Bạn có “luôn thức canh” không?
“Vậy hãy luôn thức canh, vì anh em không biết ngày và giờ đó”.—MAT 25:13.
1, 2. (a) Chúa Giê-su tiết lộ điều gì về những ngày sau cùng? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?
Hẳn chúng ta vô cùng hào hứng nếu ngồi trên núi Ô-liu, nhìn xuống đền thờ Giê-ru-sa-lem và nghe Chúa Giê-su nói một trong những lời tiên tri đáng chú ý nhất. Sứ đồ Phi-e-rơ, Anh-rê, Gia-cơ và Giăng chăm chú lắng nghe lời của Chúa Giê-su khi ngài dùng khả năng nhìn xa để báo trước về tương lai. Ngài cho họ biết nhiều điều xảy ra vào những ngày sau cùng của thế gian gian ác này khi ngài cai trị Nước Trời. Chúa Giê-su nói rằng trong giai đoạn cao điểm đó, “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” sẽ đại diện cho ngài ở trên đất, cung cấp thức ăn thiêng liêng bổ dưỡng, đúng giờ và cần thiết cho các tôi tớ của ngài.—Mat 24:45-47.
2 Tiếp đến, cũng trong lời tiên tri ấy, Chúa Giê-su kể về dụ ngôn mười trinh nữ. (Đọc Ma-thi-ơ 25:1-13). Giờ đây, chúng ta hãy chú tâm vào những câu hỏi sau: (1) Dụ ngôn này mang thông điệp căn bản nào? (2) Những tín đồ trung thành được xức dầu đã áp dụng thế nào lời khuyên của dụ ngôn, và kết quả ra sao? (3) Làm thế nào mỗi chúng ta ngày nay có thể nhận lợi ích từ dụ ngôn của Chúa Giê-su?
DỤ NGÔN MƯỜI TRINH NỮ MANG THÔNG ĐIỆP NÀO?
3. Trong quá khứ, ấn phẩm của chúng ta giải thích thế nào về dụ ngôn mười trinh nữ, và cách giải thích này có thể dẫn đến điều gì?
3 Như đã học ở bài trước, vào những thập niên gần đây, đầy tớ trung tín đã dần dần điều chỉnh cách giải thích một số lời tường thuật trong Kinh Thánh. Giờ đây, đầy tớ trung tín tập trung nhiều hơn vào cách áp dụng thực tế, thay vì hình ảnh mang tính tiên tri hoặc tượng trưng. Trong quá khứ, đôi khi ấn phẩm của chúng ta giải thích rằng ngay cả chi tiết nhỏ như đèn, dầu, lọ dầu, v.v. trong dụ ngôn mười trinh nữ đều có ý nghĩa tượng trưng. Việc tập trung vào những chi tiết nhỏ có thể làm mất đi thông điệp đơn giản và cấp bách trong dụ ngôn không? Như chúng ta sẽ thấy, câu trả lời rất quan trọng.
4. Trong dụ ngôn, làm thế nào chúng ta có thể nhận ra (a) chàng rể? (b) những trinh nữ?
4 Chúng ta hãy tìm hiểu thông điệp căn bản của Chúa Giê-su trong dụ ngôn này. Trước tiên, hãy xem xét các nhân vật chính. Ai là chàng rể trong dụ ngôn? Rõ ràng, Chúa Giê-su đang nói về chính ngài vì vào một dịp khác, ngài đã nói mình là chàng rể (Lu 5:34, 35). Ai là những trinh nữ? Trong dụ ngôn, Chúa Giê-su nói rằng những trinh nữ có trách nhiệm sẵn sàng cầm đèn cháy sáng để đón khi chàng rể đến. Hãy lưu ý sự hướng dẫn tương tự mà Chúa Giê-su đã ban cho “bầy nhỏ”, tức những môn đồ được xức dầu: “Hãy ăn mặc sẵn sàng và thắp đèn lên, anh em hãy như những người đợi chủ mình ở tiệc cưới trở về” (Lu 12:32, 35, 36). Ngoài ra, cả sứ đồ Phao-lô và sứ đồ Giăng đều được soi dẫn để ví các môn đồ được xức dầu như những trinh nữ (2 Cô 11:2; Khải 14:4). Rõ ràng, Chúa Giê-su chủ định dùng dụ ngôn nơi Ma-thi-ơ 25:1-13 để đưa ra lời khuyên và lời cảnh báo cho các môn đồ được xức dầu.
