“Ngài là Đấng anh em không thấy, mà yêu-mến”
“Ngài là Đấng anh em không thấy, mà yêu-mến; dầu bây giờ anh em không thấy Ngài, nhưng tin Ngài, và vui-mừng lắm” (I PHI-E-RƠ 1:8).
1. Mặc dù ngày nay không có ai trên đất đã từng thấy Chúa Giê-su, nhưng một số người sùng đạo cố gắng sùng kính ngài bằng cách nào?
NGÀY NAY không ai sống trên đất đã từng thấy Chúa Giê-su Christ. Tuy nhiên có hàng triệu người tuyên bố rằng họ yêu mến ngài. Mỗi năm vào ngày 9 tháng 1, tại Manila, Phi-líp-pin, tượng Chúa Giê-su Christ to như người thật vác thập tự giá được kéo qua các đường phố. Người ta tả cảnh này là một sự biểu dương lớn nhất và thu hút nhiều sự chú ý nhất của tôn giáo thịnh hành trong xứ. Đám đông bị khích động xô đẩy lẫn nhau; có người còn trèo lên người khác với cố gắng điên cuồng để rờ cho được hình tượng. Nhiều người đến xem phần lớn là vì đám rước của ngày lễ hội. Tuy nhiên, một số trong đám đông này chắc chắn cảm thấy mình thành thật muốn tìm đến Chúa Giê-su. Để chứng tỏ điều này, họ có thể đeo thánh giá hoặc có thể thường xuyên đến nhà thờ. Tuy nhiên, chúng ta có thể nào xem việc thờ hình tượng như thế là sự thờ phượng thật không?
2, 3. a) Những ai trong số các môn đồ của Chúa Giê-su thật sự thấy và nghe ngài nói? b) Vào thế kỷ thứ nhất có ai khác yêu mến Chúa Giê-su và đặt đức tin nơi ngài mặc dầu họ không hề thấy ngài tận mắt?
2 Trong thế kỷ thứ nhất, có hàng ngàn người trong các tỉnh La Mã là Giu-đê, Sa-ma-ri, Phê-rê và Ga-li-lê đã đích thân thấy và nghe Chúa Giê-su Christ. Họ lắng nghe khi ngài giải thích những lẽ thật đầy khích lệ về Nước Đức Chúa Trời. Họ chứng kiến những phép lạ mà ngài đã thực hiện. Một số người trong họ đã trở thành môn đồ tận tụy của ngài, tin chắc rằng ngài là “Đấng Christ, Con của Đức Chúa Trời hằng sống” (Ma-thi-ơ 16:16). Tuy nhiên, những người nhận lá thư được soi dẫn đầu tiên của sứ đồ Phi-e-rơ thì không thuộc trong số người này.
3 Những người mà Phi-e-rơ viết thư cho đã sống ở các tỉnh La Mã là Bông, Ga-la-ti, Cáp-ba-đốc, A-si và Bi-thi-ni—tất cả đều nằm trong vùng đất Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Phi-e-rơ viết cho họ: “Ngài là Đấng anh em không thấy, mà yêu-mến; dầu bây giờ anh em không thấy Ngài, nhưng tin Ngài, và vui-mừng lắm một cách không xiết kể và vinh-hiển” (I Phi-e-rơ 1:1, 8). Làm sao họ biết được Chúa Giê-su Christ đến độ họ yêu mến ngài và đặt đức tin nơi ngài?
4, 5. Làm sao những người chưa bao giờ thấy Chúa Giê-su đã có thể biết đủ về ngài để yêu thương và đặt đức tin nơi ngài?
4 Rõ ràng, có một số ở tại Giê-ru-sa-lem khi sứ đồ Phi-e-rơ làm chứng cho đám đông đến dự Lễ Ngũ tuần vào năm 33 CN. Sau lễ này nhiều môn đồ ở lại Giê-ru-sa-lem để được các sứ đồ chỉ dẫn thêm (Công-vụ các Sứ-đồ 2:9, 41, 42; so sánh I Phi-e-rơ 1:1). Trong nhiều chuyến đi rao giảng, sứ đồ Phao-lô đã sốt sắng giảng đạo cho những người sống tại vùng mà sau này Phi-e-rơ gởi lá thư thứ nhất mang tên ông, lá thư này có trong Kinh-thánh (Công-vụ các Sứ-đồ 18:23; 19:10; Ga-la-ti 1:1, 2).
