Hãy xây dựng sự tin cậy nơi Đức Giê-hô-va—Bằng cách siêng năng học hỏi lời Ngài
“Hãy để lòng chăm-chỉ về hết thảy lời ta đã nài-khuyên các ngươi ngày nay... Chẳng phải một lời nói vô-giá cho các ngươi đâu, nhưng nó là sự sống của các ngươi” (PHỤC-TRUYỀN LUẬT-LỆ KÝ 32:46, 47).
1, 2. a) Dân Y-sơ-ra-ên cắm trại trong đồng bằng Mô-áp có triển vọng gì? b) Môi-se ban cho cả nước lời khuyên gì?
Dân Y-sơ-ra-ên đã gần kết thúc chuyến đi dài trong đồng vắng. Hiện nay chỉ còn có sông Giô-đanh ngăn rẽ dân sự khỏi Đất Hứa đã mong đợi từ lâu. Tuy nhiên, đối với lãnh tụ của toàn dân là Môi-se thì triển vọng vào đất ấy khiến phải trầm ngâm nghĩ ngợi. Ông có thể hồi tưởng lại làm thế nào dân sự đã một lần trước đó vấp phạm vì thiếu sự tin cậy nơi Đức Giê-hô-va và do đó không được Ngài cho vào xứ Ca-na-an (Dân-số Ký 13:25 đến 14:30).
2 Vậy Môi-se nói lời khuyên nhủ dân sự trên đồng bằng Mô-áp nhấp nhô. Sau khi duyệt lại lịch sử đất nước và lặp lại Luật pháp Đức Chúa Trời, Môi-se nói những lời trong bài ca mà người ta gọi là tác phẩm siêu việt của ông. Với những lời lẽ thi phẩm tuyệt tác, ông khuyến khích dân Y-sơ-ra-ên tin cậy nơi Đức Giê-hô-va và vâng phục Ngài, “Đức Chúa Trời thành-tín và vô-tội [chẳng bất công]; Ngài là công-bình và chánh-trực”. Khi kết thúc, ông nhắn nhủ: “Hãy để lòng chăm-chỉ về hết thảy lời ta đã nài-khuyên các ngươi ngày nay, mà truyền cho con-cháu mình, để chúng nó cẩn-thận làm theo các lời của luật-pháp nầy. Vì chẳng phải một lời nói vô-giá cho các ngươi đâu, nhưng nó là sự sống của các ngươi” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4, 46, 47).
“Để lòng chăm-chỉ” nghe Lời Đức Chúa Trời
3, 4. a) Dân Y-sơ-ra-ên lúc đó phải “để lòng chăm-chỉ” nghe gì, và điều này đòi hỏi gì? b) Các thế hệ kế tiếp áp dụng lời khuyên của Môi-se ra sao?
3 Môi-se khuyên dân Y-sơ-ra-ên “để lòng chăm-chỉ” không những về bài ca hào hứng mà cũng về tất cả các sách thánh được viết ra. Họ đã phải lắng nghe, vâng lời hay suy gẫm về luật pháp Đức Chúa Trời. Chỉ bằng cách rất quen thuộc với luật pháp họ mới có thể «dạy-dỗ điều đó cho con-cái họ». Nơi Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6-8 Môi-se viết: “Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; khá ân-cần dạy-dỗ điều đó cho con-cái ngươi... Khá buộc nó trên tay mình như một dấu, và nó sẽ ở giữa hai con mắt ngươi như ấn-chí”.
4 Nhà bình luận Kinh-thánh W. H. Davey nói về cách mà trong các thời sau đó những lời này “đã được dân Do-thái thông giải theo nghĩa đen, và những lời dạy dỗ chứa đựng trong đó đã bị đổi thành điều mê tín dị đoan. Người ta đã... viết một số câu Kinh-thánh lên các miếng da, buộc vào khuỷu tay và đặt lên trán trong lúc cầu nguyện”. Thời Giê-su họ đeo những hộp da nhỏ chạm trổ khéo léo đựng các câu Kinh-thánh và một vài giáo phái Do-thái vẫn còn làm thế ngày nay (Ma-thi-ơ 23:5). Nhưng Davey thêm: “Thay vì chứng tỏ bằng lối sống rằng họ vâng giữ các điều răn ghi trong bản ghi chép luật pháp, những kẻ dại dột đó chỉ tự mãn về việc đeo nơi mình họ một bản luật pháp mà thôi”.
