Bạn có mong ước phục vụ không?
“Ví bằng có kẻ mong được làm [giám thị], ấy là ưa-muốn một việc tốt-lành” (I Ti-mô-thê 3:1)
1. Thực hiện mục tiêu nào là điều quan trọng bậc nhất giữa các Nhân-chứng Giê-hô-va?
NHÂN-CHỨNG GIÊ-HÔ-VA có những mục tiêu chính đáng mà họ theo đuổi và thực hiện một cách tin kính. Không có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì Đức Chúa Trời của họ có những mục tiêu cao quí và luôn luôn làm tròn các ý định của Ngài (Ê-sai 55:8-11). Các tôi tớ của Đức Giê-hô-va không nên giống như những kẻ thiếu một mục tiêu tốt và sống qua ngày chẳng để ý đến gì có lợi ích cho ai ngoài lợi ích cho chính mình. Đối với các Nhân-chứng của Đức Chúa Trời thì điều quan trọng bậc nhất là thực hiện mục tiêu cao quí liên quan đến việc công bố thông điệp Nước Trời và chia xẻ với người khác sự hiểu biết về Kinh-thánh dẫn đến sự sống (Thi-thiên 119:105; Mác 13:10; Giăng 17:3).
2. Nơi I Ti-mô-thê 3:1 Phao-lô nêu ra mục tiêu nào cho các nam tín đồ đấng Christ?
2 Trong tổ chức của Đức Giê-hô-va cũng có các mục tiêu cao quí khác. Sứ đồ Phao-lô nêu ra một trong những mục tiêu này khi viết: “Ví bằng có kẻ mong được làm [giám thị], ấy là ưa-muốn một việc tốt-lành; lời đó là phải lắm”. Một người như thế muốn làm điều gì đem lợi ích cho người khác. Người ưa muốn “một việc tốt-lành”, chứ không phải một đời sống nhàn hạ và danh vọng. Một bản dịch khác nói: “Thành thật mà nói, một người nuôi chí lãnh đạo trong lòng là người có khát vọng đáng khen” (I Ti-mô-thê 3:1, Phillips).
Nguy hiểm cho các trưởng lão
3, 4. Tai sao một người cố gắng đạt chức vụ làm giám thị nên gìn giữ tấm lòng mình?
3 Một người mà trong lòng nuôi chí trở thành một giám thị tín đồ đấng Christ thì là người “có khát vọng đáng khen” ở chỗ nào? Tham vọng là một sự ham muốn mãnh liệt đạt đến một mục tiêu. Đành rằng có những khát vọng cao quí và những khát vọng hèn hạ. Nhưng nếu một người khiêm nhường cố gắng (vươn mình) đạt chức vụ làm giám thị bởi vì muốn phục vụ người khác, người ham muốn giúp việc với động lực ngay thẳng và điều này có thể đem lại ân phước thiêng liêng. Nhưng người cần phải gìn giữ lòng mình (Châm-ngôn 4:23).
4 Một số người đầy tham vọng tìm kiếm danh vọng. Những kẻ khác muốn cai trị trên người đồng loại. Sự thèm khát uy tín hay thế lực giống như rễ cây mục nát có thể làm cho cây ngã xuống dù bề ngoài có vẻ tươi tốt. Một tín đồ đấng Christ cũng có thể quỵ ngã trước một tham vọng với động lực sai lầm như thế (Châm-ngôn 16:18). Sứ đồ Giăng viết: “Tôi đã viết mấy chữ cho Hội-thánh rồi, nhưng Đi-ô-trép là kẻ ưng đứng đầu Hội-thánh không muốn tiếp-rước chúng ta. Cho nên, nếu tôi đến, tôi sẽ bới việc xấu người làm, là lấy lời luận độc-ác mà nghịch cùng chúng ta. Điều đó còn chưa đủ, người lại không tiếp-rước anh em nữa, mà ai muốn tiếp-rước, thì người ngăn-trở và đuổi ra khỏi Hội-thánh” (III Giăng 9, 10). Tham vọng của Đi-ô-trép là trái với đạo đấng Christ. Tánh ngạo mạn và tham vọng theo đuổi quyền thế để áp chế người khác không có chỗ đứng giữa các môn đồ thật của Giê-su (Châm-ngôn 21:4).
