BÀI HỌC 27
Trình bày theo lối ứng khẩu
CÓ THỂ bạn đã tốn nhiều công phu soạn bài giảng. Tài liệu của bạn có thể cung cấp nhiều thông tin hữu ích. Lý luận của bạn có thể vững chắc. Có thể bạn có khả năng trình bày lưu loát. Nhưng nếu cử tọa không tập trung chú ý—họ chỉ lắng nghe từng phần của bài giảng, vì tâm trí họ thường nghĩ lan man đến những chuyện khác—liệu sự trình bày của bạn có đạt được hiệu quả không? Nếu cử tọa thấy khó tập trung vào bài giảng, bạn có thể động đến lòng họ được không?
Điều gì có thể là căn nguyên của vấn đề như thế? Vấn đề có thể do nhiều yếu tố gây ra. Nguyên nhân thông thường nhất là không trình bày bài giảng theo lối ứng khẩu. Nói một cách khác, diễn giả nhìn xuống giấy ghi chép quá nhiều lần, hoặc phong cách trình bày quá trịnh trọng. Tuy nhiên, những vấn đề này có liên quan trực tiếp đến cách chuẩn bị bài giảng.
Nếu trước tiên bạn viết bài giảng ra, rồi cố chuyển thành dàn bài, thì rất có thể là bạn sẽ thấy khó trình bày bài giảng theo lối ứng khẩu. Tại sao thế? Bởi vì bạn đã lựa chọn tỉ mỉ lời lẽ định dùng. Cho dù sử dụng dàn bài ấy để trình bày, bạn cũng sẽ cố nhớ lại những từ đã dùng trong bản viết đầu tiên. Ngôn ngữ viết trịnh trọng hơn, và cấu trúc câu phức tạp hơn lời nói hàng ngày. Sự trình bày của bạn sẽ phản ánh điều đó.
Thay vì viết ra từng chi tiết của bài giảng, hãy thử những bước sau đây: (1) Chọn một chủ đề và những khía cạnh chính của đề tài mà bạn sẽ dùng để khai triển chủ đề ấy. Một bài giảng ngắn có thể chỉ cần hai điểm chính. Bài giảng dài hơn có thể gồm bốn hay năm điểm. (2) Bên dưới mỗi điểm chính, ghi những câu Kinh Thánh chủ yếu mà bạn định dùng để khai triển điểm đó; cũng hãy ghi chú các minh họa và lý lẽ then chốt. (3) Suy nghĩ về cách nhập đề. Có thể viết ra một hay hai câu. Ngoài ra, hãy hoạch định sẵn phần kết luận.
Việc chuẩn bị cho phần trình bày rất quan trọng. Nhưng đừng ôn lại từng chữ một với ý định học thuộc lòng bài giảng. Với cách nói theo lối ứng khẩu, khi chuẩn bị để trình bày cần chú trọng đến những ý tưởng sẽ diễn đạt thay vì các từ ngữ. Các ý tưởng phải được ôn đi ôn lại cho đến khi ý này tiếp nối ý kia một cách dễ dàng trong trí bạn. Điều này không khó, nếu biết khai triển hợp lý và hoạch định kỹ lưỡng cấu trúc bài giảng. Như thế khi trình bày, các ý tưởng sẽ đến một cách tự nhiên và dễ dàng.
Xem xét các lợi ích. Một ưu điểm quan trọng khác của cách trình bày theo lối ứng khẩu là diễn đạt cách thực tế, dễ được người nghe chấp nhận nhất. Sự trình bày của bạn sẽ sống động hơn và do đó cử tọa thấy thích thú hơn.
Trình bày theo phương pháp này giúp bạn tiếp xúc tối đa với người nghe bằng mắt, tạo thêm hiệu quả trong giao tiếp giữa bạn và họ. Bởi lẽ bạn không dựa vào giấy ghi chép để diễn đạt mỗi câu, rất có thể người nghe sẽ nghĩ rằng bạn biết tường tận đề tài, và thật lòng tin vào những gì mình nói. Vì thế, phương pháp diễn đạt này thích hợp với lối trình bày nồng ấm theo kiểu nói chuyện, một cuộc nói chuyện chân tình.
Trình bày theo lối ứng khẩu cũng cho phép bạn linh động. Tài liệu sẽ không quá gò bó đến độ không thể sửa đổi cho phù hợp. Giả sử vào ngày nói bài giảng, có tin tức đáng chú ý liên quan trực tiếp đến đề tài của bạn. Nhắc đến tin ấy chẳng phải là thích hợp sao? Hoặc có lẽ khi đang nói, bạn nhận thấy trong cử tọa có nhiều trẻ em ở tuổi đi học. Sửa đổi các minh họa và cách áp dụng nhằm giúp các em ấy nhận thức được tài liệu ảnh hưởng đến đời sống mình như thế nào, thật tốt biết bao!
