“Tin vui” từ sách Khải-huyền
“Tôi thấy một vị thiên-sứ khác bay giữa trời, có Tin-lành đời đời, đặng rao-truyền [“tin vui”, “NW”] cho dân-cư trên đất”.—KHẢI-HUYỀN 14:6.
1. Dù tin nơi sự soi dẫn của sách Khải-huyền, tại sao Nhân Chứng Giê-hô-va không phải là giáo phái báo động về tận thế?
TRÁI với những lời người ta buộc tội, Nhân Chứng Giê-hô-va không phải là giáo phái báo động về tận thế. Tuy nhiên, họ chấp nhận sách Khải-huyền thuộc về Lời được Đức Chúa Trời soi dẫn. Đành rằng Khải-huyền chứa đựng thông điệp phán xét kẻ ác, nhưng trong công việc làm chứng cho công chúng, tôi tớ của Đức Chúa Trời chủ yếu nhắm vào hy vọng tuyệt diệu nêu ra trong Kinh Thánh, kể cả hy vọng được ghi trong sách Khải-huyền. Vì vậy họ không thêm hay bớt đi những lời tiên tri trong sách ấy.—Khải-huyền 22:18, 19.
Những người tuyên bố tin vui
2. Nhân Chứng Giê-hô-va thường dùng một số câu Kinh Thánh nào khi rao giảng?
2 Công việc rao giảng của Nhân Chứng Giê-hô-va được căn cứ vào câu Kinh Thánh trích lời của Chúa Giê-su: “Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng [“tuyên bố”, cước chú NW] ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối-cùng sẽ đến”. (Ma-thi-ơ 24:14) Và “tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời” là gì? Nhiều Nhân Chứng sẽ trả lời bằng cách trích những câu trong Khải-huyền chương 20 và 21 nói về Triều Đại Một Ngàn Năm của Đấng Christ và chính phủ Nước Trời của ngài và xã hội loài người, nơi mà sự chết, than khóc và đau đớn sẽ “không còn nữa”.—Khải-huyền 20:6; 21:1, 4.
3. Việc rao giảng cho công chúng của Nhân Chứng Giê-hô-va tương ứng với sứ mạng nào?
3 Là những người tuyên bố tin vui này, Nhân Chứng Giê-hô-va thật sự là phát ngôn viên của một sứ giả tượng trưng trên trời có sứ mạng cũng được miêu tả trong sách Khải-huyền: “Tôi thấy một vị thiên-sứ khác bay giữa trời, có Tin-lành đời đời, đặng rao-truyền [“tin vui”, NW] cho dân-cư trên đất, cho mọi nước, mọi chi-phái, mọi tiếng, và mọi dân-tộc”. (Khải-huyền 14:6) “Tin-lành đời đời” bao gồm việc loan báo “nước [hoặc sự cai trị] của thế-gian” đã “thuộc về Chúa chúng ta và Đấng Christ của Ngài” và “giờ” của Đức Giê-hô-va đã tới để “hủy-phá những kẻ đã hủy-phá thế-gian”. (Khải-huyền 11:15, 17, 18) Chẳng phải đó thật là tin mừng hay sao?
Khải-huyền cho chúng ta biết điều gì
4. (a) Những lẽ thật cơ bản nào được nêu ra nơi chương 1 của Khải-huyền? (b) Những người muốn nhận lợi ích từ tin vui phải làm điều gì?
4 Chương đầu của sách Khải-huyền cho biết Đức Giê-hô-va là “Đấng hiện có, đã có, và còn đến, là Đấng Toàn-năng,... là An-pha và Ô-mê-ga”, và cho biết Con Ngài, Chúa Giê-su Christ, là “Đấng làm chứng thành-tín”, “sinh đầu nhứt từ trong kẻ chết” và “làm Chúa của các vua trong thế-gian”. Chương này cũng nói Chúa Giê-su là “Đấng yêu-thương chúng ta, đã lấy huyết mình rửa sạch tội-lỗi chúng ta”. (Khải-huyền 1:5, 6, 8) Vì vậy, ngay lúc đầu, Khải-huyền trình bày những lẽ thật cơ bản có thể cứu mạng. Tin vui được đem đến cho “dân-cư trên đất” sẽ không có lợi ích cho họ trừ phi họ nhận biết quyền thống trị của Đức Giê-hô-va, đặt đức tin nơi huyết Chúa Giê-su đã đổ ra, và tin rằng Đức Giê-hô-va làm ngài sống lại và Đấng Christ hiện nay là Đấng Cai Trị trái đất được Đức Chúa Trời bổ nhiệm.—Thi-thiên 2:6-8.
