BÀI HỌC 50
“Người chết sẽ được sống lại như thế nào?”
“Hỡi sự chết, chiến thắng của ngươi đâu? Hỡi sự chết, nọc độc của ngươi đâu?”—1 CÔ 15:55.
BÀI HÁT 141 Điều kỳ diệu của sự sống
GIỚI THIỆUa
1, 2. Tại sao mọi tín đồ đạo Đấng Ki-tô nên quan tâm đến sự sống lại để lên trời?
Phần lớn những người hiện đang phụng sự Đức Giê-hô-va có hy vọng sống mãi trên đất. Tuy nhiên, một nhóm nhỏ tín đồ được xức dầu còn sót lại có hy vọng sống lại để lên trời. Những tín đồ được xức dầu này rất muốn biết đời sống của họ ở trên trời sẽ như thế nào. Nhưng tại sao những người có hy vọng sống trên đất cũng muốn biết về điều này? Như chúng ta sẽ xem, sự sống lại để lên trời cũng mang lại ân phước cho những người có hy vọng sống mãi trên đất. Thế nên, dù có hy vọng sống trên trời hay dưới đất, chúng ta nên quan tâm đến sự sống lại để lên trời.
2 Đức Chúa Trời soi dẫn một số môn đồ của Chúa Giê-su vào thế kỷ thứ nhất viết về hy vọng lên trời. Sứ đồ Giăng cho biết: “Chúng ta nay là con cái Đức Chúa Trời, nhưng chúng ta sẽ như thế nào trong tương lai thì điều đó chưa được tỏ lộ. Điều chúng ta biết là khi ngài được tỏ lộ thì chúng ta sẽ giống ngài” (1 Giăng 3:2). Vậy, những tín đồ được xức dầu không biết họ sẽ như thế nào khi được sống lại để lên trời trong thể thần linh. Tuy nhiên, họ sẽ thấy Đức Giê-hô-va theo nghĩa đen khi nhận được phần thưởng. Kinh Thánh không tiết lộ mọi chi tiết về sự sống lại để lên trời, nhưng sứ đồ Phao-lô cung cấp vài thông tin về điều này. Những tín đồ được xức dầu sẽ ở cùng với Chúa Giê-su khi ngài “dẹp tan mọi chính phủ cùng mọi quyền hành và thế lực”, trong đó có “kẻ thù sau cùng là sự chết”. Cuối cùng, Chúa Giê-su và những người đồng cai trị với ngài sẽ phục dưới quyền của Đức Giê-hô-va, và khiến muôn vật cũng làm thế (1 Cô 15:24-28). Quả là một thời điểm đầy hào hứng!b
3. Như được nói nơi 1 Cô-rinh-tô 15:30-32, niềm tin của Phao-lô nơi sự sống lại giúp ông ra sao?
3 Niềm tin của Phao-lô nơi sự sống lại giúp ông chịu đựng nhiều thử thách khác nhau. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 15:30-32). Ông nói với những người ở Cô-rinh-tô: “Hằng ngày tôi đều đối mặt với cái chết”. Phao-lô cũng viết: “Tôi đấu với thú dữ ở Ê-phê-sô”. Có thể ông đang nói đến việc đấu với thú dữ tại một đấu trường ở Ê-phê-sô (2 Cô 1:8; 4:10; 11:23). Hoặc có thể ông đang nói đến những người chống đối dữ tợn giống như “thú dữ” (Công 19:26-34; 1 Cô 16:9). Dù trường hợp nào đi nữa, Phao-lô phải đương đầu với những thử thách đầy hiểm nguy. Tuy nhiên, ông vẫn giữ cái nhìn tích cực về tương lai.—2 Cô 4:16-18.
4. Hy vọng về sự sống lại làm vững mạnh các tín đồ ngày nay như thế nào? (Xem hình nơi trang bìa).
4 Chúng ta đang sống trong thời kỳ đầy nguy hiểm. Một số anh em là nạn nhân của tội ác. Số khác sống trong những vùng chiến tranh và không an toàn. Một số anh chị phụng sự ở những nơi công việc rao giảng bị hạn chế hoặc bị cấm đoán có thể mất mạng hoặc bị bỏ tù. Dù vậy, các anh chị ấy vẫn kiên trì thờ phượng Đức Giê-hô-va và nêu gương cho chúng ta. Họ cảm thấy an tâm vì biết rằng ngay cả khi mất sự sống, Đức Giê-hô-va hứa sẽ ban cho họ điều tốt đẹp hơn trong tương lai.