5. Các giám thị nên chăm lo các bổn phận của họ với thái độ nào?
5 Một giám thị tín đồ đấng Christ chu toàn các bổn phận của mình với động lực đúng sẽ không theo đuổi các tham vọng ích kỷ. Người sẽ xem công việc giám thị tốt lành giữa các tín đồ đấng Christ là một đặc ân do Đức Chúa Trời ban cho và sẽ chăn bầy chiên của Đức Chúa Trời “chẳng phải ép tình, bèn là bởi vui lòng, chẳng phải vì lợi dơ-bẩn, bèn là hết lòng mà làm, chẳng phải quản-trị phần trách-nhậm chia cho anh em [chẳng phải cai quản khắc nghiệt trên những kẻ là cơ nghiệp của Đức Chúa Trời], song để làm gương tốt cho cả bầy” (I Phi-e-rơ 5:2, 3). Đúng, các giám thị nên đề phòng để không trở nên kiêu ngạo và rồi tìm cách lạm dụng quyền hành.
6. Tại sao một trưởng lão không nên hống hách đối với dân sự của Đức Chúa Trời?
6 Một trưởng lão không nên hống hách đối với các tín đồ khác, bởi vì người là anh em cùng làm việc với họ, chứ không phải kẻ “cai-trị đức-tin họ” (II Cô-rinh-tô 1:24). Khi vài sứ đồ muốn tìm kiếm địa vị cao, Giê-su nói: “Các ngươi biết rằng các vua dân ngoại thì ép dân phải phục mình, còn các quan lớn thì lấy quyền-thế mà trị dân. Trong các ngươi thì không như vậy; trái lại, trong các ngươi, kẻ nào muốn làm lớn, thì sẽ làm đầy-tớ các ngươi; còn kẻ nào muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi-mọi các ngươi. Ấy vậy, Con người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người” (Ma-thi-ơ 20:20-28). Một trưởng lão không phải là người Chăn chiên chánh mà chỉ là người chăn chiên phụ. Nếu người hống hách đối với bầy chiên thì biểu lộ tinh thần kiêu ngạo. Hậu quả lại càng đặc biệt tai hại nếu người xúi giục những người khác giúp mình tiến tới trong tham vọng kiêu ngạo. Một câu châm ngôn nói: “Phàm ai có lòng kiêu-ngạo lấy làm gớm-ghiếc cho Đức Giê-hô-va; quả thật nó sẽ chẳng được khỏi bị phạt” (Châm-ngôn 16:5).
7, 8. a) Tại sao các trưởng lão tín đồ đấng Christ cần phải khiêm nhường? b) Xin nêu một thí dụ về một trưởng lão khiêm nhường.
7 Do đó, các trưởng lão tín đồ đấng Christ nên “hạ mình xuống dưới tay quyền-phép của Đức Chúa Trời”. Sự kiêu ngạo cản lối đưa đến lợi ích thiêng liêng, bởi vì chỉ có những người khiêm nhường mới có tâm trạng đúng để làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. “Đức Chúa Trời chống-cự kẻ kiêu-ngạo, mà ban ơn cho kẻ khiêm-nhường” (I Phi-e-rơ 5:5, 6). Đúng, Đức Giê-hô-va ban phước cho những người có tâm trí khiêm nhường. Chính là trong số những người khiêm nhường như thế mà những người hội đủ điều kiện được bổ nhiệm làm trưởng lão tín đồ đấng Christ.
8 Lịch sử hiện đại của các Nhân-chứng Giê-hô-va có đầy những gương tin kính của những anh khiêm nhường phụng sự. Thí dụ, hãy xem gương của anh W.J. Thorn người hiền hậu, một thời là giám thị lưu động và làm việc lâu năm tại nhà Bê-tên. Một tín đồ đấng Christ nói về anh: “Tôi sẽ không bao giờ, không bao giờ quên được một câu nói của anh Thorn đã giúp ích cho tôi mãi cho đến ngày nay. Anh nói và tôi trích: ‘Hễ khi nào tôi nghĩ quá nhiều đến cá nhân mình, tôi làm như dắt mình vào góc phòng và tự mắng: “Ngươi chỉ là một hạt cát bé bỏng thôi mà, kiêu ngạo làm gì?” ’ ” Thật là một đức tính đáng khen thay nơi các trưởng lão và những người khác! Xin nhớ, “phần thường của sự khiêm-nhượng và sự kính-sợ Đức Giê-hô-va, ấy là sự giàu-có, sự tôn-trọng, và mạng-sống” (Châm-ngôn 22:4).
