Đã đến lúc phải gấp rút tỉnh thức!
“HÃY ăn ở như vậy, vì biết thời-kỳ đương lúc chúng ta đây: giờ anh em từ ngủ thức dậy đã đến” (Rô-ma 13:11). Sứ đồ Phao-lô viết các lời đó cho tín đồ đấng Christ ở Rô-ma, khoảng 14 năm trước khi một tai họa chấm dứt hệ thống mọi sự của dân Do Thái vào năm 70 CN. Nhờ tỉnh thức về thiêng liêng, nên các tín đồ đấng Christ người Do Thái không ở trong Giê-ru-sa-lem vào lúc quyết định đó; nhờ vậy mà họ thoát chết hoặc cảnh nô lệ. Nhưng làm thế nào họ biết là cần lánh khỏi thành?
Chúa Giê-su Christ đã báo trước rằng quân thù sẽ bao vây Giê-ru-sa-lem và dân cư trong thành sẽ bị hủy diệt (Lu-ca 19:43, 44). Sau đó, Chúa Giê-su nói cho các môn đồ trung thành biết một điềm tổng hợp, điềm ấy không khó nhận ra (Lu-ca 21:7-24). Đối với các tín đồ đấng Christ sống ở Giê-ru-sa-lem, rời bỏ thành nghĩa là bỏ lại nhà cửa và việc làm. Tuy nhiên, nhờ đề cao cảnh giác và bỏ trốn, nên họ bảo toàn mạng sống mình.
Khi Chúa Giê-su báo trước sự hủy diệt của Giê-ru-sa-lem, các môn đồ hỏi: “Lúc nào những sự đó sẽ xảy ra? Và có điềm gì chỉ về sự Chúa đến và tận-thế” (Ma-thi-ơ 24:3). Trong câu đáp, Chúa Giê-su so sánh sự hiện diện của ngài trong tương lai với giai đoạn dẫn đến trận Nước Lụt toàn cầu vào thời Nô-ê. Chúa Giê-su chỉ rõ là trận Đại Hồng Thủy quét sạch tất cả những kẻ ác (Ma-thi-ơ 24:21, 37-39). Như thế, ngài cho biết rằng Đức Chúa Trời sẽ lại can thiệp vào công việc của loài người. Đến mức độ nào? Ô! Đến mức loại bỏ toàn bộ thế gian hoặc hệ thống mọi sự gian ác! (So sánh 2 Phi-e-rơ 3:5, 6). Điều đó có thể xảy ra trong thời chúng ta không?
Muôn vật vẫn còn nguyên không?
Ít người Do Thái trong thế kỷ thứ nhất nghĩ rằng Giê-ru-sa-lem, thành thánh của họ, sẽ bị tàn phá. Tương tự như vậy, những người sống gần núi lửa nhưng chưa từng thấy núi lửa phun lên thường không tin. Khi lời báo động loan ra, thì phản ứng thông thường là: “Không xảy ra trong đời tôi đâu”. Nhà nghiên cứu núi lửa Lionel Wilson giải thích: “Nói chung thì núi lửa phun lên cứ mỗi hai hay ba thế kỷ một lần. Người ta lo âu nếu cha mẹ họ đã phải lánh nạn núi lửa. Nhưng nếu nó xảy ra trong đời ông bà họ, thì không ai để ý đến nữa”.
Tuy nhiên, tin tức chính xác có thể giúp chúng ta nhận ra và xem trọng các dấu hiệu báo nguy. Trong số những người chạy thoát khỏi Núi Pelée, một người biết rõ về núi lửa và hiểu các dấu hiệu báo nguy. Người ta cũng giải đúng nghĩa của các dấu hiệu như thế ít lâu trước khi Núi Pinatubo phun lửa. Các nhà nghiên cứu núi lửa đã theo dõi những lực không thấy được, ngày càng mạnh lên trong lòng núi; nên họ thuyết phục dân địa phương rời khỏi vùng.
Tất nhiên, một số người sẽ luôn lờ đi các dấu hiệu báo nguy và khăng khăng nói rằng sẽ không có gì xảy ra cả. Thậm chí họ có thể chế nhạo những ai hành động dứt khoát. Sứ đồ Phi-e-rơ báo trước rằng quan điểm như thế sẽ phổ thông trong thời chúng ta. Ông nói: “Trước hết phải biết rằng, trong những ngày sau-rốt, sẽ có mấy kẻ hay gièm-chê, dùng lời giễu-cợt, ở theo tình-dục riêng của mình, đến mà nói rằng: Chớ nào lời hứa về sự Chúa đến ở đâu? Vì từ khi tổ-phụ chúng ta qua đời rồi, muôn vật vẫn còn nguyên như lúc bắt đầu sáng-thế” (2 Phi-e-rơ 3:3, 4).