5. Quan điểm nguy hiểm nào làm suy yếu đức tin của chúng ta nơi sự sống lại?
5 Phao-lô cảnh báo anh em về quan điểm nguy hiểm sau của một số người: “Nếu người chết không được sống lại thì ‘hãy ăn uống vì ngày mai chúng ta sẽ chết’”. Thật ra quan điểm này có trước thời của Phao-lô. Có lẽ ông đang trích Ê-sai 22:13 nói về thái độ của dân Y-sơ-ra-ên. Thay vì đến gần Đức Chúa Trời, họ theo đuổi lạc thú. Về cơ bản, thái độ của dân Y-sơ-ra-ên là “nay sống, mai chết”, một quan điểm rất phổ biến ngày nay. Tuy nhiên, Kinh Thánh ghi lại hậu quả tai hại mà dân Y-sơ-ra-ên phải gánh chịu vì sống theo quan điểm ấy.—2 Sử 36:15-20.
6. Hy vọng về sự sống lại nên ảnh hưởng thế nào đến cách chúng ta chọn bạn?
6 Chúng ta biết Đức Giê-hô-va sẽ làm cho người chết sống lại, và điều này nên ảnh hưởng đến cách chúng ta chọn bạn. Những tín đồ ở thành Cô-rinh-tô cần tránh kết hợp với những người không tin có sự sống lại. Bài học là gì? Chúng ta có thể bị ảnh hưởng tai hại nếu thường xuyên kết hợp với những người có quan điểm “chỉ sống cho hôm nay”. Việc kết hợp với những người như thế có thể hủy hoại quan điểm và thói quen của một tín đồ, thậm chí khiến người ấy chạy theo lối sống mà Đức Giê-hô-va ghét. Vì vậy, Phao-lô khuyến giục: “Hãy tỉnh ngộ mà theo đường lối công chính, đừng bước đi trong tội lỗi”.—1 Cô 15:33, 34.
SỐNG LẠI VỚI THÂN THỂ NÀO?
7. Có lẽ một số người đã đặt câu hỏi nào về sự sống lại như được nói nơi 1 Cô-rinh-tô 15:35-38?
7 Đọc 1 Cô-rinh-tô 15:35-38. Một người muốn khiến người khác nghi ngờ về sự sống lại có lẽ đã đặt câu hỏi: “Người chết sẽ được sống lại như thế nào?”. Chúng ta muốn xem xét lời giải đáp của Phao-lô vì nhiều người ngày nay có quan điểm riêng về điều gì xảy ra khi một người chết. Nhưng Kinh Thánh dạy gì?
8. Minh họa nào có thể giúp chúng ta hiểu về sự sống lại để lên trời?
8 Khi một người chết, thân thể sẽ bị phân hủy. Nhưng đấng tạo ra vũ trụ có thể làm người ấy sống lại, ban cho người ấy một thân thể thích hợp (Sáng 1:1; 2:7). Phao-lô dùng một minh họa để cho thấy Đức Chúa Trời không cần dùng thân thể cũ của một người để làm cho họ sống lại. Hãy thử nghĩ về hạt giống. Một hạt giống sau khi được trồng dưới đất sẽ nảy mầm và thành một cây non. Cây non ấy rất khác với hạt giống. Phao-lô dùng sự so sánh này để cho thấy Đấng Tạo Hóa có thể cung cấp một thân thể theo ý ngài.