5. Qua cách nào Chúa Giê-su cho biết thời điểm mà dụ ngôn của ngài sẽ được áp dụng?
5 Tiếp đến, hãy xem xét thời điểm. Lời khuyên của Chúa Giê-su áp dụng vào thời điểm nào? Chúa Giê-su cung cấp một điều rõ ràng giúp chúng ta biết thời điểm ấy, đó là phần cuối của dụ ngôn: “Chàng rể đến” (Mat 25:10). Như đã thảo luận trong Tháp Canh ngày 15-7-2013, lời tiên tri của Chúa Giê-su nơi Ma-thi-ơ chương 24 và 25 đề cập tám lần việc ngài “đến”; mỗi lần dùng những dạng khác nhau của một từ Hy Lạp. Trong mỗi trường hợp, Chúa Giê-su đều nói về thời điểm trong hoạn nạn lớn khi ngài đến để phán xét và hủy diệt thế gian gian ác này. Vậy rõ ràng dụ ngôn ấy áp dụng cho những ngày sau cùng, nhưng cao điểm là trong hoạn nạn lớn.
6. Theo văn cảnh, thông điệp căn bản của dụ ngôn là gì?
6 Thông điệp căn bản của dụ ngôn là gì? Hãy nhớ lại văn cảnh. Chúa Giê-su vừa nói đến “đầy tớ trung tín và khôn ngoan”. Đầy tớ đó sẽ là một nhóm nhỏ những anh được xức dầu, dẫn đầu trong vòng các môn đồ của Đấng Ki-tô vào những ngày sau cùng. Chúa Giê-su cảnh báo rằng họ phải giữ sự trung thành. Sau đó, ngài mở rộng đối tượng và kể dụ ngôn này để khuyên tất cả những môn đồ được xức dầu trong những ngày sau cùng, đó là “hãy luôn thức canh” để không đánh mất phần thưởng quý giá của mình (Mat 25:13). Giờ đây, chúng ta hãy phân tích dụ ngôn và xem làm thế nào những người được xức dầu áp dụng lời khuyên ấy.
TÍN ĐỒ ĐƯỢC XỨC DẦU ÁP DỤNG THẾ NÀO LỜI KHUYÊN TRONG DỤ NGÔN?
7, 8. (a) Những trinh nữ khôn đã có sự chuẩn bị nhờ hai đặc điểm nào? (b) Những tín đồ được xức dầu chứng tỏ họ sẵn sàng ra sao?
7 Dụ ngôn của Chúa Giê-su nhấn mạnh rằng, không như các trinh nữ dại, những trinh nữ khôn chuẩn bị sẵn sàng cho việc chàng rể đến. Tại sao? Vì họ thể hiện hai đặc điểm: Sẵn sàng và cảnh giác. Những trinh nữ được giao nhiệm vụ thức canh vào ban đêm để chờ chàng rể đến. Họ phải giữ cho đèn không tắt và tỉnh táo suốt những canh dài cho đến khi sự kiện hào hứng ấy xảy ra. Nhưng không giống như những trinh nữ dại, năm trinh nữ chứng tỏ trong tư thế sẵn sàng vì đã mang thêm lọ dầu cùng với đèn của mình. Vậy, những tín đồ trung thành được xức dầu có chứng tỏ họ ở trong tư thế sẵn sàng không?
8 Quả là họ đã làm thế! Trong suốt những ngày sau cùng, các tín đồ được xức dầu đã hành động như những trinh nữ khôn, sẵn sàng thi hành nhiệm vụ cách trung thành cho đến cùng. Họ đã tính phí tổn của việc trung thành phụng sự. Ngay lúc đầu, họ nhận ra rằng để thi hành nhiệm vụ, họ sẽ phải từ bỏ nhiều mối lợi vật chất có thể đạt được trong thế gian của Sa-tan. Họ thờ phượng một mình Đức Giê-hô-va và phụng sự ngài, không phải vì ngày kết liễu của thế gian này sắp đến, nhưng vì tình yêu thương và lòng trung thành đối với ngài và Con ngài. Họ giữ lòng trung kiên, không để mình bị ảnh hưởng bởi tinh thần thế gian, chủ nghĩa vật chất, thái độ ích kỷ và sự vô luân. Nhờ thế, họ giữ được tinh thần sẵn sàng, kiên định chiếu sáng như những ngọn đèn và không nản lòng khi Chàng rể có vẻ đến trễ.—Phi-líp 2:15.