Đức Chúa Trời ban cho lòng ham thích phụng sự
9. Tại sao ta có thể nói lòng ham thích phụng sự với tư cách một giám thị là do Đức Chúa Trời ban cho?
9 Có phải lòng ham thích phụng sự là do Đức Chúa Trời ban cho không? Đúng vậy, bởi vì thánh linh Đức Giê-hô-va đặt vào lòng chúng ta động lực, sự can đảm và sức mạnh để hầu việc Ngài trong thánh chức. Thí dụ, điều gì đã xảy ra khi, bị bắt bớ, các môn đồ của Giê-su cầu nguyện xin sự dạn dĩ để rao giảng? “Nơi nhóm lại rúng-động; ai nấy đều được đầy-dẫy thánh linh, giảng đạo Đức Chúa Trời cách dạn-dĩ” (Công-vụ các Sứ-đồ 4:27-31). Bởi lẽ thánh linh sanh ra bông trái tốt thể ấy thì thánh linh cũng có thể thúc đẩy một người ham thích phụng sự.
10. a) Một lý do nào có thể khiến một nam tín đồ đấng Christ không mong ước phục vụ? b) Nếu Đức Chúa Trời giao cho chúng ta một đặc ân phụng sự nào đó, chúng ta có thể tin chắc điều gì?
10 Tại sao một tín đồ thành thục lại có thể không mong ước phục vụ? Anh có thể là một người có tánh thiêng liêng nhưng cảm thấy mình không thích hợp (I Cô-rinh-tô 2:14, 15). Dĩ nhiên, chúng ta nên khiêm tốn mà độ lượng sức của mình, ý thức được các giới hạn của mình (Mi-chê 6:8). Thay vì kiêu căng nghĩ rằng chúng ta có khả năng nhiều nhất để gánh lấy một trách nhiệm nào đó, tốt hơn nên nhớ rằng “sự khôn-ngoan vẫn ở với người khiêm-nhượng” (Châm-ngôn 11:2). Nhưng chúng ta cũng nên ý thức rằng nếu Đức Chúa Trời giao cho chúng ta một đặc ân phụng sự nào đó thì Ngài cũng sẽ ban cho chúng ta sức lực cần thiết để gánh vác nổi. Phao-lô nói: “Tôi làm được mọi sự nhờ đấng ban thêm sức cho tôi” (Phi-líp 4:13).
11. Một tín đồ đấng Christ nếu cảm thấy mình không mong ước phục vụ vì thiếu sự khôn ngoan cần thiết để khuyên bảo thì có thể làm gì?
11 Một tín đồ đấng Christ có thể không mong ước phục vụ bởi vì cảm thấy mình không có đầy đủ khôn ngoan để khuyên bảo người khác. Có lẽ người đó có thể trở nên khôn ngoan hơn bằng cách siêng năng học hỏi Lời Đức Chúa Trời, và chắc chắn người nên cầu nguyện xin sự khôn ngoan. Gia-cơ viết: “Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn-ngoan, hãy cầu-xin Đức Chúa Trời, là đấng ban cho mọi người cách rộng-rãi, không trách-móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho. Nhưng phải lấy đức-tin mà cầu-xin, chớ nghi-ngờ; vì kẻ hay nghi-ngờ giống như sóng biển, bị gió động và đưa đi đây đi đó. Người như thế chớ nên tưởng mình lãnh được vật chi từ nơi Chúa: ấy là một người phân-tâm, phàm làm việc gì đều không định” (Gia-cơ 1:5-8). Đáp lại lời cầu xin của Sa-lô-môn, Đức Chúa Trời đã ban cho ông “tấm lòng khôn-ngoan thông-sáng” giúp ông phân biệt điều lành điều dữ khi phán xét (I Các Vua 3:9-14). Trường hợp của Sa-lô-môn là đặc biệt, nhưng nhờ siêng năng học hỏi và được Đức Chúa Trời giúp đỡ những người được giao phó trách nhiệm trong hội-thánh có thể khuyên bảo người khác trong sự công bình. “Đức Giê-hô-va ban cho sự khôn-ngoan; từ miệng Ngài ra điều tri-thức và thông-sáng” (Châm-ngôn 2:6).
