Hãy coi chừng các giáo sư giả!
“Cũng sẽ có giáo-sư giả trong anh em” (II PHI-E-RƠ 2:1).
1. Giu-đe định viết về điều gì, và tại sao ông đổi đề tài?
THẬT là một chuyện kinh ngạc! Có các giáo sư giả trong hội thánh đạo đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất! (Ma-thi-ơ 7:15; Công-vụ các Sứ-đồ 20:29, 30). Giu-đe, em cùng mẹ khác cha với Chúa Giê-su, biết rõ mầm mống này. Ông nói rằng ông định viết cho anh em cùng đạo “về sự cứu-rỗi chung của chúng ta”, nhưng ông giải thích: “Tôi tưởng phải làm đều đó, để khuyên anh em vì đạo mà tranh-chiến”. Tại sao Giu-đe lại đổi đề tài? Bởi vì, ông nói: “Có mấy kẻ kia lẻn vào trong [hội thánh],... đổi ơn Đức Chúa Trời chúng ta ra việc tà-ác” (Giu-đe 3, 4).
2. Tại sao II Phi-e-rơ đoạn 2 và lá thư của Giu-đe rất giống nhau?
2 Dường như Giu-đe viết ít lâu sau khi Phi-e-rơ viết lá thư thứ hai. Chắc chắn Giu-đe biết rõ lá thư này, và ông nói lên nhiều ý tưởng tương tự trong lá thư khuyên giục mạnh mẽ của ông. Do đó, khi xem xét II Phi-e-rơ đoạn 2, chúng ta sẽ thấy nội dung tương tự với lá thư của Giu-đe như thế nào.
Hậu quả của sự dạy dỗ sai lầm
3. Điều gì xảy ra trong quá khứ mà Phi-e-rơ nói là sẽ xảy ra lần nữa?
3 Sau khi khuyên giục các anh em chú tâm đến lời tiên tri, Phi-e-rơ nói: “Dầu vậy, trong [Y-sơ-ra-ên xưa] cũng đã có tiên-tri giả, và cũng sẽ có giáo-sư giả trong anh em” (II Phi-e-rơ 1:14 đến 2:1). Dân Đức Chúa Trời thời xưa nhận được lời tiên tri thật, nhưng họ cũng phải đối phó với những sự dạy dỗ đồi bại của các tiên tri giả (Giê-rê-mi 6:13, 14; 28:1-3, 15). Giê-rê-mi viết: “Nơi bọn tiên-tri ở Giê-ru-sa-lem, ta đã thấy sự đáng gớm-ghiếc: chúng nó phạm tội tà-dâm, bước theo sự giả-dối” (Giê-rê-mi 23:14).
4. Tại sao các giáo sư giả đáng bị hủy diệt?
4 Phi-e-rơ miêu tả những điều các giáo sư giả sẽ làm trong hội thánh tín đồ đấng Christ như sau: “Họ sẽ truyền những đạo dối làm hại, chối Chúa [Giê-su Christ] đã chuộc mình, tự mình chuốc lấy sự hủy-phá thình-lình” (II Phi-e-rơ 2:1; Giu-đe 4). Chủ nghĩa bè phái trong thế kỷ thứ nhất cuối cùng đã đưa đến các đạo tự xưng theo đấng Christ như chúng ta thấy ngày nay. Phi-e-rơ cho thấy tại sao các giáo sư giả hoàn toàn đáng bị hủy diệt: “Có nhiều kẻ sẽ theo họ trong những sự buông-tuồng, và đạo thật vì cớ họ sẽ bị gièm-pha” (II Phi-e-rơ 2:2).