5 Tại sao những người đó chưa từng nhìn thấy Chúa Giê-su mà lại sốt sắng muốn biết ngài như thế? Trong thời đại của chúng ta, tại sao trên khắp thế giới lại có thêm nhiều triệu người yêu mến ngài một cách sâu đậm?
Những gì mà họ nghe được
6. a) Giả sử bạn được nghe Phi-e-rơ làm chứng về Chúa Giê-su vào dịp Lễ Ngũ tuần năm 33 CN, bạn có thể học được gì? b) Điều này ảnh hưởng đến khoảng 3.000 người hiện diện như thế nào?
6 Nếu bạn có mặt tại Giê-ru-sa-lem lúc Phi-e-rơ nói chuyện với đám đông dự lễ vào năm 33 CN thì bạn học được gì về Chúa Giê-su? Không còn nghi ngờ gì nữa, các phép lạ mà ngài thực hiện cho thấy rằng ngài được Đức Chúa Trời sai đến. Bạn cũng sẽ biết được rằng mặc dầu những người tội lỗi đã giết hại Chúa Giê-su nhưng ngài không còn trong mồ mả nữa mà đã được làm sống lại và được đưa lên trời ở bên phải của Đức Chúa Trời. Bạn sẽ biết rằng Chúa Giê-su thật sự là đấng Christ, đấng Mê-si mà các nhà tiên tri đã viết về ngài. Bạn sẽ biết rằng qua Chúa Giê-su Christ, thánh linh đã được đổ lên các môn đồ để họ có thể nhanh chóng làm chứng cho dân từ nhiều xứ về những điều tuyệt diệu mà Đức Chúa Trời đang làm qua trung gian Con ngài. Nhiều người nghe Phi-e-rơ nói vào dịp ấy đã hết sức xúc động và có khoảng 3.000 người làm báp têm để trở thành môn đồ của đấng Christ (Công-vụ các Sứ-đồ 2:14-42). Nếu bạn có mặt tại đó, liệu bạn có hành động dứt khoát như thế hay không?
7. a) Giả sử bạn có mặt tại An-ti-ốt khi sứ đồ Phao-lô rao giảng, bạn có thể học được gì? b) Vì sao một số người trong đám đông trở thành môn đồ và chia sẻ tin mừng cho người khác?
7 Nếu bạn là một trong số những người có mặt khi sứ đồ Phao-lô giảng dạy tại An-ti-ốt thuộc tỉnh Ga-la-ti của La Mã, bạn còn có thể học được gì về Chúa Giê-su? Bạn đã có thể nghe Phao-lô giải thích rằng việc Chúa Giê-su bị các nhà cầm quyền tại Giê-ru-sa-lem kết án tử hình đã được các nhà tiên tri báo trước. Bạn cũng có thể nghe về lời chứng của những người chứng kiến sự sống lại của Chúa Giê-su. Chắc chắn bạn đã cảm kích khi Phao-lô giải thích rằng qua việc làm Chúa Giê-su sống lại từ cõi chết, Đức Giê-hô-va đã xác định rằng đấng này quả là Con của Đức Chúa Trời. Hẳn bạn không được ấm lòng hay sao khi biết rằng tội lỗi có thể được tha thứ qua đức tin nơi Chúa Giê-su và sự tha thứ này có thể dẫn đến sự sống muôn đời? (Công-vụ các Sứ-đồ 13:16-41, 46, 47; Rô-ma 1:4). Hiểu ý nghĩa sâu xa của những gì họ nghe, một số người ở An-ti-ốt trở thành môn đồ, tích cực chia sẻ tin mừng cho người khác, mặc dầu làm vậy có nghĩa là họ sẽ bị bắt bớ dữ dội (Công-vụ các Sứ-đồ 13:42, 43, 48-52; 14:1-7, 21-23).