9. (a) Chúa Giê-su đã cảnh báo thế nào về khuynh hướng tự nhiên của con người, đó là tình trạng buồn ngủ? (b) Những tín đồ được xức dầu hưởng ứng ra sao trước tiếng gọi lớn: “Chàng rể đến rồi!”? (Cũng xem chú thích).
9 Đặc điểm thứ hai giúp những trinh nữ khôn ở trong tư thế sẵn sàng là tinh thần cảnh giác. Có thể nào cá nhân những tín đồ được xức dầu lại buồn ngủ trong đêm dài thức canh không? Quả là có. Hãy lưu ý rằng Chúa Giê-su nói mười trinh nữ “đều buồn ngủ rồi thiếp đi” khi chàng rể dường như đến trễ. Chúa Giê-su biết rõ dù một người có tinh thần sẵn sàng và hăng hái nhưng có thể khó duy trì tinh thần này vì sự yếu đuối của thể chất. Những tín đồ trung thành được xức dầu đã lưu tâm đến lời cảnh báo được hàm ý ở trên, và làm việc siêng năng hơn để giữ tinh thần cảnh giác. Trong dụ ngôn, tất cả những trinh nữ đều hưởng ứng tiếng gọi lớn trong đêm: “Chàng rể đến rồi!”. Nhưng chỉ có những người cảnh giác là chịu đựng cho đến cùng (Mat 25:5, 6; 26:41). Những tín đồ trung thành được xức dầu ngày nay thì sao? Trong suốt những ngày sau cùng, họ đã hưởng ứng tiếng gọi lớn: “Chàng rể đến rồi!”. Họ thấy bằng chứng rõ ràng là Chúa Giê-su đang đến và họ sẵn sàng chào đón Chàng rể.a Tuy nhiên, điểm nổi bật nhất của dụ ngôn tập trung vào một giai đoạn cụ thể. Tại sao có thể nói như thế?
PHẦN THƯỞNG DÀNH CHO NGƯỜI KHÔN VÀ HÌNH PHẠT ĐỐI VỚI NGƯỜI DẠI
10. Cuộc đối thoại giữa những trinh nữ khôn và trinh nữ dại nêu lên câu hỏi gây bối rối nào?
10 Có lẽ phần gây bối rối nhất là thời điểm gần kết thúc dụ ngôn, đó là cuộc đối thoại giữa những trinh nữ dại và trinh nữ khôn. (Đọc Ma-thi-ơ 25:8, 9). Tình huống đó nêu lên câu hỏi: “Trong lịch sử của dân Đức Chúa Trời, khi nào những tín đồ trung thành sẽ từ chối lời cầu xin giúp đỡ của một người?”. Chúng ta sẽ hiểu điều này khi xem xét lại thời điểm. Hãy nhớ lại sự hiểu biết đã được điều chỉnh, đó là Chúa Giê-su, tức Chàng rể, sẽ đến để thi hành sự phán xét lúc gần cuối hoạn nạn lớn. Vậy có thể nào phần này của dụ ngôn chú trọng đến những điều xảy ra ngay trước đỉnh điểm của sự phán xét không? Rất có thể là vậy, vì đến thời điểm đó, những tín đồ được xức dầu đã nhận được sự đóng ấn lần cuối.
11. (a) Điều gì sẽ xảy ra ngay trước khi hoạn nạn lớn bùng nổ? (b) Những trinh nữ khôn có ý gì khi bảo những trinh nữ dại đến chỗ người bán dầu?
