“Vì đạo mà tranh-chiến”!
“Vì đạo mà tranh-chiến, là đạo đã truyền cho các thánh một lần đủ rồi” (GIU-ĐE 3).
1. Tín đồ thật của đấng Christ ngày nay tham chiến theo ý nghĩa nào?
ĐỜI chiến sĩ nơi sa trường lúc nào cũng gian khổ. Hãy tưởng tượng một chiến sĩ mang đầy đủ thiết bị, đi hành quân biết bao cây số dưới mọi loại thời tiết, trải qua sự huấn luyện gay go về cách dùng vũ khí, hoặc phải tự vệ chống lại mọi hoàn cảnh đe dọa đến tính mạng. Tín đồ thật của đấng Christ không tham gia vào chiến tranh của các nước (Ê-sai 2:2-4; Giăng 17:14). Tuy nhiên, chúng ta đừng bao giờ quên rằng tất cả chúng ta đang ở trong cuộc chiến theo nghĩa thiêng liêng. Sa-tan rất căm thù Chúa Giê-su Christ và môn đồ ngài trên đất (Khải-huyền 12:17). Trên thực tế, khi quyết định phụng sự Giê-hô-va Đức Chúa Trời, tức là chúng ta đăng ký làm chiến sĩ đánh trận chiến thiêng liêng (2 Cô-rinh-tô 10:4).
2. Giu-đe miêu tả cuộc chiến tín đồ đấng Christ như thế nào, và thư ông giúp chúng ta chịu đựng cuộc chiến như thế nào?
2 Em cùng mẹ khác cha của Chúa Giê-su là Giu-đe viết một cách thích hợp: “Hỡi kẻ rất yêu-dấu, vì tôi đã ân-cần viết cho anh em về sự cứu-rỗi chung của chúng ta, tôi tưởng phải làm điều đó, để khuyên anh em vì đạo mà tranh-chiến, là đạo đã truyền cho các thánh một lần đủ rồi” (Giu-đe 3). Khi Giu-đe khuyến giục tín đồ đấng Christ “vì đạo mà tranh-chiến”, ông dùng một từ có liên hệ đến từ “khổ sở cùng cực”. Đúng vậy, sự tranh chiến này có thể rất khó khăn, ngay cả khổ sở cùng cực! Bạn có đôi khi thấy khó chịu đựng cuộc chiến này không? Lá thư ngắn nhưng lời lẽ mạnh mẽ của Giu-đe có thể giúp chúng ta. Thư này khuyên chúng ta cưỡng lại sự vô luân, tôn trọng quyền hành được Đức Chúa Trời thiết lập, và giữ mình trong sự yêu thương của Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy xem làm cách nào áp dụng lời khuyên này.
Cưỡng lại sự vô luân
3. Hội thánh tín đồ đấng Christ vào thời của Giu-đe đã gặp tình trạng khẩn trương nào?
3 Giu-đe có thể thấy rằng không phải tất cả anh em tín đồ đấng Christ của ông đều thắng được cuộc chiến chống lại Sa-tan. Họ đã gặp một tình trạng khẩn trương. Giu-đe viết là những người bại hoại đã “lẻn vào” và ngấm ngầm đề xướng sự vô luân. Bọn đó khôn khéo biện minh cho hành động mình, “đổi ơn Đức Chúa Trời chúng ta ra việc tà-ác” (Giu-đe 4). Có lẽ giống như một số người theo thuyết ngộ đạo thời xưa, họ lý luận rằng một người càng phạm tội thì càng được Đức Chúa Trời thương xót—vậy, trên thực tế, phạm tội càng nhiều thì càng tốt! Hay là họ kết luận một Đức Chúa Trời nhân từ sẽ không bao giờ trừng phạt họ. Dù thế nào đi nữa họ cũng sai lầm (1 Cô-rinh-tô 3:19).
