Bạn có thái độ “chờ-đợi” không?
“Anh em đáng nên thánh và tin-kính trong mọi sự ăn-ở của mình là dường nào, trong khi chờ-đợi trông-mong cho ngày Đức Chúa Trời mau đến!”—2 PHI-E-RƠ 3:11, 12.
1, 2. Chúng ta có thể minh họa thế nào về thái độ “chờ đợi” ngày Đức Giê-hô-va?
HÃY hình dung một gia đình đang đợi khách đến dùng bữa cơm chiều. Giờ hẹn đang nhanh chóng đến gần. Người vợ đang bận rộn hoàn tất những chi tiết cuối. Chồng và các con đang phụ giúp để chắc chắn mọi thứ đều sẵn sàng. Mọi người đều háo hức. Vâng, cả gia đình đều nóng lòng chờ khách đến và mong ngóng một bữa ăn ngon trong tình thân hữu tốt đẹp.
2 Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta đang chờ đợi một điều còn quan trọng hơn thế nhiều. Đó là điều gì? Tất cả chúng ta đang chờ đợi ‘ngày Đức Giê-hô-va’! Cho đến khi ngày ấy đến, chúng ta cần phải có thái độ như nhà tiên tri Mi-chê; ông nói: “Ta sẽ nhìn-xem Đức Giê-hô-va, chờ-đợi Đức Chúa Trời của sự cứu-rỗi ta”. (Mi-chê 7:7) Điều đó có nghĩa là không hành động gì chăng? Không. Có nhiều việc phải làm.
3. Theo 2 Phi-e-rơ 3:11, 12, tín đồ Đấng Christ phải có thái độ nào?
3 Sứ đồ Phi-e-rơ giúp chúng ta có thái độ đúng đắn trong khi chờ đợi. Ông nói: “Anh em đáng nên thánh và tin-kính trong mọi sự ăn-ở của mình là dường nào, trong khi chờ-đợi trông-mong cho ngày Đức Chúa Trời mau đến!” (2 Phi-e-rơ 3:11, 12) Hãy lưu ý đây là câu cảm thán chứ không phải câu hỏi. Đức Chúa Trời soi dẫn Phi-e-rơ viết hai lá thư, trong đó ông cho biết tín đồ Đấng Christ phải thuộc loại người nào. Ông cũng khuyên nhủ họ tiếp tục “đáng nên thánh và tin-kính trong mọi sự ăn-ở”. Mặc dù khoảng 30 năm đã trôi qua kể từ khi Chúa Giê-su Christ cho biết điềm “chỉ về sự Chúa đến và tận-thế”, nhưng tín đồ Đấng Christ vẫn phải đề cao cảnh giác. (Ma-thi-ơ 24:3) Họ phải “chờ-đợi trông-mong” ngày của Đức Giê-hô-va.
4. “Trông-mong cho ngày Đức Chúa Trời mau đến” bao hàm điều gì?
4 Từ Hy Lạp ở đây dịch là “trông-mong” có nghĩa đen là “giục cho nhanh”. Tất nhiên, chúng ta không thể “giục cho nhanh” ngày của Đức Giê-hô-va. Vả lại, chúng ta “không biết ngày, cũng không biết giờ” mà Chúa Giê-su Christ sẽ đến để thi hành sự phán xét kẻ thù của Cha ngài. (Ma-thi-ơ 24:36; 25:13) Một tác phẩm tham khảo giải thích rằng động từ gốc của từ ngữ “giục cho nhanh” ở đây có nghĩa “ ‘làm cho mau đến’, vì thế nó liên quan mật thiết với lòng ‘hăng say, tích cực, quan tâm về một điều nào đó’ ”. Vì vậy Phi-e-rơ thúc giục anh em cùng đức tin nên sốt sắng mong muốn ngày Đức Giê-hô-va mau đến. Họ có thể làm điều này bằng cách thường xuyên nhớ đến ngày ấy. (2 Phi-e-rơ 3:12) Vì “ngày lớn và kinh-khiếp của Đức Giê-hô-va” hiện rất gần, chúng ta phải có cùng thái độ như thế.—Giô-ên 2:31.
