Sự giải cứu gần đến rồi cho những người tin kính!
“Chúa [Đức Giê-hô-va] biết [giải] cứu những người tin-kính khỏi cơn cám-dỗ [thử thách], và hành-phạt kẻ không công-bình, cầm chúng nó lại để chờ ngày phán-xét” (II PHI-E-RƠ 2:9).
1. a) Nhân loại thời nay gặp tình trạng khốn đốn nào? b) Do đó chúng ta sắp xem xét các câu hỏi nào?
TOÀN THỂ nhân loại càng ngày càng nhiều vấn đề khó khăn. Đây là một thực trạng dù người ta sống tại nơi dư dật về vật chất hay tại nơi thiếu thốn. Không đâu có an ninh. Làm như tình trạng kinh tế bấp bênh chưa đủ để bận tâm, các vấn đề trầm trọng về môi trường trên Đất đang gia tăng và đe dọa mọi loài sống. Bệnh tật hoành hành. Nhiều người chết vì bệnh truyền nhiễm, bệnh đau tim và bệnh ung thư. Tình cảm con người và đời sống gia đình xuống dốc vì cớ luân lý bại hoại. Ngoài ra, thế gian đầy dẫy sự hung bạo. Đứng trước các thảm họa của xã hội loài người, chúng ta tự hỏi cách thực tế: Có lý do vững chắc nào để trông mong sớm được giải cứu không? Nếu có, sự giải cứu sẽ đến cách nào và do ai? (So sánh Ha-ba-cúc 1:2; 2:1-3).
2, 3. a) Tại sao chúng ta ngày nay cảm thấy an tâm nhờ những lời ghi nơi II Phi-e-rơ 2:9? b) Kinh-thánh nêu ra các hành động giải cứu nào để khuyến khích?
2 Điều đang diễn ra nhắc chúng ta nhớ lại trong lịch sử thời xưa đã có vài thời kỳ đầy ý nghĩa. Sứ đồ Phi-e-rơ gợi chú ý đến các hành động giải cứu của Đức Chúa Trời trong những lần đó và rồi đi đến kết luận trấn an: “Chúa biết [giải] cứu những người tin kính khỏi cơn cám dỗ [thử thách]” (II Phi-e-rơ 2:9). Xin lưu ý hoàn cảnh dẫn đến lời tuyên bố đó nơi II Phi-e-rơ 2:4-10:
3 “Vả, nếu Đức Chúa Trời chẳng tiếc các thiên-sứ đã phạm tội, nhưng quăng vào trong vực sâu, tại đó họ bị trói-buộc bằng xiềng nơi tối-tăm để chờ sự phán-xét; nếu Ngài chẳng tiếc thế-gian xưa, trong khi sai nước lụt phạt đời gian-ác nầy, chỉ gìn-giữ Nô-ê là thầy giảng đạo công-bình, với bảy người khác mà thôi; nếu Ngài đã đoán-phạt thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ, hủy-phá đi khiến hóa ra tro, để làm gương cho người gian-ác về sau; nếu Ngài đã giải-cứu người công-bình là Lót, tức là kẻ quá lo vì cách ăn-ở luông-tuồng của bọn gian-tà kia, (vì người công-bình nầy ở giữa họ, mỗi ngày nghe thấy việc trái phép của họ, bèn cảm-biết đau-xót trong lòng công-bình mình), thì Chúa biết [giải] cứu những người tin kính khỏi cơn cám dỗ [thử thách], và hành-phạt kẻ không công-bình, cầm chúng nó lại để chờ ngày phán-xét, nhứt là những kẻ theo lòng tư-dục ô-uế mình mà ham-mê sự sung-sướng xác-thịt, khinh-dể quyền-phép rất cao”. Như các câu Kinh-thánh này cho thấy, các biến cố xảy ra trong thời Nô-ê và thời Lót mang đầy ý nghĩa đối với chúng ta.
