Tiến lên giành chiến thắng chung cuộc!
“Tôi nhìn xem, thấy một con ngựa bạch. Người cỡi ngựa có một cái cung; có kẻ ban cho người một cái mão triều-thiên, và người đi như kẻ đã thắng lại đến đâu cũng thắng [“hoàn tất sự chinh phục của mình”, “NW”]”.—KHẢI-HUYỀN 6:2.
1. Sứ đồ Giăng đã thấy những biến cố tương lai nào trong sự hiện thấy?
NHỜ được Đức Chúa Trời soi dẫn, sứ đồ Giăng đã có thể nhìn thấy tương lai từ khoảng 1.800 năm trước và có thể mô tả lúc Đấng Christ được phong vương. Sứ đồ Giăng cần có đức tin để tin những điều trong sự hiện thấy. Ngày nay, chúng ta có bằng chứng rõ ràng là sự tấn phong được báo trước này đã xảy ra năm 1914. Bằng mắt đức tin, chúng ta thấy Chúa Giê-su ‘đi như kẻ đã thắng, hoàn tất sự chinh phục của mình’.
2. Ma-quỉ phản ứng ra sao trước sự thành lập Nước Trời, và phản ứng này là bằng chứng của điều gì?
2 Ngay khi Nước Trời được thành lập, Sa-tan đã bị đuổi khỏi trời nên càng giận dữ, chiến đấu kịch liệt hơn, nhưng chỉ hoài công. (Khải-huyền 12:7-12) Sự giận dữ của Sa-tan khiến tình trạng thế giới càng khó khăn hơn bao giờ hết. Xã hội loài người dường như đang tan rã. Đối với Nhân Chứng Giê-hô-va, đây là bằng cớ rõ ràng cho thấy Vua của họ đang “hoàn tất sự chinh phục của mình”.
Xã hội thế giới mới đang hình thành
3, 4. (a) Đã có những thay đổi nào trong cách tổ chức hội thánh Đấng Christ từ khi Nước Trời được thành lập, và tại sao những thay đổi này là cần thiết? (b) Đúng như Ê-sai đã báo trước, những thay đổi này đem lại những lợi ích nào?
3 Khi Nước Trời được thành lập cũng là lúc hội thánh được phục hồi của Đấng Christ cần được tổ chức lại—nay nhận lãnh nhiều trách nhiệm về Nước Trời hơn—theo sát với khuôn mẫu của hội thánh Đấng Christ hồi thế kỷ thứ nhất hơn. Do đó, các số Tháp Canh ngày 1 và ngày 15 tháng 6 năm 1938 xem xét việc nên điều hành tổ chức tín đồ Đấng Christ như thế nào. Sau đó, số ra ngày 15 tháng 12 năm 1971 với bài “Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương khác với Hội Đồng Pháp Lý” đã giúp nhận diện rõ hơn Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương thời nay. Năm 1972, để giúp đỡ và dẫn dắt các hội thánh địa phương, các hội đồng trưởng lão đã được bổ nhiệm.
4 Việc tái lập sự quản lý chu đáo đã củng cố hội thánh Đấng Christ thêm rất nhiều. Ngoài ra, hội thánh cũng được củng cố nhờ vào những sắp đặt của Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương nhằm giúp các trưởng lão chu toàn trách nhiệm, đồng thời chỉ dẫn họ giải quyết các vấn đề tư pháp. Những tiến bộ dần dần trong cách hoạt động của tổ chức Đức Chúa Trời trên đất và các kết quả khả quan đã được Ê-sai 60:17 báo trước: “Ta sẽ ban vàng thay cho đồng, ban bạc thay cho sắt, ban đồng thay cho gỗ, ban sắt thay cho đá. Ta sẽ khiến sự bình-an làm quan cai-trị ngươi, và sự công-bình làm quan xử-đoán ngươi”. Các thay đổi tích cực này phản ánh ân phước của Đức Chúa Trời và cũng là bằng chứng cho thấy Ngài chấp nhận những người đã sốt sắng ủng hộ Nước Trời.
5. (a) Sa-tan phản ứng ra sao trước ân phước mà Đức Giê-hô-va dành cho dân Ngài? (b) Phù hợp với Phi-líp 1:7, dân của Đức Giê-hô-va phản ứng ra sao trước sự giận dữ của Sa-tan?