5. Các giáo sư giả phải chịu trách nhiệm về điều gì?
5 Hãy thử nghĩ! Vì ảnh hưởng của các giáo sư giả, nên nhiều người trong hội thánh có hạnh kiểm buông tuồng. Chữ Hy Lạp dịch ra “sự buông-tuồng” có nghĩa là phóng túng, thiếu sự kiềm chế, khiếm nhã, phóng đãng và hành vi trơ tráo. Trước đó Phi-e-rơ nói rằng tín đồ đấng Christ đã “được lánh khỏi sự hư-nát của thế-gian bởi tư-dục” (II Phi-e-rơ 1:4). Nhưng một số người trở lại lối sống hư đốn đó, và các giáo sư giả trong hội thánh phần lớn phải chịu trách nhiệm về điều đó! Vì vậy, đường lối lẽ thật bị tai tiếng. Thật buồn thay! Chắc chắn, ngày nay tất cả Nhân-chứng Giê-hô-va nên chú tâm đến điều này. Chúng ta chớ bao giờ nên quên rằng, tùy theo hạnh kiểm của mình, chúng ta có thể làm người khác ngợi khen hay chê trách Giê-hô-va Đức Chúa Trời và dân ngài (Châm-ngôn 27:11; Rô-ma 2:24).
Đưa ra những sự dạy dỗ sai lầm
6. Điều gì thúc đẩy các giáo sư giả, và họ tìm cách đạt được những gì họ muốn như thế nào?
6 Điều khôn ngoan là chúng ta hãy chú ý đến cách các giáo sư giả đưa ra lối suy nghĩ đồi bại của họ. Phi-e-rơ nói rằng trước hết họ làm một cách lặng lẽ, kín đáo hoặc khôn khéo. Ông nói thêm: “Họ sẽ bởi lòng tham mình, lấy lời dối-trá khoét anh em”. Động cơ ích kỷ đã thúc đẩy các giáo sư giả, như bản dịch Tòa Tổng Giám Mục nhấn mạnh: “Vì tham lam, họ dùng lời lẽ gạt gẫm anh em để trục lợi”. Tương tự như thế, bản dịch Nguyễn thế Thuấn nói: “Bởi lòng tham, chúng dùng lời lẽ khéo bịa để làm tiền trên lưng anh em” (II Phi-e-rơ 2:1, 3). Lời lẽ của các giáo sư giả nghe có vẻ hợp lý đối với những người không cảnh giác về thiêng liêng, nhưng những kẻ lường gạt khéo dùng lời lẽ để “trục lợi”, quyến dụ người ta phục vụ mục đích ích kỷ của họ.
7. Triết lý nào trở nên phổ biến trong thế kỷ thứ nhất?
7 Chắc chắn, lối suy nghĩ của thế gian lúc bấy giờ đã ảnh hưởng các giáo sư giả trong thế kỷ thứ nhất. Đến lúc Phi-e-rơ viết lá thư, một triết lý gọi là thuyết ngộ đạo (Gnosticism) đang phổ biến. Những người theo thuyết này tin rằng mọi vật đều xấu và chỉ những gì thuộc về thần linh thì mới tốt. Vì vậy, một số người nói rằng mình dùng thể xác ra sao thì không thành vấn đề. Họ biện luận rằng cuối cùng ta không còn thể xác này nữa. Do đó, họ kết luận rằng phạm tội về thể xác—kể cả tình dục—là điều không quan trọng. Dường như quan điểm ấy bắt đầu ảnh hưởng một số người tự xưng theo đấng Christ.
8, 9. a) Lối suy luận lệch lạc nào ảnh hưởng một số tín đồ đấng Christ thời ban đầu? b) Theo Giu-đe, một số người trong hội thánh đang làm điều gì?
8 Một học giả Kinh-thánh nhận xét rằng “có những người trong Giáo hội xuyên tạc giáo lý về ơn Chúa”, hoặc “ân-điển” (Ê-phê-sô 1:5-7). Theo lời ông, một số người biện luận như thế này: “Có phải bạn nói rằng [ân điển] của Đức Chúa Trời bao la đến đỗi xóa bỏ mọi tội lỗi không?... Vậy thì chúng ta hãy tiếp tục phạm tội, vì [ân điển] của Đức Chúa Trời có thể xóa đi mọi tội lỗi. Thật ra chúng ta càng phạm tội thì [ân điển] của Đức Chúa Trời càng có cơ hội hoạt động”. Bạn có bao giờ nghe thấy lối suy luận lệch lạc hơn thế không?
