Thời kỳ tốt đẹp sắp tới
MỘT người đàn bà nói: “Chúng tôi có một-không-một”.
Người bạn bà trả lời: “Tình trạng của tôi còn tệ hơn nữa. Tôi chỉ có không-không-một”.
Tại một vài nơi ở Tây Phi, cuộc đối thoại như thế không cần phải giải thích. Thay vì ăn ba bữa một ngày (một-một-một), một người trong tình trạng một-không-một chỉ có thể ăn hai lần một ngày—sáng và chiều. Một ông trẻ tuổi trong tình trạng không-không-một giải thích tình cảnh của ông: “Mỗi ngày tôi ăn một bữa. Tôi trữ đầy nước trong tủ lạnh, ban đêm ăn gari [củ sắn] trước khi đi ngủ. Tôi phải xoay xở bằng cách đó”.
Ngày nay số người ở trong tình cảnh đó càng ngày càng gia tăng. Vật giá leo thang, còn đồng tiền thì mất giá.
Báo trước về nạn khan hiếm lương thực
Trong một loạt những sự hiện thấy ban cho sứ đồ Giăng, Đức Chúa Trời báo trước về những tình trạng khó khăn mà nhiều người ngày nay phải đối phó. Trong số đó cũng sẽ có tình trạng khan hiếm lương thực. Giăng kể lại: “Tôi nhìn xem, thấy một con ngựa ô. Kẻ ngồi trên ngựa tay cầm cái cân” (Khải-huyền 6:5). Con ngựa và người cưỡi ngựa mang điềm xấu này tượng trưng cho sự đói kém—thức ăn sẽ khan hiếm đến nỗi phải cân lường từng chút.
Kế đó sứ đồ Giăng nói: “Tôi lại nghe... tiếng nói rằng: Một đấu lúa mì bán một đơ-ni-ê, ba đấu mạch-nha bán một đơ-ni-ê”. Trong thời Giăng, một đấu lúa mì là khẩu phần một ngày cho một người lính, và một đồng đơ-ni-ê là tiền công một ngày làm việc. Do đó, bản dịch của Richard Weymouth dịch câu này: “Giá một ổ bánh bằng lương một ngày, giá ba cái bánh mạch nha bằng một ngày lương” (Khải-huyền 6:6).
Ngày nay lương một ngày là bao nhiêu? Bài tường trình về Tình trạng dân số trên khắp thế giới, 1994 nhận xét: “Gần 1,1 tỷ người, khoảng 30 phần trăm dân số thế giới tại xứ đang phát triển, sống với chừng 1 Mỹ-kim một ngày”. Như vậy, trong vòng những người nghèo trên thế giới, lương một ngày đúng là mua được chừng một ổ bánh mì.
Đương nhiên, điều này không có lạ gì đối với những người nghèo xơ nghèo xác. Một ông nọ thốt lên: “Bánh mì à! Ai mua nổi bánh mì mà ăn? Ngày nay bánh mì là đồ ăn xa xỉ!”
Mỉa mai thay, thức ăn lại không khan hiếm. Theo nguồn tin LHQ, trong mười năm qua, số lượng thực phẩm sản xuất trên thế giới gia tăng 24 phần trăm, nhiều hơn mức gia tăng của dân số trên thế giới. Tuy nhiên, không phải mọi người đều có thêm thực phẩm để ăn. Thí dụ, tại Phi Châu số lượng thực phẩm sản xuất thực sự giảm 5 phần trăm, trong khi đó dân số tăng 34 phần trăm. Vậy dù cho có đồ ăn dư dật trên toàn cầu, sự khan hiếm thực phẩm vẫn xảy ra trong nhiều nước.
Sự khan hiếm thực phẩm có nghĩa là giá cả đắt đỏ. Thiếu việc làm, lương thấp và nạn lạm phát gia tăng làm người ta khó kiếm ra tiền để mua sắm. Bài tường trình về sự phát triển của con người năm 1994 nói: “Người ta đói chẳng phải vì không có thức ăn—mà tại vì họ không đủ tiền mua”.
Người ta càng ngày càng tuyệt vọng và chán nản. Một người ở Tây Phi tên là Glory nói: “Người ta có cảm giác tình trạng ngày nay xấu, nhưng ngày mai sẽ còn tệ hơn nữa”. Một bà khác nói: “Người ta cảm thấy rằng họ đang tiến đến thảm họa. Họ cảm thấy là sẽ có một ngày ngoài chợ sẽ không còn gì để bán nữa”.
Đức Giê-hô-va chăm sóc tôi tớ của Ngài trong quá khứ
Các tôi tớ của Đức Chúa Trời biết rằng Đức Giê-hô-va thưởng cho những người trung thành bằng cách ban cho họ những điều họ cần và ban sức cho họ để đối phó với những tình trạng khó khăn. Thật thế, tin tưởng nơi khả năng cung cấp của Đức Chúa Trời là một phần quan trọng của đức tin họ. Sứ đồ Phao-lô viết: “Kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài” (Hê-bơ-rơ 11:6).
