Hãy coi chừng “tiếng người lạ”
“Chiên chẳng theo người lạ; trái lại, nó chạy trốn, vì chẳng quen tiếng người lạ”.—GIĂNG 10:5.
1, 2. (a) Ma-ri phản ứng thế nào khi Chúa Giê-su gọi tên bà, và sự việc này làm sáng tỏ lời nào trước đó của ngài? (b) Điều gì giúp chúng ta ở gần Chúa Giê-su?
CHÚA GIÊ-SU nhìn người đàn bà đứng cạnh ngôi mộ trống. Ngài biết bà rất rõ. Đó là Ma-ri Ma-đơ-len. Gần hai năm trước, bà bị quỉ ám và được ngài chữa lành. Từ đó bà đã theo ngài và các sứ đồ, chăm sóc cho nhu cầu hàng ngày của họ. (Lu-ca 8:1-3) Tuy nhiên, ngày hôm đó Ma-ri đang khóc, bà quá đau buồn vì thấy Chúa Giê-su chết và giờ đây cả thi hài của ngài cũng biến mất luôn! Vì vậy Chúa Giê-su hỏi bà: “Hỡi đàn-bà kia, sao ngươi khóc? Ngươi tìm ai?” Ngỡ là người làm vườn, bà trả lời: “Hỡi chúa, ví thật ngươi là kẻ đã đem ngài đi, xin nói cho ta biết ngươi để ngài đâu, thì ta sẽ đến mà lấy”. Lúc ấy Chúa Giê-su nói: “Hỡi Ma-ri!” Bà lập tức nhận ra cách ngài thường hay nói với bà. Bà vui mừng kêu lên: “Thầy!” Rồi bà ôm ngài.—Giăng 20:11-18.
2 Một cách cảm động lời tường thuật này đã làm sáng tỏ những gì Chúa Giê-su đã phán trước đó. Ví mình với người chăn chiên và những môn đồ là chiên, ngài nói rằng người chăn gọi chiên mình bằng tên và chúng biết tiếng người chăn. (Giăng 10:3, 4, 14, 27, 28) Quả thật, như chiên nhận ra tiếng người chăn, thì Ma-ri cũng nhận ra Người Chăn của bà, đó là Đấng Christ. Ngày nay điều này cũng đúng trong trường hợp các môn đồ của Chúa Giê-su. (Giăng 10:16) Giống như tai của chiên nhận biết tiếng người chăn và giúp nó ở gần bên người, thì sự nhận biết về thiêng liêng giúp chúng ta theo sát bước chân của người Chăn Hiền Lành, Chúa Giê-su Christ.—Giăng 13:15; 1 Giăng 2:6; 5: 20.
3. Có những câu hỏi nào liên quan đến minh họa về chuồng chiên của Chúa Giê-su?
3 Tuy nhiên, cũng theo minh họa đó, khả năng nhận biết tiếng người không những giúp chiên nhận biết ai là bạn mà còn nhận biết ai là thù. Đó là điều tối quan trọng vì chúng ta có những kẻ thù xảo quyệt chống đối. Họ là ai? Họ hoạt động thế nào? Làm sao chúng ta có thể tự che chở? Để biết được, hãy xem Chúa Giê-su nói gì thêm trong minh họa về chuồng chiên.
‘Kẻ chẳng bởi cửa mà vào chuồng chiên’
4. Theo minh họa về người chăn, chiên theo ai, và không theo ai?
4 Chúa Giê-su phán: “Kẻ bởi cửa mà vào, là người chăn chiên. Người canh cửa mở cho, chiên nghe tiếng người chăn; người chăn kêu tên chiên mình mà dẫn ra ngoài. Khi người đã đem chiên ra hết, thì đi trước, chiên theo sau, vì chiên quen tiếng người. Nhưng chiên chẳng theo người lạ; trái lại, nó chạy trốn, vì chẳng quen tiếng người lạ”. (Giăng 10: 2-5) Hãy chú ý, Chúa Giê-su dùng chữ “tiếng” ba lần. Hai lần ngài nói về tiếng của người chăn, nhưng lần thứ ba ngài nói đến “tiếng người lạ”. Nơi đây Chúa Giê-su đang nói đến người lạ nào?