5 Sa-tan hẳn phải nhận thấy sự quan tâm và dẫn dắt đầy yêu thương của Đức Chúa Trời dành cho dân Ngài sau khi Nước Trời được thành lập. Chẳng hạn, năm 1931, nhóm nhỏ các tín đồ Đấng Christ này đã công khai tuyên bố họ không chỉ là những Học Viên Kinh Thánh, mà còn là Nhân Chứng Giê-hô-va, phù hợp với Ê-sai 43:10. Do ngẫu nhiên trùng hợp hay cố tình, Ma-quỉ đã khuấy động làn sóng bắt bớ chưa từng thấy trên khắp thế giới. Ngay cả tại những nước thường được xem là có tự do tôn giáo, như Hoa Kỳ, Canada, và Đức, các Nhân Chứng cũng nhiều lần buộc phải đấu tranh bằng pháp lý để duy trì sự tự do thờ phượng của họ. Đến năm 1988, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã xử lại 71 vụ liên quan đến Nhân Chứng Giê-hô-va, kết quả là hai phần ba những vụ ấy được phán quyết có lợi cho Nhân Chứng. Ngày nay, khắp thế giới, các vụ đấu tranh về pháp lý vẫn tiếp tục như hồi thế kỷ thứ nhất, nhằm “dùng pháp lý để bênh vực và củng cố tin mừng”.—Phi-líp 1:7, NW.
6. Các sự cấm đoán và hạn chế có ngăn cản được dân của Đức Giê-hô-va tiến lên không? Hãy minh họa.
6 Trong thập niên 1930, khi Thế Chiến II sắp bùng nổ, các chính phủ độc tài đã cấm đoán hoặc hạn chế công việc của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Đức, Tây Ban Nha, Nhật, và nhiều nước khác nữa. Nhưng năm 2000, chỉ riêng ba nước vừa nêu trên đã có gần 500.000 người công bố tích cực về Nước Đức Chúa Trời. Con số ấy gần gấp mười lần số Nhân Chứng trên toàn thế giới vào năm 1936! Rõ ràng các sự cấm đoán và hạn chế không thể ngăn cản dân của Đức Giê-hô-va cùng tiến bước với vị Lãnh Đạo chiến thắng của họ là Chúa Giê-su Christ.
7. Biến cố nổi bật nào đã diễn ra vào năm 1958, và từ đó đã có sự thay đổi gây ấn tượng nào?
7 Sự tiến lên này được thấy rõ tại Đại Hội Quốc Tế “Ý Định của Đức Chúa Trời”, tức đại hội lớn nhất của Nhân Chứng Giê-hô-va được tổ chức vào năm 1958 tại Thành Phố New York, với số người tham dự cao nhất là 253.922 người. Đến năm 1970, công việc của họ đã được mở ra ở ba nước nêu trên, trừ nước được gọi là Đông Đức vào thời đó. Nhưng các Nhân Chứng vẫn còn bị cấm đoán ở Liên Bang Xô Viết rộng lớn và tại các nước liên minh trong Hiệp Ước Warsaw. Ngày nay có hơn nửa triệu Nhân Chứng hoạt động ở những nước trước kia thuộc khối Cộng Sản.
8. Ân phước của Đức Giê-hô-va trên dân Ngài đã đem lại kết quả nào, và Tháp Canh năm 1950 đã nói gì về điều này?
8 Nhân Chứng Giê-hô-va đã được ban phước bằng sự gia tăng vì đã tiếp tục “tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài”. (Ma-thi-ơ 6:33) Lời tiên tri của Ê-sai đã ứng nghiệm theo nghĩa đen: “Kẻ rất nhỏ trong vòng họ sẽ nên một ngàn, còn kẻ rất hèn-yếu sẽ trở nên một dân mạnh. Ta, Đức Giê-hô-va, sẽ nôn-nả làm điều ấy trong kỳ nó!” (Ê-sai 60:22) Con số ấy vẫn tiếp tục gia tăng. Chỉ trong thập niên vừa qua, số những người tích cực ủng hộ Nước Trời đã tăng thêm hơn 1.750.000 người. Họ đã tự nguyện gia nhập nhóm người mà một số Tháp Canh ra năm 1950 đã nhận xét như sau: “Đức Chúa Trời nay đang chuẩn bị một xã hội thế giới mới... Thành phần cốt lõi này sẽ sống thoát qua Ha-ma-ghê-đôn,... là những người đầu tiên có mặt trong ‘đất mới’... được tổ chức theo cách thần quyền, hiểu rõ những thủ tục về tổ chức”. Bài báo kết luận: “Nào, hết thảy chúng ta, là xã hội thế giới mới, hãy cùng vững mạnh tiến lên!”
