Vui thích trong lời của Đức Giê-hô-va
“Phước cho người nào... lấy làm vui-vẻ về luật-pháp của Đức Giê-hô-va” (THI-THIÊN 1:1, 2).
1. Ai được giao cho nhiệm vụ dạy kẻ khác về “những điều (Ngài) tiết lộ”?
Bởi vì “những điều (Ngài) tiết lộ” là tối quan trọng cho sự cứu rỗi của chúng ta, Đức Giê-hô-va thường giao nhiệm vụ giảng dạy lẽ thật được tiết lộ cho những người có tinh thần trách nhiệm (Phục-truyền Luật-lệ Ký 29:29). Trong Y-sơ-ra-ên các thầy tế lễ và người Lê-vi phụ trách việc đó (Lê-vi Ký 10:8-11; II Sử-ký 35:3). Các cha mẹ người Y-sơ-ra-ên cũng dạy dỗ con cái mình (Phục-truyền Luật-lệ Ký 11:19; Châm-ngôn 6:20). Trong thế kỷ thứ nhứt tây lịch, các trưởng lão đảm nhận vai trò giảng dạy tại hội-thánh các tín đồ được xức dầu, và các tín đồ có con được khuyến khích dạy dỗ con cái mình (Ê-phê-sô 6:4; I Ti-mô-thê 3:2; II Ti-mô-thê 2:2). Ngoài ra, mỗi cá nhân tín đồ đều có trách nhiệm trình bày cho người bên ngoài hội-thánh biết về các điều đã được Đức Giê-hô-va tiết lộ (Công-vụ các Sứ-đồ 1:8).
2. Trông cậy nơi người khác để dạy ta Lời của Đức Giê-hô-va có đủ không? Xin giải thích.
2 Nhưng trông cậy nơi người khác để dạy chúng ta Lời Đức Chúa Trời có đủ không? Không. Mỗi người chúng ta cũng có trách nhiệm học về “những điều (Ngài) tiết lộ”. Thế nên người viết Thi-thiên đã nói với những người Y-sơ-ra-ên: “Phước cho người nào... lấy làm vui-vẻ về luật-pháp của Đức Giê-hô-va, Và suy-gẫm luật-pháp ấy ngày và đêm” (Thi-thiên 1:1, 2). Sứ đồ Phi-e-rơ cũng khích lệ các tín hữu: “Hãy ham-thích sữa thiêng-liêng của Đạo, như trẻ con mới sanh vậy, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà được rỗi linh-hồn” (I Phi-e-rơ 2:2).
3. Vì khuynh hướng tự nhiên của nhiều người đối với việc học, họ phải làm gì?
3 Bạn xem việc học Kinh-thánh thế nào? Nếu tham gia đều đều các buổi họp chắc chắn bạn đã nghe được nhiều bài giảng rất hay dựa vào Kinh-thánh, phải không? Và nếu đã «lớn lên trong lẽ thật», như một vài người nói, chắc chắn cha mẹ bạn đã dạy bạn nhiều điều trong số “những điều (Ngài) tiết lộ”. Nhưng ngoài ra, bạn có tự học Kinh-thánh một mình không? Người viết Thi-thiên hiển nhiên rất thích lối học ấy, nhưng cá nhân bạn có lẽ cảm thấy hơi khó, phải không? Nếu thế, trường hợp của bạn không phải hiếm có. Việc sứ đồ Phi-e-rơ được soi dẫn để khích lệ anh em mình hãy “ham-thích... Đạo” khiến ta hiểu sự tự học không phải là điều tự nhiên đối với nhiều người. Nhưng chúng ta có thể tập để thích học. Thế nào?
