‘Đức Giê-hô-va ôi! xin hãy thử-thách tôi’
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA là Đấng “dò-xét lòng người ta”. (1 Sử-ký 29:17) Hẳn điều này khiến chúng ta cảm thấy ấm lòng biết bao! Tại sao vậy? Vì không như loài người chỉ đánh giá qua bề ngoài, Cha chúng ta trên trời “nhìn-thấy trong lòng”.—1 Sa-mu-ên 16:7.
Thật ra, chính chúng ta cũng không biết rõ động cơ sâu xa và khuynh hướng thầm kín nhất trong đáy lòng mình. Vì sao? Bởi vì “lòng [chúng ta] là dối-trá hơn mọi vật, và rất là xấu-xa: ai có thể biết được?” Tuy nhiên, chính Đức Chúa Trời là Đấng biết lòng chúng ta, vì Ngài nói: “Ta, Đức Giê-hô-va, dò-xét trong trí, thử-nghiệm trong lòng”. (Giê-rê-mi 17:9, 10) Đúng vậy, Đức Giê-hô-va hiểu “lòng” của chúng ta—kể cả động lực, ý nghĩ và cảm xúc thầm kín nhất.
Tại sao tín đồ Đấng Christ bị thử thách?
Không ngạc nhiên gì khi Vua Đa-vít thời xưa đã thưa với Đức Chúa Trời: “Đức Giê-hô-va ôi! xin hãy dò-xét và thử-thách tôi, rèn-luyện lòng dạ tôi”. (Thi-thiên 26:2) Phải chăng Đa-vít không bao giờ phạm tội trong lời nói và hành động nên ông không lo sợ nếu Đức Giê-hô-va dò xét và thử thách ông? Chắc chắn không phải vậy! Giống như tất cả chúng ta, Đa-vít là người bất toàn và không thể giữ các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời một cách trọn vẹn. Vì yếu kém, Đa-vít phạm một số tội nghiêm trọng, nhưng ông vẫn bước đi với “lòng trọn-lành”. (1 Các Vua 9:4) Bằng cách nào? Bằng cách chấp nhận lời sửa trị và thay đổi đường lối của mình. Qua đó, Đa-vít cho thấy ông chân thành yêu mến Đức Giê-hô-va. Ông có lòng trọn vẹn với Ngài.
Còn ngày nay thì sao? Đức Giê-hô-va biết là chúng ta bất toàn và có thể phạm tội trong lời nói cũng như hành động. Tuy nhiên, Ngài không dùng khả năng biết trước tương lai để định đoạt đời sống của chúng ta. Khi tạo ra chúng ta, Ngài rộng lượng ban một món quà là sự tự do ý chí và Ngài tôn trọng quyền tự do đó.
Dù thế, có thể nói rằng đôi lúc Đức Giê-hô-va thử lòng, kể cả động cơ của chúng ta. Ngài làm vậy bằng cách cho chúng ta cơ hội bộc lộ tấm lòng. Đức Giê-hô-va cũng có thể để những thử thách hoặc những khó khăn xảy ra hầu thấy khuynh hướng trong lòng chúng ta. Nhờ đó, chúng ta có cơ hội chứng tỏ với Đức Giê-hô-va rằng mình trung thành và hết lòng phụng sự Ngài ra sao. Những thử thách đó có thể cho thấy chúng ta tin Đức Chúa Trời đến mức nào, để xem chúng ta có “trọn-lành toàn-vẹn, không thiếu-thốn chút nào” hay không.—Gia-cơ 1:2-4.
Một thử thách thời xưa về đức tin
Các tôi tớ của Đức Giê-hô-va không lạ gì với những thử thách về động lực lẫn đức tin. Chúng ta hãy xem trường hợp của tộc trưởng Áp-ra-ham. “Đức Chúa Trời thử Áp-ra-ham”. (Sáng-thế Ký 22:1) Khi những lời trên được viết ra, đức tin của ông đã bị thử thách rồi. Nhiều thập niên trước đó, Đức Giê-hô-va đã phán với Áp-ra-ham là hãy cùng gia đình ra khỏi thành phố U-rơ phồn thịnh để đến một xứ mà ông không biết. (Sáng-thế Ký 11:31; Công-vụ 7:2-4) Có lẽ Áp-ra-ham đã có nhà ở xứ U-rơ, nhưng khi đến định cư tại Ca-na-an, ông không mua nhà cửa dù sống ở đây khoảng một trăm năm. (Hê-bơ-rơ 11:9) Cuộc đời du mục đã khiến ông và gia đình gặp nhiều nỗi gian truân như đói kém, và phải đối phó với cướp bóc cũng như những vua chúa ngoại giáo sống trong vùng. Qua tất cả những khó khăn này, Áp-ra-ham đã chứng tỏ mình có đức tin mạnh mẽ.
