Hãy “trang-sức bằng khiêm-nhường”
“Đức Chúa Trời chống-cự kẻ kiêu-ngạo, mà ban ơn cho kẻ khiêm-nhường”.—1 PHI-E-RƠ 5:5.
1, 2. Hai khuynh hướng tâm thần trái ngược nhau nào có tác dụng sâu đậm đến cách cư xử của loài người?
TRONG số những khuynh hướng của tâm thần, Lời Đức Chúa Trời gợi chúng ta chú ý đến hai khuynh hướng trái ngược nhau. Cả hai đều có tác dụng sâu đậm đến cách cư xử của loài người. Một khuynh hướng được miêu tả là “khiêm-nhường”. (1 Phi-e-rơ 5:5) Một tự điển định nghĩa “khiêm nhường” là “tư cách hoặc tâm thần nhún nhường: không kiêu ngạo tự tin”. Khiêm nhường đồng nghĩa với nhún nhường, và theo quan điểm của Đức Chúa Trời, đây là một đức tính rất đáng chuộng.
2 Ngược lại với khiêm nhường là kiêu ngạo. Tính này được định nghĩa là “tự đánh giá quá cao”, “khinh rẻ” người khác. Đó là chỉ nghĩ đến mình, và tìm kiếm những mối lợi vật chất, ích kỷ, và những điều khác bất chấp hiệu quả bất lợi cho người khác. Kinh Thánh ghi lại một hậu quả: “Người nầy cai-trị trên người kia mà làm tai hại cho người ấy”. Kinh Thánh nói về sự kiện “người nầy kẻ khác ganh-ghét nhau” như là “theo luồng gió thổi” bởi vì lúc chết “chẳng có vật gì tay mình đem theo được”. Sự kiêu ngạo như thế rất đáng ghét theo quan điểm Đức Chúa Trời.—Truyền-đạo 4:4; 5:15; 8:9.
Tinh thần thịnh hành của thế gian
3. Tinh thần nào thịnh hành trên thế gian?
3 Trong hai khuynh hướng tâm thần, cái nào biểu thị đặc tính của thế gian ngày nay? Tinh thần nào thịnh hành trên thế gian? Sách World Military and Social Expenditures 1996 ghi: “Không thế kỷ nào được ghi lại là có sự bạo động man rợ bằng thế kỷ 20”. Sự cạnh tranh quyền lực chính trị và kinh tế—cũng như sự ganh đua của quốc gia, tôn giáo, bộ lạc và sắc tộc—đã giết hại hơn 100 triệu người trong thế kỷ này. Thái độ ích kỷ trên bình diện cá nhân cũng đã gia tăng. Tờ Chicago Tribune nói: “Chứng bệnh xã hội bao gồm sự hung bạo vô ý thức, bạo hành trẻ con, ly dị, say sưa, AIDS, thanh thiếu niên tự tử, ma túy, băng đảng, hiếp dâm, nạn đẻ con hoang, phá thai, tài liệu khiêu dâm,... nói dối, gian lận, tham nhũng chính trị... Những khái niệm đạo đức đúng và sai đã bị tiêu hủy”. Vì vậy, tạp chí UN Chronicle báo trước: “Xã hội đang tan rã”.
4, 5. Tinh thần thế gian được miêu tả cách chính xác trong lời tiên tri của Kinh Thánh về thời kỳ chúng ta như thế nào?
4 Những tình trạng này xảy ra trên khắp thế giới, y như lời Kinh Thánh đã báo trước về thời kỳ chúng ta: “Trong ngày sau-rốt, sẽ có những thời-kỳ khó-khăn. Vì người ta đều tư-kỷ, tham tiền, khoe-khoang, xấc-xược, hay nói xấu, nghịch cha mẹ, bội-bạc, không tin-kính, vô-tình, khó hòa-thuận, hay phao-vu, không tiết-độ, dữ-tợn, thù người lành, lường thầy phản bạn, hay nóng giận, lên mình kiêu-ngạo”.—2 Ti-mô-thê 3:1-4.