9. Phao-lô nói về những thân thể khác nhau nào nơi 1 Cô-rinh-tô 15:39-41?
9 Đọc 1 Cô-rinh-tô 15:39-41. Phao-lô đang nói đến tính đa dạng của sự sáng tạo. Chẳng hạn, có những thân thể khác nhau trên đất như thân thể của gia súc, chim và cá. Còn ở trên trời, chúng ta thấy sự khác biệt giữa thiên thể mặt trời và mặt trăng. Ông cho biết “sự vinh hiển của mỗi ngôi sao đều khác nhau”. Dù mắt của chúng ta không thể phân biệt được nhưng các nhà khoa học cho biết có nhiều loại ngôi sao, chẳng hạn như sao khổng lồ đỏ, sao lùn trắng và sao vàng (trong đó có mặt trời). Phao-lô cũng cho biết “có thân thể trên trời và thân thể dưới đất”. Điều này có nghĩa gì? Ở trên đất, chúng ta có thân thể xác thịt nhưng trên trời thì có thân thể thần linh, giống như thân thể của các thiên sứ.
10. Những người được sống lại để lên trời có thân thể nào?
10 Hãy lưu ý điều Phao-lô nói tiếp theo: “Sự sống lại của người chết cũng vậy. Khi được gieo là thân thể dễ mục nát, khi được sống lại là thân thể không hề mục nát”. Dĩ nhiên khi một người chết, thân thể sẽ phân hủy và trở về bụi đất (Sáng 3:19). Vậy làm sao một người có thể được sống lại với “thân thể không hề mục nát”? Phao-lô không nói về một người được sống lại ở trên đất, chẳng hạn những người được Ê-li-gia, Ê-li-sê và Chúa Giê-su làm cho sống lại. Nhưng Phao-lô đang nói về một người được làm cho sống lại với thân thể trên trời, tức “thân thể thần linh”.—1 Cô 15:42-44.
11, 12. Chúa Giê-su trải qua sự thay đổi nào khi được sống lại, và những tín đồ được xức dầu có trải nghiệm tương tự nào?
11 Khi Chúa Giê-su sống trên đất, ngài có thân thể xác thịt. Nhưng khi được sống lại, ngài “đã trở thành thần linh ban sự sống” và trở về trời. Tương tự, những tín đồ được xức dầu sẽ được sống lại với thân thể thần linh để sống ở trên trời. Phao-lô giải thích: “Chúng ta mang hình ảnh của người được tạo nên bằng bụi đất thế nào thì cũng sẽ mang hình ảnh của đấng đến từ trời như vậy”.—1 Cô 15:45-49.
12 Hãy nhớ rằng Chúa Giê-su không được sống lại với thân thể xác thịt. Phao-lô giải thích tại sao lại như thế khi ông viết những lời sau vào cuối phần nói về sự sống lại: “Thân thể bằng thịt và huyết không được thừa hưởng Nước Đức Chúa Trời” ở trên trời (1 Cô 15:50). Các sứ đồ và những tín đồ được xức dầu khác sẽ không sống lại để lên trời với thân thể xác thịt dễ mục nát. Khi nào họ sẽ được sống lại? Phao-lô nhấn mạnh sự sống lại sẽ xảy ra trong tương lai chứ không xảy ra ngay sau khi họ qua đời. Đến thời điểm Phao-lô viết sách 1 Cô-rinh-tô, một số môn đồ “đã an giấc”, chẳng hạn như sứ đồ Gia-cơ (Công 12:1, 2). Các sứ đồ và những tín đồ được xức dầu khác sau đó cũng sẽ “an giấc”.—1 Cô 15:6.
CHIẾN THẮNG SỰ CHẾT
13. “Kỳ hiện diện” của Chúa Giê-su được đánh dấu bằng những biến cố nào?
13 Cả Chúa Giê-su và Phao-lô đều nói về một thời điểm đặc biệt trong lịch sử, đó là kỳ hiện diện của Đấng Ki-tô. Kỳ hiện diện ấy sẽ được đánh dấu bởi chiến tranh, động đất, dịch lệ và những biến cố toàn cầu khác. Chúng ta thấy lời tiên tri này được ứng nghiệm kể từ năm 1914. Dấu hiệu về kỳ hiện diện của ngài cũng bao gồm khía cạnh quan trọng khác. Chúa Giê-su nói rằng tin mừng về Nước Trời sẽ được rao truyền “khắp đất để làm chứng cho muôn dân, bấy giờ sự kết thúc sẽ đến” (Mat 24:3, 7-14). Phao-lô cho biết “kỳ hiện diện của Chúa” cũng là thời điểm các tín đồ được xức dầu “đã an giấc” được sống lại.—1 Tê 4:14-16; 1 Cô 15:23.