9. Những điều Nhân Chứng Giê-hô-va học được qua bao năm tháng đã chứng tỏ có lợi ích ra sao?
9 Qua bao năm tháng, xã hội thế giới mới ngày càng gia tăng đã học biết cách làm việc suôn sẻ và hữu hiệu, điều hiện đang được đánh giá cao, và có thể cũng rất quý giá cho công việc tái thiết sau Ha-ma-ghê-đôn. Chẳng hạn, các Nhân Chứng đã học cách tổ chức các đại hội, cung ứng các biện pháp cấp cứu cấp thời, và xây cất nhà ốc nhanh chóng. Hoạt động này đã khiến nhiều người thán phục và kính trọng Nhân Chứng Giê-hô-va.
Chỉnh lại những ấn tượng sai lầm
10, 11. Hãy cho thấy các ấn tượng sai lầm về Nhân Chứng Giê-hô-va đã được điều chỉnh như thế nào.
10 Tuy nhiên, cũng có nhiều người buộc tội Nhân Chứng Giê-hô-va là không hòa đồng với xã hội loài người. Đó chủ yếu là vì quan điểm đặt nền tảng trên Kinh Thánh của các Nhân Chứng về những vấn đề như tiếp máu, trung lập, hút thuốc lá, và đạo đức. Nhưng ngày càng nhiều người bắt đầu công nhận rằng quan điểm của các Nhân Chứng là đáng được xem xét. Chẳng hạn, một bác sĩ ở Ba Lan điện thoại đến văn phòng điều hành của Nhân Chứng Giê-hô-va, nói là bà và các cộng sự ở bệnh viện đã tranh luận hàng giờ về vấn đề tiếp máu. Vụ tranh luận do một bài đăng trong nhật báo tiếng Ba Lan Dziennik Zachodni gây ra. Bác sĩ ấy nói: “Cá nhân tôi rất tiếc là máu đã bị lạm dụng trong lãnh vực y học. Tình trạng này cần được thay đổi, và tôi sung sướng được biết đã có người nêu lên vấn đề này. Tôi mong có thêm thông tin”.
11 Tại một hội nghị được tổ chức vào năm ngoái, giới thẩm quyền của ngành y từ Canada, Châu Âu, Hoa Kỳ và Israel đã bàn luận về tài liệu được soạn thảo nhằm giúp các bác sĩ chữa trị bệnh nhân mà không cần dùng đến máu. Tại buổi họp được tổ chức ở Thụy Sĩ này, báo cáo cho thấy là trái với ý kiến thông thường, tỷ lệ tử vong nơi những bệnh nhân nhận tiếp máu thực ra cao hơn ở các bệnh nhân không tiếp máu. Các bệnh nhân là Nhân Chứng Giê-hô-va thường có thể xuất viện sớm hơn những bệnh nhân điều trị bằng máu, và nhờ vậy đã giảm được chi phí điều trị.
12. Nêu một ví dụ cho thấy những nhân vật quan trọng đã khen ngợi lập trường trung lập của Nhân Chứng Giê-hô-va về chính trị.
12 Đã có nhiều lời bình luận tích cực về lập trường trung lập của Nhân Chứng Giê-hô-va trước và trong Thế Chiến II khi họ chịu đựng sự tấn công của Quốc Xã. Lần đầu tiên, băng video Nhân Chứng Giê-hô-va bất khuất trước sự tấn công của Quốc Xã (Anh ngữ), do Nhân Chứng Giê-hô-va thực hiện, được trình chiếu thật đúng lúc tại trại tập trung Ravensbrück ở Đức ngày 6-11-1996, đã khơi dậy nhiều lời khen. Cũng ở phần khai mạc một buổi trình chiếu tương tự tại trại tập trung ở Bergen-Belsen ngày 18-4-1998, Tiến Sĩ Wolfgang Scheel, giám đốc Trung Tâm Giáo Dục Chính Trị ở Lower Saxony, đã thừa nhận: “Một trong những sự thật lịch sử gây lúng túng chính là sự kiện Nhân Chứng Giê-hô-va đã tỏ ra cương quyết hơn nhiều so với các giáo hội Ki-tô trong việc bác bỏ chủ nghĩa Quốc Xã... Dù nghĩ gì về sự dạy dỗ và sự sùng đạo của Nhân Chứng Giê-hô-va đi nữa, chúng ta cũng phải công nhận là sự kiên định của họ dưới chế độ Quốc Xã thật đáng kính trọng”.