“Nên thánh” trong khi chờ đợi
5. Bằng cách nào chúng ta cho thấy mình sốt sắng mong muốn được chứng kiến ‘ngày Đức Giê-hô-va’?
5 Nếu sốt sắng mong muốn sống sót ngày Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ biểu hiện ước muốn đó bằng cách “nên thánh và tin-kính trong mọi sự ăn-ở”. Từ ngữ “nên thánh” rất có thể nhắc chúng ta nhớ lời khuyên của Phi-e-rơ: “Anh em đã nên như con-cái hay vâng lời, thì chớ có làm theo sự dâm-dục, là sự cai-trị trong anh em ngày trước, về lúc anh em còn mê-muội. Nhưng, như Đấng gọi anh em là thánh, thì anh em cũng phải thánh trong mọi cách ăn-ở mình, bởi có chép rằng: Hãy nên thánh, vì ta là thánh”.—1 Phi-e-rơ 1:14-16.
6. Để nên thánh, chúng ta phải làm gì?
6 Để nên thánh, chúng ta phải duy trì sự thánh sạch về thể xác, tinh thần, đạo đức và thiêng liêng. Chúng ta có sẵn sàng cho ‘ngày Đức Giê-hô-va’ bằng cách giữ mình thánh sạch với tư cách những người mang danh Đức Giê-hô-va không? Duy trì sự thánh sạch như thế ngày nay không phải dễ, bởi lẽ các tiêu chuẩn đạo đức của thế gian mỗi lúc một suy đồi hơn. (1 Cô-rinh-tô 7:31; 2 Ti-mô-thê 3:13) Chúng ta có nhận thấy khoảng cách về đạo đức giữa chúng ta và thế gian ngày càng xa không? Nếu không, chúng ta có lý do để quan tâm. Dù tiêu chuẩn cá nhân của chúng ta cao hơn của thế gian, nhưng có thể nào nó cũng đang suy giảm không? Nếu thế, chúng ta cần hành động dứt khoát nhằm sửa chữa vấn đề để làm vui lòng Đức Chúa Trời.
7, 8. (a) Qua cách nào chúng ta có thể cho thấy mình không còn nhận ra tầm quan trọng của việc tiếp tục “nên thánh”? (b) Có thể cần áp dụng biện pháp nào để sửa chữa?
7 Khi tài liệu khiêu dâm được đưa vào Internet đồng thời người ta có thể xem ở nơi kín đáo, một số người trước kia không có phương tiện để xem những tài liệu vô luân như thế, nay thấy có sẵn “một nguồn cung cấp vô tận về tài liệu tình dục”, theo lời của một bác sĩ. Nếu tìm xem tài liệu đồi truỵ như thế trên các trang Web, chắc chắn là chúng ta đang ngơ đi mệnh lệnh của Kinh Thánh là “đừng động đến đồ ô-uế”. (Ê-sai 52:11) Nếu thế, liệu chúng ta có thật sự ‘trông-mong cho ngày Đức Giê-hô-va mau đến’ không? Hoặc có thể nào chúng ta đang hoãn ngày ấy trong trí bằng cách lý luận rằng tuy đang làm ô uế tâm trí với những tài liệu nhơ bẩn, nhưng chúng ta vẫn có đủ thời gian để tự tẩy sạch? Nếu ở trong trường hợp trên, chúng ta cần khẩn cấp cầu xin Đức Giê-hô-va ‘xây mắt chúng ta khỏi xem những vật hư-không, làm chúng ta được sống trong các đường-lối Ngài’!—Thi-thiên 119:37.
