Hãy tiếp tục tiến tới trong sự hiểu biết
“Thêm cho đức tin mình... sự hiểu biết” (II PHI-E-RƠ 1:5, NW).
1, 2. a) Chúng ta có thể học được điều gì khi nhìn lên trời? (Rô-ma 1:20) b) Thật ra, con người tăng thêm sự hiểu biết tới mức độ nào?
BẠN có thể học được gì khi ra ngoài trời vào một đêm tối không mây và nhìn mặt trăng sáng ngời và vô số những vì sao? Bạn có thể học được một điều gì đó về Đấng đã tạo ra mọi vì tinh tú này (Thi-thiên 19:1-6; 69:34).
2 Nếu bạn muốn hiểu biết nhiều hơn thì bạn có leo lên nóc nhà và từ đó nhìn lên trời không? Có lẽ không. Albert Einstein có lần đã dùng ví dụ đó để cho thấy rằng các khoa học gia thật ra đã không tăng thêm sự hiểu biết về vũ trụ và chắc chắn lại còn hiểu biết rất ít về Đấng đã tạo ra vũ trụ.a Bác sĩ Lewis Thomas viết: “Thành tích độc nhất và vĩ đại nhất của khoa học trong thế kỷ này là việc người ta khám phá ra rằng chúng ta hết sức ngu dốt; chúng ta biết rất ít về thiên nhiên và lại hiểu ít hơn nữa, mặc dù khoa học đã đạt được nhiều thành quả nhất”.
3. Việc tăng thêm sự hiểu biết cũng tăng thêm sự đau đớn có nghĩa gì?
3 Ngay dù bạn dùng tất cả những năm còn lại của một đời người để tìm kiếm sự hiểu biết đó, bạn có lẽ chỉ ý thức hơn là đời người ngắn ngủi biết bao và thấy rõ hơn là người ta bị hạn chế trong việc dùng sự hiểu biết của mình vì sự bất toàn và “cong-vẹo” của thế gian này. Sa-lô-môn nêu rõ vấn đề đó khi ông viết: “Sự khôn-ngoan nhiều, sự phiền-não cũng nhiều; ai thêm sự tri-thức ắt thêm sự đau đớn” (Truyền-đạo 1:15, 18). Thật vậy, việc tăng thêm sự hiểu biết và khôn ngoan mà không có liên quan đến mục đích của Đức Chúa Trời thường gặp phải đau đớn và phiền toái (Truyền-đạo 1:13, 14; 12:12; I Ti-mô-thê 6:20).
4. Chúng ta muốn có sự hiểu biết nào?
4 Phải chăng Kinh-thánh khuyên chúng ta không nên quan tâm đến việc tăng thêm sự hiểu biết? Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Hãy tiến tới trong ân điển và trong sự hiểu biết về Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Giê-su Christ. Nguyền xin sự vinh hiển về nơi ngài, từ rày cho đến đời đời” (II Phi-e-rơ 3:18, NW). Chúng ta có thể và nên chấp nhận lời khuyên đó như áp dụng cho chúng ta, khuyến khích chúng ta tiến tới trong sự hiểu biết. Nhưng đó là loại hiểu biết nào? Chúng ta có thể tiến tới như thế nào? Và chúng ta có thật sự làm như vậy không?
5, 6. Phi-e-rơ nhấn mạnh thế nào về việc chúng ta cần phải có sự hiểu biết?
5 Ý chính trong lá thư thứ hai của Phi-e-rơ là việc tăng thêm sự hiểu biết chính xác về Đấng Tạo hóa của vũ trụ và về Giê-su. Trong phần mở đầu ông viết: “Nguyền xin ân điển và sự bình an được tăng thêm cho anh em bởi sự hiểu biết chính xác về Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su, là Chúa chúng ta! Quyền phép Đức Chúa Trời rộng rãi ban cho chúng ta mọi điều liên quan đến sự sống và sự tin kính nhờ sự hiểu biết chính xác về Đấng lấy vinh hiển và nhân đức mà gọi chúng ta” (II Phi-e-rơ 1:2, 3, NW). Vậy ông liên kết việc được ân điển và bình an với việc chúng ta có được sự hiểu biết về Đức Chúa Trời và Con Ngài. Điều này hợp lý vì Đấng Tạo hóa, Đức Giê-hô-va, là nơi tập trung của sự hiểu biết thật. Người nào kính sợ Đức Giê-hô-va có thể nhìn thấy các vấn đề một cách đúng đắn và đi đến những kết luận có giá trị (Châm-ngôn 1:7).