13, 14. (a) Lời nhận xét đúng đắn nào bênh vực các tín đồ Đấng Christ thế kỷ thứ nhất đã được nói bởi một người không ai ngờ? (b) Nêu lên một số lời bình luận thuận lợi nhằm bênh vực dân Đức Chúa Trời ngày nay.
13 Việc những nhân vật quan trọng hay tòa án quyết định bênh vực Nhân Chứng Giê-hô-va trong những vấn đề gây tranh luận có thể giảm thiểu các thành kiến, và các Nhân Chứng được nhìn cách khách quan thuận lợi hơn. Điều này thường giúp họ dễ mở lời với những người trước kia chưa từng sẵn lòng nghe họ. Vì thế, những hành động bênh vực ấy rất đáng được hoan nghênh, và được Nhân Chứng Giê-hô-va thật sự biết ơn. Điều này nhắc chúng ta nhớ đến những gì xảy ra ở Giê-ru-sa-lem vào thế kỷ thứ nhất. Khi Tòa Công Luận tức tòa án tối cao Do Thái muốn diệt các tín đồ Đấng Christ vì sự rao giảng sốt sắng của họ, ông Ga-ma-li-ên, “làm luật-sư, được dân-sự tôn-kính” đã cảnh báo như sau: “Hỡi người Y-sơ-ra-ên, hãy cẩn-thận về điều các ngươi sẽ xử với những người nầy... Hãy lánh xa những người đó, để mặc họ đi. Vì nếu mưu-luận và công-cuộc nầy ra bởi người ta, thì sẽ tự hư đi; nhưng nếu bởi Đức Chúa Trời ra, thì các ngươi phá-diệt những người đó chẳng nổi, và lại là liều mình đánh giặc cùng Đức Chúa Trời”.—Công-vụ 5:33-39.
14 Như ông Ga-ma-li-ên, nhiều nhân vật quan trọng gần đây đã lên tiếng bênh vực quyền tự do tôn giáo cho Nhân Chứng Giê-hô-va. Chẳng hạn, cựu chủ tịch Học Viện Quốc Tế về Tự Do Tôn Giáo và Tín Lý đã biện luận như sau: “Người ta không được phủ nhận các quyền về tín ngưỡng của một tôn giáo nào đó chỉ vì các niềm tin của tôn giáo ấy không được xã hội chấp nhận, hoặc không theo lệ thường”. Và một giáo sư môn nghiên cứu tôn giáo cách khoa học của đại học Leipzig đã nêu câu hỏi thích đáng sau đây về một ủy ban do chính phủ Đức thành lập nhằm điều tra xem xét các tổ chức gọi là giáo phái: “Tại sao chỉ những tôn giáo ít người mới bị giám sát, thay vì hai giáo hội lớn [Giáo Hội Công giáo La Mã và Giáo Hội Luther]?” Để biết câu trả lời, chúng ta chỉ cần xem lại lời nhận định của một cựu viên chức của chính phủ Đức: “Hiển nhiên, các kẻ năng nổ cuồng tín nấp sau hậu trường chính trị đã giựt dây cho ủy ban của chính phủ phải đi theo đường hướng của họ”.
Chúng ta trông đợi sự trợ giúp nơi ai?
15, 16. (a) Tại sao hành động của ông Ga-ma-li-ên chỉ có kết quả giới hạn? (b) Ba người có thế lực khác đã bị hạn chế ra sao trong việc tìm cách giúp Chúa Giê-su?
15 Những điều Ga-ma-li-ên nói chỉ nhằm nhấn mạnh rằng công việc nào được Đức Chúa Trời trợ giúp thì không thể thất bại. Lời phát biểu của ông trước Tòa Công Luận chắc chắn đã đem lại lợi ích cho các tín đồ Đấng Christ hồi ban đầu, nhưng họ cũng không quên lời Chúa Giê-su đã báo trước việc các môn đồ ngài sẽ bị bắt bớ cũng là sự thật. Hành động của Ga-ma-li-ên tuy ngăn được mưu đồ của các nhà lãnh đạo tôn giáo nhằm diệt họ, nhưng không hoàn toàn loại được sự bắt bớ, vì chúng ta đọc thấy như sau: “Chúng nghe theo lời người: thì đòi các sứ-đồ trở vào, sai đánh đòn, rồi cấm không được lấy danh Đức Chúa Jêsus mà giảng-dạy; đoạn, tha ra”.—Công-vụ 5:39, 40.