Đức Giê-hô-va luôn luôn chăm sóc cho các tôi tớ trung thành của Ngài. Trong ba năm rưỡi hạn hán, Đức Giê-hô-va ban đồ ăn cho nhà tiên tri Ê-li. Trước tiên, Đức Chúa Trời sai chim quạ mang bánh và thịt cho Ê-li (I Các Vua 17:2-6). Sau đó, Đức Giê-hô-va dùng phép lạ làm đầy bột và dầu dự trữ của một bà góa là người cung cấp đồ ăn cho Ê-li (I Các Vua 17:8-16). Cũng trong trận đói kém đó, dù Hoàng hậu Giê-sa-bên độc ác có bắt bớ các nhà tiên tri thật dữ dội đi nữa, Đức Giê-hô-va cũng lo sao cho họ có bánh ăn và nước uống (I Các Vua 18:13).
Sau này, khi vua Ba-by-lôn bao vây thành Giê-ru-sa-lem bội đạo, người ta phải “cân bánh mà ăn, và sợ-hãi” (Ê-xê-chi-ên 4:16). Tình trạng trở nên tuyệt vọng đến nỗi một số đàn bà đã ăn thịt con cái mình (Ca-thương 2:20). Tuy thế, dù cho nhà tiên tri Giê-rê-mi bị giam giữ vì làm công việc rao giảng, Đức Giê-hô-va lo sao cho người ta “mỗi ngày phát cho [Giê-rê-mi] một chiếc bánh của phố hàng bánh, cho đến chừng bánh trong thành hết trơn” (Giê-rê-mi 37:21).
Phải chăng Đức Giê-hô-va bỏ quên Giê-rê-mi khi bánh dự trữ cạn hết? Hiển nhiên không, vì khi dân Ba-by-lôn chiếm thành, Giê-rê-mi được họ cho “lương-thực cùng lễ-vật, và thả đi” (Giê-rê-mi 40:5, 6; cũng xem Thi-thiên 37:25).
Đức Chúa Trời trợ giúp tôi tớ của Ngài thời nay
Đức Giê-hô-va đã gìn giữ các tôi tớ Ngài vào thời xưa như thế nào, thì ngày nay Ngài cũng chăm lo cho họ cả về vật chất lẫn thiêng liêng thể ấy. Thí dụ, hãy xem kinh nghiệm của anh Lamitunde sống ở Tây Phi. Anh nói: “Trước kia tôi có một nông trại chăn nuôi gà khá lớn. Một ngày kia, bọn trộm đến trại ăn cắp gần hết gà, máy phát điện và tiền bạc. Không lâu sau đó, số gà còn lại bị bệnh rồi chết. Điều đó làm tiêu tan trại gà của tôi. Gần hai năm tôi cố đi tìm việc làm mà vẫn không tìm ra. Đời sống rất khó khăn, nhưng Đức Giê-hô-va đã gìn giữ chúng tôi.
“Điều đã giúp tôi đối phó với thời kỳ khó khăn là ý thức rằng Đức Giê-hô-va cho phép sự việc xảy ra để luyện lọc chúng ta. Vợ chồng tôi tiếp tục thói quen học hỏi Kinh-thánh gia đình, và điều này đã thật sự giúp chúng tôi. Cầu nguyện cũng là một nguồn sức mạnh lớn. Đôi khi tôi cảm thấy không muốn cầu nguyện, nhưng khi cầu nguyện xong rồi, tôi cảm thấy rất thoải mái.
“Trong giai đoạn khó khăn đó, tôi học được giá trị của việc suy gẫm về Kinh-thánh. Tôi thường nghĩ nhiều về bài Thi-thiên 23, nói về Đức Giê-hô-va là Đấng Chăn giữ chúng ta. Câu Kinh-thánh khác đã khuyến khích tôi là Phi-líp 4:6, 7, nói đến ‘sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết’. Một đoạn khác đã thêm sức mạnh cho tôi là I Phi-e-rơ 5:6, 7, nói: ‘Vậy hãy hạ mình xuống dưới tay quyền-phép của Đức Chúa Trời, hầu cho đến kỳ thuận-hiệp Ngài nhắc anh em lên; lại hãy trao mọi điều lo-lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn-sóc anh em’. Tất cả những câu này đã giúp tôi trong thời kỳ gian nan đó. Khi bạn suy gẫm, bạn có thể thay đổi những ý tưởng làm bạn nản lòng.
“Giờ đây tôi đi làm việc lại, nhưng tình thật mà nói, tình trạng vẫn còn khó khăn. Như Kinh-thánh nói nơi II Ti-mô-thê 3:1-5, chúng ta sống trong ‘ngày sau-rốt’, giai đoạn được đánh dấu bằng ‘những thời-kỳ khó-khăn’. Chúng ta không thể thay đổi những gì Kinh-thánh nói, nên tôi không mong là cuộc sống được dễ dàng. Tuy thế, tôi cảm thấy là thánh linh của Đức Giê-hô-va giúp tôi đối phó”.