6 Rồi Phi-e-rơ khuyến khích: “Thêm cho đức tin mình sự nhân đức, thêm cho nhân đức sự hiểu biết, thêm cho hiểu biết sự tự chủ, thêm cho tự chủ sự nhịn nhục, thêm cho nhịn nhục sự tin kính, thêm cho tin kính tình yêu thương anh em, thêm cho tình yêu thương anh em lòng yêu mến. Vì nếu anh em có các điều đó và có đầy dẫy nữa, thì ắt chẳng để cho anh em ở dưng hoặc không có kết quả trong sự hiểu biết chính xác về Chúa Giê-su Christ của chúng ta đâu” (II Phi-e-rơ 1:5-8, NW).b Trong đoạn sau, chúng ta đọc thấy rằng người ta thoát khỏi sự ô uế của thế gian nhờ có được sự hiểu biết (II Phi-e-rơ 2:20). Vì thế, Phi-e-rơ nói rõ rằng những người muốn trở thành tín đồ đấng Christ cũng như những người đang phụng sự Đức Giê-hô-va cần phải có sự hiểu biết. Bạn có thuộc một trong hai nhóm người này không?
Học, lặp lại và dùng
7. Nhiều người đã có được sự hiểu biết chính xác về các lẽ thật căn bản trong Kinh-thánh bằng cách nào?
7 Có lẽ bạn đang học Kinh-thánh với Nhân-chứng Giê-hô-va vì bạn nhận thấy lẽ thật trong thông điệp của họ. Cứ mỗi tuần một lần, trong một giờ đồng hồ hay khoảng đó, bạn xem xét một đề tài trong Kinh-thánh bằng cách dùng những tài liệu như sách Bạn có thể Sống đời đời trong Địa-đàng trên Đất. Tốt lắm! Nhiều người đã có được sự hiểu biết chính xác nhờ học như thế với Nhân-chứng Giê-hô-va. Tuy nhiên, bạn có thể làm gì để học nhiều hơn? Sau đây là vài đề nghị.c
8. Khi sửa soạn học, học viên có thể làm gì để hiểu biết nhiều hơn?
8 Khi sửa soạn học, trước hết bạn nên xem tổng quát các bài vở mà bạn học hỏi. Điều này có nghĩa là xem qua tựa đề của chương đó, các tiểu đề và bất cứ những hình ảnh nào được dùng để làm rõ ý bài. Rồi khi đọc một đoạn hoặc một phần của bài, hãy tìm những ý tưởng chính và những câu Kinh-thánh ủng hộ những ý tưởng đó, gạch dưới hoặc làm nổi bật những điều này. Hãy cố gắng trả lời câu hỏi của các đoạn để biết bạn đã học những lẽ thật trong đoạn hay chưa. Trong khi làm thế, hãy cố gắng trả lời bằng lời lẽ riêng của bạn. Sau cùng, hãy ôn lại bài, cố nhớ lại các điểm chính và những lý lẽ ủng hộ các điểm chính đó.
9. Có những đề nghị nào giúp người ta học hỏi tốt hơn?
9 Nếu bạn áp dụng những đề nghị như trên, bạn có thể tin chắc là sự hiểu biết của bạn sẽ được tăng thêm. Tại sao vậy? Một lý do là vì bạn sẽ bắt đầu bài vở với lòng ham thích học hành và điều này có thể được coi như đặt nền móng cho sự học hành. Khi xem qua bài một cách tổng quát và rồi tìm những điểm chính và các lập luận, bạn sẽ thấy các chi tiết liên quan thế nào đến đề tài hay phần kết luận. Việc ôn lại một lần cuối sẽ giúp bạn nhớ những gì bạn đã học. Còn sau đó, trong lúc bạn học Kinh-thánh thì sao?
10. a) Tại sao việc học thuộc lòng các sự kiện hoặc những điều mới không có giá trị nhiều cho lắm? b) “Nhắc đi nhắc lại sau một thời gian” bao gồm điều gì? c) Các con cái Y-sơ-ra-ên có lẽ đã được lợi ích như thế nào nhờ việc lặp đi lặp lại?
