Bạn có thể chiến đấu với Sa-tan và giành chiến thắng!
“Hãy chống lại [Sa-tan], hãy giữ vững đức tin”.—1 PHI 5:9.
1. (a) Tại sao việc chúng ta chiến đấu với Sa-tan lại đặc biệt quan trọng ngày nay? (b) Làm sao chúng ta biết mình có thể thắng trong trận chiến với Sa-tan?
Sa-tan đang tranh chiến với những người được xức dầu còn sót lại và “các chiên khác” (Giăng 10:16). Mục đích của Kẻ Quỷ Quyệt là cắn nuốt được càng nhiều càng tốt các tôi tớ của Đức Giê-hô-va trong thời gian ngắn ngủi còn lại của hắn. (Đọc Khải huyền 12:9, 12). Chúng ta có thể thắng trong trận chiến chống lại Sa-tan không? Có! Kinh Thánh nói: “Hãy chống lại Kẻ Quỷ Quyệt, thì hắn sẽ lánh xa anh em”.—Gia 4:7.
2, 3. (a) Làm thế nào ý tưởng cho rằng Sa-tan không hiện hữu lại giúp hắn đạt mục tiêu? (b) Vì sao bạn biết Sa-tan có thật?
2 Nhiều người chế giễu ý tưởng cho rằng Sa-tan hiện hữu. Với họ, Sa-tan và các ác thần là những nhân vật tưởng tượng trong các tiểu thuyết, phim kinh dị và trò chơi điện tử. Họ cho rằng chẳng có người thông minh nào lại đi tin vào các tà thần. Nhưng bạn nghĩ là Sa-tan có cảm thấy bực bội khi hắn và các ác thần theo phe hắn bị đẩy lùi vào thế giới huyền thoại không? Hiển nhiên là không! Suy cho cùng, thật dễ dàng để Sa-tan làm mù tâm trí của những người nghi ngờ sự hiện hữu của hắn (2 Cô 4:4). Việc Sa-tan cổ vũ ý tưởng cho rằng không hề có ác thần là một trong nhiều cách hắn dùng để lừa gạt người ta.
3 Là tôi tớ của Đức Giê-hô-va, chúng ta không nằm trong số những người bị lừa gạt. Chúng ta biết Kẻ Quỷ Quyệt là một thần linh có thật, vì chính hắn đã nói chuyện với Ê-va qua một con rắn (Sáng 3:1-5). Sa-tan đã sỉ nhục Đức Giê-hô-va trong trường hợp của Gióp (Gióp 1:9-12). Chính Sa-tan đã cố cám dỗ Chúa Giê-su (Mat 4:1-10). Sau khi Nước Đức Chúa Trời ra đời vào năm 1914, chính Sa-tan đã bắt đầu “gây chiến” với những người được xức dầu còn sót lại (Khải 12:17). Cuộc chiến này chưa chấm dứt vì Sa-tan vẫn đang cố hủy hoại đức tin của những người còn sót lại trong số 144.000 người và các chiên khác. Để thắng trận chiến đó, chúng ta phải chống lại Sa-tan và tiếp tục giữ vững đức tin. Bài này sẽ thảo luận ba cách để làm thế.
TRÁNH XA SỰ KIÊU NGẠO
4. Sa-tan cho thấy mình là một kẻ đầy kiêu ngạo như thế nào?
4 Sa-tan không có một chút khiêm nhường nào. Việc một tạo vật thần linh dám cả gan thách thức quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va và tự lập mình lên làm thần đối địch với ngài là một ví dụ điển hình của tính kiêu ngạo và tự phụ. Vì vậy, một cách để chúng ta chống lại Sa-tan là tránh xa sự kiêu ngạo và vun trồng sự khiêm nhường. (Đọc 1 Phi-e-rơ 5:5). Nhưng sự kiêu ngạo là gì? Nó khác với sự tự hào như thế nào?
5, 6. (a) Tự hào có gì sai không? Hãy giải thích. (b) Kiêu ngạo là gì và những ví dụ nào trong Kinh Thánh cho thấy sự kiêu ngạo rất nguy hiểm?