5 Đó là lời miêu tả chính xác về tinh thần thịnh hành của thế gian này. Một thái độ ích kỷ chỉ nghĩ đến mình. Sự cạnh tranh giữa cá nhân phản ảnh sự cạnh tranh giữa các nước. Thí dụ, trong những cuộc tranh giải thể thao, nhiều lực sĩ muốn mình là nhất, bất chấp điều đó có thể làm tổn hại người khác về tình cảm hoặc ngay cả thể xác. Con cái được khuyến khích có tinh thần ích kỷ này, và tiếp tục biểu lộ trong nhiều khía cạnh của đời sống khi lớn lên. Điều đó dẫn đến hậu quả là có “thù-oán, tranh-đấu, ghen-ghét, buồn-giận, cãi-lẫy, bất-bình”.—Ga-la-ti 5:19-21.
6. Ai đẩy mạnh tính ích kỷ, và Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về tinh thần này?
6 Kinh Thánh cho biết tinh thần ích kỷ của thế gian này phản ảnh tinh thần của kẻ “gọi là ma-quỉ và Sa-tan, dỗ-dành cả thiên-hạ”. Nói về ảnh hưởng của Sa-tan trên những người sống trong những ngày sau rốt khó khăn này, Kinh Thánh báo trước: “Khốn-nạn cho đất... vì ma-quỉ biết thì-giờ mình còn chẳng bao nhiêu, nên giận hoảng mà đến cùng các ngươi”. (Khải-huyền 12:9-12) Vì vậy hắn và các quỉ hợp tác với hắn đã tăng cường nỗ lực để đẩy mạnh tinh thần ích kỷ trong gia đình nhân loại. Và Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về thái độ đó? Lời Ngài nói: “Phàm ai có lòng kiêu-ngạo lấy làm gớm-ghiếc cho Đức Giê-hô-va”.—Châm-ngôn 16:5.
Đức Giê-hô-va ở với người khiêm nhường
7. Đức Giê-hô-va xem những người khiêm nhường như thế nào, và Ngài dạy họ điều gì?
7 Mặt khác, Đức Giê-hô-va ban phước cho những người khiêm nhường. Trong một bài hát cho Đức Giê-hô-va, Vua Đa-vít nói: “Chúa cứu dân bị khốn-khổ [“dân khiêm nhường”, NW]; nhưng mắt Chúa coi chừng kẻ kiêu-căng đặng làm chúng nó bị hạ xuống”. (2 Sa-mu-ên 22:1, 28) Vì vậy Lời Đức Chúa Trời khuyên: “Hỡi các ngươi là mọi kẻ nhu-mì của đất,... hãy tìm-kiếm Đức Giê-hô-va, tìm-kiếm sự công-bình, tìm-kiếm sự nhu-mì, hoặc-giả các ngươi sẽ được giấu-kín trong ngày thạnh-nộ của Đức Giê-hô-va”. (Sô-phô-ni 2:3) Những người khiêm nhường tìm kiếm Đức Giê-hô-va được Ngài dạy để vun trồng một tinh thần khác hẳn với tinh thần thế gian này. “Ngài... chỉ-dạy con đường Ngài cho người nhu-mì”. (Thi-thiên 25:9; Ê-sai 54:13) Đó là đường lối yêu thương. Nó căn cứ trên việc làm điều đúng dựa theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Theo Kinh Thánh, tình yêu thương theo nguyên tắc của Đức Chúa Trời thì “chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu-ngạo... chẳng kiếm tư-lợi”. (1 Cô-rinh-tô 13:1-8) Tình yêu thương này cũng được biểu lộ qua tính khiêm nhường.
8, 9. (a) Tình yêu thương theo nguyên tắc bắt nguồn từ đâu? (b) Việc noi theo tình yêu thương và tính khiêm nhường mà Chúa Giê-su biểu lộ quan trọng như thế nào?