Một ưu điểm khác của cách trình bày theo lối ứng khẩu là trí óc bạn được kích thích. Khi thấy cử tọa hưởng ứng và thưởng thức bài giảng, chính bạn cũng sẽ nồng nhiệt hơn, rồi bạn sẽ triển khai các ý tưởng hoặc dành thì giờ lặp lại một số điểm nào đó để nhấn mạnh. Nếu thấy cử tọa bớt chú ý, bạn có thể chủ động khắc phục vấn đề thay vì tiếp tục nói với những người trí óc để đâu đâu.
Tránh các cạm bẫy. Nên biết rằng lối nói ứng khẩu cũng có những bẫy ngầm. Một là khuynh hướng nói quá giờ hạn định. Nếu chêm thêm quá nhiều ý tưởng khi nói bài giảng, bạn có thể nói quá giờ. Có thể khắc phục vấn đề này bằng cách ghi trên dàn bài số giờ hạn định cho mỗi phần của bài giảng. Rồi theo sát thời hạn đã ghi.
Một mối nguy hiểm khác, nhất là đối với những diễn giả giàu kinh nghiệm, là quá tự tin. Vì đã quen nói trước công chúng, có thể một số diễn giả thấy dễ thu nhặt vội vàng một số ý tưởng và nói hết thời gian quy định. Nhưng lòng khiêm nhường và sự nhận thức rằng việc chúng ta đang tham dự vào chương trình giáo dục do chính Đức Giê-hô-va là Đấng Dạy Dỗ Vĩ Đại, phải thúc đẩy chúng ta cầu nguyện khi xem xét mỗi bài giảng và chuẩn bị kỹ lưỡng.—Ê-sai 30:20, NW; Rô 12:6-8.
Đối với nhiều diễn giả còn ít kinh nghiệm trong việc trình bày theo lối ứng khẩu, có lẽ mối quan tâm lớn là họ có thể quên những điều mình muốn nói. Đừng để cho sự lo lắng đó ngăn trở bạn thực hiện bước tiến này trong cách nói có hiệu quả. Hãy chuẩn bị kỹ lưỡng, và trông cậy vào sự trợ giúp của thánh linh Đức Giê-hô-va.—Giăng 14:26.
Những diễn giả khác ngại dùng phương pháp này vì quá quan tâm đến lời lẽ diễn đạt. Đành rằng khi trình bày theo lối ứng khẩu, lời lẽ có thể không trau chuốt và đúng ngữ pháp như trong bài giảng viết sẵn, nhưng cách giảng lôi cuốn theo lối nói chuyện sẽ bù đắp cho sự thiếu sót đó. Người nghe rất dễ hưởng ứng những ý tưởng được trình bày bằng lời lẽ dễ hiểu và những câu đơn giản. Nếu chuẩn bị kỹ lưỡng, bạn sẽ phát biểu những lời lẽ thích hợp một cách tự nhiên, không phải vì đã nhớ thuộc lòng, mà vì các ý tưởng đã được ôn lại đầy đủ. Và nếu dùng ngôn từ thích hợp trong cuộc nói chuyện hàng ngày, thì khi lên bục giảng, lời lẽ sẽ trôi chảy tự nhiên.
Nên dùng loại ghi chép nào? Với thời gian và nhờ thực hành, bạn có thể rút gọn dàn bài xuống chỉ còn vài chữ cho mỗi điểm trong bài giảng. Có thể ghi ra những điểm này cùng với những câu Kinh Thánh bạn định dùng trên một tấm giấy nhỏ hoặc tờ giấy để dễ sử dụng. Khi rao giảng, trong hầu hết trường hợp, bạn sẽ nhớ thuộc lòng một dàn bài đơn giản. Nếu đã nghiên cứu về một đề tài để chuẩn bị viếng thăm lại, bạn có thể viết vài lời ghi chép vắn tắt trên một mảnh giấy rồi kẹp trong Kinh Thánh. Hay có thể đơn giản dùng một dàn bài trong Đề tài Kinh-thánh để thảo luận hoặc tài liệu trong sách Reasoning From the Scriptures (Dùng Kinh Thánh để lý luận) làm cơ sở cho cuộc thảo luận.
Tuy nhiên, nếu phụ trách nhiều bài giảng trong vòng vài tuần và có lẽ cả bài diễn văn công cộng nữa, bạn có thể thấy cần có nhiều ghi chép hơn. Tại sao? Để nhớ lại tài liệu trước khi trình bày mỗi bài giảng đó. Ngay cả trong trường hợp này, nếu lệ thuộc quá nhiều vào giấy ghi chép để diễn đạt khi giảng—tức là hầu như mỗi câu đều phải nhìn xuống giấy ghi chép—thì bạn sẽ làm mất đi những lợi ích đặc trưng của việc trình bày theo lối ứng khẩu. Nếu bạn dùng nhiều ghi chép, hãy đánh dấu một ít từ ngữ và câu Kinh Thánh cấu thành dàn bài để có thể nhìn thấy dễ dàng.
