“Lời Đức Chúa Trời chúng ta còn mãi”
“Cỏ xanh cũng héo, hoa nở cũng tàn nhưng lời Đức Chúa Trời chúng ta còn mãi”.—Ê-SAI 40:8.
1, 2. (a) Đời sống sẽ ra sao nếu không có Kinh Thánh? (b) Nhờ đâu chúng ta nhận được lợi ích nhiều nhất từ Lời Đức Chúa Trời?
Hãy tưởng tượng đời sống anh chị sẽ ra sao nếu không có Kinh Thánh. Anh chị sẽ không có lời khuyên đáng tin cậy cho đời sống hằng ngày. Anh chị sẽ không có câu trả lời thỏa đáng cho những câu hỏi về Đức Chúa Trời, đời sống và tương lai. Anh chị cũng không biết trong quá khứ Đức Giê-hô-va đã đối xử thế nào với gia đình nhân loại.
2 Thật biết ơn vì chúng ta không đối mặt với tình cảnh ảm đạm như vậy! Đức Giê-hô-va đã ban cho chúng ta Lời ngài là Kinh Thánh. Ngài cũng đảm bảo là thông điệp trong sách ấy sẽ còn mãi. Sứ đồ Phi-e-rơ trích câu Ê-sai 40:8. Câu này không nói cụ thể đến Kinh Thánh, nhưng theo nguyên tắc cũng áp dụng cho cuốn sách ấy. (Đọc 1 Phi-e-rơ 1:24, 25). Dĩ nhiên, chúng ta nhận được lợi ích nhiều nhất từ Kinh Thánh nếu sách này có trong ngôn ngữ mà mình hiểu rõ. Từ lâu, những người yêu mến Lời Đức Chúa Trời đã công nhận điều ấy. Dù không phải lúc nào cũng dễ nhưng qua nhiều thế kỷ, những người thành thật đã kiên trì dịch và phân phát Kinh Thánh. Ước muốn của họ phù hợp với ý muốn của Đức Chúa Trời là “mọi loại người được cứu và hiểu biết chính xác về chân lý”.—1 Ti 2:3, 4.
3. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này? (Xem hình nơi đầu bài).
3 Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét những ví dụ cho thấy Lời Đức Chúa Trời tồn tại bất kể (1) sự thay đổi về ngôn ngữ, (2) những biến chuyển về chính trị ảnh hưởng đến ngôn ngữ thông dụng và (3) sự chống đối việc dịch Kinh Thánh. Chúng ta sẽ được lợi ích ra sao khi xem xét điều này? Lòng quý trọng của chúng ta đối với Lời Đức Chúa Trời sẽ gia tăng. Tình yêu thương của chúng ta dành cho Tác Giả của Kinh Thánh, đấng ban sách ấy vì lợi ích của chúng ta, sẽ càng sâu đậm.—Mi 4:2; Rô 15:4.
SỰ THAY ĐỔI VỀ NGÔN NGỮ
4. (a) Ngôn ngữ thay đổi ra sao qua thời gian? (b) Điều gì cho thấy Đức Chúa Trời chúng ta không thiên vị với bất cứ nhóm người nói ngôn ngữ nào, và sự thật ấy làm anh chị cảm thấy ra sao?
4 Qua thời gian, ngôn ngữ có xu hướng thay đổi. Từ và cụm từ có thể mang nghĩa hoàn toàn khác. Có lẽ anh chị nghĩ đến một số ví dụ về sự thay đổi của ngôn ngữ mình đang dùng. Điều đó cũng xảy ra với tiếng Hê-bơ-rơ và Hy Lạp, là những ngôn ngữ mà phần lớn Kinh Thánh được viết ra. Tiếng Hê-bơ-rơ và Hy Lạp thời nay khác với thời Kinh Thánh. Vì thế, hầu như bất cứ ai muốn hiểu Lời Đức Chúa Trời, kể cả những người biết tiếng Hê-bơ-rơ và Hy Lạp hiện đại, đều phải đọc một bản dịch của sách này. Một số người cảm thấy họ nên học tiếng Hê-bơ-rơ cổ và Hy Lạp cổ để có thể đọc Kinh Thánh nguyên ngữ. Tuy nhiên, điều đó cũng không mang lại lợi ích như họ tưởng.a Thật biết ơn vì hiện nay Kinh Thánh hoặc các phần của sách này đã được dịch sang gần 3.000 thứ tiếng. Rõ ràng, Đức Giê-hô-va muốn cho “mọi nước, mọi chi phái, mọi thứ tiếng” có cơ hội nhận lợi ích từ Lời ngài. (Đọc Khải huyền 14:6). Chẳng lẽ điều đó không khiến anh chị đến gần hơn với Đức Chúa Trời yêu thương và không thiên vị sao?—Công 10:34.