12. Nếu một người không mong ước phục vụ vì lo lắng, điều gì có thể giúp người?
12 Một người có thể ngần ngại không mong ước phục vụ có lẽ vì hay lo lắng. Người có lẽ nghĩ rằng mình không đủ sức gánh lấy trách nhiệm nặng nề của một trưởng lão. Ngay đến Phao-lô còn thú nhận: “Mỗi ngày tôi phải lo-lắng về hết thảy các Hội-thánh” (II Cô-rinh-tô 11:28). Nhưng sứ đồ biết phải làm gì khi có sự lo lắng, vì ông viết: “Chớ lo-phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu-nguyện, nài-xin, tạ ơn mà trình các sự cầu-xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu-biết, sẽ giữ-gìn lòng và ý-tưởng anh em trong Chúa Giê-su Christ” (Phi-líp 4:6, 7). Đúng, sự cầy nguyện và tin cậy nơi Đức Chúa Trời có thể giúp dẹp qua sự lo lắng.
13. Một người có thể cầu nguyện thế nào nếu thấy khó ham thích phụng sự?
13 Nếu có sự lo lắng nào dai dẳng, một người mà thấy khó ham thích phụng sự có thể cầu nguyện như Đa-vít: “Đức Chúa Trời tôi ơi, xin hãy tra-xét tôi, và biết lòng tôi; hãy thử-thách tôi, và biết tư-tưởng [bồn chồn] tôi; xin xem thử tôi có lối ác nào chăng, xin dắt tôi vào con đường đời đời” (Thi-thiên 139:23, 24). Bất kể tính chất của tư tưởng “bồn chồn” hoặc “lo lắng” là thể nào, Đức Chúa Trời có thể giúp chúng ta đương đầu nổi để có thể tiến bộ về thiêng liêng. (Xem Bản dịch linh mục Nguyễn Thế Thuấn). Một bài Thi-thiên khác nói rõ cảm nghĩ này: “Hỡi Đức Giê-hô-va, khi tôi nói: Chơn tôi trợt, thì sự nhơn-từ Ngài nâng-đỡ tôi. Khi tư-tưởng bộn-bề trong lòng tôi, thì sự an-ủi Ngài làm vui-vẻ linh-hồn tôi” (Thi-thiên 94:18, 19).
Sẵn lòng phụng sự như Đức Giê-hô-va muốn
14. Tại sao một người không mong ước phục vụ nên cầu xin thánh linh Đức Chúa Trời?
14 Nếu vì cớ sự lo lắng, cảm nghĩ thiếu khả năng, hoặc thiếu động lực một nam tín đồ đấng Christ không mong ước phục vụ, chắc chắn việc cầu xin thánh linh Đức Chúa Trời là điều nên làm. Giê-su nói: “Vậy nếu các ngươi là người xấu, còn biết cho con-cái mình vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban thánh linh cho người xin Ngài!” (Lu-ca 11:13). Bởi lẽ sự bình an và tự chủ (tiết độ) nằm trong số các bông trái của thánh linh, thánh linh này có thể giúp chúng ta đương đầu với sự lo lắng hay cảm nghĩ thiếu khả năng (Ga-la-ti 5:22, 23).
15. Lời cầu nguyện loại nào có thể giúp những người thiếu động lực để tỏ ra sẵn lòng nhận lãnh các đặc ân phụng sự?
15 Về phần việc thiếu động lực thì sao? Với tư cách tín đồ đấng Christ đã làm báp têm, chúng ta cần phải cầu nguyện xin Đức Chúa Trời giúp chúng ta làm điều chi cho đẹp lòng Ngài. Đa-vít cầu khẩn: “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin cho tôi biết các đường-lối Ngài... Xin hãy dẫn tôi trong lẽ thật của Ngài, và dạy-dỗ tôi” (Thi-thiên 25:4, 5). Những lời cầu nguyện như thế sẽ giúp chúng ta tránh đường lối sai lầm, và chúng ta có thể cầu nguyện cách ấy nếu thiếu động lực để mong ước phục vụ. Chúng ta có thể cầu xin Đức Giê-hô-va làm cho chúng ta muốn chấp nhận các đặc ân phụng sự. Thật thế, nếu chúng ta cầu xin nhận được thánh linh Đức Chúa Trời và phục tùng sự hướng dẫn của thánh linh, chắc chắn chúng ta sẽ sẵn lòng phục vụ nếu nhận được các đặc ân phụng sự. Nghĩ cho cùng, các tôi tớ của Đức Chúa Trời chắc hẳn sẽ không muốn cưỡng lại thánh linh của Ngài (Ê-phê-sô 4:30).
