Đạo Đấng Christ thời ban đầu và Chính Quyền
VÀI giờ trước khi qua đời, Chúa Giê-su bảo môn đồ: “Các ngươi không thuộc về thế-gian và ta đã lựa-chọn các ngươi giữa thế-gian, bởi cớ đó người đời ghét các ngươi” (Giăng 15:19). Vậy phải chăng điều đó có nghĩa là tín đồ đấng Christ sẽ có thái độ thù nghịch đối với các nhà cầm quyền của thế gian?
Không theo thế gian nhưng không thù nghịch
Sứ đồ Phao-lô bảo tín đồ đấng Christ sống ở Rô-ma: “Mọi người phải vâng-phục các đấng cầm quyền trên mình” (Rô-ma 13:1). Tương tự như thế, sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Vì cớ Chúa, hãy phục theo mọi phép-tắc loài người lập lên, hoặc vua, như đấng rất cao, hoặc các quan, như người vua sai ra để phạt kẻ làm dữ và khen người làm lành” (I Phi-e-rơ 2:13, 14). Rõ ràng là tín đồ đấng Christ thời ban đầu đã chấp nhận nguyên tắc là phải vâng phục chính quyền và những người đại diện được chính quyền bổ nhiệm một cách xứng đáng. Họ đã cố gắng làm công dân tôn trọng luật pháp và sống hòa thuận với mọi người (Rô-ma 12:18).
Dưới đề tài “Giáo hội và chính quyền”, cuốn The Encyclopedia of Religion (Bách khoa Tự điển Tôn giáo) tuyên bố: “Trong ba thế kỷ đầu tây lịch, giáo hội tín đồ đấng Christ phần nhiều đã tách khỏi xã hội chính quyền La Mã... Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo của tín đồ đấng Christ... dạy phải vâng phục luật lệ La Mã và trung thành với hoàng đế, trong vòng giới hạn mà đạo đấng Christ qui định”.
Tôn trọng, chứ không tôn thờ
Tín đồ đấng Christ đã không thù nghịch hoàng đế La Mã. Họ tôn trọng uy quyền của ông và tỏ lòng kính trọng đúng mức đối với địa vị của ông. Dưới sự cai trị của Hoàng đế Nero, sứ đồ Phi-e-rơ viết cho tín đồ đấng Christ sống khắp các miền thuộc Đế quốc La Mã: “Hãy kính mọi người;... tôn-trọng vua” (I Phi-e-rơ 2:17). Trong thế giới nói tiếng Hy Lạp, chữ “vua” được dùng không những cho những vua ở địa phương mà còn cho hoàng đế La Mã nữa. Sứ đồ Phao-lô khuyên tín đồ đấng Christ sống ở thủ đô của Đế quốc La Mã: “Phải trả cho mọi người đều mình đã mắc... kính kẻ mình đáng kính” (Rô-ma 13:7). Hoàng đế La Mã chắc chắn đòi hỏi người ta phải kính trọng ông. Sau này, ông còn đòi hỏi người ta phải tôn thờ ông nữa. Nhưng đây là điều mà tín đồ đấng Christ thời ban đầu đã từ chối không làm.
Theo như tường trình, khi Polycarp bị xét xử trước một quan trấn thủ La Mã vào thế kỷ thứ hai công nguyên, ông tuyên bố: “Tôi là tín đồ đấng Christ... chúng tôi được dạy phải tôn trọng... các quyền thế và chính quyền do Đức Chúa Trời qui định”. Tuy nhiên, Polycarp thà chịu chết hơn là tôn thờ hoàng đế. Người biện giải tôn giáo sống vào thế kỷ thứ hai, Thê-ô-phi-lơ của xứ An-ti-ốt, viết: “Đúng hơn tôi sẽ tôn trọng hoàng đế, thật ra không tôn thờ ông, nhưng cầu nguyện cho ông. Song tôi thờ phượng Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Trời hằng sống và có thật”.
Những lời cầu nguyện thích đáng liên quan đến hoàng đế chắc chắn không liên hệ đến việc tôn thờ hoàng đế hay chủ nghĩa quốc gia. Sứ đồ Phao-lô giải thích mục đích của những lời cầu nguyện đó: “Vậy, trước hết mọi sự ta dặn rằng, phải khẩn-nguyện, cầu-xin, kêu-van, tạ ơn cho mọi người, cho các vua, cho hết thảy các bậc cầm-quyền, để chúng ta được lấy đều nhơn-đức và thành-thật mà ở đời cho bình-tịnh yên-ổn” (I Ti-mô-thê 2:1, 2).