10 Các chuyên gia về lãnh vực giáo dục biết giá trị của sự nhắc lại đúng lúc và có mục đích. Đây không chỉ là việc lặp đi lặp lại các chữ như con vẹt, là điều mà bạn có thể đã làm ở trường khi bạn muốn nhớ một số tên, sự kiện, hoặc ý tưởng bằng cách học thuộc lòng. Tuy nhiên, phải chăng bạn đã thấy rằng không bao lâu sau bạn quên điều mà bạn đã đọc thuộc lòng, và nó cũng đã nhanh chóng biến khỏi trí nhớ của bạn? Tại sao thế? Vì việc chỉ học thuộc lòng một chữ mới hoặc một sự kiện mới có thể nhàm chán, và kết quả không được lâu bền. Vậy thì điều gì có thể thay đổi việc đó? Việc bạn thật sự muốn học có thể giải quyết được điều này. Một bí quyết khác là việc nhắc đi nhắc lại có mục đích. Vài phút sau khi bạn học một điều gì, và trước khi quên, bạn hãy cố gắng gợi lại trong trí điều đã học. Việc này được gọi là “nhắc đi nhắc lại sau một thời gian”. Nhờ ôn lại trước khi quên, bạn nhớ điều đó lâu hơn. Trong xứ Y-sơ-ra-ên, những người cha phải ân cần dạy dỗ con cái mình các điều răn của Đức Chúa Trời (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6, 7). “Ân-cần dạy-dỗ” có nghĩa là dạy bằng cách nhắc đi nhắc lại. Rất có thể là trước hết người cha cho con cái biết những điều luật; sau đó họ nhắc lại những điều đó; và rồi họ hỏi con cái về những điều mà chúng đã học.
11. Trong khi học hỏi Kinh-thánh, bạn có thể làm gì để thu thập nhiều hơn?
11 Nếu một Nhân-chứng đang học Kinh-thánh với bạn thì người đó có thể giúp bạn học bằng cách thỉnh thoảng tóm tắt những điều mới học. Đây không phải là một trò trẻ con. Đó là một phương pháp giúp bạn học tốt hơn, vậy bạn hãy vui vẻ tham gia vào những lúc ôn lại đó. Rồi vào phần cuối của buổi học, bạn hãy góp phần vào việc ôn lại lần cuối bằng cách trả lời theo trí nhớ của bạn. Bạn có thể dùng lời riêng của bạn để giải thích các điểm mà bạn học như thể là bạn dạy một người khác (I Phi-e-rơ 3:15). Điều này sẽ giúp bạn nhớ dai những điều đã học. (So sánh Thi-thiên 119:1, 2, 125; II Phi-e-rơ 3:1).
12. Người học viên có thể tự mình làm gì để trau giồi trí nhớ?
12 Một biện pháp hữu ích khác là trong vòng một hay hai ngày, bạn nói điều bạn đã học cho một người khác, có thể là một người bạn học cùng trường, một người cùng làm chung sở, hoặc một người láng giềng. Bạn có thể nêu ra đề tài và rồi nói rằng bạn chỉ muốn xem bạn có thể nhớ lại các lập luận chính và những câu Kinh-thánh ủng hộ lập luận này. Điều này có thể khiến cho người khác chú ý. Ngay dù không có kết quả đó, chính phương pháp nhắc lại sau một hoặc hai ngày sẽ giúp bạn nhớ điều mới học. Trong trường hợp này, bạn đã thật sự học và làm những gì II Phi-e-rơ 3:18 khuyến khích.
Học cách tích cực
13, 14. Tại sao chúng ta muốn đi sâu hơn là việc chỉ thu nhận và nhớ sự kiện mà thôi?
13 Việc học hành đòi hỏi nhiều hơn là chỉ thu thập những sự kiện và có khả năng nhắc lại những điều đó. Những người sùng đạo thời Giê-su đã làm như vậy khi lặp đi lặp lại những lời cầu nguyện của họ (Ma-thi-ơ 6:5-7). Nhưng những lời cầu nguyện đó ảnh hưởng đến họ như thế nào? Họ có sinh ra những bông trái công bình không? Hầu như không (Ma-thi-ơ 7:15-17; Lu-ca 3:7, 8). Một phần của vấn đề này là vì sự hiểu biết không ăn sâu vào lòng họ, nên không đem lại cho họ lợi ích gì cả.