9 Sứ đồ Phao-lô chống lại lối suy nghĩ sai lầm về lòng khoan dung của Đức Chúa Trời khi ông hỏi: “Chúng ta phải cứ ở trong tội-lỗi, hầu cho ân-điển được dư-dật chăng?” Ông cũng hỏi: “Vì chúng ta không thuộc dưới luật-pháp, nhưng thuộc dưới ân-điển, thì chúng ta sẽ phạm tội hay sao?” Phao-lô trả lời một cách dứt khoát cho mỗi câu hỏi: “Chẳng hề như vậy!” (Rô-ma 6:1, 2, 15). Như Giu-đe nhận xét, rõ ràng là một số người “đổi ơn Đức Chúa Trời chúng ta ra việc tà-ác”. Tuy nhiên, Phi-e-rơ nói rằng đối với những người như thế thì “sự hư-mất của họ chẳng ngủ” (Giu-đe 4; II Phi-e-rơ 2:3).
Những gương cảnh cáo
10, 11. Phi-e-rơ đưa ra ba gương cảnh cáo nào?
10 Để nhấn mạnh rằng Đức Chúa Trời sẽ hành động chống lại những kẻ cố tình phạm tội, Phi-e-rơ đưa ra ba gương cảnh cáo trong Kinh-thánh. Trước tiên, ông viết: “Đức Chúa Trời chẳng tiếc các thiên-sứ đã phạm tội”. Giu-đe nói rằng các thiên sứ này “không giữ thứ bậc và bỏ chỗ riêng mình” trên trời. Họ xuống đất trước trận Nước Lụt và lấy hình người để ăn ở với con gái loài người. Để trừng phạt hành động không đúng đắn và trái tự nhiên của họ, Đức Chúa Trời quăng họ vào “vực sâu”, hoặc như lời tường thuật của Giu-đe nói, Đức Chúa Trời “đã dùng dây xích họ trong nơi tối-tăm đời đời, cầm-giữ lại để chờ sự phán-xét ngày lớn” (II Phi-e-rơ 2:4; Giu-đe 6; Sáng-thế Ký 6:1-3).
11 Kế đến, Phi-e-rơ nói về những người trong thời Nô-ê (Sáng-thế Ký 7:17-24). Ông nói rằng trong thời Nô-ê, Đức Chúa Trời “chẳng tiếc thế-gian xưa, trong khi sai nước lụt phạt đời gian-ác nầy”. Cuối cùng, Phi-e-rơ viết rằng Đức Chúa Trời “đoán-phạt thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ, hủy-phá đi khiến hóa ra tro, để làm gương cho người gian-ác về sau”. Giu-đe nói thêm là những kẻ này “phạm tội tham ô... cùng buông theo các thói hư trái tính” (II Phi-e-rơ 2:5, 6; Giu-đe 7, Trịnh Văn Căn). Những người đàn ông không những giao hợp bất chính với đàn bà mà họ còn thèm muốn ăn nằm với những người đàn ông khác, có thể ngay cả với thú vật (Sáng-thế Ký 19:4, 5; Lê-vi Ký 18:22-25).
12. Theo Phi-e-rơ, người có hạnh kiểm ngay thẳng được thưởng như thế nào?
12 Nhưng đồng thời, Phi-e-rơ lưu ý rằng Đức Giê-hô-va thưởng cho những người trung thành phụng sự ngài. Thí dụ, ông kể lại rằng khi Đức Chúa Trời mang đến trận Nước Lụt, ngài “chỉ gìn-giữ Nô-ê là thầy giảng đạo công-bình, với bảy người khác mà thôi”. Ông cũng kể lại việc Đức Giê-hô-va giải cứu “người công-bình là Lót” vào thời Sô-đôm, ông kết luận: “Chúa biết cứu-chữa những người tin-kính khỏi cơn cám-dỗ, và hành-phạt kẻ không công-bình, cầm chúng nó lại để chờ ngày phán-xét” (II Phi-e-rơ 2:5, 7-9).
