Chúng ta có thể đáp lại tình yêu thương của Đức Chúa Trời một cách không ích kỷ như thế nào?
“Nếu Đức Chúa Trời đã yêu chúng ta dường ấy, thì chúng ta cũng phải yêu nhau” (1 GIĂNG 4:11).
1, 2. Điều gì đòi hỏi nơi chúng ta để đáp lại một cách không ích kỷ đối với tình yêu thương mà Đức Chúa Trời đã bày tỏ?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA là hiện thân của tình yêu thương. Thật vậy, trong bài kỳ trước, chúng ta đã thấy tình yêu thương của Ngài đã được bày tỏ thật là phong phú. Chúng ta cũng đã thấy Môi-se, Đa-vít và Giê-su Christ đã đáp lại một cách không ích kỷ như thế nào đối với tình yêu thương được thể hiện đó. Có phải mỗi Nhân-chứng Giê-hô-va đều muốn đáp lại y như vậy không? Chắc chắn!
2 Điều gì đòi hỏi nơi chúng ta nếu chúng ta muốn đáp lại một cách không ích kỷ đối với tình yêu thương mà Đức Chúa Trời đã bày tỏ? Một cách là chúng ta phải đặt Ngài ưu tiên trong đời sống chúng ta, yêu thương Ngài hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức (Mác 12:29, 30). Điều đó có nghĩa là hướng về Đức Chúa Trời, có một sự liên lạc mật thiết với Đức Giê-hô-va. Chúng ta có muốn nói chuyện với Cha trên trời của chúng ta bằng lời cầu nguyện không? Chúng ta có cầu nguyện không thôi và bền lòng mà cầu nguyện không? Hay là chúng ta hối hả cầu nguyện cho xong và thậm chí đôi khi bận quá mà không cầu nguyện luôn? (Rô-ma 12:12; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17). Chúng ta có đề cao Đức Giê-hô-va, cám ơn Ngài và tổ chức của Ngài về những gì chúng ta có thể đã làm được hay không? (1 Cô-rinh-tô 3:7; 4:7). Thật vậy, chúng ta có cảm thấy giống người viết Thi-thiên không? Người nói về Đức Chúa Trời: “Mỗi ngày tôi ngợi-khen Chúa bảy lần” (Thi-thiên 119:164)
3. Khi chúng ta họp mặt để vui chơi, làm sao chúng ta có thể chứng tỏ chúng ta đáp lại tình yêu thương của Đức Chúa Trời một cách không ích kỷ?
3 Việc chúng ta có đáp lại một cách không ích kỷ đối với tình yêu thương của Đức Chúa Trời hay không, có thể được bày tỏ trong lúc chúng ta họp mặt để vui chơi. Khi trò chuyện với nhau, chúng ta thường nói đến những chuyện ngoài đời hay về những điều thiêng liêng? Không phải là chúng ta cần có một sự học hỏi Kinh-thánh trang trọng mỗi khi họp lại với các anh em đồng đức tin. Nhưng chúng ta chắc chắn có thể tìm thấy những điều có tính chất thiêng liêng để mà nói chuyện chứ. Hẳn có thể kể lại một kinh nghiệm trong lúc rao giảng bàn luận về câu Kinh-thánh mà chúng ta thích, kể lại làm sao chúng ta học biết lẽ thật hay là thuật lại bằng chứng về lòng ưu ái và ân phước của Đức Chúa Trời?