4. Sự minh họa nào cho thấy là việc tự học có thể được biến đổi để trở nên hấp dẫn hơn?
4 Thí dụ, nếu có ai bảo bạn đào đất thành một cái lỗ sâu, bạn phản ứng thế nào? Bạn sẽ không nóng lòng muốn thi hành lệnh đó, trừ phi bạn có tính thích làm các công việc nặng nhọc. Nhưng giả thử bạn có nghe nói một kho tàng nằm dưới đất đó, thì sao? Trong trường hợp này công việc đào bới chắc sẽ không còn nặng nhọc mấy! Trái lại, việc này có lẽ đầy hăng hái, khi bạn nghĩ trước sẽ khai quật lên được kho tàng. Cũng thế, nếu tự nhiên tính bạn không thích học mấy, việc này vẫn có thể mang lại hứng thú và đầy hăng hái nữa, nếu bạn có thái độ đúng. Và có nhiều cách để phát triển thái độ này.
Vun trồng thái độ đúng
5, 6. Diễn tả một vài ân phước vô song mà ta có được nhờ Lời được tiết lộ của Đức Giê-hô-va.
5 Trước hết, ta nên luôn luôn nghĩ đến kho tàng mà ta có trong Kinh-thánh. Sứ đồ Phao-lô đã thốt lên: “Ôi! sâu-nhiệm thay là sự giàu-có, khôn-ngoan và thông-biết của Đức Chúa Trời! (Rô-ma 11:33). Các ý định của Đức Giê-hô-va dần dần được tiết lộ qua mấy ngàn năm, thật đáng cảm phục và mở đường cho chúng ta đến một hy vọng tuyệt vời và chắc chắn. Các lời khuyên của Đức Giê-hô-va ghi chép trong Kinh-thánh nếu áp dụng đều mang lại kết quả tốt (II Ti-mô-thê 3:16). Vì vậy người viết Thi-thiên nói: “Sự bày-giải lời Chúa, soi-sáng cho, Ban sự thông-hiểu cho người thật-thà” (Thi-thiên 119:130).
6 Hơn nữa, Kinh-thánh chứa đựng các tư tưởng của Đức Chúa Trời, và bởi sự thấm nhuần các tư tưởng ấy, chúng ta đến gần Ngài hơn (Gia-cơ 4:8). Chúng ta cũng có nhiệm vụ dạy người khác để đào tạo họ thành môn đồ đấng Christ (Ma-thi-ơ 28:19, 20). Bởi Kinh-thánh là dụng cụ chính của chúng ta trong công việc ấy, chúng ta cần học Kinh-thánh để có thể sử dụng khéo léo (Ê-phê-sô 6:17; II Ti-mô-thê 2:15). Sau hết, việc để đầu óc ta tràn đầy các tư tưởng Kinh-thánh sẽ là một sự bảo vệ cho chúng ta, giúp chúng ta giữ sự trung thành và tránh các sự nghi ngờ làm suy giảm đức tin và các ý tưởng sai lầm (Châm-ngôn 4:5, 6; 20:7; Phi-líp 4:8).
7, 8. Về phần “những điều (Ngài) tiết lộ”, tại sao ngày nay chúng ta được ân phước nhiều hơn những người phụng sự Đức Chúa Trời trong quá khứ?
7 Ngoài ra, ngày nay chúng ta có thể “hiệp cùng các thánh-đồ mà hiểu thấu bề rộng, bề dài, bề cao, bề sâu” của lẽ thật theo cách khác hơn những tôi tớ của Đức Chúa Trời trong quá khứ (Ê-phê-sô 3:14-18). Nhưng hãy nhớ Áp-ra-ham đã rời quê hương để đi sống dưới lều trại suốt đời mặc dù trong lúc còn sống không chứng kiến tận mắt sự thực hiện các lời hứa của Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 11:8-10). Về phần Đa-ni-ên, ông đã cầu xin được hiểu các sự hiện thấy mà ông đã được xem nhưng được trả lời: “Hỡi Đa-ni-ên, hãy đi; bởi vì những lời nầy đã đóng lại và đóng ấn cho đến kỳ cuối-cùng” (Đa-ni-ên 12:8, 9). Giờ đây, Dòng dõi mà Áp-ra-ham thời xưa mong đợi đã xuất hiện từ lâu rồi. Chúng ta hiện đang sống vào “kỳ cuối-cùng”, thời mà “những điều (Ngài) tiết lộ” gồm có thêm ý nghĩa của phần lớn các sự hiện thấy của Đa-ni-ên.