5. Khải-huyền chương 2 và 3 miêu tả Đấng Christ trong vai trò nào?
5 Hai chương kế tiếp miêu tả Chúa Giê-su Christ là Giám Thị yêu thương trên trời của các hội thánh của môn đồ ngài trên đất. Cuộn này viết cho bảy hội thánh được chọn ở Tiểu Á trong thế kỷ thứ nhất CN, chứa những lời khích lệ và khuyên nhủ nghiêm nghị vẫn còn áp dụng ngày nay. Những thông điệp gởi cho các hội thánh thường bắt đầu với những lời như “ta biết công-việc ngươi” hoặc “ta biết sự khốn-khó... của ngươi”. (Khải-huyền 2:2, 9) Thật vậy, Đấng Christ biết chính xác những gì xảy ra trong hội thánh của môn đồ ngài. Ngài khen một số hội thánh về tình yêu thương, đức tin, công việc khó nhọc trong thánh chức, sự nhịn nhục và lòng trung thành của họ đối với danh và lời của ngài. Ngài trách những hội thánh khác vì họ để tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va và Con Ngài nguội đi, hay là họ rơi vào sự vô luân, thờ hình tượng hoặc theo chủ nghĩa bè phái bội đạo.
6. Sự hiện thấy được ghi nơi chương 4 giúp người ta hiểu gì?
6 Chương 4 cho biết một sự hiện thấy đáng sợ về ngai trên trời của Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Nó hé ra cho thấy sự hiện diện đầy vinh hiển của Đức Giê-hô-va và cơ cấu cai trị trên trời mà Ngài sẽ dùng. Những người cai trị đội mão triều thiên, ngai họ bao quanh ngai ở trung tâm vũ trụ, quỳ lạy Đức Giê-hô-va và nói: “Lạy Đức Chúa Trời là Chúa chúng tôi, Chúa đáng được vinh-hiển, tôn-quí và quyền-lực; vì Chúa đã dựng nên muôn vật, và ấy là vì ý-muốn Chúa mà muôn-vật mới có và đã được dựng nên”.—Khải-huyền 4:11.
7. (a) Thiên sứ kêu gọi dân cư trên đất làm gì? (b) Phần quan trọng của công việc giáo dục của chúng ta là gì?
7 Điều này có ý nghĩa nào đó cho người ta ngày nay không? Chắc chắn có. Nếu họ muốn sống dưới Triều Đại Một Ngàn năm của Nước Trời, họ phải nghe theo những gì “thiên-sứ... bay giữa trời” tuyên bố: “Hãy kính-sợ Đức Chúa Trời, và tôn-vinh Ngài, vì giờ phán-xét của Ngài đã đến”. (Khải-huyền 14:6, 7) Một trong những mục đích chính của công việc giáo dục Kinh Thánh mà Nhân Chứng Giê-hô-va thực hiện là giúp “dân-cư trên đất” hiểu biết và thờ phượng Đức Giê-hô-va, nhận biết Ngài là Đấng Tạo Hóa và sẵn sàng vâng phục quyền thống trị công bình của Ngài.
Chiên Con đáng được tôn vinh
8. (a) Đấng Christ được miêu tả thế nào nơi chương 5 và 6? (b) Tất cả những người nghe tin vui biết được điều gì qua sự hiện thấy này?
8 Hai chương sau, chương 5 và 6, cho thấy Chúa Giê-su Christ là Chiên Con xứng đáng mở cuộn sách có bảy ấn, trong đó tiết lộ những biến cố xảy ra trong thời chúng ta bằng ngôn ngữ tượng trưng. (So sánh Giăng 1:29). Tiếng trên trời nói với Chiên Con tượng trưng này: “Ngài đáng lấy quyển sách mà mở những ấn ra; vì Ngài đã chịu giết, lấy huyết mình mà chuộc cho Đức Chúa Trời những người thuộc về mọi chi-phái, mọi tiếng, mọi dân-tộc, mọi nước, và Ngài đã làm cho những người ấy nên nước, và thầy tế-lễ cho Đức Chúa Trời chúng ta; những người ấy sẽ trị-vì trên mặt đất”. (Khải-huyền 5:9, 10) Sự hiện thấy này dạy rằng nhờ huyết Đấng Christ đổ ra, một số người thuộc mọi giống dân được gọi lên trời cùng ngài “trị-vì trên mặt đất”. (So sánh Khải-huyền 1:5, 6). Con số giới hạn của họ được tiết lộ sau đó trong Khải-huyền.