4. Chúng ta nên có quan điểm nào nếu chúng ta bị thất vọng vì không được đặc ân nhận chức vụ nào đó?
4 Một hoàn cảnh khác cho thấy mực độ biết ơn của chúng ta đối với tình yêu thương của Đức Chúa Trời là khi chúng ta không được chọn để giữ đặc ân nào đó trong tổ chức của Đức Giê-hô-va. Chúng ta phản ứng thế nào? Nếu quan tâm trước nhất đến việc tôn vinh Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ đồng ý rằng chắc hẳn Ngài cũng sẽ được tôn vinh y như vậy bởi một người khác có được đặc ân làm chức vụ đó. (So sánh Lu-ca 9:48). Nhưng nếu chúng ta quá quan tâm đến lợi ích riêng hay danh vọng của chúng ta, chúng ta sẽ bực dọc vì nghĩ rằng mình bị bỏ qua. Chúng ta nên nhớ rằng Đức Giê-hô-va yêu thương chúng ta và có thể là Ngài biết là hiện tại chúng ta không thể gánh nổi trách nhiệm nào đó trong tổ chức thần quyền. Ngài có thể ban cho chúng ta ân phước dồi dào trong những cách khác, và sự bày tỏ tình yêu thương của Ngài như thế sẽ giúp chúng ta giữ thăng bằng về phương diện thiêng liêng (Châm-ngôn 10:22).
Yêu sự công bình, ghét sự gian ác
5. Sự bày tỏ tình yêu thương của Đức Chúa Trời nên có ảnh hưởng nào đến hạnh kiểm của chúng ta?
5 Sự bày tỏ tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với chúng ta nên khiến chúng ta bắt chước đấng Christ trong việc yêu sự công bình và ghét sự gian ác (Hê-bơ-rơ 1:9). Thật ra chúng ta không thể nào làm điều đó một cách hoàn toàn như Giê-su được. Nhưng chúng ta có thể đặt mục tiêu trở nên thánh sạch, lương thiện và giữ luật pháp càng nhiều càng tốt trong tình trạng bất toàn của chúng ta. Để làm thế, chúng ta không phải chỉ phát triển lòng yêu sự công bình và điều lành nhưng còn phải vun trồng sự ghen ghét, ác cảm, ghê tởm đối với những điều ác. Như sứ đồ Phao-lô đã nói: “Hãy gớm sự dữ mà mến sự lành” (Rô-ma 12:9). “Gớm” là một chữ rất mạnh mẽ, có nghĩa là “cực kỳ ghê tởm”.
6. Điều gì sẽ giúp chúng ta chống lại sự cám dỗ mà thế gian, xác thịt tội lỗi của chúng ta và Ma-quỉ đưa đến cho chúng ta?
6 Điều gì sẽ giúp chúng ta chống cự được sự cám dỗ mà thế gian, xác thịt tội lỗi của chúng ta và Ma-quỉ đưa đến cho chúng ta? Đó là sự trung thành đối với Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Ngài kêu gọi chúng ta: “Hỡi con, khá khôn-ngoan, và làm vui lòng Cha, để Cha có thế đáp lại cùng kẻ nào sỉ-nhục Cha” (Châm-ngôn 27:11). Đúng vậy, lòng trung thành đối với Đức Giê-hô-va sẽ thúc đẩy chúng ta theo đường lối khôn ngoan là ghét những gì Ngài ghét. Hơn nữa, cho dù việc phạm luật pháp nào đó của Đức Chúa Trời có thể có vẻ thích thú và gây hồi hộp đi nữa, chúng ta phải tự nhắc nhở rằng làm như thế không đáng gì cả (Ga-la-ti 6:7, 8). Lòng của loài người là nham hiểm, xảo quyệt, gian dối như Giê-rê-mi 17:9 đã nhắc nhở chúng ta. Lòng người tín đồ đấng Christ ưa thích những gì tốt đẹp và thanh sạch. Nhưng đôi khi khuynh hướng tội lỗi cũng xui giục cho lòng chúng ta ham muốn điều xấu. Cũng như lòng của những người Y-sơ-ra-ên vừa thờ phượng Đức Giê-hô-va và cũng vừa giữ “các nơi cao” thờ hình tượng của họ, vì vậy mà lòng chúng ta có thể ích kỷ và lừa đảo (1 Các Vua 22:43; Phục-truyền Luật-lệ Ký 12:2). Lòng dạ bất toàn của chúng ta cố tìm mọi lý lẽ bào chữa để đưa chúng ta vào sự cám dỗ. Lòng có thể cố coi tội lỗi nghiêm trọng cám dỗ chúng ta như có vẻ là tội nhỏ. Hoặc lòng chúng ta có thể cố gắng làm chúng ta tin rằng mọi sự sửa phạt chỉ là tạm thời mà thôi.