5. Tại sao chúng ta không tỏ lòng hiếu khách đối với loại người lạ được đề cập nơi Giăng chương 10?
5 Chúa Giê-su không bàn luận về loại người lạ mà chúng ta muốn tỏ lòng hiếu khách—từ này trong nguyên ngữ của Kinh Thánh có nghĩa là “yêu thương người lạ”. (Hê-bơ-rơ 13:2) Người lạ trong minh họa của Chúa Giê-su không phải là khách được mời. Đó là kẻ “chẳng bởi cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào từ nơi khác”. Hắn là kẻ “trộm-cướp”. (Giăng 10:1) Ai là người đầu tiên đề cập trong Lời Đức Chúa Trời đã trở thành kẻ trộm cướp? Đó là Sa-tan Ma-quỉ. Chúng ta thấy bằng chứng về điều đó trong sách Sáng-thế Ký.
Lần đầu có tiếng người lạ
6, 7. Tại sao Sa-tan đúng là người lạ và là kẻ trộm?
6 Sáng-thế Ký 3:1-5 cho biết cách tiếng người lạ phát ra lần đầu trên đất. Lời tường thuật kể lại là Sa-tan đến gần người nữ đầu tiên là Ê-va, qua trung gian một con rắn và dụ dỗ bà. Đành rằng trong lời tường thuật này Sa-tan không được gọi là “người lạ”, nhưng hành động của hắn cho thấy trong nhiều cách hắn giống như người lạ được tả trong minh họa của Chúa Giê-su ghi nơi Giăng chương 10. Hãy xem một số điểm tương đồng.
7 Chúa Giê-su nói rằng người lạ lén đến gần chiên trong chuồng. Tương tự vậy, Sa-tan gián tiếp đến gần nạn nhân qua trung gian con rắn. Qua hành động quỷ quyệt này, Sa-tan đã lộ nguyên hình: một kẻ xâm nhập xảo quyệt. Hơn nữa, người lạ vào chuồng chiên có ý định ăn trộm chiên của người chủ. Quả thật, hắn tệ hơn kẻ trộm, vì mục tiêu của hắn cũng để “cướp giết và hủy-diệt”. (Giăng 10:10) Tương tự thế, Sa-tan là kẻ trộm. Khi lừa gạt Ê-va, hắn lấy trộm lòng trung thành của bà mà lẽ ra thuộc về Đức Chúa Trời. Ngoài ra, Sa-tan cũng gieo rắc cái chết cho nhân loại. Vì thế hắn là kẻ giết người.
8. Sa-tan đã bóp méo những lời Đức Giê-hô-va nói và động lực của Ngài như thế nào?
8 Sự bất lương của Sa-tan cũng rất hiển nhiên qua cách hắn bóp méo những lời Đức Giê-hô-va nói và động lực của Ngài. Hắn hỏi Ê-va: “Có phải thật Thiên Chúa đã dạy: các người không được ăn quả cây nào trong vườn không?” Sa-tan giả vờ kinh ngạc, như thể hắn nói: ‘Sao mà Đức Chúa Trời lại vô lý đến thế?’ Hắn nói thêm: “Thiên Chúa biết rằng ngày nào ông bà ăn quả cây ấy, ông bà sẽ mở mắt ra”. Hãy chú ý lời hắn: “Thiên Chúa biết”. Sa-tan có ý nói: ‘Ta biết những gì Thiên Chúa biết. Ta biết các động lực của Ngài là xấu’. (Sáng-thế Ký 2:16, 17; 3:1, 5, Trịnh Văn Căn)a Điều đáng buồn là Ê-va và A-đam đã không bịt tai để khỏi nghe tiếng kẻ lạ này. Trái lại, họ đã nghe theo và gây tai họa cho chính họ và con cháu.—Rô-ma 5: 12, 14.
