Vui mừng trong hy vọng
“[Có] hy vọng về sự sống vĩnh cửu mà Đức Chúa Trời, là đấng không thể nói dối, đã hứa từ rất lâu”.—TÍT 1:2.
ĐỂ ÔN LẠI
Làm sao chúng ta biết có sự vui mừng ở trên trời khi một người được xức dầu kết thúc cuộc sống trung kiên trên đất?
Hy vọng của chiên khác liên quan đến hy vọng của tín đồ được xức dầu như thế nào?
Để niềm hy vọng của mình thành hiện thực, chúng ta phải “có cách ăn ở thánh khiết” và “thể hiện lòng sùng kính” ra sao?
1. Niềm hy vọng Đức Giê-hô-va ban có thể giúp chúng ta chịu đựng như thế nào?
Sứ đồ Phao-lô nói Đức Giê-hô-va là “đấng ban hy vọng”. Ông cho biết thêm, ngài có thể ‘làm cho chúng ta tràn đầy niềm vui và sự bình an bởi chúng ta tin cậy nơi ngài, hầu chúng ta được chứa chan hy vọng bởi quyền năng của thần khí’ (Rô 15:13). Nếu chứa chan hy vọng, chúng ta có thể chịu đựng được mọi khó khăn có thể xảy đến, lòng chúng ta tràn đầy niềm vui và sự bình an. Đối với cả tín đồ được xức dầu và những tín đồ khác, niềm hy vọng đó giống như ‘cái neo cho sự sống, chắc chắn và vững vàng’ (Hê 6:18, 19). Như cái neo, niềm hy vọng sẽ giúp chúng ta đứng vững trước giông tố của cuộc sống và không bị “trôi giạt”, tức nghi ngờ hay thiếu đức tin.—Đọc Hê-bơ-rơ 2:1; 6:11.
2. Hai hy vọng nào đặt trước mặt các tín đồ thời nay? Tại sao “chiên khác” quan tâm đến hy vọng của những người được xức dầu?
2 Có hai hy vọng đặt trước mặt tín đồ đạo Đấng Ki-tô sống trong thời kỳ sau cùng. Nhóm người còn sót lại của “bầy nhỏ” có hy vọng nhận được sự sống bất tử trên trời, họ sẽ làm vua và thầy tế lễ cùng với Đấng Ki-tô trong Nước Trời (Lu 12:32; Khải 5:9, 10). “Đám đông” thuộc lớp “chiên khác” có hy vọng sống vĩnh cửu trong địa đàng trên đất với tư cách là thần dân của Nước Đấng Mê-si (Khải 7:9, 10; Giăng 10:16). Chiên khác nên nhớ rằng sự cứu rỗi của họ tùy thuộc vào việc họ sốt sắng ủng hộ “những người anh em” được xức dầu của Chúa Giê-su hiện còn ở trên đất (Mat 25:34-40). Chắc chắn, những người được xức dầu sẽ nhận được phần thưởng của mình, còn hy vọng của chiên khác cũng sẽ thành hiện thực. (Đọc Hê-bơ-rơ 11:39, 40). Trước tiên, chúng ta hãy xem xét niềm hy vọng đặt trước mặt những người được xức dầu.
“NIỀM HY VỌNG CHẮC CHẮN” CỦA CÁC TÍN ĐỒ ĐƯỢC XỨC DẦU
3, 4. Các tín đồ được xức dầu “được sinh lại” như thế nào để nhận “niềm hy vọng chắc chắn”? Hy vọng đó là gì?
3 Sứ đồ Phi-e-rơ viết hai lá thư cho các tín đồ được xức dầu, ông gọi họ là “những người được chọn” (1 Phi 1:1). Ông cho biết các chi tiết về niềm hy vọng tuyệt vời mà bầy nhỏ được ban cho. Trong lá thư đầu tiên, Phi-e-rơ viết: “Chúc tạ Đức Chúa Trời, Cha của Chúa Giê-su Ki-tô chúng ta, vì theo lòng thương xót lớn lao của ngài, ngài làm cho chúng ta được sinh lại để nhận niềm hy vọng chắc chắn qua sự sống lại của Chúa Giê-su Ki-tô, để nhận sản nghiệp không mục nát, không ô uế và không suy tàn. Sản nghiệp ấy dành sẵn trên trời cho anh em, là những người nhờ đức tin mà được che chở bởi quyền năng của Đức Chúa Trời, hầu nhận sự cứu rỗi sẽ được tiết lộ trong kỳ cuối cùng. Thế nên anh em rất đỗi vui mừng”.—1 Phi 1:3-6.