5 Sự tự hào được hiểu là hãnh diện về cái tốt đẹp mà mình hoặc những người thân thiết có hoặc đạt được. Điều này không có gì là sai. Sứ đồ Phao-lô nói với các tín đồ ở Tê-sa-lô-ni-ca: “Chúng tôi hãnh diện về anh em trong các hội thánh của Đức Chúa Trời vì sự chịu đựng và đức tin của anh em trước mọi sự ngược đãi và hoạn nạn mà anh em đang chịu” (2 Tê 1:4). Như vậy, cảm thấy vui về việc người khác làm, thậm chí tự hào về bản thân đến một mức nào đó vẫn có thể là lành mạnh. Chúng ta không có lý do nào để xấu hổ về gia đình, văn hóa hay nơi mình lớn lên.—Công 21:39.
6 Mặt khác, sự kiêu ngạo có thể làm xói mòn mối quan hệ của chúng ta với người khác và gây tổn hại tình bạn của chúng ta với Đức Giê-hô-va. Tính cách này có thể khiến chúng ta bực tức trước lời khuyên cần thiết và khước từ thay vì khiêm nhường chấp nhận lời khuyên đó (Thi 141:5). Một từ điển định nghĩa sự kiêu ngạo là “tự cho mình là hơn người khác, sinh ra coi thường những người khác”. Đức Giê-hô-va ghét sự kiêu ngạo (Ê-xê 33:28; A-mốt 6:8). Nhưng hẳn Sa-tan rất vui khi thấy nhân loại bắt chước tính kiêu căng của hắn qua việc khoác lác về bản thân. Hãy hình dung Sa-tan vui thế nào trước sự khoác lác của những người như Nim-rốt, Pha-ra-ôn và Áp-sa-lôm, tất cả đều là nạn nhân của sự kiêu ngạo! (Sáng 10:8, 9, NW; Xuất 5:1, 2; 2 Sa 15:4-6). Cũng vì tự cao mà Ca-in bị sa ngã. Dù được chính Đức Chúa Trời khuyên bảo nhưng ông tự cao đến mức từ chối sửa sai. Ông đã ngoan cố lờ đi sự cảnh báo của Đức Giê-hô-va và lao đầu vào tai họa.—Sáng 4:6-8.
7, 8. (a) Phân biệt chủng tộc là gì, và nó liên quan thế nào đến sự kiêu ngạo? (b) Hãy giải thích bằng cách nào sự kiêu ngạo có thể phá vỡ sự bình an trong một hội thánh.
7 Ngày nay, người ta thể hiện sự kiêu ngạo theo nhiều cách tai hại. Sự kiêu ngạo nhiều lúc đi đôi với sự phân biệt chủng tộc. Một từ điển định nghĩa sự phân biệt chủng tộc là “có thành kiến hoặc lòng hận thù đối với những người thuộc dân tộc khác” và “niềm tin cho rằng những người thuộc các dân tộc khác nhau thì có những khả năng và phẩm chất khác nhau, và một số dân tộc vốn đã vượt trội hơn hoặc thấp kém hơn những dân tộc khác”. Sự phân biệt chủng tộc dẫn đến các cuộc bạo động, chiến tranh hay thậm chí các cuộc tàn sát tập thể.
8 Tất nhiên, những điều như thế không nên xảy ra trong hội thánh đạo Đấng Ki-tô. Dù vậy những cuộc tranh cãi giữa anh em đồng đạo, đôi khi bắt nguồn từ sự kiêu ngạo, có thể vượt ngoài tầm kiểm soát. Thực tế là vấn đề này đã xảy ra với một số tín đồ vào thế kỷ thứ nhất. Vì thế, Gia-cơ đặt cho họ một câu hỏi sâu sắc: “Các cuộc xung đột và tranh đấu trong vòng anh em bắt nguồn từ đâu?” (Gia 4:1). Đúng vậy, cảm xúc thù hận và sự tự cao đã ăn sâu vào lòng có thể ảnh hưởng đến lời nói và hành động của chúng ta, gây ra nỗi đau không kể xiết cho người khác (Châm 12:18). Rõ ràng là tính kiêu ngạo có thể phá vỡ sự bình an trong một hội thánh.