9. Tại sao chúng ta nên dự kiến sẽ có tiếng của người lạ ngày nay?
9 Sa-tan dùng phương pháp tương tự để lừa gạt dân tộc Đức Chúa Trời ngày nay. (Khải-huyền 12:9) Hắn là “cha sự nói dối” và những người làm giống như hắn—cố gắng lừa dối tôi tớ của Đức Chúa Trời—là con cái của hắn. (Giăng 8:44) Chúng ta hãy xem xét những cách qua đó tiếng của những người lạ phát ra ngày nay.
Cách mà tiếng người lạ phát ra ngày nay
10. Tiếng của người lạ phát ra qua một cách nào?
10 Lập luận lừa đảo. Sứ đồ Phao-lô nói: “Đừng để cho đủ thứ học thuyết xa lạ mê hoặc anh em”. (Hê-bơ-rơ 13:9, Tòa Tổng Giám Mục) Loại học thuyết nào? Vì những học thuyết này có thể “mê hoặc” chúng ta, rõ ràng là Phao-lô muốn nói đến những học thuyết làm chúng ta mất sự thăng bằng về thiêng liêng. Ai là người truyền học thuyết xa lạ đó? Sứ đồ Phao-lô nói với một nhóm trưởng lão đạo Đấng Christ: “Giữa anh em cũng sẽ có những người nói lời hung-ác dấy lên, ráng sức dỗ môn-đồ theo họ”. (Công-vụ 20:30) Quả thật, ngày nay cũng như vào thời Phao-lô, một số người trước kia từng ở trong hội thánh Đấng Christ hiện đang cố dụ dỗ chiên bằng cách nói những “lời hung-ác”—những lời nửa thật và những lời hoàn toàn dối trá. Như sứ đồ Phi-e-rơ nói, đó là “lời dối-trá”, hay giả trá—giống như thật nhưng thật ra vô giá trị như tiền giả.—2 Phi-e-rơ 2:3.
11. Những lời nơi 2 Phi-e-rơ 2:1, 3 vạch trần phương pháp và mục tiêu của những kẻ bội đạo như thế nào?
11 Phi-e-rơ còn vạch trần thêm phương pháp của những kẻ bội đạo bằng cách nói rằng họ lén “truyền những đạo dối làm hại”. (2 Phi-e-rơ 2:1, 3) Giống như trong minh họa của Chúa Giê-su về chuồng chiên, kẻ trộm “chẳng bởi cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào từ nơi khác”, thì những kẻ bội đạo cũng lén đến gần chúng ta như thế. (Ga-la-ti 2:4; Giu-đe 4) Mục tiêu của chúng là gì? Phi-e-rơ nói thêm: “Họ... lấy lời dối-trá khoét anh em”. Quả thật, bất kể những kẻ bội đạo có thể viện cớ gì đi nữa, mục tiêu thật của bọn xâm nhập này là “để cướp giết và hủy-diệt”. (Giăng 10:10) Hãy coi chừng những kẻ lạ đó!
12. (a) Bạn bè có thể làm chúng ta dễ bị tiếng người lạ ảnh hưởng như thế nào? (b) Có sự tương đồng nào giữa mánh khóe của Sa-tan và của những người lạ ngày nay?
12 Những bạn bè xấu. Tiếng của người lạ có thể phát qua những người mà chúng ta kết hợp. Bạn bè xấu đặc biệt gây nguy hiểm cho những người trẻ. (1 Cô-rinh-tô 15:33) Hãy nhớ rằng Sa-tan nhắm vào Ê-va—người nhỏ tuổi và ít kinh nghiệm hơn so với A-đam. Hắn thuyết phục bà là Đức Giê-hô-va hạn chế quá mức sự tự do của bà, nhưng trong thực tế thì ngược lại. Đức Giê-hô-va yêu thương nhân loại và chăm lo cho hạnh phúc của họ. (Ê-sai 48:17) Tương tự như thế ngày nay, những người lạ cố thuyết phục các bạn trẻ rằng cha mẹ tín đồ Đấng Christ hạn chế quá mức sự tự do của các em. Những người lạ đó có thể ảnh hưởng đến các em như thế nào? Một thiếu nữ tín đồ Đấng Christ thú nhận: “Có một dạo các bạn học đã làm suy yếu phần nào đức tin của em. Chúng cứ nói rằng đạo của em quá khắt khe và vô lý”. Nhưng sự thật là cha mẹ thương yêu các em. Vì vậy khi bạn học cố nói sao cho em ngờ vực cha mẹ, đừng để bị lừa gạt như Ê-va.