8 Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Về sự cứu-rỗi đó, các đấng tiên-tri đã tìm-tòi suy-xét, và đã nói tiên tri về ân-điển định sẵn cho anh em. Các đấng ấy đã được tỏ cho rằng chẳng phải vì mình, bèn là vì anh em mà truyền ra những điều đó, là những điều hiện nay đã rao cho anh em... Các thiên-sứ cũng ước-ao xem thấu những sự đó” (I Phi-e-rơ 1:10, 12). Vì ngày nay Đức Giê-hô-va đã soi sáng nhiều điều mà các nhà tiên tri trong quá khứ hết sức muốn hiểu, ta hẳn rất nên coi trọng các lẽ thật ấy, không nên coi thường điều ấy.
9, 10. Các thí dụ nào làm ta tán thưởng sự tự do mà đa số chúng ta có được trong việc tự học Kinh-thánh?
9 Để có thái độ đúng, ta nên nhớ một số người đã phải tranh đấu cam go thế nào hầu học hỏi Kinh-thánh. Vào thời William Tyndale, người nước Anh nào mua, bán hay đọc một bản dịch phần Kinh-thánh tiếng Hy-lạp được dịch sang tiếng nước họ bị xem như đã phạm một tội nặng. Vào thế kỷ 16, John Foxe, nhà truyền giáo thuộc phái “Thanh giáo” (Puritan), tường thuật cho biết điều gì đã xảy ra khi một người mới vào đạo Tin lành đã lén lút mang Kinh-thánh vào xứ Tây-ban-nha. Người ấy đã bị tố cáo và bị thiêu sống trên cây trụ, và 800 trong số những người đã mua Kinh-thánh của ông đã bị bắt, 20 trong số ấy bị nướng như lợn quay. Nhiều người khác thì bị tù chung thân, bị đánh bằng roi trước công chúng hay bị đày đi chèo thuyền. Chỉ có một vài người được tha.
10 Thời nay cũng thế, đôi khi các Nhân-chứng Giê-hô-va đã phải học Kinh-thánh trong nhiều tình trạng nguy hiểm cùng cực. Khi ở trong các trại tập trung hay các nhà tù, họ vẫn cố tìm cách để kiếm cho được một quyển Kinh-thánh, dù có thể bị hình phạt nặng hay bị xử tử. Một giáo sĩ, bị giam kín vì đức tin của ông, đã chép lại tất cả các câu Kinh-thánh ông nhớ được và tìm nơi các mục “tôn giáo” của các nhựt báo xem có đăng những câu Kinh-thánh lẻ tẻ không. Trong nhiều năm dài, đó là phương tiện duy nhứt để ông tiếp xúc với Kinh-thánh. Thật vậy, khi Kinh-thánh bị cấm, các tín đồ cố làm đủ mọi cách để được đọc Kinh-thánh. Chúng ta có nên tỏ ra ít hăng hái hơn trong khi đa số chúng ta chỉ cần dơ tay ra là có thể lấy được một quyển Kinh-thánh từ trên kệ?
11. Việc một số ý tưởng được lập đi lập lại trong các tạp chí có nên làm chúng ta bớt quan tâm đến việc học Kinh-thánh không?
11 Có người nói họ có thể trả lời các câu hỏi trong tạp chí Tháp Canh không mấy khó khăn vì nội dung của một số bài được lập đi lập lại. Bởi thế họ thấy không cần phải học. Các kẻ đó không biết giá trị của sự lập lại. Người viết Thi-thiên ưa thích các sự nhắc nhở của Đức Giê-hô-va, và chúng ta cũng nên bắt chước (Thi-thiên 119:119). Không nên quên là thế gian vẫn tiếp tục bủa vây tới tấp chúng ta với lối tuyên truyền đề cao khía cạnh vật chất của đời sống và các hành động vô luân. Bởi thế ta cần củng cố tinh thần mình với các lời nhắc nhở được Kinh-thánh lập đi lập lại.