5. Thế nào là áp dụng đúng những lời của Môi-se nơi Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6-8?
5 Luật pháp Đức Chúa Trời lẽ ra đã phải ở «trong lòng họ», chứ không phải trên tay hoặc trên trán họ theo nghĩa đen. Chính nhờ quí trọng luật pháp sâu đậm, chứ không chỉ biết suông, mà họ sẽ ghi nhớ mãi mãi làm như là luật pháp được viết trên một tấm bảng để trước mắt họ hoặc buộc trên tay họ.
Các sự sắp đặt để học biết Luật pháp Đức Chúa Trời
6, 7. a) Đức Giê-hô-va đã có sự sắp đặt nào để giúp dân Y-sơ-ra-ên quen thuộc với Luật pháp Môi-se? b) Dân Đức Chúa Trời thời xưa cũng đã có thể được dạy thế nào nữa để biết Lời Đức Chúa Trời?
6 Tuy nhiên, làm sao dân Y-sơ-ra-ên đã có thể học biết chừng 600 điều khoản của Luật pháp được? Chắc hẳn lúc đầu hiếm có các bản sao ghi lại Luật pháp. Các vua tương lai của dân Y-sơ-ra-ên đã phải “chiếu theo luật-pháp nầy mà... chép một bổn cho mình. Bổn ấy phải ở bên vua trọn đời, vua phải đọc ở trong, để tập biết kính-sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình, cẩn-thận làm theo các lời của luật-pháp nầy” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 17:18, 19). Đức Chúa Trời đã sắp đặt cho đọc Luật pháp cứ mỗi bảy năm nhân dịp Lễ Lều-tạm (Phục-truyền Luật-lệ Ký 31:10-13). Mặc dù dịp ấy chắc chắn có tính cách xây dựng lắm, nhưng cũng quá hiếm để ban bố sự hiểu biết sâu đậm.
7 Đức Giê-hô-va cũng chỉ định chi phái Lê-vi để họ “lấy mạng-lịnh của Chúa dạy cho Gia-cốp, và luật-pháp Chúa cho Y-sơ-ra-ên”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 33:8, 10; so sánh Ma-la-chi 2:7). Trong một số dịp những người Lê-vi đã thi hành các chiến dịch nhằm dạy dỗ cả xứ (II Sử-ký 17:7-9; Nê-hê-mi 8:7-9). Dường như, với thời gian, ít ra một phần của Lời Đức Chúa Trời đã được phổ biến trong dân chúng.a Vậy người viết Thi-thiên có thể viết: “Phước cho người nào... lấy làm vui-vẻ về luật-pháp của Đức Giê-hô-va, và suy-gẫm luật-pháp ấy ngày và đêm” (Thi-thiên 1:1, 2). Vậy thì lời khuyên của Môi-se «để lòng chăm-chỉ về hết thảy Lời Đức Chúa Trời» quả là một lời răn phải siêng năng học hỏi Kinh-thánh.
“Để lòng chăm-chỉ” nghe Lời Đức Chúa Trời ngày nay
8. Dân Y-sơ-ra-ên nghe theo lời khuyên của Môi-se tới đâu, và với hậu quả gì?
8 Dân Y-sơ-ra-ên đã không làm theo lời nhắn nhủ của Môi-se. Sau cùng, khi họ có vua cai trị, hầu như các vua của họ đã không “chiếu theo luật-pháp... chép một bổn cho mình... Trọn đời, vua phải đọc ở trong”. Vào khoảng thế kỷ thứ bảy trước tây lịch, dưới thời vua Giô-sia, “quyển Luật-pháp” hầu như bị mất hết (II Các Vua 22:8-13). Gương xấu của các nhà lãnh tụ hẳn đã khiến cả nước chóng rơi vào nạn bội đạo. Đúng như lời cảnh cáo của Môi-se, cả nước đã gặp tai họa năm 607 trước tây lịch (Phục-truyền Luật-lệ Ký 28:15-37; 32:23-35).
