Chúng ta hãy giữ vững đức tin quí báu!
“Gởi cho những kẻ... đã lãnh phần đức-tin đồng quí-báu như của chúng tôi” (II PHI-E-RƠ 1:1).
1. Chúa Giê-su nói gì để cảnh giác các sứ đồ của ngài, nhưng Phi-e-rơ đã khoe khoang như thế nào?
TRONG đêm trước khi chết, Chúa Giê-su nói rằng tất cả các sứ đồ sẽ bỏ ngài. Một trong những người đó là Phi-e-rơ đã khoe khoang: “Dầu mọi người vấp-phạm vì cớ thầy, song tôi chắc không bao giờ vấp-phạm vậy” (Ma-thi-ơ 26:33). Nhưng Chúa Giê-su biết không phải vậy. Vì thế, trong dịp ấy ngài bảo Phi-e-rơ: “Ta đã cầu-nguyện cho ngươi, hầu cho đức-tin ngươi không thiếu-thốn. Vậy, đến khi ngươi đã hối-cải, hãy làm cho vững chí anh em mình” (Lu-ca 22:32).
2. Mặc dù Phi-e-rơ quá tự tin, hành động nào cho thấy rằng đức tin ông yếu?
2 Phi-e-rơ đã quá tự tin về đức tin của mình, và đã chối Chúa Giê-su ngay đêm đó. Ba lần ông còn chối là ông không biết đấng Christ! (Ma-thi-ơ 26:69-75). Khi ông đã “hối-cải”, lời Chúa, “hãy làm cho vững chí anh em mình”, chắc vẫn còn vang vọng bên tai ông. Từ đó trở đi, lời khuyên bảo đó đã ảnh hưởng Phi-e-rơ một cách sâu xa, như chúng ta thấy qua hai lá thư của ông được lưu giữ trong Kinh-thánh.
Tại sao Phi-e-rơ viết hai lá thư
3. Tại sao Phi-e-rơ viết lá thư thứ nhất?
3 Khoảng 30 năm sau khi Chúa Giê-su chết, Phi-e-rơ viết lá thư đầu tiên cho anh em ở xứ Bông, Ga-la-ti, Cáp-ba-đốc, A-si và Bi-thi-ni, hiện nay thuộc miền bắc và miền tây Thổ Nhĩ Kỳ (I Phi-e-rơ 1:1). Chắc chắn Phi-e-rơ cũng viết cho những người Do Thái, một số người có lẽ trở thành tín đồ đấng Christ vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN (Công-vụ các Sứ-đồ 2:1, 7-9). Nhiều người là Dân Ngoại, và họ đang trải qua những thử thách gay go trong tay những kẻ bắt bớ (I Phi-e-rơ 1:6, 7; 2:12, 19, 20; 3:13-17; 4:12-14). Vì thế, Phi-e-rơ viết cho những anh em này để khuyến khích họ. Mục đích của ông là giúp họ nhận được “phần thưởng về đức-tin, là sự cứu-rỗi linh-hồn mình”. Vì thế trong lời tạm biệt, ông khuyên giục: “Hãy đứng vững trong đức-tin mà chống-cự [Ma-quỉ]” (I Phi-e-rơ 1:9; 5:8-10).
4. Tại sao Phi-e-rơ viết lá thư thứ hai?
4 Sau đó, Phi-e-rơ viết lá thư thứ hai cho các tín đồ này (II Phi-e-rơ 3:1). Tại sao? Vì có một mối đe dọa còn lớn hơn nữa. Những kẻ vô luân sẽ tìm cách cổ võ hành động ô uế trong vòng những người tin đạo và sẽ lừa gạt một số người! (II Phi-e-rơ 2:1-3). Ngoài ra, Phi-e-rơ cảnh cáo về những kẻ chế giễu. Trong lá thư đầu, ông viết rằng “sự cuối-cùng của muôn vật đã gần”, và bấy giờ một số người dường như chế nhạo quan điểm đó (I Phi-e-rơ 4:7; II Phi-e-rơ 3:3, 4). Chúng ta hãy xem xét lá thư thứ hai của Phi-e-rơ và xem lá thư đó đã làm vững mạnh anh em như thế nào để họ tiếp tục đứng vững trong đức tin. Trong bài thứ nhất này, chúng ta sẽ xem xét II Phi-e-rơ đoạn 1.