Bất chấp thời kỳ khó khăn chúng ta đang sống, những ai tin cậy nơi Đức Giê-hô-va và Con đang làm Vua của Ngài, tức Giê-su Christ, sẽ không thất vọng (Rô-ma 10:11). Chính Giê-su cam kết với chúng ta: “Vậy nên ta phán cùng các ngươi rằng: Đừng vì sự sống mình mà lo đồ ăn uống; cũng đừng vì thân-thể mình mà lo đồ mặc. Sự sống há chẳng quí-trọng hơn đồ ăn sao, thân-thể há chẳng quí-trọng hơn quần-áo sao? Hãy xem loài chim trời: chẳng có gieo, gặt, cũng chẳng có thâu-trử vào kho-tàng, mà Cha các ngươi trên trời nuôi nó. Các ngươi há chẳng phải là quí-trọng hơn loài chim sao? Vả lại, có ai trong vòng các ngươi lo-lắng mà làm cho đời mình được dài thêm một khắc không? Còn về phần quần-áo, các ngươi lại lo-lắng mà làm chi?” (Ma-thi-ơ 6:25-28).
Chắc chắn, đó là những câu hỏi đáng được xem xét kỹ lưỡng trong những thời kỳ khó khăn này. Nhưng Giê-su trấn an bằng những lời này: “Hãy ngắm xem những hoa huệ ngoài đồng mọc lên thể nào; chẳng làm khó-nhọc, cũng không kéo chỉ; nhưng ta phán cùng các ngươi, dẫu vua Sa-lô-môn sang-trọng đến đâu, cũng không được mặc áo tốt như một hoa nào trong giống đó. Hỡi kẻ ít đức-tin, loài cỏ ngoài đồng, là giống nay còn sống, mai bỏ vào lò, mà Đức Chúa Trời còn cho nó mặc đẹp thể ấy thay, huống chi là các ngươi! Ấy vậy, các ngươi chớ lo-lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì? uống gì? mặc gì? Vì mọi điều đó, các dân ngoại vẫn thường tìm, và Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần-dùng những điều đó rồi. Nhưng trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa” (Ma-thi-ơ 6:28-33).
Thời kỳ tốt đẹp sắp tới
Tại nhiều nơi trên thế giới, người ta thấy có nhiều bằng chứng là tình trạng kinh tế và xã hội tiếp tục thoái hóa. Tuy nhiên, dân sự của Đức Chúa Trời nhận thức rằng những tình trạng này chỉ là tạm thời. Sự cai trị huy hoàng của Vua Sa-lô-môn là hình bóng trước cho sự cai trị công bình của vị Vua còn vĩ đại hơn Sa-lô-môn, ngài sẽ cai trị trên cả trái đất (Ma-thi-ơ 12:42). Vị Vua đó là Giê-su Christ, “Vua của các vua và Chúa của các chúa” (Khải-huyền 19:16).
Thi-thiên 72 đã có sự ứng nghiệm đầu tiên cho Vua Sa-lô-môn. Đoạn này cũng miêu tả sự cai trị vinh quang của Giê-su Christ. Hãy xem một số điều tuyệt diệu mà trái đất sẽ có trong tương lai dưới sự cai trị của Vua Giê-su Christ.
Tình trạng thanh bình trên khắp đất: “Trong ngày vua ấy, người công-bình sẽ hưng-thạnh, cũng sẽ có bình-an dư-dật cho đến chừng mặt trăng không còn. Người sẽ quản-hạt từ biển nầy tới biển kia, từ sông cho đến cùng trái đất” (Thi-thiên 72:7, 8).
Quan tâm đến những người khốn cùng: “Vì người sẽ giải kẻ thiếu-thốn khi nó kêu-cầu, và cứu người khốn-cùng không có ai giúp-đỡ. Người sẽ thương-xót kẻ khốn-cùng, người thiếu-thốn, và cứu linh-hồn của người thiếu-thốn. Người sẽ chuộc linh-hồn họ khỏi sự hà-hiếp và sự hung-bạo; cũng sẽ xem huyết họ là quí báu” (Thi-thiên 72:12-14).
Đồ ăn dư dật: “Sẽ có dư-dật ngũ-cốc trên đất và trên đỉnh các núi” (Thi-thiên 72:16).
Khắp đất đầy sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va: “Đáng ngợi-khen Giê-hô-va Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, chỉ một mình Ngài làm những sự lạ-lùng! Đáng ngợi-khen danh vinh-hiển Ngài đến đời đời! Nguyện khắp trái đất được đầy sự vinh-hiển của Ngài!” (Thi-thiên 72:18, 19).
Vậy thời kỳ tốt đẹp thật sự sắp đến rồi.