Tinh thần thịnh hành thời Nô-ê
4. Trong thời Nô-ê, tại sao thế gian bại hoại dưới mắt Đức Chúa Trời? (Thi-thiên 11:5).
4 Sự tường thuật lịch sử ghi nơi Sáng-thế Ký đoạn 6 cho biết thế gian thời Nô-ê bại hoại dưới mắt Đức Chúa Trời. Tại sao? Vì cớ sự hung bạo. Đó không phải là các vụ hung bạo giết người lẻ tẻ. Sáng-thế Ký 6:11 tường thuật rằng “thế-gian bấy giờ đều... đầy-dẫy sự hung [bạo]”
5. a) Loài người đã tỏ ra thái độ nào dẫn đến sự hung bạo thời Nô-ê? b) Hê-nóc đã cảnh cáo gì về sự không tin kính?
5 Nguyên do sâu xa là gì? Câu Kinh-thánh nơi II Phi-e-rơ nói đến những kẻ không tin kính. Đúng vậy, một tinh thần không tin kính đã ăn sâu vào xã hội loài người. Đây không chỉ là sự khinh thường nói chung đối với luật pháp Đức Chúa Trời, nhưng là một thái độ bướng bỉnh chống lại Đức Chúa Trời.a Một khi người ta tỏ ra bướng bỉnh chống lại Đức Chúa Trời, có thể nào chờ đợi họ đối xử tử tế với người đồng loại không? Trước khi Nô-ê sanh ra, tình trạng không tin kính đã lan tràn nhiều rồi đến độ Đức Giê-hô-va cho Hê-nóc nói tiên tri về hậu quả sẽ xảy đến (Giu-đe 14, 15). Chắc chắn Đức Chúa Trời phải thi hành án quyết để loại trừ sự bướng bỉnh chống lại Ngài.
6, 7. Các thiên sứ đã gây ra tình thế nào góp phần nhiều nhất đem lại cảnh trạng xấu trước trận Nước Lụt?
6 Cũng có một ảnh hưởng khác dẫn đến sự hung bạo thời bấy giờ. Sáng-thế Ký 6:1, 2 nói đến ảnh hưởng đó: “Vả, loài người khởi thêm nhiều trên mặt đất, và khi loài người đã sanh được con gái rồi, các con trai của Đức Chúa Trời thấy con gái loài người tốt-đẹp, bèn cưới người nào vừa lòng mình mà làm vợ”. Các con trai đó của Đức Chúa Trời là ai? Đó không phải là loài người. Hằng thế kỷ qua những đàn ông đã lưu ý đến nhan sắc đàn bà rồi và họ đã lấy đàn bà làm vợ. Các con trai đó của Đức Chúa Trời là các thiên sứ mặc lấy hình người. Sách Giu-đe câu 6 tả họ như là “các thiên-sứ không giữ thứ bậc và bỏ chỗ riêng mình”. (So sánh I Phi-e-rơ 3:19, 20).
7 Các tạo vật siêu phàm đó đã mặc lấy hình người khi nào để ăn ở với con gái loài người, và kết quả là gì? “Đời đó và đời sau, có người cao-lớn trên mặt đất, vì con trai Đức Chúa Trời ăn-ở cùng con gái loài người mà sanh con-cái; ấy những người mạnh-dạn ngày xưa là tay anh-hùng có danh”. Đúng vậy, dòng dõi do việc ăn nằm trái tự nhiên đó là các Nê-phi-lim, tức những kẻ mạnh bạo cậy mình mạnh sức hơn người để bắt nạt họ (Sáng-thế Ký 6:4).
8. Đức Chúa Trời phản ứng thế nào trước cảnh trạng xấu trên đất?
8 Nhưng tình thế trở nên xấu đến thế nào? Xấu đến độ “Đức Giê-hô-va thấy sự hung-ác của loài người trên mặt đất rất nhiều, và các ý-tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn”. Đức Chúa Trời phản ứng thế nào trước điều này? “[Đức Giê-hô-va] tự trách đã dựng nên loài người trên mặt đất, và buồn-rầu trong lòng”. Đây không có nghĩa Đức Chúa Trời cảm thấy Ngài đã lầm lẫn khi tạo ra loài người. Đúng hơn, Ngài tiếc rằng sau khi tạo ra loài người, họ đâm ra ăn ở hung ác đến nỗi Ngài buộc lòng phải hủy diệt họ (Sáng-thế Ký 6:5-7).