7. Tại sao chúng ta phải chống lại lòng ham muốn làm điều xấu?
7 Vì biết ơn về sự yêu thương của Đức Chúa Trời, chúng ta phải chống lại lòng ham muốn làm điều xấu, tỉ như nghiêng về tình dục vô luân dù chúng ta còn độc thân hay đã lập gia đình. Nhiều lần, lúc đầu chỉ là những sự tán tỉnh có vẻ vô hại, nhưng rồi đưa đến nhiều cảm tình với nhau đến nỗi phạm tội và bị khai trừ. Ngay cả các trưởng lão đáng lý phải làm gương không chỗ trách được cho cả bầy, cũng đã đi đến sự đau khổ trong những vấn đề này! (So sánh 1 Các Vua 15:4,5).
8. Gương của sứ đồ Phao-lô cảnh cáo chúng ta về điều gì, và vấn đề đó có thể ví giống như hình ảnh nào?
8 Hãy xem xét trường hợp của sứ đồ Phao-lô, người đã được ban ơn qua những sự hiện thấy từ trên trời, được quyền năng và được Đức Chúa Trời soi dẫn viết Kinh-thánh. Tuy vậy, chính ông cũng đã phải chống lại khuynh hướng tội lỗi và để được thành công ông đã phải đãi thân thể cách nghiêm khắc—đúng vậy, ông đánh thân thể ông. Lẽ nào chúng ta dám hài lòng làm ít hơn thế? (Rô-ma 7:15-25; 1 Cô-rinh-tô 9:27). Giống như chúng ta đang chèo một chiếc thuyền nhỏ trên một dòng sông nước chảy xiết và bị lôi kéo về phía thác nước đổ. Để tránh bị tai họa, chúng ta phải gắng hết sức chèo ngược dòng. Chúng ta có thể cảm thấy không tiến nhiều, nhưng nếu chúng ta gắng hết sức mình, chúng ta sẽ không bị rơi theo dòng thác đổ để bị hủy diệt. Chắc chắn lòng yêu thương của Đức Chúa Trời tỏ ra vì chúng ta nên khiến chúng ta cố gắng hết sức mình để trung thành với Ngài bằng cách ghét sự gian ác và yêu sự công bình.
Bày tỏ tình yêu thương anh em
9. Sứ đồ Giăng khuyên bảo gì về việc yêu thương anh em chúng ta?
9 Lòng yêu thương của Đức Chúa Trời tỏ ra vì chúng ta cũng nên thúc đẩy chúng ta yêu thương anh em giống như Giê-su Christ yêu các môn đồ ngài (Giăng 13:1). Sứ đồ Giăng nói rất chí lý: “Nầy, sự yêu-thương ở tại đây: ấy chẳng phải chúng ta đã yêu Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu chúng ta, và sai Con Ngài làm của-lễ chuộc tội chúng ta. Hỡi kẻ rất yêu-dấu, nếu Đức Chúa Trời đã yêu chúng ta dường ấy, thì chúng ta cũng phải yêu nhau” (1 Giăng 4:10, 11). Thật vậy, Giê-su nói thiên hạ nhận biết môn đồ thật của ngài nhờ họ có tình yêu thương lẫn nhau (Giăng 13:34, 35).
10, 11. Chúng ta có thể bày tỏ tình yêu thương anh em qua những cách nào?
10 Chúng ta biết tín đồ đấng Christ nên bày tỏ tình yêu thương anh em. Nhưng không phải là sai sót để tự nhắc nhở những cách mà có thể bày tỏ tình yêu thương lẫn nhau giống như đấng Christ. Tình yêu thương đó sẽ giúp chúng ta dẹp bỏ những sự khác biệt về chủng tộc, quốc gia, trình độ học vấn, văn hóa và mức độ kinh tế. Hơn nữa, tình yêu thương sẽ thúc đẩy chúng ta đến nhóm họp với nhau. Nếu chúng ta thật sự yêu thương anh em, chúng ta không để thời tiết xấu hay sự khó chịu một chút của thân thể làm mất đi sự vui mừng được họp mặt với các anh em và chia xẻ lời khích lệ cho nhau (Rô-ma 1:11, 12). Hơn thế nữa, tình yêu thương anh em sẽ khiến chúng ta sửa soạn kỹ lưỡng và tham gia tích cực trong các buổi nhóm họp để chúng ta có thể khuyên giục về lòng yêu thương và việc tốt lành cho nhau (Hê-bơ-rơ 10:23-25).