Những hành động đáng bị trừng phạt
13. Ai đặc biệt đáng bị phán xét, và dường như họ buông mình theo những giấc mơ nào?
13 Phi-e-rơ nêu rõ những người đặc biệt đáng bị Đức Chúa Trời trừng phạt, ấy là: “Những kẻ theo lòng tư-dục ô-uế mình mà ham-mê sự sung-sướng xác-thịt, khinh-dể quyền-phép rất cao”. Chúng ta gần như có thể cảm thấy được sự phẫn nộ của Phi-e-rơ khi ông nói: “Bọn đó cả gan, tự-đắc, nói hỗn đến các bậc tôn-trọng mà không sợ”. Giu-đe viết rằng “chúng nó..., trong giấc mơ-màng làm ô-uế xác-thịt mình... và nói hỗn các đấng tôn-trọng” (II Phi-e-rơ 2:10; Giu-đe 8). Các giấc mơ của họ có thể bao hàm những điều mơ tưởng ô uế về tình dục, thúc đẩy họ theo đuổi sự thỏa mãn nhục dục vô luân. Nhưng họ “khinh-dể quyền-phép rất cao” và nói “hỗn các đấng tôn-trọng” theo nghĩa nào?
14. Các giáo sư giả “khinh-dể quyền-phép rất cao” và nói “hỗn các đấng tôn-trọng” theo nghĩa nào?
14 Họ làm thế qua việc khinh thường uy quyền do Đức Chúa Trời chỉ định. Các trưởng lão tín đồ đấng Christ đại diện Giê-hô-va Đức Chúa Trời vinh hiển và Con ngài, và vì thế họ được ban cho ít nhiều vinh hiển. Đành rằng họ lầm lỗi, cũng như chính Phi-e-rơ vậy, nhưng Kinh-thánh khuyên các thành viên trong hội thánh phải vâng phục những người vinh hiển ấy (Hê-bơ-rơ 13:17). Những khuyết điểm của họ không phải là lý do để chúng ta nói hỗn về họ. Phi-e-rơ nói rằng các thiên sứ “không hề lấy lời nguyền-rủa mà xử-đoán các [giáo sư giả] đó”, mặc dù làm thế là một điều rất thích đáng. Phi-e-rơ nói tiếp: “Nhưng chúng nó cũng như con vật không biết chi, sanh ra chỉ làm thú-vật để bị bắt mà làm thịt, hay chê-bai đều mình không biết, rồi chết đi như con vật” (II Phi-e-rơ 2:10-13).
“Đang khi ăn tiệc với anh em”
15. Các giáo sư giả dùng những thủ đoạn nào, và họ quyến dụ người ta ở đâu?
15 Mặc dù những kẻ đồi bại này “lấy sự chơi-bời giữa ban ngày làm sung-sướng” và “là người xấu-xa ô-uế”, nhưng họ cũng dối trá nữa. Như Phi-e-rơ nói trước đó, họ hành động “lén lút”, dùng “lời lẽ gạt gẫm” (II Phi-e-rơ 2:1, 3, 13, Tòa Tổng Giám Mục). Cho nên có thể họ không ra mặt thách đố những cố gắng của trưởng lão trong việc giữ gìn các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời về luân lý đạo đức hoặc công khai theo đuổi sự thỏa mãn nhục dục của họ. Thay vì vậy, Phi-e-rơ nói rằng họ “ưa-thích sự dối-trá mình đang khi ăn tiệc với anh em”. Và Giu-đe viết: “Những kẻ này là đá ngầm trong đám tiệc anh em” (Giu-đe 12, NW). Đúng vậy, giống như đá lởm chởm nằm dưới nước có thể đâm thủng tàu, khiến cho các thủy thủ không cảnh giác bị chết đuối, thì các giáo sư giả cũng làm hư hỏng những người không cảnh giác mà họ giả vờ yêu thương trong “đám tiệc”.
16. a) “Đám tiệc” là gì, và ngày nay những kẻ vô luân có thể lợi dụng những dịp tương tự nào? b) Các giáo sư giả nhắm vào ai, vì thế những người ấy phải làm gì?