Đường lối dẫn đến sự giải cứu
9. a) Tại sao Nô-ê được ơn trước mặt Đức Chúa Trời? b) Đức Chúa Trời đã cho Nô-ê biết trước về điều gì?
9 Về phần Nô-ê thì ông “được ơn trước mặt Đức Giê-hô-va... Nô-ê trong đời mình là một người công-bình và trọn-vẹn, đồng đi cùng Đức Chúa Trời” (Sáng-thế Ký 6:8, 9). Vậy Đức Giê-hô-va báo cho Nô-ê biết trước Ngài sẽ giáng xuống một trận nước lụt khắp đất và dặn ông đóng một chiếc tàu. Ngoại trừ Nô-ê và gia đình ông, toàn thể nhân loại sẽ bị loại khỏi mặt đất. Ngay cả loài vật cũng sẽ bị hủy diệt, trừ một số ít tiêu biểu cho mỗi loài căn bản mà Nô-ê phải đem vào tàu (Sáng-thế Ký 6:13, 14, 17).
10. a) Nô-ê phải chuẩn bị gì để cứu sống muôn vật, và công việc đó to tát ra sao? b) Ta chú ý gì trong cách Nô-ê thi hành công việc nhận được?
10 Sự biết trước này đặt Nô-ê trước một trách nhiệm nặng nề. Cần phải đóng tàu. Tàu phải giống như một cái rương khổng lồ có thể tích tổng cộng chừng 40.000 thước khối. Nô-ê được lệnh phải dự trữ đồ ăn và nhóm thú vật và chim trời tức “các xác-thịt” để được cứu. Công trình đó đòi hỏi phải làm việc nhiều năm. Nô-ê đã phản ứng thế nào? Ông “làm các điều nầy y như lời Đức Chúa Trời đã phán dặn” (Sáng-thế Ký 6:14-16, 19-22; Hê-bơ-rơ 11:7).
11. Nô-ê có trách nhiệm trọng yếu nào đối với gia đình?
11 Trong khi đóng tàu, Nô-ê cũng dành ra thì giờ để xây dựng gia đình về thiêng liêng. Họ cần phải giữ mình để khỏi tiêm nhiễm các thói nết hung bạo và tinh thần bướng bỉnh của những người chung quanh họ. Điều quan trọng là họ không quá bận bịu với công việc hằng ngày. Đức Chúa Trời giao cho họ một việc làm, và điều trọng yếu là họ phải thu xếp đời sống tùy thuộc nơi việc làm đó. Chúng ta biết gia đình của Nô-ê ưng thuận tuân theo chỉ thị và có cùng đức tin với ông, bởi vì Kinh-thánh nói tốt về Nô-ê, vợ ông, các con trai và con dâu—tám người hết thảy (Sáng-thế Ký 6:18; I Phi-e-rơ 3:20).
12. Như II Phi-e-rơ 2:5 cho thấy, Nô-ê đã trung thành làm tròn trách nhiệm nào?
12 Nô-ê cũng có một trách nhiệm khác—cảnh cáo về trận Nước Lụt sắp đến và giải thích lý do tại sao. Hiển nhiên là ông đã trung thành làm tròn trách nhiệm đó vì Kinh-thánh nói ông là “thầy giảng đạo công-bình” (II Phi-e-rơ 2:5).