8 Đại đa số Nhân Chứng Giê-hô-va, cả già lẫn trẻ, tuân thủ những tiêu chuẩn cao của Đức Chúa Trời về đạo đức và tránh những cám dỗ vô luân của thế gian. Nhờ ý thức về thời kỳ khẩn cấp và về lời cảnh báo của Phi-e-rơ là “ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm”, họ tiếp tục “nên thánh”. (2 Phi-e-rơ 3:10) Các hành động của họ chứng tỏ họ đang ‘trông-mong cho ngày Đức Giê-hô-va mau đến’.a
Trong khi chờ đợi, phải “tin-kính trong mọi sự ăn-ở”
9. Lòng tin kính phải thôi thúc chúng ta làm gì?
9 “Tin-kính trong mọi sự ăn-ở” cũng là điều kiện tối cần nếu chúng ta trông mong ngày của Đức Giê-hô-va. Lòng “tin-kính” bao hàm sự tôn kính Đức Chúa Trời. Sự tôn kính này thôi thúc chúng ta làm vui lòng Ngài. Lòng trung thành gắn bó với Đức Giê-hô-va là động cơ của những hành vi tin kính. Ý muốn của Ngài là “mọi người được cứu-rỗi và hiểu-biết lẽ thật”. (1 Ti-mô-thê 2:4) Đức Chúa Trời “không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn-năn”. (2 Phi-e-rơ 3:9) Vậy, chẳng lẽ lòng tin kính không thôi thúc chúng ta tăng cường nỗ lực giúp người khác học biết và noi gương Đức Giê-hô-va sao?—Ê-phê-sô 5:1.
10. Tại sao chúng ta phải đề phòng “sự mê-đắm về của-cải”?
10 Đời sống chúng ta sẽ đầy dẫy những hành vi tin kính nếu tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời trước hết. (Ma-thi-ơ 6:33) Điều này đòi hỏi phải có quan điểm thăng bằng về của cải vật chất. Chúa Giê-su khuyến cáo: “Phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư dả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu”. (Lu-ca 12:15, Tòa Tổng Giám Mục) Dù khó tưởng tượng là mình bị mù quáng vì lòng tham tiền bạc, chúng ta nên lưu ý rằng “sự lo-lắng về đời nầy, và sự mê-đắm về của-cải” có thể “làm cho nghẹt-ngòi đạo” của Đức Chúa Trời. (Ma-thi-ơ 13:22, chúng tôi viết nghiêng). Việc mưu sinh có thể không dễ dàng. Vì thế, ở một số nơi trên thế giới, nhiều người biện luận rằng để có đời sống khả quan hơn, họ phải dời sang một nước giàu hơn, mỗi lần ra đi như vậy có lẽ phải xa gia đình nhiều năm. Ngay cả một số người trong dân tộc của Đức Chúa Trời cũng lý luận kiểu này. Bằng cách dời sang nước khác, họ có thể đủ khả năng cung cấp những tiện nghi tân tiến cho gia đình. Tuy nhiên, tình trạng thiêng liêng của người thân yêu nơi quê nhà sẽ ra sao? Không có người cầm đầu đúng đắn trong nhà, liệu những thành viên trong gia đình có đủ sức mạnh thiêng liêng cần thiết để sống sót ngày Đức Giê-hô-va không?
11. Làm thế nào một người sang nước khác làm việc đã cho thấy các hành động tin kính quan trọng hơn của cải?
11 Một người Phi-líp-pin sang Nhật làm việc, tại đây anh học lẽ thật Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va. Khi hiểu biết quan điểm của Kinh Thánh về trách nhiệm của người đứng đầu gia đình, anh nhận ra rằng cần phải giúp gia đình trở thành những người thờ phượng Đức Giê-hô-va. (1 Cô-rinh-tô 11:3) Người vợ nơi quê nhà kịch liệt chống đối, không tán thành niềm tin mới của anh. Chị ấy muốn anh tiếp tục gửi tiền về giúp gia đình thay vì trở về quê nhà để dạy lẽ thật Kinh Thánh. Tuy nhiên, ý thức về thời kỳ cấp bách và lòng quan tâm đối với người thân yêu đã thôi thúc anh trở về. Lòng kiên nhẫn trong việc đối xử yêu thương với gia đình đã mang lại kết quả. Với thời gian, gia đình anh đã hợp nhất trong sự thờ phượng thật, và vợ anh bắt đầu thánh chức trọn thời gian.