16 Lúc xử Chúa Giê-su, Bôn-xơ Phi-lát đã không thấy ngài có tội gì nên kiếm cách tha ngài. Nhưng ông không thực hiện được điều này. (Giăng 18:38, 39; 19:4, 6, 12-16) Ngay cả hai thành viên của Tòa Công Luận, Ni-cô-đem và Giô-sép ở A-ri-ma-thê, là những người ủng hộ Chúa Giê-su, cũng không đủ quyền hạn ngăn cản tòa án hành động chống lại ngài. (Lu-ca 23:50-52; Giăng 7:45-52; 19:38-40) Sự trợ giúp mà loài người cung cấp khi định lập trường bênh vực cho dân của Đức Giê-hô-va—dù là vì động lực gì đi nữa—cũng có giới hạn. Thế gian tiếp tục thù ghét những môn đồ thật của Đấng Christ, như đã thù ghét ngài. Sự trợ giúp hết mức chỉ có thể đến từ Đức Giê-hô-va.—Công-vụ 2:24.
17. Nhân Chứng Giê-hô-va có quan điểm thực tế nào, nhưng tại sao quyết tâm tiếp tục rao giảng tin mừng của họ không bị suy?
17 Nhân Chứng Giê-hô-va thực tế biết rằng sẽ tiếp tục bị bắt bớ. Sự chống đối chỉ ngừng khi hệ thống của Sa-tan bị đánh tan hoàn toàn. Thế nhưng, dù có khó chịu đi nữa, sự bắt bớ này cũng không thể khiến các Nhân Chứng chùn bước, không làm tròn nhiệm vụ rao giảng Nước Trời. Làm sao có thể khiến các Nhân Chứng nhụt chí khi họ được Đức Chúa Trời hỗ trợ? Họ nhìn gương sáng là Chúa Giê-su Christ, Đấng Lãnh Đạo can trường của họ.—Công-vụ 5:17-21, 27-32.
18. Dân của Đức Giê-hô-va còn phải đối đầu với khó khăn nào nữa, nhưng họ tin chắc kết quả sẽ ra sao?
18 Ngay từ ban đầu, tôn giáo thật đã gặp sự chống đối dữ dội. Không lâu nữa, tôn giáo thật sẽ là đối tượng của sự tấn công toàn lực của Gót, tức Sa-tan trong tình trạng bị hạ thấp, khi bị đuổi khỏi trời. Nhưng tôn giáo thật sẽ tiếp tục tồn tại. (Ê-xê-chi-ên 38:14-16) Dưới sự lãnh đạo của Sa-tan, “các vua trên khắp thế-gian... [sẽ] chiến-tranh cùng Chiên Con, Chiên Con sẽ được thắng, vì là Chúa của các chúa, Vua của các vua”. (Khải-huyền 16:14; 17:14) Vâng, Vua chúng ta đang tiến lên để giành chiến thắng chung cuộc, và không lâu nữa, ngài sẽ “hoàn tất sự chinh phục của mình”. Quả là một đặc ân khi được tiến lên cùng ngài, với lòng tin chắc là chẳng bao lâu nữa không ai có thể nói ngược lại các người thờ phượng Đức Giê-hô-va khi họ nói: “Đức Chúa Trời vùa-giúp [“ở với”, Trịnh Văn Căn] chúng ta”.—Rô-ma 8:31; Phi-líp 1:27, 28.
Bạn giải thích được không?
• Đức Giê-hô-va đã làm gì để củng cố hội thánh Đấng Christ từ khi Nước Trời được thành lập?
• Sa-tan đã làm gì nhằm ngăn cản Đấng Christ hoàn tất sự chinh phục của mình, và với kết quả nào?
• Chúng ta phải có quan điểm thăng bằng nào đối với hành động ủng hộ của những người không phải là Nhân Chứng?
• Sa-tan sắp làm gì, và với hậu quả nào?
[Hình nơi trang 18]
Các đại hội là biểu hiệu cho sự tiến lên của dân Đức Giê-hô-va
[Các hình nơi trang 20]
Sự trung lập của các Nhân Chứng trong Thế Chiến II vẫn làm cho Đức Giê-hô-va được khen ngợi