“Phải ăn-ở ngay-lành giữa dân ngoại”
“Hãy kính mọi người; yêu [“cả đoàn thể”, “NW”] anh em”.—1 PHI-E-RƠ 2:17.
1, 2. (a) Một phóng viên đã nhận định thế nào về Nhân Chứng Giê-hô-va? (b) Tại sao Nhân Chứng Giê-hô-va cố gắng duy trì tiêu chuẩn đạo đức cao?
VÀI năm trước, một phóng viên ở Amarillo, Texas, Hoa Kỳ, đã viếng thăm nhà thờ của các đạo khác nhau trong vùng và tường thuật lại những ghi nhận của ông. Có một nhóm đã để lại ấn tượng sâu sắc trong trí ông. Ông nói: “Trong ba năm, tôi đã tham dự đại hội hàng năm của Nhân Chứng Giê-hô-va tại Amarillo Civic Center. Khi trà trộn vào giữa họ, tôi chưa bao giờ thấy người nào châm điếu thuốc, mở một lon bia, hay chửi tục. Họ là những người sạch sẽ nhất, tư cách đứng đắn, ăn mặc khiêm tốn và đáng mến nhất mà tôi từng gặp”. Những lời nhận xét tương tự về Nhân Chứng Giê-hô-va thường được đăng trên báo chí. Tại sao các Nhân Chứng thường được những người không cùng đức tin khen ngợi như thế?
2 Thường thường, dân Đức Chúa Trời được khen ngợi nhờ hạnh kiểm tốt của họ. Mặc dù các tiêu chuẩn đạo đức nói chung đang ngày một giảm sút, nhưng Nhân Chứng Giê-hô-va xem việc giữ tiêu chuẩn đạo đức cao là một bổn phận, một phần trong sự thờ phượng của họ. Họ biết rằng hành động của họ ảnh hưởng đến danh Đức Giê-hô-va, đến anh em tín đồ Đấng Christ, và hạnh kiểm tốt đề cao lẽ thật mà họ rao truyền. (Giăng 15:8; Tít 2:7, 8) Vì thế, chúng ta hãy xem làm thế nào chúng ta có thể giữ gìn hạnh kiểm tốt, qua đó tôn cao thanh danh Đức Giê-hô-va và các Nhân Chứng của Ngài, đồng thời chúng ta được lợi ích ra sao khi làm thế.
Gia đình tín đồ Đấng Christ
3. Các gia đình tín đồ Đấng Christ cần được che chở khỏi điều gì?
3 Hãy xem hạnh kiểm của chúng ta trong gia đình. Trong sách Die Neuen Inquisitoren: Religionsfreiheit und Glaubensneid (Những quan tòa dị giáo mới: Tự do tôn giáo và sự đố kỵ tôn giáo), hai tác giả Gerhard Besier và Erwin K. Scheuch viết: “Đối với [Nhân Chứng Giê-hô-va], gia đình cần được đặc biệt bảo vệ”. Lời phát biểu đó đúng, và ngày nay gia đình cần được che chở khỏi nhiều nguy hiểm. Có những đứa con “nghịch cha mẹ” và người lớn “vô-tình” hoặc “không tiết-độ”. (2 Ti-mô-thê 3:2, 3) Gia đình đầy những cảnh vợ chồng đánh đập nhau; cha mẹ ngược đãi, lạm dụng tình dục, hoặc bỏ bê con cái; còn con cái thì nổi loạn, hút chích, vô luân, hoặc bỏ nhà đi hoang. Mọi điều này là hậu quả ảnh hưởng tai hại của tinh thần thế gian. (Ê-phê-sô 2:1, 2) Chúng ta cần che chở gia đình khỏi tinh thần đó. Bằng cách nào? Bằng cách nghe theo lời khuyên và sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va cho các thành viên trong gia đình.