16. Thái độ nào ban cho động lực mãnh liệt để mong ước gánh lấy trách nhiệm trong hội-thánh?
16 Khi chúng ta có được “ý của đấng Christ”, chúng ta thấy ham thích làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời (I Cô-rinh-tô 2:16). Giê-su có cùng thái độ của người viết Thi-thiên, ông nói: “Hỡi Đức Chúa Trời tôi, tôi lấy làm vui-mừng làm theo ý-muốn Chúa, luật-pháp Chúa ở trong lòng tôi” (Thi-thiên 40:8). đấng Christ nói: “Nầy tôi đến... để làm theo ý-muốn Chúa”, và ngài ngay cả đi đến chỗ chết trên cây khổ hình (Hê-bơ-rơ 10:9, 10). Sự ham muốn làm bất cứ điều gì có thể được trong công việc phụng sự Đức Giê-hô-va ban cho động lực mãnh liệt để mong ước gánh lấy trách nhiệm trong hội-thánh.
Nhìn về tương lai
17. a) Tại sao những người không còn phụng sự trọn vẹn như trước không nên nản lòng? b) Đặc ân nào là lớn hơn hết?
17 Vì cớ vấn đề khó khăn về sức khỏe hay các lý do khác, một số người một thời đã chu toàn các nhiệm vụ quan trọng trong hội-thánh hiện nay không có các đặc ân ấy. Những người đó không nên nản lòng. Chúng ta biết nhiều người trung thành không còn đủ sức phụng sự trọn vẹn như trước nhưng vẫn còn giữ sự trung kiên (Thi-thiên 25:21). Thật thế, các trưởng lão khiêm nhường phục vụ lâu năm có thể tiếp tục giúp ích nhờ kinh nghiệm của họ nếu ở lại trong hội đồng trưởng lão. Dù bị tuổi tác và sự tật nguyền cản trở, họ không cần phải từ chức. Đồng thời, mong sao mỗi Nhân-chứng Giê-hô-va quí mến đặc ân tốt hơn hết là “nói về sự vinh-hiển nước Đức Chúa Trời” và ủng hộ danh thánh của Ngài (Thi-thiên 145:10-13).
18. a) Nếu một trưởng lão hay tôi tớ chức vụ đã bị mất chức vụ, có thể cần phải làm gì? b) Một cựu trưởng lão bày tỏ thái độ tốt nào?
18 Nếu một thời bạn là một trưởng lão hay tôi tớ chức vụ nhưng không còn phụng sự với tư cách đó nữa, hãy chắc chắn rằng Đức Chúa Trời vẫn quan tâm đến bạn, và có lẽ Ngài sẽ ban cho bạn một vài đặc ân bất ngờ trong tương lai (I Phi-e-rơ 5:6, 7). Nếu bạn cần phải làm vài sự sửa đổi, hãy sẵn lòng nhìn nhận lỗi lầm và cố gắng sửa đổi với sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời. Một số người bị mất chức vụ làm trưởng lão đã biểu lộ một thái độ không xứng với tín đồ đấng Christ, và một số đã ngừng hoạt động hoặc lìa bỏ lẽ thật. Nhưng khôn ngoan làm sao nếu tỏ ra giống như những người biểu lộ một tinh thần tốt! Thí dụ, khi một trưởng lão đã phụng sự nhiều năm tại Trung Mỹ bị mất chức vụ, anh nói: “Tôi rất đau lòng mất đi đặc ân mà tôi quí mến từ bấy lâu nay. Nhưng tôi sẽ gắng làm hết những gì mà các anh em muốn tôi làm và trau dồi để đạt lại đặc ân phụng sự”. Sau đó, anh này được đặc ân làm trưởng lão lần nữa.