9. Tình trạng của tín đồ đấng Christ ngày nay giống thế nào với tình trạng của dân Y-sơ-ra-ên xưa?
9 Giống như dân Y-sơ-ra-ên xưa, tín đồ đấng Christ ngày nay đứng trên ngưỡng cửa một đất hứa—thế giới mới và công bình của Đức Chúa Trời (II Phi-e-rơ 3:13). Các biến cố kinh ngạc sắp ló ra ở chân trời: lời rêu rao “hòa bình và an ninh”, “Ba-by-lôn lớn” bị hủy diệt, “Gót ở đất Ma-gốc” tấn công. Các biến cố này sẽ thử thách sự tin cậy của chúng ta nơi Đức Giê-hô-va. Vậy chúng ta phải gấp rút “để lòng chăm-chỉ về Lời Đức Chúa Trời” ngay bây giờ! (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:3; Khải-huyền, đoạn 18; Ê-xê-chi-ên, đoạn 38).
10. Tại sao một số người sao lãng việc học hỏi cá nhân?
10 Tuy nhiên, làm thế có thể là một việc thật gay go trong “những thời-kỳ khó-khăn” này (II Ti-mô-thê 3:1). Công việc làm ăn, nuôi con, trường học và trách nhiệm trong hội-thánh thảy đều có thể đòi hỏi phải dành nhiều thì giờ. Hậu quả là chúng ta có thể tự bào chữa và sao lãng việc học hỏi Kinh-thánh, lý luận rằng «mình làm khá tạm đủ». Nhưng Kinh-thánh khuyên tín đồ đấng Christ: “Hãy săn-sóc chuyên-lo những việc đó” (I Ti-mô-thê 4:15, 16). Bây giờ chúng ta hãy xem xét vài lý do vững chắc để làm thế.
Làm vững chắc liên lạc của chúng ta với Đức Chúa Trời
11, 12. a) Hiểu biết Đức Chúa Trời tường tận hơn đã có ảnh hưởng gì đối với Gióp? b) Tại sao ngày nay chúng ta có thể nhận biết về Đức Chúa Trời rõ hơn thời Gióp?
11 Gióp một thời là người “kính-sợ Đức Chúa Trời, và lánh khỏi điều ác”. Nhưng sau khi Đức Giê-hô-va tự tiết lộ cho Gióp biết thêm về Ngài trong một trận bão, Gióp có thể nói với Ngài: “Trước lỗ tai tôi có nghe đồn về Chúa, nhưng bây giờ, mắt tôi đã thấy Ngài” (Gióp 1:1; 42:5). Ngày nay chúng ta có thể “thấy” Đức Chúa Trời, tức là không chỉ quen biết sơ sài nhưng học biết tường tận về nhiều khía cạnh của các đức tính Ngài không? Quả là chúng ta có thể “thấy” Ngài! Nhờ Kinh-thánh Đức Giê-hô-va tự tiết lộ cho chúng ta nhiều hơn là cho Gióp biết về Ngài.
12 Chúng ta nhận biết rõ hơn độ sâu của sự yêu thương của Đức Chúa Trời, biết rằng Ngài “yêu-thương thế-gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài” (Giăng 3:16). Qua các lời tiên tri của Kinh-thánh, chúng ta biết đại khái các hoạt động của Đức Chúa Trời—đến tận cuối thời kỳ Một Ngàn Năm! (Khải-huyền, đoạn 18-22). Chúng ta có được sự ghi chép về cách Đức Chúa Trời đối xử với hội-thánh đấng Christ: việc Ngài cho dân ngoại vào, việc Ngài bổ nhiệm “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” để nuôi dưỡng dân Ngài, triệu tập “đám đông” với hy vọng sống đời đời trong Địa-đàng trên đất (Ma-thi-ơ 24:45; Khải-huyền 7:9, 14-17; Ê-phê-sô 3:3-6). Sau khi nhìn kỹ vào các việc sâu sắc của Đức Chúa Trời và ngắm xem các công trình kỳ diệu của Ngài làm cho chúng ta, chúng ta không khỏi tán thán: “Ôi! sâu-nhiệm thay là sự giàu-có, khôn-ngoan và thông-biết của Đức Chúa Trời!” (Rô-ma 11:33).
