BÀI HỌC 3
Đám đông lớn thuộc chiên khác ngợi khen Đức Chúa Trời và Đấng Ki-tô
“Sự cứu rỗi đến từ Đức Chúa Trời chúng ta, là đấng ngồi trên ngai, và từ Chiên Con”.—KHẢI 7:10.
BÀI HÁT 14 Ngợi khen Vua mới của trái đất
GIỚI THIỆUa
1. Một bài giảng tại hội nghị vào năm 1935 đã tác động thế nào đến một anh trẻ?
Vào năm 1926, có một anh trẻ báp-têm lúc 18 tuổi. Cha mẹ anh là Học viên Kinh Thánh, tên gọi của Nhân Chứng Giê-hô-va lúc bấy giờ. Họ đã nuôi dạy ba con trai và hai con gái phụng sự Đức Giê-hô-va và noi gương Chúa Giê-su. Giống như mọi Học viên Kinh Thánh lúc đó, mỗi năm anh trẻ trung thành ấy cũng ăn bánh và uống rượu tại Bữa Ăn Tối Của Chúa. Tuy nhiên, hy vọng về tương lai của anh đã hoàn toàn thay đổi khi anh nghe bài giảng đáng nhớ có tựa đề “Đám đông lớn”. Bài giảng ấy do anh Joseph Rutherford trình bày tại hội nghị ở Washington, D.C., Hoa Kỳ, vào năm 1935. Điều gì được tiết lộ tại hội nghị đó?
2. Sự thật hào hứng nào được tiết lộ trong bài giảng của anh Rutherford?
2 Trong bài giảng, anh Rutherford cho biết những người thuộc “đám đông lớn” được nói nơi Khải huyền 7:9 là ai. Cho đến lúc đó, Học viên Kinh Thánh nghĩ rằng đám đông lớn là nhóm thứ hai được lên trời và ít trung thành hơn. Anh Rutherford dùng Kinh Thánh để giải thích rằng đám đông lớn không được chọn để lên trời nhưng họ là chiên khácb của Đấng Ki-tô mà sẽ vượt qua “hoạn nạn lớn” và sống đời đời trên đất (Khải 7:14). Khi sống trên đất, Chúa Giê-su hứa: “Tôi còn có chiên khác không thuộc chuồng này; tôi cũng phải mang chúng về, chúng sẽ nghe tiếng tôi, tất cả sẽ thành một bầy và có một người chăn” (Giăng 10:16). “Chiên khác” nói đến các tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va có triển vọng sống đời đời trong địa đàng trên đất (Mat 25:31-33, 46). Hãy xem tia sáng thiêng liêng này đã thay đổi đời sống của nhiều tôi tớ Đức Giê-hô-va như thế nào, trong đó có anh 18 tuổi được đề cập ở trên.—Thi 97:11; Châm 4:18.
SỰ HIỂU BIẾT MỚI THAY ĐỔI ĐỜI SỐNG CỦA HÀNG NGÀN NGƯỜI
3, 4. Tại hội nghị năm 1935, hàng ngàn người đã nhận ra điều gì về hy vọng của họ, và tại sao?
3 Có một khoảnh khắc hào hứng diễn ra tại hội nghị khi diễn giả mời cử tọa: “Xin tất cả những ai có hy vọng sống đời đời trên đất hãy đứng lên!”. Theo một người chứng kiến, hơn một nửa trong số khoảng 20.000 cử tọa đã đứng lên. Rồi anh Rutherford tuyên bố: “Nhìn kìa! Đám đông lớn!”. Tiếng reo mừng vang dội khắp cử tọa. Những người đứng lên nhận ra rằng họ không được chọn để lên trời. Họ biết là họ không được xức dầu bằng thần khí của Đức Chúa Trời. Vào ngày kế tiếp của hội nghị, có 840 người báp-têm trở thành Nhân Chứng, đa số họ thuộc về chiên khác.