19. Có lời khuyên thích hợp nào dành cho một người anh em đã bị mất chức vụ làm trưởng lão hay tôi tớ chức vụ?
19 Vậy nếu bạn không còn được phục vụ như trưởng lão hay tôi tớ chức vụ, hãy giữ lấy thái độ khiêm nhường. Hãy tránh thái độ cay đắng, thái độ này làm cho bạn không nhận được các đặc ân trong tương lai. Một tâm thần tin kính làm cho người khác kính phục mình. Thay vì chán nản, hãy suy gẫm về cách Đức Giê-hô-va ban phước cho công việc rao giảng của bạn hoặc gia đình bạn. Hãy xây dựng gia đình bạn về mặt thiêng liêng, viếng thăm những người đau ốm và khuyến khích những người yếu đuối. Trên hết mọi sự, hãy quí mến đặc ân ngợi khen Đức Chúa Trời và rao giảng tin mừng với tư cách Nhân-chứng Giê-hô-va (Thi-thiên 145:1, 2; Ê-sai 43:10-12).
20. Một hội đồng trưởng lão có thể giúp thế nào một người trước kia là giám thị hay tôi tớ chức vụ?
20 Một hội đồng trưởng lão nên ý thức rằng một người bị mất chức vụ làm giám thị hay tôi tớ chức vụ có thể bị bực tức, mặc dù chính người đó đã từ chức. Nếu người đó không bị khai trừ, nhưng các trưởng lão thấy người đó bị buồn nản, họ có thể lấy lòng yêu thương mà giúp đỡ anh (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:14). Họ nên giúp anh ý thức rằng hội-thánh cần đến anh. Mặc dù anh cần phải được khuyên bảo, nếu anh là người khiêm nhường và biết ơn thì có lẽ không phải đợi lâu để nhận được trở lại các đặc ân phụng sự nhiều hơn nữa trong hội-thánh.
21. Ai đã từng chờ đợi để nhận được đặc ân phụng sự, và ngày nay có lời đề nghị nào dành cho những người chờ đợi các đặc ân?
21 Nếu bạn mong ước phục vụ, bạn có lẽ phải đợi một thời gian trước khi nhận được thêm các đặc ân phụng sự. Chớ nóng nảy. Môi-se đã chờ đợi 40 năm trước khi Đức Chúa Trời dùng ông để giải cứu dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi vòng nô lệ của xứ Ê-díp-tô (Công-vụ các Sứ-đồ 7:23-36). Trước khi được bổ nhiệm làm người kế vị Môi-se, Giô-suê đã lâu năm làm người phụ tá cho Môi-se (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:11; Dân-số Ký 27:15-23). Đa-vít đã chờ đợi một thời gian trước khi lên ngôi cai trị dân Y-sơ-ra-ên (II Sa-mu-ên 2:7; 5:3). Phi-e-rơ và Giăng Mác dường như đã phải trải qua các giai đoạn tinh luyện (Ma-thi-ơ 26:69-75; Giăng 21:15-19; Công-vụ các Sứ-đồ 13:13; 15:36-41; Cô-lô-se 4:10). Vậy nếu bạn bây giờ không có nhiệm vụ gì trong hội-thánh, Đức Giê-hô-va có lẽ để cho bạn được uốn nắn hầu rút tỉa kinh nghiệm nhiều hơn. Dù sao đi nữa, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời trong khi bạn mong ước phục vụ, và Ngài có thể ban phước bạn, cho bạn có thêm đặc ân phụng sự. Trong khi chờ đợi, hãy siêng năng làm việc để hội đủ điều kiện hầu nhận lãnh các trách nhiệm trong hội-thánh và hãy biểu lộ tâm thần của Đa-vít, ông tuyên bố: “Miệng tôi sẽ đồn ra sự ngợi-khen Đức Giê-hô-va; nguyện cả loài xác-thịt chúc-tụng danh thánh của Ngài, cho đến đời đời vô-cùng” (Thi-thiên 145:21).
Bạn sẽ trả lời sao?
◻ Các trưởng lão tín đồ đấng Christ nên đề phòng chống lại các nguy hiểm nào?
◻ Điều gì có thể giúp những người không mong ước phục vụ vì cớ sự lo lắng hay cảm nghĩ không đủ khả năng?
◻ Điều gì có thể thúc đẩy một người sẵn lòng gánh lấy trách nhiệm trong hội-thánh?
◻ Một người trước kia là trưởng lão hay tôi tớ chức vụ nên có thái độ nào hướng về tương lai?
[Hình nơi trang 19]
Anh W.J. Thorn đặt ra một gương tốt của một trưởng lão khiêm nhường
[Hình nơi trang 21]
Giống như Giê-su, bạn có muốn làm bất cứ điều gì có thể được trong công việc phụng sự Đức Giê-hô-va không?