13. Vua Đa-vít đã theo đường lối khôn ngoan nào, và bằng một cách nào chúng ta có thể noi gương ông?
13 Về những bạn xấu, người viết Thi-thiên Đa-vít nói: “Tôi không ngồi chung cùng người dối-trá, cũng chẳng đi với kẻ giả-hình”. (Thi-thiên 26:4) Một lần nữa bạn có để ý thấy nét tiêu biểu của những người lạ không? Chúng ẩn danh dấu tánh—cũng như Sa-tan không cho biết mình là ai bằng cách dùng con rắn. Ngày nay, một số người vô luân che đậy danh tánh và ý đồ của mình bằng cách dùng Internet. Khi tán gẫu trên mạng, những người lớn đồi trụy có thể giả làm người trẻ để dụ dỗ các em vào bẫy. Hỡi các em, hãy hết sức thận trọng, e rằng các em bị hại về thiêng liêng.—Thi-thiên 119:101; Châm-ngôn 22:3.
14. Đôi khi cơ quan truyền thông phát tiếng người lạ như thế nào?
14 Những lời vu cáo. Mặc dù một số tin tức về Nhân Chứng Giê-hô-va là khách quan, nhưng đôi khi cơ quan truyền thông bị những người lạ lợi dụng để loan truyền những thông tin đầy thành kiến. Chẳng hạn, trong một nước nọ, có bài báo tung tin tức thất thiệt là các Nhân Chứng ủng hộ chế độ Hitler vào Thế Chiến II. Trong một nước khác, người ta vu cáo các Nhân Chứng phá hoại nhà thờ. Trong một số nước khác, cơ quan truyền thông đã buộc tội các Nhân Chứng là từ chối không cho con cái được điều trị theo y học và cũng cố tình dung túng những tội trọng của anh em cùng đạo. (Ma-thi-ơ 10:22) Dù vậy, những người có lòng thành thật biết rõ về chúng ta đều nhận ra đó là những lời vu cáo.
15. Tại sao tin hết mọi điều cơ quan truyền thông đưa ra là thiếu khôn ngoan?
15 Chúng ta nên làm gì nếu nghe những lời vu cáo của những người lạ đó? Chúng ta nên theo lời khuyên trong Châm-ngôn 14:15: “Kẻ ngu-dốt tin hết mọi lời; nhưng người khôn-khéo xem-xét các bước mình”. Thật thiếu khôn ngoan khi tin mọi điều cơ quan truyền thông nói là đúng. Dù không nghi ngờ tất cả các thông tin, chúng ta nhận biết rằng “cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ”.—1 Giăng 5:19.
“Hãy thử các lời nói soi dẫn”
16. (a) Phản ứng của chiên cho thấy lời của Chúa Giê-su nơi Giăng 10:4 đúng như thế nào? (b) Kinh Thánh khuyến khích chúng ta làm gì?
