“Hãy tỉnh-thức”
“Sự cuối-cùng của muôn vật đã gần; vậy hãy... tỉnh-thức mà cầu-nguyện”.—1 PHI 4:7.
1. Chủ đề mà Chúa Giê-su dạy dỗ là gì?
Khi Chúa Giê-su sống trên đất, chủ đề ngài dùng để dạy dỗ là Nước Đức Chúa Trời. Qua Nước ấy, Đức Giê-hô-va sẽ biện minh cho quyền tối thượng hoàn vũ và làm thánh danh Ngài. Vì thế, Chúa Giê-su đã dạy các môn đồ cầu nguyện với Đức Chúa Trời: “Nước Cha được đến; ý Cha được nên, ở đất như trời” (Mat 4:17; 6:9, 10). Nước ấy sẽ sớm kết liễu thế gian của Sa-tan và sau đó giám sát việc thực thi ý muốn Đức Chúa Trời khắp đất. Như Đa-ni-ên tiên tri, Nước Đức Chúa Trời “sẽ đánh tan và hủy-diệt hết các nước trước kia [hiện tại], mà mình thì đứng đời đời”.—Đa 2:44.
2. (a) Làm thế nào các môn đồ Chúa Giê-su biết ngài đã hiện diện với tư cách là vua ở trên trời? (b) Điềm mà Chúa Giê-su nói đến cho biết thêm điều gì?
2 Vì Nước Trời đến là điều rất quan trọng đối với các môn đồ Chúa Giê-su nên họ hỏi ngài: “Có điềm gì chỉ về sự hiện diện của Chúa và sự kết liễu của hệ thống mọi sự?” (Mat 24:3, NW). Vì những người sống trên đất không thấy được sự hiện diện của Chúa Giê-su với tư cách là vua ở trên trời, nên ngài cung cấp một điềm mà người ta có thể thấy được. Điềm đó bao gồm nhiều đặc điểm được báo trước trong Kinh Thánh. Do đó, môn đồ Chúa Giê-su sống vào thời điểm này có thể nhận ra ngài đã bắt đầu cai trị ở trên trời. Điềm đó cũng đánh dấu sự khởi đầu của thời kỳ được Kinh Thánh gọi là “ngày sau-rốt” của hệ thống mọi sự gian ác hiện đang kiểm soát thế giới.—2 Ti 3:1-5, 13; Mat 24:7-14.
Hãy tỉnh thức trong ngày sau rốt
3. Tại sao tín đồ Đấng Christ cần phải tỉnh thức?
3 Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Sự cuối-cùng của muôn vật đã gần; vậy hãy khôn-ngoan tỉnh-thức mà cầu-nguyện” (1 Phi 4:7). Môn đồ của Chúa Giê-su cần tỉnh thức, thận trọng quan sát các biến cố trên thế giới cho thấy ngài đã hiện diện. Họ cần tỉnh thức hơn nữa khi sự kết liễu của hệ thống gian ác hiện tại gần đến. Chúa Giê-su nói với các môn đồ: “Các ngươi hãy thức canh, vì không biết chủ nhà về lúc nào [để thi hành sự phán xét đối với thế gian của Sa-tan]”.—Mác 13:35, 36.
4. Hãy cho biết sự tương phản giữa thái độ của những người thuộc thế gian Sa-tan với tôi tớ Đức Giê-hô-va. (Cũng xem khung).
4 Nhân loại nói chung sống dưới sự thống trị của Sa-tan, và họ không chú ý đến ý nghĩa của các biến cố trên thế giới. Họ không nhận ra Chúa Giê-su đã hiện diện với tư cách là vua ở trên trời. Nhưng môn đồ thật của Đấng Christ thì tỉnh thức và nhận ra ý nghĩa thật sự của những điều đã xảy ra trong thế kỷ vừa qua. Từ năm 1925, Nhân Chứng Giê-hô-va đã nhận thấy rằng Thế Chiến I và các biến cố sau đó là bằng chứng rõ ràng chứng tỏ Chúa Giê-su đã bắt đầu cai trị ở trên trời vào năm 1914. Vì thế, ngày cuối cùng của hệ thống mọi sự gian ác của Sa-tan đã bắt đầu. Dù không biết ý nghĩa, nhiều người có óc quan sát cũng nhận thấy có sự khác biệt lớn giữa thời kỳ trước và sau Thế Chiến I.—Xin xem khung “Thời đại hỗn loạn bắt đầu”.