16 Những “đám tiệc” này dường như là những dịp giải trí khi tín đồ đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất họp lại để ăn uống và chuyện trò vui chơi. Ngày nay, Nhân-chứng Giê-hô-va đôi khi cũng họp lại để giải trí, có lẽ tại những tiệc cưới, những cuộc đi ăn ngoài trời, hoặc một buổi tối họp mặt chung vui. Làm sao những kẻ đồi bại có thể dùng những dịp như thế để quyến dụ nạn nhân? Phi-e-rơ viết: “Cặp mắt chúng nó đầy sự gian-dâm, chúng nó... dỗ-dành những người không vững lòng”. Vì “lòng quen thói tham-dục” nên họ nhắm vào những người không vững về thiêng liêng, không tin chắc nơi lẽ thật. Vậy hãy cảnh giác về những gì đã xảy ra vào thời Phi-e-rơ, và hãy đề phòng! Hãy cưỡng lại những sự mời mọc không đúng đắn, và đừng để mình bị lường gạt bởi nét duyên dáng hoặc sự hấp dẫn của những người mời mọc chúng ta làm điều vô luân! (II Phi-e-rơ 2:14).
“Đường của Ba-la-am”
17. “Đường của Ba-la-am” là gì, và đường lối đó đã ảnh hưởng 24.000 người Y-sơ-ra-ên như thế nào?
17 Những kẻ “đáng rủa” đã biết lẽ thật một thời gian. Có thể họ có vẻ vẫn hoạt động tích cực trong hội thánh. Nhưng Phi-e-rơ nói: “Chúng nó đã bỏ đường thẳng mà đi sai-lạc theo đường của Ba-la-am, con trai Bô-sô, là kẻ tham tiền công của tội-ác” (II Phi-e-rơ 2:14, 15). Đường của tiên tri Ba-la-am là khuyên người ta theo đường lối hư nát vô luân để chính ông được lợi. Ông bảo Vua Ba-lác nước Mô-áp rằng Đức Chúa Trời sẽ trừng phạt dân Y-sơ-ra-ên nếu họ bị quyến dụ phạm tội tà dâm. Hậu quả là nhiều dân của Đức Chúa Trời bị đàn bà Mô-áp quyến rũ, và 24.000 người bị hủy diệt vì hành vi vô luân (Dân-số Ký 25:1-9; 31:15, 16; Khải-huyền 2:14).
18. Ba-la-am ngoan cố như thế nào, và kết cuộc báo trước điều gì về các giáo sư giả?
18 Phi-e-rơ nói là Ba-la-am bị cản trở khi con lừa nói chuyện với ông, nhưng Ba-la-am “tham tiền công của tội-ác” đến đỗi ngay cả khi việc đó xảy ra, ông cũng không bỏ đường lối “điên-cuồng” đó (II Phi-e-rơ 2:15, 16). Thật là gian ác làm sao! Đáng rủa thay những người nào giống Ba-la-am, tìm cách làm hư hỏng dân Đức Chúa Trời bằng cách cám dỗ họ phạm tội vô luân! Ba-la-am chết vì sự gian ác của ông, việc này cho thấy trước điều gì sẽ xảy ra cho tất cả những ai đi theo đường lối của ông (Dân-số Ký 31:8).
Những sự quyến dụ hiểm độc
19, 20. a) Những kẻ giống Ba-la-am được so sánh với gì, và tại sao? b) Họ muốn quyến rũ ai, và như thế nào? c) Tại sao chúng ta có thể nói là sự quyến dụ của họ là hiểm độc, và làm sao chúng ta có thể che chở chính mình và người khác khỏi ảnh hưởng của họ?
19 Phi-e-rơ miêu tả những người giống như Ba-la-am: “Ấy là những suối [hoặc giếng] không nước, những đám mây bị luồng gió mạnh đưa đi”. Đối với một người đi trên sa mạc đang khát nước, giếng khô có thể báo hiệu sự chết. Không ngạc nhiên gì khi “sự tối-tăm mờ-mịt đã để dành” cho những kẻ giống như lời Phi-e-rơ miêu tả! Ông nói tiếp: “Chúng nó dùng những lời văn-hoa hư-đản, đem những đều ham-muốn của xác-thịt và đều gian-dâm mà dỗ-dành những kẻ mới vừa tránh khỏi các người theo đường lầm-lạc”. Phi-e-rơ nói rằng họ quyến dụ những người thiếu kinh nghiệm bằng cách “hứa sự tự-do cho người, mà chính mình thì làm tôi-mọi sự hư-nát” (II Phi-e-rơ 2:17-19; Ga-la-ti 5:13).