16 Vậy làm sao biết chắc rằng chúng ta đang giao tiếp với bạn hay thù? Chúa Giê-su nói chiên theo người chăn “vì chiên quen tiếng người” ấy. (Giăng 10:4) Không phải ngoại diện của người chăn khiến cho chiên theo người, nhưng chính là tiếng nói. Một sách nói về vùng đất Kinh Thánh kể lại là một du khách có lần cho rằng chiên nhận ra người chăn qua bộ y phục chứ không phải tiếng nói. Người chăn trả lời rằng chiên biết mình chính nhờ tiếng nói. Để chứng tỏ điều này, người chăn đổi quần áo với du khách. Mặc áo của người chăn, du khách kêu chiên, nhưng chúng không chạy đến. Chúng không nhận ra tiếng người du khách. Nhưng khi người chăn dù đang mặc bộ áo khác kêu chúng, chiên chạy đến ngay. Do đó, một người bề ngoài có thể nhìn giống người chăn, nhưng đối với chiên người ấy không thật sự là người chăn. Như thể là chiên thử tiếng người gọi, so sánh tiếng đó với tiếng của người chăn. Lời Đức Chúa Trời cũng bảo chúng ta làm thế—“hãy thử các lời nói soi dẫn để xem có quả thật đến từ Đức Chúa Trời không”. (1 Giăng 4:1, NW; 2 Ti-mô-thê 1:13) Điều gì sẽ giúp chúng ta làm thế?
17. (a) Làm sao chúng ta có thể trở thành quen thuộc với tiếng của Đức Giê-hô-va? (b) Sự hiểu biết về Đức Giê-hô-va giúp chúng ta làm gì?
17 Điều dễ hiểu là càng biết rõ tiếng, hoặc thông điệp của Đức Giê-hô-va thì chúng ta càng dễ nhận ra tiếng người lạ. Kinh Thánh cho biết cách chúng ta gia tăng sự hiểu biết đó: “Tai các ngươi sẽ nghe có tiếng đằng sau mình rằng: Nầy là đường đây, hãy noi theo!” (Ê-sai 30:21) “Tiếng” ở đằng sau chúng ta đến từ Lời Đức Chúa Trời. Mỗi lần đọc lời Ngài, như thể là chúng ta nghe tiếng của Đấng Chăn Chiên Vĩ Đại, Đức Giê-hô-va. (Thi-thiên 23:1) Vì vậy, càng học Kinh Thánh nhiều, chúng ta càng quen thuộc với tiếng của Đức Chúa Trời. Sự hiểu biết sâu sắc đó sẽ giúp chúng ta nhận ra tiếng của người lạ ngay lập tức.—Ga-la-ti 1:8.
18. (a) Nhận biết tiếng của Đức Giê-hô-va bao hàm điều gì? (b) Theo Ma-thi-ơ 17:5, tại sao chúng ta nên vâng theo tiếng Chúa Giê-su?
18 Nhận biết tiếng của Đức Giê-hô-va còn bao hàm điều gì nữa? Ngoài việc nghe, nó cũng bao hàm sự vâng lời. Lần nữa hãy lưu ý câu Ê-sai 30:21. Lời Đức Chúa Trời tuyên bố: “Nầy là đường đây”. Thật vậy, qua việc học hỏi Kinh Thánh, chúng ta nghe thấy lời chỉ dẫn của Đức Giê-hô-va. Kế đó, Ngài truyền lệnh: “Hãy noi theo!” Đức Giê-hô-va muốn chúng ta hành động theo những gì mình nghe. Do đó, bằng cách áp dụng điều đã học, chúng ta chứng tỏ mình không chỉ nghe tiếng Đức Giê-hô-va mà còn tuân theo nữa. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 28:1) Vâng theo tiếng Đức Giê-hô-va cũng có nghĩa là vâng theo tiếng Chúa Giê-su, vì chính Đức Giê-hô-va bảo chúng ta phải làm thế. (Ma-thi-ơ 17:5) Chúa Giê-su, Người Chăn Hiền Lành, cho chúng ta biết phải làm gì? Ngài dạy chúng ta đào tạo môn đồ và tin cậy “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”. (Ma-thi-ơ 24:45; 28:18-20) Vâng theo tiếng ngài chúng ta sẽ được sự sống đời đời.—Công-vụ 3:23.