9. Chương 6 cho thấy Đấng Christ như thế nào?
9 Trong cùng sự hiện thấy này, chúng ta thấy Đấng Christ cũng được miêu tả như một người đội mão triều thiên cưỡi ngựa bạch, đi “như kẻ đã thắng lại đến đâu cũng thắng”. Điều vui mừng là ngài sẽ khắc phục được hậu quả tai hại tượng trưng bởi ba kỵ mã khác trong Khải-huyền, sự cưỡi hung hăng của họ đã đem lại chiến tranh, đói kém và chết chóc cho nhân loại kể từ năm chủ chốt 1914. (Khải-huyền 6:1-8) Vai trò độc nhất vô nhị của Đấng Christ, Chiên Con của Đức Chúa Trời, trong sự cứu rỗi nhân loại và trong việc thực hiện ý định tuyệt diệu của Đức Giê-hô-va là một đề tài chính của việc dạy dỗ về Kinh Thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va.
10. (a) Chương 7 cho biết tin quan trọng nào? (b) Đấng Christ nói về những người nhận được Nước Trời như thế nào?
10 Chương 7 quả là chứa tin vui. Chỉ trong sách Khải-huyền chúng ta mới thấy con số của những người mà Chúa Giê-su gọi là “bầy nhỏ”, được Cha của Chiên Con ban cho Nước Trời. (Lu-ca 12:32; 22:28-30) Những người này được Giê-hô-va Đức Chúa Trời đóng ấn bằng thánh linh của Ngài. (2 Cô-rinh-tô 1:21, 22) Sứ đồ Giăng, người viết Khải-huyền, chứng nhận: “Tôi lại nghe số người được đóng ấn là: mười bốn vạn bốn ngàn người”. (Khải-huyền 7:4) Con số rõ rệt này được khẳng định trong chương sau là tổng số người “được chuộc từ trong loài người” để cai trị với Chiên Con trên Núi Si-ôn trên trời. (Khải-huyền 14:1-4) Dù các nhà thờ thuộc các đạo tự xưng theo Đấng Christ giải thích về con số này một cách mập mờ và không đáng tin, điều đáng chú ý là học giả Kinh Thánh E. W. Bullinger nói về số này: “Đây là câu đơn giản nói lên sự thật: một con số xác định tương phản với con số không xác định trong cùng chương này”.
11. (a) Chương 7 có tin vui nào? (b) Triển vọng nào mở ra cho những người thuộc đám đông “vô-số người”?
11 Bullinger nói về con số không xác định nào? Trong câu 9, sứ đồ Giăng viết: “Sự ấy đoạn, tôi nhìn xem, thấy vô-số người, không ai đếm được, bởi mọi nước, mọi chi-phái, mọi dân-tộc, mọi tiếng mà ra”. (Khải-huyền 7:9) Ai hợp thành đám đông này, họ hiện có vị thế nào trước mặt Đức Chúa Trời, và tương lai họ sẽ ra sao? Câu trả lời trong Khải-huyền là tin mừng cho dân trên đất. Chúng ta đọc: “Đó là những kẻ ra khỏi cơn đại-nạn, đã giặt và phiếu trắng áo mình trong huyết Chiên Con”. Nhờ đức tin nơi huyết của Đấng Christ đổ ra, họ được che chở trong “cơn đại-nạn”. Đấng Christ “sẽ... đưa chúng đến những suối nước sống; Đức Chúa Trời sẽ lau hết nước mắt nơi mắt chúng”. (Khải-huyền 7:14-17) Đúng vậy, hàng triệu người đang sống ngày nay có thể ở trong đám đông vô số người sẽ sống sót qua sự kết liễu của hệ thống mọi sự gian ác hiện tại. Là thần dân của Vua Giê-su Christ dưới Triều Đại Một Ngàn Năm, họ sẽ được ngài hướng dẫn để được sống đời đời trên đất. Chẳng phải đó là tin mừng hay sao?
“Sự phán-xét của Ngài đều chân-thật và công-bình”
12, 13. (a) Chương 8 đến 19 chứa đựng điều gì? (b) Tại sao những người thành thật không nên hoang mang vì những lời tiên tri đó?