8 Phao-lô và các tín đồ Đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất đã học loại yêu thương này qua sự dạy dỗ của Chúa Giê-su. Và Chúa Giê-su học được qua Cha ngài, Đức Giê-hô-va, Đấng mà Kinh Thánh nói: “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”. (1 Giăng 4:8) Chúa Giê-su biết rằng Đức Chúa Trời muốn ngài sống theo luật pháp yêu thương, và ngài đã làm điều đó. (Giăng 6:38) Vì thế ngài có lòng trắc ẩn đối với những người bị áp bức, người nghèo và người có tội. (Ma-thi-ơ 9:36) Ngài nói với họ: “Hỡi những kẻ mệt-mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên-nghỉ. Ta có lòng nhu-mì, khiêm-nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh-hồn các ngươi sẽ được yên-nghỉ”.—Ma-thi-ơ 11:28, 29.
9 Chúa Giê-su chỉ cho các môn đồ ngài thấy tầm quan trọng của việc noi theo lòng yêu thương và tính khiêm nhường của ngài khi nói với họ: “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên-hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn-đồ ta”. (Giăng 13:35) Họ sẽ nổi bật vì tách rời khỏi thế gian ích kỷ này. Vì vậy Chúa Giê-su có thể nói về các môn đồ ngài: “Họ không thuộc về thế-gian”. (Giăng 17:14) Không, họ không bắt chước tinh thần kiêu căng, ích kỷ của thế gian Sa-tan. Thay vì vậy, họ noi theo tinh thần yêu thương và khiêm nhường mà Chúa Giê-su đã biểu lộ.
10. Đức Giê-hô-va làm gì cho những người khiêm nhường thời nay?
10 Lời Đức Chúa Trời báo trước rằng trong những ngày sau rốt này, những người khiêm nhường sẽ được nhóm lại trong một xã hội khắp đất dựa trên tình yêu thương và sự khiêm nhường. Vì vậy, giữa một thế giới càng ngày càng trở nên tự cao, dân tộc của Đức Giê-hô-va biểu lộ một thái độ khác hẳn—khiêm nhường. Những người này nói: “Chúng ta hãy lên núi Đức Giê-hô-va [sự thờ phượng thật được nâng cao của Ngài],... Ngài sẽ dạy chúng ta về đường-lối Ngài, chúng ta sẽ đi trong các nẻo Ngài”. (Ê-sai 2:2, 3) Nhân Chứng Giê-hô-va hợp thành xã hội này trên khắp đất đi trong đường của Đức Chúa Trời. Số người này ngày càng tăng, bao gồm “vô-số người, không ai đếm được, bởi mọi nước, mọi chi-phái, mọi dân-tộc, mọi tiếng mà ra”. (Khải-huyền 7:9) Đám đông này giờ đây lên đến hàng triệu người. Làm thế nào Đức Giê-hô-va dạy họ tính khiêm nhường?
Tập tính khiêm nhường
11, 12. Tôi tớ của Đức Chúa Trời biểu lộ tính khiêm nhường như thế nào?
11 Thánh linh Đức Chúa Trời hoạt động trên dân tộc tự nguyện của Ngài để giúp họ học cách khắc phục tinh thần xấu xa của thế gian và rồi biểu lộ bông trái thánh linh. Bông trái này là “lòng yêu-thương, sự vui-mừng, bình-an, nhịn-nhục, nhân-từ, hiền-lành, trung-tín, mềm-mại, tiết-độ”. (Ga-la-ti 5:22, 23) Để giúp họ phát triển những đức tính này, tôi tớ của Đức Chúa Trời được khuyên “chớ tìm-kiếm danh-vọng giả-dối mà trêu-chọc nhau và ghen-ghét nhau”. (Ga-la-ti 5:26) Tương tự như vậy, sứ đồ Phao-lô nói: “Tôi nói với mỗi người trong anh em chớ có tư-tưởng cao quá lẽ, nhưng phải có tâm-tình tầm-thường”.—Rô-ma 12:3.
