Sự giải cứu khi Giê-su Christ hiện đến
“Hãy vui-mừng... hầu cho đến ngày vinh-hiển của Ngài hiện ra, thì anh em cũng được vui-mừng nhảy-nhót” (I PHI-E-RƠ 4:13).
1. Đức Giê-hô-va đã làm cho đời sống các tôi tớ Ngài được phong phú như thế nào?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA ban cho Nhân-chứng của Ngài nhiều món quà khiến đời sống họ được phong phú. Với tư cách Đấng Dạy dỗ Vĩ đại, Ngài ban cho chúng ta sự thông sáng để hiểu biết trọn vẹn ý muốn và ý định của Ngài. Qua thánh linh, Ngài giúp chúng ta trau giồi khả năng phổ biến sự sáng một cách dạn dĩ. Sứ đồ Phao-lô được soi dẫn nói với chúng ta nơi I Cô-rinh-tô 1:6, 7: “Lời chứng về đấng Christ đã được vững-bền ở giữa anh em. Anh em đang trông-đợi kỳ Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta hiện đến, cũng chẳng thiếu một ơn nào”.
2. “Kỳ Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta hiện đến” đưa ra triển vọng vui mừng nào?
2 “Kỳ Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta hiện đến” có nghĩa gì? Đây nói về lúc mà Giê-su hiện đến với tư cách là vị Vua vinh hiển, ra tay hành động để thưởng các môn đồ trung thành của ngài và báo thù những kẻ không tin kính. Như I Phi-e-rơ 4:13 cho biết, đó sẽ là lúc các tín đồ được xức dầu và trung kiên của đấng Christ cùng bạn đồng hành trung thành thuộc “đám đông” “vui-mừng nhảy-nhót”, vì điều đó báo hiệu sự kết liễu hệ thống mọi sự của Sa-tan.
3. Như anh em chúng ta ở thành Tê-sa-lô-ni-ca xưa, chúng ta phải đứng vững như thế nào?
3 Vì lúc ấy sắp đến nên Sa-tan lấy làm giận dữ và gia tăng áp lực đối với chúng ta. Hắn giống như một con sư tử rống, cố nuốt chúng ta. Chúng ta phải đứng vững! (I Phi-e-rơ 5:8-10). Khi mới vào lẽ thật, các anh em của chúng ta tại thành Tê-sa-lô-ni-ca xưa đã gặp phải hoạn nạn giống như nhiều Nhân-chứng Giê-hô-va ngày nay. Bởi vậy, lời sứ đồ Phao-lô gửi tới họ có rất nhiều ý nghĩa đối với chúng ta. Ông viết: “Theo sự công-bình Đức Chúa Trời, thì ắt là Ngài lấy đều khổ báo những kẻ làm khổ anh em, và cho anh em, là kẻ chịu khổ, được nghỉ-ngơi với chúng tôi, trong khi Đức Chúa Jêsus từ trời hiện đến với các thiên-sứ của quyền-phép Ngài, giữa ngọn lửa hừng, báo-thù những kẻ chẳng hề nhận biết Đức Chúa Trời, và không vâng-phục Tin-lành của Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta” (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:6-8). Đúng vậy, sự giải cứu sẽ đến!
4. Tại sao các nhà lãnh đạo tôn giáo đáng tội để bị hành quyết vào lúc Giê-su hiện đến?
4 Vào thời Phao-lô, nhiều hoạn nạn đó do các nhà lãnh đạo tôn giáo Do-thái gây ra. Ngày nay cũng thế, những kẻ tự xưng mình đại diện cho Đức Chúa Trời, đặc biệt là giới chức giáo phẩm tự xưng theo đấng Christ thường xúi giục người khác chống đối Nhân-chứng Giê-hô-va, là những người yêu chuộng hòa bình. Họ làm ra vẻ biết Đức Chúa Trời, nhưng lại từ chối “Chúa có một”, tức Đức Giê-hô-va của Kinh-thánh và thay thế Ngài bằng Chúa Ba Ngôi huyền bí (Mác 12:29). Họ không vâng phục tin mừng về Chúa Giê-su của chúng ta, nhưng tìm sự cứu giúp nơi sự cai trị của loài người và từ chối tin mừng về Nước Trời công bình do đấng Christ cai trị. Tất cả các nhà lãnh đạo tôn giáo chống đối đó sẽ bị mất mạng vào lúc “Đức Chúa Jêsus từ trời hiện đến”!