4 Sau bài giảng ấy, anh trẻ được đề cập ở phần mở đầu cùng hàng ngàn người khác đã ngưng dùng bánh và rượu tại Bữa Ăn Tối Của Chúa. Nhiều người có cùng cảm nghĩ với một anh khiêm nhường khi anh nói: “Lễ Tưởng Niệm vào năm 1935 là lần cuối cùng tôi dùng các món biểu tượng. Tôi nhận ra rằng Đức Giê-hô-va không ban cho tôi hy vọng lên trời qua thần khí thánh. Thay vì thế, tôi có hy vọng sống trên đất và góp phần vào việc làm cho trái đất thành địa đàng” (Rô 8:16, 17; 2 Cô 1:21, 22). Kể từ đó, số người thuộc đám đông lớn gia tăng nhanh chóng và họ chung vai sát cánh làm việc với những tín đồ được xức dầu còn sót lại.c
5. Đức Giê-hô-va có quan điểm nào về những người ngưng dùng các món biểu tượng tại Lễ Tưởng Niệm?
5 Đức Giê-hô-va có quan điểm nào về những người ngưng dùng các món biểu tượng tại Lễ Tưởng Niệm sau năm 1935? Nói sao về một Nhân Chứng nghĩ mình được xức dầu nên đã dùng bánh và rượu tại Bữa Ăn Tối Của Chúa, nhưng sau này nhận ra rằng mình không thật sự được xức dầu? (1 Cô 11:28). Một số người dùng các món biểu tượng vì hiểu sai về hy vọng của mình. Nhưng nếu họ thành thật nhận biết sai sót, ngưng dùng các món biểu tượng và tiếp tục trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va, chắc chắn ngài sẽ chấp nhận họ với tư cách là chiên khác. Dù không dùng bánh và rượu, họ vẫn tham dự Lễ Tưởng Niệm vì biết ơn sâu xa về những gì Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su đã làm cho họ.
TRIỂN VỌNG CÓ MỘT KHÔNG HAI
6. Chúa Giê-su lệnh cho các thiên sứ làm gì?
6 Hoạn nạn lớn sắp xảy ra nên chúng ta sẽ được khích lệ khi xem thêm những gì Khải huyền chương 7 nói về tín đồ được xức dầu và đám đông lớn thuộc chiên khác. Chúa Giê-su lệnh cho các thiên sứ tiếp tục giữ lại bốn ngọn gió hủy diệt. Họ không được thả những ngọn gió này trên đất cho đến khi tất cả các tín đồ được xức dầu được đóng dấu, tức được Đức Giê-hô-va xác nhận là trung thành (Khải 7:1-4). Phần thưởng cho lòng trung thành của anh em được xức dầu của Đấng Ki-tô là trở thành vua kiêm thầy tế lễ ở trên trời (Khải 20:6). Tất cả những ai hợp thành phần trên trời của gia đình Đức Giê-hô-va sẽ vui mừng khi thấy 144.000 tín đồ được xức dầu nhận phần thưởng trên trời.
7. Theo Khải huyền 7:9, 10, Giăng nhìn thấy ai trong khải tượng, và họ đang làm gì? (Xem hình nơi trang bìa).
7 Sau khi nhắc đến 144.000 vua kiêm thầy tế lễ, Giăng thấy một cảnh tượng hào hứng, đó là “một đám đông lớn” sống sót qua Ha-ma-ghê-đôn. Khác với nhóm thứ nhất, nhóm thứ hai này đông hơn và không có con số nhất định. (Đọc Khải huyền 7:9, 10). Họ “mặc áo trắng dài”, điều này cho thấy họ “giữ mình khỏi mọi vết nhơ” của thế gian Sa-tan cũng như trung thành với Đức Chúa Trời và Đấng Ki-tô (Gia 1:27). Họ hô lớn rằng họ được cứu rỗi nhờ những gì Đức Giê-hô-va và Chiên Con của ngài là Chúa Giê-su đã làm. Ngoài ra, họ cũng cầm nhánh chà là, cho thấy họ vui mừng chấp nhận Chúa Giê-su là Vua được Đức Giê-hô-va bổ nhiệm.—So sánh Giăng 12:12, 13.
