Họ sẽ muốn tỏ sự thương xót và lòng trắc ẩn. Họ sẽ làm những gì có thể được để giúp đỡ người phạm tội thấy sự cần thiết phải ăn năn, dù cho người này lúc đầu có thể tỏ vẻ thờ ơ không nghe.
Thái độ đúng trong các phiên họp thẩm vấn
13. a) Một trưởng lão khi làm việc xét xử vẫn không ngừng là gì? b) Lời khuyên nào của Phao-lô cũng áp dụng trong các phiên họp thẩm vấn?
13 Khi có một tình trạng nào đòi hỏi phải xét xử, các trưởng lão nên nhớ họ vẫn là những người chăn chiên của Đức Giê-hô-va dưới sự hướng dẫn của “người chăn hiền-lành” (Giăng 10:11). Lời khuyên của Phao-lô nói phải đều đặn giúp đỡ các chiên cũng áp dụng mạnh mẽ như thế trong việc xét xử tư pháp. Phao-lô viết: “Hỡi anh em, ví bằng có người nào tình-cờ phạm lỗi gì, anh em là kẻ có Đức Thánh-Linh, hãy lấy lòng mềm-mại mà sửa họ lại; chính mình anh em lại phải giữ, e cũng bị dỗ-dành chăng. Hãy mang lấy gánh nặng cho nhau, như vậy anh em sẽ làm trọn luật-pháp của Đấng Christ” (Ga-la-ti 6:1, 2).b
14. Các giám thị nên coi các phiên họp thẩm vấn thế nào, và họ nên có thái độ thế nào đối với người phạm tội?
14 Thay vì tự coi mình là các quan xét cao trọng họp nhau lại để trừng phạt, các trưởng lão phục vụ trong ủy ban tư pháp nên coi phiên họp thẩm vấn như là một khía cạnh khác của việc chăn chiên. Một trong các chiên của Đức Giê-hô-va gặp vấn đề khó khăn. Họ có thể làm gì để cứu giúp người đó? Có phải quá trễ rồi để giúp con chiên đã đi lạc bầy chăng? Chúng ta hy vọng là chưa quá trễ. Các trưởng lão nên có quan điểm tích cực về việc tỏ thương xót khi đáng làm thế. Không phải là họ nên hạ thấp tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va nếu có việc phạm tội nghiêm trọng. Nhưng nếu họ nhận thấy có trường hợp giảm khinh nào thì điều này sẽ giúp họ tỏ thương xót khi có thể được (Thi-thiên 103:8-10; 130:3). Buồn thay, có vài kẻ phạm tội ác lại có thái độ cứng đầu đến nỗi các trưởng lão buộc phải chứng tỏ cứng rắn, tuy nhiên không bao giờ gay gắt (I Cô-rinh-tô 5:13).
Mục đích phiên họp thẩm vấn
15. Khi có vấn đề nghiêm trọng xảy ra giữa cá nhân, các trưởng lão trước hết nên xem điều gì?
15 Khi có vấn đề nghiêm trọng xảy ra giữa cá nhân, các trưởng lão khôn ngoan trước hết xem những người trong cuộc đã thử giải quyết vấn đề giữa họ chưa, thể theo tinh thần các câu Kinh-thánh nơi Ma-thi-ơ 5:23, 24 hay Ma-thi-ơ 18:15. Nếu giải quyết không xong, có lẽ một hay hai trưởng lão cho lời khuyên là đủ. Xét xử tư pháp chỉ cần thiết khi có sự phạm tội nghiêm trọng thuộc loại tội có thể đưa đến bị khai trừ (Ma-thi-ơ 18:17; I Cô-rinh-tô 5:11). Phải có một căn bản vững chắc theo Kinh-thánh để lập một ủy ban tư pháp. (Xem Tháp Canh, Anh-ngữ, số ra ngày 15-9-1989, trg 18). Khi lập ủy ban tư pháp, nên chọn các trưởng lão có các điều kiện thích hợp nhất với riêng vụ tư pháp đó.
16. Các trưởng lão muốn đạt điều gì trong các buổi họp thẩm vấn?
16 Các trưởng lão muốn đạt được gì trong buổi họp thẩm vấn? Đầu tiên không thể nào xét đoán công bình được nếu không biết sự thật. Vậy cũng như trong xứ Y-sơ-ra-ên xưa, khi có vấn đề nghiêm trọng thì cần phải “tra-xét cho kỹ-càng” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 13:14; 17:4). Thế nên một mục tiêu của buổi họp thẩm vấn là tìm kiếm các sự kiện của vụ tranh tụng. Điều này có thể làm được và phải làm với tình yêu thương (I Cô-rinh-tô 13:4, 6, 7). Một khi đã biết rõ các sự kiện, các trưởng lão có thể làm bất cứ gì cần thiết để che chở hội-thánh và gìn giữ trong hội-thánh các tiêu chuẩn cao trọng của Đức Giê-hô-va và để cho thánh linh của Ngài hoạt động không bị ngăn trở (I Cô-rinh-tô 5:7, 8). Tuy nhiên, một trong các mục đích của buổi họp thẩm vấn là giải cứu một người phạm tội đang bị nguy hiểm, nếu có thể được. (So sánh Lu-ca 15:8-10).