4. Giu-đe nêu ra ba gương nào về sự đoán phạt của Đức Giê-hô-va trong quá khứ?
4 Giu-đe bác bẻ các lập luận gian ác của họ bằng cách nêu ra ba gương về sự đoán phạt của Đức Giê-hô-va trong quá khứ: nghịch lại dân Y-sơ-ra-ên “không tin”; nghịch lại “các thiên-sứ... bỏ chỗ riêng mình” để phạm tội với đàn bà; và nghịch lại dân thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ “buông theo sự dâm-dục và sắc lạ” (Giu-đe 5-7; Sáng-thế Ký 6:2-4; 19:4-25; Dân-số Ký 14:35). Trong mỗi trường hợp, Đức Giê-hô-va đều đoán phạt những kẻ phạm tội, và sự kiện đó được nhiều người biết đến.
5. Giu-đe trích lời nhà tiên tri xưa nào, và lời tiên tri đó cho thấy sự ứng nghiệm chắc chắn như thế nào?
5 Sau đó, Giu-đe đề cập đến một sự đoán phạt còn có ảnh hưởng sâu rộng hơn. Ông trích một lời tiên tri của Hê-nóc—một đoạn không tìm được ở nơi nào khác trong Kinh-thánh được soi dẫna (Giu-đe 14, 15). Hê-nóc báo trước về thời kỳ Đức Giê-hô-va sẽ đoán phạt mọi người không tin kính và mọi việc không tin kính của họ. Điều đáng chú ý là Hê-nóc dùng thì quá khứ khi nói điều đó, vì sự đoán phạt của Đức Chúa Trời chắc chắn như là đã xảy ra rồi. Người ta có lẽ chế nhạo Hê-nóc và sau đó, Nô-ê, nhưng mọi kẻ chế giễu đó đã bị chết ngộp trong trận Nước Lụt toàn cầu.
6. a) Tín đồ đấng Christ thời Giu-đe cần được nhắc nhở điều gì? b) Tại sao chúng ta nên nghe theo lời nhắc nhở của Giu-đe?
6 Tại sao Giu-đe lại viết xuống những sự đoán phạt này? Bởi vì ông biết rằng một số người kết hợp với hội thánh tín đồ đấng Christ vào thời ông đã phạm tội ghê tởm và đáng khiển trách như những người đã gây ra những sự đoán phạt trong quá khứ. Vì vậy, Giu-đe viết là hội thánh cần được nhắc nhở về những lẽ thật thiêng liêng căn bản (Giu-đe 5). Họ hẳn đã quên rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời thấy những gì họ làm. Đúng vậy, Ngài thấy rõ khi những tôi tớ Ngài cố ý vi phạm luật pháp của Ngài, làm nhơ nhuốc chính họ và người khác (Châm-ngôn 15:3). Những hành động đó làm Ngài hết sức đau lòng (Sáng-thế Ký 6:6; Thi-thiên 78:40). Nghĩ đến việc chúng ta chỉ là loài người mà có thể ảnh hưởng đến cảm xúc của Chúa Tối Thượng của vũ trụ thì thật đáng sợ. Ngài xem thấy chúng ta hàng ngày, và khi chúng ta cố hết sức mình để noi theo bước chân Con Ngài, Chúa Giê-su Christ, thì hạnh kiểm chúng ta làm vui lòng Ngài. Vậy chúng ta đừng bao giờ khó chịu trước những lời nhắc nhở như lời của Giu-đe, nhưng hãy nghe theo những lời đó (Châm-ngôn 27:11; 1 Phi-e-rơ 2:21).
7. a) Tại sao điều quan trọng là những người dính líu đến tội nghiêm trọng tìm kiếm sự giúp đỡ ngay lập tức? b) Tất cả chúng ta có thể tránh sự vô luân như thế nào?
7 Đức Giê-hô-va không những thấy mà còn hành động nữa. Là Đức Chúa Trời công bình, sớm muộn gì Ngài cũng phạt những kẻ ác (1 Ti-mô-thê 5:24). Những người cho rằng sự đoán phạt của Ngài chỉ là chuyện quá khứ và Ngài không quan tâm đến điều ác họ làm thì họ chỉ gạt gẫm chính mình mà thôi. Thật là quan trọng cho những người ngày nay dính líu đến sự vô luân đến tìm sự giúp đỡ của trưởng lão đạo đấng Christ ngay lập tức! (Gia-cơ 5:14, 15). Tất cả chúng ta có thể được cảnh tỉnh trước mối đe dọa của sự vô luân trong trận chiến thiêng liêng của chúng ta. Mỗi năm đều có tổn thất—những người bị khai trừ khỏi hội thánh, đa số là những người không chịu ăn năn về hành động vô luân. Chúng ta phải nhất quyết cưỡng lại bất cứ cám dỗ nào dù chỉ mới khởi sự đưa chúng ta vào đường hướng đó. (So sánh Ma-thi-ơ 26:41).