12. Tại sao chúng ta phải đặt quyền lợi thiêng liêng lên hàng đầu trong đời sống?
12 Có thể ví tình trạng chúng ta với những người trong một tòa bin-đinh đang cháy. Nếu cuống quýt chạy quanh để chuyển đồ đạc ra khỏi tòa nhà đang cháy sắp đổ, thì thử hỏi có khôn ngoan không? Thay vì vậy, việc cứu sống—cho chính chúng ta và gia đình, cùng những người trong tòa bin-đinh ấy—lại chẳng cấp bách hơn nhiều sao? Hệ thống gian ác này đang nhanh chóng đi đến chỗ sụp đổ, và mạng sống nhiều người đang lâm nguy. Nhận thức được điều này, chắc chắn chúng ta phải đặt quyền lợi thiêng liêng lên hàng đầu và hăng say tập trung vào việc rao giảng về Nước Trời, một công việc cứu người.—1 Ti-mô-thê 4:16.
Chúng ta cần phải “không dấu-vít”
13. Khi ngày Đức Giê-hô-va đến, chúng ta muốn ở trong tình trạng nào?
13 Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì thái độ chờ đợi, Phi-e-rơ nói: “Hỡi kẻ rất yêu-dấu, vì anh em trông-đợi những sự đó, thì phải làm hết sức mình, hầu cho Chúa thấy anh em ở bình-an, không dấu-vít, chẳng chỗ trách được”. (2 Phi-e-rơ 3:14) Ngoài lời khuyên phải nên thánh và tin kính trong mọi sự ăn ở, Phi-e-rơ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng phải được Đức Giê-hô-va xem là những người được huyết báu của Chúa Giê-su tẩy sạch tội lỗi. (Khải-huyền 7:9, 14) Điều này đòi hỏi một người phải thực hành đức tin nơi sự hy sinh của Chúa Giê-su, dâng mình, và làm báp têm để trở thành tôi tớ của Đức Giê-hô-va.
14. “Không dấu-vít” bao hàm điều gì?
14 Phi-e-rơ thúc giục chúng ta cố hết sức để được xem là “không dấu-vít”. Chúng ta có đang giữ cho hạnh kiểm và nhân cách tín đồ Đấng Christ không dấu vết, tức không bị vết nhơ của thế gian chăng? Khi thấy quần áo lấm vết bẩn, chúng ta lập tức tìm cách tẩy rửa. Nếu quần hoặc áo đó là cái chúng ta ưa thích nhất, chúng ta đặc biệt giặt giũ kỹ càng. Nếu bộ quần áo tượng trưng cho nhân cách hoặc hạnh kiểm của tín đồ Đấng Christ bị lấm bẩn, tức có một khuyết điểm nào đó, chúng ta có tìm cách tẩy rửa không?
15. (a) Tại sao người Y-sơ-ra-ên phải làm một cái tua nơi chéo áo mình? (b) Tại sao tôi tớ thời nay của Đức Giê-hô-va khác biệt rõ rệt?
15 Ngày xưa, người Y-sơ-ra-ên phải làm “một cái tua nơi các chéo áo mình” và “trên mỗi tua kết một sợi dây màu điều”. Tại sao vậy? Để họ nhớ và tuân theo mệnh lệnh của Đức Giê-hô-va, đồng thời chứng tỏ là “thánh” thiện trước mắt Đức Chúa Trời của họ. (Dân-số Ký 15:38-40) Là các tôi tớ thời nay của Đức Giê-hô-va, chúng ta khác biệt rõ ràng với thế gian vì tuân thủ luật pháp và nguyên tắc của Đức Chúa Trời. Thí dụ, chúng ta giữ gìn đạo đức thanh sạch, tôn trọng sự thánh khiết của máu, và chúng ta tránh thờ hình tượng dưới mọi hình thức. (Công-vụ 15:28, 29) Chúng ta được nhiều người kính trọng vì kiên quyết giữ mình không bị ô uế.—Gia-cơ 1:27.