4 Nhóm nhỏ các tín đồ mà Đức Giê-hô-va chọn để cùng Đấng Ki-tô cai trị trong Nước Trời “được sinh lại” để làm con cái Đức Chúa Trời. Họ được xức dầu bằng thần khí để trở thành vua và thầy tế lễ cùng Đấng Ki-tô (Khải 20:6). Phi-e-rơ nói rằng sự “sinh lại” này mở ra cho họ “niềm hy vọng chắc chắn” mà ông gọi là “sản nghiệp không mục nát, không ô uế và không suy tàn... dành sẵn trên trời” cho họ. Vậy, không lạ gì khi những người được xức dầu “rất đỗi vui mừng” trong niềm hy vọng chắc chắn của mình! Tuy nhiên, để nhận được niềm hy vọng đó, họ cần phải trung thành.
5, 6. Tại sao các tín đồ được xức dầu phải nỗ lực để nắm chắc đặc ân được gọi lên trời?
5 Trong lá thư thứ hai, Phi-e-rơ khuyên các tín đồ được xức dầu hãy ‘nỗ lực để nắm chắc đặc ân được gọi và được chọn’ (2 Phi 1:10). Họ phải cố gắng hết sức để trau dồi các đức tính của người tín đồ như đức tin, lòng sùng kính, tình huynh đệ và tình yêu thương. Phi-e-rơ nói: “Nếu những điều ấy có trong anh em và có dư dật, chúng sẽ giúp anh em tránh trở nên thụ động hoặc không kết quả”.—Đọc 2 Phi-e-rơ 1:5-8.
6 Chúa Giê-su nói với các trưởng lão được xức dầu thuộc hội thánh ở Phi-la-đen-phi-a, Tiểu Á, vào thế kỷ thứ nhất: “Vì anh đã noi theo gương kiên trì chịu đựng của tôi nên tôi sẽ gìn giữ anh trong giờ thử thách mà cả thế giới đều phải chịu, là giờ để thử thách tất cả những người sống trên đất. Tôi sắp đến. Hãy tiếp tục giữ chắc những gì anh có, hầu không ai lấy đi vương miện của anh” (Khải 3:10, 11, chú thích). Nếu không trung thành, một tín đồ được xức dầu sẽ không nhận được “vương miện vinh hiển không phai mờ” dành cho những người được chọn và trung thành cho đến chết.—1 Phi 5:4; Khải 2:10.
ĐƯỢC VÀO NƯỚC TRỜI
7. Giu-đe nhắc đến hy vọng tuyệt vời nào trong lá thư của ông?
7 Khoảng năm 65 CN, em ruột của Chúa Giê-su là Giu-đe viết một lá thư gửi cho ‘những người được gọi’, tức là những anh em đồng đạo được xức dầu (Giu 1; so sánh Hê-bơ-rơ 3:1). Ông định viết một lá thư tập trung vào hy vọng tuyệt vời về sự cứu rỗi của các tín đồ được gọi vào Nước Đức Chúa Trời, nhưng có những vấn đề cấp bách khác cần được nói đến (Giu 3). Tuy nhiên, cuối lá thư ngắn này, ông nhắc đến hy vọng tuyệt vời của các tín đồ được xức dầu. Ông viết: “Đức Chúa Trời là đấng có thể giữ anh em khỏi bị vấp ngã, khiến anh em đứng trước sự vinh hiển của ngài mà không còn tì vết gì và có niềm vui mừng khôn xiết, là Đức Chúa Trời duy nhất, tức Đấng Cứu Rỗi chúng ta qua Chúa Giê-su Ki-tô. Nguyện Đức Chúa Trời có được sự vinh hiển, oai nghi, quyền năng và uy quyền từ muôn đời về trước, hiện nay và cho đến đời đời”.—Giu 24, 25
8. Phù hợp với Giu-đe 24, điều gì cho thấy có sự vui mừng ở trên trời khi một người được xức dầu kết thúc cuộc đời trung kiên trên đất?
8 Chắc chắn, mỗi tín đồ được xức dầu cần sự che chở của Đức Chúa Trời để tránh bị “vấp ngã”, hoặc tránh bất cứ điều gì có thể khiến người ấy bất tuân và bị hủy diệt. Các tín đồ được xức dầu có hy vọng được Chúa Giê-su làm cho sống lại với tư cách là tạo vật thần linh hoàn hảo, có thể hiện diện trước ngai Đức Chúa Trời trong niềm vui mừng khôn xiết. Khi trung thành cho đến chết, một người được xức dầu có thể tin chắc là mình sẽ ‘được sống lại là thân thể thần linh, vinh hiển, không bao giờ mục rữa’ (1 Cô 15:42-44). Nếu ‘trên trời vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn’, thì thử tưởng tượng không khí ở trên đó ra sao khi một anh em của Chúa Giê-su kết thúc cuộc đời trung kiên trên đất (Lu 15:7). Đức Giê-hô-va và những tạo vật thần linh trung thành sẽ vui mừng khi một người được xức dầu nhận phần thưởng trong “niềm vui mừng khôn xiết”.—Đọc 1 Giăng 3:2.