Tôn trọng quyền hành được Đức Chúa Trời thiết lập
8. Ai là “các đấng tôn-trọng” được nói đến nơi Giu-đe 8?
8 Một vấn đề khác mà Giu-đe đề cập là việc thiếu tôn trọng quyền hành do Đức Chúa Trời thiết lập. Thí dụ, trong câu Giu-đe8, ông buộc những người gian ác đó về tội “nói hỗn các đấng tôn-trọng”. “Các đấng tôn-trọng” này là ai? Họ là những người bất toàn, nhưng họ có trách nhiệm do thánh linh Đức Giê-hô-va giao phó. Thí dụ, hội thánh có trưởng lão, những anh này được giao trách nhiệm chăn bầy của Đức Chúa Trời (1 Phi-e-rơ 5:2). Cũng có các giám thị lưu động nữa, chẳng hạn như sứ đồ Phao-lô. Và hội đồng trưởng lão ở Giê-ru-sa-lem hoạt động với tư cách là hội đồng lãnh đạo trung ương, có những quyết định ảnh hưởng hội thánh tín đồ đấng Christ nói chung (Công-vụ các Sứ-đồ 15:6). Giu-đe rất lo là một vài người nào đó trong hội thánh nói hỗn, hoặc nói phạm thượng đến những anh đó.
9. Giu-đe nêu ra gương xấu nào của những người không tôn trọng quyền hành?
9 Để lên án lối nói hỗn hào như thế, trong câu 11 Giu-đe nêu ra ba gương xấu để nhắc nhở: Ca-in, Ba-la-am và Cô-rê. Ca-in lờ đi lời khuyên yêu thương của Đức Giê-hô-va và cố tình theo đuổi đường lối ghen ghét giết người (Sáng-thế Ký 4:4-8). Ba-la-am đã nhiều lần nghe được lời cảnh cáo đến từ nguồn lực siêu nhiên—ngay cả con lừa cái của ông nói với ông! Nhưng Ba-la-am cứ ích kỷ âm mưu chống lại dân Đức Chúa Trời (Dân-số Ký 22:28, 32-34; Phục-truyền Luật-lệ Ký 23:5). Cô-rê giữ địa vị có trách nhiệm, nhưng vẫn không thấy đủ, nên ông khuấy động cuộc nổi loạn chống lại người nhu mì nhất trên đất là Môi-se (Dân-số Ký 12:3; 16:1-3, 32).
10. Một số người ngày nay có thể rơi vào bẫy “nói hỗn các đấng tôn-trọng” như thế nào, và tại sao nên tránh nói như thế?
10 Những gương này dạy chúng ta một cách sống động biết bao về việc nghe theo lời khuyên và tôn trọng những người mà Đức Giê-hô-va dùng trong địa vị có trách nhiệm! (Hê-bơ-rơ 13:17). Rất dễ để tìm lỗi của những trưởng lão được bổ nhiệm vì họ cũng như tất cả chúng ta đều là những người bất toàn. Nhưng nếu chúng ta cứ nghĩ đến lỗi của họ và làm người khác giảm sự tôn trọng đối với họ, có phải là chúng ta đang “nói hỗn các đấng tôn-trọng” không? Trong câu Giu-đe10, Giu-đe đề cập đến những kẻ mà “hễ điều gì không biết thì khinh-dể hết”. Đôi khi vài người chỉ trích quyết định của hội đồng trưởng lão hoặc ủy ban tư pháp. Nhưng họ không biết gì về mọi chi tiết mà trưởng lão phải xem xét để đi đến một quyết định. Thế thì tại sao lại nói xấu về những điều họ không thật sự biết? (Châm-ngôn 18:13). Những người khăng khăng nói điều tiêu cực đó có thể gây chia rẽ trong hội thánh và có lẽ còn được ví như “đá ngầm” nguy hiểm trong buổi họp mặt của các anh em đồng đức tin (Giu-đe 12, 16, 19, NW). Chúng ta không bao giờ muốn gây ra mối nguy hiểm về thiêng liêng cho người khác. Thay vì thế, mỗi người chúng ta hãy quyết tâm quí trọng những người có trách nhiệm vì họ làm việc khó nhọc và tận tụy với bầy của Đức Chúa Trời (1 Ti-mô-thê 5:17).