8. Giả sử bạn có mặt tại buổi họp của hội thánh ở Ê-phê-sô khi nghe đọc lá thư của Phao-lô, bạn có thể học được gì?
8 Nếu bạn kết hợp với hội thánh tín đồ đấng Christ ở Ê-phê-sô thuộc tỉnh A-si của La Mã, lúc các môn đồ tại đó nhận được lá thư được soi dẫn của Phao-lô thì sao? Bạn đã có thể học được gì từ lá thư này về vai trò của Chúa Giê-su trong ý định của Đức Chúa Trời? Trong lá thư đó Phao-lô giải thích rằng: qua đấng Christ tất cả mọi thứ trên trời và dưới đất sẽ được trở lại hòa thuận với Đức Chúa Trời; qua đấng Christ, Đức Chúa Trời ban cho dân của mọi nước một món quà; những ai đã chết dưới mắt Đức Chúa Trời vì đã phạm tội thì được làm sống lại qua đức tin nơi đấng Christ; và nhờ sự sắp đặt này mà loài người lại có thể trở thành những người con yêu dấu của Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 1:1, 5-10; 2:4, 5, 11-13).
9. a) Điều gì có thể giúp bạn nhận thức rõ chính bạn có nắm vững được ý của Phao-lô viết trong lá thư gởi đến hội thánh Ê-phê-sô hay không? b) Nói về các anh em ở các tỉnh La Mã mà Phi-e-rơ đề cập đến, những gì họ học được về Chúa Giê-su ảnh hưởng đến họ như thế nào?
9 Biết ơn về tất cả những điều này có làm cho bạn yêu thương Con của Đức Chúa Trời sâu đậm hơn không? Sự yêu thương đó có ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của bạn không, như sứ đồ Phao-lô khuyến khích nơi chương 4 đến 6 của sách Ê-phê-sô? Lòng biết ơn có khiến bạn kiểm điểm lại cẩn thận những việc ưu tiên trong đời sống bạn không? Vì yêu thương Đức Chúa Trời và biết ơn Con ngài, bạn có sửa đổi những gì cần sửa đổi để cho việc làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thật sự là trọng tâm của đời sống bạn không? (Ê-phê-sô 5:15-17). Nói về ảnh hưởng của những gì mà các tín đồ đấng Christ ở A-si, Ga-la-ti và các tỉnh La Mã khác đã học được, sứ đồ Phi-e-rơ viết cho họ: “Ngài [Chúa Giê-su Christ] là Đấng anh em không thấy, mà yêu-mến... [anh em] tin Ngài, và vui-mừng lắm một cách không xiết kể và vinh-hiển” (I Phi-e-rơ 1:8).
10. a) Điều gì rõ ràng đã giúp các tín đồ đấng Christ thời ban đầu yêu thương Chúa Giê-su? b) Làm sao chúng ta cũng có thể hưởng được lợi ích đó?
10 Có một điều khác nữa chắc chắn cũng đã khiến cho các tín đồ đấng Christ thời ban đầu, những người mà Phi-e-rơ viết cho, yêu mến Con của Đức Chúa Trời. Điều đó là gì? Vào lúc Phi-e-rơ viết lá thư đầu tiên, đã có ít nhất hai sách Phúc âm đang được lưu hành, tức là sách của Ma-thi-ơ và Lu-ca. Những tín đồ nào của đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất mà chưa bao giờ thấy Chúa Giê-su đã có thể đọc những lời tường thuật trong các sách Phúc âm này. Chúng ta cũng có thể làm thế. Các sách Phúc âm không chép lại những chuyện tưởng tượng; các sách này có tất cả những đặc điểm của một sách sử rất đáng tin cậy. Trong những lời tường thuật được soi dẫn ấy, có nhiều điều làm cho tình yêu thương của chúng ta đối với Con của Đức Chúa Trời thêm đậm đà.
Tâm thần mà ngài biểu lộ
11, 12. Tâm thần mà Chúa Giê-su biểu lộ với người khác có đặc điểm gì khiến bạn yêu thương ngài?
11 Trong bài tường thuật về đời sống của Chúa Giê-su, chúng ta học cách ngài cư xử với người khác. Ngay cả ngày nay, hơn 1.960 năm sau khi ngài chết, tâm thần mà ngài biểu lộ vẫn còn làm nhiều người cảm động. Tất cả mọi người đang sống đều phải gánh chịu hậu quả của tội lỗi. Nhiều triệu người là nạn nhân của sự bất công, họ phải đối phó với bệnh tật hoặc vì những lý do khác mà họ cảm thấy hết sức thất vọng. Đối với những người như thế, Chúa Giê-su nói: “Hỡi những kẻ mệt-mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên-nghỉ. Ta có lòng nhu-mì, khiêm-nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh-hồn các ngươi sẽ được yên-nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ-nhàng” (Ma-thi-ơ 11:28-30).