4. Các thành viên trong gia đình tín đồ Đấng Christ có trách nhiệm nào với nhau?
4 Các cặp vợ chồng tín đồ Đấng Christ hiểu rằng họ có bổn phận về mặt tình cảm, thiêng liêng và thể chất với nhau. (1 Cô-rinh-tô 7:3-5; Ê-phê-sô 5:21-23; 1 Phi-e-rơ 3:7) Cha mẹ tín đồ Đấng Christ có trọng trách đối với con cái. (Châm-ngôn 22:6; 2 Cô-rinh-tô 12:14; Ê-phê-sô 6:4) Và khi lớn lên, các em trẻ trong các gia đình tín đồ Đấng Christ biết rằng mình cũng có bổn phận. (Châm-ngôn 1:8, 9; 23:22; Ê-phê-sô 6:1; 1 Ti-mô-thê 5:3, 4, 8) Chu toàn bổn phận gia đình đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm, tình yêu thương và tinh thần hy sinh. Tuy nhiên, mọi thành viên trong gia đình càng cố gắng chu toàn bổn phận mà Đức Chúa Trời giao phó bao nhiêu, họ càng trở nên quý giá bấy nhiêu đối với gia đình và hội thánh. Quan trọng hơn nữa, họ tôn vinh Đấng Sáng Lập gia đình, Giê-hô-va Đức Chúa Trời.—Sáng-thế Ký 1:27, 28; Ê-phê-sô 3:15.
Tình anh em tín đồ Đấng Christ
5. Chúng ta gặt được những ân phước nào khi kết hợp với anh em tín đồ Đấng Christ?
5 Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta còn có trách nhiệm đối với anh em đồng đức tin trong hội thánh và nói rộng ra, với cả những người hợp thành đoàn thể “anh em... ở rải khắp thế-gian”. (1 Phi-e-rơ 5:9) Mối quan hệ với hội thánh rất quan trọng đối với sức khỏe thiêng liêng của chúng ta. Khi kết hợp với anh em tín đồ Đấng Christ, chúng ta được hưởng tình bạn đầy khích lệ cũng như thức ăn thiêng liêng bổ dưỡng từ lớp người “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”. (Ma-thi-ơ 24:45-47) Khi có vấn đề, chúng ta có thể tìm đến các anh chị để xin lời khuyên khôn ngoan dựa trên nguyên tắc Kinh Thánh. (Châm-ngôn 17:17; Truyền-đạo 4:9; Gia-cơ 5:13-18) Khi chúng ta cần sự giúp đỡ, anh em không bỏ rơi chúng ta. Thật là một ân phước lớn biết bao khi được ở trong tổ chức Đức Chúa Trời!
6. Làm thế nào sứ đồ Phao-lô cho thấy chúng ta có trách nhiệm đối với các tín đồ Đấng Christ khác?
6 Tuy nhiên, chúng ta ở trong hội thánh không chỉ để nhận lãnh, mà còn để ban cho. Thật vậy, Chúa Giê-su nói: “Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh”. (Công-vụ 20:35) Sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh tinh thần ban cho khi ông viết: “Hãy cầm-giữ sự làm chứng về điều trông-cậy chúng ta chẳng chuyển-lay, vì Đấng đã hứa cùng chúng ta là thành-tín. Ai nấy hãy coi-sóc nhau để khuyên-giục về lòng yêu-thương và việc tốt-lành; chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên-bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy”.—Hê-bơ-rơ 10:23-25.
7, 8. Bằng cách nào chúng ta biểu lộ tinh thần ban cho đối với anh em tín đồ Đấng Christ trong hội thánh mình và ở các xứ khác?
7 Tại hội thánh, chúng ta “làm chứng về điều trông-cậy chúng ta” khi góp lời bình luận trong buổi họp hoặc tham gia vào chương trình bằng những cách khác. Những đóng góp đó chắc chắn là một sự khích lệ đối với anh em. Chúng ta cũng khích lệ họ khi trò chuyện với nhau trước và sau buổi họp. Đó là lúc chúng ta có thể củng cố tinh thần những người yếu, nâng đỡ người nản lòng, và an ủi người đau ốm. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:14) Các tín đồ Đấng Christ chân thành rất rộng rãi trong những sự ban cho thể ấy, đó chính là lý do khiến nhiều người mới đến dự nhóm họp lần đầu tiên có ấn tượng về tình yêu thương giữa anh em chúng ta.—Thi-thiên 37:21; Giăng 15:12; 1 Cô-rinh-tô 14:25.