Mục đích của đoạn 1
5. Trước khi bàn về những vấn đề, Phi-e-rơ chuẩn bị tư tưởng của những người đọc như thế nào?
5 Phi-e-rơ không đề cập những vấn đề nghiêm trọng ngay lập tức. Ngược lại, trước khi thảo luận những vấn đề này, ông chuẩn bị tư tưởng của người đọc bằng cách làm tăng lòng quí trọng của họ đối với những gì họ nhận được khi trở thành tín đồ đấng Christ. Ông nhắc nhở họ về những lời hứa tuyệt diệu của Đức Chúa Trời và những lời tiên tri đáng tin cậy trong Kinh-thánh. Ông làm điều này bằng cách kể lại rằng trong sự hóa hình, chính ông đã thấy đấng Christ trong vương quyền Nước Trời (Ma-thi-ơ 17:1-8; II Phi-e-rơ 1:3, 4, 11, 16-21).
6, 7. a) Chúng ta có thể rút tỉa được bài học nào qua lời mở đầu lá thư của Phi-e-rơ? b) Nếu chúng ta cho lời khuyên, đôi khi nhìn nhận điều gì có thể có ích?
6 Chúng ta có thể rút tỉa được một bài học qua lời mở đầu của Phi-e-rơ không? Trước khi cho lời khuyên nếu chúng ta cùng người nghe ôn lại những đặc điểm của niềm hy vọng tuyệt diệu về Nước Trời mà chúng ta đều quí trọng, thì chẳng phải là người đó sẽ thấy dễ chấp nhận lời khuyên bảo hơn hay sao? Và còn về việc dùng một kinh nghiệm cá nhân thì sao? Rất có thể là sau khi Chúa Giê-su chết, Phi-e-rơ thường kể lại sự hiện thấy về đấng Christ trong sự vinh hiển của Nước Trời (Ma-thi-ơ 17:9).
7 Cũng hãy nhớ rằng rất có thể là vào lúc Phi-e-rơ viết lá thư thứ hai, sách Phúc Âm theo Ma-thi-ơ và lá thư của sứ đồ Phao-lô cho anh em ở Ga-la-ti đã được phổ biến rộng rãi. Cho nên những sự yếu đuối cũng như thành tích trung thành của Phi-e-rơ có thể được nhiều người cùng thời biết đến (Ma-thi-ơ 16:21-23; Ga-la-ti 2:11-14). Tuy nhiên, điều đó không cản trở ông nói năng dạn dĩ. Thật vậy, điều đó có thể làm cho lá thư ông hấp dẫn hơn đối với những người biết rõ những yếu đuối của mình. Do đó, khi giúp đỡ những người có vấn đề, nhìn nhận rằng mình cũng dễ lầm lỗi, chẳng phải là hữu hiệu hay sao? (Rô-ma 3:23; Ga-la-ti 6:1).
Một lời chào thăm làm vững lòng
8. Rất có thể Phi-e-rơ dùng chữ “đức-tin” theo nghĩa nào?
8 Giờ đây hãy xem xét lời chào thăm của Phi-e-rơ. Ngay lập tức ông nói đến đề tài đức tin, gọi người đọc là “những kẻ... đã lãnh phần đức-tin đồng quí-báu như của chúng tôi” (II Phi-e-rơ 1:1). Ở đây từ “đức-tin” rất có thể có nghĩa là “sự tin chắc”, và nói đến toàn bộ niềm tin hay sự dạy dỗ của đạo đấng Christ, điều mà Kinh-thánh đôi khi gọi là “lẽ thật” (Ga-la-ti 5:7; II Phi-e-rơ 2:2; II Giăng 1). Chữ “đức-tin” thường được dùng theo nghĩa này thay vì theo nghĩa thông thường là tin cậy hay tin tưởng một người hoặc một điều gì đó (Công-vụ các Sứ-đồ 6:7; II Cô-rinh-tô 13:5; Ga-la-ti 6:10; Ê-phê-sô 4:5; Giu-đe 3).
9. Tại sao lời chào thăm của Phi-e-rơ nghe có vẻ đặc biệt nồng nhiệt đối với Dân Ngoại?
9 Lời chào thăm của Phi-e-rơ nghe có vẻ đặc biệt nồng nhiệt đối với những Dân Ngoại đọc thư ông. Người Do Thái không hề giao thiệp với Dân Ngoại, thậm chí còn khinh thường họ nữa, và những người Do Thái dù đã trở thành tín đồ đấng Christ nhưng vẫn còn kỳ thị Dân Ngoại (Lu-ca 10:29-37; Giăng 4:9; Công-vụ các Sứ-đồ 10:28). Tuy nhiên, là người Do Thái và là sứ đồ của Chúa Giê-su Christ, Phi-e-rơ nói rằng những người đọc lá thư ông—người Do Thái lẫn Dân Ngoại—đều có cùng đức tin và đặc ân giống ông.