11 Còn về việc giúp đỡ các anh em trong công việc rao giảng thì sao? Có khi các trưởng lão và các tôi tớ chức vụ thường đi rao giảng từng nhà với nhau hay đi riêng một mình trong khi có thể sắp đặt để mời một người tuyên bố cần sự giúp đỡ đi cùng với họ. Bày tỏ tình yêu thương qua cách nầy sẽ làm cho công việc rao giảng của các trưởng lão và tôi tớ chức vụ được lợi ích gấp đôi. Và nói sao về việc mời một người tuyên bố mới cùng đi học hỏi Kinh-thánh với họ? (Rô-ma 15:1, 2).
12. Chúng ta phải hiểu thế nào 1 Giăng 3:16-18?
12 Tình yêu thương cũng thúc đẩy chúng ta giúp đỡ những anh em nào thật thiếu thốn về vật chất. Sứ đồ Giăng viết: “Bởi đó chúng ta nhận biết lòng yêu-thương, ấy là Chúa đã vì chúng ta bỏ sự sống; chúng ta cũng nên bỏ sự sống vì anh em mình vậy. Nếu ai có của-cải đời nầy, thấy anh em mình đương cùng-túng mà chặt dạ, thì lòng yêu-mến Đức Chúa Trời thể nào ở trong người ấy được! Hỡi các con-cái bé-mọn, chớ yêu-mến bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật” (1 Giăng 3:16-18). Có lẽ bây giờ chúng ta không cần phải bỏ sự sống vì anh em nhưng đôi khi chúng ta có dịp bày tỏ tình yêu thương đối với họ qua những cách khác, không phải chỉ bằng lời nói hay môi miếng nhưng cũng bằng việc làm nữa. Yêu thương anh em bằng lời nói không có gì là sai, nhưng chúng ta không muốn chỉ yêu thương bằng lời nói trong khi họ cần những điều vật chất. Câu “ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh” của Giê-su cũng áp dụng cho sự giúp đỡ bằng vật chất nữa (Công-vụ các Sứ-đồ 20:35).
13. a) Với sự giúp đỡ của tổ chức hữu hình của Đức Giê-hô-va chúng ta biết được một số những lẽ thật căn bản nào? b) Ông Charles Taze Russell nêu lên điểm nào thật là đúng?
13 Chúng ta có cơ hội bày tỏ tình yêu thương đối với các anh em của chúng ta là những người dắt dẫn trong hội-thánh hay liên quan đến tổ chức hữu hình của Đức Giê-hô-va trên khắp thế giới. Điều nầy bao gồm cả việc trung thành với lớp người “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” (Ma-thi-ơ 24:45-47). Chúng ta hãy nhìn nhận sự thật là dù cho chúng ta có đọc Kinh-thánh nhiều cách mấy đi nữa, hẳn chúng ta không bao giờ tự mình biết lẽ thật được. Chúng ta không thể khám phá ra lẽ thật về Đức Giê-hô-va, ý định, và các đức tính của Ngài, ý nghĩa và sự quan trọng của danh Ngài, Nước Trời, giá chuộc của Giê-su, sự khác biệt giữa tổ chức của Đức Chúa Trời và của Sa-tan, và cũng không biết tại sao Đức Chúa Trời cho phép sự gian ác nữa. Cũng như chính vị chủ tịch đầu tiên của Hội Tháp Canh (Watch Tower Society), ông Charles Taze Russell, đã viết như sau vào năm 1914: “Chẳng phải chúng ta là một dân tộc được ban phước và hạnh phúc sao? Chẳng phải Đức Chúa Trời là thành tín sao? Nếu có bất cứ người nào biết cái gì tốt hơn, thì cứ nắm lấy đi. Nếu có anh em nào tìm được cái gì tốt hơn, chúng tôi mong người đó sẽ cho chúng tôi biết. Còn chúng tôi thì chẳng thấy cái gì tốt hơn hay là tốt bằng phân nửa những gì chúng tôi sẽ tìm thấy được trong Lời Đức Chúa Trời... Không có miệng lưỡi nào hay là bút mực nào có thể diễn tả được sự bình an, vui mừng và ân phước mà sự hiểu biết rõ ràng về Đức Chúa Trời thật đã đem lại cho lòng và đời sống của chúng ta. Lẽ thật về sự khôn ngoan, công bình, quyền năng và yêu thương của Đức Chúa Trời thỏa mãn trọn vẹn sự thèm khát về thiêng liêng của cả trí óc và tấm lòng của chúng ta. Chúng ta không cần tìm đâu chi nữa. Không có gì ham muốn hơn là giữ được lẽ thật nầy cho thật rõ ràng trong trí của chúng ta” (Tháp Canh [Anh-ngữ], số ra ngày 15-12-1914, trang 377, 378). Những lời đã viết đó thật đúng làm sao!