Hãy cố gắng để vượt qua các khó khăn
12. Xin cho một vài ý kiến thực tiễn giúp giải quyết việc khó tìm ra thời giờ để học Kinh-thánh.
12 Thông thường một người nào có một quan niệm đúng đắn về việc học Kinh-thánh sẽ tìm ra thời giờ để học, nhưng việc này không phải lúc nào cũng dễ. Có thể có những khó khăn cần phải vượt qua. Chẳng hạn, trong đời sống bận rộn ngày nay tìm đâu ra thời giờ để tự học Kinh-thánh? Bước đầu trong việc giải quyết vấn đề đó là nhìn nhận học Kinh-thánh là việc cần thiết như việc rao giảng và việc tham dự các buổi nhóm họp (I Ti-mô-thê 4:15). Kế đến, ta có thể nghĩ đến việc xem xét thời dụng biểu hàng ngày của ta có lúc nào đó có thể dành cho việc học Kinh-thánh không. Có người học trong khi di chuyển bằng các phương tiện chuyên chở công cộng. Một số khác nghe các đoạn Kinh-thánh đã được thâu vào băng khi đang lái xe hay đang làm việc quanh quẩn trong nhà. Có người học Kinh-thánh vào giờ nghỉ trưa tại nơi làm việc, trong khi một số khác dậy sớm hơn một chút buổi sáng và học trong một thời gian ngắn trước khi bắt đầu một ngày làm việc hoặc là học vào buổi tối sau khi con cái đã đi ngủ. Nhiều khi chúng ta phải lấy bớt thời giờ dành cho các việc khác để học—có khi lấy cả thời giờ dành để nghỉ ngơi (Cô-lô-se 4:5). Nhưng nhiều người thấy là sau một thời gian họ không cần đến các hình thức giải trí khác nữa vì chính sự học đã làm họ cảm thấy thư thái rồi.
13. Những điều nào có thể giúp chúng ta tập trung tư tưởng về những gì ta đang học?
13 Có người thấy khó tập trung tư tưởng. Họ thấy khó quên được các khó khăn của đời sống hàng ngày hầu tập trung tư tưởng vào việc học Kinh-thánh. Sự cầu nguyện có thể giúp chúng ta vượt qua trở ngại đó. Trước khi bắt đầu học, tại sao không cám ơn Đức Giê-hô-va về những điều Ngài tiết lộ, và xin Ngài giúp ta tập trung tư tưởng vào các điều ấy và biết nhìn nhận giá trị đúng của chúng? (Phi-líp 4:6; II Ti-mô-thê 2:7). Một sự cầu nguyện như thế hoàn toàn phù hợp với ý định của Đức Giê-hô-va đối với chúng ta (I Giăng 5:14). Kỷ luật cá nhân cũng rất cần thiết, nhất là vào lúc đầu (I Cô-rinh-tô 9:25). Người ở Bê-rê hàng ngày xem xét Lời Đức Chúa Trời (Công-vụ các Sứ-đồ 17:10, 11). Đó là một gương sáng cho ta. Việc học Kinh-thánh đều đều không bao lâu sẽ trở nên hứng thú, và rất có thể bạn sẽ mong đến lúc được học Kinh-thánh và cảm thấy vui chứ khỏi cần phải cố gắng ép buộc thân thể bạn nữa.
14. Tại sao ta nên tự học ở một nơi yên tĩnh?
14 Ta sẽ dễ tập trung tư tưởng hơn nếu có một môi trường thuận lợi. Y-sác thường đi ra đồng khi muốn suy gẫm—tránh xa sự ồn ào nơi lều trại (Sáng-thế Ký 24:63). Đành rằng không phải ai ai trong chúng ta cũng tìm được một nơi yên tĩnh như đồng vắng để học, nhưng chúng ta thường có thể giảm thiểu các việc quanh ta có thể làm ta lơ đễnh. Học Kinh-thánh trước máy truyền hình được mở hay với âm nhạc nổi ầm ĩ gần bên sẽ rất kém bổ ích hơn—hay kém thú vị hơn—so với khi học ở một nơi yên tĩnh hơn. Không phải luôn luôn tránh được sự lơ đễnh, nhưng phần đông chúng ta chắc chắn có thể tìm được một góc nhỏ nào đó tương đối yên tĩnh để học.