Giê-su Christ “xuống [đến]”
5. Sự hiện đến của Giê-su được miêu tả một cách sống động thế nào nơi Ma-thi-ơ 24:29, 30?
5 Giê-su miêu tả sự hiện đến đó một cách sống động nơi Ma-thi-ơ 24:29, 30. Khi miêu tả các khía cạnh của điềm chỉ về sự hiện diện của ngài và sự kết liễu hệ thống mọi sự, ngài nói: “Mặt trời liền tối-tăm, mặt trăng không sáng, các ngôi sao từ trên trời sa xuống, và thế-lực của các từng trời rúng động”. Khi ấy “điềm Con người sẽ hiện ra ở trên trời”. Mọi dân tộc trên đất “sẽ đấm ngực, và thấy Con người [Vị Vua Mê-si do Đức Chúa Trời lập lên] lấy đại-quyền đại-vinh ngự trên mây trời mà xuống”. Sự “xuống [đến]”, tiếng Hy Lạp là er·khoʹme·non, chỉ về việc Giê-su xuất hiện với tư cách là đấng làm thánh danh Đức Giê-hô-va.
6, 7. Làm thế nào mà “mọi mắt sẽ trông thấy” ngài và những ai có mặt trong số đó?
6 Sứ đồ Giăng cũng miêu tả sự “đến” này nơi Khải-huyền 1:7. Nơi đây ông nói: “Kìa, Ngài đến giữa những đám mây”. Những kẻ thù đó sẽ không thật sự thấy Giê-su bằng mắt phàm vì “những đám mây” có nghĩa ngài sẽ đến một cách vô hình để thi hành sự phán xét. Nếu người phàm nhìn được sự vinh hiển trên trời của Giê-su với cặp mắt trần, họ sẽ bị mù, cũng như Sau-lơ trên đường đi Đa-mách đã bị mù khi Giê-su vinh hiển hiện ra để cho ông thấy trong một ánh sáng chói lòa (Công-vụ các Sứ-đồ 9:3-8; 22:6-11).
7 Lời tường thuật của sách Khải-huyền nói rằng “mọi mắt sẽ trông thấy, cả đến những kẻ đã đâm Ngài cũng trông thấy; hết thảy các chi họ trong thế-gian sẽ than-khóc vì cớ Ngài”. Điều này có nghĩa là những kẻ chống đối trên đất sẽ nhận biết là Giê-su đến trong quyền năng và vinh hiển sáng ngời với tư cách Đấng Hành quyết của Đức Giê-hô-va khi ngài giáng sự hủy diệt lên đầu họ. Tại sao những kẻ nghịch đó được miêu tả là “những kẻ đã đâm Ngài”? Đó là vì thái độ cay đắng của họ đối với tôi tớ của Đức Giê-hô-va ngày nay cũng giống như thái độ của những kẻ bắt bớ Giê-su thời xưa. Thật thế, họ sẽ “than-khóc vì cớ Ngài”.