14 Theo Phi-e-rơ thì các tín đồ đấng Christ, thời xưa và thời nay, phải khác thế. Phi-e-rơ nhấn mạnh sự cần thiết phải thêm cho đức tin của chúng ta sự hiểu biết để giúp chúng ta tránh việc ngưng hoạt động hoặc không đem lại những kết quả tốt (II Phi-e-rơ 1:5, 8). Nếu chúng ta muốn điều này xảy đến cho mình, chúng ta phải muốn tiến tới trong sự hiểu biết và muốn để sự hiểu biết đó ảnh hưởng chúng ta một cách sâu xa, đến tận thâm tâm của chúng ta. Điều này có thể không luôn luôn xảy ra.
15. Một số tín đồ đấng Christ gốc Hê-bơ-rơ có vấn đề nào?
15 Vào thời Phao-lô, các tín đồ đấng Christ gốc Hê-bơ-rơ có vấn đề về lãnh vực này. Họ đã có một số hiểu biết về Kinh-thánh vì họ là người Do Thái. Họ biết Đức Giê-hô-va và một số điều Ngài đòi hỏi. Sau đó họ biết thêm về đấng Mê-si, thực hành đức tin, và làm báp têm với tư cách tín đồ đấng Christ (Công-vụ các Sứ-đồ 2:22, 37-41; 8:26-36). Qua nhiều năm tháng, họ chắc hẳn đã tham dự các buổi họp của tín đồ đấng Christ, nơi họ có thể góp phần vào việc đọc các câu Kinh-thánh và phát biểu ý kiến. Tuy vậy, một số người đã không tiến tới trong sự hiểu biết. Phao-lô viết: “Đáng lẽ anh em đã làm thầy từ lâu rồi, nay còn cần người ta lấy những đều sơ-học của lời Đức Chúa Trời mà dạy anh em; anh em cần ăn sữa thay vì đồ-ăn đặc” (Hê-bơ-rơ 5:12). Làm sao điều này đã có thể như vậy được? Phải chăng điều này cũng có thể xảy đến với chúng ta?
16. Tầng đông giá quanh năm là gì, và nó ảnh hưởng đến cây cỏ thế nào?
16 Để ví dụ, hãy xem xét phần đất luôn luôn đông giá (permafrost), là tầng đất đóng băng thường xuyên ở Bắc Cực và ở những vùng khác nơi nhiệt độ trung bình dưới mức đông lạnh. Đất, đá và nước ngầm đông lại thành một khối đặc, đôi khi sâu đến 900 mét. Vào mùa hè, mặt đất không còn băng giá nữa. Tuy nhiên, lớp đất mỏng này thường bùn lầy bởi vì nước không thể chảy thoát xuống tầng đông giá nằm phía dưới. Cây cỏ mọc nơi lớp đất mỏng phía trên thường nhỏ bé và còi cọc; các rễ của những cây cối đó không thể đâm xuyên qua tầng đông giá. Có lẽ bạn tự hỏi: “Tầng đông giá có liên quan gì đến việc tôi có tiến tới trong sự hiểu biết lẽ thật của Kinh-thánh hay không?”
17, 18. Ví dụ về tầng đông giá và lớp đất mỏng phía trên được dùng như thế nào để minh họa điều đã xảy ra cho một số tín đồ gốc Hê-bơ-rơ?
17 Tầng đông giá minh họa rõ ràng tình trạng của một người mà năng lực trí tuệ không được vận dụng cách tích cực để thu nhận, nhớ và dùng sự hiểu biết chính xác. (So sánh Ma-thi-ơ 13:5, 20, 21). Người đó rất có thể có khả năng học nhiều môn, kể cả lẽ thật của Kinh-thánh. Người có học “những đều sơ-học của lời Đức Chúa Trời” và có thể đã hội đủ điều kiện để làm báp têm, giống như các tín đồ đấng Christ gốc Hê-bơ-rơ. Tuy nhiên, người đó không “tiến đến sự thành thục”, tiến đến những điều sâu hơn là “các điều sơ học về đấng Christ” (Hê-bơ-rơ 5:12; 6:1, NW).