Rồi một ngày nọ, Đức Giê-hô-va đặt Áp-ra-ham trước một thử thách lớn hơn. Ngài nói: “Hãy bắt đứa con một ngươi yêu-dấu, là Y-sác, và. . . dâng đứa con làm của-lễ thiêu”. (Sáng-thế Ký 22:2) Đối với Áp-ra-ham, Y-sác là một người con đặc biệt. Ông là con một của Áp-ra-ham và Sa-ra. Ngoài ra, ông là người con trai mà Đức Giê-hô-va đã hứa với Áp-ra-ham. Chỉ nhờ người con này, Áp-ra-ham mới có hy vọng rằng dòng dõi của mình sẽ hưởng được xứ Ca-na-an và mang lại ân phước cho nhiều người, như lời Đức Chúa Trời đã hứa. Thật vậy, Y-sác chính là người con mà Áp-ra-ham hằng mong ước và được sinh ra bởi phép lạ của Đức Chúa Trời.—Sáng-thế Ký 15:2-4, 7.
Bạn có thể hình dung Áp-ra-ham cảm thấy khó hiểu mệnh lệnh này biết bao! Có lẽ nào Đức Giê-hô-va lại đòi hỏi người ta dâng người làm của tế lễ? Tại sao Đức Chúa Trời cho Áp-ra-ham cảm nhận niềm hạnh phúc có được một người con khi ở tuổi xế chiều nhưng rồi lại yêu cầu ông phải hy sinh chính người con ấy?a
Tuy chưa có câu trả lời rõ ràng, nhưng Áp-ra-ham không hề do dự. Ông mất ba ngày để đến ngọn núi mà Đức Chúa Trời đã chỉ cho. Khi đến nơi, ông lập một bàn thờ và xếp củi lên. Đây là giây phút quyết định. Ông cầm dao lên và sắp sửa giết con, nhưng Đức Giê-hô-va dùng một thiên sứ cản ông lại và nói: “Bây giờ ta biết rằng ngươi thật kính-sợ Đức Chúa Trời, bởi cớ không tiếc với ta con ngươi, tức con một ngươi”. (Sáng-thế Ký 22:3, 11, 12) Hãy thử nghĩ xem Áp-ra-ham vui và ấm lòng biết bao khi nghe lời này! Những gì Đức Giê-hô-va đánh giá về đức tin của ông là đúng. (Sáng-thế Ký 15:5, 6) Sau đó, ông dâng một con chiên đực thế cho Y-sác. Rồi một lần nữa Đức Giê-hô-va xác nhận giao ước Ngài đã hứa về dòng dõi của Áp-ra-ham. Không lạ gì, ông được xem là bạn của Đức Giê-hô-va.—Sáng-thế Ký 22:13-18; Gia-cơ 2:21-23.
Đức tin của chúng ta cũng bị thử thách
Chúng ta biết rằng tất cả tôi tớ của Đức Chúa Trời ngày nay đều phải trải qua thử thách. Tuy nhiên, thông thường Ngài cho phép chúng ta bị thử thách bằng cách để cho một số tình huống khó khăn xảy ra, chứ không yêu cầu chúng ta làm một việc nào đó.
Sứ đồ Phao-lô viết: “Hết thảy mọi người muốn sống cách nhân-đức trong Đức Chúa Jêsus-Christ, thì sẽ bị bắt-bớ”. (2 Ti-mô-thê 3:12) Sự bắt bớ này có thể đến từ gia đình, bạn bè, hàng xóm, bạn học, hoặc chính quyền chưa biết rõ về chúng ta. Hình thức bắt bớ có thể là lời nói và hành vi thô bạo. Chúng ta còn có thể gặp trở ngại trong công ăn việc làm. Ngoài ra, như mọi người, tín đồ Đấng Christ cũng phải đối phó với những vấn đề thông thường trong cuộc sống như bệnh tật, sự thất vọng và bất công. Tất cả những vấn đề này khiến đức tin của chúng ta bị thử thách.
Sứ đồ Phi-e-rơ nhấn mạnh đến những khía cạnh tích cực khi một người bị thử thách về đức tin. Ông nói: “Anh em vì sự thử-thách trăm bề buộc phải buồn-bã. . . hầu cho sự thử-thách đức-tin anh em quí hơn vàng hay hư-nát, dầu đã bị thử lửa, sanh ra ngợi-khen, tôn-trọng, vinh-hiển cho anh em khi Đức Chúa Jêsus-Christ hiện ra”. (1 Phi-e-rơ 1:6, 7) Thật vậy, việc trải qua thử thách được ví như quá trình dùng lửa để luyện vàng. Quá trình này nhằm tách tạp chất ra để lấy vàng nguyên chất. Khi gặp thử thách, đức tin của chúng ta cũng được rèn luyện một cách tương tự.
Chẳng hạn, một tai nạn hoặc thiên tai xảy ra có thể gây nhiều đau khổ cho chúng ta. Tuy nhiên, những ai thật sự có đức tin sẽ không rơi vào tâm trạng lo âu quá mức. Họ được an ủi nhờ lời cam đoan của Đức Giê-hô-va: “Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu”. (Hê-bơ-rơ 13:5) Vì thế, họ vẫn tiếp tục đặt công việc thiêng liêng lên hàng đầu, và tin rằng nếu cố gắng hết sức, Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ giúp họ kiếm được những gì thật sự cần thiết. Đức tin nâng đỡ họ vượt qua những lúc khó khăn, giúp họ tránh lo lắng vô ích khiến cho tình trạng càng thêm phức tạp.