8. Cả Giê-su lẫn Phao-lô báo trước gì về việc tai họa đến một cách thình lình?
8 Ngày báo thù của Đức Giê-hô-va sẽ đến như thế nào? Trong lời tiên tri nơi Lu-ca đoạn 21, Giê-su miêu tả các biến cố tàn khốc đã được dùng làm điềm chỉ về sự ngài hiện diện từ năm 1914. Rồi, nơi các Lu-ca đoạn 21 câu 34 và 35, Giê-su răn: “Hãy tự giữ lấy mình, e rằng vì sự ăn-uống quá-độ, sự say-sưa và sự lo-lắng đời nầy làm cho lòng các ngươi mê-mẩn chăng, và e ngày ấy đến thình-lình trên các ngươi như lưới bủa; vì ngày đó sẽ đến cho mọi người ở khắp trên mặt đất cũng vậy”. Vâng, ngày báo thù của Đức Giê-hô-va sẽ đến thình lình, đột nhiên! Sứ đồ Phao-lô xác nhận điều này nơi I Tê-sa-lô-ni-ca 5:2, 3. Ông nói: “Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong ban đêm vậy. Khi người ta sẽ nói rằng: Bình-hòa và an-ổn, thì tai-họa thình-lình vụt đến”. Ngay cả bây giờ các quốc gia đang bàn về hòa bình và an ninh và đề nghị củng cố địa vị của Liên Hiệp Quốc bằng biện pháp dùng các lực lượng quân sự để giữ trật tự ở những nơi có tình trạng bất an.
9. “Ánh sáng được bủa ra” cho ai và tại sao?
9 Trong câu I Tê-sa-lô-ni-ca 5:4 và 5, sứ đồ Phao-lô nói tiếp cho chúng ta biết: “Nhưng, hỡi anh em, anh em chẳng phải ở nơi tối-tăm, nên nỗi ngày đó đến thình-lình cho anh em như kẻ trộm. Anh em đều là con của sự sáng và con của ban ngày. Chúng ta không phải thuộc về ban đêm, cũng không phải thuộc về sự mờ-tối”. Chúng ta vui mừng được làm con của sự sáng—những người mang sự sáng đến cho những ai khao khát hòa bình và an ninh thật sự trong thế giới mới của Đức Chúa Trời. Chúng ta đọc nơi Thi-thiên 97:10, 11: “Hỡi những kẻ yêu-mến Đức Giê-hô-va, hãy ghét sự ác: Ngài bảo-hộ linh-hồn của các thánh Ngài, và giải-cứu họ khỏi tay kẻ dữ. Ánh sáng được bủa ra cho người công-bình, và sự vui-vẻ cho người có lòng ngay-thẳng”.
Thứ tự các biến cố
10. Chúng ta nên lưu ý đến lời báo trước nào về ngày phán xét của Đức Chúa Trời? (Khải-huyền 16:15).
10 Các biến cố của hoạn nạn lớn sẽ diễn ra theo thứ tự nào? Chúng ta hãy mở Khải-huyền đoạn 16 trong sách Khải-huyền. Xin lưu ý các Khải-huyền 16 câu 13 đến 16 miêu tả các quỉ ô uế nhóm các nước trên khắp trái đất lại để đánh trận Ha-ma-ghê-đôn, tức trận chiến tranh trong ngày lớn của Đức Chúa Trời Toàn năng. Một lần nữa, Kinh-thánh nhấn mạnh cách mà ngày phán xét đến như kẻ trộm và răn chúng ta là phải tỉnh thức—luôn luôn giữ bộ y phục thiêng liêng vì nhờ nó mà chúng ta được cứu rỗi. Đã đến lúc để phán xét dân cư trên đất, các nước và một người khác nữa. Ai thế?
11. Người đàn bà miêu tả nơi Khải-huyền 17:5 đã cho thấy mình là ai như thế nào?
11 Đó là người đàn bà theo nghĩa bóng đã hết sức tìm cách làm cho mình trở thành một người quan trọng. Khải-huyền 17:5 tả người đàn bà đó như là một sự “MẦU-NHIỆM [HUYỀN BÍ]: BA-BY-LÔN LỚN, LÀ MẸ KẺ TÀ-DÂM VÀ SỰ ĐÁNG GỚM-GHÊ TRONG THẾ-GIAN”. Nhưng y thị không còn là một sự huyền bí nữa đối với Nhân-chứng Giê-hô-va. Y thị đã cho thấy rõ mình là đế quốc tôn giáo giả thế giới, trong đó các giáo phái tự xưng theo đấng Christ chiếm một phần lớn. Đức Giê-hô-va lấy làm ghê tởm về việc y thị nhúng tay vào chính trị, trở nên “say huyết các thánh-đồ” bằng cách bắt bớ các tín đồ thật của đấng Christ và chịu trách nhiệm về việc làm đổ máu của “hết thảy những kẻ đã bị giết trong thế-gian”, kể cả hơn một trăm triệu người bị chết trong các cuộc chiến tranh chỉ nội trong thế kỷ 20 này (Khải-huyền 17:2, 6; 18:24).