9. Các tín đồ được xức dầu trung thành được vào Nước Trời là “ân phước lớn lao”, điều này có nghĩa gì? Niềm hy vọng ấy tác động thế nào đến các tín đồ được xức dầu khi còn sống trên đất?
9 Liên quan đến điều này, Phi-e-rơ viết cho các tín đồ được xức dầu là nếu họ trung thành để nắm chắc đặc ân được gọi, ‘họ sẽ nhận ân phước lớn lao là được phép vào Nước vĩnh cửu của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Rỗi chúng ta’ (2 Phi 1:10, 11). Cụm từ Hy Lạp được dịch là “ân phước lớn lao” có thể có nghĩa là họ sẽ vào Nước trên trời cách vinh hiển, phẩm chất của họ tỏa sáng. Cụm từ này cũng có thể nói đến vô số ân phước mà những người đã nỗ lực trong cuộc đua giành sự sống sẽ nhận được. Họ sẽ nhìn lại cuộc đời trung thành của mình với lòng tràn đầy hân hoan và biết ơn. Chắc chắn, triển vọng này cho họ sức để ‘dồn hết tâm trí hầu hoàn tất công việc’.—1 Phi 1:13.
HY VỌNG CỦA CHIÊN KHÁC
10, 11. (a) Hy vọng nào đặt trước mặt chiên khác? (b) Hy vọng này có liên quan thế nào đến Đấng Ki-tô và “sự vinh hiển của con cái Đức Chúa Trời được tỏ lộ”?
10 Sứ đồ Phao-lô cũng viết về niềm hy vọng của tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Ông cho biết những tín đồ được xức dầu, là “con cái Đức Chúa Trời”, có hy vọng được “đồng thừa kế” với Đấng Ki-tô. Sau đó, ông đề cập đến niềm hy vọng tuyệt vời mà Đức Giê-hô-va ban cho chiên khác: “Các tạo vật [nhân loại] đều háo hức trông mong sự vinh hiển của con cái Đức Chúa Trời [những người được xức dầu] được tỏ lộ. Vì các tạo vật đã bị khuất phục sự hư không, chẳng phải tự ý mình mà do đấng bắt phục, đồng thời cũng được ban hy vọng là sẽ được giải thoát khỏi ách nô lệ của sự mục nát và có sự tự do vinh hiển của con cái Đức Chúa Trời”.—Rô 8:14-21.
11 Nhân loại có hy vọng từ khi Đức Giê-hô-va hứa giải cứu họ khỏi “con rắn xưa kia”, tức là Sa-tan Kẻ Quỷ Quyệt, qua “dòng-dõi” được hứa trước (Khải 12:9; Sáng 3:15). Thành phần chính của “dòng-dõi” đó là Chúa Giê-su Ki-tô (Ga 3:16). Nhờ sự chết và sự sống lại của ngài, nhân loại có một hy vọng vững chắc, là được giải thoát khỏi vòng nô lệ của tội lỗi và sự chết. Hy vọng này có liên quan đến “sự vinh hiển của con cái Đức Chúa Trời được tỏ lộ”. Các tín đồ được xức dầu là thành phần phụ của “dòng-dõi”; sự vinh hiển của họ sẽ “được tỏ lộ” khi họ cùng với Chúa Giê-su hủy diệt thế giới gian ác của Sa-tan (Ga 3:29; Khải 2:26, 27). Điều này sẽ mang đến sự cứu rỗi cho những chiên khác vượt qua hoạn nạn lớn.—Khải 7:9, 10, 14.
12. Sự vinh hiển của những người được xức dầu được tỏ lộ mang lại ân phước tuyệt vời nào cho nhân loại?
12 Quả là một sự giải thoát đối với nhân loại trong Triều Đại Một Ngàn Năm của Đấng Ki-tô! Lúc đó, “sự vinh hiển của con cái Đức Chúa Trời được tỏ lộ” một lần nữa khi họ làm thầy tế lễ. Họ sẽ cùng Đấng Ki-tô áp dụng lợi ích của sự hy sinh làm giá chuộc của ngài cho nhân loại. Dưới sự cai trị của Nước Trời, nhân loại biết vâng lời dần dần sẽ “được giải thoát khỏi ách nô lệ của sự mục nát”, tức ảnh hưởng của tội lỗi và sự chết. Nếu họ trung thành trong suốt Một Ngàn Năm và vượt qua thử thách sau cùng ở cuối giai đoạn đó, thì tên của họ sẽ được viết trong “cuộn sách sự sống” cho đến mãi mãi. Họ sẽ vào trong “sự tự do vinh hiển của con cái Đức Chúa Trời” (Khải 20:7, 8, 11, 12). Quả thật, đây là một hy vọng tuyệt vời!