9. Kinh Thánh giúp chúng ta như thế nào trong việc chống lại tinh thần phân biệt chủng tộc và những hình thức khác của sự kiêu ngạo? (Xem hình nơi đầu bài).
9 Nếu có khuynh hướng xem mình cao trọng hơn người khác, chúng ta cần nhớ rằng “phàm ai có lòng kiêu-ngạo lấy làm gớm-ghiếc cho Đức Giê-hô-va” (Châm 16:5). Chúng ta cũng cần tra xét lòng mình và tự hỏi: “Tôi có cảm thấy mình hơn những người thuộc chủng tộc, quốc gia hoặc nền văn hóa khác không?”. Nếu cảm thấy như thế, chúng ta đã lờ đi sự kiện “từ một người, [Đức Chúa Trời] làm nên muôn dân” (Công 17:26). Theo nghĩa này thì chỉ có một chủng tộc vì cả nhân loại đều có tổ tiên chung là A-đam. Vì vậy, thật vô lý khi cho rằng dân tộc này vốn đã vượt trội hơn hoặc thấp kém hơn dân tộc kia. Nếu suy nghĩ như thế, chúng ta đang để cho Sa-tan phá vỡ tình yêu thương và sự hợp nhất của tín đồ đạo Đấng Ki-tô (Giăng 13:35). Để chiến đấu với Sa-tan và giành chiến thắng, chúng ta phải kháng cự mọi hình thức của sự kiêu ngạo.—Châm 16:18.
TRÁNH HAM MÊ VẬT CHẤT VÀ TRÁNH YÊU MẾN THẾ GIAN
10, 11. (a) Tại sao chúng ta có thể dễ phát sinh lòng yêu mến thế gian? (b) Đê-ma có thể đã biểu lộ lòng yêu mến thế gian như thế nào?
10 Sa-tan là “kẻ cai trị thế gian này”, và cả thế gian đang nằm dưới quyền của hắn (Giăng 12:31; 1 Giăng 5:19). Vì vậy, phần lớn những gì thế gian này cổ vũ đều đi ngược lại với các tiêu chuẩn trong Kinh Thánh. Dĩ nhiên không phải mọi thứ của thế gian đều là xấu. Nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng Sa-tan sẽ dùng thế gian của hắn để khai thác những ham muốn của chúng ta và lôi kéo chúng ta phạm tội. Hoặc hắn sẽ cố khiến chúng ta yêu thế gian và sao lãng sự thờ phượng Đức Giê-hô-va.—Đọc 1 Giăng 2:15, 16.
11 Thực tế, lòng yêu mến thế gian đã ảnh hưởng đến một số tín đồ vào thế kỷ thứ nhất. Chẳng hạn, Phao-lô viết: “Đê-ma đã bỏ ta vì yêu thế gian này” (2 Ti 4:10). Kinh Thánh không nói cụ thể Đê-ma yêu điều gì của thế gian và khiến ông rời bỏ Phao-lô. Có thể Đê-ma đã bắt đầu yêu của cải vật chất hơn là những mục tiêu thiêng liêng. Nếu vậy Đê-ma đã bỏ lỡ những đặc ân thiêng liêng tuyệt vời. Điều đó có đáng không? Liệu thế gian có thể đem lại cho Đê-ma điều gì vượt trội hơn những ân phước mà Đức Giê-hô-va có thể ban cho ông khi là người đồng hành cùng Phao-lô?—Châm 10:22.