5. Điều gì khiến bản King James Version đáng chú ý?
5 Việc ngôn ngữ thay đổi theo thời gian cũng ảnh hưởng đến các bản dịch Kinh Thánh. Một bản dịch Kinh Thánh dễ hiểu khi mới được xuất bản, nhưng có thể mất dần hiệu quả về sau. Hãy xem ví dụ về một bản dịch trong tiếng Anh. Bản King James Version bắt đầu được xuất bản vào năm 1611. Bản này trở thành một trong những bản Kinh Thánh tiếng Anh nổi tiếng nhất, và dần có ảnh hưởng đáng kể đến tiếng Anh.b Tuy nhiên, bản này ít hướng sự chú ý đến danh Đức Chúa Trời. Bản này dùng danh “Giê-hô-va” trong vài câu Kinh Thánh. Phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ trong bản này dùng từ “CHÚA” viết hoa ở hầu hết những chỗ mà danh Đức Chúa Trời xuất hiện trong bản gốc. Những bản in sau này của King James Version cũng dùng từ “CHÚA” viết hoa ở một số câu trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. Qua cách ấy, bản này công nhận là danh Đức Chúa Trời xuất hiện trong phần được gọi là Tân ước.
6. Tại sao chúng ta biết ơn vì có được Bản dịch Thế Giới Mới?
6 Dù vậy qua nhiều thế kỷ, phần lớn ngôn từ trong bản King James Version đã cổ. Điều đó cũng xảy ra với các bản dịch ban đầu của Kinh Thánh trong những ngôn ngữ khác. Thế nên, chẳng phải chúng ta biết ơn vì có được Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới trong ngôn ngữ hiện đại sao? Trọn bộ hay từng phần của bản dịch này có trong hơn 150 ngôn ngữ, nhờ thế phần lớn dân số ngày nay có thể đọc được. Cách diễn đạt rõ ràng của bản dịch này giúp thông điệp trong Lời Đức Chúa Trời động đến lòng chúng ta (Thi 119:97). Điều đáng chú ý là Bản dịch Thế Giới Mới khôi phục danh Đức Chúa Trời vào đúng chỗ trong Kinh Thánh.
NGÔN NGỮ THÔNG DỤNG
7, 8. (a) Tại sao nhiều người Do Thái vào thế kỷ thứ ba TCN không thể hiểu phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ? (b) Bản Septuagint bằng tiếng Hy Lạp là bản nào?
7 Đôi khi, các biến chuyển về chính trị ảnh hưởng đến ngôn ngữ thông dụng vào thời điểm nào đó. Đức Chúa Trời đã lo liệu thế nào để những biến chuyển ấy không khiến Lời ngài bị lu mờ đối với người ta? Một ví dụ trong quá khứ giúp chúng ta tìm lời giải đáp. Ba mươi chín sách đầu của Kinh Thánh được người Y-sơ-ra-ên, hay người Do Thái, viết. Họ là những người đầu tiên “được giao phó thông điệp thánh của Đức Chúa Trời” (Rô 3:1, 2). Tuy nhiên, đến thế kỷ thứ ba TCN, nhiều người Do Thái không còn hiểu được tiếng Hê-bơ-rơ. Tại sao? Vì A-léc-xan-đơ Đại đế đã mở rộng đế quốc Hy Lạp ra các vùng mà ông chinh phục (Đa 8:5-7, 20, 21). Khi đế quốc rộng lớn, tiếng Hy Lạp trở thành ngôn ngữ thông dụng của nhiều người dân trong đế quốc, kể cả người Do Thái bị tản mác khắp khu vực rộng lớn này. Nhưng khi có nhiều người Do Thái nói tiếng Hy Lạp, việc hiểu phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ càng trở nên khó khăn hơn đối với phần lớn trong số họ. Giải pháp là gì?