11. Tại sao Mi-chen tự kiềm chế không nặng lời xét đoán Sa-tan?
11 Giu-đe nêu ra gương một người tôn trọng đúng mức quyền hành đã được thiết lập. Ông viết: “Khi chính mình thiên-sứ-trưởng Mi-chen chống với ma-quỉ giành xác Môi-se, còn chẳng dám lấy lời nhiếc-móc mà đoán-phạt; người chỉ nói rằng: Cầu Chúa phạt ngươi!” (Giu-đe 9). Lời tường thuật thú vị này, chỉ được một mình Giu-đe ghi lại trong Kinh-thánh được soi dẫn, dạy hai bài học rõ rệt. Một mặt, nó dạy chúng ta hãy để sự đoán phạt cho Đức Giê-hô-va. Sa-tan chắc hẳn muốn lạm dụng xác của người trung thành Môi-se để phát động sự thờ phượng sai lầm. Thật gian ác làm sao! Nhưng Mi-chen khiêm nhường tự kiềm chế không xét đoán, vì chỉ một mình Đức Giê-hô-va mới có quyền đó. Vậy thì chúng ta càng nên tự kiềm chế hơn để không xét đoán những người trung thành đang cố gắng phụng sự Đức Giê-hô-va.
12. Những người có trách nhiệm trong hội thánh tín đồ đấng Christ có thể học được gì qua gương của Mi-chen?
12 Mặt khác, những người có quyền hành phần nào trong hội thánh cũng có thể rút tỉa được bài học từ Mi-chen. Nói cho cùng, mặc dù Mi-chen là “thiên-sứ-trưởng”, đứng đầu mọi thiên sứ, ngài không lạm dụng chức vị đó, dù bị khiêu khích. Những trưởng lão trung thành cẩn thận noi theo gương đó, nhận biết rằng việc lạm dụng quyền hành là bất kính đối với quyền thống trị của Đức Giê-hô-va. Thư của Giu-đe nói nhiều về những người có quyền hành đáng trọng trong hội thánh nhưng đã lạm dụng nó. Thí dụ, nơi câu Giu-đe12 đến 14, Giu-đe viết lời lên án nghiêm khắc đối với “người chăn chiên chỉ tưởng nuôi mình cho no-nê, không lo-sợ gì”. (So sánh Ê-xê-chi-ên 34:7-10). Nói cách khác, họ chú ý trước tiên đến lợi ích riêng chứ không phải cho bầy của Đức Giê-hô-va. Ngày nay trưởng lão có thể rút tỉa được nhiều bài học từ những gương xấu đó. Thật vậy, lời của Giu-đe miêu tả sống động loại người chăn chiên mà chúng ta không muốn mình giống như thế. Khi để mình trở nên ích kỷ thì chúng ta không thể làm chiến sĩ của đấng Christ; chúng ta quá bận rộn chiến đấu cho riêng mình. Thay vì thế, tất cả chúng ta hãy sống theo lời Chúa Giê-su: “Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh” (Công-vụ các Sứ-đồ 20:35).