Giúp đỡ những người ở ngoài
14. Tình yêu thương của Đức Chúa Trời thúc đẩy chúng ta hành động thế nào đối với những người ở ngoài (hội-thánh)?
14 Tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với chúng ta cũng thúc đẩy chúng ta bày tỏ lòng yêu thương đối với những người ở ngoài hội-thánh. Chúng ta có thể làm gì? Tùy theo hoàn cảnh cho phép, chúng ta có thể giúp người đồng loại bằng vật chất. Nhưng điều quan trọng hơn là chúng ta có thể bày tỏ lòng yêu thương cho người đồng loại bằng cách đem tin mừng về Nước Trời đến cho họ và giúp những người yêu chuộng sự công bình trở thành môn đồ của Giê-su Christ. Chúng ta có tham gia đều đều vào thánh chức rao giảng công khai không hay là bỏ bê công việc nầy? Công việc nầy có trở thành chỉ là một thủ tục máy móc hoặc là làm cho có lệ thôi không? Hay là tình yêu thương thật đối với người lân cận thúc đẩy chúng ta? Chúng ta có bày tỏ lòng thông cảm không? Chúng ta có kiên nhẫn, đợi cho người ta đáp lại không? Chúng ta có khuyến khích chủ nhà trình bày ý kiến của họ không? Đúng vậy, thay vì nói hết một mình, chúng ta hãy vì tình yêu thương người lân cận mà lắng tai nghe họ nói để rồi có những cuộc thảo luận Kinh-thánh hữu ích với những người mà chúng ta gặp trong lúc rao giảng.
15. a) Tại sao chữ làm chứng “không theo thể lệ thường thức” (informal witnessing) tốt hơn chữ làm chứng “ngẫu nhiên” (incidental witnessing)? b) Tại sao lợi dụng các cơ hội để làm chứng “không theo thể lệ thường thức” (informal witnessing)?
15 Chúng ta có nhanh nhẹn nắm lấy cơ hội làm chứng “không theo thể lệ thường thức” (informal witnessing) không? Hãy chú ý rằng đây không phải chỉ là một sự làm chứng “ngẫu nhiên” (incidental witnessing) có ý nói lên một công việc không tính trước hay là ít quan trọng. Làm chứng “không theo thể lệ thường thức” rất là quan trọng và tình yêu thương người đồng loại sẽ thúc đẩy chúng ta nắm lấy cơ hội để tham gia vào công việc nầy. Sự làm chứng như thế thường đem lại kết quả tốt biết bao! Thí dụ, trong lúc dự hội nghị của Nhân-chứng Giê-hô-va ở miền Bắc nước Ý, một anh đã đến chỗ sửa xe để thay bóng đèn xe. Trong lúc chờ đợi, anh làm chứng cho những người ở chung quanh đó và đưa cho họ giấy mời đến nghe bài diễn văn công cộng vào ngày Chủ nhật. Sau đó một năm, tại một hội nghị quốc tế ở Rô-ma, có một anh lạ mà anh không nhận ra chào anh với vẻ thân thiện. Anh lạ nầy là ai? Ấy chính là một trong những người mà anh đã đưa giấy mời tại chỗ sửa xe năm trước! Người nầy đã đến nghe bài diễn văn công cộng và đã ghi tên xin học Kinh-thánh. Giờ đây, anh và vợ anh đều là Nhân-chứng Giê-hô-va nhiệt thành! Chắc chắn việc làm chứng “không theo thể lệ thường thức” có thể sanh nhiều ân phước.
