Ta phải làm gì để được cứu?
CÓ lần nọ một ông đến hỏi Giê-su: “Lạy Chúa, có phải chỉ ít kẻ được cứu chăng”? Giê-su trả lời ra sao? Phải chăng ngài nói: ‘Cứ chấp nhận ta là Chúa và Đấng Cứu thế thì ngươi sẽ được cứu’? Không! Giê-su nói: “Hãy gắng sức vào cửa hẹp, vì, ta nói cùng các ngươi, nhiều người sẽ tìm cách vào mà không vào được” (Lu-ca 13:23, 24).
Có phải Giê-su bỏ lửng không trả lời câu hỏi của người đó? Không, người đó không hỏi rằng sự cứu rỗi khó đạt đến như thế nào; người đó hỏi xem số người được cứu sẽ ít chăng. Vậy Giê-su chỉ cho biết là số người gắng sức để nhận ơn phước tuyệt vời này sẽ ít hơn người ta tưởng.
Một số độc giả có thể phản đối: ‘Nhưng đó không phải là điều tôi được biết. Những người này có thể trích Giăng 3:16 như sau: “Vì Đức Chúa Trời yêu-thương thế-gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời đời”. Tuy nhiên, chúng ta trả lời rằng: ‘Vậy thì, chúng ta phải tin gì? Rằng Giê-su đã từng sống? Đương nhiên. Rằng ngài là Con của Đức Chúa Trời? Chắc chắn! Và vì Kinh-thánh gọi Giê-su là “Thầy” và “Chúa”, không lẽ chúng ta lại không tin những gì ngài dạy, vâng lời ngài, và đi theo ngài sao?’ (Giăng 13:13; Ma-thi-ơ 16:16).
Đi theo Giê-su
À, đây là chỗ có khó khăn! Nhiều người được bảo là mình đã được “cứu” dường như không hề có ý định đi theo hoặc vâng lời Giê-su. Thật vậy, một mục sư Tin Lành viết: “Dĩ nhiên, chúng ta nên tiếp tục có đức tin nơi đấng Christ. Nhưng lời khẳng định cho rằng chúng ta tuyệt đối, hoặc nhất thiết phải tiếp tục có đức tin thì hoàn toàn không được Kinh-thánh ủng hộ”.
Trái lại, Kinh-thánh liệt kê những thực hành vô luân thông thường trong vòng một số người nghĩ mình được “cứu”. Nói về những người tiếp tục sống như vậy, Kinh-thánh chỉ dạy tín đồ đấng Christ: “Hãy trừ-bỏ kẻ gian-ác khỏi anh em”. Chắc chắn Đức Chúa Trời không muốn những kẻ gian dối làm ô uế hội thánh tín đồ đấng Christ của ngài! (I Cô-rinh-tô 5:11-13).
Vậy, đi theo Giê-su có nghĩa gì, và chúng ta có thể làm điều đó như thế nào? Hãy nghĩ xem Giê-su đã làm gì? Ngài có phải là kẻ vô luân không? kẻ phạm tội tà dâm? kẻ say sưa? kẻ nói dối? Ngài có gian lận trong việc giao thương không? Tất nhiên là không! ‘Nhưng’, bạn có thể hỏi, ‘tôi có cần phải loại bỏ hết những điều đó khỏi đời sống tôi không?’ Để trả lời câu hỏi này, hãy xem đoạn Ê-phê-sô 4:17 đến 5:5. Đoạn này không nói rằng bất kể chúng ta làm gì cũng sẽ được Đức Chúa Trời chấp nhận. Đúng hơn, đoạn này bảo chúng ta phải khác hẳn các nước thế gian là những kẻ đã “mất cả sự cảm-biết... nhưng anh em học cho biết Đấng Christ thì chẳng phải như vậy... anh em phải bỏ cách ăn nết ở ngày trước, thoát lốt người cũ... Kẻ vốn hay trộm-cắp chớ trộm-cắp nữa... Phàm những sự gian-dâm, hoặc sự ô-uế, hoặc sự tham-lam, cũng chớ nên nói đến giữa anh em, theo như cách xứng-đáng cho các thánh-đồ... Vì anh em phải biết rõ rằng kẻ gian-dâm, ô-uế, tham-lam, tức là kẻ thờ hình-tượng, không một kẻ nào được dự phần kế-nghiệp của nước Đấng Christ và Đức Chúa Trời”.