8. Khải huyền 7:11, 12 cho chúng ta biết gì về gia đình trên trời của Đức Giê-hô-va?
8 Đọc Khải huyền 7:11, 12. Các tạo vật trên trời phản ứng thế nào khi thấy đám đông lớn? Giăng thấy gia đình trên trời của Đức Giê-hô-va tràn ngập niềm vui khi đám đông lớn xuất hiện và ngợi khen ngài. Gia đình trên trời của Đức Chúa Trời sẽ vui mừng khi thấy sự ứng nghiệm của khải tượng này, đó là đám đông lớn vượt qua hoạn nạn lớn.
9. Theo Khải huyền 7:13-15, hiện nay đám đông lớn đang làm gì?
9 Đọc Khải huyền 7:13-15. Giăng viết rằng đám đông lớn “đã giặt và tẩy trắng áo mình trong huyết Chiên Con”. Điều này có nghĩa là họ có lương tâm trong sạch và vị thế công chính trước mắt Đức Giê-hô-va (Ê-sai 1:18). Họ là những tín đồ đã dâng mình và báp-têm, thể hiện đức tin nơi sự hy sinh của Chúa Giê-su và có mối quan hệ tốt với Đức Giê-hô-va (Giăng 3:36; 1 Phi 3:21). Vì thế, họ hội đủ điều kiện đứng trước ngôi Đức Chúa Trời để “ngày đêm phụng sự” ngài trong sân trên đất của đền thờ thiêng liêng. Hiện nay, họ sốt sắng thực hiện phần lớn công việc rao giảng và đào tạo môn đồ, và đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu trong đời sống.—Mat 6:33; 24:14; 28:19, 20.
10. Đám đông lớn được đảm bảo điều gì, và họ sẽ thấy lời hứa nào thành hiện thực?
10 Đám đông lớn vượt qua hoạn nạn lớn được đảm bảo rằng Đức Chúa Trời sẽ tiếp tục chăm sóc họ, vì Kinh Thánh cho biết “đấng ngồi trên ngai sẽ giăng lều của ngài trên họ”. Lúc ấy, lời hứa mà chiên khác trông mong sẽ thành hiện thực: “[Đức Chúa Trời] sẽ lau hết nước mắt trên mắt họ, sẽ không còn sự chết, than van, khóc lóc hay đau đớn nữa”.—Khải 21:3, 4.
11, 12. (a) Theo Khải huyền 7:16, 17, ân phước nào đang đón đợi đám đông lớn? (b) Chiên khác có cơ hội làm gì khi tham dự Lễ Tưởng Niệm, và điều gì thúc đẩy họ làm thế?
11 Đọc Khải huyền 7:16, 17. Hiện nay, một số tôi tớ Đức Chúa Trời chịu cảnh đói nghèo vì tình trạng khủng hoảng kinh tế, sự bất ổn xã hội hoặc chiến tranh. Số khác bị bỏ tù vì đức tin. Tuy nhiên, những người thuộc đám đông lớn vui mừng vì biết rằng khi được thoát khỏi sự hủy diệt của thế gian gian ác này, họ sẽ luôn có dư tràn thức ăn vật chất lẫn thiêng liêng. Khi thế gian Sa-tan bị hủy diệt, đám đông lớn sẽ không phải chịu ‘cái nóng nung đốt’ của cơn giận mà Đức Giê-hô-va trút trên các nước. Sau khi hoạn nạn lớn kết thúc, Chúa Giê-su sẽ dẫn những người sống sót trên đất đến “các suối nước sự sống [vĩnh cửu]”. Quả thật, đám đông lớn có triển vọng có một không hai. Trong số hàng tỉ người đã từng sống, họ có triển vọng không bao giờ chết!—Giăng 11:26.
12 Chiên khác có hy vọng thật tuyệt vời và họ rất biết ơn Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su về hy vọng ấy! Dù không được chọn lên trời, nhưng điều đó không có nghĩa là Đức Giê-hô-va yêu thương họ ít hơn những người được xức dầu. Cả hai nhóm đều có thể ngợi khen Đức Chúa Trời và Đấng Ki-tô. Một cách để họ làm thế là tham dự Lễ Tưởng Niệm.