8 Nhưng tình yêu thương của chúng ta không chỉ giới hạn trong hội thánh mình, mà bao trùm cả đoàn thể anh em khắp thế giới. Vì thế mà mỗi Phòng Nước Trời đều có hộp đóng góp cho Quỹ Xây Cất Phòng Nước Trời. Phòng Nước Trời của chúng ta có thể ở trong tình trạng tốt, nhưng chúng ta biết rằng hàng ngàn anh em tín đồ Đấng Christ ở các nước khác không có nơi nhóm họp tươm tất. Khi đóng góp cho Quỹ Xây Cất Phòng Nước Trời, chúng ta biểu lộ tình yêu thương đối với cá nhân những anh em đó mặc dù có thể chưa biết họ.
9. Nhân Chứng Giê-hô-va yêu thương nhau vì lý do chính nào?
9 Tại sao Nhân Chứng Giê-hô-va yêu thương nhau? Vì đó là mệnh lệnh của Chúa Giê-su. (Giăng 15:17) Tình yêu thương lẫn nhau là bằng chứng cho thấy thánh linh Đức Chúa Trời tác động đến họ, cả cá nhân lẫn tập thể, vì tình yêu thương là một “trái của Thánh-Linh”. (Ga-la-ti 5:22, 23) Khi Nhân Chứng Giê-hô-va học Kinh Thánh, tham dự các buổi họp, và thường xuyên cầu nguyện Đức Chúa Trời, tình yêu thương trở thành tự nhiên đối với họ mặc dù trong thế giới mà họ đang sống, ‘lòng yêu-mến của phần nhiều người đã nguội lần’.—Ma-thi-ơ 24:12.
Đối với xã hội
10. Chúng ta có trách nhiệm nào với xã hội?
10 Phao-lô đề cập đến “sự làm chứng về điều trông-cậy chúng ta” nhắc nhở chúng ta về một trách nhiệm khác. Sự làm chứng này cũng bao gồm việc rao truyền tin mừng cho những người chưa phải là anh em tín đồ Đấng Christ. (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20; Rô-ma 10:9, 10, 13-15) Việc rao giảng là một hành động ban cho. Tham gia công việc đó đòi hỏi thời gian, công sức, sự chuẩn bị, luyện tập và sử dụng tiền bạc riêng. Song, Phao-lô cũng viết: “Tôi mắc nợ cả người Gờ-réc lẫn người dã-man, cả người thông-thái lẫn người ngu-dốt. Ấy vậy, hễ thuộc về tôi, thì tôi cũng sẵn lòng rao Tin-lành cho anh em, là người ở thành Rô-ma”. (Rô-ma 1:14, 15) Giống như Phao-lô, mong sao chúng ta không hà tiện trong việc trả xong món “nợ” này.
11. Hai nguyên tắc Kinh Thánh nào chi phối quan hệ của chúng ta với xã hội, tuy nhiên chúng ta ý thức điều gì?
11 Chúng ta còn có trách nhiệm nào khác đối với những người không cùng đức tin không? Chắc chắn có. Dĩ nhiên, chúng ta nhìn nhận “cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ”. (1 Giăng 5:19) Chúng ta biết Chúa Giê-su đã nói về các môn đồ ngài: “Họ không thuộc về thế-gian, cũng như Con không thuộc về thế-gian”. Nhưng chúng ta sống và làm việc trong xã hội, hưởng những dịch vụ do xã hội cung cấp. (Giăng 17:11, 15, 16) Vì thế, chúng ta phải có nghĩa vụ với xã hội. Những nghĩa vụ nào? Sứ đồ Phi-e-rơ cho lời giải đáp. Không bao lâu trước khi thành Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt, ông viết một lá thư cho tín đồ Đấng Christ ở Tiểu Á, trong đó có đoạn có thể giúp chúng ta giữ thăng bằng trong quan hệ với xã hội.