Ngoài ra, khi đức tin bị thử thách, chúng ta có thể nhận ra những điểm yếu của mình. Nếu ý thức mình cần phải sửa những điểm yếu này thì thử thách đó mới đem lại lợi ích cho chúng ta. Một người nên tự hỏi: ‘Tôi có thể củng cố đức tin mình như thế nào? Tôi có nên dành nhiều thời gian hơn để nghiêm túc học hỏi và suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời không? Tôi có tận dụng những sự sắp đặt mà Đức Giê-hô-va cung cấp để tham dự các buổi họp với anh em đồng đạo không? Tôi có dựa vào sức riêng thay vì trao mọi lo lắng cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện không?’ Việc tự xét mình như thế chỉ là bước đầu.
Muốn củng cố đức tin, một người cần khao khát nhiều hơn về thiêng liêng, qua đó cho thấy mình “ham-thích sữa thiêng-liêng của Đạo”. (1 Phi-e-rơ 2:2; Hê-bơ-rơ 5:12-14) Chúng ta nên cố gắng noi gương của người được miêu tả nơi sách Thi-thiên. Người đó “vui-vẻ về luật-pháp của Đức Giê-hô-va, và suy-gẫm luật-pháp ấy ngày và đêm”.—Thi-thiên 1:2.
Chỉ đọc Kinh Thánh thì không đủ để củng cố đức tin. Điều quan trọng là chúng ta ngẫm nghĩ về những gì Kinh Thánh dạy và áp dụng những lời khuyên trong đó. (Gia-cơ 1:22-25) Làm thế, chúng ta sẽ yêu mến Đức Chúa Trời nhiều hơn, lời cầu nguyện của chúng ta sẽ cụ thể hơn, có tính cách cá nhân hơn, và đức tin của chúng ta sẽ mạnh hơn.
Giá trị của đức tin sau thử thách
Đức tin là yếu tố tối quan trọng để được Đức Chúa Trời chấp nhận. Ý thức về điều này là động cơ mạnh mẽ để giúp chúng ta củng cố đức tin. Kinh Thánh nhắc nhở: “Không có đức-tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài; vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài”. (Hê-bơ-rơ 11:6) Vì thế, như cha của đứa trẻ được đề cập trong sách Mác của Kinh Thánh, chúng ta nên cầu xin Chúa Giê-su: “Tôi tin! Xin Thầy thêm đức tin cho tôi!”—Mác 9:24, Bản Diễn Ý.
Khi đức tin của chúng ta bị thử thách, người khác cũng có thể được lợi ích. Thí dụ, khi một tín đồ mất đi người thân yêu, người đó sẽ được gìn giữ nhờ đức tin mạnh mẽ nơi lời hứa của Đức Chúa Trời về sự sống lại. Tuy thương nhớ, nhưng tín đồ ấy không “buồn-rầu như người khác không có sự trông-cậy”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:13, 14) Khi thấy đức tin gìn giữ tín đồ Đấng Christ như thế, người khác có thể nhận biết tín đồ đó có một điều gì thật sự quý báu. Điều này có thể khiến họ ao ước có được đức tin như thế, đồng thời thúc đẩy họ muốn học Kinh Thánh và trở thành môn đồ của Chúa Giê-su.
Đối với Đức Giê-hô-va, đức tin đã trải qua thử thách có giá trị rất lớn. Ngoài ra, những thử thách về đức tin giúp chúng ta đánh giá đức tin của mình thật sự có sức chịu đựng hay không. Khi trải qua thử thách, chúng ta thấy được những yếu điểm của đức tin để sửa đổi. Sau cùng, việc chúng ta vượt qua được thử thách có thể giúp người khác trở thành môn đồ của Chúa Giê-su. Vì thế, mong sao chúng ta làm hết sức để giữ đức tin mạnh mẽ. Đức tin này sau khi trải qua nhiều thử thách sẽ ‘sanh ra ngợi-khen, tôn-trọng, vinh-hiển cho chúng ta khi Đức Chúa Jêsus-Christ hiện ra’.—1 Phi-e-rơ 1:7.
[Chú thích]
a Về ý nghĩa tượng trưng của việc “hy sinh” Y-sác, xin xem Tháp Canh ngày 1-3-1990, trang 11.
[Hình nơi trang 13]
Qua việc thể hiện đức tin, Áp-ra-ham được trở thành bạn của Đức Chúa Trời
[Các hình nơi trang 15]
Những thử thách chứng tỏ chúng ta có sức mạnh chịu đựng
[Nguồn tư liệu nơi trang 12]
Hình trong Illustrated Edition of the Holy Scriptures của Cassell, Petter & Galpin