20 Sự quyến dụ của những giáo sư đồi bại ấy thật là hiểm độc. Thí dụ, họ có thể nói: ‘Đức Chúa Trời biết chúng ta yếu đuối và có những đam mê. Vì thế, nếu chúng ta tự buông thả và thỏa mãn nhục dục, Đức Chúa Trời sẽ thương xót. Nếu chúng ta thú tội, ngài sẽ tha thứ cho chúng ta giống như lúc chúng ta mới vào lẽ thật’. Hãy nhớ rằng Ma-quỉ cũng đã dùng một cách tương tự để cám dỗ Ê-va, hứa với bà rằng bà có thể phạm tội mà không bị trừng phạt. Trong trường hợp của Ê-va, hắn nói rằng phạm tội nghịch lại Đức Chúa Trời thì bà sẽ được thông sáng và tự do (Sáng-thế Ký 3:4, 5). Nếu gặp một người đồi bại như thế kết hợp với hội thánh, chúng ta có bổn phận che chở chính mình và những người khác bằng cách khai báo với những người có trách nhiệm trong hội thánh tín đồ đấng Christ (Lê-vi Ký 5:1).
Được che chở nhờ sự hiểu biết chính xác
21-23. a) Hậu quả ra sao nếu không áp dụng sự hiểu biết chính xác? b) Phi-e-rơ bàn đến vấn đề nào khác nữa mà chúng ta sẽ xem xét kế tiếp?
21 Phi-e-rơ kết luận phần này của lá thư bằng cách miêu tả hậu quả của việc không áp dụng sự hiểu biết mà trước đó ông nói là cần thiết cho “sự sống và sự tin-kính” (II Phi-e-rơ 1:2, 3, 8). Ông viết: “Vả, chúng nó bởi sự nhận biết Chúa và Cứu-Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus-Christ, mà đã thoát khỏi sự ô-uế của thế-gian, rồi lại mắc phải và suy-phục những sự đó, thì số-phận sau-cùng của chúng nó trở xấu hơn lúc đầu” (II Phi-e-rơ 2:20). Thật đáng buồn làm sao! Trong thời Phi-e-rơ, những kẻ đó đã bỏ mất hy vọng quí báu được sống bất tử ở trên trời để đổi lấy một vài giây phút thỏa mãn nhục dục.
22 Vì thế, Phi-e-rơ nói: “Chúng nó đã biết đường công-bình, rồi lại lui đi về lời răn thánh đã truyền cho mình, thế thì thà rằng không biết là hơn. Đã xảy đến cho chúng nó như lời tục-ngữ rằng: Chó liếm lại đồ nó đã mửa, heo đã rửa sạch rồi, lại lăn-lóc trong vũng bùn” (II Phi-e-rơ 2:21, 22; Châm-ngôn 26:11).
23 Một vấn đề khác rõ ràng đã bắt đầu ảnh hưởng tín đồ đấng Christ thời ban đầu giống như vấn đề ảnh hưởng một số người ngày nay. Lúc đó, rõ ràng là một số người phàn nàn là sự hiện diện mà đấng Christ đã hứa dường như không đến. Chúng ta hãy xem Phi-e-rơ nói gì về vấn đề này.
Bạn có nhớ không?
◻ Phi-e-rơ nêu ra ba gương cảnh cáo nào?
◻ Các giáo sư giả “khinh-dể quyền-phép rất cao” như thế nào?
◻ Đường của Ba-la-am là gì, và những kẻ theo đường lối đó tìm cách quyến dụ người khác như thế nào?
◻ Hậu quả ra sao nếu không áp dụng sự hiểu biết chính xác?
[Hình nơi trang 16, 17]
Ba-la-am là gương cảnh cáo cho chúng ta