‘Chiên chạy trốn’
19. Chúng ta nên phản ứng thế nào khi nghe tiếng người lạ?
19 Thế thì, chúng ta nên phản ứng thế nào khi nghe tiếng người lạ? Chúng ta phải làm giống chiên. Chúa Giê-su nói: “Nhưng chiên chẳng theo người lạ; trái lại, nó chạy trốn”. (Giăng 10:5) Phản ứng của chúng ta gồm hai điều. Trước hết, chúng ta “chẳng theo người lạ”. Đúng vậy, chúng ta cương quyết xa lánh người lạ. Quả thật, trong tiếng Hy Lạp dùng để viết Kinh Thánh, từ “chẳng” diễn đạt sự bác bỏ một cách mạnh mẽ nhất trong ngôn ngữ đó. (Ma-thi-ơ 24:35; Hê-bơ-rơ 13:5) Thứ hai, chúng ta “chạy trốn”, hoặc tránh xa người lạ. Đó là phản ứng đúng nhất để đối phó với những người dạy điều không phù hợp với tiếng của Người Chăn Hiền Lành.
20. Chúng ta phản ứng thế nào khi gặp phải (a) những kẻ bội đạo lừa đảo, (b) bạn bè xấu, (c) những tin tức thiếu vô tư của cơ quan truyền thông?
20 Vì vậy, khi gặp những người nói tư tưởng bội đạo chúng ta muốn làm theo Lời Đức Chúa Trời dạy: “Coi chừng những kẻ gây nên bè-đảng và làm gương xấu, nghịch cùng sự dạy-dỗ mà anh em đã nhận. Phải tránh xa họ đi”. (Rô-ma 16:17; Tít 3:10). Cũng vậy, giới trẻ tín đồ Đấng Christ đang gặp nguy hiểm của bạn bè xấu hãy áp dụng lời của Phao-lô khuyên người trẻ Ti-mô-thê: “Hãy tránh khỏi tình-dục trai-trẻ”. Và khi nghe thấy lời vu cáo trên cơ quan truyền thông, chúng ta sẽ nhớ lời khuyên của Phao-lô nói với Ti-mô-thê: ‘Người ta [những người nghe tiếng người lạ] xây hướng về chuyện huyễn. Nhưng con, phải có tiết-độ trong mọi sự’. (2 Ti-mô-thê 2:22; 4:3-5) Dù tiếng của người lạ có vẻ ngon ngọt thế nào, chúng ta phải tránh tất cả những gì có thể phá hoại đức tin mình.—Thi-thiên 26:5; Châm-ngôn 7:5, 21; Khải-huyền 18:2, 4.
21. Phần thưởng nào chờ đón những người bác bỏ tiếng người lạ?
21 Bằng cách bác bỏ tiếng người lạ, những tín đồ Đấng Christ được xức dầu hưởng ứng lời của Người Chăn Hiền Lành nơi Lu-ca 12:32. Chúa Giê-su nói với họ: “Hỡi bầy nhỏ, đừng sợ chi; vì Cha các ngươi đã bằng lòng cho các ngươi nước thiên-đàng”. Cũng vậy, “chiên khác” thiết tha trông mong được nghe lời này của Chúa Giê-su: “Hỡi các ngươi được Cha ta ban phước, hãy đến mà nhận lấy nước thiên-đàng đã sắm-sẵn cho các ngươi từ khi dựng nên trời đất”. (Giăng 10:16; Ma-thi-ơ 25:34) Quả là phần thưởng ấm lòng đang chờ đón chúng ta nếu chúng ta bác bỏ “tiếng người lạ”!
Bạn còn nhớ không?
• Trong minh họa của Chúa Giê-su về chuồng chiên, lời miêu tả về người lạ thích hợp với Sa-tan như thế nào?
• Ngày nay tiếng người lạ phát ra qua những cách nào?
• Chúng ta nhận ra tiếng người lạ bằng cách nào?
• Chúng ta nên phản ứng thế nào khi nghe tiếng người lạ?
[Hình nơi trang 15]
Ma-ri nhận ra Đấng Christ
[Hình nơi trang 16]
Người lạ không đến với chiên một cách đường hoàng
[Hình nơi trang 18]
Chúng ta phản ứng thế nào khi nghe tiếng người lạ?
[Chú thích]
a Trong bài này, chúng tôi có viết nghiêng một số từ trong các câu Kinh Thánh.