HẾT LÒNG NGỢI KHEN TẠI LỄ TƯỞNG NIỆM
13, 14. Tại sao tất cả chúng ta nên tham dự Lễ Tưởng Niệm?
13 Trong những năm gần đây, cứ 1.000 người tham dự Lễ Tưởng Niệm thì có khoảng 1 người dùng bánh và rượu. Phần lớn các hội thánh không có người dùng các món biểu tượng. Do đó, đại đa số người tham dự Lễ Tưởng Niệm có hy vọng sống trên đất. Thế thì tại sao họ tham dự Bữa Ăn Tối Của Chúa? Hãy thử nghĩ về lý do mà một người tham dự lễ cưới của một người bạn. Người ấy tham dự vì muốn cho thấy mình yêu thương và ủng hộ cặp đôi đó. Tương tự, những người thuộc chiên khác tham dự Lễ Tưởng Niệm vì muốn cho thấy họ yêu thương và ủng hộ Đấng Ki-tô cùng các tín đồ được xức dầu. Chiên khác cũng tham dự vì muốn thể hiện lòng biết ơn về sự hy sinh của Chúa Giê-su, nhờ sự hy sinh ấy mà họ có triển vọng sống đời đời trên đất.
14 Chiên khác cũng tham dự Lễ Tưởng Niệm vì một lý do quan trọng khác, đó là họ vâng theo mệnh lệnh của Chúa Giê-su. Khi thiết lập buổi lễ đặc biệt này với các sứ đồ trung thành, Chúa Giê-su bảo họ: “Hãy tiếp tục làm việc này để nhớ đến tôi” (1 Cô 11:23-26). Vì thế, bao lâu các tín đồ được xức dầu còn sống trên đất, thì bấy lâu chiên khác sẽ tiếp tục tham dự Lễ Tưởng Niệm. Họ cũng mời mọi người tham dự buổi lễ ấy.
15. Chúng ta có thể ngợi khen Đức Chúa Trời và Đấng Ki-tô tại Lễ Tưởng Niệm bằng cách nào?
15 Tại Lễ Tưởng Niệm, chúng ta có cơ hội để ngợi khen Đức Chúa Trời và Đấng Ki-tô qua bài hát và lời cầu nguyện. Bài giảng năm nay có tựa đề: “Hãy biết ơn điều Đức Chúa Trời và Đấng Ki-tô đã làm cho bạn!”. Bài giảng này sẽ giúp chúng ta gia tăng lòng biết ơn Đức Giê-hô-va và Đấng Ki-tô. Khi chuyền các món biểu tượng, chúng ta sẽ được nhắc về ý nghĩa của bánh và rượu, tượng trưng cho thân thể và huyết của Chúa Giê-su. Chúng ta cũng sẽ được nhắc rằng Đức Giê-hô-va hy sinh Con của ngài để chúng ta có sự sống (Mat 20:28). Bất cứ ai yêu thương Cha trên trời và Con của ngài sẽ muốn tham dự Lễ Tưởng Niệm.
CẢM TẠ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA VỀ HY VỌNG NGÀI BAN
16. Tín đồ được xức dầu và chiên khác có những điểm chung nào?
16 Tín đồ được xức dầu và chiên khác có một số điểm chung. Cả hai nhóm này đều quý giá đối với Đức Giê-hô-va. Ngài không yêu thương tín đồ được xức dầu hơn chiên khác. Suy cho cùng, ngài trả cùng một giá là mạng sống của người Con yêu dấu để chuộc tín đồ được xức dầu và chiên khác. Điểm khác biệt giữa hai nhóm này là họ có hy vọng khác nhau. Cả hai nhóm cần phải giữ trung thành với Đức Chúa Trời và Đấng Ki-tô (Thi 31:23). Cũng hãy nhớ rằng thần khí của Đức Chúa Trời có thể tác động đến tất cả chúng ta giống như nhau. Điều này có nghĩa là Đức Giê-hô-va ban thần khí thánh của ngài cho mỗi tôi tớ tùy theo hoàn cảnh và nhu cầu.