13. Làm thế nào chúng ta có thể “tìm-cầu Chúa”, và làm vậy có lợi ích gì?
13 Người viết Thi-thiên nói: “Tôi hết lòng tìm-cầu Chúa”. Chúng ta có thể làm giống vậy nhờ xem xét Kinh-thánh mỗi ngày; điều này có thể giúp chúng ta nhiều trong việc làm vững chắc liên lạc của chúng ta với Đức Giê-hô-va. Sự học hỏi siêng năng cũng giúp cho đường lối chúng ta trở nên «được vững-chắc, để chúng ta giữ các luật-lệ Chúa» (Thi-thiên 119:5, 10).
Sự học hỏi giúp chúng ta bênh vực đạo
14. Xin hãy giải thích bằng thí dụ cụ thể giá trị của việc chúng ta «sẵn-sàng trả lời mọi kẻ hỏi lẽ» về hy vọng của tín đồ đấng Christ.
14 Một người đàn ông xứ Ghana nói với hai người nọ đến thăm viếng ông: “Tôi không muốn các Nhân-chứng vào nhà tôi!” Kế đến ông ấy chê trách các Nhân-chứng vì họ “không chịu tiếp máu và không chào quốc kỳ”. Chúng ta thường gặp phải các lời bác bẻ ấy trong thánh chức rao giảng. Nếu chúng ta không đủ tư cách “để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông-cậy trong anh em” thì thật là đáng trách—và đáng hổ thẹn—làm sao! (I Phi-e-rơ 3:15). May thay, các Nhân-chứng này đã có thể dùng Kinh-thánh để giải thích hữu hiệu quan điểm đúng về máu và cách mà người tín đồ đấng Christ giữ thăng bằng giữa việc tôn trọng biểu hiệu của quốc gia và tránh sự thờ hình tượng. Kết quả là gì? Người kia cảm kích về lối trả lời thẳng thắn của họ. Ngày nay, anh và vợ anh đều là Nhân-chứng đã làm báp têm.
15. Làm thế nào sự học hỏi cá nhân trang bị chúng ta để làm thánh chức rao giảng?
15 Phao-lô khuyên: “Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay-thẳng giảng-dạy lời của lẽ thật”. Sự học hỏi cá nhân không những giúp chúng ta đứng vững trên con đường dẫn đến sự sống mà lại còn “được trọn-vẹn và sắm-sẵn” giúp người khác làm thế (II Ti-mô-thê 2:15; 3:17).
Tránh khỏi các cạm bẫy của Sa-tan
16. Dân sự của Đức Giê-hô-va phải đối phó với một số cạm bẫy nào của Sa-tan?
16 Ngày nay chúng ta bị những sự quảng cáo bủa vây khơi dậy “sự mê-tham của xác-thịt, mê-tham của mắt, và sự kiêu-ngạo của đời [khoe của]” (I Giăng 2:16). Các cơ quan ngôn luận tâng bốc tình dục vô luân và thường thì các bạn đồng nghiệp và bạn học ở trường cũng tích cực cổ võ chuyện đó. Có thể những kẻ bội đạo gửi đến tận nhà chúng ta những sách báo khiêu khích. Một số anh em tò mò đọc các tài liệu nhơ bẩn ấy—đưa đến sự bại hoại đức tin. Cũng có “thần hiện đương hành-động trong các con bạn-nghịch”, tinh thần ích kỷ và hướng về xác thịt. Thật dễ làm sao rơi vào ảnh hưởng của đồ ấy và vun trồng một tinh thần tiêu cực, chuyên chỉ trích! (Ê-phê-sô 2:2).
17, 18. Làm thế nào sự học hỏi cá nhân có thể giúp chúng ta đề phòng để khỏi bị “trôi lạc”?
17 Dĩ nhiên, ít ai ngay từ đầu chịu rơi vào cạm bẫy của Sa-tan. Đúng ra, bởi bỏ bê việc học hỏi cá nhân, họ giống như một chiếc thuyền sút dây cột, từ từ bị “trôi lạc” và trở thành mồi ngon cho Sa-tan tấn công (Hê-bơ-rơ 2:1). Thí dụ, một anh trẻ tuổi đã làm chuyện vô luân với một thiếu nữ ở trường. Anh ấy nhớ lại: “Tôi khám phá rằng nguyên nhân chính là bởi vì tôi đã để cho đói kém về đồ ăn thiêng liêng. Tôi không có sự học hỏi cá nhân. Bởi vậy tôi đã không kháng cự lại được sự cám dỗ”. Tuy nhiên, sau đó một chương trình học hỏi cá nhân đã giúp anh ấy trở nên mạnh mẽ về thiêng liêng.