Khi nói bài giảng, diễn giả có kinh nghiệm phải chủ yếu trình bày theo lối ứng khẩu, tuy nhiên phối hợp phương pháp này với những hình thức trình bày khác cũng có thể đem lại lợi ích. Trong phần nhập đề và kết luận, việc tiếp xúc tốt với cử tọa cần được kết hợp với những lời mạnh mẽ được soạn kỹ, cùng với vài câu học thuộc lòng, có thể tạo được hiệu quả. Khi dùng các dữ kiện, con số, lời trích dẫn, hoặc các câu Kinh Thánh, nên đọc lên để tạo tác động mạnh.
Khi người khác muốn được giải thích. Có đôi lúc chúng ta phải giải thích về niềm tin của mình mà không có cơ hội chuẩn bị trước. Điều này có thể xảy ra khi rao giảng và gặp người đưa ra lời phản đối. Những tình huống tương tự có thể nảy sinh với bà con, nơi sở làm, hay ở trường học. Các viên chức chính phủ cũng có thể đòi hỏi chúng ta phải giải thích niềm tin và lối sống của mình. Kinh Thánh khuyên: “Hãy thường-thường sẵn-sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông-cậy trong anh em, song phải hiền-hòa và kính-sợ”.—1 Phi 3:15.
Hãy để ý cách đối đáp của Phi-e-rơ và Giăng trước Tòa Công Luận Do Thái, được ghi lại nơi Công-vụ 4:19, 20. Chỉ trong hai câu, họ bày tỏ rõ ràng lập trường của mình. Cách họ nói phù hợp với người nghe—vạch rõ rằng vấn đề mà các sứ đồ đang đối diện cũng là vấn đề mà tòa này phải đối diện. Sau đó, Ê-tiên đã bị vu cáo, và cũng bị đưa ra trước tòa án đó. Bạn hãy đọc lời đối đáp ứng khẩu hùng hồn của ông nơi Công-vụ 7:2-53. Ê-tiên đã sắp xếp tài liệu như thế nào? Ông trình bày các sự kiện theo trình tự lịch sử. Vào một điểm thích hợp, ông bắt đầu nhấn mạnh đến tinh thần phản loạn của nước Y-sơ-ra-ên. Trong phần kết luận, ông cho thấy rằng Tòa Công Luận cũng đã thể hiện cùng một tinh thần ấy qua việc giết Con Đức Chúa Trời.
Khi cần phải ứng khẩu giải thích niềm tin của mình, điều gì có thể giúp lời biện giải của bạn có hiệu quả? Hãy noi gương Nê-hê-mi, ông đã cầu nguyện thầm trước khi đáp câu hỏi của Vua Ạt-ta-xét-xe. (Nê 2:4) Kế tiếp, hãy nhanh chóng lập một dàn bài trong trí. Những bước cơ bản có thể được liệt kê như sau: (1) Chọn một hoặc hai điểm cần nói trong lời giải thích (bạn có thể chọn dùng những điểm trong sách Đề tài Kinh-thánh để thảo luận). (2) Chọn các câu Kinh Thánh mà bạn sẽ dùng để chứng minh những điểm đó. (3) Hãy dự tính cách mở đầu lời giải thích sao cho tế nhị để tạo sự chú ý nơi người nêu câu hỏi. Sau đó mới bắt đầu nói.
Khi gặp áp lực, bạn sẽ nhớ phải làm gì không? Chúa Giê-su dặn các môn đồ: “Chớ lo về cách nói làm sao, hoặc nói lời gì; vì những lời đáng nói sẽ chỉ cho các ngươi chính trong giờ đó. Ấy chẳng phải tự các ngươi nói đâu, song là Thánh-Linh của Cha các ngươi sẽ từ trong lòng các ngươi nói ra”. (Mat 10:19, 20) Điều này không có nghĩa là bạn sẽ có “lời nói khôn-ngoan” bằng phép lạ như các tín đồ Đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất. (1 Cô 12:8) Nhưng nếu thường xuyên tận dụng sự giáo dục mà Đức Giê-hô-va cung cấp cho các tôi tớ Ngài trong hội thánh tín đồ Đấng Christ, thì thánh linh sẽ giúp bạn nhớ lại những thông tin cần thiết khi cần đến.—Ê-sai 50:4.
Vậy thì cách trình bày theo lối ứng khẩu có thể rất hữu hiệu. Nếu thường xuyên áp dụng phương pháp này khi phụ trách các bài giảng trong hội thánh, khi cần ứng khẩu đối đáp bạn sẽ không thấy khó, bởi lẽ cả hai có cùng cách lập dàn bài. Đừng do dự. Việc học cách nói theo lối ứng khẩu sẽ giúp bạn rao giảng hữu hiệu hơn. Và nếu có đặc ân nói bài giảng trong hội thánh, chắc hẳn bạn sẽ duy trì được sự chú ý của cử tọa và động đến lòng họ.