12. Tại sao các giáo phái tự xưng theo đấng Christ bị lên án?
12 Tệ hơn hết, các giáo phái tự xưng theo đấng Christ đã làm ô danh Đức Chúa Trời, là Đấng mà họ giả nhân giả nghĩa cho mình là kẻ đại diện Ngài. Họ dạy các triết lý của Ba-by-lôn và Hy Lạp thay vì dạy Lời thuần túy của Đức Chúa Trời và họ đã góp phần làm cho nền đạo đức của nhiều dân tộc bị suy đồi bằng cách tán thành lối sống phóng túng coi thường các nguyên tắc của Kinh-thánh. Lời nơi Gia-cơ 5:1, 5 lên án những kẻ tham lam buôn bán bất lương trong số những người đó: “Hỡi anh em là kẻ giàu-có! Hãy khóc-lóc, kêu-la, vì cớ hoạn-nạn sẽ đổ trên anh em. Anh em đã sống trên thế-gian ăn uống vui-sướng và xa-xỉ, anh em đã làm cho lòng mình no-nê trong ngày chém-giết”.
Hủy diệt Ba-by-lôn Lớn!
13. Cơn hoạn nạn lớn bắt đầu như thế nào, và Khải-huyền 18:4, 5 nhấn mạnh sự khẩn cấp gì?
13 Cơn hoạn nạn lớn bắt đầu với việc Đức Giê-hô-va hành quyết Ba-by-lôn Lớn. Khải-huyền 17:15-18 diễn tả một cách sống động “ý-muốn” của Đức Chúa Trời là vận động “mười cái sừng”, tức các lực lượng hùng mạnh nằm trong “con thú” đa quốc gia LHQ để hủy diệt dâm phụ đó. “Mười cái sừng ngươi đã thấy, và chính mình con thú sẽ ghét dâm-phụ, sẽ bóc-lột cho nó lỏa-lồ, ăn thịt nó và thiêu nó bằng lửa. Bởi Đức Chúa Trời đã để cho chúng có lòng vâng làm theo ý-muốn Ngài”. Thảo nào có một tiếng nói từ trời loan báo lời cảnh cáo khẩn cấp nơi Khải-huyền 18:4, 5: “Hỡi dân ta, hãy ra khỏi Ba-by-lôn, kẻo các ngươi dự phần tội-lỗi với nó, cũng chịu những tai-họa nó nữa chăng; vì tội-lỗi nó chất cao tày trời, và Đức Chúa Trời đã nhớ đến các sự gian-ác nó”. Lời kêu gọi này tiếp tục vang dội: Hãy cắt đứt mọi liên lạc với tôn giáo giả trước khi quá muộn!
14. Ai sẽ than khóc vì Ba-by-lôn Lớn bị hủy diệt, và tại sao?
14 Thế gian sẽ nghĩ gì về việc Ba-by-lôn Lớn bị tàn phá? Từ đằng xa, các nhà chính trị tham nhũng, tức “các vua thế-gian”, than khóc y thị vì qua nhiều thế kỷ họ đã cùng nhau vui hưởng lạc thú tà dâm thiêng liêng. Ngoài ra, giới thương mại tham lam, “các nhà buôn... đã nhờ Ba-by-lôn làm nên giàu”, cũng khóc lóc và than khóc y thị. Những kẻ này cũng tránh xa người đàn bà đó và nói: “Khốn thay! Khốn thay! thành lớn kia, đã từng mặc vải gai mịn, màu tía và màu điều, rực-rỡ những vàng ngọc cùng hột châu! Trong một giờ, sự giàu-có sang-trọng dường bao đã biến mất hết!” Tất cả các lễ phục lộng lẫy và các đại giáo đường nguy nga trên thế giới sẽ biến mất vĩnh viễn! (Khải-huyền 18:9-17). Nhưng có phải mọi người đều than khóc Ba-by-lôn Lớn không?