12 Lời Đức Chúa Trời nói với tín đồ thật của Đấng Christ “chớ làm sự chi vì lòng tranh-cạnh hoặc vì hư-vinh, nhưng hãy khiêm-nhường, coi người khác [tôi tớ Đức Chúa Trời] như tôn-trọng hơn mình. Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa”. (Phi-líp 2:3, 4) “Chớ ai tìm lợi riêng cho mình, nhưng ai nấy hãy tìm cho kẻ khác”. (1 Cô-rinh-tô 10:24) Đúng vậy, “tình yêu thương xây dựng” người khác bằng lời nói và hành động bất vị kỷ. (1 Cô-rinh-tô 8:1, NW) Tình yêu thương khuyến khích sự hợp tác, chứ không cạnh tranh. Phải loại trừ tinh thần ích kỷ trong vòng tôi tớ của Đức Giê-hô-va.
13. Tại sao chúng ta phải học tính khiêm nhường, và một người học đức tính này như thế nào?
13 Tuy nhiên, vì sự bất toàn di truyền, chúng ta sinh ra không sẵn có tính khiêm nhường. (Thi-thiên 51:5) Đức tính này cần phải được tập luyện. Điều này có lẽ khó cho những người không được dạy theo đường lối của Đức Giê-hô-va từ nhỏ nhưng sau này mới chấp nhận đường lối đó. Họ đã có những cá tính dựa theo thái độ của thế gian cũ này. Vì vậy họ phải tập “bỏ cách ăn nết ở ngày trước, thoát lốt người cũ” và “mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công-bình và sự thánh-sạch của lẽ thật”. (Ê-phê-sô 4:22, 24) Với sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời, những người thành thật có thể làm những điều Ngài bảo họ: “Hãy có lòng thương-xót. Hãy mặc lấy sự nhân-từ, khiêm-nhượng, mềm-mại, nhịn-nhục”.—Cô-lô-se 3:12.
14. Chúa Giê-su phản đối việc tự nâng mình lên như thế nào?
14 Môn đồ của Chúa Giê-su phải học đức tính này. Họ là những người trưởng thành khi trở thành môn đồ ngài và có phần nào tinh thần cạnh tranh của thế gian. Khi mẹ của hai môn đồ đến xin cho con mình được chức cao, Chúa Giê-su nói: “Các vua dân ngoại thì ép dân phải phục mình, còn các quan lớn thì lấy quyền-thế mà trị dân. Trong các ngươi thì không như vậy; trái lại, trong các ngươi, kẻ nào muốn làm lớn, thì sẽ làm đầy-tớ các ngươi; còn kẻ nào muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi-mọi các ngươi. Ấy vậy, Con người [Chúa Giê-su] đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người”. (Ma-thi-ơ 20:20-28) Khi Chúa Giê-su bảo các môn đồ không nên dùng chức tước để nâng mình lên, ngài nói thêm: “Các ngươi hết thảy đều là anh em”.—Ma-thi-ơ 23:8.
15. Những người mong muốn được làm giám thị nên có thái độ nào?
15 Một môn đồ thật của Chúa Giê-su phải là một tôi tớ, đúng vậy, một nô lệ cho các anh em tín đồ Đấng Christ. (Ga-la-ti 5:13) Điều này đặc biệt đúng cho những người muốn hội đủ điều kiện để làm giám thị trong hội thánh. Họ không bao giờ nên cạnh tranh địa vị hoặc quyền hành, họ không nên “làm chủ trên những kẻ được giao cho nhưng làm gương cho cả bầy”. (1 Phi-e-rơ 5:3, Bản Dịch Mới) Quả thật, tinh thần tìm kiếm tư lợi là dấu hiệu cho thấy một người không đủ tư cách làm giám thị. Người như thế làm hại cho hội thánh. Đành rằng “vươn tới nhiệm vụ giám thị” là điều đúng, nhưng ước muốn này phải bắt nguồn từ việc mong muốn phụng sự những tín đồ Đấng Christ khác. Chức vụ này không phải là một địa vị cao sang hay quyền thế, vì những người làm giám thị phải ở trong số những người khiêm nhường nhất hội thánh.—1 Ti-mô-thê 3:1, 6, NW.