“Ngoài lề xã hội”
Hạnh kiểm tôn trọng của tín đồ đấng Christ thời ban đầu đã không khiến cho thế gian thân thiện với họ. Sử gia Pháp A. Hammann kể rằng tín đồ đấng Christ thời ban đầu “đã sống ngoài lề xã hội”. Thật ra họ sống ngoài lề hai xã hội, Do Thái và La Mã, và họ gặp phải nhiều thành kiến và sự hiểu lầm từ cả hai bên.
Thí dụ, khi bị các nhà lãnh đạo Do Thái vu cáo, sứ đồ Phao-lô tự biện hộ trước quan tổng đốc La Mã như sau: “Tôi chẳng từng làm đều dữ chi, hoặc nghịch cùng luật-pháp người Giu-đa, hoặc nghịch cùng đền-thờ, hay là nghịch cùng Sê-sa... Tôi kêu-nài sự đó đến Sê-sa” (Công-vụ các Sứ-đồ 25:8, 11). Ý thức rằng người Do Thái đang lập mưu giết mình, Phao-lô kêu nài đến Nero, như vậy nhìn nhận uy quyền của hoàng đế La Mã. Sau đó, trong lần xét xử đầu tiên ở Rô-ma, dường như Phao-lô được tha bổng. Nhưng sau này ông lại bị bỏ tù, và theo truyền thống thì ông bị xử tử theo lệnh của Nero.
Nói về vị thế khó khăn của tín đồ đấng Christ thời ban đầu trong xã hội La Mã, nhà xã hội học kiêm thần học là Ernst Troeltsch viết: “Họ không theo đuổi chức vụ và nghề nghiệp nào dính líu đến việc thờ hình tượng dưới bất cứ hình thức nào, hoặc dính líu đến việc tôn thờ hoàng đế, hoặc những việc làm đổ máu hay xử tử, hoặc những việc sẽ khiến tín đồ đấng Christ gặp phải sự vô luân của tà giáo”. Có phải vì vị thế này mà không còn có chỗ cho mối liên lạc bình an và tôn trọng giữa tín đồ đấng Christ và chính quyền hay không?
Trả cho Sê-sa “đều mình đã mắc”
Chúa Giê-su cho một công thức chỉ đạo tín đồ đấng Christ trong cách cư xử với chính quyền La Mã hay, thật ra, với bất cứ chính phủ nào khác, khi ngài tuyên bố: “Hãy trả cho Sê-sa vật gì của Sê-sa; và trả cho Đức Chúa Trời vật gì của Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 22:21). Lời khuyên này dành cho các môn đồ của Giê-su tương phản rõ rệt với thái độ của nhiều người Do Thái theo chủ nghĩa dân tộc, là những người phẫn nộ trước sự đô hộ của người La Mã và phản đối luật đòi hỏi họ phải trả thuế cho một cường quốc ngoại bang.
Sau này, Phao-lô bảo tín đồ đấng Christ sống ở Rô-ma: “Vậy nên cần phải vâng-phục, chẳng những vì sợ hình-phạt thôi, nhưng cũng vì cớ lương-tâm. Ấy cũng bởi lẽ đó mà anh em nộp thuế, vì các quan-quyền là đầy-tớ của Đức Chúa Trời, hằng giữ việc ấy. Phải trả cho mọi người đều mình đã mắc: nộp thuế cho kẻ mình phải nộp thuế; đóng-góp cho kẻ mình phải đóng-góp” (Rô-ma 13:5-7). Dù không thuộc về thế gian, tín đồ đấng Christ có bổn phận phải là công dân lương thiện, nộp thuế và trả cho chính quyền về những dịch vụ mà họ cung cấp (Giăng 17:16).
Nhưng có phải lời của Giê-su chỉ giới hạn trong việc trả thuế thôi không? Vì Giê-su đã không định rõ vật gì thuộc về Sê-sa và vật gì thuộc về Đức Chúa Trời, có những trường hợp không rõ rệt cần phải quyết định dựa theo bối cảnh hay sự hiểu biết của chúng ta về trọn cuốn Kinh-thánh. Nói cách khác, đôi khi tín đồ đấng Christ phải dùng lương tâm đã được các nguyên tắc của Kinh-thánh soi sáng, để quyết định những gì mà tín đồ đấng Christ có thể trả cho Sê-sa.