10. Chúng ta có thể rút tỉa những bài học nào qua lời chào thăm của Phi-e-rơ?
10 Hãy nghĩ đến những bài học tốt mà ngày nay chúng ta rút tỉa được qua lời chào thăm của Phi-e-rơ. Đó là Đức Chúa Trời không thiên vị; ngài không xem chủng tộc này đặc biệt hơn chủng tộc kia, hay dân tộc này tốt hơn dân tộc kia (Công-vụ các Sứ-đồ 10:34, 35; 11:1, 17; 15:3-9). Như chính Chúa Giê-su dạy, tất cả các tín đồ đấng Christ đều là anh em, và không một người nào trong chúng ta nên cảm thấy mình cao trọng hơn người khác. Hơn nữa, lời chào thăm của Phi-e-rơ nhấn mạnh rằng chúng ta quả thật là một đoàn thể anh em quốc tế, có đức tin “đồng quí-báu” như Phi-e-rơ và các sứ đồ khác (Ma-thi-ơ 23:8; I Phi-e-rơ 5:9).
Sự hiểu biết và lời hứa của Đức Chúa Trời
11. Sau lời chào thăm, Phi-e-rơ nhấn mạnh những điều thiết yếu nào?
11 Sau lời chào thăm, Phi-e-rơ viết: “Nguyền xin ân-điển và sự bình-an được gia-thêm cho anh em”. Làm sao chúng ta có thêm ân điển và sự bình an? Phi-e-rơ trả lời: “Bởi sự nhận biết Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jêsus, là Chúa chúng ta!” Rồi ông nói: “Quyền-phép Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi đều thuộc về sự sống và sự tin-kính”. Nhưng làm sao chúng ta nhận được những điều thiết yếu này? Nhờ “chúng ta biết Đấng lấy vinh-hiển và nhơn-đức mà gọi chúng ta”. Như vậy, hai lần Phi-e-rơ nhấn mạnh rằng sự hiểu biết chính xác về Đức Chúa Trời và Con ngài là thiết yếu (II Phi-e-rơ 1:2, 3; Giăng 17:3).
12. a) Tại sao Phi-e-rơ nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiểu biết chính xác? b) Muốn hưởng được những điều Đức Chúa Trời đã hứa, trước hết chúng ta phải làm gì?
12 Trong đoạn 2, Phi-e-rơ báo trước về việc các “tiên-tri giả” dùng “lời dối-trá” để lường gạt tín đồ đấng Christ. Bằng cách này, họ tìm cách quyến dụ các tín đồ trở lại lối sống vô luân mà họ đã từng được cứu ra khỏi. Bất cứ người nào đã được cứu ra khỏi nhờ “sự nhận biết Chúa và Cứu-Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus-Christ” mà sau này lại bị lường gạt thì hậu quả rất là tai hại (II Phi-e-rơ 2:1-3, 20). Rõ ràng vì biết sẽ bàn về vấn đề này sau đó, ngay từ đầu thư Phi-e-rơ nhấn mạnh là tín đồ đấng Christ cần phải có sự hiểu biết chính xác hầu giữ một vị thế trong sạch dưới mắt Đức Chúa Trời. Phi-e-rơ nhận xét rằng Đức Chúa Trời “ban lời hứa rất quí rất lớn cho chúng ta, hầu cho nhờ đó anh em... trở nên người dự phần bổn-tánh Đức Chúa Trời”. Tuy nhiên, muốn hưởng được những lời hứa này, một phần thiết yếu của đức tin chúng ta, Phi-e-rơ nói rằng trước tiên chúng ta phải “lánh khỏi sự hư-nát của thế-gian bởi tư-dục” (II Phi-e-rơ 1:4).
