Đấng Christ lãnh đạo hội thánh ngài
“Nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận-thế”.—MA-THI-Ơ 28:20.
1, 2. (a) Khi ban lệnh đào tạo môn đồ, Chúa Giê-su phục sinh hứa gì với các môn đồ? (b) Chúa Giê-su tích cực lãnh đạo hội thánh tín đồ Đấng Christ thời ban đầu như thế nào?
TRƯỚC KHI lên trời, Chúa Giê-su Christ, Vị Thủ Lãnh phục sinh của chúng ta, hiện ra với các môn đồ và nói: “Hết cả quyền-phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta. Vậy, hãy đi dạy-dỗ muôn-dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh-Linh mà làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận-thế”.—Ma-thi-ơ 23:10, TTGM; 28:18-20.
2 Chúa Giê-su không những giao cho môn đồ công việc cứu người là đào tạo thêm môn đồ mà còn hứa sẽ luôn ở với họ. Lịch sử đạo Đấng Christ thời ban đầu, như được ghi lại nơi sách Công-vụ, minh chứng rằng Đấng Christ đã dùng quyền hành ngài được giao cho để lãnh đạo hội thánh vừa mới thành lập. Ngài đã sai “Đấng Yên-ủi”—tức thánh linh—như ngài đã hứa để củng cố môn đồ và hướng dẫn nỗ lực của họ. (Giăng 16:7; Công-vụ 2:4, 33; 13:2-4; 16:6-10) Chúa Giê-su phục sinh đã dùng các thiên sứ dưới quyền để hỗ trợ các môn đồ. (Công-vụ 5:19; 8:26; 10:3-8, 22; 12:7-11; 27:23, 24; 1 Phi-e-rơ 3:22) Hơn nữa, Vị Thủ Lãnh của chúng ta cũng cung cấp sự hướng dẫn cho hội thánh qua việc sắp đặt những người nam hội đủ điều kiện để phục vụ trong hội đồng lãnh đạo trung ương.—Công-vụ 1:20, 24-26; 6:1-6; 8:5, 14-17.
3. Những câu hỏi nào sẽ được thảo luận trong bài này?
3 Tuy nhiên, còn thời chúng ta, tức thời kỳ “tận-thế”, thì sao? Ngày nay Chúa Giê-su Christ lãnh đạo hội thánh tín đồ Đấng Christ như thế nào? Và làm sao chúng ta có thể cho thấy mình chấp nhận sự lãnh đạo này?
Người chủ có một đầy tớ trung thành
4. (a) Những ai hợp thành “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”? (b) Chủ đã giao cho đầy tớ coi sóc công việc gì?
4 Khi tiên tri về điềm hiện diện của ngài, Chúa Giê-su nói: “Ai là đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan, mà người chủ đặt cai-trị đầy-tớ mình, đặng cho đồ-ăn đúng giờ? Phước cho đầy-tớ đó, khi chủ đến thấy làm như vậy! Quả thật, ta nói cùng các ngươi, chủ sẽ đặt kẻ ấy coi-sóc cả gia-tài mình”. (Ma-thi-ơ 24:45-47) “Chủ” chính là Vị Thủ Lãnh của chúng ta, Chúa Giê-su Christ, và ngài đã bổ nhiệm “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”—tức tập thể tín đồ Đấng Christ được xức dầu—cai quản toàn thể công việc của ngài trên đất.
5, 6. (a) Trong sự hiện thấy sứ đồ Giăng nhận được, “bảy chân-đèn bằng vàng” và “bảy ngôi sao” tượng trưng cho gì? (b) Sự kiện “bảy ngôi sao” nằm trong tay hữu của Chúa Giê-su cho thấy điều gì?