GIỮ CHO HY VỌNG TƯƠI SÁNG
13. Chúng ta có hy vọng là nhờ điều gì? Khi nào Đấng Ki-tô sẽ “được tỏ lộ”?
13 Hai lá thư được soi dẫn của Phi-e-rơ chứa đựng nhiều điều có thể giúp các tín đồ được xức dầu và các chiên khác giữ cho hy vọng của mình luôn tươi sáng. Ông lưu ý rằng chúng ta có hy vọng là nhờ lòng nhân từ bao la của Đức Giê-hô-va, chứ không phải do việc làm của mình. Ông viết: “Hãy giữ tinh thần hoàn toàn tỉnh táo; hãy đặt hy vọng nơi lòng nhân từ bao la sẽ được tỏ với anh em, vào lúc Chúa Giê-su Ki-tô được tỏ lộ” (1 Phi 1:13). Đấng Ki-tô sẽ “được tỏ lộ” khi ngài đến ban thưởng cho các môn đồ trung thành và thi hành án phạt của Đức Giê-hô-va đối với những người không tin kính.—Đọc 2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:6-10.
14, 15. (a) Để giữ cho hy vọng tươi sáng, chúng ta cần ghi nhớ điều gì? (b) Phi-e-rơ đưa ra lời khuyên nào?
14 Để giữ cho hy vọng tươi sáng, chúng ta phải luôn ghi nhớ rằng “ngày Đức Giê-hô-va” sắp đến. Vào ngày đó, “trời”, tức các chính phủ của con người, và “đất”, tức xã hội loài người gian ác cùng “các thành phần” của nó, sẽ bị hủy diệt. Phi-e-rơ viết: “Anh em hãy xem xét mình phải thuộc loại người nào... trong khi chờ đợi và ghi nhớ sự hiện diện của ngày Đức Giê-hô-va. Vào ngày ấy, trời sẽ bị hủy diệt trong lửa, các thành phần sẽ tan chảy bởi sức nóng cực độ”.—2 Phi 3:10-12.
15 “Trời” và “đất” hiện có sẽ được thay thế bằng “trời mới [chính phủ của Đấng Ki-tô] và đất mới [xã hội mới trên đất]” (2 Phi 3:13). Sau khi nói về điều đó, Phi-e-rơ đưa ra lời khuyên thẳng thắn liên quan đến việc chúng ta “chờ đợi” hoặc giữ cho niềm hy vọng về thế giới mới luôn tươi sáng: “Vậy, hỡi anh em yêu dấu, vì anh em đang chờ đợi những điều ấy nên hãy gắng hết sức để cuối cùng được ngài xét thấy là không tì, không vết và có sự hòa thuận”.—2 Phi 3:14.
SỐNG PHÙ HỢP VỚI HY VỌNG
16, 17. (a) Chúng ta nên “có cách ăn ở thánh khiết” và “thể hiện lòng sùng kính” như thế nào? (b) Hy vọng của chúng ta sẽ thành hiện thực ra sao?
16 Bên cạnh việc giữ cho hy vọng tươi sáng, chúng ta phải sống phù hợp với hy vọng. Chúng ta cần “xem xét mình phải thuộc loại người nào”. “Có cách ăn ở thánh khiết” bao hàm việc “giữ gìn cách ăn ở tốt giữa các dân thế gian” qua lối sống đạo đức (2 Phi 3:11; 1 Phi 2:12). Phải có ‘tình yêu thương giữa chúng ta’. Điều này bao hàm việc cố gắng hết sức để giữ sự hợp nhất với các anh chị trong hội thánh địa phương, nhờ thế góp phần vào sự hợp nhất của đoàn thể anh em quốc tế (Giăng 13:35). “Thể hiện lòng sùng kính” có nghĩa là chúng ta làm những việc giúp củng cố mối quan hệ của mình với Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, chúng ta cần cầu nguyện chân thành, đọc Kinh Thánh hằng ngày, học Kinh Thánh cá nhân một cách kỹ lưỡng, duy trì Buổi thờ phượng của gia đình và tích cực tham gia công việc rao giảng ‘tin mừng về Nước Đức Chúa Trời’.—Mat 24:14.
17 Mỗi người chúng ta muốn là loại người mà Đức Giê-hô-va chấp nhận và giải cứu khi thế giới gian ác này bị “tan biến”. Lúc đó, hy vọng của chúng ta sẽ thành hiện thực, là “hy vọng về sự sống vĩnh cửu mà Đức Chúa Trời, là đấng không thể nói dối, đã hứa từ rất lâu”.—Tít 1:2.
[Hình nơi trang 22]
Các tín đồ được xức dầu “được sinh lại để nhận niềm hy vọng chắc chắn”
[Hình nơi trang 24]
Hãy giúp gia đình giữ cho hy vọng tươi sáng