13. Cả tín đồ được xức dầu lẫn “chiên khác” quyết tâm giữ vững điều gì?
13 Bạn nghĩ thế nào về lời hứa của Đức Chúa Trời? Có giống như các tín đồ xức dầu còn sót lại nghĩ không? Vào năm 1991, anh Frederick Franz, lúc đó là chủ tịch Hội Tháp Canh, đã đeo đuổi thánh chức trọn thời gian hơn 75 năm, tóm tắt cảm nghĩ của những người có hy vọng cai trị với đấng Christ như sau: “Chúng ta vẫn còn đứng vững mãi cho đến giờ phút này và chúng ta sẽ tiếp tục đứng vững cho đến khi Đức Chúa Trời thật sự chứng tỏ ngài giữ đúng ‘lời hứa rất quí rất lớn’ của ngài”. Anh Franz đã tiếp tục tin chắc nơi lời hứa của Đức Chúa Trời về sự sống lại để lên trời, và anh đã giữ vững đức tin cho đến khi qua đời lúc 99 tuổi (I Cô-rinh-tô 15:42-44; Phi-líp 3:13, 14; II Ti-mô-thê 2:10-12). Tương tự như thế, hàng triệu người đang giữ vững đức tin, chú tâm đến lời hứa của Đức Chúa Trời về một địa đàng trên đất, nơi mà loài người sẽ sống đời đời trong hạnh phúc. Bạn có mặt trong số những người đó không? (Lu-ca 23:43; II Phi-e-rơ 3:13; Khải-huyền 21:3, 4).
Hưởng ứng lời hứa của Đức Chúa Trời
14. Tại sao Phi-e-rơ liệt kê sự nhân đức là đức tính đầu tiên để thêm cho đức tin?
14 Chúng ta có biết ơn Đức Chúa Trời về những gì ngài đã hứa không? Nếu có, Phi-e-rơ khuyên giục chúng ta nên biểu lộ lòng biết ơn. “Vậy chính vì lý do này”, (vì Đức Chúa Trời ban những lời hứa rất quí), chúng ta phải cố gắng hết sức để hành động. Chúng ta không thể thỏa mãn chỉ vì mình ở trong đạo hoặc vì hiểu biết sơ qua lẽ thật Kinh-thánh. Điều đó chưa đủ! Có lẽ trong thời Phi-e-rơ một số người trong hội thánh nói nhiều về đức tin nhưng lại có hạnh kiểm vô luân. Họ phải có hạnh kiểm tốt, cho nên Phi-e-rơ khuyên giục: “Thêm cho đức tin mình sự nhân đức” (II Phi-e-rơ 1:5, NW; Gia-cơ 2:14-17).
15. a) Sau sự nhân đức, tại sao Phi-e-rơ liệt kê sự hiểu biết là đức tính để thêm cho đức tin? b) Những đức tính nào khác sẽ trang bị chúng ta để giữ vững đức tin?
15 Sau khi nói đến sự nhân đức, Phi-e-rơ liệt kê thêm sáu đức tính nữa mà chúng ta phải thêm cho đức tin. Nếu muốn “vững-vàng trong đức-tin”, thì chúng ta cần phải có mỗi đức tính này (I Cô-rinh-tô 16:13). Vì kẻ bội đạo ‘giải sai về các phần Kinh-thánh’ và tuyên truyền “sự [dạy dỗ] dối-trá”, nên kế đến Phi-e-rơ liệt kê sự hiểu biết là điều thiết yếu: “Thêm cho nhơn-đức sự học-thức”. Rồi ông nói tiếp: “Thêm cho học-thức sự tiết-độ, thêm cho tiết-độ sự nhịn-nhục, thêm cho nhịn-nhục sự tin-kính, thêm cho tin-kính tình yêu-thương anh em, thêm cho tình yêu-thương anh em lòng yêu-mến” (II Phi-e-rơ 1:5-7; 2:12, 13; 3:16).
16. Nếu chúng ta thêm cho đức tin những đức tính mà Phi-e-rơ liệt kê, thì điều gì sẽ xảy ra, còn không thì điều gì sẽ xảy ra?
16 Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta thêm bảy điều đó cho đức tin? Phi-e-rơ trả lời: “Nếu các đều đó có đủ trong anh em và đầy-dẫy nữa, thì ắt chẳng để cho anh em ở dưng hoặc không kết quả trong sự nhận biết [chính xác, NW] Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta đâu” (II Phi-e-rơ 1:8). Ngược lại, Phi-e-rơ nói: “Nhưng ai thiếu những đều đó, thì thành ra người cận-thị, người mù; quên hẳn sự làm sạch tội mình ngày trước” (II Phi-e-rơ 1:9). Hãy chú ý là Phi-e-rơ đổi cách dùng “anh em” và “chúng ta” sang “ai”, “người” và “mình”. Mặc dù điều đáng buồn là có một số người mù quáng, dễ quên và ô uế, nhưng Phi-e-rơ mềm mại, không ám chỉ những người đọc thư ông thuộc loại người đó (II Phi-e-rơ 2:2).