12. Tín đồ Đấng Christ là “người ở trọ, kẻ đi đường” theo nghĩa nào, và vì thế họ nên tránh những điều gì?
12 Trước hết, Phi-e-rơ nói: “Hỡi kẻ rất yêu-dấu, anh em như người ở trọ, kẻ đi đường, tôi khuyên phải kiêng những điều xác-thịt ưa-thích, là điều chống-trả với linh-hồn”. (1 Phi-e-rơ 2:11) Theo nghĩa thiêng liêng, tín đồ thật của Đấng Christ là “người ở trọ, kẻ đi đường” vì trọng tâm đời sống họ là hy vọng sống đời đời—ở trên trời đối với những người được xức dầu bằng thánh linh, và trong địa đàng tương lai đối với các “chiên khác”. (Giăng 10:16; Phi-líp 3:20, 21; Hê-bơ-rơ 11:13; Khải-huyền 7:9, 14-17) Còn những điều xác thịt ưa thích là gì? Những điều đó bao gồm lòng ham muốn giàu có, ham muốn quyền thế, ham muốn nhục dục, và những ham muốn được mô tả là “ghen-ghét” và “tham-lam”.—Cô-lô-se 3:5; 1 Ti-mô-thê 6:4, 9; 1 Giăng 2:15, 16.
13. Những ham muốn xác thịt “chống-trả với linh-hồn [chúng ta]” như thế nào?
13 Những ham muốn đó thật sự “chống-trả với linh-hồn [chúng ta]”. Chúng làm xói mòn mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời và qua cách đó đe dọa niềm hy vọng (“linh-hồn”, tức sự sống) của tín đồ Đấng Christ. Thí dụ, nếu nuôi dưỡng ham muốn trái đạo đức, làm sao chúng ta có thể dâng chính mình làm “của-lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời”? Nếu rơi vào cạm bẫy vật chất, làm sao chúng ta ‘tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời trước hết’? (Rô-ma 12:1, 2; Ma-thi-ơ 6:33; 1 Ti-mô-thê 6:17-19) Tốt hơn nên noi theo gương của Môi-se, bác bỏ những cám dỗ trong thế gian, đồng thời đặt việc phụng sự Đức Giê-hô-va lên hàng đầu trong đời sống. (Ma-thi-ơ 6:19, 20; Hê-bơ-rơ 11:24-26) Đó là một yếu tố quan trọng để đạt được sự thăng bằng trong quan hệ với thế gian.
“Phải ăn-ở ngay-lành”
14. Tại sao tín đồ Đấng Christ chúng ta cố gắng ăn ở ngay lành?
14 Những lời tiếp theo của Phi-e-rơ cho một sự hướng dẫn quan trọng khác: “Phải ăn-ở ngay-lành giữa dân ngoại, hầu cho họ, là kẻ vẫn gièm-chê anh em như người gian-ác, đã thấy việc lành anh em, thì đến ngày Chúa thăm-viếng, họ ngợi-khen Đức Chúa Trời”. (1 Phi-e-rơ 2:12) Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta cố gắng sống gương mẫu. Ở trường, chúng ta học hành chăm chỉ. Tại sở làm, chúng ta siêng năng và lương thiện, cho dù chủ có vẻ không biết điều. Trong gia đình không có cùng tôn giáo, người vợ hoặc chồng tin đạo càng đặc biệt cố gắng sống theo nguyên tắc đạo Đấng Christ. Điều đó không phải lúc nào cũng dễ, nhưng chúng ta biết rằng hạnh kiểm gương mẫu của mình làm vui lòng Đức Giê-hô-va và thường có ảnh hưởng tốt đến những người chưa là Nhân Chứng.—1 Phi-e-rơ 2:18-20; 3:1.