15, 16. Dân sự của Đức Chúa Trời sẽ có lý do gì để vui mừng?
15 Khải-huyền 18:20, 21 đáp: “Hỡi trời, hãy vui-mừng về việc nó đi, và các thánh, các sứ-đồ, các tiên-tri, cũng hãy mừng-rỡ đi; vì Đức Chúa Trời đã xử công-bình cho các ngươi trong khi Ngài xét-đoán nó”. Giống như cái cối đá lớn bị quăng xuống biển, “Ba-by-lôn là thành lớn cũng... [đã] bị quăng mạnh xuống như vậy, và không ai tìm thấy nó nữa”.
16 Thật là một lý do để vui mừng! Khải-huyền 19:1-8 xác nhận điều này. Từ trời có tiếng kêu lớn “A-lê-lu-gia” vang lên bốn lần. Ba lần đầu tiếng kêu “A-lê-lu-gia” vang lên để ngợi khen Đức Giê-hô-va vì Ngài đã thi hành sự phán xét công bình trên dâm phụ đê tiện, tức Ba-by-lôn Lớn. Đế quốc tôn giáo giả thế giới sẽ không còn nữa! Lại có tiếng từ ngôi của Đức Chúa Trời phán: “Hết thảy các ngươi là tôi-tớ Đức Chúa Trời chúng ta, vẫn kính-sợ Ngài, nhỏ hay lớn, đều hãy ngợi-khen Ngài!” Được góp tiếng hát bài ca đó trong tương lai thật là một đặc ân lớn biết bao cho chúng ta!
Lễ cưới Chiên Con
17. Khi so sánh Khải-huyền 11:7 và 19:6, chúng ta thấy Đức Giê-hô-va bắt đầu cai trị với tư cách là Vua trong hai đoạn văn nào?
17 Tiếng kêu “A-lê-lu-gia” lần thứ tư đưa ra một đề tài khác: “A-lê-lu-gia, vì Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta, là Đấng Toàn-năng, đã cầm quyền cai-trị”. Nhưng phải chăng lời này tương tự như điệp khúc đã được đề cập đến nơi Khải-huyền 11:17? Chúng ta đọc ở đó: “Hỡi Chúa là Đức Chúa Trời Toàn-năng,... chúng tôi cảm-tạ Ngài, vì Ngài đã cầm quyền rất cao trong tay và đã trị-vì”. Vâng. Tuy nhiên, đoạn văn nơi Khải-huyền 11:17 nói đến việc Đức Giê-hô-va thành lập Nước Trời của đấng Mê-si năm 1914 để “dùng gậy sắt mà cai-trị mọi dân-tộc” (Khải-huyền 12:5). Khải-huyền 19:6 nằm trong đoạn văn nói về sự hủy diệt Ba-by-lôn Lớn. Một khi loại bỏ tôn giáo giống như dâm phụ, thiên quyền của Đức Giê-hô-va được biện minh đời đời. Lúc bấy giờ và cho đến vô tận, mọi người sẽ thờ phượng Ngài như Vua và Đấng Thống trị Tối thượng!
18. Việc Ba-by-lôn Lớn bị tiêu diệt mở đường cho lời thông báo hân hoan nào?
18 Vì thế mới có thể có lời thông báo hân hoan này: “Chúng ta hãy hớn-hở vui-mừng, tôn-vinh Ngài [Đức Giê-hô-va]; vì lễ cưới Chiên Con đã tới, và vợ Ngài đã sửa-soạn, đã cho người được mặc áo sáng-láng tinh-sạch bằng vải gai mịn (vải gai mịn tức là công-việc công-bình của các thánh-đồ)” (Khải-huyền 19:7, 8). Kinh-thánh không nói khi nào những người được xức dầu còn sót lại trên đất sẽ nhận được sự sống lại ở trên trời. Nhưng đoạn văn ở đây cho chúng ta biết chắc là khi họ tham dự tiệc cưới Chiên Con, Giê-su Christ, đó sẽ là lúc vui mừng, và nhất là vì họ sẽ tận mắt chứng kiến dâm phụ đê tiện Ba-by-lôn Lớn bị hạ nhục.