Hãy tiếp tục đáp lại tình yêu thương của Đức Chúa Trời
16. Chúng ta nên tự đặt những câu hỏi nào?
16 Đức Giê-hô-va bày tỏ tình yêu thương thật là nhiều đối với các tạo vật của Ngài. Như chúng ta đã lưu ý, Kinh-thánh cho chúng ta nhiều gương tốt của những người đã đáp lại một cách không ích kỷ đối với tình yêu thương mà Đức Chúa Trời đã bày tỏ. Người được soi dẫn viết Thi-thiên đã thốt lên rất đúng thay: “Nguyện người ta ngợi-khen Đức Giê-hô-va vì sự nhơn-từ Ngài, và vì các công-việc lạ-lùng Ngài làm cho con loài người!” (Thi-thiên 107:8, 15, 21, 31). Chúng ta có dám nhận sự nhơn từ Ngài và bỏ quên ý định của sự nhơn từ đó không? Mong rằng điều đó không bao giờ xảy ra! (2 Cô-rinh-tô 6:1). Thế thì mỗi người chúng ta hãy tự hỏi mình: “Tôi có thật sự biết ơn lòng yêu thương của Đức Chúa Trời đã bày tỏ đối với tôi và hy vọng sẽ được hưởng nhiều thêm trong tương lai không? Tình thương đó có khiến tôi yêu mến Đức Giê-hô-va hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức hay không? Tôi có thật sự hướng về Đức Chúa Trời không? Tôi có yêu sự công bình và ghét sự gian ác không? Tôi có bày tỏ tình yêu thương anh em không? Tôi có bắt chước bước chân của Giê-su càng nhiều càng tốt trong công việc rao giảng không?”
17. Sẽ có kết quả nào nếu chúng ta đáp lại một cách không ích kỷ đối với tình yêu thương mà Đức Giê-hô-va đã bày tỏ?
17 Thật ra, có nhiều cách để bày tỏ lòng biết ơn chân thật đối với tình yêu thương mà Đức Chúa Trời đã tỏ ra vì chúng ta. Bằng cách nắm lấy mọi cơ hội để tỏ lòng biết ơn như thế, chúng ta sẽ làm cho Cha trên trời được vui lòng, sẽ là ân phước cho người khác, và chính chúng ta cũng nhận được sự vui mừng, bình an và sự thỏa lòng. Vậy mong rằng chúng ta sẽ tiếp tục đáp lại tình yêu thương của Đức Chúa Trời một cách không ích kỷ.
Bạn sẽ trả lời thế nào?
◻ Đáp lại tình yêu thương của Đức Chúa Trời một cách không ích kỷ đòi hỏi gì nơi chúng ta?
◻ Làm sao chúng ta đề phòng chống lại những cám dỗ?
◻ Có những cách nào để bày tỏ tình yêu thương anh em?
◻ Tình yêu thương mà Đức Chúa Trời đã bày tỏ thúc đẩy chúng ta thế nào để giúp người đồng loại?
[Hình nơi trang 9]
Chúng ta phải chống lại khuynh hướng tội lỗi để tránh tai họa
[Hình nơi trang 10]
Các trưởng lão bày tỏ tinh yêu thương anh em bằng cách cùng đi rao giảng với người khác
[Hình nơi trang 12]
Ông Charles Taze Russell, vị chủ tịch đầu tiên của Hội Tháp Canh (Watch Tower Society) kêu gọi sự chú ý đến sự bình an, vui mừng và các ân phước mà chỉ Đức Chúa Trời có thể ban cho