17. a) Trong phiên họp thẩm vấn, nên đối xử thế nào với người bị cáo, và với mục đích gì? b) Điều này đòi hỏi gì nơi những người trong ủy ban tư pháp?
17 Không bao giờ đối xử với người bị cáo khác hơn là với một chiên của Đức Chúa Trời. Phải đối xử mềm mại với người. Nếu người đã phạm một (hay nhiều) tội, mục đích của các quan xét công bình là giúp người sửa lại, hiểu rõ đường lối sai lầm của mình, ăn năn, và như thế được “gỡ mình khỏi lưới ma-quỉ”. Các trưởng lão cần tỏ ra ‘có tài dạy dỗ’ và ‘mềm mại mà bẻ trách’ (II Ti-mô-thê 2:24-26; 4:2). Nếu người phạm tội lúc đó nhận biết mình đã phạm tội, thật sự đau lòng, và xin Đức Giê-hô-va tha thứ thì sao? (So sánh Công-vụ các Sứ-đồ 2:37). Nếu các trưởng lão trong ủy ban tư pháp tin chắc người ấy thành thật muốn được giúp đỡ, thường thì không cần phải khai trừ người ấy. (Xem Tháp Canh, Anh-ngữ, số ra ngày 1-1-1983, trg 31, đoạn 1).
18. a) Khi nào thì ủy ban tư pháp nên tỏ ra cứng rắn và khai trừ kẻ phạm tội? b) Vì có tình trạng đau lòng nào, các trưởng lão nên cố gắng giúp con chiên đi lạc bầy?
18 Mặt khác, khi các trưởng lão trong ủy ban tư pháp thấy rằng đương sự rõ ràng không ăn năn và bội đạo, cố ý phản nghịch chống lại luật pháp của Đức Giê-hô-va, hoặc gian ác thẳng thừng, lúc đó họ có bổn phận phải che chở những thành viên khác của hội thánh bằng cách khai trừ kẻ phạm tội không ăn năn. Ủy ban tư pháp không cần phải cố gặp nhiều lần với đương sự hay cố bắt y nói lời ăn năn, nếu đương sự hiển nhiên trơ trơ không ưu sầu gì cả.c Trong những năm gần đây, số người bị khai trừ mỗi năm là khoảng 1%, nghĩa là trong khoảng một trăm con chiên ở lại trong chuồng thì một con bị mất—ít nhất tạm thời. Nếu ta xét rằng phải cần biết bao công khó và thì giờ để đưa một người bầy chiên, vậy mà mỗi năm phải “phó cho quỉ Sa-tan” mấy chục ngàn người như thế thì có đau lòng không? (I Cô-rinh-tô 5:5).
19. Các trưởng lão phục vụ trong ủy ban tư pháp chớ bao giờ quên điều gì, vậy thì họ sẽ cố gắng làm gì?
19 Các trưởng lão khi bắt đầu vào một vụ tư pháp nào nên nhớ rằng đa số các vụ phạm tội trong hội thánh là vì yếu kém chứ không phải vì gian ác. Họ chớ bao giờ quên chuyện ví dụ của Chúa Giê-su về con chiên lạc mà ngài đã kết luận như sau: “Ta nói cùng các ngươi, trên trời cũng như vậy, sẽ vui-mừng cho một kẻ có tội ăn-năn hơn là chín mươi chín kẻ công-bình không cần phải ăn-năn” (Lu-ca 15:7). Thật vậy, “Chúa [Đức Giê-hô-va]... không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn-năn” (II Phi-e-rơ 3:9). Với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, mong rằng các ủy ban tư pháp khắp nơi trên đất sẽ cố gắng hết sức mình để làm trên trời được vui mừng, bằng cách giúp đỡ những người phạm tội thấy sự cần thiết phải ăn năn và bước đi trở lại trên con đường chật dẫn đến sự sống đời đời (Ma-thi-ơ 7:13, 14).
[Chú thích]
a Về địa vị của các trưởng lão thuộc lớp “chiên khác” liên quan đến tay hữu của đấng Christ, hãy xem cuốn Revelation—Its Grand Climax At Hand! (tạm dịch “Khải-huyền—Tột điểm vinh quang gần kề!”), xuất bản bởi Hội Tháp Canh (Watch Tower Society), trg 136, phụ chú bên dưới.
b Xem Tháp Canh, Anh-ngữ, số ra ngày 15-9-1989, trg 19.
c Xem Tháp Canh, số ra ngày 1-10-1982, trg 10.
Câu hỏi ôn lại
◻ Theo gương mẫu của Đấng Chăn Chiên Lớn và Đấng Chăn Chiên Hiền Lành, các trưởng lão nên có mục tiêu chính yếu là gì?
◻ Bằng cách nào các trưởng lão có thể làm giảm bớt số các vụ tư pháp?
◻ Các trưởng lão làm việc xét xử không những phải công bình mà còn phải có lòng tốt nữa theo nghĩa nào?
◻ Trong phiên họp thẩm vấn, nên đối xử với người phạm tội như thế nào, và với mục đích gì?
◻ Tại sao việc khai trừ là điều bất đắc dĩ (cực chẳng đã)?
[Hình nơi trang 16]
Khi làm công việc chăn chiên trước, có lẽ sẽ tránh được nhiều vụ tư pháp về sau
[Hình nơi trang 18]
Ngay trong phiên họp thẩm vấn, các trưởng lão nên cố mềm mại sửa lại người phạm tội