Hãy cầu tiến—Hãy tiến bộ
KHI bạn bắt đầu tập áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh, lề lối suy nghĩ, ăn nói, và cư xử vốn đã ăn sâu bắt đầu thay đổi dần. Bạn đã sửa chữa được nhiều thói quen này ngay cả trước khi ghi tên vào Trường Thánh Chức Thần Quyền. Hiện nay rất có thể bạn đã tiến bộ đến mức dâng đời sống mình cho Đức Giê-hô-va. Phải chăng điều này có nghĩa là bạn không cần cố gắng tiến bộ nữa? Tuyệt nhiên là không. Báp têm mới chỉ là bước đầu.
Mặc dù môn đồ Ti-mô-thê đã phụng sự với tư cách trưởng lão tín đồ Đấng Christ rồi, nhưng Phao-lô bảo Ti-mô-thê “suy gẫm” về lời khuyên nhận được, và về các đặc ân được ủy thác—“chuyên-lo” những điều này—để cho “thiên-hạ thấy sự tấn-tới” của Ti-mô-thê. (1 Ti 4:12-15; Trần Đức Huân) Dù chỉ mới bắt đầu theo con đường lẽ thật hay đã có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống tín đồ Đấng Christ, bạn nên có tinh thần cầu tiến.
Sự hiểu biết và đổi mới
Nơi Ê-phê-sô 3:14-19, sứ đồ Phao-lô cầu xin cho những anh em cùng đạo “hiểu thấu bề rộng, bề dài, bề cao, bề sâu” của lẽ thật. Nhằm mục tiêu đó, Chúa Giê-su đã ban cho những món quà dưới hình thức người để dạy dỗ, uốn nắn và xây dựng hội thánh. Việc đều đặn suy ngẫm về Lời được Đức Chúa Trời soi dẫn, cùng với sự hướng dẫn của những người dạy dỗ có kinh nghiệm, có thể giúp chúng ta “lớn lên” về thiêng liêng.—Ê-phê 4:11-15; Tòa Tổng Giám Mục.
Sự lớn lên ấy bao gồm việc “làm nên mới trong tâm-chí mình”. Điều này đòi hỏi phải xây dựng tâm thần mạnh mẽ, hòa hợp với tâm thần của Đức Chúa Trời và Đấng Christ. Nó đòi hỏi phải thường xuyên hấp thu những tư tưởng của Đức Chúa Trời và Đấng Christ, để “mặc lấy người mới”. (Ê-phê 4:23, 24) Khi nghiên cứu các sách Phúc Âm, bạn có xem các lời tường thuật này về cuộc đời Đấng Christ là khuôn mẫu cho mình noi theo không? Bạn có cố nhận ra những nét tính cụ thể mà Chúa Giê-su biểu hiện rồi thật sự nỗ lực noi theo các đức tính đó trong đời sống mình không?—1 Phi 2:21.
Đề tài trong các cuộc nói chuyện có thể là một dấu hiệu cho thấy tầm mức tiến bộ của bạn. Những ai đã mặc lấy nhân cách mới thì không nói những lời thiếu chân thực, đay nghiến, tục tĩu hay tiêu cực. Thay vì vậy, ngôn từ của họ là “lời lành giúp ơn cho và có ích-lợi cho kẻ nghe”. (Ê-phê 4:25, 26, 29, 31; 5:3, 4; Giu 16) Những lời nói và lời phát biểu khi nói chuyện riêng cũng như tại các buổi họp của hội thánh đều cho thấy rằng lẽ thật đang đổi mới đời sống họ.
Nếu bạn không còn bị “day-động và dời-đổi theo chiều gió của đạo lạc”, thì điều này cũng là bằng chứng của sự tiến bộ. (Ê-phê 4:14) Thí dụ, bạn phản ứng ra sao khi thế gian đưa ra hàng loạt các tư tưởng, phong trào tranh đấu hay hình thức giải trí mới? Bạn có bị cám dỗ đến mức bớt xén thời gian dành cho các bổn phận thiêng liêng để đeo đuổi những điều nêu trên không? Điều đó có thể làm cản trở sự tiến bộ về thiêng liêng. Thật khôn ngoan hơn biết bao khi tận dụng thì giờ để theo đuổi những điều thiêng liêng!—Ê-phê 5:15, 16.