5 Sách Khải-huyền của Kinh Thánh cho thấy rằng Chúa Giê-su Christ trực tiếp cai quản đầy tớ trung tín và khôn ngoan. Trong một sự hiện thấy về “ngày của Chúa”, sứ đồ Giăng thấy “bảy chân-đèn bằng vàng, và ở giữa những chân-đèn có ai giống như con người” và “tay hữu người cầm bảy ngôi sao”. Chúa Giê-su giải thích sự hiện thấy cho Giăng: “Sự mầu-nhiệm của bảy ngôi sao mà ngươi thấy trong tay hữu ta, và của bảy chân-đèn vàng. Bảy ngôi sao là các thiên-sứ của bảy Hội-thánh, còn bảy chân-đèn là bảy Hội-thánh vậy”.—Khải-huyền 1:1, 10-20.
6 “Bảy chân-đèn bằng vàng” tượng trưng cho toàn thể hội thánh thật của Đấng Christ hiện hữu vào “ngày của Chúa” bắt đầu vào năm 1914. Nhưng còn “bảy ngôi sao” thì sao? Lúc đầu chúng tượng trưng cho toàn thể các giám thị xức dầu, được sinh lại bởi thánh linh, trông coi các hội thánh vào thế kỷ thứ nhất.a Các giám thị nằm trong tay hữu của Chúa Giê-su—tức là nằm dưới sự điều khiển và kiểm soát của ngài. Đúng vậy, Chúa Giê-su Christ lãnh đạo tập thể lớp người đầy tớ. Tuy nhiên, giờ đây số giám thị được xức dầu còn rất ít. Làm thế nào Đấng Christ có thể lãnh đạo hơn 93.000 hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp địa cầu?
7. (a) Chúa Giê-su dùng Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương để cung cấp sự lãnh đạo trong các hội thánh trên toàn thế giới như thế nào? (b) Tại sao có thể nói rằng các giám thị đạo Đấng Christ được thánh linh bổ nhiệm?
7 Như vào thế kỷ thứ nhất, một nhóm nhỏ những người nam hội đủ điều kiện trong số các giám thị xức dầu hiện nay đang phụng sự với tư cách Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương, đại diện cho tập thể đầy tớ trung tín và khôn ngoan. Vị Thủ Lãnh của chúng ta dùng Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương này để bổ nhiệm những người nam hội đủ điều kiện—có thể được thánh linh xức dầu hoặc không—làm trưởng lão trong các hội thánh địa phương. Trong lĩnh vực này, thánh linh mà Đức Giê-hô-va cho Chúa Giê-su được quyền sử dụng, đóng một vai trò rất quan trọng. (Công-vụ 2:32, 33) Trước hết, những giám thị này phải hội đủ các điều kiện quy định trong Lời Đức Chúa Trời được thánh linh soi dẫn. (1 Ti-mô-thê 3:1-7; Tít 1:5-9; 2 Phi-e-rơ 1:20, 21) Việc đề cử và bổ nhiệm được thực hiện sau khi cầu nguyện và dưới sự hướng dẫn của thánh linh. Ngoài ra, người được bổ nhiệm phải thể hiện bông trái thánh linh. (Ga-la-ti 5:22, 23) Vậy lời khuyên của sứ đồ Phao-lô áp dụng đồng đều cho tất cả các trưởng lão, dù được xức dầu hay không: “Anh em hãy giữ lấy mình, và luôn cả bầy mà thánh linh đã bổ nhiệm anh em làm giám thị”. (Công-vụ 20:28, NW) Những người nam được bổ nhiệm này nhận sự hướng dẫn từ Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương và sẵn lòng chăn dắt hội thánh. Sự kiện này cho thấy Đấng Christ nay ở với chúng ta và đang tích cực lãnh đạo hội thánh.
8. Đấng Christ dùng thiên sứ để hướng dẫn môn đồ ngài như thế nào?
8 Ngày nay, Chúa Giê-su cũng dùng thiên sứ để hướng dẫn môn đồ ngài. Theo ví dụ về lúa mì và cỏ lùng, mùa gặt đến vào thời kỳ “kết liễu hệ thống mọi sự” (NW). Người Chủ dùng ai để làm công việc gặt hái? Đấng Christ nói: “Con gặt, là các thiên-sứ”. Ngài nói thêm: “Con người sẽ sai các thiên-sứ Ngài thâu mọi gương xấu và những kẻ làm ác khỏi nước Ngài”. (Ma-thi-ơ 13:37-41) Hơn nữa, giống như thiên sứ đã hướng dẫn Phi-líp đến gặp hoạn quan người Ê-thi-ô-bi, ngày nay cũng có vô số bằng chứng cho thấy Đấng Christ dùng thiên sứ để hướng dẫn tín đồ thật Đấng Christ gặp được những người có lòng thành thật.—Công-vụ 8:26, 27; Khải-huyền 14:6.