15. Làm sao chúng ta biết rằng tiêu chuẩn đạo đức cao của Nhân Chứng Giê-hô-va được nhiều người công nhận?
15 Thành công của phần lớn Nhân Chứng Giê-hô-va trong việc giữ nếp sống gương mẫu được thể hiện qua những lời nhận định về họ trên báo chí trong nhiều năm qua. Chẳng hạn, tờ Il Tempo ở Ý tường thuật: “Những người cùng làm việc với Nhân Chứng Giê-hô-va đều mô tả họ là những nhân viên lương thiện, tin tưởng vào tín ngưỡng của mình đến nỗi dường như lúc nào cũng nghĩ đến nó; dù sao, họ đáng được tôn trọng vì đạo đức”. Tờ Herald ở Buenos Aires, Argentina, nói: “Nhiều năm qua, Nhân Chứng Giê-hô-va luôn chứng tỏ là những công dân làm việc chăm chỉ, nghiêm chỉnh, tiết kiệm và kính sợ Đức Chúa Trời”. Học giả người Nga Sergei Ivanenko nói: “Nhân Chứng Giê-hô-va có tiếng trên khắp thế giới là những người triệt để tuân thủ luật pháp, đặc biệt là thái độ trung thực của họ trong việc trả thuế”. Người quản lý một tòa nhà ở Zimbabwe mà Nhân Chứng Giê-hô-va dùng làm nơi tổ chức đại hội nói: “Tôi thấy một số Nhân Chứng đi lượm giấy và chùi nhà vệ sinh. Sau đại hội, tòa nhà còn sạch hơn trước. Con em thiếu niên của quý vị cư xử có nguyên tắc. Tôi ước gì cả thế giới này đều là Nhân Chứng Giê-hô-va”.
Sự vâng phục của tín đồ Đấng Christ
16. Mối quan hệ của chúng ta với nhà cầm quyền là gì, và tại sao?
16 Phi-e-rơ cũng nói về mối quan hệ của chúng ta với nhà cầm quyền. Ông viết: “Vì cớ Chúa, hãy phục theo mọi phép-tắc loài người lập lên, hoặc vua, như đấng rất cao, hoặc các quan, như người vua sai ra để phạt kẻ làm dữ và khen người làm lành. Vì anh em làm điều lành để ngăn miệng những kẻ ngu-muội dại-dột [“không biết lẽ phải”, NW], ấy là ý-muốn của Đức Chúa Trời”. (1 Phi-e-rơ 2:13-15) Chúng ta biết ơn về những lợi ích mà chính quyền mang lại, và làm theo lời hướng dẫn của Phi-e-rơ, chúng ta tuân thủ luật pháp và trả thuế. Chúng ta nhìn nhận các chính phủ được Đức Chúa Trời cho quyền trừng phạt những người phạm pháp, tuy nhiên, lý do chính chúng ta vâng phục nhà cầm quyền là “vì cớ Chúa”. Đó là ý muốn của Đức Chúa Trời. Hơn nữa, chúng ta không muốn làm ô danh Đức Giê-hô-va khi bị phạt vì làm quấy.—Rô-ma 13:1, 4-7; Tít 3:1; 1 Phi-e-rơ 3:17.
17. Khi bị những người “không biết lẽ phải” chống đối, chúng ta có thể tin chắc điều gì?
17 Đáng tiếc là một số người “không biết lẽ phải” trong chính quyền bắt bớ hoặc chống đối chúng ta bằng những cách khác—chẳng hạn như cổ động những chiến dịch bôi nhọ thanh danh Nhân Chứng. Tuy nhiên, đến thời điểm thích hợp, Đức Giê-hô-va luôn luôn phơi bày những lời dối trá và “ngăn miệng” họ. Chính thành tích về hạnh kiểm của chúng ta nói lên sự thật. Đó là lý do tại sao các viên chức chính phủ thành thật thường khen ngợi chúng ta là những người làm lành.—Rô-ma 13:3; Tít 2:7, 8.
Tôi mọi Đức Chúa Trời
18. Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta có thể tránh lạm dụng quyền tự do qua những cách nào?
18 Bây giờ Phi-e-rơ khuyến cáo: “Hãy ăn-ở như người tự-do, nhưng chớ dùng tự-do làm cái màn che sự hung-ác, song phải coi mình là tôi-mọi Đức Chúa Trời”. (1 Phi-e-rơ 2:16; Ga-la-ti 5:13) Ngày nay, sự hiểu biết về lẽ thật Kinh Thánh giải thoát chúng ta khỏi những dạy dỗ tôn giáo sai lầm. (Giăng 8:32) Ngoài ra, chúng ta có tự do ý chí và được quyền lựa chọn. Tuy nhiên, chúng ta không lạm dụng quyền tự do của mình. Khi chọn bạn bè, cách ăn mặc chải chuốt, thú tiêu khiển—thậm chí cả đồ ăn và thức uống—chúng ta nhớ rằng tín đồ thật của Đấng Christ là tôi mọi Đức Chúa Trời, chứ không sống theo ý riêng mình. Chúng ta chọn phụng sự Đức Giê-hô-va thay vì làm nô lệ cho những ham muốn xác thịt, hay của thời trang và các trào lưu thế gian.—Ga-la-ti 5:24; 2 Ti-mô-thê 2:22; Tít 2:11, 12.