15. Hãy kể một vài cách học Kinh-thánh thích thú.
15 Có lẽ có một vấn đề khác: Một số người có thể không biết học thế nào. Đặc biệt ngày nay, không phải tất cả trẻ em có đi học đều biết cách phải học thế nào ở trường, và nhiều người đã rời ghế nhà trường khá lâu có lẽ đã quên cách học. Nhưng thật ra học không có khó chi đâu. Học có thể giản dị như đọc các bài mình chú ý tới trong cuốn Aid to Bible Understanding hay cuốn New World Translation Reference Bible. Có những cách học khác là nghe các đoạn Kinh-thánh đã được ghi âm hay làm các việc sưu khảo cá nhân. Bạn có đọc lại bài trong các số Tháp Canh hay Tỉnh thức! cũ và xem qua các bài báo mà bạn đã chú ý trong quá khứ không? Đúng, đây không phải là học một cách chăm chú, nhưng điều này có thể giúp bạn tìm được vui thích nơi Lời của Đức Giê-hô-va.
16. Khi soạn bài học trong tạp chí Tháp Canh hàng tuần ta nên có mục tiêu nào?
16 Nhưng học một cách đàng hoàng, sâu rộng hơn, thí dụ khi soạn bài học trong tạp chí Tháp Canh hàng tuần thì thế nào? Với hình thức học này người học cần có một mục tiêu trong tâm trí. Loại mục tiêu nào? Trong trường hợp soạn bài Tháp Canh người học nên có ước muốn rút tỉa được lợi ích tối đa từ “đồ-ăn đúng giờ” qua trung gian “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” và cũng nên muốn giúp đỡ người khác bởi các lời bình luận của mình trong buổi nhóm họp (Ma-thi-ơ 24:45). Ta có thể làm việc này thế nào? Không có luật lệ nhứt định cho việc này, nhưng đây là một đề nghị:
17, 18. a) Hãy kể vài đề nghị về cách soạn bài học Tháp Canh hàng tuần. b) Xin cho các chỉ dẫn khác mà bạn thấy có ích cho việc tự học. (Xem phần chú thích bên đây).
17 Trước hết, đọc trọn bài từ đầu chí cuối, có lẽ ngay sau khi nhận được số Tháp Canh. Phần đọc sơ khởi này có thể sẽ không quá 20 phút, nhưng giúp cho bạn biết nội dung các điểm chính và ý chính của bài. Đến khi phải học kỹ, hãy ngồi vào bàn với quyển Kinh-thánh và một cây viết. Kế đến, hãy đọc kỹ lưỡng đoạn thứ nhứt, lưu ý các lập luận và cách trình bày ý tưởng. Hãy tra cứu các đoạn Kinh-thánh được liệt kê nhưng không được trích ra trong bài và tìm xem tại sao các câu ấy được kể ra ở đấy. Kế đó hãy đọc câu hỏi về đoạn ấy và thử xem bạn có biết trả lời không. Khi đã tìm được câu trả lời thì hãy gạch dưới một vài chữ trong đoạn vốn sẽ giúp bạn nhớ câu trả lời khi tham gia buổi Học Tháp Canh tại hội-thánh. Ngoài lề bạn cũng có thể ghi chú vắn tắt về các câu Kinh-thánh đã xem, các điểm mà bạn dự định sẽ tra cứu thêm, v.v...