18 Sa-tan nhất quyết hủy phá càng nhiều người trong dân sự của Đức Chúa Trời càng tốt. Nhờ nuôi dưỡng tâm trí chúng ta với những điều tốt đến từ Lời Đức Chúa Trời và người quản gia trung tín của Ngài, chúng ta có thể tránh bị mắc bẫy (Phi-líp 4:8). Cả Kinh-thánh lẫn các sách báo của Hội Tháp Canh (Watch Tower Society) đều chứa đầy những lời nhắc nhở tránh chủ nghĩa duy vật, tình dục vô luân, tư tưởng bội đạo và một tinh thần tiêu cực. Nếu chúng ta thật sự chú ý làm theo, chúng ta sẽ không bao giờ bị trôi lạc.
Các sự sắp đặt của tổ chức Đức Giê-hô-va để giúp chúng ta
19. Hoạn quan người Ê-thi-ô-bi giải thích thế nào về việc chúng ta cần sự hướng dẫn về thiêng liêng?
19 Sự học hỏi là một công việc khó nhọc. Do đó chúng ta có thể cảm ơn tổ chức Đức Giê-hô-va đem lại cho chúng ta nhiều sự trợ giúp. Trong các năm gần đây một số người cho rằng nên để cho các cá nhân tự thông giải Kinh-thánh một mình. Tuy nhiên, hoạn quan người Ê-thi-ô-bi công khai nhìn nhận rằng ông cần có sự hướng dẫn về thiêng liêng. Là người chịu cắt bì gia nhập đạo Do-thái, chắc chắn ông đã hiểu biết Kinh-thánh khá nhiều rồi. Chính sự việc ông cố công tìm hiểu một lời tiên tri thâm sâu như Ê-sai đoạn 53 cho thấy điều này. Dù vậy, khi được hỏi ông có hiểu điều ông đang đọc không, ông thú thật: “Nếu chẳng ai dạy cho tôi, thể nào tôi hiểu được?” (Công-vụ các Sứ-đồ 8:26-33).
20. a) Tổ chức Đức Giê-hô-va đã cung cấp những gì để giúp chúng ta học hỏi Kinh-thánh với tính cách cá nhân? b) Bạn nghĩ sao về các sự cung cấp ấy?
20 Tương tợ như thế dân sự của Đức Giê-hô-va ngày nay cũng cần được hướng dẫn về thiêng liêng. Muốn “hiệp một ý một lòng cùng nhau” trên bình diện thiêng liêng, họ tán dương sự trợ giúp của tổ chức Đức Giê-hô-va—và thật là một sự trợ giúp quí giá làm sao! (I Cô-rinh-tô 1:10). Chúng ta thường xuyên nhận được tin tức tuôn ra cuồn cuộn nhờ các tạp chí Tháp Canh và Tỉnh thức! Chúng ta có nhiều sách lớn và sách mỏng bàn đến đủ loại đề tài Kinh-thánh. Các độc giả nói tiếng Anh được đặc biệt ban phước nhờ có cuốn «Bảng đối chiếu các ấn phẩm do Hội Tháp Canh (Watch Tower Society) xuất bản từ 1930 đến 1985», một công cụ có thể giúp một người «tìm kiếm sự khôn ngoan như tiền bạc và bửu vật ẩn bí» (Châm-ngôn 2:2-4).
21. a) Sứ đồ Phao-lô biểu lộ thế nào cho thấy ông chú ý tới sự học hỏi cá nhân? b) Một số lời đề nghị để dễ dàng học hỏi là gì?
