Lời Đức Giê-hô-va là lời sống
Những điểm nổi bật trong sách Khải-huyền—Phần I
Trong khi bị tù ở đảo Bát-mô, sứ đồ lão thành Giăng nhận được một loạt 16 sự hiện thấy. Ông thấy những gì Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su thực hiện trong ngày của Chúa—giai đoạn kéo dài từ lúc thành lập Nước Trời vào năm 1914 cho đến cuối Triều Đại Một Ngàn Năm của Đấng Christ. Sách Khải-huyền, do sứ đồ Giăng viết vào khoảng năm 96 CN, là lời tường thuật rất sống động, hào hứng về những sự hiện thấy này.
Giờ đây chúng ta hãy xem xét những điểm nổi bật trong Khải-huyền 1:1–12:17, chứa đựng bảy sự hiện thấy đầu mà Giăng nhận được. Những sự hiện thấy này rất đáng chú ý, vì chúng liên quan đến những điều hiện đang xảy ra trên thế giới và cho thấy cách Đức Giê-hô-va sẽ hành động trong tương lai gần đây. Ai đọc và tin nơi lời tường thuật về những sự hiện thấy này sẽ được khích lệ.—Hê 4:12.
“CHIÊN CON” MỞ SÁU ẤN TRONG BẢY ẤN
Trước tiên, Giăng nhìn thấy Chúa Giê-su vinh hiển và ông nhận một loạt thông điệp phải được “chép vào một quyển sách mà gởi cho bảy Hội-Thánh” (Khải 1:10, 11). Tiếp theo là sự hiện thấy về một ngôi ở trên trời, trong tay hữu Đấng ngồi trên ngôi có một quyển sách đóng bảy cái ấn. Đấng “đáng mở quyển sách này” không ai khác hơn “sư-tử của chi-phái Giu-đa” hay “Chiên Con có bảy sừng và bảy mắt”.—Khải 4:2; 5:1, 2, 5, 6.
Sự hiện thấy thứ ba cho biết điều gì xảy ra khi “Chiên Con” lần lượt mở sáu ấn. Khi ấn thứ sáu được mở thì có một cơn động đất lớn và ngày thạnh nộ lớn đến (Khải 6:1, 12, 17). Tuy nhiên, sự hiện thấy kế tiếp cho biết ‘bốn vị thiên-sứ cầm bốn hướng gió lại’ cho đến khi hoàn tất việc đóng ấn 144.000 người. Giăng cũng thấy một đám đông “vô-số người” không được đóng ấn “đứng trước ngôi và trước Chiên Con”.—Khải 7:1, 9.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
1:4; 3:1; 4:5; 5:6—Cụm từ “bảy vì thần” cho biết gì? Số bảy biểu thị sự trọn vẹn theo quan điểm của Đức Chúa Trời. Vì thế, thời nay thông điệp gửi đến “bảy Hội-Thánh” áp dụng cho toàn thể dân Đức Chúa Trời nhóm lại trong hơn 100.000 hội thánh trên toàn cầu (Khải 1:11, 20). Vì Đức Giê-hô-va ban thánh linh tùy theo ý muốn của Ngài, nên cụm từ “bảy vì thần” hay “bảy thần khí” (Tòa Tổng Giám Mục) ám chỉ hoạt động trọn vẹn của thánh linh trong việc ban sự hiểu biết và ân phước cho những ai chú ý đến lời tiên tri. Sách Khải-huyền dường như tường thuật các diễn biến dựa trên con số bảy. Số bảy ở đây tượng trưng cho sự trọn vẹn, và quả thật sách nói đến việc “sự mầu-nhiệm Đức Chúa Trời sẽ nên trọn”.—Khải 10:7.
1:8, 17—Danh hiệu “An-pha và Ô-mê-ga” và ‘Đấng trước hết và Đấng sau cùng’ ám chỉ ai? Danh hiệu “An-pha và Ô-mê-ga” ám chỉ Đức Giê-hô-va, nhấn mạnh rằng trước và sau Ngài không ai là Đức Chúa Trời toàn năng. Ngài là “đầu-tiên và cuối-cùng”, ‘đầu và rốt’ (Khải 21:6; 22:13). Tuy nhiên, văn cảnh trong chương đầu tiên của sách Khải-huyền cho thấy danh hiệu ‘Đấng trước hết và Đấng sau cùng’ nói đến Chúa Giê-su. Ngài là người trước tiên được sống lại trong thể thần linh bất tử và là người sau cùng được chính Đức Giê-hô-va làm cho sống lại.—Cô 1:18.
2:7—“Ba-ra-đi của Đức Chúa Trời” là gì? Vì những lời này được phán với tín đồ Đấng Christ được xức dầu, nên từ “Ba-ra-đi” trong câu này hẳn nói đến lĩnh vực ở trên trời—chính sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Các tín đồ được xức dầu trung thành sẽ nhận phần thưởng là “ăn trái cây sự sống”. Họ sẽ được sống bất tử.—1 Cô 15:53.