18 Khi soạn xong nguyên bài bằng cách đó hãy xem các câu hỏi ôn lại trong ô vuông ở cuối bài để xem bạn có hiểu các điểm chính không. Nếu có câu nào không trả lời được thì xem lại bài để tìm câu trả lời cho chính mình. Nếu bạn soạn bài học vài ngày trước buổi Học Tháp Canh tại hội-thánh, thì vào ngày đó có lẽ nên xem sơ qua lại bài để dễ nhớ.a
Cần suy gẫm
19. Làm thế nào sự suy gẫm có thể giúp xây đắp sự yêu mến Lời Đức Giê-hô-va?
19 Nên nhớ là sự học cần kèm theo sự suy gẫm. Học mà không suy gẫm thì không khác gì ăn mà không tiêu hóa. Bởi vậy, hãy nghĩ ngợi về những gì mình đang học. Cố gắn liền điều bạn học với những gì mình biết. Điều học đây quan hệ thế nào cho cuộc sống bạn? Bạn có thể dùng sự hiểu biết đó để giúp người khác không? (Châm-ngôn 15:28). Hãy tập chú ý đến các chi tiết. Hãy nói cho người khác nghe về những gì bạn đang học, hay chia xẻ những khám phá mới của mình (Châm-ngôn 27:17). Việc này cũng giúp xây đắp niềm vui mà bạn tìm thấy trong Kinh-thánh.
20. Diễn tả lòng biết ơn sâu xa của Vua Đa-vít đối với Lời được tiết lộ của Đức Giê-hô-va.
20 Vua Đa-vít rất coi trọng Lời Đức Giê-hô-va. Ông viết: “Luật-pháp của Đức Giê-hô-va là trọn-vẹn, bổ linh-hồn lại; Sự chứng-cớ Đức Giê-hô-va là chắc-chắn, làm cho kẻ ngu-dại trở nên khôn-ngoan. Giềng-mối của Đức Giê-hô-va là ngay-thẳng, làm cho lòng vui-mừng; Điều-răn của Đức Giê-hô-va trong-sạch, làm cho mắt sáng-sủa. Sự kính-sợ Đức Giê-hô-va là trong-sạch, hằng còn đến đời đời; Các mạng-lịnh của Đức Giê-hô-va là chơn-thật, thảy đều công-bình cả. Các điều ấy quí hơn vàng, thật báu hơn vàng-ròng; Lại ngọt hơn mật, hơn nước ngọt của tàng-ong” (Thi-thiên 19:7-10).
21. Chúng ta sẽ được ân phước nào nếu phát triển được lòng yêu mến thực sự đối với “những điều (Ngài) tiết lộ”?
21 Bằng cách vâng theo lời khuyên trong bài Thi-thiên thứ nhứt và học Kinh-thánh đều đều bạn cũng sẽ phát triển được lòng yêu mến về “những điều (Ngài) tiết lộ”. Rồi việc này sẽ làm bạn vui hưởng ân phước được hứa trong bài Thi-thiên ấy cho những ai biết tìm sự vui thích trong Lời của Đức Giê-hô-va: “Người ấy sẽ như cây trồng gần dòng nước, Sanh bông trái theo thì-tiết, Lá nó cũng chẳng tàn-héo; Mọi sự người làm đều sẽ thạnh-vượng... Đức Giê-hô-va biết đường người công-bình” (Thi-thiên 1:3, 6).
[Chú thích]
a Muốn có thêm những chỉ dẫn khác về cách học và sửa soạn các bài giảng xin xem cuốn «Hướng dẫn Trường học Chức vụ Thần quyền» (Theocratic Ministry School Guidebook), xuất bản bởi Hội Tháp Canh (Watch Tower Society).
Bạn giải thích ra sao?
◻ Tại sao chỉ trông chờ người khác dạy ta Kinh-thánh là không đủ?
◻ Học Kinh-thánh chúng ta sẽ được những ân phước nào?
◻ Làm thế nào tìm ra được thời giờ để học Kinh-thánh?
◻ Xin kể một vài cách giúp chúng ta tập trung tư tưởng khi học Kinh-thánh.
◻ Khi soạn bài cho buổi Học Tháp Canh chúng ta nên có mục tiêu nào?
[Hình nơi trang 15]
Có người đã chết vì đọc Kinh-thánh.
[Hình nơi trang 16]
Chúng ta phải tìm ra thời giờ để xem xét Lời của Đức Chúa Trời tại nơi nào đó trong sự sống bận sống bận rộn của chúng ta.