Bạn có tin rằng chúng ta đang ở trong “những ngày sau-rốt” không? Trong sách The Columbia History of the World (Lịch sử thế giới do Columbia biên soạn), John A. Garraty và Peter Gay hỏi: “Có phải là chúng ta đang chứng kiến sự suy tàn của văn minh không?” Rồi hai sử gia này phân tích các vấn đề về chính quyền, sự gia tăng tội ác trên toàn cầu và sự bất tuân luật pháp, sự đổ vỡ của đời sống gia đình, sự thất bại của khoa học và kỹ thuật trong việc giải quyết vấn đề xã hội, khủng hoảng uy quyền, và sự suy tàn của tôn giáo và đạo đức trên toàn thế giới. Họ kết luận: “Nếu các điều này không phải là dấu hiệu chắc chắn của sự cuối cùng, thì chúng cũng gần giống như vậy”.
Chúng ta có lý do vững chắc để tin rằng “sự cuối cùng” sắp đến. Không, chúng ta không cần phải sợ là chính trái đất sẽ bị hủy diệt, vì Kinh-thánh nói rằng Đức Chúa Trời “sáng-lập đất trên các nền nó; đất sẽ không bị rúng-động đến đời đời” (Thi-thiên 104:5). Song, chúng ta nên chờ đợi rằng hệ thống mọi sự gian ác đã gây nên bao cảnh đau thương cho nhân loại sớm chấm dứt. Tại sao? Bởi vì chúng ta có thể thấy nhiều bằng chứng giúp chúng ta nhận biết các đặc điểm của ngày cuối cùng của hệ thống này, như Chúa Giê-su Christ kê ra. (Xin xem khung “Một số đặc điểm của ngày sau rốt”). Sao bạn không so sánh lời của Chúa Giê-su với các biến cố thế giới? Làm thế có thể giúp bạn quyết định khôn ngoan cho chính bạn và gia đình. Nhưng tại sao phải hành động ngay bây giờ?
Cần cấp bách tỉnh thức
Mặc dù các khoa học gia có thể biết khi nào núi lửa sắp phun, nhưng họ không thể xác định khi nào nó xảy ra. Tương tự như thế, về sự cuối cùng của hệ thống mọi sự, Chúa Giê-su nói: “Về ngày và giờ đó, chẳng có ai biết chi cả, thiên-sứ trên trời hay là Con cũng vậy, song chỉ một mình Cha biết mà thôi” (Ma-thi-ơ 24:36). Vì chúng ta không biết chính xác khi nào hệ thống mọi sự hiện nay sẽ chấm dứt, nên Chúa Giê-su báo cho chúng ta: “Hãy biết rõ, nếu người chủ nhà đã hay canh nào kẻ trộm sẽ đến, thì tỉnh-thức, không để cho đào ngạch nhà mình. Vậy thì các ngươi cũng hãy chực cho sẵn, vì Con người [Chúa Giê-su] sẽ đến trong giờ các ngươi không ngờ” (Ma-thi-ơ 24:43, 44).
Lời Chúa Giê-su cho thấy đại họa chấm dứt hệ thống này sẽ bất ngờ ụp xuống thế gian. Dù là môn đồ của ngài, chúng ta vẫn cần “chực cho sẵn”. Tình thế của chúng ta giống như một người chủ nhà, ông có thể không kịp đối phó bởi vì không biết khi nào kẻ trộm sẽ xâm nhập nhà mình.
Tương tự như thế, sứ đồ Phao-lô nói với tín đồ đấng Christ ở Tê-sa-lô-ni-ca: “Chính anh em biết rõ lắm rằng ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong ban đêm vậy. Nhưng, hỡi anh em, anh em chẳng phải ở nơi tối-tăm, nên nỗi ngày đó đến thình-lình cho anh em như kẻ trộm”. Phao-lô cũng khuyên: “Chúng ta chớ ngủ như kẻ khác, nhưng phải tỉnh-thức và dè-giữ” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:2, 4, 6). “Tỉnh-thức và dè-giữ” có nghĩa gì?
Không như các tín đồ đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất phải chạy thoát khỏi Giê-ru-sa-lem, chúng ta không rời một thành phố nào đó để chạy thoát đến nơi an toàn. Sau khi khuyên các tín đồ khác ở thành Rô-ma phải tỉnh thức, Phao-lô giục họ “lột bỏ những việc tối-tăm” mà “mặc lấy Đức Chúa Jêsus-Christ” (Rô-ma 13:12, 14). Bằng cách theo sát bước chân Chúa Giê-su, chúng ta sẽ chứng tỏ mình có ý thức về thời kỳ này, và nhờ cảnh giác về thiêng liêng mà chúng ta được Đức Chúa Trời che chở khi hệ thống mọi sự gian ác này chấm dứt (1 Phi-e-rơ 2:21).