9. (a) Ngày nay Chúa Giê-su lãnh đạo hội thánh tín đồ Đấng Christ qua những phương tiện nào? (b) Nếu muốn nhận được lợi ích từ sự lãnh đạo của Đấng Christ, chúng ta nên xem xét câu hỏi nào?
9 Thật vững lòng làm sao khi biết Chúa Giê-su Christ lãnh đạo các môn đồ ngài ngày nay qua Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương, thánh linh, và các thiên sứ! Ngay trong trường hợp một số người thờ phượng Đức Giê-hô-va tạm thời bị ngăn cách với Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương vì sự bắt bớ hay những lý do khác, Đấng Christ vẫn có thể lãnh đạo bằng thánh linh với sự hỗ trợ của các thiên sứ. Tuy nhiên, sự lãnh đạo của ngài chỉ đem lại lợi ích khi chúng ta chấp nhận nó. Làm thế nào chúng ta cho thấy mình chấp nhận sự lãnh đạo của Đấng Christ?
“Hãy vâng lời... và chịu phục”
10. Chúng ta có thể biểu lộ sự kính trọng đối với các trưởng lão được bổ nhiệm trong hội thánh như thế nào?
10 Vị Thủ Lãnh của chúng ta ban cho hội thánh “món quà dưới hình thức người”—“người thì rao giảng tin mừng, người thì chăn chiên và dạy dỗ”. (Ê-phê-sô 4:8, 11, 12, NW) Thái độ và hành động của chúng ta đối với họ nói lên việc chúng ta có chấp nhận sự lãnh đạo của Đấng Christ hay không. Việc chúng ta ‘bày tỏ lòng biết ơn’ đối với những anh hội đủ điều kiện thiêng liêng mà Đấng Christ ban cho là hợp lý. (Cô-lô-se 3:15) Họ cũng đáng được chúng ta kính trọng. Sứ đồ Phao-lô viết: “Các trưởng-lão khéo cai-trị Hội-thánh thì mình phải kính-trọng bội-phần”. (1 Ti-mô-thê 5:17) Làm thế nào chúng ta có thể biểu lộ lòng biết ơn và kính trọng đối với các trưởng lão—hay giám thị—trong hội thánh? Phao-lô trả lời: “Hãy vâng lời kẻ dắt-dẫn anh em và chịu phục các người ấy”. (Hê-bơ-rơ 13:17) Đúng vậy, chúng ta nên vâng lời và chịu phục họ.
11. Tại sao tôn trọng sự sắp đặt về trưởng lão là một khía cạnh của việc sống phù hợp với phép báp têm?
11 Vị Thủ Lãnh của chúng ta thì hoàn toàn trong khi món quà dưới hình thức người thì lại không. Vì vậy đôi khi họ sai lầm. Thế nhưng, điều cần yếu là chúng ta vẫn trung thành với sự sắp đặt của Đấng Christ. Thực ra, hành động phù hợp với sự dâng mình và phép báp têm có nghĩa là chúng ta thừa nhận tính hợp pháp của những người có thẩm quyền do thánh linh bổ nhiệm trong hội thánh và sẵn sàng phục tùng họ. Khi làm báp têm ‘nhân danh thánh linh’, chúng ta công khai tuyên bố mình biết thánh linh là gì và thừa nhận vai trò của thánh linh trong ý định của Đức Giê-hô-va. (Ma-thi-ơ 28:19) Phép báp têm như thế hàm ý rằng chúng ta cộng tác với thánh linh và tránh làm bất cứ điều gì ngăn cản hoạt động của thánh linh trong vòng tín đồ Đấng Christ. Vì thánh linh đóng một vai trò trọng yếu trong việc đề cử và bổ nhiệm trưởng lão nên nếu không ủng hộ sự sắp đặt về trưởng lão trong hội thánh, chúng ta có thể nào thật sự trung thành với sự dâng mình không?