Sự tiến bộ về thiêng liêng cũng được thể hiện qua cách bạn đối xử với người khác. Bạn đã học tập “thương-xót, tha-thứ” các anh chị em chưa?—Ê-phê 4:32.
Sự tiến bộ của bạn trong việc xử sự theo đường lối Đức Giê-hô-va phải được biểu hiện cả trong hội thánh lẫn trong gia đình. Sự tiến bộ này cũng phải được thể hiện trong trường học, nơi công cộng và tại sở làm ngoài đời. (Ê-phê 5:21–6:9) Nếu bạn biểu lộ các đức tính tin kính một cách đầy đủ hơn trong mọi hoàn cảnh như thế, thì người khác sẽ thấy rõ sự tiến bộ của bạn.
Sử dụng tài năng bạn
Đức Giê-hô-va giao phó cho mỗi người chúng ta những khả năng và tài năng. Ngài muốn chúng ta sử dụng những tài năng này vì lợi ích người khác, phải làm thế nào để Ngài có thể biểu lộ ân điển của Ngài qua chúng ta. Về khía cạnh này, sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản-lý trung-tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời”. (1 Phi 4:10) Bạn đang thi hành vai trò quản lý này như thế nào?
Phi-e-rơ viết tiếp: “Ví bằng có người giảng-luận, thì hãy giảng như rao lời sấm-truyền của Đức Chúa Trời”. (1 Phi 4:11) Câu này nhấn mạnh trách nhiệm phải nói hoàn toàn hòa hợp với Lời Đức Chúa Trời, để Ngài được vinh hiển. Cách chúng ta nói cũng phải làm vinh hiển Đức Giê-hô-va. Sự giáo huấn được cung cấp qua Trường Thánh Chức Thần Quyền có thể giúp bạn sử dụng tài năng bạn có để thực hiện điều ấy—tức là làm vinh hiển Đức Chúa Trời bằng cách giúp người khác. Nhằm mục tiêu đó, làm thế nào bạn đo lường sự tiến bộ của mình trong trường thánh chức?
Thay vì đánh giá sự tiến bộ căn cứ vào số lượng bài đã học tập xong trong bảng phê bình bài giảng hoặc căn cứ vào loại bài giảng mà bạn được giao, hãy ngẫm nghĩ về hiệu quả của chương trình giáo huấn: Phẩm chất của việc dâng tế lễ của bạn bằng lời ngợi khen được cải thiện đến mức nào? Trường thánh chức trang bị chúng ta để trở nên hữu hiệu hơn trong việc rao giảng. Vậy hãy tự hỏi: ‘Tôi có thật sự chuẩn bị những điều mình sẽ nói khi rao giảng không? Tôi có tập biểu lộ sự chú ý đến những người tôi làm chứng không? Tôi có đặt cơ sở để trở lại viếng thăm bằng cách nêu lên một câu hỏi để thảo luận lần tới không? Nếu đang học Kinh Thánh với một người nào đó, tôi có cố công trau dồi khả năng làm người dạy dỗ động đến lòng người ấy không?’
Đừng xem các đặc ân phục vụ mà bạn có là dấu hiệu của sự tiến bộ. Sự tiến bộ của bạn không biểu hiện ở công việc được giao phó mà ở chỗ bạn sử dụng nó để làm gì. Nếu được giao một nhiệm vụ đòi hỏi phải dạy dỗ, hãy tự hỏi: ‘Tôi có thật sự vận dụng nghệ thuật dạy dỗ không? Tôi có sử dụng tài liệu sao cho tác động đến đời sống người nghe không?’