8 Khoảng giữa thế kỷ thứ ba TCN, năm sách đầu tiên của Kinh Thánh được dịch từ tiếng Hê-bơ-rơ sang tiếng Hy Lạp. Việc dịch các sách còn lại trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ được hoàn tất vào thế kỷ thứ hai TCN. Cuốn tổng hợp các sách Kinh Thánh ấy được biết đến là bản Septuagint bằng tiếng Hy Lạp. Bản này được biết đến là bản dịch đầu tiên của toàn bộ phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ.
9. (a) Bản Septuagint và các bản dịch ban đầu khác tác động ra sao đến những người đọc Lời Đức Chúa Trời? (b) Trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, anh chị yêu thích những câu nào?
9 Bản Septuagint đóng vai trò lớn trong việc giúp người Do Thái nói tiếng Hy Lạp và những người khác có thể đọc phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Hãy hình dung họ phấn khởi đến mức nào khi nghe hoặc đọc Lời Đức Chúa Trời trong ngôn ngữ đã trở thành tiếng mẹ đẻ của họ! Với thời gian, các phần của Kinh Thánh được dịch sang những ngôn ngữ thông dụng khác như tiếng Sy-ri cổ, Gô-tích và La-tinh. Khi xem xét Kinh Thánh trong ngôn ngữ họ có thể hiểu, chắc chắn nhiều người dần có những câu Kinh Thánh yêu thích, giống như chúng ta ngày nay. (Đọc Thi thiên 119:162-165). Thật vậy, Lời Đức Chúa Trời tiếp tục tồn tại bất kể sự thay đổi về ngôn ngữ thông dụng.
SỰ CHỐNG ĐỐI VIỆC DỊCH KINH THÁNH
10. Tại sao vào thời ông John Wycliffe, đa số người ta không thể đọc Kinh Thánh?
10 Đôi khi, những thế lực rất mạnh cố khiến Kinh Thánh không đến được với dân thường. Tuy nhiên, những người có lòng thành không khuất phục trước sự chống đối như thế. Chẳng hạn, hãy xem xét một nhà thần học vào thế kỷ 14 là ông John Wycliffe. Ông tin chắc rằng mọi người phải có cơ hội đọc Lời Đức Chúa Trời. Nhưng vào thời ông, dân thường ở Anh Quốc không thể đọc Kinh Thánh. Tại sao? Một lý do là đa số người ta không thể sở hữu cuốn Kinh Thánh, vì Kinh Thánh thời đó được chép tay nên rất đắt. Hơn nữa, phần lớn người ta lại mù chữ. Dĩ nhiên, họ có thể nghe các phần đọc Kinh Thánh khi đi nhà thờ. Nhưng hẳn họ không hiểu những gì được nghe. Tại sao? Vì bản Kinh Thánh chính thức của Giáo hội (bản Vulgate) được viết bằng tiếng La-tinh. Nhưng vào thời Trung Cổ, dân thường không hiểu tiếng La-tinh. Vậy họ sẽ nhận được những báu vật quý giá trong Kinh Thánh qua cách nào?—Châm 2:1-5.
11. Bản Kinh Thánh Wycliffe có hiệu quả ra sao?
11 Năm 1382, một bản Kinh Thánh tiếng Anh được xuất bản, và bản ấy sau này được biết đến là Kinh Thánh Wycliffe. Bản này nhanh chóng được các môn đồ của ông Wycliffe mến mộ. Với ước muốn gieo Lời Đức Chúa Trời vào tâm trí của dân thường, những nhà truyền giáo lưu động, được gọi là người Lollard, đã đi bộ từ làng nọ sang làng kia trên khắp nước Anh. Họ thường đọc các câu Kinh Thánh trong bản Kinh Thánh Wycliffe cho những người họ gặp và để lại bản chép tay cho người ta. Nỗ lực của họ đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, khiến người ta lại chú ý đến Lời Đức Chúa Trời.