3:7—Khi nào Chúa Giê-su có “chìa-khóa của Đa-vít”, và ngài dùng chìa khóa ấy như thế nào? Khi báp têm vào năm 29 CN, Chúa Giê-su trở thành Vua được chỉ định trong dòng tộc Đa-vít. Tuy nhiên, ngài chưa nhận được chìa khóa của Đa-vít cho đến năm 33 CN, khi ngài được đem lên bên hữu Đức Chúa Trời. Ở đó, Chúa Giê-su được hưởng toàn quyền của Nước thuộc dòng Đa-vít. Kể từ lúc ấy, Chúa Giê-su dùng chìa khóa để mở ra những cơ hội và đặc ân liên quan đến Nước Trời. Vào năm 1919, ngài để “chìa-khóa nhà Đa-vít” trên vai lớp “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” bằng cách đặt họ “coi-sóc cả gia-tài mình”.—Ê-sai 22:22; Mat 24:45, 47.
3:12—“Danh mới” của Chúa Giê-su là gì? Danh này liên quan đến chức vụ và đặc ân mới của Chúa Giê-su (Phi-líp 2:9-11). Tuy không ai biết được danh đó như ngài, nhưng Chúa Giê-su viết danh này lên các anh em trung thành của ngài ở trên trời, cho họ hưởng một mối quan hệ mật thiết với ngài (Khải 19:12). Chúa Giê-su còn chia sẻ đặc ân của ngài cho họ.
Bài học cho chúng ta:
1:3. Vì “thì-giờ [mà Đức Chúa Trời thi hành sự phán xét trên thế gian của Sa-tan] đã gần rồi”, nên điều cấp bách là hiểu thông điệp trong sách Khải-huyền và hành động phù hợp với sự hiểu biết đó.
3:17, 18. Để giàu có về thiêng liêng, chúng ta cần mua “vàng thử lửa” của Chúa Giê-su. Điều này có nghĩa là chúng ta phải cố gắng làm nhiều việc lành (1 Ti 6:17-19). Chúng ta cũng cần mặc “những áo trắng”, dấu hiệu cho thấy mình là môn đồ Đấng Christ, và dùng “thuốc xức mắt”, chẳng hạn những lời khuyên trong tạp chí Tháp Canh, để có được sự sáng suốt về thiêng liêng.—Khải 19:8.
7:13, 14. Hai mươi bốn trưởng lão tượng trưng cho 144.000 người được vinh hiển ở trên trời, nơi đây họ không chỉ có vai trò là vua mà còn là thầy tế lễ. Họ được tượng trưng bởi các thầy tế lễ trong nước Y-sơ-ra-ên xưa được vua Đa-vít chia làm 24 ban thứ. Một trong các trưởng lão này tiết lộ cho Giăng biết về đám đông. Vì thế, sự sống lại của tín đồ Đấng Christ được xức dầu hẳn đã bắt đầu trước năm 1935. Tại sao? Vì vào năm đó, các tôi tớ được xức dầu của Đức Chúa Trời trên đất đã nhận diện rõ đám đông.—Lu 22:28-30; Khải 4:4; 7:9.
MỞ ẤN THỨ BẢY, SAU ĐÓ LÀ BẢY TIẾNG LOA
Chiên Con mở ấn thứ bảy. Bảy vị thiên sứ được trao cho bảy ống loa. Sáu thiên sứ thổi loa, rao báo thông điệp phán xét trên “một phần ba” loài người—khối đạo xưng theo Đấng Christ (Khải 8:1, 2, 7-12; 9:15, 18). Đó là những gì Giăng thấy trong sự hiện thấy thứ năm. Tham gia vào sự hiện thấy tiếp theo, Giăng nuốt quyển sách nhỏ và đo đền thờ. Sau khi vị thiên sứ thứ bảy thổi loa, có những tiếng lớn vang ra: “Từ nay nước của thế-gian thuộc về Chúa chúng ta và Đấng Christ của Ngài”.—Khải 10:10; 11:1, 15.