“Giữ mình trong sự yêu-mến [của] Đức Chúa Trời”
13. Tại sao tất cả chúng ta muốn sốt sắng giữ mình trong sự yêu mến của Đức Chúa Trời?
13 Gần cuối thư, Giu-đe cho lời khuyên làm ấm lòng như sau: “Hãy giữ mình trong sự yêu-mến [của] Đức Chúa Trời” (Giu-đe 21). Không có gì giúp chúng ta chiến đấu trong cuộc chiến của tín đồ đấng Christ nhiều hơn điều này: đó là giữ mình trong sự yêu thương của Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Nói cho cùng, yêu thương là đức tính nổi bật của Đức Giê-hô-va (1 Giăng 4:8). Phao-lô viết cho những tín đồ đấng Christ ở Rô-ma: “Tôi chắc rằng bất-kỳ sự chết, sự sống, các thiên-sứ, các kẻ cầm quyền, việc bây giờ, việc hầu đến, quyền-phép, bề cao, hay là bề sâu, hoặc một vật nào, chẳng có thể phân-rẽ chúng ta khỏi sự yêu-thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus-Christ, là Chúa chúng ta” (Rô-ma 8:38, 39). Vậy làm thế nào chúng ta ở trong sự yêu thương đó? Hãy chú ý đến ba biện pháp chúng ta có thể dùng, theo lời của Giu-đe.
14, 15. a) Xây dựng cho mình trên nền “đức-tin rất thánh” có nghĩa gì? b) Chúng ta có thể xem xét tình trạng bộ áo giáp thiêng liêng của chúng ta như thế nào?
14 Thứ nhất, Giu-đe bảo chúng ta tiếp tục xây dựng cho mình trên nền “đức-tin rất thánh” (Giu-đe 20). Như chúng ta đã thấy trong bài trước, đây là một tiến trình không ngừng. Chúng ta giống một tòa nhà càng ngày càng cần được củng cố để chống lại sự tấn công càng ngày càng dữ dội của thời tiết xấu. (So sánh Ma-thi-ơ 7:24, 25). Vậy chúng ta đừng bao giờ quá tự tin. Trái lại, hãy xem chúng ta có thể tự xây dựng ở đâu trên nền đức tin, để trở nên chiến sĩ mạnh hơn, trung thành hơn của đấng Christ. Thí dụ, chúng ta có thể xem xét những phần của bộ áo giáp được miêu tả nơi Ê-phê-sô 6:11-18.
15 Bộ áo giáp thiêng liêng của chúng ta ở trong tình trạng nào? ‘Thuẫn đức-tin’ của chúng ta có đủ cứng không? Khi nhìn lại những năm vừa qua, chúng ta có thấy vài dấu hiệu thụt lùi, như là bớt đi họp, thiếu sốt sắng trong thánh chức, hay là ít nhiệt thành trong việc học hỏi cá nhân không? Những dấu hiệu đó rất trầm trọng! Chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ để xây đắp và làm mình vững vàng trong lẽ thật (1 Ti-mô-thê 4:15; 2 Ti-mô-thê 4:2; Hê-bơ-rơ 10:24, 25).
16. Nhơn thánh linh mà cầu nguyện có nghĩa gì, và một điều chúng ta nên đều đặn hỏi xin Đức Giê-hô-va là gì?
16 Cách thứ hai để ở trong sự yêu mến của Đức Chúa Trời là tiếp tục “nhơn Đức Thánh-Linh mà cầu-nguyện” (Giu-đe 20). Điều đó có nghĩa là cầu nguyện dưới ảnh hưởng của thánh linh Đức Giê-hô-va và phù hợp với Lời được thánh linh soi dẫn. Cầu nguyện là điều thiết yếu để đến gần Đức Giê-hô-va và bày tỏ lòng tận tụy với Ngài. Chúng ta chớ bao giờ sao lãng đặc ân tuyệt vời này! Và khi cầu nguyện, chúng ta có thể hỏi xin—thật vậy, tiếp tục hỏi xin—thánh linh (Lu-ca 11:13). Đó là một lực mạnh nhất dành sẵn cho chúng ta. Với sự giúp đỡ đó, chúng ta có thể luôn luôn ở trong sự yêu mến của Đức Chúa Trời và chịu đựng với tư cách là chiến sĩ của đấng Christ.
17. a) Tại sao gương của Giu-đe về vấn đề thương xót rất đáng chú ý? b) Mỗi người chúng ta có thể tiếp tục tỏ lòng thương xót như thế nào?