18 Hãy hình dung trong trí bạn một số người trong các tín đồ đấng Christ tại các buổi họp vào thời đó. Họ có mặt và tỉnh thức, nhưng họ có để tâm trí vào việc học hỏi không? Họ có tích cực tực và thành tâm tiến tới trong sự hiểu biết không? Có lẽ không. Đối với những người không thành thục, bất cứ một sự tham gia nào trong các buổi họp có thể coi như là điều xảy ra trong lớp mỏng phía trên của bộ óc, trong khi ở dưới là tầng đông giá sâu thăm thẳm. Các rễ của những lẽ thật thâm thúy và sâu xa không thể đâm sâu vào vùng đông giá của trí óc này được. (So sánh Ê-sai 40:24).
19. Ngày nay, một tín đồ có kinh nghiệm có thể trở thành giống như các tín đồ gốc Hê-bơ-rơ như thế nào?
19 Ngày nay, một tín đồ đấng Christ cũng có thể lâm vào tình trạng tương tự như thế. Trong khi có mặt tại các buổi họp, người đó có thể không dùng những cơ hội để tiến tới trong sự hiểu biết. Còn việc tích cực tham gia vào các buổi họp thì sao? Đối với một người mới hoặc một người trẻ, việc tình nguyện đọc một câu Kinh-thánh hoặc phát biểu ý kiến bằng cách đọc những chữ ở trong đoạn có thể đòi hỏi người đó phải cố gắng rất nhiều. Điều này cho thấy người đó vận dụng khả năng của mình một cách tốt và thật đáng khen. Nhưng Phao-lô cho thấy rằng với những người đã là tín đồ được một thời gian thì họ nên tiến tới để vượt khỏi giai đoạn ban đầu về cách tham gia nếu họ muốn tiếp tục lớn lên trong sự hiểu biết (Hê-bơ-rơ 5:14).
20. Mỗi người chúng ta nên tự phân tích mình ra sao?
20 Nếu một tín đồ đấng Christ có kinh nghiệm mà cứ ở mãi trong giai đoạn chỉ đọc một câu Kinh-thánh hoặc trả lời đơn sơ bằng cách đọc nguyên văn trong bài thì việc tham dự đó có vẻ như đến từ lớp mỏng phía trên cùng của trí óc. Người đó có thể đi họp lần này qua lần khác, nhưng để nói theo ví dụ của chúng ta về sự đông giá thì độ sâu khả năng trí tuệ của người đó vẫn còn ở trong tình trạng đông lạnh. Chúng ta nên tự hỏi: “Điều này có xảy ra cho tôi không? Phải chăng tôi đã để sự đông lạnh xâm nhập vào trí tuệ? Tôi tỉnh trí và chú ý đến việc học hỏi đến độ nào?” Dù những câu trả lời thành thật không làm chúng ta được thoải mái, chúng ta có thể bắt đầu có những biện pháp ngay bây giờ để tiến tới trong sự hiểu biết.
21. Trong việc sửa soạn hoặc tham gia vào các buổi họp, bạn có thể áp dụng những phương pháp nào đã được trình bày ở các đoạn trên?
21 Mỗi cá nhân chúng ta có thể áp dụng những lời đề nghị trong đoạn 8. Dù chúng ta có kết hợp với hội thánh bao lâu đi nữa, chúng ta vẫn có thể quyết tâm tiến đến sự thành thục và hiểu biết sâu xa. Đối với một số người, điều này có nghĩa là sửa soạn cho các buổi họp một cách siêng năng hơn, có lẽ tập lại những thói quen tốt có xưa kia nhưng dần dần đã bị mất đi. Khi sửa soạn, bạn hãy cố gắng xem những điểm nào là điểm chính và hiểu những câu Kinh-thánh không quen thuộc được dùng để phát triển cách lập luận. Hãy tìm xem có một quan điểm hay một khía cạnh mới nào trong bài học không. Tương tự như vậy, tại các buổi họp, bạn hãy cố gắng áp dụng những lời đề nghị được nói nơi đoạn 10 và 11 trong tâm trí của bạn. Hãy cố gắng tỉnh táo như thể giữ nhiệt độ trong trí của bạn cho nóng. Điều này sẽ chống lại bất cứ khuynh hướng nào làm cho “sự đông giá” bắt đầu xâm nhập vào trí tuệ; nỗ lực này cũng sẽ làm tan đi bất cứ tình trạng “đóng băng” nào mà có lẽ trước đó đã phát triển (Châm-ngôn 8:12, 32-34).