12. Giu-đe kể ra những gương nào về việc khinh thường uy quyền, và những gương này dạy chúng ta điều gì?
12 Kinh Thánh chứa đựng những gương dạy chúng ta về giá trị của sự vâng lời và phục tùng. Ám chỉ những người ăn nói hỗn hào với các anh được bổ nhiệm trong hội thánh, môn đồ Giu-đe đưa ra ba gương cảnh cáo. Ông nói: “Khốn-nạn thay cho chúng nó, vì đã theo đường của Ca-in, lấy lòng tham lợi mà gieo mình vào sự sai-lạc của Ba-la-am; và bị hư-mất về sự phản-nghịch của Cô-rê”. (Giu-đe 11) Ca-in lờ đi lời khuyên đầy yêu thương của Đức Giê-hô-va và cố tình đi theo con đường căm giận đưa đến giết người. (Sáng-thế Ký 4:4-8) Dù được Đức Chúa Trời cảnh cáo nhiều lần, Ba-la-am vì món tiền thưởng vẫn cố rủa sả dân sự Ngài. (Dân-số Ký 22:5-28, 32-34; Phục-truyền Luật-lệ Ký 23:5) Không bằng lòng với địa vị cao trọng trong dân Y-sơ-ra-ên, Cô-rê đã khích động cuộc nổi loạn chống lại tôi tớ Đức Chúa Trời là Môi-se, người nhu mì nhất trên đất. (Dân-số Ký 12:3; 16:1-3, 32, 33) Đại họa đã giáng trên Ca-in, Ba-la-am, và Cô-rê. Đây thật là những bài học dạy dỗ sống động về việc phải nghe theo lời khuyên và tôn trọng những người có trách nhiệm được Đức Giê-hô-va sử dụng!
13. Nhà tiên tri Ê-sai báo trước lợi ích nào dành cho những người phục tùng sự sắp đặt về trưởng lão?
13 Ai lại không muốn hưởng lợi ích từ sự sắp đặt qui mô về giám thị mà Vị Thủ Lãnh đã thiết lập trong hội thánh đạo Đấng Christ? Nhà tiên tri Ê-sai đã báo trước những lợi ích như sau: “Nầy, sẽ có một vua lấy nghĩa trị-vì, các quan-trưởng lấy lẽ công-bình mà cai-trị. Sẽ có một người như nơi núp gió và chỗ che bão-táp, như suối nước trong nơi đất khô, như bóng vầng đá lớn trong xứ mòn-mỏi”. (Ê-sai 32:1, 2) Mỗi trưởng lão phải là “một nơi” che chở và an toàn như thế. Cho dù thấy khó để phục tùng thẩm quyền, chúng ta hãy cầu nguyện để biết vâng lời và phục tùng uy quyền mà Đức Chúa Trời đã thiết lập trong hội thánh.
Cách trưởng lão phục tùng sự lãnh đạo của Đấng Christ
14, 15. Những người dẫn đầu trong hội thánh cho thấy họ phục tùng sự lãnh đạo của Đấng Christ như thế nào?
14 Mọi tín đồ Đấng Christ, đặc biệt các trưởng lão, phải vâng theo sự lãnh đạo của Đấng Christ. Các giám thị, hay trưởng lão, tuy có thẩm quyền ở một mức độ nào đó trong hội thánh, nhưng không tìm cách ‘cai-trị trên đức-tin của anh em cùng đạo’ bằng cách kiểm soát đời sống họ. (2 Cô-rinh-tô 1:24) Các trưởng lão vâng theo lời của Chúa Giê-su: “Các ngươi biết rằng các vua dân ngoại thì ép dân phải phục mình, còn các quan lớn thì lấy quyền-thế mà trị dân. Trong các ngươi thì không như vậy”. (Ma-thi-ơ 20:25-27) Khi thi hành trách nhiệm của mình, các trưởng lão thành thật cố gắng phục vụ anh em.