12. Chúng ta có thể trở thành nạn nhân của “sự cám dỗ của giàu sang” như thế nào?
12 Điều tương tự có thể xảy ra với chúng ta. Là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, việc chúng ta mong muốn chu cấp vật chất cho bản thân và gia đình là điều bình thường (1 Ti 5:8). Đức Giê-hô-va muốn chúng ta có cuộc sống thoải mái. Chúng ta có thể thấy rõ điều này khi suy ngẫm về môi trường sống tốt đẹp mà ngài cung cấp cho A-đam và Ê-va (Sáng 2:9). Nhưng Sa-tan có thể khai thác những ước muốn của chúng ta bằng “sự cám dỗ của giàu sang” (Mat 13:22). Nhiều người nghĩ rằng tiền bạc sẽ mang lại hạnh phúc cho họ hoặc của cải vật chất là chìa khóa của thành công. Nếu suy nghĩ như thế, chúng ta hoàn toàn bị lừa đảo và có thể khiến chúng ta đánh mất điều quý giá nhất mình có, đó là tình bạn với Đức Giê-hô-va. Chúa Giê-su cảnh báo các môn đồ: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh thường chủ kia. Anh em không thể vừa làm tôi Đức Chúa Trời lại vừa làm tôi tiền của” (Mat 6:24). Nếu đang làm tôi cho tiền của thì điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta đã ngưng phụng sự Đức Giê-hô-va, và đó chính là điều Sa-tan muốn! Mong sao chúng ta không bao giờ để cho tiền bạc hay những thứ mà tiền có thể mua làm lu mờ tình bạn của chúng ta với Đức Giê-hô-va. Để chiến đấu với Sa-tan, chúng ta phải duy trì một quan điểm thăng bằng về của cải vật chất.—Đọc 1 Ti-mô-thê 6:6-10.
KHÁNG CỰ SỰ GIAN DÂM
13. Thế gian này cổ vũ cái nhìn méo mó về hôn nhân và tình dục như thế nào?
13 Một cái bẫy khác của thế gian Sa-tan là sự gian dâm. Ngày nay nhiều người xem sự chung thủy trong hôn nhân, thậm chí chính việc kết hôn, là khắt khe và lỗi thời. Chẳng hạn, một nữ diễn viên nổi tiếng phát biểu: “Cả nam lẫn nữ đều không thể sống theo chế độ một vợ một chồng. Tôi không quen ai chung thủy hoặc muốn chung thủy cả”. Một nam diễn viên nói: “Tôi không biết chắc có phải thật sự bản chất của chúng ta là sống suốt đời với một ai đó không”. Sa-tan hẳn rất hài lòng khi những người nổi tiếng bôi nhọ món quà hôn nhân của Đức Chúa Trời. Chắc chắn Kẻ Quỷ Quyệt không ủng hộ sự sắp đặt về hôn nhân hoặc muốn nhìn thấy hôn nhân được thành công. Vì vậy để chiến đấu với Sa-tan và giành chiến thắng, chúng ta phải ủng hộ sự đắp đặt của Đức Chúa Trời về hôn nhân.
14, 15. Chúng ta có thể kháng cự sự gian dâm bằng cách nào?
14 Dù đã kết hôn hay còn độc thân, chúng ta phải nỗ lực rất nhiều để kháng cự mọi hình thức gian dâm. Cuộc chiến này có dễ dàng không? Không hề! Chẳng hạn, nếu còn trẻ, bạn có thể nghe bạn bè cùng trường khoe khoang về việc quan hệ tình dục bừa bãi hoặc nhắn tin sex, tức gửi những tin nhắn và hình ảnh về tình dục qua điện thoại. Đây là một hành động mà nhiều nơi xem là tương đương với phát tán tài liệu khiêu dâm trẻ em. Kinh Thánh nói: “Ai gian dâm thì xúc phạm đến chính thân thể mình” (1 Cô 6:18). Các bệnh lây qua đường tình dục đã gây ra đau khổ và chết chóc. Phần lớn những người trẻ đánh mất sự trong trắng đều nói rằng họ nuối tiếc việc mình đã làm. Trên thực tế, hệ quả của tình dục vô luân khác xa so với những gì được miêu tả trên các phương tiện giải trí, vốn thường làm cho chúng ta tin rằng việc vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời sẽ không để lại hậu quả gì. Suy nghĩ như thế khiến người ta “bị tội lỗi lừa gạt”.—Hê 3:13, Các Giờ Kinh Phụng Vụ.