Cẩn thận giữ sự thăng bằng giữa hai sự đòi hỏi đua tranh
Nhiều người hay quên rằng sau khi nói là nên trả cho Sê-sa vật gì thuộc về Sê-sa, Giê-su nói tiếp: “Và trả cho Đức Chúa Trời vật gì của Đức Chúa Trời”. Sứ đồ Phi-e-rơ cho thấy sự ưu tiên nằm ở đâu đối với tín đồ đấng Christ. Ngay sau khi khuyên tín đồ đấng Christ vâng phục “vua” hay hoàng đế và “quan tổng-đốc”, Phi-e-rơ viết: “Hãy ăn-ở như người tự-do, nhưng chớ dùng tự-do làm cái màn che sự hung-ác, song phải coi mình là tôi-mọi Đức Chúa Trời. Hãy kính mọi người; yêu anh em; kính-sợ Đức Chúa Trời; tôn-trọng vua” (I Phi-e-rơ 2:16, 17). Sứ đồ cho thấy rằng tín đồ đấng Christ là tôi mọi của Đức Chúa Trời, chứ không phải của một nhà cai trị nào. Dù họ phải bày tỏ lòng tôn trọng đúng mức đối với những người đại diện cho chính quyền, họ phải làm thế với lòng kính sợ Đức Chúa Trời, vì luật pháp của ngài là tối cao.
Nhiều năm trước, Phi-e-rơ cho thấy rõ luật pháp của Đức Chúa Trời ưu việt hơn luật pháp của loài người. Tòa Công luận Do Thái là một cơ quan hành chính được người La Mã giao cho cả quyền hành dân sự lẫn tôn giáo. Khi Tòa Công luận ra lệnh cho môn đồ của Giê-su phải ngừng dạy dỗ nhân danh đấng Christ, Phi-e-rơ và các sứ đồ khác trả lời một cách kính cẩn nhưng cứng rắn: “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta” (Công-vụ các Sứ-đồ 5:29). Rõ ràng là tín đồ đấng Christ thời ban đầu phải cẩn thận giữ sự thăng bằng giữa sự vâng lời Đức Chúa Trời và sự vâng phục đúng mức đối với nhà cầm quyền loài người. Tertullian nói thế này trong đầu thế kỷ thứ ba công nguyên: “Nếu mọi thứ đều thuộc về Sê-sa, thì còn gì thuộc về Đức Chúa Trời?”
Hòa giải với chính quyền
Với thời gian trôi qua, vị thế của tín đồ đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất liên quan đến chính quyền dần dần bị suy yếu. Sự bội đạo mà Chúa Giê-su và các sứ đồ báo trước đã nảy nở vào thế kỷ thứ hai và thứ ba công nguyên (Ma-thi-ơ 13:37, 38; Công-vụ các Sứ-đồ 20:29, 30; II Tê-sa-lô-ni-ca 2:3-12; II Phi-e-rơ 2:1-3). Tôn giáo bội đạo tự xưng theo đấng Christ đã hòa giải với thế giới La Mã, tiếp nhận các lễ hội tà giáo và triết lý La Mã, và nhận làm không những việc dân chính mà còn cả việc quân sự nữa.
Giáo sư Troeltsch viết: “Từ thế kỷ thứ ba trở đi tình trạng trở nên khó khăn hơn, vì bắt đầu có thêm nhiều tín đồ đấng Christ trong giới thượng lưu cũng như trong những nghề nghiệp nổi tiếng hơn, trong quân đội và trong giới công chức. Trong nhiều đoạn văn thư [ngoài Kinh-thánh] của tín đồ đấng Christ, có ghi những lời phẫn nộ, chống đối việc tham gia vào những công việc này; mặt khác, chúng ta cũng tìm thấy những sự cố gắng để hòa giải—những lời biện luận nhằm xoa dịu lương tâm bị bứt rứt... Từ thời Constantine, những sự khó khăn này đã biến mất; sự bất đồng giữa tín đồ đấng Christ và tà giáo đã chấm dứt, và mọi chức vụ trong chính quyền được mở rộng cho mọi người”.
Gần cuối thế kỷ thứ tư công nguyên, hình thức pha trộn, hòa giải này của đạo đấng Christ đã trở thành Quốc giáo của Đế quốc La Mã.
Trong suốt lịch sử, các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ—đại diện bởi Giáo hội Công giáo, Chính thống và Tin lành—tiếp tục hòa giải với chính quyền, dính sâu vào chính trị và ủng hộ chính quyền trong các cuộc chiến tranh. Nhiều giáo dân thành thật sửng sốt về sự kiện này, chắc chắn sẽ vui mừng khi biết rằng ngày nay có những tín đồ đấng Christ giữ cùng vị thế của các tín đồ đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất trong sự liên hệ với chính quyền. Hai bài kế sẽ thảo luận chi tiết hơn về vấn đề này.
[Hình nơi trang 5]
Sê-sa Nero là người mà Phi-e-rơ nói đến khi ông viết: “Tôn-trọng vua”
[Nguồn tư liệu]
Musei Capitolini, Roma
[Hình nơi trang 6]
Polycarp thà chịu hết hơn là tôn thờ hoàng đế
[Hình nơi trang 7]
Tín đồ đấng Christ thời ban đầu là công dân hiền hòa, lương thiện và trả thuế