13. Nô-ê phải đương đầu với tình cảnh nào trong khi thi hành sứ mạng mà Đức Chúa Trời giao cho?
13 Bây giờ hãy nghĩ đến việc Nô-ê gánh vác sứ mạng nhận được trong những hoàn cảnh nào. Hãy tự đặt mình vào vị thế của ông. Nếu ở vào vị thế của Nô-ê hay một người trong gia đình ông, hẳn bạn cảm thấy chung quanh bạn có toàn là sự hung bạo của những người cao lớn Nê-phi-lim và những kẻ không tin kính. Hẳn bạn đã phải đương đầu trực tiếp với ảnh hưởng của các thiên sứ phản nghịch. Trong khi đóng tàu, hẳn bạn đã làm trò cười cho thiên hạ. Khi năm này qua năm khác bạn cảnh cáo là trận Nước Lụt sẽ đến, hẳn bạn lưu ý thấy người ta cứ bận bịu chuyện đời để rồi “không ngờ [không để ý] chi hết”—tức là, “cho đến khi nước lụt tới mà đùa đem đi hết thảy” (Ma-thi-ơ 24:39; Lu-ca 17:26, 27).
Điều Nô-ê đã trải qua có nghĩa gì cho bạn?
14. Tại sao chúng ta ngày nay dễ hiểu được tình thế mà Nô-ê và gia đình ông đã gặp phải?
14 Phần đông các độc giả sẽ không thấy khó tưởng tượng ra tình thế đó. Tại sao không? Bởi vì tình trạng vào thời chúng ta rất giống như tình trạng thịnh hành thời Nô-ê. Giê-su Christ đã nói trước điều này. Trong lời tiên tri vĩ đại về thời kỳ ngài hiện diện trong giai đoạn hệ thống mọi sự kết liễu, Giê-su nói trước: “Trong đời Nô-ê thể nào, khi Con người đến cũng thể ấy” (Ma-thi-ơ 24:37).
15, 16. a) Ngày nay thế gian đầy dẫy sự hung bạo qua những cách nào, giống như thời Nô-ê? b) Tôi tớ của Đức Giê-hô-va còn phải đối phó với các sự hung bạo đặc biệt loại nào?
15 Có đúng như vậy không? Thế gian ngày nay có đầy dẫy sự hung bạo không? Có! Đã có hơn một trăm triệu người chết vì chiến tranh trong thế kỷ này. Một số độc giả của chúng ta chắc đã bị ảnh hưởng trực tiếp của việc này rồi. Nhiều người hơn nữa đã bị phường trộm cướp hăm dọa bắt phải đưa tiền hay vật quí báu cho chúng. Và những người trẻ đi học thì phải chung đụng với sự hung bạo tại trường.
16 Tuy nhiên, tôi tớ của Đức Giê-hô-va đã trải qua những điều khác ngoài sự tàn phá của chiến tranh và sự hung bạo tội ác nói chung. Họ còn phải đối phó với sự hung bạo vì cớ không thuộc về thế gian và cố gắng làm người tin kính (II Ti-mô-thê 3:10-12). Đôi khi sự hung bạo chỉ diễn ra dưới dạng xô đẩy và đánh tát nhẹ; nhưng có khi kể cả phá hoại tài sản, đánh đập tàn nhẫn, và ngay đến giết chết (Ma-thi-ơ 24:9).
17. Ngày nay sự không tin kính có lan tràn không? Xin giải thích.
17 Đôi khi những kẻ không tin kính nói thẳng lời khinh miệt Đức Chúa Trời trong khi gây ra sự hung bạo thể ấy. Tại một vùng ở Phi Châu, cảnh sát tuyên bố: “Chúng tôi cai trị nước này. Nếu có Thượng Đế, mấy người hãy cầu Ngài đến mà giúp”. Một thời, tại các nhà giam và trại tập trung, Nhân-chứng Giê-hô-va phải đương đầu với những kẻ giống như Baranowsky, ở Sachsenhausen, Đức quốc, hắn thách thức: “Ta đã tuyên chiến với Giê-hô-va. Rồi sẽ thấy giữa ta và Giê-hô-va ai mạnh hơn ai”. Ít lâu sau, hắn ngã bệnh và chết đi; nhưng nhiều kẻ khác tiếp tục biểu lộ một thái độ tương tợ. Những kẻ nắm quyền cao cấp lao đầu vào cuộc ra tay bắt bớ không phải là những kẻ duy nhất tỏ ra thách thức chống lại Đức Chúa Trời. Trên khắp thế giới, tôi tớ của Đức Chúa Trời nghe và thấy những điều chứng tỏ hiển nhiên là những kẻ hành động như thế trong lòng không sợ gì Đức Chúa Trời cả.