19-21. (a) Chúng ta xem những người có quyền trong thế gian như thế nào? (b) Một số tín đồ Đấng Christ đã biểu lộ tình “yêu cả đoàn thể anh em” ra sao? (c) Trách nhiệm hệ trọng nhất của chúng ta là gì?
19 Phi-e-rơ nói tiếp: “Hãy kính mọi người; yêu [“cả đoàn thể”, NW] anh em; kính-sợ Đức Chúa Trời; tôn-trọng vua”. (1 Phi-e-rơ 2:17) Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời cho phép con người được nắm giữ các vị trí quyền lực, nên chúng ta biểu lộ lòng tôn trọng đúng mức với những người đó. Chúng ta thậm chí cầu nguyện về họ, nhằm được tiếp tục thực hiện thánh chức trong bình an và với trọn lòng tin kính. (1 Ti-mô-thê 2:1-4) Đồng thời, chúng ta cũng “yêu cả đoàn thể anh em”. Chúng ta luôn luôn làm những điều có lợi, chứ không gây thiệt hại, cho anh em tín đồ Đấng Christ.
20 Chẳng hạn, khi sự bạo động giữa các sắc tộc đang chia cắt một quốc gia ở Châu Phi, hạnh kiểm tín đồ Đấng Christ của Nhân Chứng Giê-hô-va đã nổi bật hẳn lên. Nhật báo Reformierte Presse của Thụy Sĩ tường thuật: “Năm 1995, tổ chức Nhân Quyền Châu Phi... đã có thể chứng minh rằng tất cả các nhà thờ đều tham gia [vào cuộc xung đột], ngoại trừ Nhân Chứng Giê-hô-va”. Khi tin tức về những biến cố đau thương đó lan ra thế giới bên ngoài, Nhân Chứng Giê-hô-va ở Châu Âu đã nhanh chóng gửi thực phẩm và thuốc men đến cho các anh em và những người khác trong xứ bị nạn. (Ga-la-ti 6:10) Họ đã làm theo lời Châm-ngôn 3:27: “Chớ từ-chối làm lành cho kẻ nào xứng-đáng, miễn là tay con có quyền làm điều ấy”.—Châm-ngôn 3:27.
21 Tuy nhiên, chúng ta còn có một trách nhiệm quan trọng hơn cả việc tôn trọng nhà cầm quyền và yêu thương anh em. Trách nhiệm đó là gì? Phi-e-rơ nói: “[Hãy] kính-sợ Đức Chúa Trời”. Trách nhiệm của chúng ta đối với Đức Giê-hô-va vượt xa mọi trách nhiệm đối với loài người. Điều đó đúng như thế nào, và làm thế nào chúng ta có thể giữ thăng bằng giữa bổn phận đối với Đức Chúa Trời và bổn phận đối với nhà cầm quyền? Những câu hỏi này sẽ được giải đáp trong bài kế tiếp.
Bạn còn nhớ không?
• Các tín đồ Đấng Christ có trách nhiệm nào trong gia đình?
• Làm thế nào chúng ta biểu lộ tinh thần ban cho trong hội thánh?
• Chúng ta có những trách nhiệm nào đối với xã hội?
• Việc giữ gìn tiêu chuẩn đạo đức cao mang lại một số lợi ích nào?
[Hình nơi trang 9]
Làm thế nào gia đình tín đồ Đấng Christ có thể là nguồn vui lớn?
[Các hình nơi trang 10]
Tại sao Nhân Chứng Giê-hô-va yêu thương nhau?
[Các hình nơi trang 10]
Có thể biểu lộ tình yêu thương anh em, ngay cả với những anh chị chúng ta chưa quen biết không?