Làm vững mạnh anh em
17. Điều gì có lẽ khiến Phi-e-rơ ân cần khuyên giục anh em là hãy thực hành những “đều đó”?
17 Có lẽ vì nhận biết rằng đặc biệt những người mới có thể dễ bị lường gạt, nên Phi-e-rơ dịu dàng khuyến khích họ: “Hỡi anh em, hãy chú-ý cho chắc-chắn về sự Chúa kêu-gọi và chọn-lựa mình. Làm đều đó anh em sẽ không hề vấp-ngã” (II Phi-e-rơ 1:10; 2:18). Những tín đồ được xức dầu nào thêm cho đức tin mình bảy điều này sẽ nhận được một phần thưởng tuyệt vời, như Phi-e-rơ nói: “Anh em sẽ được cho vào cách rộng-rãi trong nước đời đời của Đức Chúa Jêsus-Christ là Chúa và Cứu-Chúa chúng ta” (II Phi-e-rơ 1:11). Các “chiên khác” sẽ nhận được phần thưởng trên đất là sống đời đời dưới Nước Đức Chúa Trời (Giăng 10:16; Ma-thi-ơ 25:33, 34).
18. Tại sao Phi-e-rơ có khuynh hướng “nhắc lại những đều đó cho anh em chẳng thôi”?
18 Phi-e-rơ chân thành muốn các anh em của ông nhận được phần thưởng tuyệt vời ấy. Ông viết: “Bởi vậy cho nên, dầu anh em biết rõ-ràng và chắc-chắn trong lẽ thật hiện đây, tôi cũng sẽ nhắc lại những đều đó cho anh em chẳng thôi” (II Phi-e-rơ 1:12). Phi-e-rơ dùng chữ Hy Lạp ste·riʹzo dịch là “chắc-chắn” trong câu này, nhưng chữ này được dịch là “làm vững chí” trong lời khuyên của Chúa Giê-su cho Phi-e-rơ trước đó: “Hãy làm cho vững chí anh em mình” (Lu-ca 22:32). Việc Phi-e-rơ dùng chữ đó có thể cho thấy là ông nhớ đến lời khuyên bảo có tác động mạnh mà ông nhận được từ Chúa. Bấy giờ Phi-e-rơ nói: “Tôi còn ở trong nhà-tạm nầy [thân thể] bao lâu, thì coi sự lấy lời răn-bảo mà tỉnh-thức anh em, là bổn-phận của tôi vậy; vì tôi biết tôi phải vội lìa nhà-tạm nầy” (II Phi-e-rơ 1:13, 14).
19. Ngày nay chúng ta cần sự giúp đỡ nào?
19 Mặc dù Phi-e-rơ ân cần nói rằng những người đọc lá thư ông “chắc-chắn trong lẽ thật”, nhưng ông biết rằng đức tin của họ có thể bị chìm đắm (I Ti-mô-thê 1:19). Vì biết rằng mình sắp phải chết, ông làm vững mạnh anh em bằng cách nói đến những điều mà họ có thể nhớ lại sau này hầu giữ cho mình mạnh về thiêng liêng (II Phi-e-rơ 1:15; 3:12, 13). Tương tự như thế, ngày nay chúng ta cần được nhắc nhở thường xuyên hầu tiếp tục đứng vững trong đức tin. Dù chúng ta là ai hoặc chúng ta ở trong lẽ thật bao lâu đi nữa, chúng ta không thể bỏ bê việc đều đặn đọc Kinh-thánh, học hỏi cá nhân và dự các buổi họp hội thánh. Một số người viện cớ không đi họp, nói rằng họ quá mệt hoặc các buổi họp cứ lặp đi lặp lại hay không lý thú gì cả, nhưng Phi-e-rơ biết rằng nếu bất cứ người nào trong chúng ta trở nên quá tự tin thì chúng ta có thể nhanh chóng mất đức tin (Mác 14:66-72; I Cô-rinh-tô 10:12; Hê-bơ-rơ 10:25).
Nền tảng vững chắc cho đức tin của chúng ta
20, 21. Sự hóa hình đã làm vững mạnh đức tin của Phi-e-rơ và những người đọc lá thư ông, kể cả chúng ta ngày nay, như thế nào?