Chúng ta có đang đi theo Giê-su nếu chúng ta ít nhất không cố gắng sống phù hợp với gương ngài chăng? Phải chăng chúng ta phải cố gắng sống giống như đấng Christ hay sao? Câu hỏi tối quan trọng đó rất hiếm khi hoặc không bao giờ được nhiều người chú ý đến, là những người đồng thanh với lời trong tờ huấn thị của một tôn giáo nọ: “Hãy đến với đấng Christ ngay bây giờ, không phải thay đổi gì cả”.
Một môn đồ của Giê-su lưu ý chúng ta rằng những kẻ vô đạo đã “biến ân sủng của Thiên Chúa chúng ta thành lý do biện minh cho lối sống dâm ô, họ chối bỏ Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô, vị Chúa Tể duy nhất” (Giu-đa 4, bản dịch Tòa Tổng Giám Mục). Trên thực tế, làm sao chúng ta có thể biến lòng thương xót của Đức Chúa Trời “thành lý do biện minh cho lối sống dâm ô”? Chúng ta có thể làm thế nếu chúng ta cho là sự hy sinh của đấng Christ che đậy những tội có chủ tâm mà chúng ta định tiếp tục vi phạm thay vì các tội do sự bất toàn mà chúng ta đang cố gắng từ bỏ. Chắc chắn chúng ta sẽ không đồng ý với một nhà truyền giáo nổi tiếng ở Hoa Kỳ, ông nói rằng chúng ta không phải “thay đổi, bỏ thói xấu, hay cải tâm”. (Đối chiếu Công-vụ các Sứ-đồ 17:30; Rô-ma 3:25; Gia-cơ 5:19, 20).
Đức tin thúc đẩy chúng ta hành động
Nhiều người được dạy là “tin Giê-su” là một hành động dứt khoát và đức tin không cần phải đủ mạnh để thúc đẩy chúng ta vâng lời. Nhưng Kinh-thánh không đồng ý về điểm này. Giê-su không hề nói rằng những ai bắt đầu sống theo đạo đấng Christ thì được cứu. Thay vì vậy, ngài nói: “Ai bền lòng cho đến cuối-cùng, thì sẽ được rỗi” (Ma-thi-ơ 10:22). Kinh-thánh ví cuộc sống theo đạo đấng Christ như một cuộc đua mà ai chạy xong được thưởng sự cứu rỗi. Và Kinh-thánh khuyến giục: “Anh em hãy chạy cách nào cho được thưởng” (I Cô-rinh-tô 9:24).
Do đó, “chấp nhận đấng Christ” bao hàm rất nhiều hơn là chỉ nhận lãnh ơn phước của sự hy sinh tuyệt hảo của Giê-su. Điều này đòi hỏi sự vâng lời. Sứ đồ Phi-e-rơ nói rằng sự phán xét khởi sự “từ nhà Đức Chúa Trời,” và ông nói thêm: “Vả, nếu khởi từ chúng ta, thì sự cuối-cùng của những kẻ chẳng vâng theo Tin-lành Đức Chúa Trời sẽ ra thế nào?” (I Phi-e-rơ 4:17). Do đó, chúng ta phải làm nhiều hơn là chỉ nghe và tin. Kinh-thánh nói rằng chúng ta phải “làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa-dối mình” (Gia-cơ 1:22).
Thông điệp của riêng Giê-su
Sách Khải-huyền trong Kinh-thánh có ghi các thông điệp của Giê-su, được truyền lại qua Giăng cho bảy hội thánh tín đồ đấng Christ thời ban đầu (Khải-huyền 1:1, 4). Có phải Giê-su nói rằng vì những người trong các hội thánh này đã “chấp nhận ngài” rồi thế là đủ không? Không. Ngài khen ngợi công việc, lòng khó nhọc và sự nhịn nhục của họ, và ngài cũng nói đến lòng thương yêu, đức tin và thánh chức rao giảng của họ. Nhưng ngài còn nói rằng Ma-quỉ sẽ thử thách họ và họ sẽ được ban thưởng “tùy công-việc của mỗi người” (Khải-huyền 2:2, 10, 19, 23).