11 Vậy trước khi hoạn nạn lớn bùng nổ, tất cả những người trung thành được xức dầu trên đất sẽ được đóng ấn lần cuối (Khải 7:1-4). Kể từ đó, việc họ được gọi lên trời là chắc chắn. Nhưng hãy suy nghĩ về những năm trước khi hoạn nạn lớn bắt đầu. Điều gì sẽ xảy ra cho những người được xức dầu không thức canh và đánh mất lòng trung kiên? Họ sẽ mất phần thưởng ở trên trời. Hiển nhiên, họ sẽ không được đóng ấn lần cuối trước khi hoạn nạn bắt đầu. Lúc đó, những người trung thành khác sẽ được xức dầu. Khi hoạn nạn diễn ra, có lẽ những người dại sẽ bàng hoàng khi thấy Ba-by-lôn Lớn bị hủy diệt. Có lẽ chỉ lúc đó, họ mới nhận ra mình đã không sẵn sàng chào đón Chàng rể đến. Vào giờ phút chót ấy, nếu họ cầu xin sự giúp đỡ trong nỗi tuyệt vọng thì điều gì sẽ xảy ra? Dụ ngôn của Chúa Giê-su cho biết câu trả lời rõ ràng. Những trinh nữ khôn đã từ chối chia sẻ dầu cho những trinh nữ dại và bảo họ hãy đến chỗ người bán dầu. Nhưng hãy nhớ đó là lúc “nửa đêm”. Liệu họ có thể tìm được người bán dầu vào giờ đó không? Không. Vì đã quá trễ rồi.
12. (a) Trong hoạn nạn lớn, các tín đồ được xức dầu có thể giúp những người từng được xức dầu nhưng mất lòng trung kiên trước khi được đóng ấn lần cuối không, và tại sao? (b) Những người giống như các trinh nữ dại có kết cuộc nào?
12 Tương tự, trong hoạn nạn lớn, những người trung thành được xức dầu không thể giúp bất cứ tín đồ nào đã trở nên bất trung. Sẽ không có sự giúp đỡ nào cả vì đã quá trễ. Vậy cuối cùng điều gì xảy ra đối với những kẻ bất trung? Chúa Giê-su giải thích điều xảy ra khi những trinh nữ dại đi mua dầu. Ngài nói: “Chàng rể đến. Những cô đã chuẩn bị sẵn cùng đi với chàng vào tiệc cưới, và cửa đóng lại”. Khi Đấng Ki-tô đến trong sự vinh quang lúc gần cuối hoạn nạn, ngài sẽ thu nhóm những người trung thành được xức dầu để lên trời (Mat 24:31; 25:10; Giăng 14:1-3; 1 Tê 4:17). Quả thật cửa sẽ đóng lại đối với những người bất trung. Giống như các trinh nữ dại, có lẽ họ sẽ nói: “Chàng rể ơi, xin mở cửa cho chúng tôi!”. Nhưng họ sẽ nhận được câu trả lời giống như rất nhiều người bị xem là dê sẽ nhận trong giờ phán xét, đó là: “Tôi nói thật với các cô, tôi không biết các cô là ai”. Quả là đáng buồn!—Mat 7:21-23; 25:11, 12.
13. (a) Tại sao không cần kết luận rằng nhiều tín đồ được xức dầu sẽ bất trung? (b) Tại sao có thể nói những lời cảnh báo của Chúa Giê-su cũng cho thấy ngài tin chắc nơi các tín đồ được xức dầu? (Xem hình nơi đầu bài).
13 Qua những gì vừa xem xét, chúng ta có thể rút ra kết luận nào? Có phải Chúa Giê-su nói rằng nhiều tôi tớ được xức dầu sẽ trở nên bất trung và cần được thay thế không? Không phải vậy. Hãy nhớ ngài vừa cảnh báo “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” đừng bao giờ trở thành đầy tớ xấu. Điều này không có nghĩa là ngài báo trước việc đó sẽ xảy ra. Tương tự, dụ ngôn này cũng chứa đựng lời cảnh báo mạnh mẽ. Như năm trinh nữ chứng tỏ là dại và năm trinh nữ chứng tỏ là khôn, mỗi tín đồ được xức dầu có đủ khả năng để chọn lối sống sẵn sàng và cảnh giác hoặc lối sống dại dột và bất trung. Sứ đồ Phao-lô được soi dẫn để đưa ra lời cảnh báo tương tự cho những anh em được xức dầu. (Đọc Hê-bơ-rơ 6:4-9; so sánh Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:19). Hãy lưu ý rằng lời cảnh báo của Phao-lô rất mạnh mẽ, nhưng những lời yêu thương của ông sau đó cho thấy ông tin chắc những anh chị được xức dầu sẽ “có vị thế tốt hơn” trong tương lai. Lời cảnh báo chứa đựng trong dụ ngôn cho thấy Chúa Giê-su cũng có lòng tin chắc như thế nơi những tín đồ được xức dầu. Đấng Ki-tô biết rằng mỗi tôi tớ được xức dầu có thể giữ lòng trung thành và nhận được phần thưởng tuyệt diệu!