17 Thứ ba, Giu-đe khuyến khích chúng ta tỏ lòng thương xót (Giu-đe 22, NW). Chính gương ông về phương diện này thật đáng chú ý. Nói đúng ra, ông có lý khi lo âu về sự bại hoại, vô luân và sự bội đạo ngấm ngầm len vào hội thánh tín đồ đấng Christ. Tuy nhiên, ông không lo sợ quá độ, không nghĩ rằng tỏ đức tính “mềm mỏng” như là thương xót vào lúc đó có thể là nguy hiểm. Không, ông khuyên các anh em tiếp tục tỏ lòng thương xót khi có thể được, lý luận nhân từ với những người tỏ sự nghi ngờ, và còn ‘rút ra khỏi lửa’ những người sắp phạm tội nghiêm trọng (Giu-đe 23; Ga-la-ti 6:1). Thật là lời khuyên tốt lành cho các trưởng lão trong thời buổi khó khăn này! Họ cũng cố gắng để tỏ lòng thương xót mỗi khi có căn bản để thương xót, đồng thời vẫn cứng rắn khi cần. Tất cả chúng ta cũng muốn tỏ lòng thương xót nhau như vậy. Thí dụ, thay vì để những chuyện nhỏ nhặt làm mình phẫn uất mãi trong lòng, chúng ta hãy rộng lượng tha thứ (Cô-lô-se 3:13).
18. Tại sao chúng ta có thể chắc chắn được chiến thắng trong cuộc chiến thiêng liêng?
18 Cuộc chiến của chúng ta không phải dễ thắng. Như Giu-đe nói, chúng ta phải “tranh-chiến” (Giu-đe 3). Kẻ thù chúng ta rất mạnh. Không những chỉ có Sa-tan mà cả thế gian độc ác của hắn và sự bất toàn của bản thân đều chống cự lại chúng ta. Nhưng chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng mình sẽ chiến thắng! Tại sao? Vì chúng ta đứng về phía Đức Giê-hô-va. Giu-đe kết luận thư ông với lời nhắc nhở là Đức Giê-hô-va xứng đáng được “vinh-hiển, tôn-trọng, thế-lực, quyền-năng thuộc về Ngài từ trước vô-cùng và hiện nay cho đến đời đời” (Giu-đe 25). Có phải đó là điều khiến chúng ta kính sợ không? Vậy thì có thể nào nghi ngờ rằng Đức Chúa Trời này “có thể gìn-giữ anh em khỏi vấp-phạm” không? (Giu-đe 24). Chắc chắn không! Mỗi người chúng ta hãy quyết tâm tiếp tục cưỡng lại sự vô luân, tôn trọng quyền hành được Đức Chúa Trời thiết lập và giữ mình trong sự yêu thương của Đức Chúa Trời. Làm thế chúng ta sẽ cùng được chiến thắng vẻ vang.
[Chú thích]
a Một số nhà nghiên cứu quả quyết rằng Giu-đe trích từ cuốn ngụy thư Book of Enoch. Tuy nhiên, ông R. C. H. Lenski ghi rằng: “Chúng tôi hỏi: ‘Nguồn của tài liệu góp nhặt này, cuốn Book of Enoch, từ đâu ra?’ Sách này do người ta thêm vào theo thời gian, và không ai biết chắc ngày tháng của các phần trong sách...; không ai có thể chắc chắn rằng một số những lời trong sách có lẽ không phải của chính Giu-đe”.
Câu hỏi ôn lại
◻ Thư Giu-đe dạy chúng ta cưỡng lại sự vô luân như thế nào?
◻ Tại sao tôn trọng quyền hành Đức Chúa Trời thiết lập là điều rất quan trọng?
◻ Tại sao lạm dụng quyền hành trong hội thánh là vấn đề nghiêm trọng?
◻ Chúng ta có thể làm thế nào để giữ mình trong sự yêu mến của Đức Chúa Trời?
[Hình nơi trang 15]
Khác với lính La Mã, tín đồ đấng Christ đánh trận chiến thiêng liêng
[Hình nơi trang 18]
Người chăn tín đồ đấng Christ phụng sự vì tình yêu thương chứ không vì lòng ích kỷ