Vậy, Giê-su miêu tả một bổn phận sâu rộng hơn là phần đông người ta tưởng khi họ được dạy rằng sự cứu rỗi của họ là một “hành động dứt khoát” ngay khi họ “chấp nhận” ngài tại một buổi họp tôn giáo. Giê-su nói: “Nếu ai muốn theo ta, thì phải liều mình, vác thập-tự-giá mình mà theo ta. Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ ta mà mất sự sống thì sẽ được lại” (Ma-thi-ơ 16:24, 25).
Chúng ta phải liều mình ư? Luôn luôn đi theo Giê-su sao? Điều này đòi hỏi phải có sự cố gắng. Chúng ta phải thay đổi lối sống. Tuy nhiên, có phải Giê-su thật sự nói rằng một số trong chúng ta sẽ còn phải ‘mất sự sống’ tức là phải chết vì ngài không? Vâng, chỉ khi nào bạn có sự hiểu biết về những điều tuyệt diệu mà bạn có thể học được qua việc học hỏi Lời Đức Chúa Trời thì bạn mới có được loại đức tin đó. Loại đức tin đó được thể hiện rõ ràng vào ngày Ê-tiên bị những kẻ cuồng tín về tôn giáo ném đá, là những kẻ “không chống lại nổi với trí-khôn người cùng với Đức Thánh-Linh, là Đấng người nhờ mà nói” (Công-vụ các Sứ-đồ 6:8-12; 7:57-60). Và thời nay hàng trăm Nhân-chứng Giê-hô-va, thà chết trong các trại tập trung Quốc xã hơn là làm trái với lương tâm được rèn luyện bởi Kinh-thánh, cũng đã bày tỏ cùng loại đức tin này.a
Sự hăng hái của tín đồ đấng Christ
Chúng ta phải nắm chặt lấy đức tin theo đạo đấng Christ, vì không giống như điều mà bạn có lẽ nghe qua tại một vài nhà thờ hay những chương trình tôn giáo trong truyền hình, Kinh-thánh nói chúng ta có thể sa ngã. Kinh-thánh nói về những tín đồ đấng Christ đã bỏ “đường thẳng” (II Phi-e-rơ 2:1, 15). Vậy chúng ta phải “lấy lòng sợ-sệt run-rẩy làm nên sự cứu-chuộc mình” (Phi-líp 2:12; II Phi-e-rơ 2:20).
Các tín đồ đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất là những người đích thân nghe Giê-su và các sứ đồ giảng dạy, có hiểu vấn đề theo cùng cách này không? Có. Họ biết là họ phải làm một điều gì đó. Giê-su nói: “Vậy, hãy đi dạy-dỗ muôn-dân,... dạy họ giữ hết cả mọi đều mà ta đã truyền cho các ngươi” (Ma-thi-ơ 28:19, 20).
Hai tháng sau khi Giê-su nói điều đó, 3.000 người đã làm báp têm chỉ trong một ngày. Số người tin đạo gia tăng nhanh chóng lên đến 5.000 người. Những ai tin đạo đi dạy người khác. Khi sự bắt bớ khiến họ phải sống tản mác thì điều này đã giúp họ truyền bá thông điệp càng rộng rãi hơn nữa. Kinh-thánh nói rằng không chỉ có một vài lãnh tụ mà cả “những kẻ đã bị tan-lạc đi từ nơi nầy đến nơi khác, truyền giảng đạo Tin-lành”. Vì thế, khoảng 30 năm sau, sứ đồ Phao-lô có thể viết rằng tin mừng đã được “giảng ra giữa mọi vật dựng nên ở dưới trời” (Công-vụ các Sứ-đồ 2:41; 4:4; 8:4; Cô-lô-se 1:23).
Phao-lô không kết nạp môn đồ bằng cách nói như một số người giảng đạo trên đài truyền hình: ‘Hãy nhận Giê-su ngay bây giờ, và bạn sẽ được cứu đời đời’. Ông cũng không quả quyết như một tu sĩ người Hoa Kỳ viết: “Lúc còn là thiếu niên,... tôi đã được cứu rồi”. Hơn 20 năm sau khi Giê-su đích thân chọn Phao-lô đem thông điệp của đạo đấng Christ đến người ngoại, sứ đồ siêng năng này viết: “Tôi đãi thân-thể tôi cách nghiêm-khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng-dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng” (I Cô-rinh-tô 9:27; Công-vụ các Sứ-đồ 9:5, 6, 15).