Lời khuyên về việc sử dụng tài năng bao hàm việc phải chủ động. Bạn có chủ động rao giảng chung với người khác không? Bạn có tìm cơ hội giúp đỡ những người mới, người trẻ hoặc tàn tật trong hội thánh mình không? Bạn có tình nguyện làm vệ sinh Phòng Nước Trời hay phụ giúp qua nhiều cách khác nhau tại các đại hội và hội nghị không? Bạn có thể đều đặn ghi tên làm người tiên phong phụ trợ không? Bạn có thể phục vụ với tư cách người tiên phong đều đều hay trợ giúp một hội thánh có nhu cầu lớn hơn không? Nếu là một anh, bạn có đang vươn tới các điều kiện mà Kinh Thánh đề ra cho tôi tớ thánh chức và trưởng lão không? Việc bạn sẵn lòng trợ giúp và nhận trách nhiệm là dấu hiệu của sự tiến bộ.—Thi 110:3.
Vai trò của kinh nghiệm
Đừng nản lòng, nếu bạn cảm thấy khả năng giới hạn vì thiếu kinh nghiệm trong cuộc sống tín đồ Đấng Christ. Lời Đức Chúa Trời có thể khiến “người thiếu kinh nghiệm trở nên khôn ngoan”. (Thi 19:7, NW; Thi 119:130; Châm 1:1-4) Khi áp dụng lời khuyên của Kinh Thánh, thì sự khôn ngoan hoàn hảo của Đức Giê-hô-va giúp ích cho chúng ta; sự khôn ngoan này có giá trị cao hơn bất kỳ sự hiểu biết nào mà chúng ta thu thập qua kinh nghiệm. Tuy nhiên, khi tiến bộ trong thánh chức phụng sự Đức Giê-hô-va, chúng ta cũng thu thập được kinh nghiệm quý giá. Chúng ta sử dụng kinh nghiệm này như thế nào để mang lại lợi ích?
Sau khi đã từng trải qua nhiều hoàn cảnh khác nhau trong đời, một người có thể dễ lý luận rằng: ‘Trước kia, tôi đã từng đối diện với tình huống này. Tôi biết phải làm gì’. Đây có phải là đường hướng khôn ngoan không? Châm-ngôn 3:7 khuyến cáo: “Chớ khôn-ngoan theo mắt mình”. Kinh nghiệm chắc chắn mở rộng quan điểm của chúng ta về những yếu tố cần cân nhắc khi đối phó với các tình huống trong cuộc sống. Nhưng nếu tiến bộ về thiêng liêng, kinh nghiệm cũng khắc ghi vào lòng và trí chúng ta rằng chúng ta cần ân phước của Đức Giê-hô-va để thành công. Vậy, sự tiến bộ của chúng ta được thể hiện qua việc sẵn sàng tìm đến Đức Giê-hô-va để được hướng dẫn trong đời sống, chứ không phải qua việc tự tin đối diện với các tình huống. Sự tiến bộ của chúng ta được thể hiện qua việc tin chắc rằng không điều gì có thể xảy ra nếu Ngài không cho phép, và qua việc duy trì một mối quan hệ trìu mến và tin cậy với Cha trên trời.
Hãy tiếp tục vươn lên
Dù là một tín đồ được xức dầu của Đấng Christ, đã trưởng thành về thiêng liêng, nhưng sứ đồ Phao-lô nhận thức rằng ông cần tiếp tục “bươn theo sự ở đằng trước” để đạt được mục tiêu là sự sống. (Phi-líp 3:13-16) Bạn có đồng quan điểm này không?
Bạn đã tiến bộ đến mức nào rồi? Hãy đo lường sự tiến bộ bằng mức độ bạn mặc lấy nhân cách mới, bằng mức độ bạn phục tùng quyền cai trị của Đức Giê-hô-va và bằng mức độ bạn sốt sắng sử dụng tài năng để tôn vinh Đức Giê-hô-va. Khi tận dụng các lợi ích của Trường Thánh Chức Thần Quyền, những đức tính mà Lời Đức Chúa Trời đề cao sẽ ngày càng trở nên hiển nhiên qua cung cách nói năng và dạy dỗ của bạn. Hãy chăm chú vào những khía cạnh này của sự tiến bộ. Đúng vậy, hãy vui mừng về chúng, và sự tiến bộ của bạn sẽ biểu hiện rõ.