5. Tại sao việc chúng ta tiếp tục tỉnh thức là quan trọng?
5 Trải qua gần một thế kỷ, những biến cố khủng khiếp xảy ra trên thế giới chứng tỏ chúng ta đang sống trong ngày sau rốt. Còn rất ít thời gian trước khi Đức Giê-hô-va ra lệnh cho Chúa Giê-su dẫn theo lực lượng thiên sứ hùng mạnh chống lại thế gian của Sa-tan (Khải 19:11-21). Tín đồ Đấng Christ chân chính được nhắc nhở là phải tỉnh thức. Vì vậy, điều khẩn cấp là tiếp tục làm thế trong khi chúng ta chờ đợi thế gian này kết liễu (Mat 24:42). Chúng ta phải luôn tỉnh thức, và dưới sự hướng dẫn của Chúa Giê-su, chúng ta phải thực hiện một công việc đặc biệt trên khắp thế giới.
Một công việc toàn cầu
6, 7. Công việc rao giảng về Nước Trời tiến triển thế nào trong ngày sau rốt?
6 Như đã được báo trước, công việc mà các tôi tớ Đức Giê-hô-va được giao phó là một phần của điềm tổng hợp cho thấy chúng ta đang sống trong những ngày cuối cùng của hệ thống mọi sự gian ác hiện tại. Chúa Giê-su miêu tả công việc toàn cầu này khi ngài liệt kê nhiều điều sẽ xảy ra trong thời kỳ sau rốt. Trong lời tiên tri của ngài có một lời đầy ý nghĩa: “Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến”.—Mat 24:14.
7 Hãy nghĩ đến một số sự kiện liên quan đến đặc điểm này của lời tiên tri Chúa Giê-su. Số người công bố tin mừng rất ít khi ngày sau rốt bắt đầu vào năm 1914. Đến nay con số này gia tăng rất nhiều. Có hơn 7.000.000 Nhân Chứng Giê-hô-va đang rao giảng trên khắp thế giới, họ nhóm lại trong hơn 100.000 hội thánh. Vào năm 2008, có thêm 10.000.000 người tham dự Lễ Tưởng Niệm sự chết của Chúa Giê-su với các Nhân Chứng, một sự gia tăng đáng kể so với năm trước.
8. Tại sao sự chống đối không làm ngưng công việc rao giảng?
8 Quả là một sự làm chứng cặn kẽ về Nước Trời cho muôn dân trước khi hệ thống này kết thúc! Công việc ấy vẫn diễn ra dù Sa-tan là “chúa đời nầy” (2 Cô 4:4). Hắn đang ảnh hưởng đến thành phần chính trị, tôn giáo, thương mại cũng như các phương tiện truyền thông của thế gian này. Mặc dù vậy, tại sao công việc làm chứng có sự thành công đáng kể như thế? Đó là nhờ sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va. Vì thế, công việc rao giảng về Nước Trời vẫn tiếp diễn dù Sa-tan nỗ lực ngăn cản.
9. Tại sao sự tiến triển về thiêng liêng của dân Đức Chúa Trời có thể được gọi là một phép lạ?
9 Sự thành công của công việc rao giảng cũng như sự gia tăng về số người và sự hiểu biết của dân Đức Chúa Trời có thể được gọi là một phép lạ. Không có sự hỗ trợ của Đức Chúa Trời, bao gồm việc hướng dẫn và bảo vệ dân Ngài, công việc rao giảng không thể thành công. (Đọc Ma-thi-ơ 19:26). Vì thánh linh Đức Chúa Trời tác động đến lòng của những người luôn tỉnh thức và sẵn lòng phụng sự, nên chúng ta chắc chắn rằng công việc rao giảng sẽ hoàn thành, “bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến” và thời kỳ ấy sắp đến rồi.