LÀM THẾ NÀO “CÁC CHIÊN KHÁC” CÓ THỂ NHẬN ĐƯỢC LỢI ÍCH?
14. Tại sao “các chiên khác” cũng có thể nhận được lợi ích từ dụ ngôn mười trinh nữ?
14 Đúng là Chúa Giê-su hướng dụ ngôn mười trinh nữ đến các môn đồ được xức dầu, nhưng chúng ta có nên kết luận rằng dụ ngôn này không có ích với “các chiên khác”? (Giăng 10:16). Hoàn toàn không! Hãy nhớ rằng thông điệp của dụ ngôn rất đơn giản: “Hãy luôn thức canh”. Phải chăng điều này chỉ áp dụng cho những tín đồ được xức dầu? Chúa Giê-su từng nói: “Điều tôi nói với anh em, tôi cũng nói cho mọi người là: Hãy luôn thức canh” (Mác 13:37). Chúa Giê-su đòi hỏi tất cả môn đồ của ngài phải chuẩn bị lòng để trung thành phụng sự và luôn thức canh. Vì thế, mọi tín đồ đạo Đấng Ki-tô có thể noi gương những người được xức dầu và đặt thánh chức lên hàng đầu trong đời sống. Hãy lưu ý là những trinh nữ dại đã xin một ít dầu của các trinh nữ khôn. Lời cầu xin không được đáp lại của họ nhắc chúng ta nhớ rằng không ai có thể trung thành thay cho chúng ta, ở trong sự thật thay cho chúng ta hoặc có thể thức canh thay cho chúng ta. Mỗi chúng ta sẽ khai trình trước Đấng Phán Xét công chính do Đức Giê-hô-va bổ nhiệm. Chúng ta phải sẵn sàng vì không lâu nữa, ngài sẽ đến!
Hành động xin một ít dầu nhắc chúng ta rằng không ai có thể trung thành thay cho chúng ta hoặc tỉnh thức thay cho chúng ta
15. Tại sao lễ cưới của Đấng Ki-tô mang lại sự hào hứng cho mọi tín đồ chân chính?
15 Mọi tín đồ đạo Đấng Ki-tô cũng có thể nhận được lợi ích từ sự kiện chính trong dụ ngôn của Chúa Giê-su. Suy cho cùng, ai trong chúng ta mà không hào hứng về lễ cưới sắp diễn ra? Những tín đồ được xức dầu sẽ ở trên trời. Sau cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn, họ sẽ trở thành cô dâu của Đấng Ki-tô (Khải 19:7-9). Mọi dân cư trên đất sẽ nhận được lợi ích từ lễ cưới trên trời vì lễ cưới ấy bảo đảm một chính phủ hoàn hảo cho nhân loại. Dù có hy vọng lên trời hay ở trên đất, chúng ta hãy quyết tâm khắc ghi bài học trọng yếu trong dụ ngôn mười trinh nữ. Hãy chứng tỏ mình sẵn sàng bằng cách chuẩn bị lòng, giữ sự trung kiên và luôn cảnh giác. Khi làm thế, chúng ta có thể hưởng một tương lai huy hoàng mà Đức Giê-hô-va đã chuẩn bị cho chúng ta!
a Trong dụ ngôn, có một khoảng thời gian giữa tiếng gọi “Chàng rể đến rồi!” (câu 6) và việc chàng rể thật sự đến (câu 10). Trong suốt những ngày sau cùng, các tín đồ được xức dầu có tinh thần cảnh giác đã nhận ra dấu hiệu Chúa Giê-su hiện diện. Vì vậy, họ nghe rõ tiếng gọi ngài “đến rồi”, tức đang cai trị Nước Trời. Nhưng họ phải tiếp tục thức canh cho đến khi ngài thật sự đến.