14. Những tín đồ được xức dầu qua đời trong kỳ hiện diện của Đấng Ki-tô sẽ có trải nghiệm nào?
14 Ngày nay, những tín đồ được xức dầu kết thúc đời sống trên đất sẽ lập tức được sống lại để lên trời. Điều này được thấy rõ qua những lời Phao-lô nói nơi 1 Cô-rinh-tô 15:51, 52: “Không phải tất cả chúng ta đều sẽ ngủ trong sự chết, nhưng tất cả đều sẽ biến đổi trong tích tắc, trong nháy mắt, trong lúc tiếng kèn cuối cùng trỗi lên”. Những lời ấy của Phao-lô đang ứng nghiệm ngày nay! Khi được sống lại, những anh em này của Đấng Ki-tô sẽ có niềm vui trọn vẹn; họ sẽ “luôn ở cùng Chúa”.—1 Tê 4:17.
15. Những người được biến đổi “trong nháy mắt” sẽ làm công việc gì?
15 Kinh Thánh cho biết những người được biến đổi “trong nháy mắt” sẽ làm công việc gì ở trên trời. Chúa Giê-su nói với họ: “Ai chiến thắng và làm theo các việc làm của tôi cho đến cuối cùng thì tôi sẽ ban cho quyền trên các nước, và người ấy sẽ cai trị chúng bằng cây gậy sắt, hầu chúng bị vỡ tan tành như bình bằng đất sét, như tôi đã nhận quyền ấy từ Cha” (Khải 2:26, 27). Họ sẽ vâng theo Đấng Chỉ Huy của họ và cai trị các dân bằng cây gậy sắt.—Khải 19:11-15.
16. Nhiều người sẽ chiến thắng sự chết như thế nào?
16 Rõ ràng, những tín đồ được xức dầu sẽ chiến thắng sự chết (1 Cô 15:54-57). Nhờ được sống lại, họ sẽ tham gia vào việc loại bỏ mọi gian ác trên đất trong cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn sắp tới. Hàng triệu tín đồ khác, cả nam lẫn nữ, sẽ “vượt qua hoạn nạn lớn” và bước vào thế giới mới (Khải 7:14). Những người sống sót này sẽ được chứng kiến một chiến thắng khác trên sự chết, đó là sự sống lại của hàng tỉ người đã qua đời trong quá khứ. Hãy hình dung chúng ta sẽ vui mừng đến mức nào khi điều tuyệt vời ấy xảy ra! (Công 24:15). Tất cả những ai trung thành trọn vẹn với Đức Giê-hô-va cũng sẽ chiến thắng cái chết di truyền. Họ sẽ có thể sống mãi mãi.
17. Theo 1 Cô-rinh-tô 15:58, chúng ta nên làm gì ngay bây giờ?
17 Mỗi tín đồ hiện đang sống nên quý trọng những lời ấm lòng mà Phao-lô viết cho các tín đồ ở Cô-rinh-tô về sự sống lại. Chúng ta có mọi lý do để làm theo lời khuyến giục của Phao-lô, đó là ngay bây giờ hãy hết lòng làm “công việc Chúa”. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 15:58). Nếu trung thành và sốt sắng trong công việc này, chúng ta sẽ có triển vọng hưởng một tương lai đầy vui mừng và tuyệt vời hơn bất cứ điều gì chúng ta có thể tưởng tượng. Tương lai ấy sẽ cho thấy công sức của chúng ta trong việc phụng sự Chúa không phải là vô ích.
BÀI HÁT 140 Sự sống vĩnh cửu là đây!
a Phần nửa sau của 1 Cô-rinh-tô chương 15 nói về sự sống lại, đặc biệt là sự sống lại của những tín đồ được xức dầu. Tuy nhiên, những gì Phao-lô viết cũng quan trọng đối với các tín đồ thuộc chiên khác. Bài này sẽ cho thấy hy vọng về sự sống lại nên ảnh hưởng thế nào đến đời sống của chúng ta ngay bây giờ và giúp chúng ta ra sao để hướng đến tương lai.
b Bài “Độc giả thắc mắc” trong số này giải thích về những lời của Phao-lô nơi 1 Cô-rinh-tô 15:29.