“Hoạn-nạn lớn”
10. Chúa Giê-su miêu tả thế nào về hoạn nạn lớn sắp đến?
10 Hệ thống gian ác này sẽ bị kết liễu, giai đoạn đó được gọi là “cơn đại-nạn” hoặc “hoạn-nạn lớn”. Kinh Thánh không cho chúng ta biết giai đoạn này kéo dài bao lâu nhưng Chúa Giê-su phán: “Lúc ấy sẽ có hoạn-nạn lớn, đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy, mà sau nầy cũng không hề có nữa” (Khải 7:14; Mat 24:21). Hãy xem xét sự hoạn nạn đã xảy ra cho thế gian này, như trong Thế Chiến II, người ta ước tính có 50 đến 60 triệu người thiệt mạng. Vậy hoạn nạn lớn sắp đến còn khốc liệt hơn nữa và sẽ lên đến đỉnh điểm trong cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn. Khi ấy Đức Giê-hô-va sẽ ra lệnh cho lực lượng hành quyết của Ngài hủy diệt mọi vết tích của thế gian Sa-tan.—Khải 16:14, 16.
11, 12. Biến cố nào đánh dấu sự khởi đầu của hoạn nạn lớn?
11 Lời tiên tri trong Kinh Thánh không cho biết ngày tháng cụ thể của bước đầu hoạn nạn lớn, nhưng cho chúng ta biết biến cố lạ thường đánh dấu sự khởi đầu của giai đoạn ấy. Đó là các thế lực chính trị hủy diệt tất cả tôn giáo sai lầm. Theo các lời tiên tri nơi Khải-huyền chương 17 và 18, tôn giáo sai lầm được ví như một dâm phụ có quan hệ vô luân với các hệ thống chính trị. Khải-huyền 17:16 cho thấy gần đến lúc các thành phần chính trị này “sẽ ghét dâm-phụ, sẽ bóc-lột cho nó lõa-lồ, ăn thịt nó và thiêu nó bằng lửa”.
12 Khi ấy, Đức Chúa Trời sẽ “để cho chúng [những nhà lãnh đạo chính trị] có lòng vâng làm theo ý muốn Ngài” để hủy diệt tất cả tôn giáo sai lầm (Khải 17:17). Vì thế, có thể nói sự hủy diệt này đến từ Đức Chúa Trời. Đó là sự phán xét của Ngài đối với tôn giáo giả hình, bấy lâu nay họ đã dạy những giáo lý ngược lại với ý muốn Đức Chúa Trời và bắt bớ các tôi tớ Ngài. Thế gian nói chung không biết trước sự hủy diệt sắp đến dành cho tôn giáo sai lầm. Tuy nhiên, tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va đã biết trước và trong những ngày cuối cùng này, họ nói cho người ta về sự hủy diệt ấy.
13. Điều gì cho thấy sự hủy diệt của tôn giáo sai lầm sẽ diễn ra nhanh chóng?
13 Khi thấy tôn giáo sai lầm bị hủy diệt, người ta sẽ rất sửng sốt. Lời tiên tri trong Kinh Thánh cho thấy ngay cả một số “vua thế-gian” sẽ nói về sự hủy diệt đó: “Khốn thay! Khốn thay!... Trong một giờ mà sự phán-xét ngươi đã đến rồi!” (Khải 18:9, 10, 16, 19). Kinh Thánh dùng từ “một giờ” cho thấy biến cố này sẽ diễn ra tương đối nhanh.
14. Khi kẻ thù mở cuộc tấn công cuối cùng vào tôi tớ Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ phản ứng thế nào?
14 Chúng ta biết rằng sau khi tôn giáo sai lầm bị hủy diệt, sẽ có cuộc tấn công trên tôi tớ Đức Giê-hô-va, những người đang công bố thông điệp phán xét của Ngài (Ê-xê 38:14-16). Khi điều đó xảy ra, những kẻ tấn công sẽ phải đối đầu với Đức Giê-hô-va, Đấng đã hứa bảo vệ dân trung thành của Ngài. Đức Giê-hô-va tuyên bố: “Ta đương ghen-tương, đương giận phừng-phừng mà nói rằng... Chúng nó sẽ biết rằng ta là Đức Giê-hô-va”. (Đọc Ê-xê-chi-ên 38:18-23). Trong Lời Ngài, Đức Chúa Trời nói rằng: “Ai đụng đến các ngươi [những tôi tớ trung thành của Ngài] tức là đụng đến con ngươi mắt [ta]” (Xa 2:8). Vì thế, khi kẻ thù bắt đầu cuộc tấn công toàn cầu nhắm vào các tôi tớ Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ phản ứng ngay. Ngài sẽ ra tay và hành động này dẫn đến bước cuối cùng của hoạn nạn lớn là Ha-ma-ghê-đôn. Dưới sự chỉ huy của Chúa Giê-su, lực lượng thiên sứ hùng mạnh sẽ thi hành sự phán xét của Đức Giê-hô-va đối với thế gian Sa-tan.