15 Tín đồ Đấng Christ được khuyên nhủ: “Hãy nhớ những người dắt-dẫn mình,... hãy nghĩ xem sự cuối-cùng đời họ là thể nào, và học-đòi đức-tin họ”. (Hê-bơ-rơ 13:7) Tín đồ Đấng Christ được khuyên noi gương các trưởng lão không phải vì lý do họ là những người dẫn đầu. Chúa Giê-su nói: “Anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô”. (Ma-thi-ơ 23:10, TTGM) Chúng ta noi gương đức tin của trưởng lão vì họ noi gương Vị Thủ Lãnh thật là Đấng Christ. (1 Cô-rinh-tô 11:1) Hãy xem xét một số cách, trong đó các trưởng lão cố gắng giống Đấng Christ trong mối quan hệ với người khác trong hội thánh.
16. Bất kể quyền hành ngài có, Chúa Giê-su đã cư xử với các môn đồ như thế nào?
16 Dù trội hơn loài người bất toàn về mọi mặt và được Cha ngài ban cho quyền hành nhiều hơn bất cứ người nào khác, nhưng Chúa Giê-su khiêm tốn trong cách cư xử với môn đồ. Ngài không phô trương sự hiểu biết khiến người nghe cảm thấy choáng ngợp. Chúa Giê-su tỏ ra nhạy cảm và trắc ẩn đối với môn đồ, quan tâm đến nhu cầu thể chất của họ. (Ma-thi-ơ 15:32; 26:40, 41; Mác 6:31) Ngài không bao giờ đòi hỏi họ quá sức hoặc yêu cầu quá khả năng của họ. (Giăng 16:12) Chúa Giê-su “có lòng nhu-mì, khiêm-nhường”. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên, nhiều người cảm thấy dễ chịu khi ở gần ngài.—Ma-thi-ơ 11:28-30.
17. Các trưởng lão phải tỏ ra khiêm tốn giống Đấng Christ khi giao tiếp với mọi người trong hội thánh như thế nào?
17 Nếu Đấng Christ, Vị Thủ Lãnh, đã tỏ ra khiêm tốn, những người dẫn đầu trong hội thánh càng phải khiêm tốn hơn nữa! Đúng vậy, họ thận trọng không lạm dụng bất cứ quyền hành nào mà họ được ủy thác. Họ không “dùng lời cao-xa”, cố để gây ấn tượng với người khác. (1 Cô-rinh-tô 2:1, 2) Thay vì thế, họ cố gắng trình bày lời lẽ thật của Kinh Thánh một cách giản dị và thành thật. Hơn nữa, các trưởng lão cố gắng không đòi hỏi nơi những người khác một cách vô lý và quan tâm đến nhu cầu của họ. (Phi-líp 4:5, NW) Ý thức rằng mọi người đều có giới hạn nên họ châm chế những thiếu sót nơi người khác. (1 Phi-e-rơ 4:8) Và chẳng phải các trưởng lão khiêm nhường và nhu mì thật sự đem lại sự sảng khoái hay sao? Quả đúng như vậy.
18. Các trưởng lão có thể học được gì từ cách Chúa Giê-su đối xử với trẻ em?
18 Chúa Giê-su dễ đến gần ngay cả đối với những người thấp kém. Hãy xem xét phản ứng của ngài khi môn đồ trách dân chúng “đem những con trẻ đến cùng Ngài”. Chúa Giê-su nói: “Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng cấm chúng nó”. Rồi “ngài lại bồng những đứa trẻ ấy, đặt tay trên chúng nó mà chúc phước cho”. (Mác 10:13-16) Chúa Giê-su nồng hậu và nhân từ, thu hút người khác đến với ngài. Dân chúng không cảm thấy sợ ngài, ngay cả trẻ em cũng thấy thoải mái khi ở gần ngài. Các trưởng lão cũng phải dễ đến gần, và khi họ tỏ ra yêu thương nồng hậu và nhân từ, những người khác—kể cả trẻ em—cảm thấy thoải mái khi ở gần họ.