Những ai theo chân Chúa Giê-su Christ hưởng một đời sống thỏa mãn, đầy ý nghĩa. Hàng triệu Nhân-chứng Giê-hô-va đã thấy rằng ách làm môn đồ đấng Christ là một ách tươi mát và nhân từ (Ma-thi-ơ 11:29, 30). Để trở thành một môn đồ, thì bước đầu là ‘nhìn biết Đức Chúa Trời, cùng Jêsus-Christ, là Đấng Cha đã sai đến’ (Giăng 17:3). Các Nhân-chứng đến thăm hàng triệu gia đình mỗi tuần để giúp người ta “hiểu-biết lẽ thật” (1 Ti-mô-thê 2:4). Họ sẽ vui mừng học hỏi Kinh-thánh miễn phí với bạn tại nhà bạn. Khi sự hiểu biết của bạn về Đức Chúa Trời gia tăng, chắc chắn bạn cũng sẽ tin chắc là thời kỳ chúng ta khác biệt những thời khác. Thật vậy, đã đến lúc phải gấp rút tỉnh thức!
[Khung nơi trang 7]
MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA NGÀY SAU RỐT
“Dân nầy sẽ dấy lên nghịch cùng dân khác”; ‘hòa-bình cất khỏi mặt đất’ (Ma-thi-ơ 24:7; Khải-huyền 6:4)
Hai cuộc thế chiến trong thế kỷ này, cùng với hàng chục cuộc xung đột khác, đã cất hòa bình khỏi trái đất. Sử gia John Keegan viết: “So với tất cả các trận chiến tranh trước kia, thì Thế Chiến I—và do đó Thế Chiến II—khác biệt về quy mô, cường độ, phạm vi và giá nhân mạng và tư liệu... So với bất cứ cuộc chiến tranh nào trước đó, thì hai cuộc Thế Chiến giết hại nhiều người hơn, hao tổn nhiều tiền của hơn và gây nhiều đau khổ hơn trên vùng đất rộng lớn hơn”. Ngày nay, phụ nữ và trẻ em khổ sở vì chiến tranh nhiều hơn là binh lính. Quỹ Nhi Đồng của Liên Hiệp Quốc tính rằng trong mười năm qua, hai triệu trẻ em chết vì chiến tranh.
“Đói-kém” (Ma-thi-ơ 24:7; Khải-huyền 6:5, 6, 8)
Trong năm 1996, giá lúa mì và bắp tăng vọt. Lý do là gì? Lượng dự trữ các ngũ cốc này của thế giới giảm xuống đến mức chỉ đủ cung cấp 50 ngày, con số thấp nhất được ghi nhận. Giá cả nhu yếu phẩm ngày một tăng nghĩa là hàng trăm triệu người nghèo trên thế giới—trong số đó có nhiều trẻ em—đói bụng khi đi ngủ.
“Nhiều chỗ sẽ có... động đất” (Ma-thi-ơ 24:7)
Trong 2.500 năm qua, chỉ có chín trận động đất mà mỗi trận có hơn 100.000 người chết. Bốn trận trong số này xảy ra từ năm 1914.
“Tội-ác sẽ thêm nhiều” (Ma-thi-ơ 24:12)
Khi thế kỷ 20 sắp chấm dứt, sự bất pháp, hay sự vi phạm luật pháp, đã lan tràn. Các nét đặc trưng khủng khiếp của những ngày cuối cùng đầy bạo động này là: những cuộc tấn công khủng bố vào thường dân, những kẻ giết người không gớm tay, những vụ tàn sát hàng loạt.
“Dịch-lệ trong nhiều nơi” (Lu-ca 21:11)
Trong thập niên 1990, rất có thể là 30 triệu người sẽ chết vì bệnh lao. Vi trùng mang bệnh ngày càng trở nên kháng thuốc hơn. Mỗi năm, có từ 300 đến 500 triệu người mắc chứng sốt rét, một bệnh hiểm nghèo khác; bệnh này giết hại ước chừng hai triệu người trong số đó. Vào cuối thập niên này, người ta ước tính rằng bệnh AIDS sẽ giết 1,8 triệu người mỗi năm. Sách State of the World 1996 tuyên bố: “Ngày nay, các dịch lệ bột phát trong nhân loại”.
“Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất” (Ma-thi-ơ 24:14)
Trong năm 1997, Nhân-chứng Giê-hô-va bỏ ra hơn một tỉ giờ để rao giảng tin mừng về Nước Trời. Hơn năm triệu Nhân-chứng đều đặn mang thông điệp này đến với người ta trong 232 nước.
[Nguồn tư liệu]
FAO photo/B. Imevbore
U.S. Coast Guard photo
[Hình nơi trang 4, 5]
Các tín đồ đấng Christ chạy thoát khỏi Giê-ru-sa-lem vì họ tỉnh thức về thiêng liêng