12 Chúa Giê-su tỏ ra hết sức quan tâm đến người nghèo, người đói kém và người buồn khổ. Trong những trường hợp cần thiết, ngài còn dùng phép lạ để cho thật đông người được ăn (Lu-ca 9:12-17). Ngài giải thoát họ để khỏi làm nô lệ cho truyền thống. Ngài cũng củng cố đức tin của họ nơi sự sắp xếp của Đức Chúa Trời hầu chấm dứt những áp bức về mặt chính trị và kinh tế. Chúa Giê-su không đè bẹp tâm thần của những ai đã bị áp bức rồi. Với lòng đầy yêu thương dịu dàng, ngài khéo léo nâng đỡ người nhu mì. Ngài khích lệ những ai như cây sậy bị gẫy gập lại và những ai như ngọn đèn gần tàn. Từ đó cho đến ngày nay, danh ngài làm cho người ta hy vọng, ngay cả trong lòng của những người chưa hề thấy ngài (Ma-thi-ơ 12:15-21; 15:3-10).
13. Tại sao cách Chúa Giê-su đối xử với những người có tội khiến cho người khác muốn đến với ngài?
13 Chúa Giê-su không chấp nhận việc làm sai trái, tuy nhiên ngài thông cảm với những người đã lầm lỗi trong đời sống nhưng đã tỏ ra ăn năn và tìm đến ngài để được giúp đỡ (Lu-ca 7:36-50). Ngài ăn chung bàn với những người bị khinh miệt trong cộng đồng nếu ngài cảm thấy làm thế sẽ tạo cơ hội để giúp họ về mặt thiêng liêng (Ma-thi-ơ 9:9-13). Nhờ tâm thần ngài biểu lộ mà có hàng triệu người ở cùng cảnh ngộ dù chưa bao giờ thấy được Chúa Giê-su cũng cảm thấy muốn biết ngài và họ đã đặt đức tin nơi ngài.
14. Bạn thích gì về cách Chúa Giê-su giúp những người bị bệnh, bị tàn tật hoặc mất người thân?
14 Cách Chúa Giê-su đối xử với những người bị bệnh hoặc bị tật nguyền cho thấy ngài nhiệt tình và có lòng thương xót cũng như cho thấy ngài có khả năng xoa dịu nỗi đau đớn của họ. Vì thế, khi một người bị cùi đầy mình tìm đến ngài van xin được giúp, Chúa Giê-su không chùn bước trước cảnh đó. Ngài không nói với người đó rằng, mặc dầu ngài cảm thấy tội nghiệp nhưng vì bệnh tình quá trầm trọng, ngài không thể làm gì được. Người đàn ông van nài: “Lạy Chúa, nếu Chúa khứng, chắc có thể làm cho tôi sạch được”. Không do dự gì cả, Chúa Giê-su giơ tay ra đụng đến người bị cùi, nói rằng: “Ta khứng, hãy sạch đi” (Ma-thi-ơ 8:2, 3). Vào một dịp khác một người đàn bà đã tìm cách để được chữa bệnh bằng cách lén rờ vào gấu áo của ngài. Chúa Giê-su đối xử với bà một cách ân cần và ngài đã trấn an bà (Lu-ca 8:43-48). Và khi ngài gặp đám tang, ngài động lòng thương xót người đàn bà góa đau khổ vì đứa con trai duy nhất của bà đã chết. Dù Chúa Giê-su từ chối dùng quyền lực mầu nhiệm mà Đức Chúa Trời ban cho để biến hóa ra thức ăn cho chính mình, ngài đã sẵn sàng dùng quyền lực này để làm người chết đó sống lại và phục hồi đứa con cho người mẹ (Lu-ca 4:2-4; 7:11-16).
15. Đọc và suy gẫm những bài tường thuật về Chúa Giê-su ảnh hưởng bạn thế nào?
15 Khi chúng ta đọc những bài tường thuật này và suy gẫm về tâm thần mà Chúa Giê-su đã biểu lộ, chúng ta càng yêu thương sâu đậm đấng đã hy sinh mạng sống con người để chúng ta có thể sống mãi. Dù chúng ta chưa bao giờ thấy ngài, chúng ta muốn đến với ngài và chúng ta muốn noi theo dấu chân của ngài (I Phi-e-rơ 2:21).