Điều này ảnh hưởng thế nào đến chúng ta?
15. Việc biết rằng hệ thống gian ác này sắp kết liễu ảnh hưởng thế nào đến chúng ta?
15 Việc biết rằng hệ thống gian ác này sắp kết liễu ảnh hưởng thế nào đến chúng ta? Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Vì mọi vật đó phải tiêu-tán thì anh em đáng nên thánh và tin-kính trong mọi sự ăn-ở của mình là dường nào” (2 Phi 3:11). Những lời này cho thấy rõ chúng ta cần phải luôn tỉnh thức để giữ hạnh kiểm phù hợp với đòi hỏi của Đức Giê-hô-va và làm những việc tin kính nhằm phản ánh tình yêu thương của chúng ta với Ngài. Những việc đó bao gồm hết lòng rao giảng tin mừng về Nước Trời trước khi sự cuối cùng đến. Phi-e-rơ cũng viết: “Sự cuối-cùng của muôn vật đã gần; vậy hãy... tỉnh-thức mà cầu-nguyện” (1 Phi 4:7). Chúng ta đến gần Đức Giê-hô-va và biểu lộ tình yêu thương với Ngài bằng cách luôn cầu nguyện, xin Ngài hướng dẫn chúng ta qua thánh linh và qua hội thánh.
16. Tại sao chúng ta cần tuân theo lời khuyên của Đức Chúa Trời?
16 Trong thời kỳ đầy nguy hiểm này, chúng ta cần tuân theo lời khuyên trong Kinh Thánh: “Hãy giữ cho khéo về sự ăn-ở của anh em, chớ xử mình như người dại-dột, nhưng như người khôn-ngoan. Hãy lợi-dụng thì-giờ, vì những ngày là xấu” (Ê-phê 5:15, 16). Chưa bao giờ có nhiều sự xấu xa như hiện nay. Sa-tan nghĩ ra nhiều mưu kế ngăn cản người ta làm theo ý muốn Đức Giê-hô-va hoặc làm họ xao lãng. Là tôi tớ Đức Chúa Trời, chúng ta biết điều này và không muốn để bất cứ điều gì làm xói mòn lòng trung thành của chúng ta đối với Ngài. Chúng ta cũng biết điều gì sắp xảy ra và đặt lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va lẫn ý định Ngài.—Đọc 1 Giăng 2:15-17.
17. Hãy mô tả những người sống sót qua Ha-ma-ghê-đôn sẽ phản ứng thế nào khi sự sống lại diễn ra.
17 Trong tương lai, Đức Chúa Trời sẽ làm cho người chết sống lại, vì Ngài đã hứa “sẽ có sự sống lại của người công-bình và không công-bình” (Công 24:15). Hãy lưu ý cụm từ khẳng định trong lời hứa này: “Sẽ có sự sống lại”! Lời này là chắc chắn vì Đức Giê-hô-va đã hứa như thế! Ê-sai 26:19 nói: “Những người chết vì Chúa sẽ sống lại... Hãy tỉnh dậy, hãy vui mừng, hỡi tất cả những ai đang nằm trong gio bụi... trái đất sẽ cho người chết sống lại” (Trịnh Văn Căn). Những lời này được ứng nghiệm lần đầu đối với dân Đức Chúa Trời thời xưa khi họ được phục hưng, trở về quê hương. Điều này giúp chúng ta tin cậy nơi sự ứng nghiệm lời hứa đó lần nữa trong thế giới mới. Quả là niềm vui khôn xiết khi những người được sống lại đoàn tụ với thân nhân của họ! Hiện nay, sự kết liễu thế gian Sa-tan gần kề và thế giới mới của Đức Chúa Trời sắp đến. Vậy việc chúng ta tiếp tục tỉnh thức thật quan trọng biết bao!