12. Hàng giáo phẩm cảm thấy thế nào về Wycliffe và công việc của ông?
12 Hàng giáo phẩm phản ứng thế nào? Họ tỏ ra thù ghét Wycliffe, bản Kinh Thánh của ông và các môn đồ ông. Giới lãnh đạo tôn giáo đã bắt bớ người Lollard. Họ săn lùng và thiêu hủy càng nhiều bản Kinh Thánh Wycliffe càng tốt. Thậm chí sau khi qua đời, ông Wycliffe vẫn bị tuyên bố là dị giáo. Dĩ nhiên, không thể nào trừng phạt người đã chết. Dù vậy, hàng giáo phẩm đào xương của ông lên và đốt, rồi ném tro xuống sông Swift. Nhưng Giáo hội không thể cản bước tiến của Lời Đức Chúa Trời trong vòng những người thích đọc và hiểu sách này. Vào các thế kỷ sau đó, nhiều người ở châu Âu và nơi khác trên thế giới bắt đầu đẩy mạnh việc dịch và phân phát Kinh Thánh vì lợi ích của dân thường.
“ĐẤNG DẠY DỖ CON HẦU CON ĐƯỢC ÍCH”
13. Chúng ta tin chắc điều gì, và điều này củng cố đức tin của chúng ta ra sao?
13 Tín đồ đạo Đấng Ki-tô ngày nay không nên nghĩ rằng việc dịch các bản Kinh Thánh như Septuagint, Kinh Thánh Wycliffe, King James Version hay bất cứ bản nào khác là do Đức Chúa Trời soi dẫn. Dù vậy, khi ôn lại lịch sử của những bản dịch ấy và nhiều bản khác được xuất bản, chúng ta càng tin chắc nơi sự thật này: Lời Đức Giê-hô-va tồn tại như ngài đã hứa. Chẳng phải điều này củng cố đức tin của anh chị rằng mọi lời hứa khác của Đức Giê-hô-va cũng sẽ thành hiện thực sao?—Giô-suê 23:14.
14. Làm thế nào Lời Đức Chúa Trời giúp chúng ta càng yêu thương ngài sâu đậm hơn?
14 Ngoài việc củng cố đức tin chúng ta, việc ôn lại cách mà Kinh Thánh tồn tại qua các thời đại giúp chúng ta càng yêu thương Đức Giê-hô-va sâu đậm hơn.c Suy cho cùng, tại sao ngài ban cho chúng ta Kinh Thánh? Và tại sao ngài đảm bảo là sách ấy sẽ tồn tại? Vì ngài yêu thương chúng ta và muốn dạy chúng ta làm thế nào để nhận được lợi ích. (Đọc Ê-sai 48:17, 18). Dĩ nhiên, điều thích hợp là chúng ta đáp lại tình yêu thương của Đức Giê-hô-va bằng cách yêu thương ngài và vâng theo các điều răn của ngài.—1 Giăng 4:19; 5:3.
15. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài tới?
15 Hợp lý để kết luận rằng vì quý trọng Lời Đức Chúa Trời, chúng ta muốn nhận lợi ích trọn vẹn từ sách ấy. Làm thế nào chúng ta nhận được lợi ích tối đa từ việc đọc Kinh Thánh cá nhân? Trong thánh chức, điều gì có thể giúp chúng ta hướng người ta đến Kinh Thánh? Bằng cách nào những anh dạy dỗ trên bục có thể dùng Kinh Thánh làm trọng tâm cho phần của mình? Chúng ta sẽ xem xét lời giải đáp cho các câu hỏi này trong bài tới.
a Xin xem bài “Có cần học tiếng Do Thái và Hy Lạp cổ để hiểu Kinh Thánh?” trong Tháp Canh ngày 1-11-2009.
b Người ta cho rằng một số thành ngữ tiếng Anh bắt nguồn từ bản King James Version.
c Xin xem khung “Mời bạn đến tham quan!”.