Thế gian của Sa-tan bị hủy diệt
19. Khải-huyền 19:11-21 miêu tả những diễn biến nào khác?
19 Con ngựa bạch được đề cập đến lần đầu tiên nơi Khải-huyền 6:2 bấy giờ lại xuất hiện nữa. Chúng ta đọc nơi Khải-huyền 19:11: “Đấng cỡi ngựa [bạch] ấy gọi là Đấng TRUNG-TÍN VÀ CHƠN-THẬT; Ngài lấy lẽ công-bình mà xét-đoán và chiến-đấu”. Như vậy, “VUA CỦA CÁC VUA VÀ CHÚA CỦA CÁC CHÚA” cưỡi ngựa ra trận để đánh tan các nước và “giày-đạp thùng rượu cơn thạnh-nộ của Đức Chúa Trời toàn-năng”. Sự kiện “các vua thế-gian cùng những quân-đội mình” nhóm lại đặng tranh chiến tại Ha-ma-ghê-đôn chỉ vô ích mà thôi. Đấng cưỡi ngựa bạch sẽ hoàn tất cuộc chinh phục của ngài. Không ai sẽ còn thấy bất cứ vết tích nào của tổ chức trên đất của Sa-tan (Khải-huyền 19:12-21).
20. Chuyện gì sẽ xảy đến cho chính Ma-quỉ?
20 Nhưng còn chính Ma-quỉ thì sao? Nơi Khải-huyền 20:1-6, Giê-su Christ được miêu tả là “vị thiên-sứ trên trời xuống, tay cầm chìa-khóa vực sâu và một cái xiềng lớn”. Ngài bắt con rồng, tức con rắn xưa, vốn là Ma-quỉ và Sa-tan, xiềng hắn lại, quăng xuống vực sâu và niêm phong lại. Không còn Sa-tan để lừa dối các dân tộc nữa, Triều đại vinh hiển Một Ngàn Năm trị vì của Chiên Con và vợ mới cưới của ngài sẽ bắt đầu. Không còn những giọt nước mắt sầu khổ nữa! Không còn sự chết do A-đam truyền lại nữa! Không còn than khóc, kêu ca hoặc đau đớn nữa! “Những sự thứ nhứt đã qua rồi” (Khải-huyền 21:4).
21. Trong khi chúng ta tha thiết mong đợi Giê-su Christ hiện đến, chúng ta phải quyết tâm làm gì?
21 Trong khi tha thiết mong đợi Chúa Giê-su Christ hiện đến, chúng ta hãy bày tỏ lòng hăng hái nói cho người khác biết những lời hứa đầy yêu thương của Đức Chúa Trời về Nước Trời. Sự giải cứu đã gần kề! Mong sao chúng ta tiến tới, tiến tới không ngừng với tư cách con cái được thông sáng của Chúa Thống trị Giê-hô-va!
Ôn lại
◻ Điều gì cho biết là Giê-su Christ sẽ hiện đến một ngày rất gần đây?
◻ Ngày báo thù của Đức Giê-hô-va sẽ đến như thế nào?
◻ “Những người yêu mến Đức Giê-hô-va” nên nghĩ thế nào về tình trạng thế giới hiện tại?
◻ Các biến cố của cơn đại nạn sẽ diễn ra theo thứ tự nào?
[Hình nơi trang 21]
Giê-su “đến giữa những đám mây” một cách vô hình, để thi hành sự phán xét
[Hình nơi trang 23]
Không bao lâu nữa, tôn giáo giả, hệ thống gian ác của Sa-tan, và chính Sa-tan sẽ biến mất