12 Chương 8 đến 19 phần lớn làm cho sách Khải-huyền mang tiếng là sách nói trước về những tai họa khủng khiếp. Những chương này chứa thông điệp phán xét mạnh mẽ (được tượng trưng bởi tiếng loa, tai nạn và những bát thạnh nộ của Đức Chúa Trời) giáng trên nhiều phần tử của hệ thống mọi sự của Sa-tan. Những sự phán xét này được thi hành, trước hết trên tôn giáo giả (“Ba-by-lôn Lớn”), rồi đến hệ thống chính trị không tin kính, được tượng trưng bằng con thú.—Khải-huyền 13:1, 2; 17:5-7, 15, 16.a
13 Những chương này miêu tả sự tẩy sạch trên trời, Sa-tan và các quỉ của hắn bị quăng xuống vùng gần trái đất. Chỉ có điều này cho chúng ta sự giải thích hợp lý về sự khổ sở chưa từng có trên thế gian kể từ năm 1914. (Khải-huyền 12:7-12) Những chương này cũng miêu tả bằng ngôn ngữ tượng trưng về sự hủy diệt hệ thống mọi sự ác của Sa-tan trên đất. (Khải-huyền 19:19-21) Những người thành thật có nên sửng sốt trước những biến cố gay cấn đó không? Không, vì trong lúc Đức Chúa Trời thi hành sự phán xét, có tiếng nhiều thiên sứ kêu lớn: “A-lê-lu-gia! Sự cứu-chuộc, vinh-hiển, quyền-phép đều thuộc về Đức Chúa Trời chúng ta. Vì những sự phán-xét của Ngài đều chân-thật và công-bình”.—Khải-huyền 19:1, 2.
14, 15. (a) Hệ thống gian ác hiện tại sẽ được kết liễu trong sự công bình như thế nào? (b) Tại sao phần này của Khải-huyền phải là cớ vui mừng cho những người thành thật?
14 Đức Giê-hô-va sẽ không đem lại một hệ thống mọi sự công bình mà không loại trừ những người hủy hoại trái đất. (Khải-huyền 11:17, 18; 19:11-16; 20:1, 2) Tuy nhiên, không người nào hoặc nước chính trị nào có quyền hoặc sức mạnh làm được điều này. Chỉ mình Đức Giê-hô-va cùng với Vua và Quan Xét được Ngài bổ nhiệm là Giê-su Christ mới có thể làm điều này trong sự công bình.—2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:6-9.
15 Như Khải-huyền cho thấy khá rõ, Đức Giê-hô-va có ý định kết liễu hệ thống gian ác hiện tại. Sự kiện này phải là cớ vui mừng cho “những người nào than-thở khóc-lóc về mọi sự gớm-ghiếc đã phạm”. (Ê-xê-chi-ên 9:4) Điều này phải in sâu vào trí họ việc cần phải khẩn cấp làm theo lời gọi của thiên sứ mang tin vui: “Hãy kính-sợ Đức Chúa Trời,... vì giờ phán-xét của Ngài đã đến; hãy thờ-phượng Đấng dựng nên trời, đất”. (Khải-huyền 14:7) Mong rằng những người đó thờ phượng và phụng sự Đức Giê-hô-va cùng với các Nhân Chứng của Ngài, là “những kẻ vẫn giữ các điều-răn của Đức Chúa Trời và lời chứng của Đức Chúa Jêsus”.—Khải-huyền 12:17.
Triều Đại Một Ngàn Năm đầy vinh quang
16. (a) Tại sao nhà thờ của các đạo tự xưng theo Đấng Christ bác bỏ hy vọng về Triều Đại Một Ngàn Năm? (b) Tại sao Nhân Chứng Giê-hô-va tin rằng lời cầu nguyện mẫu sẽ được thực hiện?
16 Chương 20 đến 22 của sách Khải-huyền cho chúng ta căn bản để đặt hy vọng vào Triều Đại Một Ngàn Năm. Chỉ có phần này của Kinh Thánh thật sự nói đến thời kỳ một ngàn năm, thời kỳ mở đầu cho hạnh phúc bất tận trên trời và dưới đất. Các đạo tự xưng theo Đấng Christ đã bác bỏ hy vọng về Triều Đại Một Ngàn Năm. Vì giáo lý nhà thờ dạy rằng những người công bình lên trời và người ác xuống địa ngục, nên họ không dạy gì về địa đàng trên đất. Lời cầu nguyện mẫu xin cho “ý Cha được nên, ở đất như trời” mất hết ý nghĩa đối với hầu hết thành viên của các đạo tự xưng theo Đấng Christ. (Ma-thi-ơ 6:10) Nhưng với Nhân Chứng Giê-hô-va thì lại khác. Họ tin chắc rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời không làm trái đất “trống-không”, nhưng làm nên “để dân ở”. (Ê-sai 45:12, 18) Vì vậy, lời tiên tri xưa, lời cầu nguyện mẫu và hy vọng về Triều Đại Một Ngàn Năm của Khải-huyền đều ăn khớp với nhau. Trong Triều Đại Một Ngàn Năm, Đấng Christ sẽ lo sao cho ý muốn Đức Giê-hô-va được thực hiện trên đất, cũng như ở trên trời.