Sự cứu rỗi là ân điển từ Đức Chúa Trời. Chúng ta không thể nào tự mình đạt đến sự cứu rỗi. Tuy nhiên, muốn được cứu rỗi thì chúng ta phải có cố gắng. Nếu một người nào tặng cho bạn một món quà quí giá mà bạn không biết ơn đến nỗi không thèm nhặt món quà ấy mang đi, thì sự vô ơn này có thể khiến người đó lấy lại món quà đem tặng cho người khác. Vậy, huyết của Giê-su đáng giá bao nhiêu? Đó là món quà cho không, nhưng chúng ta phải bày tỏ lòng biết ơn sâu xa khi nhận được món quà đó.
Tín đồ thật của đấng Christ ở trong tình trạng được cứu vì họ được Đức Chúa Trời chấp nhận. Với tính cách là một nhóm, họ chắc chắn được cứu rỗi. Từng cá nhân một, họ phải hội đủ những gì Đức Chúa Trời đòi hỏi. Tuy nhiên, chúng ta có thể tỏ mình thiếu điều kiện, vì Giê-su nói: “Nếu ai chẳng cứ ở trong ta thì phải ném ra ngoài, cũng như nhánh nho; nhánh khô đi” (Giăng 15:6).
‘Lời của Đức Chúa Trời là lời sống’
Câu chuyện được nêu ra ở phần đầu của bài trước đã xảy ra cách đây gần 60 năm. Johnny vẫn tin rằng sự cứu rỗi chỉ có được qua Giê-su Christ, nhưng anh ý thức rằng chúng ta phải với tới sự cứu rỗi đó. Anh vẫn tin chắc rằng Kinh-thánh chỉ về niềm hy vọng thật sự và duy nhất cho nhân loại và rằng chúng ta phải học hỏi về cuốn sách tuyệt vời này, để sách ấy cảm hóa và thúc đẩy chúng ta có hành động yêu thương, tin kính, nhân từ, vâng lời và chịu đựng. Anh đã dạy cho các con cũng tin những điều này, và giờ đây anh vui thích thấy chúng dạy dỗ con cái chúng cùng một cách. Anh mong rằng mọi người đều có loại đức tin đó, và anh làm hết khả năng để tạo đức tin này trong lòng và trí của người khác.
Sứ đồ Phao-lô được soi dẫn để viết rằng “lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh-nghiệm” (Hê-bơ-rơ 4:12). Lời này có thể biến đổi đời sống, thúc đẩy bạn chân thành hành động một cách yêu thương, tin kính và vâng phục. Nhưng bạn phải làm nhiều hơn là chỉ “chấp nhận” thầm trong lòng những gì Kinh-thánh nói. Hãy học hỏi Kinh-thánh và để Kinh-thánh cảm hóa lòng bạn. Hãy để sự khôn ngoan của Kinh-thánh hướng dẫn bạn. Có khoảng 5.000.000 Nhân-chứng Giê-hô-va trong hơn 230 xứ sẵn sàng mời bạn học hỏi Kinh-thánh miễn phí tại nhà. Muốn biết bạn có thể thâu thập được gì khi học như vậy, mời bạn viết về nhà xuất bản của tạp chí này. Đức tin và sức mạnh về thiêng liêng mà bạn nhận được sẽ làm bạn vui sướng biết bao!
[Chú thích]
a Trong cuốn sách The Nazi State and the New Religions: Five Case Studies in Non-Conformity, Tiến sĩ Christine E. King tường thuật: “Cứ hai Nhân-chứng [Giê-hô-va] người Đức thì có một người bị tống giam, cứ bốn người thì có một người bị chết”.
[Khung nơi trang 7]
TẠI SAO “VÌ ĐẠO MÀ TRANH-CHIẾN”?