16. Tại sao Lời Đức Chúa Trời lên án Đi-ô-trép?
16 Sứ đồ Giăng gợi chúng ta chú ý đến một người đã có quan điểm sai, ông nói: “Tôi đã viết mấy chữ cho Hội-thánh rồi, nhưng Đi-ô-trép là kẻ ưng đứng đầu Hội-thánh không muốn tiếp-rước chúng ta”. Người này đã đối xử bất kính với người khác để cố nâng địa vị của chính mình. Nhưng thánh linh của Đức Chúa Trời đã khiến cho Giăng ghi lại trong Kinh Thánh lời tố cáo Đi-ô-trép bởi vì thái độ ích kỷ của hắn.—3 Giăng 9, 10.
Thái độ đúng
17. Phi-e-rơ, Phao-lô và Ba-na-ba đã tỏ tính khiêm nhường như thế nào?
17 Trong Kinh Thánh có nhiều gương về thái độ đúng, về tinh thần khiêm nhường. Khi Phi-e-rơ vào nhà Cọt-nây, ông “phục dưới chân [Phi-e-rơ] mà lạy”. Nhưng thay vì chấp nhận sự ngưỡng mộ đó, “Phi-e-rơ đỡ người dậy, nói rằng: Ngươi hãy đứng dậy, chính ta cũng chỉ là người mà thôi”. (Công-vụ các Sứ-đồ 10:25, 26) Khi Phao-lô và Ba-na-ba ở Lít-trơ, Phao-lô chữa lành một người bị què từ thuở mới sinh. Kết quả là đám đông cho rằng những sứ đồ này là thần. Tuy nhiên, Phao-lô và Ba-na-ba “bèn xé áo mình, sấn vào giữa đám đông, mà kêu lên rằng: Hỡi các bạn, sao làm điều đó? Chúng ta chỉ là loài người, giống như các ngươi”. (Công-vụ các Sứ-đồ 14:8-15) Những tín đồ Đấng Christ khiêm nhường này đã không chấp nhận sự tôn vinh của loài người.
18. Để tỏ sự khiêm nhường, một thiên sứ mạnh mẽ nói gì với Giăng?
18 Khi sứ đồ Giăng được “sự mặc-thị của Đức Chúa Jêsus-Christ”, thì sự hiện thấy này được truyền bởi một thiên sứ. (Khải-huyền 1:1) Bởi vì sức mạnh của một thiên sứ, chúng ta có thể hiểu tại sao Giăng kinh sợ, vì một thiên sứ đã tiêu diệt 185.000 người A-si-ri trong một đêm. (2 Các Vua 19:35) Giăng kể: “Khi nghe và thấy đoạn, tôi sấp mình xuống dưới chân thiên-sứ đã tỏ những điều ấy cho tôi, để thờ-lạy. Song người phán rằng: Chớ làm vậy! Ta là bạn tôi-tớ với ngươi, với anh em ngươi... Hãy thờ-phượng Đức Chúa Trời!” (Khải-huyền 22:8, 9) Vị thiên sứ mạnh mẽ này quả là khiêm nhường!
19, 20. Hãy nêu ra những điểm khác nhau giữa tính kiêu ngạo của các tướng La Mã khi chiến thắng với tính khiêm nhường của Chúa Giê-su.