Ngài khiêm nhường nương tựa vào Đức Chúa Trời
16. Chúa Giê-su chú ý chính yếu đến ai và ngài khuyên chúng ta làm gì?
16 Trên hết mọi sự, Chúa Giê-su tập trung sự chú ý vào Cha trên trời của ngài là Giê-hô-va Đức Chúa Trời, và ngài cũng giúp chúng ta làm thế nữa. Ngài xác định điều răn lớn nhất trong Luật pháp: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh-hồn, hết ý mà yêu-mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi” (Ma-thi-ơ 22:36, 37). Ngài khuyên răn môn đồ: “Hãy có đức-tin đến Đức Chúa Trời” (Mác 11:22). Khi họ bị thử thách gay go về đức tin, ngài thúc giục họ: “Hãy... cầu-nguyện [không thôi, NW]” (Ma-thi-ơ 26:41).
17, 18. a) Chúa Giê-su đã chứng tỏ ngài khiêm nhường nương tựa nơi Cha ngài như thế nào? b) Tại sao điều ngài làm rất là quan trọng đối với chúng ta?
17 Chính Chúa Giê-su đã nêu gương. Cầu nguyện là một phần quan trọng trong đời sống ngài (Ma-thi-ơ 14:23; Lu-ca 9:28; 18:1). Khi đến lúc chọn lựa các sứ đồ, Chúa Giê-su đã không cậy vào sự phán đoán của riêng ngài, mặc dầu trước kia ngài giám sát tất cả các thiên sứ trên trời. Với lòng khiêm nhường, ngài đã cầu nguyện Cha ngài suốt đêm (Lu-ca 6:12, 13). Khi bị bắt và chịu chết một cách đau đớn, Chúa Giê-su thêm một lần nữa tìm đến Cha ngài mà cầu khẩn. Ngài đã không nghĩ rằng ngài biết rõ Sa-tan và có thể dễ dàng đối phó với bất cứ mưu mô nào của kẻ ác này. Chúa Giê-su thừa biết rằng việc ngài đứng vững là quan trọng đến độ nào. Sự thất bại hẳn sẽ mang lại sỉ nhục cho Cha ngài biết mấy! Và quả là một sự mất mát lớn cho nhân loại, vì triển vọng sống của họ tùy thuộc vào sự hy sinh của Chúa Giê-su!
18 Chúa Giê-su cầu nguyện nhiều lần—khi ở cùng với các sứ đồ trong một phòng cao ở Giê-ru-sa-lem và ngài cầu nguyện còn tha thiết hơn nữa khi ở trong vườn Ghết-sê-ma-nê (Ma-thi-ơ 26:36-44; Giăng 17:1-26; Hê-bơ-rơ 5:7). Khi chịu đau đớn trên cây khổ hình, ngài không sỉ vả những kẻ phỉ báng ngài. Thay vì thế, ngài cầu nguyện cho những người hành động trong sự dốt nát: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm đều gì” (Lu-ca 23:34). Ngài tập trung tâm trí vào Cha ngài, “phó mình cho Đấng xử-đoán công-bình”. Lời nói cuối cùng mà ngài thốt ra trên cây khổ hình là lời cầu nguyện với Cha ngài (I Phi-e-rơ 2:23; Lu-ca 23:46). Chúng ta thật biết ơn làm sao vì Chúa Giê-su hoàn toàn nương tựa vào Đức Giê-hô-va, trung thành hoàn tất trách nhiệm mà Cha ngài đã giao cho! Dầu cho chúng ta không bao giờ nhìn thấy Chúa Giê-su Christ, chúng ta yêu mến ngài đậm đà làm sao vì những gì ngài đã làm!