18. Các ác thần góp phần bằng những cách nào để gây ra tình trạng xáo trộn trong nhân loại?
18 Thời nay, thật giống thời Nô-ê, chúng ta cũng chứng kiến các ác thần can dự (Khải-huyền 12:7-9). Quỉ sứ là chính các thiên sứ đã mặc lấy hình người và cưới những đàn bà con gái trong thời Nô-ê. Khi trận Nước Lụt đến thì vợ con các thiên sứ phản nghịch đó bị hủy diệt, nhưng họ thì trở lại lãnh vực thần linh. Họ không còn chỗ nào nữa trong tổ chức thánh thiện của Đức Giê-hô-va mà phải bị giam vào một trình trạng tối tăm dày đặc, cách xa sự soi sáng của Đức Chúa Trời (II Phi-e-rơ 2:4, 5). Hoạt động dưới quyền chỉ huy của Sa-tan, chúng tiếp tục tiếp xúc mật thiết với loài người và dù không còn có thể mặc lấy hình người nữa, chúng cố gắng xui khiến đàn ông, đàn bà và ngay cả trẻ con làm theo chúng. Vài cách tiếp xúc là qua các thực hành huyền bí. Chúng cũng xúi giục người ta chém giết lẫn nhau theo cách vượt quá sự suy luận của loài người. Nhưng không phải chỉ có thế.
19. a) Các quỉ sứ trút sự ghét của chúng đặc biệt lên ai? b) Các quỉ sứ cố ép buộc chúng ta làm gì?
19 Kinh-thánh tiết lộ rằng các quỉ sứ gây chiến chống lại “những kẻ vẫn giữ các điều-răn của Đức Chúa Trời và lời chứng của Chúa Giê-su” (Khải-huyền 12:12, 17). Các ác thần đó là những kẻ xúi giục hùng hổ nhất để bắt bớ các tôi tớ của Đức Giê-hô-va (Ê-phê-sô 6:10-13). Chúng dùng mọi phương tiện nghĩ ra được để cưỡng ép hoặc quyến rũ những người trung thành mất sự trung kiên đối với Đức Giê-hô-va và ngưng rao giảng về Nước của Đức Giê-hô-va trong tay của Vị Vua Giê-su là đấng Mê-si.
20. Các quỉ sứ cố gắng thế nào để cản trở không cho người ta thoát khỏi vòng kềm kẹp của chúng? (Gia-cơ 4:7).
20 Các quỉ sứ cố gắng cản trở không cho người ta thoát khỏi ảnh hưởng kềm kẹp của chúng. Một người trước kia ở Ba-tây là đồng bóng kể lại khi các Nhân-chứng Giê-hô-va đến gõ cửa nhà bà, ma-quỉ lên tiếng ra lệnh bà đừng mở cửa; nhưng bà cứ mở, và đã học biết lẽ thật. Tại nhiều nơi ma-quỉ trực tiếp dùng những nhà phù thủy để tìm cách làm cho Nhân-chứng Giê-hô-va ngưng công việc rao giảng. Thí dụ, tại một làng ở Suriname, một thầy pháp nổi tiếng giết được người ta chỉ bằng cách chĩa gậy thần quay về phía họ. Đi với những người nhảy múa và đánh trống vây quanh, y bị quỉ nhập đến gặp các Nhân-chứng Giê-hô-va. Y niệm thần chú và chĩa gậy về phía họ. Dân làng chờ đợi nhìn thấy các Nhân-chứng té xuống chết tươi, nhưng chính ông thầy pháp kia thì ngất xỉu, cần phải mấy kẻ đi theo y lúng túng khiêng đi.