19. Việc “có ý của Đấng Christ” bao hàm điều gì, và đòi hỏi phải có sự cố gắng nào?
19 Mức độ noi gương Chúa Giê-su của các trưởng lão tùy thuộc vào mức độ họ hiểu biết rõ về ngài. Sứ đồ Phao-lô hỏi: “Ai đã biết ý Chúa, đặng dạy-dỗ Ngài?” Rồi ông nói thêm: “Nhưng phần chúng ta, thì có ý của Đấng Christ”. (1 Cô-rinh-tô 2:16) Có ý của Đấng Christ bao gồm việc hiểu biết lối suy nghĩ và toàn thể nhân cách của ngài, để biết được cách ngài ứng xử trong một tình huống đặc biệt nào đó. Hãy tưởng tượng biết được Vị Thủ Lãnh của mình rõ đến mức độ đó! Vâng, điều này đòi hỏi phải chú tâm đến sự tường thuật trong Phúc Âm và đều đặn nuôi dưỡng tâm trí chúng ta bằng sự hiểu biết về đời sống và gương mẫu của Chúa Giê-su. Khi các trưởng lão cố gắng đi theo sự lãnh đạo của Chúa Giê-su như vậy, những người trong hội thánh sẽ sẵn lòng noi theo đức tin của họ. Và các trưởng lão được thỏa lòng khi nhìn thấy người khác vui mừng theo bước chân của Vị Thủ Lãnh
Tiếp tục phục tùng sự lãnh đạo của Đấng Christ
20, 21. Trong khi chờ đợi thế giới mới theo lời hứa, chúng ta phải có quyết tâm nào?
20 Điều quan trọng là tất cả chúng ta phải tiếp tục phục tùng sự lãnh đạo của Đấng Christ. Khi sự kết liễu hệ thống mọi sự này đến gần, chúng ta ở trong một hoàn cảnh giống như dân Y-sơ-ra-ên trong Đồng Bằng Mô-áp vào năm 1473 TCN. Họ đang ở trước ngưỡng cửa của Đất Hứa, và qua nhà tiên tri Môi-se, Đức Chúa Trời tuyên bố: “Ngươi [Giô-suê] sẽ vào với dân nầy trong xứ mà Đức Giê-hô-va đã thề ban cho tổ-phụ họ”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 31:7, 8) Giô-suê là người lãnh đạo được bổ nhiệm. Để vào Đất Hứa, dân Y-sơ-ra-ên phải phục tùng sự lãnh đạo của Giô-suê.
21 Kinh Thánh nói với chúng ta: “Anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô”. Chỉ có Đấng Christ mới có thể dẫn chúng ta vào thế giới mới được hứa trước, là nơi sự công bình ngự trị. (2 Phi-e-rơ 3:13) Vậy chúng ta hãy quyết tâm tùng phục sự lãnh đạo của ngài trong mọi khía cạnh của đời sống.
[Chú thích]
a Các “ngôi sao” nói ở đây không tượng trưng cho các thiên sứ theo nghĩa đen. Chắc chắn Chúa Giê-su không dùng con người để ghi chép những thông tin cho các tạo vật thần linh vô hình. Do đó, “ngôi sao” phải tượng trưng cho giám thị là người, tức trưởng lão trong các hội thánh, được coi như những sứ giả của Chúa Giê-su. Số bảy mang ý nghĩa sự trọn vẹn theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời.
Bạn còn nhớ không?
• Đấng Christ lãnh đạo hội thánh thời ban đầu như thế nào?
• Ngày nay Đấng Christ lãnh đạo hội thánh ra sao?
• Tại sao chúng ta nên vâng phục những người dẫn đầu trong hội thánh?
• Các trưởng lão có thể cho thấy Đấng Christ là Thủ Lãnh của mình qua những cách nào?
[Hình nơi trang 15]
Đấng Christ lãnh đạo hội thánh và cầm các giám thị trong tay hữu ngài
[Các hình nơi trang 16]
“Hãy vâng lời kẻ dắt-dẫn anh em và chịu phục các người ấy”
[Hình nơi trang 18]
Chúa Giê-su nồng hậu và dễ đến gần. Các trưởng lão đạo Đấng Christ cố gắng noi gương ngài