19 Chúa Giê-su là đấng đã nêu gương mẫu tốt nhất về tính khiêm nhường. Ngài là Con độc sanh của Đức Chúa Trời, Vua tương lai của Nước Trời. Khi xuất hiện trước công chúng trong địa vị đó, ngài không làm như các tướng chiến thắng trong thời La Mã đã làm. Họ đã có diễu hành—đám rước—ngồi trên xe trang hoàng bằng vàng và ngà voi, kéo bởi ngựa trắng, hoặc ngay cả voi, sư tử, hay cọp. Trong đám rước, các nhạc công hát những bài ca chiến thắng, cùng với những xe chở đầy chiến lợi phẩm và những xe diễu hành lớn trưng bày những cảnh tượng chiến tranh. Cũng có những vua, hoàng tử, và quan tướng, cùng gia đình họ bị bắt và thường bị lột lõa lồ để hạ nhục họ. Những buổi diễu hành này sặc mùi kiêu ngạo, tự cao.
20 Điều này khác hẳn với cách Chúa Giê-su cho người ta thấy về mình. Ngài sẵn sàng khiêm nhường vâng phục để làm ứng nghiệm lời tiên tri nói về ngài. Lời tiên tri báo trước: “Nầy, Vua ngươi đến cùng ngươi, Ngài là công-bình và ban sự cứu-rỗi nhu-mì [“khiêm nhường”, NW] và cỡi lừa”. Ngài khiêm nhường cưỡi trên con vật dùng để chở gánh nặng, chứ không phải trên chiếc xe được kéo bởi những thú vật diễu hành lộng lẫy. (Xa-cha-ri 9:9; Ma-thi-ơ 21:4, 5) Những người khiêm nhường vui mừng biết bao khi Chúa Giê-su sẽ là Vua mình. Ngài được Đức Giê-hô-va bổ nhiệm làm Vua trên khắp đất trong thế giới mới. Ngài là đấng thật sự khiêm nhường, đầy yêu thương, trắc ẩn và thương xót!—Ê-sai 9:5, 6; Phi-líp 2:5-8.
21. Tính khiêm nhường không biểu hiện điều gì?
21 Sự kiện Chúa Giê-su, Phi-e-rơ, Phao-lô và những người có đức tin thời xưa có tính khiêm nhường đã đánh tan đi ý tưởng cho rằng khiêm nhường là yếu đuối. Thay vì vậy, tính này cho thấy họ có nghị lực, vì những người này đã can đảm và sốt sắng. Với sức mạnh tinh thần và đạo đức, họ chịu đựng những thử thách nghiêm trọng. (Hê-bơ-rơ, chương 11) Và ngày nay, khi tôi tớ của Đức Giê-hô-va khiêm nhường, họ cũng có sức mạnh tương tự như thế bởi vì Đức Chúa Trời hỗ trợ người khiêm nhường bằng thánh linh mạnh mẽ của Ngài. Vì vậy chúng ta được khuyên: “Hết thảy đối-đãi với nhau phải trang-sức bằng khiêm-nhường; vì Đức Chúa Trời chống-cự kẻ kiêu-ngạo, mà ban ơn cho kẻ khiêm-nhường. Vậy, hãy hạ mình xuống dưới tay quyền-phép của Đức Chúa Trời, hầu cho đến kỳ thuận-hiệp Ngài nhắc anh em lên”.—1 Phi-e-rơ 5:5, 6; 2 Cô-rinh-tô 4:7.
22. Bài tới sẽ bàn luận về gì?
22 Có khía cạnh tích cực khác của tính khiêm nhường mà tôi tớ của Đức Chúa Trời cần phải luyện tập. Khía cạnh này góp phần cho việc xây dựng tinh thần yêu thương và hợp tác trong các hội thánh. Thật vậy, đó là một thành phần thiết yếu của tính khiêm nhường. Bài tới sẽ bàn luận về điều này.
Để ôn lại
◻ Hãy miêu tả tinh thần thịnh hành của thế gian này.
◻ Đức Giê-hô-va ưa thích những người khiêm nhường như thế nào?
◻ Tại sao phải học tính khiêm nhường?
◻ Kinh Thánh cho biết gương của những người nào đã biểu lộ tính khiêm nhường?
[Hình nơi trang 15]
Thiên sứ nói với Giăng: “Chớ làm vậy! Ta là bạn tôi-tớ với ngươi”