21 Bạn có đang tận dụng các sách báo của Hội bằng cách dùng để học hỏi và nghiên cứu không? Hay phải chăng sách báo ấy chỉ dùng để trưng ra trên kệ sách mà thôi? Đáng lưu ý là sứ đồ Phao-lô có lần căn dặn Ti-mô-thê “đem... những sách-vở nữa, nhứt là những sách bằng giấy da” đến cho ông ở Rô-ma; hiển nhiên Phao-lô muốn nói tới các phần Kinh-thánh viết tiếng Hê-bơ-rơ (II Ti-mô-thê 4:13). Chắc chắn ông muốn có các sách ấy để tiện việc học hỏi và nghiên cứu. Nếu bạn chưa sắp đặt để có tủ sách gồm các sách báo thần quyền dùng cho việc nghiên cứu, tại sao không bắt đầu làm ngay việc này? Hãy để các sách báo ấy chỗ nào dễ lấy, ngăn nắp, có thứ tự và sạch sẽ. Hãy dành ra một nơi yên tĩnh và sáng sủa để học. Hãy sắp đặt chương trình học hỏi cá nhân đều đặn.
22. Tại sao «để lòng chăm-chỉ về lời Đức Chúa Trời» là quan trọng ngày nay hơn bao giờ hết?
22 Giống như dân Y-sơ-ra-ên cắm trại trong đồng bằng Mô-áp trù phú, chúng ta gần bước vô thế giới mới. Nhiều hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải siêng năng học hỏi Lời Đức Chúa Trời và “lợi-dụng thì-giờ” để học hỏi, có lẽ phải hy sinh những chuyện khác, chẳng hạn như xem truyền hình (Ê-phê-sô 5:16). Phi-e-rơ nhắn nhủ: “Hãy ham-thích sữa thiêng-liêng của Đạo... hầu cho anh em nhờ đó lớn lên” không chỉ tới sự thành thục nhưng để “được rỗi linh-hồn [tới sự giải cứu]”. (I Phi-e-rơ 2:2; so sánh Hê-bơ-rơ 5:12-14). Việc này quan hệ đến chính đời sống của chúng ta. Vậy hãy kháng cự lại bất cứ khuynh hướng nào nhằm sao lãng sự học hỏi cá nhân. Hãy dùng sự học hỏi cá nhân như một cách làm cho sự yêu thương của bạn đối với Đức Chúa Trời và sự tin cậy của bạn nơi Ngài trở nên sâu đậm hơn; đây cũng là một cách để tỏ lòng quí mến nhiều hơn đối với tổ chức Ngài dùng để giúp chúng ta. Đúng, hãy siêng năng đều đặn “để lòng chăm-chỉ” nghe Lời Đức Chúa Trời. “Chẳng phải một lời nói vô-giá cho các ngươi đâu, nhưng nó là sự sống của các ngươi”.
[Chú thích]
a Trong thời viết Kinh-thánh, người ta thường dùng các mảnh vụn đồ gốm, hoặc miếng sành, để làm phương tiện ghi chép rẻ tiền. Sách The International Standard Bible Encyclopedia (1986) viết: “Hạng người nghèo nhất thì lại dùng các miếng sành để viết vì họ không thể kiếm được các vật dụng nào khác”. Không ai biết những người Y-sơ-ra-ên thời xưa dùng nhiều tới đâu các miếng sành để chép Kinh-thánh. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là ở Ai-cập người ta khai quật lên được các miểng sành trên đó có ghi các câu Kinh-thánh xưa thời thế kỷ thứ 7 tây lịch, cho thấy một trong các phương tiện nhờ đó mà những người bình dân đọc được một phần Kinh-thánh.
Những điểm để ôn lại
◻ Tại sao Môi-se khuyên nhủ dân Y-sơ-ra-ên «để lòng chăm-chỉ về lời Đức Chúa Trời», và họ phải làm thế ra sao?
◻ Làm thế nào sự học hỏi cá nhân làm vững chắc liên lạc của chúng ta với Đức Chúa Trời và giúp chúng ta bênh vực cho đạo của chúng ta?
◻ Sự học hỏi cá nhân đóng vai trò nào trong việc giúp chúng ta tránh các cạm bẫy của Sa-tan?
◻ Tổ chức Đức Giê-hô-va đã cung cấp những gì để giúp chúng ta dễ dàng học hỏi Lời Đức Chúa Trời?
[Hình nơi trang 15]
Thay vì viết Luật pháp Đức Chúa Trời vào lòng họ, những người Do-thái đeo hộp da đựng các câu Kinh-thánh