Chúng ta biểu lộ lòng yêu mến đối với ngài
19. Khi biểu lộ lòng yêu mến đối với Chúa Giê-su, chúng ta nên tránh những việc làm hoàn toàn không thích hợp nào?
19 Làm sao chúng ta có thể chứng tỏ rằng chúng ta không chỉ nói suông là mình yêu mến ngài? Vì Cha, đấng mà Chúa Giê-su yêu thương, cấm việc làm hình tượng và rồi dùng làm đối tượng để thờ lạy, chúng ta chắc chắn sẽ không tôn vinh Chúa Giê-su bằng cách đeo những hình tượng này vào cổ hoặc đem diễu hành qua các đường phố (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:4, 5; Giăng 4:24). Chúng ta sẽ không mang lại vinh dự cho Chúa Giê-su nếu chúng ta dự các buổi lễ tôn giáo, ngay cả đi như thế nhiều lần trong tuần, mà vào những lúc khác thì chúng ta lại không sống phù hợp với lời của ngài dạy. Chúa Giê-su nói: “Ai có các điều răn của ta và vâng-giữ lấy, ấy là kẻ yêu-mến ta; người nào yêu-mến ta sẽ được Cha ta yêu lại” (Giăng 14:21, 23; 15:10).
20. Những điều nào sẽ cho thấy chúng ta có thật sự yêu thương Chúa Giê-su hay không?
20 Ngài cho chúng ta những điều răn nào? Trước nhất là thờ phượng Đức Chúa Trời thật tức là Đức Giê-hô-va và chỉ một mình ngài mà thôi (Ma-thi-ơ 4:10; Giăng 17:3). Vì vai trò của ngài trong ý định của Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su cũng dạy rằng chúng ta phải thực hành đức tin nơi ngài là Con của Đức Chúa Trời và chúng ta phải biểu lộ đức tin này bằng cách xa lánh những việc làm gian ác và đi trong sự sáng (Giăng 3:16-21). Ngài khuyên bảo chúng ta là phải tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời và sự công bình của ngài trước hết, trước cả những nhu cầu vật chất (Ma-thi-ơ 6:31-33). Ngài truyền rằng chúng ta phải thương yêu nhau như ngài thương yêu chúng ta vậy (Giăng 13:34; I Phi-e-rơ 1:22). Và ngài giao cho chúng ta sứ mệnh là phải làm chứng về ý định của Đức Chúa Trời như chính ngài đã làm (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20; Khải-huyền 3:14). Mặc dầu họ không bao giờ thấy Chúa Giê-su, có khoảng năm triệu Nhân-chứng Giê-hô-va ngày nay vì lòng yêu thương chân thật đối với Chúa Giê-su mà họ tuân theo những điều răn này. Lòng cương quyết của họ để vâng phục Chúa Giê-su chắc chắn không bị yếu đi chỉ vì họ không tận mắt thấy ngài. Họ nhớ lại điều Chúa nói cho sứ đồ Thô-ma: “Vì ngươi đã thấy ta, nên ngươi tin. Phước cho những kẻ chẳng từng thấy mà đã tin vậy!” (Giăng 20:29).
21. Làm sao chúng ta được lợi ích qua việc tham dự Lễ Kỷ niệm sự chết của đấng Christ được cử hành năm nay vào Chủ Nhật, ngày 23 tháng 3?
21 Hy vọng rằng bạn sẽ có mặt trong số những người trên toàn thế giới đến hội họp tại Phòng Nước Trời của Nhân-chứng Giê-hô-va sau khi mặt trời lặn vào Chủ Nhật, ngày 23-3-1997, để nhớ lại sự biểu lộ cao quí nhất về lòng yêu thương của Đức Chúa Trời đối với nhân loại và để tưởng nhớ cái chết của người Con trung thành của ngài tức là Chúa Giê-su Christ. Những điều gì được nói và làm vào dịp đó hẳn khiến chúng ta càng yêu thương Đức Giê-hô-va và Con ngài một cách sâu đậm và càng muốn giữ các điều răn của Đức Chúa Trời (I Giăng 5:3).
Bạn trả lời ra sao?
◻ Bằng cách nào những người được nói đến trong thư đầu tiên của Phi-e-rơ biết được Chúa Giê-su và yêu thương ngài?
◻ Những điều nào mà các tín đồ đấng Christ thời ban đầu đã nghe làm bạn cảm phục?
◻ Tâm thần mà Chúa Giê-su biểu lộ có đặc điểm gì khiến bạn yêu thương ngài sâu đậm hơn?
◻ Tại sao việc Chúa Giê-su khiêm nhường nương tựa nơi Đức Chúa Trời là điều rất quan trọng đối với chúng ta?
◻ Làm sao chúng ta có thể biểu lộ lòng yêu thương đối với Chúa Giê-su Christ?
[Các hình nơi trang 16, 17]
Vì tâm thần Chúa Giê-su biểu lộ mà chúng ta muốn đến với ngài