Sách Giu-đe trong Kinh-thánh được viết cho “những kẻ đã được kêu-gọi..., được Đức Chúa Jêsus-Christ giữ-gìn”. Có phải sách Giu-đe nói rằng sự cứu rỗi của họ là chắc chắn vì họ đã ‘chấp nhận Giê-su’ không? Không, Giu-đe bảo những tín đồ đấng Christ ấy phải “vì đạo mà tranh-chiến”. Ông cho họ ba lý do để làm vậy. Thứ nhất, Đức Chúa Trời “giải-cứu dân mình ra khỏi xứ Ê-díp-tô”, nhưng sau đó nhiều người trong họ đã sa ngã. Thứ hai, ngay cả các thiên sứ cũng nổi loạn và trở thành quỉ. Thứ ba, Đức Chúa Trời đã tiêu diệt thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ vì hành vi tình dục vô luân và thô bỉ trong những thành này. Giu-đe trình bày những câu chuyện trong Kinh-thánh này hầu “làm gương để trước mặt chúng ta”. Vâng, ngay cả những người tin đạo “được Đức Chúa Jêsus-Christ giữ-gìn” cũng phải thận trọng để không bị sa ngã lìa khỏi đức tin thật (Giu-đe 1-7).
[Khung nơi trang 8]
Cái nào đúng?
Kinh-thánh nói: “Người ta được xưng công-bình bởi đức-tin, chớ không bởi việc làm theo luật-pháp”. Kinh-thánh cũng nói: “người ta cậy việc làm được xưng công-bình, chớ chẳng những là cậy đức-tin mà thôi”. Cái nào đúng? Chúng ta được xưng công bình bởi đức tin hay bởi việc làm? (Rô-ma 3:28; Gia-cơ 2:24).
Kinh-thánh nhất quán trả lời rằng cả hai đều đúng.
Trong hàng bao thế kỷ Luật pháp mà Đức Chúa Trời ban ra qua Môi-se đòi hỏi những người Do Thái thờ phượng ngài phải dâng những của lễ hy sinh rõ ràng, phải giữ các ngày lễ, và phải tuân theo các lề lối về ăn uống cũng như các đòi hỏi khác. Những “việc làm của luật-pháp” như thế, hay nói đơn giản “việc làm”, không cần thiết nữa sau khi Giê-su dâng của lễ hy sinh hoàn hảo (Rô-ma 10:4).
Nhưng sự kiện các việc làm theo luật pháp Môi-se được thay thế bởi sự hy sinh tuyệt hảo của Giê-su không có nghĩa là chúng ta có thể bỏ qua những sự dạy dỗ của Kinh-thánh. Kinh-thánh nói: “huống chi huyết của Đấng Christ... sẽ làm sạch lương-tâm anh em khỏi công-việc chết [trước kia], đặng hầu việc Đức Chúa Trời hằng sống, là dường nào!” (Hê-bơ-rơ 9:14).
Làm thế nào chúng ta “hầu việc Đức Chúa Trời hằng sống”? Trong số những điều khác, Kinh-thánh nói là chúng ta phải phấn đấu chống lại việc làm của xác thịt, phải kháng cự lại việc làm đồi trụy của thế gian, và tránh cạm bẫy của nó. Kinh-thánh nói: “Vì đức-tin mà đánh trận tốt-lành”, quăng hết “tội-lỗi dễ vấn-vương ta”, và “theo-đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta, nhìn xem Đức Chúa Jêsus, là cội-rễ và cuối-cùng của đức-tin”. Và Kinh-thánh khuyên chúng ta đừng để “bị mỏi-mệt sờn lòng” (I Ti-mô-thê 6:12; Hê-bơ-rơ 12:1-3; Ga-la-ti 5:19-21).
Chúng ta không tự đạt sự cứu rỗi bằng cách làm những điều này, vì không bao giờ người nào có thể làm đủ để xứng đáng nhận được những ơn phước to lớn đó. Tuy nhiên, chúng ta không xứng đáng được món quà tuyệt diệu đó nếu chúng ta không bày tỏ lòng yêu thương và sự vâng phục bằng cách làm theo những gì Kinh-thánh nói Đức Chúa Trời và đấng Christ muốn chúng ta làm. Nếu cho rằng chúng ta đi theo Giê-su mà chúng ta không có việc làm để chứng tỏ đức tin thì thật là sai lầm, vì Kinh-thánh nói rõ ràng: “Đức-tin không sanh ra việc làm, thì tự mình nó chết” (Gia-cơ 2:17).
[Hình nơi trang 7]
Hãy học hỏi Kinh-thánh và để Kinh-thánh cảm hóa bạn