17. Điều gì cho biết rằng “một ngàn năm” được hiểu theo nghĩa đen?
17 Từ ‘một ngàn năm’ được thấy sáu lần trong bảy câu đầu của Khải-huyền chương 20 câu 1-7. Điều đáng chú ý là sự kiện nó được dùng bốn lần với mạo từ xác định trong tiếng Hy Lạp, cho chúng ta biết nó nói đến một ngàn năm theo nghĩa đen, chứ không chỉ một thời gian dài không rõ rệt, như nhiều bình luận gia của các đạo tự xưng theo Đấng Christ muốn chúng ta tin. Điều gì xảy ra trong Triều Đại Một Ngàn Năm? Trước hết, Sa-tan không được hoạt động suốt khoảng thời gian này. (Khải-huyền 20:1-3; so sánh Hê-bơ-rơ 2:14). Điều đó quả là tin mừng!
18. (a) Tại sao Triều Đại Một Ngàn Năm có thể được gọi là “ngày” phán xét? (b) Điều gì xảy ra cuối hạn một ngàn năm?
18 Vì “quyền xét-đoán” được giao cho những người làm vua “trị-vì với Ngài [Đấng Christ] trong một ngàn năm”, thời kỳ này thật sự là “ngày” phán xét dài một ngàn năm. (Khải-huyền 20:4, 6; so sánh Công-vụ các Sứ-đồ 17:31; 2 Phi-e-rơ 3:8). Người chết sẽ được sống lại và, cùng với những người sống sót qua “cơn đại-nạn”, sẽ được xét xử công bằng theo những việc làm hoặc hành động của họ trong thời gian đó. (Khải-huyền 20:12, 13) Vào cuối hạn một ngàn năm, Sa-tan sẽ được thả ra ít lâu để thử thách loài người lần cuối, sau đó hắn, các quỉ, và bất cứ những ai phản loạn trên đất đi theo hắn, sẽ bị hủy diệt đời đời. (Khải-huyền 20:7-10) Những người vượt qua thử thách sẽ được ghi tên vĩnh viễn vào “sách sự sống” và sẽ được dẫn vào sự sống đời đời trong hạnh phúc, phụng sự và thờ phượng Đức Giê-hô-va trong địa đàng trên đất.—Khải-huyền 20:14, 15; Thi-thiên 37:9, 29; Ê-sai 66:22, 23.
19. (a) Tại sao chúng ta có thể chắc chắn rằng những lời hứa tuyệt diệu nêu ra trong sách Khải-huyền sẽ được thực hiện? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài kế tiếp?
19 Những điều đó là tin vui nêu ra trong sách Khải-huyền. Đó không phải là lời hứa suông do người ta đặt ra. Sứ đồ Giăng viết: “Đấng ngự trên ngôi phán rằng: Nầy, ta làm mới lại hết thảy muôn vật. Đoạn, lại rằng: Hãy chép; vì những lời nầy đều trung-tín và chân-thật”. (Khải-huyền 21:5) Chúng ta phải làm gì để hưởng được ân phước đến từ tin vui này? Sách Khải-huyền chứa nhiều lời khuyên cho những người muốn làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Làm theo lời khuyên đó sẽ đem lại hạnh phúc vô hạn cho chúng ta, ngay bây giờ và mãi mãi về sau, như bài kế tiếp cho thấy.
[Chú thích]
a Muốn biết chi tiết về sách Khải-huyền, hãy xem cuốn Khải-huyền gần đến cực điểm vinh quang! (Anh ngữ) do Hội Tháp Canh xuất bản năm 1988.
Điểm để ôn lại
◻ Những lẽ thật căn bản nào tìm thấy nơi Khải-huyền chương 4 đến 6 hợp thành phần quan trọng của tin vui?
◻ Tin vui nào tìm thấy nơi Khải-huyền chương 7?
◻ Tại sao những người thành thật không nên bị hoang mang bởi những thông điệp phán xét tìm thấy trong Khải-huyền?
◻ Triều Đại Một Ngàn Năm sẽ là “ngày” phán xét trong những cách nào?
[Hình nơi trang 10]
Vua Giê-su Christ sẽ hoàn toàn loại trừ chiến tranh, đói kém và sự chết khỏi trái đất