Sự hiện thấy thứ bảy cho biết rõ hơn về những gì nói đến nơi Khải-huyền 11:15, 17. Có dấu lớn hiện ra ở trên trời: Người đàn bà sinh một con trai. Ma-quỉ bị đuổi khỏi trời. Giận người đàn bà ở trên trời, hắn “đi tranh-chiến cùng con-cái khác của người”.—Khải 12:1, 5, 9, 17.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
8:1-5—Tại sao có sự yên lặng ở trên trời, và sau đó cái gì được quăng xuống đất? Sự yên lặng theo nghĩa tượng trưng xảy ra ở trên trời để có thể nghe được “những lời cầu-nguyện của các thánh-đồ” trên đất. Điều này xảy ra vào cuối Thế Chiến I. Các tín đồ được xức dầu không lên trời khi Thời Kỳ Dân Ngoại chấm dứt, như nhiều người mong đợi. Họ trải qua những giai đoạn khó khăn trong thời chiến tranh. Vì thế, giờ đây họ tha thiết cầu xin sự hướng dẫn. Để đáp lời cầu nguyện của họ, thiên sứ đã quăng xuống đất một ngọn lửa tượng trưng, thúc đẩy các tín đồ được xức dầu tích cực hoạt động về thiêng liêng. Dù có ít người, họ bắt đầu nỗ lực rao giảng toàn cầu, làm cho Nước Trời trở thành một đề tài nóng bỏng, và thổi lên ngọn lửa xôn xao, tức giận trong khối đạo xưng theo Đấng Christ. Những lời cảnh báo trong Kinh Thánh vang ra như tiếng sấm, ánh sáng của lẽ thật được rao báo, và tôn giáo sai lầm bị rúng động đến tận nền móng, giống như những tòa nhà bị rung chuyển bởi động đất.
8:6-12; 9:1, 13; 11:15—Bảy thiên sứ sửa soạn thổi loa vào lúc nào? Tiếng loa vang ra khi nào và như thế nào? Sửa soạn thổi bảy ống loa bao gồm việc ban sự hướng dẫn cho những thành viên của lớp người Giăng hồi sinh trên đất từ năm 1919 đến 1922. Sau đó, những người được xức dầu này bận rộn trong việc tái tổ chức công việc rao giảng và xây dựng các cơ sở in ấn (Khải 12:13, 14). Tiếng loa tượng trưng cho việc dạn dĩ công bố sự phán xét của Đức Giê-hô-va trên thế gian của Sa-tan, do dân Ngài hợp tác với các thiên sứ thực hiện. Đáng chú ý là công việc này bắt đầu từ hội nghị ở Cedar Point, Ohio vào năm 1922 và kéo dài cho đến hoạn nạn lớn.
8:13; 9:12; 11:14—Ba tiếng loa cuối cùng là “nạn” theo nghĩa nào? Trong khi bốn tiếng loa đầu là những lời tuyên bố phơi bày tình trạng chết về thiêng liêng của khối đạo xưng theo Đấng Christ, ba tiếng loa cuối là “nạn” theo nghĩa chúng liên quan đến những sự kiện cụ thể. Tiếng loa thứ năm liên quan đến hai điều: sự giải thoát dân Đức Chúa Trời khỏi “vực sâu” của tình trạng ngưng hoạt động vào năm 1919 và công việc làm chứng không ngừng của họ, có tác động như một tai vạ gây đau đớn cho khối đạo xưng theo Đấng Christ (Khải 9:1). Tiếng loa thứ sáu liên hệ đến cuộc tấn công lớn nhất trong lịch sử của kỵ binh và công việc rao giảng toàn cầu bắt đầu vào năm 1922. Tiếng loa cuối cùng liên quan đến sự ra đời của Nước Đấng Mê-si.
Bài học cho chúng ta:
9:10, 19. Những lời có thẩm quyền dựa trên Kinh Thánh được in trong các ấn phẩm của lớp “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” chứa đựng thông điệp gây nhức nhối (Mat 24:45). Thông điệp này giống như đuôi châu chấu “có nọc, như bọ-cạp” và như ngựa của kỵ binh có ‘đuôi giống như con rắn’. Tại sao thế? Vì những ấn phẩm này cảnh báo về “ngày báo-thù của [Đức Giê-hô-va]” (Ê-sai 61:2). Chúng ta hãy can đảm và sốt sắng phân phát các ấn phẩm ấy.
9:20, 21. Nhiều người nhu mì sống ở những nước không theo Ki-tô giáo đã hưởng ứng thông điệp chúng ta công bố. Tuy nhiên, về những người trong các nước này, gọi là “những người sót lại”, chúng ta không mong đợi có nhiều người đổi đạo. Tuy thế, chúng ta vẫn kiên trì làm thánh chức.
12:15, 16. “Đất”—các thành phần thuộc hệ thống của Sa-tan, hoặc những thế lực nắm quyền cai trị trong nhiều quốc gia—ủng hộ tự do tín ngưỡng. Bắt đầu từ thập niên 1940, những thế lực này “nuốt sông [sự bắt bớ] mà con rồng đã phun ra từ miệng nó”. Thật vậy, vào thời điểm của Ngài, Đức Giê-hô-va có thể tác động đến các nhà cầm quyền để thực hiện ý muốn Ngài. Vì thế, Châm-ngôn 21:1 thật thích hợp: “Lòng của vua ở trong tay Đức Giê-hô-va khác nào dòng nước chảy; Ngài làm nghiêng-lệch nó bề nào tùy ý Ngài muốn”. Điều này hẳn làm vững mạnh đức tin của chúng ta nơi Đức Chúa Trời.