Bạn có nhớ không?
• Chủ đề Chúa Giê-su dùng để dạy dỗ là gì?
• Ngày nay, công việc rao giảng Nước Trời lan rộng đến mức nào?
• Tại sao việc chúng ta tiếp tục tỉnh thức là quan trọng?
• Bạn tìm thấy điểm khích lệ nào trong lời hứa nơi Công-vụ 24:15?
[Khung/Hình nơi trang 16, 17]
THỜI ĐẠI HỖN LOẠN BẮT ĐẦU
Cuốn Thời đại hỗn loạn: Những cuộc phiêu lưu vào thế giới mới (The Age of Turbulence: Adventures in a New World) của ông Alan Greenspan được xuất bản vào năm 2007. Gần 20 năm, ông là chủ tịch Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ, cơ quan giám sát toàn bộ hệ thống ngân hàng trung ương quốc gia. Ông Greenspan cho thấy sự tương phản rõ rệt về tình hình thế giới trước và sau năm 1914:
“Theo tất cả những lời tường thuật cùng thời đó, thế giới trước năm 1914 có vẻ ngày càng văn minh lịch sự; người ta nghĩ xã hội loài người có thể hoàn thiện. Thế kỷ 19 đã chấm dứt nạn buôn bán nô lệ. Sự bạo động mất nhân tính dường như ngày càng suy giảm... Trong thế kỷ 19, nhịp độ phát minh trên thế giới càng tăng, gồm có các phát minh như: hệ thống đường sắt, điện thoại, đèn điện, điện ảnh, xe hơi và tiện nghi trong nhà nhiều đến mức không kể xiết. Y khoa, việc cải thiện dinh dưỡng và hệ thống phân phối nước sạch rộng khắp giúp kéo dài tuổi thọ trung bình... Mọi người nghĩ rằng nhân loại sẽ không ngừng tiến bộ”.
Nhưng... “Thế Chiến I phá hủy nền văn minh lịch sự của xã hội nặng nề hơn Thế Chiến II, dù Thế Chiến II hủy hoại nhân mạng và cơ sở vật chất nhiều hơn, vì Thế Chiến I hủy hoại một hệ tư tưởng. Tôi không thể nào quên được quan điểm của người ta vào giai đoạn trước Thế Chiến I, khi tương lai nhân loại có vẻ tiến bộ không ngừng và không giới hạn. Ngày nay, quan điểm chúng ta hoàn toàn khác biệt so với thế kỷ trước nhưng có lẽ phù hợp hơn với thực tế. Liệu nạn khủng bố, trái đất ấm dần lên hoặc sự trở lại của phong trào dân túy [đại diện cho quyền lợi của thường dân] sẽ ảnh hưởng đến sự tiến bộ toàn cầu của nhân loại hiện tại như Thế Chiến I đã ảnh hưởng đến sự tiến bộ vào thời đó không? Không ai có thể trả lời chắc chắn”.
Ông Greenspan nhớ lại vào thời sinh viên, giáo sư về kinh tế là ông Benjamin M. Anderson (1886-1949) đã nói: “Những ai đủ lớn để nhớ và hiểu tình hình thế giới trước Thế Chiến I vẫn luyến tiếc quá khứ. Vào thời đó, người ta có cảm giác an toàn mà sau này không hề có”.—Economics and the Public Welfare.
Một lời kết luận tương tự cũng được tìm thấy trong sách A World Undone của ông G. J. Meyer, được xuất bản năm 2006. Sách này cho biết: “Người ta thường nói một biến cố lịch sử nào đó làm “thay đổi mọi thứ”. Câu này thật đúng đối với Đại Chiến [1914-1918]. Cuộc chiến này đã thay đổi mọi thứ: không chỉ biên giới, các chính phủ, vận mệnh quốc gia, mà còn cái nhìn của người ta về thế giới và chính mình. Nó đã tạo ra một thế giới hoàn toàn khác biệt với thế giới trước đó”.
[Hình nơi trang 18]
Tại Ha-ma-ghê-đôn, Đức Giê-hô-va sẽ ra lệnh cho lực lượng thiên sứ hùng mạnh thi hành sự phán xét