Hiểu biết, một sự giúp đỡ dẫn đến thành công
22. Chúng ta sẽ được lợi ích thế nào nếu cố gắng tăng thêm sự hiểu biết?
22 Cá nhân chúng ta sẽ được lợi ích thế nào nếu chúng ta cố gắng tiến tới trong ân điển và sự hiểu biết về Chúa và Cứu Chúa Giê-su Christ? Bằng cách nỗ lực giữ trí tuệ tỉnh táo, sẵn sàng thu nhận sự hiểu biết thì các hạt giống của những lẽ thật mới và thâm thúy hơn trong Kinh-thánh sẽ đâm rễ sâu và sự hiểu biết của chúng ta sẽ gia tăng và trở thành vĩnh viễn. Điều này có thể so sánh với điều mà Giê-su nói trong một ví dụ khác về lòng người ta (Lu-ca 8:5-12). Những hạt giống rơi trên đất tốt có thể có những rễ vững chắc để cấp dưỡng cho cây sinh ra bông trái (Ma-thi-ơ 13:8, 23).
23. Khi chúng ta ghi tạc vào lòng II Phi-e-rơ 3:18 thì chúng ta sẽ đạt được kết quả gì? (Cô-lô-se 1:9-12)
23 Lời ví dụ của Giê-su tuy hơi khác biệt một chút, nhưng kết quả thì tương tự như điều Phi-e-rơ hứa: “Vậy nên... phải gắng hết sức thêm cho đức tin mình sự nhân đức, thêm cho nhân đức sự hiểu biết... vì nếu anh em có các điều đó và có đầy dẫy nữa, thì ắt chẳng để cho anh em ở dưng hoặc không có kết quả trong sự hiểu biết chính xác về Chúa Giê-su Christ của chúng ta đâu” (II Phi-e-rơ 1:5-8, NW). Thật vậy, tiến tới trong sự hiểu biết sẽ giúp chúng ta gặt hái được nhiều kết quả. Chúng ta sẽ thấy rằng càng hiểu biết nhiều hơn sẽ đem lại cho chúng ta nhiều vui mừng hơn (Châm-ngôn 2:2-5). Bạn sẽ thấy dễ nhớ hơn những điều bạn học và có thể dùng sự hiểu biết đó để dạy những người khác trở thành môn đồ của Giê-su. Vậy, cũng bằng cách này bạn sẽ gặt hái được nhiều kết quả và đem lại vinh hiển cho Đức Giê-hô-va và Con của Ngài. Phi-e-rơ chấm dứt lá thư thứ hai của ông với lời: “Hãy tiến tới trong ân điển và trong sự hiểu biết về Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Giê-su Christ. Nguyền xin sự vinh hiển về nơi ngài, từ rày cho đến đời đời” (II Phi-e-rơ 3:18, NW).
[Chú thích]
a “[Việc đó] có thể so sánh với việc một người leo lên mái nhà để có thể nhìn rõ mặt trăng hơn vì muốn tăng thêm sự hiểu biết của mình về mặt trăng”.
b Hai đức tính đầu tiên trong đoạn này là đức tin và nhân đức đã được thảo luận trong số ra ngày 15-4-1994.
c Những đề nghị này cũng có thể giúp những người đã là tín đồ lâu năm hiểu nhiều hơn trong việc học hỏi cá nhân và sửa soạn cho các buổi họp.
Bạn có thể nhớ không?
◻ Tại sao bạn nên chú ý đến việc tăng thêm sự hiểu biết?
◻ Làm thế nào học viên mới có thể hiểu nhiều khi học Kinh-thánh?
◻ Như đã được ví dụ qua tầng đông giá, bạn nên tránh sự nguy hiểm nào?
◻ Tại sao chúng ta nên quyết tâm trau giồi khả năng để tăng thêm sự hiểu biết?
[Hình nơi trang 15]
Trí tuệ tôi có luôn luôn bị đông giá không?