17. Những tín đồ được xức dầu còn sót lại trông mong điều gì?
17 Các tín đồ được xức dầu không được sinh ra với hy vọng lên trời. Hy vọng ấy phải được Đức Chúa Trời đặt vào lòng họ. Họ suy nghĩ và cầu nguyện về hy vọng ấy, và háo hức được nhận phần thưởng trên trời. Họ không thể hình dung thân thể thần linh của mình sẽ như thế nào (Phi-líp 3:20, 21; 1 Giăng 3:2). Dù vậy, họ trông mong được gặp Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su và các thiên sứ. Họ cũng trông mong gặp những tín đồ được xức dầu khác và ở cùng họ trong Nước Trời.
18. Chiên khác trông mong điều gì?
18 Chiên khác quý trọng hy vọng vốn là điều tự nhiên đối với con người, đó là được sống đời đời trên đất (Truyền 3:11). Họ trông chờ đến ngày được góp phần làm cả trái đất thành địa đàng. Họ mong ước đến ngày tự mình xây nhà, trồng cây và nuôi dạy con cái trong tình trạng sức khỏe hoàn hảo (Ê-sai 65:21-23). Họ mong đợi được khám phá trái đất, chẳng hạn rừng núi và biển cả, và được học về vô số công trình sáng tạo của Đức Giê-hô-va. Nhưng điều khiến họ vui mừng nhất là biết rằng mối quan hệ của họ với Đức Giê-hô-va sẽ ngày càng mật thiết hơn.
19. Lễ Tưởng Niệm cho mỗi chúng ta cơ hội nào, và năm nay buổi lễ sẽ được cử hành khi nào?
19 Đức Giê-hô-va ban cho mỗi tôi tớ đã dâng mình hy vọng tươi sáng về tương lai (Giê 29:11). Lễ Tưởng Niệm cho mỗi chúng ta cơ hội tuyệt vời để ngợi khen Đức Chúa Trời và Đấng Ki-tô về những điều hai đấng ấy đã làm để chúng ta được hưởng sự sống vĩnh cửu. Chắc chắn Lễ Tưởng Niệm là dịp quan trọng nhất để các tín đồ thật nhóm lại với nhau. Lễ này sẽ được cử hành sau khi mặt trời lặn vào thứ bảy, ngày 27-3-2021. Nhiều người sẽ tham dự sự kiện này một cách tự do, không bị ngăn cấm. Số khác sẽ tham dự bất kể sự chống đối. Một số phải đối mặt với thử thách khi cử hành buổi lễ trong tù. Dù trong trường hợp nào, hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su và phần trên trời của gia đình Đức Giê-hô-va sẽ quan sát. Mong sao mỗi hội thánh, mỗi nhóm và mỗi cá nhân sẽ có một Lễ Tưởng Niệm tuyệt vời!
BÀI HÁT 150 Hãy tìm kiếm Đức Chúa Trời để được cứu rỗi
a Ngày 27-3-2021 là một ngày đặc biệt đối với Nhân Chứng Giê-hô-va. Vào chiều tối hôm đó, chúng ta sẽ cử hành Lễ Tưởng Niệm sự hy sinh của Đấng Ki-tô. Phần lớn những người tham dự sẽ thuộc về nhóm mà Chúa Giê-su gọi là “chiên khác”. Sự thật hào hứng nào về nhóm này được tiết lộ vào năm 1935? Triển vọng nào đang chờ đón chiên khác sau hoạn nạn lớn? Và làm thế nào chiên khác có thể ngợi khen Đức Chúa Trời và Đấng Ki-tô khi tham dự Lễ Tưởng Niệm?
b GIẢI NGHĨA: Chiên khác bao gồm những người được thu nhóm trong suốt những ngày sau cùng. Những người này đi theo Đấng Ki-tô và có triển vọng sống đời đời trên đất. Đám đông lớn là những người thuộc chiên khác còn sống khi Đấng Ki-tô phán xét nhân loại trong hoạn nạn lớn, và họ sẽ sống sót qua hoạn nạn lớn.
c GIẢI NGHĨA: Cụm từ “những người được xức dầu còn sót lại” nói đến các tín đồ được xức dầu hiện đang sống trên đất, dùng bánh và rượu tại Bữa Ăn Tối Của Chúa.