21. Giống như thời Nô-ê, phần đông người ta phản ứng thế nào trước công việc rao giảng của chúng ta, và tại sao?
21 Ngay tại những vùng mà người ta không công khai thực hành phép phù thủy và ma thuật như trên, mỗi Nhân-chứng Giê-hô-va đều có dịp cố gắng rao giảng cho những người quá bận rộn vì đời sống hằng ngày đến nỗi họ không muốn bị quấy rầy. Giống như thời Nô-ê, đại đa số người ta “không ngờ [không để ý] chi hết” (Ma-thi-ơ 24:37-39). Một số người có lẽ thán phục sự hợp nhất và thành tích của chúng ta. Nhưng công việc xây dựng về thiêng liêng của chúng ta—gồm hằng giờ học hỏi cá nhân, tham gia nhóm họp đều đặn và rao giảng—thì toàn là chuyện điên rồ theo ý họ. Họ thấy chúng ta tin cậy nơi lời hứa của Kinh-thánh thì cười chê bởi vì đời họ chỉ đặt của cải vật chất và thú vui dâm dật hiện thời là quan trọng.
22, 23. Các biến cố xảy ra thời Nô-ê cam đoan vững chắc thế nào rằng Đức Giê-hô-va sẽ giải cứu những người tin kính thời nay vượt qua thử thách?
22 Những kẻ không mảy may yêu mến Đức Chúa Trời sẽ ngược đãi các tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va cho đến mãi mãi không? Chắc chắn không! Điều gì đã xảy ra thời Nô-ê? Vâng lệnh Đức Chúa Trời, Nô-ê và gia đình ông vào tàu đã đóng xong. Rồi thì đến kỳ Đức Chúa Trời đã định, “các nguồn của vực lớn nổ ra, và các đập trên trời mở xuống”. Nước Lụt tiếp tục rơi xuống cho đến khi ngay cả các núi đều bị ngập (Sáng-thế Ký 7:11, 17-20). Các thiên sứ đã rời bỏ chỗ ở riêng của họ nay bị buộc từ bỏ thân xác phàm trần và trở về lãnh vực thần linh. Các Nê-phi-lim và hết thảy những kẻ không tin kính khác thuộc thế gian đó đều bị hủy diệt, kể cả những người quá dửng dưng không chịu hành động trước lời cảnh cáo của Nô-ê. Mặt khác, Nô-ê cùng với vợ và các con trai và con dâu đã được cứu. Như vậy Đức Giê-hô-va đã giải cứu Nô-ê và gia đình ông vượt qua thử thách mà họ đã trung thành chịu đựng trong nhiều năm dài.
23 Đức Giê-hô-va cũng sẽ giải cứu những người tin kính thời nay không? Không có nghi ngờ gì cả. Ngài đã hứa cứu và Ngài không thể nói dối (Tít 1:2; II Phi-e-rơ 3:5-7).
[Chú thích]
a “Anomia nghĩa là khinh thường, hoặc bướng bỉnh chống lại luật pháp Đức Chúa Trời; asebeia [thể danh từ của chữ dịch ra là “những kẻ không tin-kính”] là thái độ như thế đối với Đức Chúa Trời” (Vine’s Expository Dictionary of Old and New Testament Words, Quyển 4, trang 170).
Bạn có nhớ không?
◻ Phi-e-rơ cho thấy thế nào rằng Đức Giê-hô-va biết giải cứu những người tin kính vượt qua thử thách?
◻ Các yếu tố nào góp phần đem lại sự hung bạo thời Nô-ê?
◻ Vì lẽ trận Nước Lụt sắp xảy đến, Nô-ê có trách nhiệm làm gì?
◻ Chúng ta thấy có sự tương tợ nào giữa thời Nô-ê và thời nay?
[Hình nơi trang 20]
Đóng tàu phải mất nhiều năm làm việc khó nhọc
[Hình nơi trang 21]
Nô-ê dành ra thi giờ để giúp gia đình phát triển sự ham thích về thiêng liêng