Chúng ta cần phải “chẳng chỗ trách được”
16. Giữ mình cho “chẳng chỗ trách được” đòi hỏi điều gì?
16 Phi-e-rơ cũng nói rằng chúng ta phải “chẳng chỗ trách được [“không tì vết”, Bản Dịch Mới] ”. Điều này có thể thực hiện được không? Một vết bẩn thường có thể lau đi hoặc rửa sạch nhưng tì vết thì không. Một tì vết cho thấy có điều gì sai sót, khiếm khuyết bên trong. Sứ đồ Phao-lô khuyên anh em tín đồ Đấng Christ ở thành Phi-líp: “Phàm làm việc gì chớ nên lằm-bằm và lưỡng-lự [“tranh luận”, Nguyễn Thế Thuấn], hầu cho anh em ở giữa dòng-dõi hung-ác ngang-nghịch, được nên con-cái của Đức Chúa Trời, không vít, không tì, không chỗ trách được, lại giữa dòng-dõi đó, giữ lấy đạo sự sống, chiếu sáng như đuốc trong thế-gian”. (Phi-líp 2:14, 15) Nếu nghe theo lời khuyên ấy, chúng ta sẽ tránh lằm bằm và tranh luận nhưng phụng sự Đức Chúa Trời với động cơ thanh sạch. Tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va và người lân cận sẽ thôi thúc chúng ta rao giảng “tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời”. (Ma-thi-ơ 22:35-40; 24:14) Hơn nữa, chúng ta sẽ tiếp tục công bố tin mừng cho dù người ta nói chung có thể không hiểu tại sao chúng ta lại tự nguyện dành thời gian và nỗ lực giúp người khác học về Đức Chúa Trời và Lời Ngài, là Kinh Thánh.
17. Chúng ta phải có động lực nào khi vươn tới các đặc ân trong hội thánh tín đồ Đấng Christ?
17 Muốn được xem là “chẳng chỗ trách được”, chúng ta phải xem xét động lực trong mọi sự mình đeo đuổi. Chúng ta đã từ bỏ đường lối ích kỷ của thế gian, chẳng hạn như cố tích lũy của cải hoặc theo đuổi quyền thế. Nếu cố gắng vươn tới nhận các đặc ân trong hội thánh tín đồ Đấng Christ, mong rằng chúng ta có động cơ trong sạch và luôn được thôi thúc bởi tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va và người khác. Thật vui thích biết bao khi thấy những người có tính thiêng liêng “mong được làm giám-mục” với lòng vui mừng cũng như với lòng khiêm nhường mong muốn làm tôi cho Đức Giê-hô-va và anh em cùng đức tin. (1 Ti-mô-thê 3:1; 2 Cô-rinh-tô 1:24) Thật vậy, những người đủ điều kiện phục vụ với tư cách trưởng lão, “chăn bầy của Đức Chúa Trời... bởi vui lòng, chẳng phải vì lợi dơ-bẩn, bèn là hết lòng mà làm, chẳng phải quản-trị phần trách-nhiệm..., song để làm gương tốt cho cả bầy”.—1 Phi-e-rơ 5:1-4.
Chúng ta cần phải ăn “ở bình-an”