20 Có phải đức tin của chúng ta chỉ dựa trên những huyền thoại được bịa ra một cách khéo léo không? Phi-e-rơ trả lời một cách dứt khoát là không. “Vả, khi chúng tôi đã làm cho anh em biết quyền-phép và sự đến của Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta, thì chẳng phải là theo những chuyện khéo đặt-để, bèn là chính mắt chúng tôi đã ngó thấy sự oai-nghiêm Ngài”. Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng ở bên Chúa Giê-su khi họ thấy ngài trong vương quyền Nước Trời trong sự hiện thấy. Phi-e-rơ giải thích: “Ngài đã nhận-lãnh sự tôn-trọng vinh-hiển từ nơi Đức Chúa Trời, Cha Ngài, khi Đấng tôn-nghiêm rất cao phán cùng Ngài rằng: ‘Nầy là Con yêu-dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường’. Chính chúng tôi cũng từng nghe tiếng ấy đến từ trời, lúc chúng tôi ở với Ngài trên hòn núi thánh” (II Phi-e-rơ 1:16-18).
21 Khi Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng chứng kiến sự hiện thấy đó, chắc chắn Nước Trời trở nên có thật đối với họ biết bao! Phi-e-rơ nhận xét: “Nhơn đó, chúng tôi càng tin lời các đấng tiên-tri chắc-chắn hơn, anh em nên chú-ý lời đó”. Đúng vậy, những người đọc lá thư của Phi-e-rơ, kể cả chúng ta ngày nay, có lý do mạnh mẽ để chú ý đến các lời tiên tri về Nước Đức Chúa Trời. Chúng ta cần chú ý như thế nào? Phi-e-rơ trả lời: “Như cái đèn soi-sáng trong nơi tối-tăm, cho đến chừng nào ban ngày lộ ra, và sao mai mọc trong lòng anh em” (II Phi-e-rơ 1:19; Đa-ni-ên 7:13, 14; Ê-sai 9:5, 6).
22. a) Chúng ta cần phải tiếp tục giữ lòng mình cảnh giác về điều gì? b) Chúng ta chú ý đến lời tiên tri như thế nào?
22 Lòng của chúng ta sẽ tối tăm nếu không có ánh sáng của lời tiên tri. Nhưng vì chú tâm vào lời đó, lòng của tín đồ đấng Christ được cảnh giác đến ngày khi “sao mai”, tức Chúa Giê-su Christ, đến trong sự vinh hiển của Nước Trời (Khải-huyền 22:16). Ngày nay chúng ta chú ý đến lời tiên tri như thế nào? Bằng cách học hỏi Kinh-thánh, chuẩn bị và tham gia các buổi họp, cũng như “săn-sóc chuyên-lo những việc đó” (I Ti-mô-thê 4:15). Nếu muốn lời tiên tri như ngọn đèn soi sáng trong “nơi tối-tăm” (lòng của chúng ta), chúng ta phải để nó ảnh hưởng sâu xa đến các ước muốn, xúc cảm, động cơ và mục tiêu của mình. Chúng ta cần phải học Kinh-thánh, vì Phi-e-rơ kết luận đoạn 1: “Chẳng có lời tiên-tri nào trong Kinh-thánh lấy ý riêng giải nghĩa được. Vì chẳng hề có lời tiên-tri nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là bởi Đức Thánh-Linh cảm-động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời” (II Phi-e-rơ 1:20, 21).
23. II Phi-e-rơ đoạn 1 chuẩn bị tư tưởng của những người đọc về điều gì?
23 Trong đoạn mở đầu lá thư thứ hai, Phi-e-rơ giúp chúng ta có động cơ mạnh mẽ để giữ vững đức tin quí báu của mình. Giờ đây chúng ta sẵn sàng xem xét những vấn đề nghiêm trọng tiếp theo sau. Bài tới sẽ bàn về II Phi-e-rơ đoạn 2, đoạn này sứ đồ đối phó với thử thách của những ảnh hưởng đồi bại đã xâm nhập vào hội thánh.
Bạn còn nhớ không?
◻ Tại sao Phi-e-rơ nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiểu biết chính xác?
◻ Có thể vì lý do gì mà Phi-e-rơ liệt kê sự nhân đức là đức tính đầu tiên để thêm cho đức tin?
◻ Tại sao Phi-e-rơ luôn luôn có khuynh hướng nhắc nhở các anh em của ông?
◻ Phi-e-rơ giúp đức tin chúng ta có được nền tảng vững chắc nào?
[Hình nơi trang 9]
Những khuyết điểm của Phi-e-rơ đã không làm cho ông bỏ đức tin