15 Nếu đang đấu tranh với cám dỗ làm điều gian dâm, bạn có thể làm gì? Hãy thừa nhận điểm yếu của mình (Rô 7:22, 23). Hãy cầu nguyện với Đức Chúa Trời để có thêm sức mạnh (Phi-líp 4:6, 7, 13). Hãy tránh những tình huống có thể dẫn đến hành vi gian dâm (Châm 22:3). Khi một cám dỗ xuất hiện, hãy kháng cự nó ngay lập tức.—Sáng 39:12.
16. Chúa Giê-su đã đáp lại những cám dỗ của Sa-tan như thế nào, và chúng ta có thể học được gì từ gương của ngài?
16 Chúa Giê-su đã nêu gương xuất sắc cho chúng ta trong việc kháng cự cám dỗ. Ngài không bị lừa bởi những lời hứa của Sa-tan và cũng không mất thời gian để cân nhắc giữa lợi và hại. Thay vì vậy, ngài lập tức đáp lại bằng câu: “Có lời viết rằng”. (Đọc Ma-thi-ơ 4:4-10). Chúa Giê-su biết rõ Lời Đức Chúa Trời. Nhờ thế, ngài có thể nhanh chóng hành động và trích Kinh Thánh khi đối mặt với cám dỗ. Để chiến đấu với Sa-tan và giành chiến thắng, chúng ta không được để mình rơi vào cám dỗ làm điều gian dâm.—1 Cô 6:9, 10.
CHIẾN THẮNG NHỜ BỀN CHÍ CHỊU ĐỰNG
17, 18. (a) Trong kho vũ khí của Sa-tan còn có những vũ khí nào khác, và tại sao điều này không làm chúng ta ngạc nhiên? (b) Điều gì đang chờ đợi Sa-tan, và kết cuộc đó khích lệ bạn bền chí chịu đựng như thế nào?
17 Kiêu ngạo, ham mê vật chất và gian dâm chỉ là ba trong số các vũ khí của Sa-tan. Còn nhiều vũ khí khác nữa. Chẳng hạn, một số tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải đương đầu với sự chống đối từ người thân trong gia đình, sự chế nhạo của bạn bè cùng trường, hoặc thậm chí bị nhà cầm quyền hạn chế công việc rao giảng. Những gian khổ như thế không làm chúng ta ngạc nhiên, vì Chúa Giê-su từng cảnh báo các môn đồ: “Anh em sẽ bị mọi người thù ghét vì là môn đồ tôi, nhưng ai bền chí cho đến cuối cùng thì sẽ được cứu”.—Mat 10:22.
18 Làm thế nào chúng ta có thể chiến đấu với Sa-tan và giành chiến thắng? Chúa Giê-su nói với các môn đồ: “Nhờ bền chí chịu đựng, anh em sẽ giữ được sự sống mình” (Lu 21:19). Không có điều gì do con người làm có thể gây hại vĩnh viễn cho chúng ta. Không ai có thể lấy đi tình bạn quý giá của chúng ta với Đức Chúa Trời, trừ khi chúng ta để cho điều đó xảy ra (Rô 8:38, 39). Ngay cả cái chết của các tôi tớ Đức Giê-hô-va cũng không có nghĩa là Sa-tan chiến thắng, vì Đức Giê-hô-va bảo đảm là họ sẽ được sống lại! (Giăng 5:28, 29). Nhưng tương lai của Sa-tan thật ảm đạm. Sau khi thế gian không tin kính của hắn bị hủy diệt, Sa-tan sẽ bị quăng xuống vực sâu trong 1.000 năm (Khải 20:1-3). Khi mãn hạn Triều Đại Một Ngàn Năm của Chúa Giê-su, Sa-tan sẽ được “thả ra khỏi ngục” trong ít lâu và hắn sẽ cố lừa dối nhân loại hoàn hảo lần cuối. Sau đó, Kẻ Quỷ Quyệt sẽ bị tiêu diệt (Khải 20:7-10). Sa-tan chắc chắn sẽ đối mặt với sự diệt vong, nhưng bạn thì không! Hãy chống lại Sa-tan và giữ vững đức tin. Bạn có thể chiến đấu với Sa-tan và giành chiến thắng!