18. Nhân Chứng Giê-hô-va được tiếng là có những đức tính nào?
18 Cuối cùng, Phi-e-rơ nói chúng ta phải là những người ăn “ở bình-an”. Để sống phù hợp với đòi hỏi này, chúng ta cần hòa thuận với Đức Giê-hô-va và người lân cận. Phi-e-rơ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “có lòng yêu-thương sốt-sắng” và việc duy trì sự hòa thuận với anh em tín đồ Đấng Christ. (1 Phi-e-rơ 2:17; 3:10, 11; 4:8; 2 Phi-e-rơ 1:5-7) Để duy trì sự hòa thuận, chúng ta phải yêu thương lẫn nhau. (Giăng 13:34, 35; Ê-phê-sô 4:1, 2) Tình yêu thương và sự hòa thuận của chúng ta đặc biệt hiển nhiên ở các đại hội quốc tế. Tại một đại hội ở Costa Rica năm 1999, một người bán hàng tại phi trường đã tỏ ra bực bội vì các Nhân Chứng địa phương ra đón tiếp những đại biểu mới đến, vô tình đứng che khuất gian hàng của ông. Tuy nhiên, ngày hôm sau, ông nhận thấy tình yêu thương và sự hòa thuận thể hiện trong lời chào mừng nồng hậu dành cho các đại biểu, mặc dù cá nhân các Nhân Chứng địa phương chưa từng quen biết họ. Vào ngày cuối, người bán hàng này đã cùng các Nhân Chứng chào mừng các đại biểu và xin học Kinh Thánh.
19. Tại sao theo đuổi sự hòa thuận với những anh em cùng đức tin là thiết yếu?
19 Việc chân thành theo đuổi sự hòa thuận với anh chị em thiêng liêng có thể tác động đến lòng tha thiết chờ đợi ngày của Đức Giê-hô-va và thế giới mới mà Ngài hứa. (Thi-thiên 37:11; 2 Phi-e-rơ 3:13) Giả sử chúng ta thấy khó giữ hòa khí với một anh em cùng đức tin, chúng ta có thể nào hình dung việc chung sống hòa thuận với anh ấy trong Địa Đàng được chăng? Nếu một anh em có điều gì nghịch cùng chúng ta, chúng ta phải lập tức “giảng-hòa với anh em” ấy. (Ma-thi-ơ 5:23, 24) Đó là điều kiện thiết yếu nếu chúng ta muốn giữ sự hòa thuận với Đức Giê-hô-va.—Thi-thiên 35:27; 1 Giăng 4:20.
20. Thái độ “chờ đợi” phải biểu hiện qua những cách nào?
20 Cá nhân chúng ta có “chờ-đợi trông-mong cho ngày Đức Chúa Trời mau đến” không? Lòng sốt sắng mong muốn thấy sự gian ác chấm dứt thể hiện ở việc chúng ta tiếp tục nên thánh trong thế gian vô đạo đức. Hơn nữa, lòng tha thiết ao ước ngày Đức Giê-hô-va mau đến và ước muốn được sống dưới sự cai trị của Nước Trời biểu hiện qua sự tin kính trong mọi sự ăn ở của chúng ta. Và lòng mong đợi được sống trong một thế giới mới hòa bình biểu hiện qua việc chúng ta ngày nay theo đuổi sự hòa thuận với các anh em cùng đạo. Qua những cách này, chúng ta chứng tỏ có thái độ “chờ-đợi” và “trông-mong cho ngày Đức Chúa Trời mau đến”.
[Chú thích]
a Muốn có thêm thí dụ, hãy xem Tháp Canh, ngày 1-1-2000, trang 16 và 1997 Yearbook of Jehovah’s Witnesses, trang 51.
Bạn có nhớ không?
• “Chờ-đợi trông-mong cho ngày Đức Chúa Trời mau đến” có nghĩa gì?
• Thái độ “chờ-đợi” được biểu hiện thế nào qua hạnh kiểm của chúng ta?
• Tại sao việc “tin-kính trong mọi sự ăn-ở” là thiết yếu?
• Chúng ta phải làm gì để được Đức Giê-hô-va xem là ‘ăn ở bình-an, không dấu-vít, chẳng chỗ trách được’?
[Hình nơi trang 11]
Thái độ “chờ-đợi” được phản ánh qua hạnh kiểm thánh sạch
[Các hình nơi trang 12]
Rao giảng về Nước Trời là công việc cứu người
[Hình nơi trang 14]
Trong khi chờ đợi ngày Đức Giê-hô-va, chúng ta hãy theo đuổi sự hòa thuận với người khác